Kinh Lăng Già thuyết:
- Ngồi thiền tĩnh toạ trong núi rừng, bậc thượng trung hạ,
nên xem xét tự tâm vọng tưởng lưu chú. Đây chính là bí quyết công phu của đức
Thế Tôn.
Kinh lại nói:
- Ý thức kia do tự tâm mà hiện; tướng của cảnh giới tự
tánh vốn là hư vọng. Sanh tử mênh mông như biển cả. Nghiệp thức mù mờ vô tri.
Những việc này, quyết phải độ tận hết. Đây là lời dạy của đức Như Lai về diệu
chỉ ngộ tâm.
Kinh lại thuyết:
- Từ trên chư thánh, tương chuyển truyền thọ, đều dạy rằng
vọng tưởng vốn vô tánh. Đó là nơi biểu thị tâm ấn bí mật, và là chỗ ông già mặt
vàng (đức Phật) dạy người nơi tham cứu thiết yếu.
Lại nữa, tổ Đạt Ma dạy ngài Huệ Khả (487-593):
- Ngoài ngưng các duyên, trong không cấp bách. Tâm như
tường vách, thì mới có thể nhập đạo.
Đây là lời dạy thiết yếu đầu tiên của tổ Đạt Ma về phương
pháp tham cứu. Lúc ngũ tổ Hoằng Nhẫn (602-674) tầm cầu người kế thừa, vừa nghe
Lục Tổ (638-713) nói: “Xưa nay không một vật”, nên bèn truyền y bát cho. Đó là
tông chỉ tương truyền tâm ấn.
Sau này, khi vào nam (tức Tào Khê) Lục Tổ lại dạy Huệ Minh:
- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi đó, gì là bản lai diện mục của
thượng toạ Minh ? Đó là bí quyết tham cứu mà Lục Tổ dạy người trong buổi đầu.
Đấy mới biết rằng từ trên Phật Tổ chỉ dạy người liễu ngộ tự tâm, nhận ra tự
tánh, mà chưa thuyết công án hay thoại đầu.
Sau đời tổ Hành Tư (660-740) ở Thanh Nguyên và tổ Hoài
Nhượng (677-744) ở Nam Nhạc, chư tổ sư tuỳ theo căn cơ mà khai thị; phần nhiều
đánh vào những chỗ nghi ngờ, khiến người xoay đầu chuyển não để đến nơi ngơi
nghỉ. Nếu có những kẻ chưa khai ngộ, tuỳ theo thời tiết nhân duyên, các ngài
giáng búa kềm. Đến đời tổ Hoàng Bá (776-856), Ngài bắt đầu dạy người tham khán
thoại đầu. Qua đời thiền sư Đại Huệ (1089-1163), Ngài lại cực lực chủ trương
dạy người tham khán công án của cổ nhân. Đây là nắm mũi mà gọi là thoại đầu, vì
muốn người thiết thật tỉnh ngộ.
Tại sao ? Chỉ vì trong ruộng thức thứ tám của các học
nhân, chứa đầy bao chủng tử tập khí xấu xa, mà niệm niệm đã huân tập sâu dầy,
nên mãi mãi bị tương tục lưu chuyển. Vọng tưởng không thể đoạn, thì chẳng làm
gì được. Cứ nắm chặt một câu thoại đầu vô vị vô nghĩa, hầu mong xả bỏ hết nội
ngoại tâm cảnh vọng tưởng. Vì xả bỏ chưa nổi nên dạy đề câu thoại đầu, như chặt
dây nhợ; vung một đao lên bèn đoạn dứt hết. Dòng ý thức chảy tương tục đến đây
bị cắt đứt.
Đó chính là quy tắc pháp thức ngoài ngưng muôn duyên,
trong không cấp bách, tâm như tường vách của tổ Đạt Ma. Nếu không dùng phương
pháp đó mà hạ thủ công phu, thì quyết không thể thấy được bản lai diện mục của
mình. Không phải dạy quý vị tham tầm suy nghĩ nơi ngôn ngữ của công án, như bàn
thảo đàm luận về nghi tình. Thiền sư Đại Huệ chuyên dạy người tham khán thoại
đầu, như hạ độc thủ bằng tâm lạnh lùng. Ngài dạy đại chúng:
- Tham thiền chỉ cần yếu bỏ hư tâm. Lấy hai chữ sanh tử
dán lên trán như nhắc mình đang bị thiếu nợ trăm nghìn đồng. Ngày đêm ba thời,
lúc ăn cơm uống trà, đi đứng nằm ngồi, cùng bạn bè đối đáp, nơi náo nhiệt chỗ
tĩnh lặng, đều giữ câu thoại đầu. - Con chó có Phật tánh không ? Tổ Triệu Châu
(778-897) đáp: - Không. - Quý vị chỉ lo xem khán thoại đầu tới lui, mãi đến lúc
không còn mùi vị, như đánh vào tường vách. Cuối cùng, như chuột chui vào sừng
trâu, bao điên đảo đều đoạn dứt. Phải lập tâm lâu dài cùng tự nhắc nhở tiến
bước, thì tự nhiên hoa tâm khai sáng, chiếu khắp mười cõi quốc độ. Một lần ngộ
bèn ngộ tận cùng triệt để. Trên đây là búa chày tầm thường mà lão nhân Đại Huệ
hằng dùng. Ý chỉ này dạy quý vị dùng thoại đầu để cắt đứt ý căn, hạ vọng tưởng.
Nơi vọng tưởng lưu chú không hành, phải nhìn lại bản lai diện mục của mình, chứ
không phải dạy quý vị tham tầm suy nghĩ về công án, rồi cho là nghi tình, mà
khởi tâm phân biệt thảo luận.
Lại nữa, bảo rằng hoa tâm được khai sáng, tức là chẳng do
từ người ngoài mà được. Đó là mỗi mỗi lời chỉ dạy của Phật Tổ, răn nhắc quý vị
phải tham cứu chính mình, chứ không tìm kiếm diệu ngữ của người khác. Ngày nay
tham thiền tạo công phu, người người đều bảo tham khán thoại đầu, phát khởi
nghi tình, mà không biết hướng vào gốc để tham cứu, cứ lo tầm cầu trên thoại
đầu. Cầu đến cầu lui, rồi chợt loé ra một tia sáng, bèn bảo là đã liễu ngộ,
liền thuyết kệ trình câu cú. Vì cho là rất hiếm được, nên nghĩ rằng đã đắc đạo,
mà không biết hoàn toàn đoạ trong lưới của vọng tưởng tri kiến. Tham thiền như
thế, có phải là làm cho mắt của người hậu thế bị mù loà chăng? Những kẻ thiếu
niên ngày nay, ngồi bồ đoàn chưa vững, mà dám xưng ngộ đạo. Nói càn nói bậy,
đùa giỡn với con quỷ tri kiến; xem việc tham thiền như món đồ chơi. Khi cơ
phong chợt vụt lên, thì tưởng rằng dùng ý kệ đó để đối đáp với cổ nhân. Nếu ngộ
đạo quá dễ dàng như người đời nay, thì người xưa chắc đã bất tài hết rồi. Ngài
Trương Khánh ngồi rách cả bảy chiếc bồ đoàn. Triệu Châu trong ba mươi năm không
dụng tâm tạp loạn. Nếu dựa vào dữ kiện này, thì căn tánh của người xưa chắc rất
đần độn, và chắc cũng không xứng để cầm đôi giày cỏ của người đời nay. Cứ mãi
tăng thượng mạng khinh người, và chưa được mà tự bảo đã được. Thật rất đáng sợ.
Thuở xưa, khi Thiền tông thạnh hành, nơi nơi đều có các
bậc minh nhãn thiện tri thức. Thiên hạ đầy dẫy những kẻ tham cứu thiền cơ, cho
đến nơi đây cũng còn khai phát, thì hà huống bảo rằng không có thiền. Thật ra,
chỉ vì hiếm tìm được thiện tri thức. Ngày nay nhà thiền vắng vẻ hoang tàn đã
lâu. Đôi khi, có nhiều người phát tâm tham cứu, rồi may mắn gặp được thiện tri
thức xem xét huyền cơ, tuỳ theo đương tình mà ấn chứng. Song, những học nhân
còn tâm thức thô thiển, tự cho rằng đã đạt đạo. Lại nữa, họ không tin thánh
giáo của Như Lai, chẳng tầm cầu đường lộ chân chánh, chỉ u mê tu hành, tức lấy
dấu ấn rẻ mạt mà cho là chân thật, nào biết tự mình lầm lạc và kéo người khác
lạc theo. Có phải đáng sợ lắm không ! Y cứ theo quyển Truyền Đăng Lục, có rất
nhiều vị tể quan và cư sĩ đạt đạo. Song, người trong trần lao vào thời nay,
giới thô không giữ, lại xúc loạn vọng tưởng, ỷ mình thông minh. Vừa xem qua
pháp tắc cơ duyên của người xưa, mỗi mỗi đều tự phụ, cho mình là bậc thượng
thượng căn, rồi ganh tỵ cơ phong, cũng tự bảo là đã ngộ đạo. Kẻ mù dẫn đoàn
người mù, tệ hại đến thế !
Ngày nay, lão nhân đề khởi tôn trọng nơi dụng công phu
chân chánh thiết thật của Phật Tổ, để cùng mọi người thương lượng. Các bậc cao
minh đạt sĩ, mỗi người hãy tự sửa mình chân chánh.
NHỮNG LỜI KHAI THỊ
CỦA ĐẠI SƯ HÁM SƠN
(Trích: Đường Mây Trong Cõi Mộng
Thích Hằng Đạt & Nguyên Phong Phóng tác)