Đạo
Phật là đạo thoát khổ, giáo lý của đạo Phật là giáo lý thoát khổ, nhằm
mục đích đưa con người đến an lạc, hạnh phúc và giải thoát khố đau. Do
vậy, giáo dục thiền định cũng không vượt ra ngoài các ý nghĩa trên.
Trong bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sanh, Đức Thế Tôn chỉ nói lên hai
mục đích chính, đó là “Khổ” và “Diệt khổ” mà thôi.
Sau đây người viết đi vào định nghĩa, tìm hiểu nội dung thử xem giáo
dục thiền định có phải là một nền giáo dục toàn diện hay không và có
thật sự đưa con người đến hạnh phúc và giải thoát khổ đau hay không? Đó
là những điểm then chốt của giáo dục Thiền định mà chúng ta cần tìm
hiểu dưới đây.
Thiền-Định, là âm Hán Việt dịch từ chữ ghép tiếng Phạn Dhyàna - Samàdhi; Thiền, dịch ý từ chữ Dhyàna; dịch âm là Thiền - Na,
dịch nghĩa là Tĩnh lự. Tĩnh lự là lựa chọn một vật rồi trầm tư trên
vật ấy, tâm hành giả dễ dàng hướng tới nhất tâm và có khả năng thiêu
hủy các phiền não; Định, dịch ý từ chữ Samàdhi, dịch âm là Tam
- muội, dịch nghĩa là tập trung, định tâm và nhất tâm. Khi tập trung
vào một đối tượng duy nhất thì tâm hành giả biết đối tượng ấy một cách
rõ ràng. Vậy Thiền định có nghĩa là vắng bặt các lậu hoặc phiền não và
dục vọng, tâm hành giả trở nên bừng sáng.
Thiền định, một loại hình giáo dục đặc thù, mang đầy ý nghĩa sắc thái
giáo dục của Phật giáo. Chính nhờ kinh nghiệm tu tập của bản thân, Đức
Thế Tôn đã khám phá ra Thiền Định mà không có một vị thầy nào đương
thời có thể hướng dẫn Ngài cả. Nhờ Thiền Định, Đức Thế Tôn đã giác ngộ
tròn đầy, chiếu trùm lên tất cả muôn sự muôn vật trong vũ trụ, rất độc
đáo và rất tuyệt diệu; đó là Ba Pháp Môn Vô Lậu: Giới, Định và Tuệ. Ở
điểm này, giáo dục Thiền Định chính là con đường giáo dục Giới, Định và
Tuệ, song cả hai đều đưa đến thắng trí, giác ngộ, giải thoát, Niết
Bàn.
Giới, Định và Tuệ là ba môn học vô lậu thứ nhất thì Thiền Định phải
là hai môn học vô lậu thứ hai. Sau khi thành tựu giới uẩn, hành giả đến
chỗ yên tĩnh, ngồi xuống, lưng thẳng, đặt niệm trước mắt, chánh niệm
tĩnh giác, nội tĩnh nhất tâm, để chế ngự tham ưu ở đời, loại bỏ năm
triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối và nghi)
thành tựu năm thiền chi (tầm, từ, hỷ, lạc và nhất tâm). Nhờ thành tựu
như vậy nên thân và tâm hành giả rất hoan hỷ và khinh an, đưa đến Thiền định và nhất tâm thực sự. Kinh Trường Bộ I, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu, trang 182 ghi:
“Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái, hân hoan sanh, do hân
hoan nên hỷ sanh, do hỷ sanh nên thân khinh an, do thân khinh an nên
lạc thọ sanh, do lạc thọ sanh nên tâm được định tĩnh.”
Ta có thể viết lại là, định sanh nhờ lạc thọ, lạc thọ nhờ thân khinh
an, thân khinh an nhờ tâm hoan hỷ, tâm hoan hỷ sanh nhờ tâm hân hoan.
Hân hoan, hỷ và lạc thọ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát
khởi Thiền định. Nói khác đi, trạng thái hỷ, lạc là trạng thái tươi mát đưa đến Thiền định.
Trong Trung Bộ I, Tiểu Kinh Ví Dụ Lõi Cây số 30, Đức Phật
dạy, Thiền là một cảm thọ, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm
có tứ, chỉ cho Thiền thứ nhất; một trạng thái hỷ lạc do định sanh,
không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm, chỉ cho Thiền thứ hai; một
trạng thái xả niệm lạc trú, chỉ cho Thiền thứ ba; và một trạng thái
không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chỉ cho Thiền thứ tư. Từ Thiền
thứ nhất đến Thiền thứ tư gọi là Bốn Thiền Sắc Giới; kế đó là Bốn Thiền
Vô Sắc Giới, tức là Tứ Vô Sắc Định.
Định thứ nhất là không Vô Biên Xứ. Đối tượng của định này là hư
không, không có biên giới. Hư không là một trong sáu đại : địa, thủy,
hỏa, phong, không và thức thứ sáu. Chúng ta lấy hư không làm đối tượng,
nhưng quán chiếu để thấy mối tương quan giữa hư không với năm yếu tố
còn lại: địa, thủy, hỏa, phong và thức.
Định thứ hai là Thức Vô Biên Xứ. Định này có đối tượng là thức, nhưng
thức này có tương quan với năm yếu tố kia: địa, thủy, hỏa, phong và
không.
Định thứ ba là Vô Sở Hữu Xứ; vô sở hữu xứ là không có gì cả, nhưng
không phải là hư không. Tri giác của chúng ta nhận thấy các sự vật độc
lập với nhau. Đối tượng của tri giác (tưởng) là tướng. Đi sâu vào tính
tương quan tương duyên của sự vật, chúng ta thấy mỗi sự vật đều chứa
đựng cả vạn hữu và vũ trụ. Cái này có vì cái kia có, cho nên chúng ta
vượt khỏi tướng, thấy rằng không sự vật nào hiện hữu riêng biệt, gọi là
vô sở hữu xứ.
Định thứ tư là Phi Tường Phi Phi Tưởng xứ. Tưởng này là tri giác. Mọi
hiện tượng phát hiện qua tưởng và tri giác của chúng ta, nhưng tri
giác ta biết không phản chiếu sự thật. Muốn thoát khỏi vọng tưởng, để
có thể tiếp xúc với thực tại, ta không nương vào tưởng nữa. Nhưng nếu
bỏ hẳn tưởng, ta trở thành vô tri vô giác như gỗ đá ở trạng thái phi
tưởng. Cho nên không dựa vào tưởng mà cũng không ở trong phi tường gọi
là phi tưởng phi phi tưởng. Ở mức Thiền thứ tám, người ta gạt bỏ hết
tất cả những tri giác có tác dụng chia cắt ra từng phần nhỏ. Nhờ thế ta
không còn bị lừa gạt bởi tướng sanh, diệt, nhiều, ít, có, không và vượt
khỏi tưởng gọi là phi tưởng. Nhưng ta biết rằng đó không phải là trạng
thái vô tri vô giác, cho nên ta gọi đó là phi tưởng và phi phi tưởng
không phải tưởng cũng không phải phi tưởng.
Cuối cùng hành giả đạt tới một trạng thái diệt thọ tưởng định, tức là
diệt tận định. Diệt được hiểu theo nghĩa của Tứ Thánh Đế. Diệt là diệt
khổ, tức là vắng mặt khổ đau và có mặt an lạc và hạnh phúc. Đến giai
đoạn này, thọ và tưởng vẫn còn, nhưng không do vô minh chi phối, thọ và
tưởng này hoàn toàn được soi sáng trong Tứ trí đúng ý nghĩa Duy Thức
học.
1. Thành Sở Tác Trí là trí tuệ biết vận dụng năm trần: (sắc, thanh, hương, vị và xúc) mà không bị kẹt vào năm trần.
2. Diệu Quát Sát Trí là trí tuệ có thể quan sát tất cả các hiện tượng một cách mầu nhiệm mà không bị kẹt vào vô minh.
3. Bình Đẳng Tánh Trí là trí tuệ thấy được tính tương quan tương duyên của mọi sự vật, thấy cái ta và cái không phải ta là một.
4. Đại Viên Cảnh Trí là trí tuệ làm một tác dụng chiếu soi như một tấm gương tròn sáng lớn, phản chiếu được bản chất của sự vật vô thường, khổ, vô ngã.
Với Tứ trí, trạng thái diệt thọ tưởng định lấy tứ trí làm căn bản.
Tất cả các thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, mạt na và a lại da vẫn
còn và vẫn còn thọ và tưởng. Song thọ và tưởng này không bị vô minh chi
phối, tức là không còn vọng thọ và vọng tưởng nữa, vì tất cả các khối
vô minh trong mạt na thức và tàng thức đã bị quét sạch. Tâm hành giả
khởi lên giác ngộ, đưa đến an lạc và hạnh phúc.
Với tâm định tĩnh thuần tịnh siêu nhiên, không phiền não lậu hoặc,
hướng tâm đến Túc Mạng Minh, hành giả thấy và nhớ được nhiều kiếp sống
trong quá khứ rõ ràng; hướng tâm đến Thiên Nhãn Minh, hành giả thấy và
biết được sự sống và sự chết của chúng sanh; và hướng tâm đến Lậu Tận
Minh, hành giả như thật tuệ tri: “Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là con đường đưa đến khổ diệt.”
Nhờ thấy và biết như vậy, tâm hành giả thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và
vô minh lậu. Đối với tự thân, hành giả đã giải thoát và thốt lên rằng :
“Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa.” Vị ấy chứng đắc Niết Bàn - hạnh phúc tối thượng và hoàn toàn giải thoát khổ đau.
Qua cách trình bày ở trên, chúng ta thấy Thiền định là sự giáo dục về tình cảm, cảm thọ và tâm lý.
Về tình cảm, Thiền định giúp hành giả thoải mái, hân hoan, phấn khởi, yêu thương và buông xả.
Về cảm thọ, Thiền định giúp hành giả nuôi dưỡng các
cảm thọ tốt đẹp như hỷ, lạc, xả và loại trừ các cảm thọ không tốt như
khổ, ưu. Ở giai đoạn này hành giả có được hạnh phúc.
Về tâm lý, Thiền định giúp hành giả chuyển hóa các
tâm lý xấu như năm triền cái và tham sân si, thành các tâm lý tốt như
năm thiền chi và vô tham vô sân vô si.
Cuối cùng, Thiền định giúp hành giả đoạn trừ các phiền não lậu hoặc
dục vọng và sợ hãi, đưa tâm hành giả đến an lạc và hạnh phúc theo đúng
con đường Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và giải thoát tri kiến. Đây là
điểm then chốt của Thiền định Kinh Pháp Cú số 378 và 381, Đức Phật dạy:
“Vị Tỷ Kheo mà thân, lời và ý đã lắng dịu, người có định tâm và
từ bỏ mọi bẩy mồi của cuộc sống, vị ấy được gọi là vị Tỷ Kheo tịch
tịnh.”
“Vị Tỷ Kheo đầy hỷ lạc trong giáo lý của Đức Phật sẽ đắc được Niết Bàn, hạnh phúc, giải thoát, chấm dứt các sanh y.”[1]
Thực vậy, Thiền định vốn là vắng mặt của mọi phiền não dục vọng, sợ
hãi và khổ đau và là sự có mặt của an lạc và hạnh phúc. Chính vì thế,
người ta dễ dàng áp dụng Thiền định vào đời sống cá nhân, gia đình, học
đường, xã hội, điều trị tâm, sinh lý và bảo vệ môi sinh. Như vậy,
Thiền định tới dây, đã thể hiện tinh thần giáo dục đặc thù của Phật
giáo quá rõ nét, nhằm giúp mỗi người biết rõ được mình, thông cảm được
với người, làm chủ được chính mình, làm chủ được với người, tin tưởng
vào chính mình và tin tưởng vào chính người. Giáo dục Thiền định, giúp
mình và người cảm thông với nhau, thương yêu nhau và xóa bỏ hận thù với
nhau, và giúp chúng ta trở về với cái tâm thanh tịnh sáng suốt sẵn có
của mình, và trở về với hơi thở chánh niệm, nở nụ cười tươi, làm an lạc
cuộc đời bằng con mắt quán chiếu.
Giáo dục Thiền định còn giúp chúng ta có một trí nhớ tốt, một thân
thể khỏe mạnh và cường tráng, loại bỏ các trạng thái tâm thụ động, mệt
mỏi tiêu cực, buồn chán, dao động và loại bỏ các bệnh tật như điên
cuồng loạn trí. Chính vì Thiền định có một năng lực mầu nhiệm như thế
nên các Bác sĩ có thể áp dụng Thiền định vào việc chữa trị bệnh tâm
thần, các nhà vận động viên có thể áp dụng Thiền định vào việc tập thể
dục, các nhà bác học có thể áp dụng Thiền định vào trong phòng thí
nghiệm và các giáo viên, sinh viên, học viên có thể áp dụng Thiền định
vào việc giảng bài, soạn bài và làm bài...
Ở phương Tây như nước Pháp, Mỹ, Đức..., Thiền định được ứng dụng vào
việc sử dụng máy vi tính, gọi điện thoại, lái xe, tưới cây, làm vườn,
ăn cơm, nấu cơm...
Ở phương Đông như nước Nhật, người ta áp dụng Thiền định vào võ
thuật, múa kiếm, bắn cung, họa, thi ca, trà đạo và cắm hoa. Người Nhật
xem Thiền định như sắc thái văn hóa của dân tộc Nhật trong thời cận đại
và hiện đại.
Ở ấn Độ cổ đại, Vua A Dục (Asoka 302 TTL - 233 TTL), một vị vua lừng
danh trong khắp thiên hạ, đành gác kiếm và dùng Thiền định để giáo dục
dân Ấn thời bấy giờ, thay vì giáo dục dân chúng bằng luật pháp. Nguyên
văn bia ký “Les incription d’Asoka” (Jules Bloch, paris, société
d’édition “Les Belles Lettres” 1950) ghi:
“Tiến bộ của luật pháp trong loài người chỉ có hai phần, do các
luật lệ và do Thiền định. Nhưng các luật lệ thì có ích lợi ít, Thiền
định thì có lợi ích nhiều hơn.”
(Ce progès de la loi prami les hommes a été obtenu de deux facons
seulement, par les règiles de la loi ét par la méditation. Mai sur ce
point, les régles sont peu de chose, la méditation comple davantage).[2]
Riêng ở Việt Nam, trong suốt bốn trăm năm dưới hai triều đại nhà Lý
và nhà Trần, Thiền định, đã được thấm nhuần vào nền văn hóa của dân
tộc, dã được áp dụng vào việc đoàn kết quân dân, bảo vệ đất nước, chống
giặc ngoại xâm và đã tạo nên một giai đoạn lịch sử vàng son của thời
đại bấy giờ. Triều đại nhà Lý thì Bắc đánh Tống, Nam Bình Chiêm; triều
đại nhà Trần trong vòng bốn năm thì đã ba lần đánh thắng quân Nguyên,
một đạo quân hùng mạnh đã đánh bại cả châu Âu. Lịch sử Việt Nam đã ghi
rõ những kết quả thành tựu của Thiền định vào thời ấy là điều đúng sự
thật.
Qua đó chúng ta thấy, dù Tây phương hay Đông phương, Thiền định đóng
một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Các nhà tương lai
học dự định rằng thế kỷ XXI phải là thế kỷ của hòa bình - Thiền định,
thế kỷ mà mọi người gặp gỡ với nhau bằng những ý nghĩ, lời nói và việc
làm hòa bình, hòa hợp và đoàn kết trong giờ phút hiện tại.
Tóm lại, Thiền định giúp chúng ta chánh niệm tĩnh giác trong từng cử
chỉ và hành động. Khi thân và tâm ta trạo cử và loạn động, chúng ta
quay về với chánh niệm để điều phục thân và tâm của mình. Thiền định
giúp chúng ta có một đời sống an lạc và hạnh phúc, thanh lọc các phiền
não tham, sân, si, hướng đến tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Thiền
định là pháp lạc, là niềm vui cho những ai thường xuyên thực tập và
hành trì. Như vậy giáo dục Thiền - Định sẽ có một dấu hiệu tốt, một
nhân tố tốt cho nền gíáo dục nhân bản và toàn diện. Giáo dục này đóng
góp một cách thiết thực vào một nền văn hóa, văn minh cho nhân loại và
có thể xây dựng một cộng đồng xã hội hạnh phúc bằng đức trị, một quốc
gia hùng cường và một thế giới hòa bình và thịnh vượng.Thực vậy, giáo
dục Thiền định chính là con đường duy nhất đưa con người đến an lạc,
hạnh phúc và giải thoát khổ đau. Chính vì thế trong lời di huấn sau cùng
của Đức Thế Tôn ở trong Trung Bộ I, Kinh Đoạn Giảm số 8, phần kết, Ngài khuyên dạy mọi người, dù bất cứ ở đâu hãy nên tinh tiến Thiền định, chớ để bỏ lỡ cơ hội về sau.
“Đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống, hãy nỗ lực
Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Đây là lời giáo
huấn của Ta cho các người.”
Kính chúc Quý vị an trú và thấm nhuần giáo pháp của đức Thế Tôn!
ĐĐ.TS Thích Trừng Sỹ
Cước chú:
[1] Thượng Tọa Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân Tính qua Kinh Tạng Pàli, NXB.TP.Hồ Chí Minh, 1996, trang 176.
[2] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Ban Giáo Dục Tăng Ni ấn hành, 1993, trang 95.