Bằng tinh thần nhập
thế của Đạo Phật, Thiền hòa quyện vào đời sống nhờ tính chất thực
tiễn, linh hoạt và bình đẳng, làm cuộc sống con người trở nên tốt
đẹp hơn. Đồng thời, nhờ uyển chuyển tùy duyên một cách hiệu quả nhất,
nên Thiền trở thành muôn màu muôn vẻ, phù hợp với tất cả mọi
người.
1. Tính thực tiễn:
Nhà đại bác học Albert Einstein từng
thừa nhận “Nếu có một tôn giáo phù hợp với những yêu cầu của khoa
học hiện đại, thì đó là đạo Phật”. Để “phù hợp với những yêu cầu
của khoa học hiện đại”, trước tiên đạo Phật phải có tính thực tiễn, vì
khoa học không chấp nhận mê tín thần quyền. Yêu cầu này cũng là chủ
trương của đạo Phật, một đạo trí tuệ và vô cùng thực tiễn. Thiền tông,
một tông phái trong nhà Phật càng đặt nặng tinh thần này.
Thiền sư Suzuki nói: “Thiền là biển
nước, là không trung, là núi non, là sấm sét, là hoa xuân nắng hạ tuyết
đông. Không những thế mà còn hơn thế, Thiền chính là con người” .
Thấy biển nước không trung một cách sâu xa tức tự tri tận bản chất các
pháp. Thiền không phải xa rời thế giới hiện thực để tìm kiếm một thế
giới lý tưởng xa vời, mà là thực tại nhiệm mầu khi tâm ta bất động nơi
đương xứ. Thiền không phải biểu hiện trên từ chương ngôn ngữ, trong khái
niệm tư duy, mà hiện sinh trong từng giây phút của đời sống thiền tập.
Khi trở về bản thể thanh tịnh và hằng tri, an trú vào giờ phút hiện tại
bất động, chánh niệm tỉnh giác trên từng biến đổi động thái của sự vật
và bản thân, hành giả nhận rõ rằng, Thiền-Đạo–bản thân và muôn pháp thật
sự không hai không khác.
Một Sa-di đến hỏi Ngài Tùng Thẩm Triệu
Châu:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Ngài hỏi lại:
- Chú ăn cháo chưa?
- Bạch Hòa thượng, con ăn rồi.
- Rửa chén đi!
Sa-di liền ngộ, sụp lạy tạ ơn.
Sự ngộ đạo sao quá dễ dàng đơn giản?
Nghĩa lý nào ở chỗ ăn cháo rửa chén? Nếu công phu của chúng ta chưa có
chiều sâu, ta khó thể hiểu ý nghĩa thâm trầm trong câu chuyện nầy. Sa-di
đã từ lâu thao thức, từ lâu tinh cần công phu mà vẫn chưa tỏ ngộ lý
Thiền nên cầu sư phụ chỉ dạy Pháp yếu. Ngài Triệu Châu hỏi “Ăn cháo
chưa?” là một thủ thuật vì đương cơ mà quyền biến. Ai
biết ăn cháo, ai biết rửa chén ? Khi ăn cháo, rửa chén mà thầm nhận
người thật sẵn đó thì rõ ràng Thiền có mặt trong những công việc tầm
thường ấy. Chúng ta quá phức tạp, tâm cứ lăng xăng rối rắm, làm việc này
nghĩ việc khác nên tâm không thấy cái xuất trần ngay trong trần tục. Vị
Sa-di đã dọn sẵn tâm mình, nên khi Ngài Triệu Châu điểm nhẹ, cửa tâm
liền mở rộng đón nhận chân lý ngàn đời.
Đức Phật xuất gia tìm đạo và giác ngộ ở
tại thế gian. Các bậc Thánh đệ tử của Ngài và những vị Tổ sư cũng tu
nơi cõi trần mà thành đạo. Những bậc Đại Bồ-tát Nhất sanh Bổ xứ cũng
phải vào cõi Ta-bà lần cuối mới công viên quả mãn, chứng đạt quả vị tột
cùng. Phải ở chốn bùn nhơ thì hoa sen mới nở, người tu phải gieo hạt
giống Bồ-đề nơi phiền não khổ đau. Chúng ta cũng như thế, ngay thân năm
uẩn tại trần gian mà tìm sự sống chân thật, ngay những hoàn cảnh nghịch
thường mà tìm hạnh phúc đích thực, nếu biết biến chướng duyên thành
thắng duyên. Con người thường hay hứa hẹn, chờ thời điểm thuận tiện, chờ
giải quyết công việc gia đình, chờ hoàn thành công trình lớn nào đó mới
tu. Nhưng có chắc rằng lúc ấy ta còn cơ hội tu không ? Thân có khoẻ,
tiền của có nhiều mới tu, chẳng lẽ thân bệnh nhà nghèo không tu được ?
Nếu có chánh kiến, nắm vững pháp tu thì bất cứ lúc
nào và ở đâu ta cũng có thể dụng công; đời tu của ta rất nhẹ nhàng mà
hiệu quả. Người biết tu cần tìm sự vi diệu ở ngay những hiện tượng sự
vật bình thường trong cuộc sống. Một đóa hoa dại bên đường, một tiếng
chim hót trên cao, ngay cả một lời nói thông tục, nếu ta thấy nghe bằng
chánh niệm, tất cả sẽ là những bài học sống động diệu thường.
Vì đề cao tính thực tiễn trong sinh
hoạt và tu học, nên nhà Thiền không chú trọng thần thông. Thần thông
diệu dụng đối với Thiền tông là những công việc thường nhật, khi làm với
tâm không. Từ bản tánh thanh tịnh khởi phát diệu dụng, diệu
dụng ấy thiết thực phục vụ cho chúng sanh muôn loài. Bàng Long Uẩn nói:
Thần thông và diệu dụng
Gánh nước bửa củi tài.
Trong kinh A-Hàm đề cập ba loại thần
thông: Thần túc thông là khả năng đi khắp tất cả chỗ một cách
tự do tự tại; Tha tâm thông là khả năng biết mọi ý nghĩ của
người khác. Hai loại thần thông nầy không quan trọng đối với đạo Phật,
đôi khi làm trở ngại đường tu vì khiến hành giả tăng trưởng ngã chấp. Vả
lại, cố ý tu hành để đạt thần thông là hướng ngoại cầu huyền, trái với ý
chỉ của nhà Thiền là phản quan tự kỷ. Loại thứ ba là Giáo
hoá thần thông được Đức Phật khen ngợi và khuyến khích vì giúp ích
được người khác. Muốn có Giáo hóa thần thông, người tu phải có Đạo
thông; trước tiên phải rõ lý Đạo, nhận ra thể tánh bất sanh, sau
mới có thể giáo hoá người tịnh tu ba nghiệp, giải thoát phiền não kiết
sử, giải thoát sanh tử luân hồi.
2. Tính linh hoạt:
Hành giả sơ phát tâm rất cần những
chuẩn mực đạo đức, những nguyên tắc công phu để đường tu không lạc vào
ngã rẽ. Tuy nhiên, nếu chấp vào những khuôn khổ ấy một cách cứng nhắc,
ta sẽ không thấy rõ sự vận hành của cuộc sống, không uyển chuyển theo sự
vận hành ấy và vô tình, ta trở nên kẻ đứng bên lề.
Phật pháp không hiện diện trong trạng
thái tĩnh lặng khô chết, mà ở nơi sinh động hằng chuyển của thế gian
pháp. Khi nghe tiếng chim hót mà trực nhận tánh nghe, đó là phù hợp ý
Tổ. Thanh tịnh và hằng tri là hai mặt không thể tách rời, làm nên cội
nguồn Thiền học. Trên thực tế, ta thấy đời sống trong Thiền viện có vẻ
ấm êm yên ổn hơn ngoài đời, nhưng các vị tu sĩ đâu phải lúc nào cũng
trang nghiêm trầm mặc ? Đức Phật lúc còn tại thế, đâu phải suốt ngày tọa
thiền dưới cội cây, mà Ngài cũng đi đứng, nói năng, sinh hoạt như mọi
người. Trong một tập thể tu hành cần có những qui tắc cố định giúp người
tu thúc liễm thân tâm, nhưng nếu quá gò ép sẽ làm mất sức sống và khả
năng sáng tạo của cá nhân. Tinh thần Thiền là luôn linh hoạt sống động,
phù hợp với từng con người, từng hoàn cảnh, nhưng không bao giờ xa rời
lý Đạo. Đó là nội dung tùy duyên-bất biến.
Khi đã thấu tột yếu chỉ nhà Thiền, các
bậc ngộ đạo phát khởi diệu dụng nhiêu ích quần sanh một cách linh hoạt,
muôn màu muôn vẻ, tùy đương cơ mà thi thiết phương tiện. Nam Tuyền chém
mèo, Lâm Tế hét, Đức Sơn đánh, Câu Chi giơ ngón tay... là những hình ảnh
sáng tạo, độc đáo, khế lý khế cơ của các Thiền sư ngày xưa. Đến ngày
nay lại khác, con người khoa học đòi hỏi sự giảng dạy phải có tính sư
phạm, những ý nghĩa thâm sâu uyên áo phải được diễn đạt bằng ngôn ngữ lý luận khúc chiết; nên mới có chủ trương
Thiền-Giáo song hành. Đến với từng dân tộc, Thiền còn hòa nhập vào phong
tục tập quán và lối sống hàng ngày, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa
riêng của dân tộc ấy. Tại Trung Hoa, từ thời Tổ Bá Trượng với tinh thần
lao động “Một ngày không làm một ngày không ăn”, các hình thức Nông
Thiền ngày một phát triển. Các Thiền sư có lối dạy người thẳng
tắt, mộc mạc và đôi khi thô thiển; như khi nghe hỏi về tôn chỉ nhà Thiền
hay yếu lý trong Đạo, các Ngài hoặc đánh hét hoặc trả lời bằng những câu vô nghĩa “Ba cân gai”, “Dưới gót chân
ông” ... Ở Việt Nam lại khác, thời đất nước thịnh trị như
Đinh-Lê-Lý-Trần, các vị Thiền sư vừa giúp vua trị nước, chống giặc ngoại
xâm, vừa hướng dẫn môn đệ tu hành, như các Quốc sư Khuông Việt - Đỗ
Thuận - Vạn Hạnh ... Cùng những bậc minh quân và
hoàng thân quốc thích như vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung
Thượng Sĩ ... , đều là những trí thức đương thời, thông bác văn chương
kim cổ nên thường dùng thơ văn khi muốn khai thị cho đồ chúng. Chúng ta
hẳn nhiều lần nghe các câu kệ sau đây:
Mạc
vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Cáo tật thị
chúng - Thiền sư Mãn Giác)
Nghĩa:
Chớ
bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm
qua sân trước một cành mai.
Hoặc câu trả lời vua Lý Thái Tông của
Thiền sư Thiền Lão:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch
vân minh nguyệt lộ toàn chân
Nghĩa:
Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng
trong mây bạc hiện toàn chân
Tại Nhật Bản, Thiền lại mang màu sắc
khác, được ứng dụng vào các ngành nghệ thuật như cắm hoa, hội họa, uống
trà; sau đó phát triển sang các lĩnh vực khác như võ thuật, công kỹ
nghệ. Nhờ áp dụng công phu thiền tập trong đời sống hàng ngày, người
hành thiền có sức định tâm, tự chủ nên công việc đạt kết quả tốt, năng
suất cao. Hiện nay, một số xí nghiệp, trường học và cả trại giam ở Nhật
và các nước phương Tây đã tổ chức những giờ tọa thiền vào buổi sáng
trước khi làm việc. Qua nghiên cứu và theo dõi một thời gian, người ta
thấy Thiền giúp tăng sức tập trung, phát huy tính sáng tạo và phát triển
trí thông minh. Đặc biệt, người tu Thiền có sự vui sống, bớt căng thẳng
phiền não, bớt khuynh hướng bạo động, nên tỷ lệ tù nhân tái phạm tội
hoặc trốn trại giảm đi đáng kể. Từ đó, Thiền được xem như một phương
thức điều trị các bệnh tâm thần kinh; một liệu trình kết hợp để kiểm
soát những bất ổn của tim mạch, tiêu hoá ...; một phương pháp nâng cao
sức khoẻ, sức chịu đựng và khả năng lao động. Có thể nói, trong thời đại
khoa học thiên về vật chất hiện nay, Thiền là một gam màu linh động
không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của đời sống nhân loại.
3. Tính bình đẳng:
Tinh thần Đại thừa, nhất là Thiền tông,
đặt căn bản trên Phật tánh bình đẳng sẵn đủ, nên bất cứ
ai chứng ngộ chân tâm đều có thể thành Phật. Chú tiều Huệ Năng
đến Hoàng Mai bái yết Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cầu pháp làm Phật. Nghe Tổ hỏi “Ông
là người Lãnh Nam quê mùa thất học, có thể kham làm Phật được sao?”,
Huệ Năng liền đáp:
- Người tuy có Nam có Bắc nhưng Phật tánh đâu có Bắc Nam.
Thân quê mùa nầy vốn cùng Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh không
hề sai khác.
Triệt ngộ tự tánh nhờ nghe Ngũ Tổ giảng
kinh Kim Cang, Ngài được Tổ truyền trao y bát kế thừa Tổ vị, dù vẫn còn
thân cư sĩ. Sau 15 năm tị nạn ở Tứ Hội, đủ duyên ra hoằng hoá, lần đầu
gặp Pháp sư Ấn Tông giảng kinh Niết-bàn, Ngài luận giải những ý nghĩa
sâu mầu uyên áo đến nỗi Pháp sư phải chắp tay thưa “Tôi giảng kinh
như ngói gạch, nhơn giả luận nghĩa ví như vàng ròng”.
Kinh Pháp Hoa, các phẩm 9 (Thọ học vô
học nhân ký), 12 (Đề-Bà-Đạt-Đa), 13 (Trì) diễn tả rõ ràng tính bình đẳng
trong sự tu hành và đắc quả. Long nữ là loài súc sanh, được Bồ-tát Văn
Thù chỉ dạy pháp yếu, đốn ngộ Phật thừa, thoắt chốc liền thành Phật.
Những vị Tỳ-kheo ni như Kiều Đàm di mẫu, Da-Du Đà-La đều được Đức Phật
thọ ký. Thậm chí nhiều đời theo phá Phật như Đề-Bà Đạt-Đa, cũng vẫn có
phần. Một tiền thân của Đức Phật là Ngài Thường Bất Khinh, suốt đời chỉ
hành một hạnh duy nhất là nhắc nhở cho tất cả những ai gặp Ngài “Tôi
không dám khinh các người, vì các người sẽ thành Phật”. Trên thế
giới từ cổ chí kim, có lẽ chưa có vị giáo chủ nào tự đặt mình ngang hàng
với môn đệ và mọi loài chúng sanh như Đức Bổn sư của chúng ta.
Trong Thiền sử cũng kể chuyện nhiều vị
cư sĩ, dù gia duyên ràng buộc vẫn ngộ đạo và tự tại trước sanh tử. Gia
đình Bàng Long Uẩn lúc còn sống, cả nhà cùng tấu khúc vô sanh; khi hết
duyên, an nhiên thị tịch mỗi người một kiểu. Việt Nam có 5
đời vua Trần đều ra đi một cách an nhàn. Tuệ Trung Thượng Sĩ là hình
ảnh tuyệt vời của một bậc phong lưu tiêu sái, ở trong trần mà không chút
bợn nhơ.
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trên đời ([1])
“Thân ngoại vật” là thân không bị ràng
buộc bởi các duyên, dù ở nơi thế tục mà vẫn xuất thế. Người hoàn toàn
sống với Phật tánh sẵn đủ thì dù ở hoàn cảnh nào, dưới hình tướng nào,
cũng cùng Phật Thánh làm bạn.
Đoạn vấn đáp sau đây là một giai thoại
trong nhà Thiền:
- Năm nay Ngài bao nhiêu tuổi ?
- Tuổi tôi bằng tuổi
Phật Di –Đà
- Vậy Phật Di-Đà bao nhiêu tuổi ?
- Phật Di- Đà bằng tuổi
tôi.
Người không hiểu tinh thần bình đẳng
của nhà Thiền sẽ cho câu nói này là phạm thượng bất kính. Phật A-Di-Đà
là Đấng Giáo chủ ở cõi Cực Lạc, bằng 48 lời đại nguyện đã thiết lập Tịnh
độ Tây phương, tiếp dẫn chúng sanh. Ai có lòng tin đối với Ngài, với
cõi nước của Ngài; có tâm chí thành chí kính muốn sanh về Cực Lạc, niệm
danh hiệu Ngài đến nhất tâm bất loạn; thì khi mạng chung, Ngài và chư
Thánh chúng sẽ hiện đến trước mặt, tiếp dẫn về Tịnh độ. Đức Phật A-Di-Đà
là vị Phật đã thành đạo trước Đức Bổn Sư mười kiếp, làm sao có thể so
sánh tuổi mình với tuổi của Ngài ? Phật A-Di-Đà, Trung Hoa dịch là Vô
lượng quang và Vô lượng thọ, tức ánh sáng và thọ mạng vô lượng. Tự tánh
Di-Đà là Phật tánh thường hằng sẵn đủ ở mỗi chúng sanh. Chúng sanh mê
mờ, quên tánh giác đuổi theo ngoại trần (bối giác hiệp trần)
nên cứ lên xuống trong trần lao sanh tử ; chư Phật sống trọn vẹn với
Pháp thân thường trụ, không nhiễm trần cấu (bối trần hiệp giác)
nên là những bậc giác ngộ Giải thoát. Nhưng dù chúng sanh còn vô minh
còn luân hồi, Phật tánh vẫn thường nhiên, bình đẳng cùng chư Phật. Thẩm
thấu được điều này, chúng ta có cơ sở để phấn đấu không mệt mỏi, chỉ cốt
đạt mục đích cuối cùng. Biết và tin chắc mình có chánh nhân thành Phật,
đó là động cơ khích lệ vô cùng quý báu trên đường đạo thăm thẳm và đầy
cạm bẫy chông gai.
([1]) Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều