PHÉP THIỀN ĐỊNH VÀ CÁC HỌC PHÁI (BÀI 2)
Hoang Phong chuyển ngữ
Lời giới thiệu của người dịch
Trên
bình diện tổng quát thì tất cả các tôn giáo - kể cả Phật Giáo dưới một vài hình
thức biến dạng mang tính cách đại chúng - đều hướng vào chủ đích tạo ra một đối
tượng nào đó cho con người bám víu. Ngược lại Dharma tức là Đạo Pháp của
Đức Phật thì lại nhất thiết chủ trương một sự buông xả để giúp con người trở về
với chính mình, nhờ vào sức mạnh mang lại từ lòng quyết tâm tự biến cải chính mình.
Sự biến cải đó gọi là thiền định.
Một
tập san Phật giáo vừa được ra mắt ở Pháp vào tháng 9 năm 2013 và trong số đầu
tiên đã đặc biệt nêu lên chủ đề thiền định. Bài mở đầu do một học giả Pháp rất lỗi
lạc là Philippe Cornu viết (đã được chuyển ngữ), nêu lên một vài nét chính yếu
của phép luyện tập này, và tiếp theo đó là một loạt các bài viết khác xoay
quanh cùng chủ đề. Tập san mang tựa là Regard
Bouddhiste, có thể tạm dịch là Hướng
nhìn Phật Giáo.
Trong
số các hướng nhìn khác nhau về thiền định nêu lên trong tập san, chúng tôi xin
chọn ra ba bài đại diện cho Phật Giáo Tây Tạng, thiền học Zen và Phật Giáo
Theravada. Tất nhiên là nội dung trong các bài báo ngắn không thể so sánh với những
gì thật sâu sắc và chi tiết trong kinh sách và các bài khảo cứu, thế nhưng cũng
có thể mang lại cho chúng ta một ý niệm nào đó về một phép luyện tập chủ yếu và
không thể thiếu sót đối với những người tu hành chân chính. Ba bài này sẽ được
lần lượt chuyển ngữ dưới đây:
bài 1: Phỏng vấn nhà sư Ringou Tulkou Rinpoché (Lạt-ma Tây Tạng)
bài 2: Zazen hay tư thế ngồi thiền (Thiền sư Pierre Dôkan Crépon)
bài 3: Như một dòng nước yên lặng đang luân lưu (Tỳ-kheo Khất Sĩ Ajahn Chah)
Hình bìa tập
san Regard Bouddhiste
(số tháng 9
và 10 / 2013)
Bài 2
Zazen hay tư thế ngồi thiền
Thiền sư Pierre Dôkan Crépon
Bài dưới đây được trích từ một quyển sách của
thiền sư Pierre Dôkan Crépon mang tựa là "
Nghệ thuật ngồi thiền" (L'Art du
zazen, nxb Sully, 2012), trình bày một vài khía cạnh của phép luyện tập
zazen và cũng là cốt lõi của cả học phái Tào Động (Sôtô). Đối với học phái này thì
zazen hay tư thế ngồi thiền (nghĩa từ chương của chữ zazen là "thiền định
bằng cách ngồi") không đơn giản chỉ là một phương pháp hay một công cụ
giúp mang lại một thể dạng tâm thần đặc biệt nào cả, mà đúng hơn là một cách
phát lộ trực tiếp bản thể giác ngộ của người tu tập. Quan điểm đó được diễn tả bằng
một câu tóm lược như sau: "sự luyện tập và sự thực hiện cũng chỉ là Một thứ",
thật vậy toàn bộ giáo huấn zazen cũng chỉ căn cứ vào ý nghĩa của câu ngắn gọn này.
Thiền sư Pierre Dôkan Crépon (1953-)
Pierre Dôkan Crépon luyện tập thiền định từ năm 20 tuồi, được
chính thức thụ phong tỳ kheo với Thiền sư Taisen Deshimaru vào năm 1975. Sau đó
ông xin thụ giáo với Thiền sư Shinzan Egawa Jenzi và cùng tu tập với vị này ở
ngôi chùa Sojiji rất nổi tiếng ở Nhật. Ông từng là chủ bút tập san "Zen"
của Hội Thiền Học Quốc Tế (AZI) từ năm 1977 đến 1987, và cũng từng là chủ tịch
Tổng Hội Phật Giáo Pháp từ năm 2003 đến 2007, và hiện là đương kim chủ tịch Hội
Thiền Học Quốc Tế.
Zazen cũng chỉ đơn
giản có nghĩa là ngồi xuống
Zazen (Za là ngồi, Zen là
thiền định) có nghĩa là ngồi lên một cái gối (tọa cụ), hai chân bắt tréo vào
nhau, toàn thân giữ thẳng. Ngồi xuống là một việc thật quan trọng và phải làm trước
nhất. Các chi tiết khác của tư thế ngồi - chẳng hạn như phải bắt tréo hai chân
như thế nào, hai bàn tay phải đặt lên nhau như thế nào, mắt phải hướng ra trước
mặt như thế nào, v.v... - tất cả phải thật chính xác, do đó tốt hơn hết là nhờ
một người sành sỏi trực tiếp chỉ dẫn cho mình phải ngồi như thế nào cho thật đúng
cách (thật ra
thì nên học hỏi trực tiếp tại các trường dạy thiền hay dojo. Trong những buổi hành
thiền tập thể sẽ có các vị sư giữ trọng trách theo dõi, nếu thấy mình ngồi sai thì
sẽ yên lặng đến bên cạnh để giúp sửa lại tư thế. Thường cần phải để ra nhiều
tháng hay nhiều năm mới tạo được một tư thế đúng cách và tự nhiên, bởi vì sau
khi ngồi được một lúc thì chúng ta thường hay quên không còn chú ý đến tư thế
ngồi của mình xem có còn giữ đúng hay không. Đây cũng là một cách phản ảnh bản
chất nghiêm khắc, chính xác và quy củ của người Nhật). Ngày nay các
trung tâm dạy thiền được thiết lập khắp nơi, nên việc này cũng không phải là quá
khó (xin hiểu là
tác giả viết cho những người đọc ở Pháp ngày nay). Zazen (tư thế ngồi
thiền) biểu trưng cho sự Giác Ngộ của chính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni được lưu
truyền và tiếp nối cho đến ngày nay, vì thế sự tiếp nối ấy mang tính cách thật quan
trọng và nhất thiết không đơn giản chỉ là một phép luyện tập thiền định thông
thường (ngồi xuống
thật vững vàng, hai chân bắt tréo, toàn thân vươn lên, uy nghi và im lặng như một
quả núi, tương tự như một vị Phật đang ngồi: nói cách khác là ngồi xuống như một
vị Phật và để trở thành Phật). Học phái Tào Động (Sôtô) là một dòng
thiền được hình thành ở Ấn Độ, được truyền sang Trung Quốc, Nhật Bản và du nhập
vào thế giới Tây Phương bắt đầu từ thế kỷ vừa qua. Zazen (thiền định bằng tư thế
ngồi) không nhắm vào một sự thực hiện nào cả, có nghĩa là không tập trung tâm
thức hướng vào một thứ gì cả, chẳng hạn như một vị thần linh, một câu man-tra (một câu tụng niệm
mang tính cách thiêng liêng), một hình tượng, cũng không suy tư về một
vấn đề nào cả, dù là cá nhân hay giáo lý. Đồng thời cũng không tìm cách khơi động
hay ngăn chận một tư duy nào cả, cũng không cố gắng tạo ra một thể dạng tinh
khiết hay một thể dạng tri thức đặc biệt nào cả. Chỉ cần ngồi xuống và giữ toàn
thân trong một tư thế thật đúng. Dưới khía cạnh đó Zazen là một phép tu tập thật
hết sức đơn giản, thế nhưng thật ra là hết sức thâm sâu, hướng sức sống của người
hành thiền vào một bầu không gian thật rộng lớn.
Cứ để cho tư duy
trôi đi một cách tự nhiên
Vị Thầy
Keizan (Keizan Jokin, 1268-1325) có nói rằng điều cần phải ghi nhớ khi luyện tập
zazen (Zazen Yojinki) là: "Trong khi ngồi thiền, phải gác sang một bên tất
cả mọi chuyện và cứ để cho các thứ nối kết (association / sự liên kết giữa các tư duy đưa đến mọi thứ
lo toan, mưu tính...) tự tan biến đi". Gác sang một bên tất cả
mọi chuyện đang làm mình bận tâm và lo nghĩ tất nhiên không phải là chuyện dễ làm.
Vì thế thật hết sức quan trọng phải luyện tập chung với nhiều người khác trong những
nơi dành riêng cho việc hành thiền (thiền học chủ trương phải hành thiền chung với nhiều người
trong một thiền đường trang nghiêm, với các nghi thức được quy định thật chi tiết
và khắt khe. Ôm tọa cụ bước vào ngưỡng cửa thiền đường, nhìn lên bàn Phật để
vái lạy cũng là một cách bước vào một thế giới khác, một khung cảnh khác mang lại
cho mình một cuộc sống khác, giúp mình bỏ lại sau lưng những lo toan thế tục dễ
dàng hơn. Ngồi xuống với nhiều người khác cũng là một cách nương tựa vào sức mạnh
và bầu không khí nghiêm trang do tập thể tạo ra. Nếu không đủ sức cảm nhận được
sự trợ lực đó thì cũng có thể nhìn vào những người ngồi chung quanh để bắt chước
họ). Khung cảnh của thiền đường là một sự trợ lực không nhỏ, bởi vì
hành thiền một mình ở nhà sẽ khó gác sang một bên những công việc riêng tư. Sự
kiện "cứ để cho mọi sự lo toan tan biến đi" cũng có nghĩa là "để
mọi thứ tư duy trôi đi". Tư duy luôn có xu hướng kết nối và níu kéo nhau không
bao giờ ngưng nghỉ. Nếu cứ để cho các sự nối kết ấy tự tan biến, thì các tư duy
("nhẹ
nhàng" hơn phát sinh từ sự vận hành đơn giản của tri thức) mới
có thể hiện ra và biến đi và không lôi kéo mình tham gia vào sự tiếp diễn đó của
chúng (không tham
gia vào việc nối kết các tư duy làm phát sinh ra mọi thứ suy nghĩ, lo toan, mưu
tính và các thứ xúc cảm khác). Nếu muốn cho sự nối kết (giữa các tư duy
trong tâm thức) không thể xảy ra được thì không nên chú ý đến những
gì cất chứa bên trong tư duy, không nên nghe lời chúng (tư duy cũng chỉ là tư duy, dù chúng có chuyển
tải nội dung như thế nào thì cũng mặc. Nếu nhìn vào những gì chúng chuyển tải để
"liên kết" chúng với nhau, thì tâm thức mình sẽ bị tràn ngập ngay bởi
mọi thứ tính toán, lo nghĩ và xúc cảm đủ loại). Đức Phật có dạy rằng:
"Nghe lời tư duy có nghĩa là lọt ra ngoài ngưỡng cửa". Không nên nghe
lời tư duy là cách làm cho các sự nối kết phải tan biến đi, và đấy là cách giúp
tư thế zazen của mình được vững vàng hơn (xao động thì ngồi không yên): và đấy cũng chính là
cách giúp mình bước trở vào ngưỡng cửa để tìm về với thể dạng nguyên sinh của
chính mình. Vị Thầy Keizan cũng đã từng nói rằng: "Zazen sẽ khiến cho mọi
sự được nghỉ ngơi và luân lưu một cách tự nhiên, mở vào mười hướng của không
gian" (không
gian đối với một người bình dị có tám hướng, đối với một người tu tập có mười
hướng gọi là mười phương Phật: trên đầu và dưới chân cũng là hai hướng khác của
không gian, người hành thiền bắt tréo hai chân ngồi xuống, im lặng giữa không
gian bao la, trống không và vô tận).
Không hướng vào những
gì thuộc thế giới phàm tục
Người
hành thiền luyện tập một điều gì đó mà chính họ cũng không sao nói ra được, và
dù có tìm cách để bày tỏ điều ấy thì cũng không hiểu rằng mình có thấu triệt được
hay không để mà nói lên điều ấy.
Luyện tập zazen cũng có nghĩa
là quan tâm đến những gì không thuộc vào thế giới phàm tục. Điều đó không có
nghĩa là hướng ra bên ngoài, trốn tránh hay tự tách rời mình ra khỏi thế giới này.
Trái lại phải ý thức rằng việc tu tập của mình đang diễn ra ở giữa thế gian này
và cả ở bên trong con tim của chính mình nữa, đấy là cách xem thân xác mình như
một công cụ giúp mình tiếp cận với thế giới chung quanh. Vì thế luyện tập theo
con đường zazen cũng là một cách đi ngược lại với những quan niệm thường tình của
thế giới phàm tục. Người hành thiền không hướng vào một mục đích nào, cũng không
chờ đợi một sự thăng tiến tuần tự nào. Người hành thiền luyện tập một điều gì đó
mà chính họ cũng không sao nói ra được, và dù có tìm cách bày tỏ điều ấy thì cũng
không hiểu rằng mình có thấy triệt được hay không để mà nói lên điều ấy. Phép
luyện tập đó không liên quan đến bất cứ một giá trị nào của thế giới phàm tục,
tất cả mọi sự phận biệt (những sự diễn đạt, các quy ước...) đều bị xóa bỏ:
đàn ông, đàn bà, trẻ đẹp, già nua, quyền cao, chức trọng..., tất cả sẽ không còn
mang một giá trị nào nữa đối với một người khi đã ngồi xuống với tư thế zazen.
Nếu có ai cảm thấy hãnh diện về việc luyện tập của mình cũng như thành tích lâu
dài mà mình đã thực hiện được trước đây thì có nghĩa là người ấy đã hoàn toàn
sai lầm. Nếu mặt phải (của một sự vật) có sự phân biệt, thì mặt trái (của nó)
sẽ không có một sự phân biệt nào cả. Mặt trái thuộc bên ngoài thế giới phàm tục
và người tu tập phải hướng vào chính mặt trái ấy (mỗi khi chúng ta nhìn vào những người chung
quanh, dù họ là người thế tục hay tu hành, và nếu thấy họ mải mê và phờ phạc chạy
theo những giá trị phàm tục thì mình có cảm thấy khiếp sợ hay không? Hay mình
cũng nôn nóng tìm đủ mọi cách để tham gia với họ?). Nếu muốn thực hiện
được điều ấy thì phải thật cố gắng, kiên nhẫn và bền chí. Thế nhưng mặt khác nhờ
vào chính sự kiên trì ấy chúng ta cũng sẽ tận hưởng được một sự vui sướng nào đó
thoát ra từ một sự thỏa mãn thật sâu xa. Tuy nhiên không phải vì thế mà mình không
thụ hưởng được những gì của thế giới phàm tục (tuy tâm thức thoát tục thế nhưng hai chân mình
vẫn có thể tiếp tục bước đi giữa thế gian này, không khác gì những kẻ khác),
thế nhưng không được để cho những thứ ấy tàn phá mình (không được dừng chân lại với những giá trị
phàm tục), nếu không sẽ khó tránh khỏi nguy cơ đánh mất những gì thiết
thực (lạc hướng
trên con đường mà mình đang bước).
Thân xác vươn thẳng
cũng có nghĩa là tâm thức an bình
Luyện tập
zazen là chọn một phép ngồi với hai chân bắt tréo vào nhau và giữ lưng thật thẳng.
Đấy là tư thế thích nghi nhất giúp mình ngồi im, giữ sự yên lặng, hít thở dễ dàng
và tránh được mọi sự sự xao lãng. Ở Ấn Độ vào thời kỳ của Đức Phật cũng đã từng
có nhiều người tìm kiếm Con Đường (sự tu tập và giác ngộ) bằng các tư thế thật kỳ lạ:
chẳng hạn như đứng một chân, hai tay đưa ngược lên trời, hoặc bắt tréo một chân
ngược ra sau gáy (ý
nói đến các phép hành xác của các tín đồ đạo Ja-in vào thời kỳ của Đức Phật).
Ngay cả ngày nay người ta vẫn còn thấy các người sâdhu (Hán dịch là ni-kiền tử, là những người xa
lánh thế tục, để râu tóc mọc dài, trát tro lên người nhằm biểu trưng cho kiếp sống
tạm bợ và luân hồi của mình, họ sống bằng cách du thực, và chỉ lo luyện tập
du-già và tự hành xác...) thực thi các tư thế ấy. Vào các thời kỳ khi
Thiên Chúa Giáo mới bắt đầu phát triển ở Trung Đông và cả ở Tây Phương, cũng từng
có các tu sĩ khổ hạnh chuyên luyện tập các tư thế đặc biệt nhằm giúp mình tìm
kiếm Con Đường. Chẳng hạn như các "tu sĩ sa mạc" (moines du désert / monks of the desert / một
giáo phái Thiên Chúa Giáo) di chuyển bằng cách bò bốn chân, hoặc các
tu sĩ stylite (stylite
monks / một giáo phái khác của Thiên Chúa Giáo, chủ trương phái sống hành xác
trên đầu một cây cột), hoặc các tu sĩ người Ái-nhĩ-lan (Ireland) bắt
tréo hai tay vào nhau thành hình chữ thập và nhảy ùm xuống nước băng dá. Đức Thích-ca
Mâu-ni bác bỏ mọi hình thức khổ hạnh đại loại như thế, Ngài nói rằng "tất
cả mọi hình thức khổ hạnh đều không mang lại sự một an bình và thư thái nào cả cho
con người". Ngài dạy rằng chỉ cần ngồi xuống, lưng thẳng và hai chân bắt tréo
vào nhau. Trong một bài kinh Ngài có giải thích tại sao phải làm như thế:
"Nếu chú tâm giữ cho thân xác ngay thẳng thì con tim và tâm thức cũng theo
đó mà trở nên ngay thẳng. Với tư thế ngồi im và thân người thật thẳng con tim sẽ
không còn cảm thấy đớn đau". Nói đến con tim thì cũng là cách nói đến tâm
thức. Khi con tim mang những tâm ý đúng đắn (những xúc cảm chân thật và tinh khiết), thì tư
duy cũng ngưng nghỉ và an trú trong thực tại (tâm thức không tìm cách giàn xếp chuyện này
cũng không lo tính chuyện khác). Nếu con tim bị tán loạn (tức là chạy theo
tư duy) hoặc thân xác nhúc nhích hay lưng không thẳng, thì phải ý thức
ngay và sửa lại cho đúng. Một khi đã tập trung thật sâu vào tư thế zazen, thì sự
tập trung ấy sẽ hóa giải được các tư duy tán loạn và mọi sự xao lãng. Nếu kiên
trì luyện tập theo phương pháp ấy thì chúng ta cũng sẽ phát huy được một thể dạng
tập trung tâm thần thật bình lặng và vô biên.
Bures-Sur-Yvette,
03.11. 13
Hoang
Phong chuyển ngữ