KẾT
LUẬN
Ngày xưa, đời sống con người còn đơn giản, bình dị,
xã hội ít xô bồ, bon chen, nên người xuất gia chỉ biết tu học, ít bị tư
tưởng và cuộc sống bên ngoài chi phối. Ngày nay, phương tiện giao thông
và truyền thông phát triển, những thành tựu khoa học làm đời sống vật
chất của con người ngày càng cao. Một số người tu lại quá chú trọng kiến
thức thế gian mà quên vai trò quyết định của công phu hành trì. Cho
nên, nếu không được ở trong những tu viện nghiêm túc, nếu không khéo tổ
chức đời sống tu hành, thì rất khó thăng tiến trên đường đạo.
Đối với người tại gia, sự điều hòa về vật chất và
bình an nội tâm lại càng quan trọng. Nhiều người không hưởng được hạnh
phúc và sự bình ổn trong gia đình, nên đến chùa tìm sự nương tựa tinh
thần, hoặc làm công tác từ thiện giúp người khốn khổ hơn mình. Đó là
những việc thiện lành. Còn có những người không biết đạo lý, tìm vui
trong sự hưởng thụ, đắm mình trong trụy lạc để chạy trốn niềm đau tâm
hồn. Nhưng liệu họ có thấy hạnh phúc ở những nơi ấy không, hay sau những
giờ phút quên lãng trốn tránh, nỗi buồn khổ lại càng đè nặng? “Dục
phá thành sầu duy hữu tửu, Túy tự túy đảo sầu tự sầu”. Muốn phá
thành sầu, tưởng chỉ có rượu là biện pháp giải quyết, nhưng khi uống đến
say vẫn thấy sầu còn nguyên đó. Những người ấy thật rất đáng thương, vì
họ không biết rằng, hạnh phúc đích thực chỉ được tìm thấy trên mảnh đất
hiện tại, chứ không truy tìm được ở quá khứ hoặc tương lai hay ở nơi
nào khác.
Đạo Phật là đạo Giác ngộ và Giải thoát - Giải thoát
khỏi phiền não và giải thoát vòng sinh tử luân hồi. Những người con
Phật thấm nhuần chánh pháp đều có thể tự tìm thấy hạnh phúc đích thực
ngay trong cuộc sống nhiễu nhương. Buổi sáng thức dậy, thấy mình vẫn còn
sống và mọi vật như đang đón chào một ngày mới tinh khôi, ta mỉm cười
và nhận rõ sự nhiệm mầu trong từng phút giây hiện tại. Bằng Chánh niệm,
ta thấy mình đang có hơi thở nhẹ nhàng thông suốt, đang có đôi chân mạnh
khỏe để bước đi, đang có đôi mắt sáng để nhìn đời..., và ta thật sự có
hạnh phúc. Chúng ta biết mình có phước duyên mới được thân người, lại
gặp chánh pháp để tu hành, nên chúng ta biết trân quí từng phút giây của
cuộc sống, không làm điều gì tổn hại đến sức khỏe của cơ thể, đến sự
bình an của tâm hồn và đến sự trong sạch của môi trường xung quanh.
Thực hiện con đường nội nhiếp, chúng ta có một đời
sống tỉnh thức thường trực trên thân và tâm. Đây là tiền đề để khám phá
được tự tánh thanh tịnh bản lai của chính mình. Nho giáo có câu: “Tính
tương cận, tập tương viễn”. Tự tánh nguyên thủy của con người rất
gần gũi nhau, nhưng do huân tập ngoại duyên nên mỗi người mỗi tạo nghiệp
khác, đưa đến hoàn cảnh chánh báo và y báo khác nhau. Vì huân tập nên
xa cách, nếu trở về tánh bản lai thì sẽ thấy rất gần. Nhận được chân
tâm, chúng ta sẽ có sức sống rạt rào và nồng nhiệt với cuộc đời và mọi
người. Chúng ta sẽ thấy giải thoát là điều rất tự nhiên và có sẵn ngay
trong cuộc đời phàm tục này, chứ không phải ở đâu xa xôi. Rõ ràng là
Phật pháp có mặt ở khắp nơi, trong tách trà của Triệu Châu, trong chiếc
bánh của Vân Môn, trên ngón tay của Câu Chi và trong mọi công việc
thường ngày của chúng ta nữa. Tất cả mọi sự vật đều bình đẳng trong cái
nhất như, đều hiện toàn chân pháp tánh, khi ánh sáng Chánh niệm soi rọi
một cách thấu thể vào trong lòng muôn pháp.
Do thấy muôn loài chúng sinh đều bình đẳng, nên
chúng ta không quên những chúng sinh đang còn lang thang trong rừng rậm
vô minh, đang tạo nghiệp và thọ khổ không có ngày cùng. Chúng ta noi
gương các bậc Bồ tát và chư vị Tổ sư, phát đại nguyện tu Bồ tát hạnh,
hành Bồ tát đạo, thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh. Có lập đại thệ,
phát đại nguyện và hành đại hạnh như thế, chúng ta mới có thể đền đáp
trong muôn một ơn sâu dày của Phật-Tổ, mới xứng đáng là đệ tử của Đức
Bổn Sư./.