Sau Đại hội Hoạt Đài, danh tiếng
của Thần Hội ngày càng vang xa. Năm thứ tư, niên hiệu Thiên Bảo, đời
nhà Đường (CN 745), binh bộ thị lang Tống Đảnh thỉnh Thần Hội đến Lạc
Dương, ở chùa Hà Trạch. Từ đó về sau Thần Hội được gọi là “Hà Trạch
Thiền sư” và phái thiền do Ngài sáng lập cũng được gọi là “Hà Trạch
tông”. Do đó tư tưởng chủ yếu của Hà Trạch tông là lấy tư tưởng thiền
học của Thần Hội làm trung tâm. Sự truyền thừa của tông này chỉ được
khoảng bốn đời, trải qua thời gian hơn một trăm năm.
Trong lời tựa của tác phẩm “Thiền Nguyên
Chư Thuyên Tập Đô” của ngài Tông Mật, người tự xưng là đệ tử đắc pháp
đời thứ IV của Thần Hội đã khái quát được tư tưởng căn bản của thiền Hà
Trạch như sau: “Các Thánh đều nói: chư pháp như mộng huyễn, vọng niệm
vốn vắng lặng, trần cảnh vốn rỗng không, do có được tâm rỗng lặng như
thế mới biết rõ không lầm. Đây là cái biết rỗng lặng, là cái chân tánh
của tất cả mọi người. Hoặc mê hoặc ngộ, tâm mình tự biết, không theo
duyên sanh, không vì cảnh khởi. Chỉ một chữ “tri”thôi đã là cửa ngõ của
bao điều kỳ diệu. Do từ vô thỉ mê lầm vọng chấp thân này là ta nên khởi
lên những niệm tham, sân v.v... Nếu được thiện tri thức khai thị, liễu
ngộ được cái không vắng lặng, biết rõ mà không khởi niệm ai là ngã
tướng, ai là nhân tướng? Ngộ được các tướng không, tâm tự vô niệm; niệm
khởi tức giác, giác biết tức vô. Muốn tu hành pháp môn vi diệu, duy chỉ
có con đường này. Cho nên tuy tu đủ vạn hạnh, nhưng chỉ lấy vô niệm làm
tông chỉ.” Những điểm quan trọng của đoạn lược thuật vừa rồi gồm có ba
phần: Thứ nhất là “tri”, vốn là cửa ngõ của các pháp môn vi diệu; thứ
hai là pháp môn đốn ngộ; thứ ba là vô niệm làm tông.
Hàm
ý trong chữ “tri” của ngài Thần Hội có hai phương diện: Thứ nhất “tri”
tức là linh tri, bản giác, cũng chính là chân như, Phật tánh. Từ ý nghĩa
này nói lên “tri” tức là bản thể của tâm, là trạng thái tồn tại trống
không vắng lặng. Biết cái không vắng lặng tức là hiểu được bản nguyên
của vũ trụ vạn hữu, nó có thể biểu hiện dưới nhiều sắc tướng khác nhau
nhưng vẫn là một loại linh tri có thể nhìn thấy rõ được vô số sai biệt
hư huyễn không thật của sắc tướng. Tư tưởng này đã phản ánh được luận
thuyết Phật tánh của Thần Hội, Phật tánh luận này chính là kế thừa tư
tưởng của Lục Tổ Huệ Năng. Thần Hội xem Phật tánh chân như vốn là bản
chất duy nhất của con người và đây cũng là quan điểm căn bản của Nam
Thiền. Một phương diện khác, chữ “tri” theo Thần Hội còn có nghĩa là
“tri kiến”, “tri giải”. Thần Hội nói: “Tâm vô trụ không rời cái biết,
cái biết không rời tâm vô trụ”. Trí biết không có chỗ trụ, cho nên càng
không có trí biết nào khác”. (“Nam Dương Hòa Thượng Đốn Giáo Giải Thoát
Thiền Môn Trực Liễu Tánh Đàn Ngữ”) chữ “tri” ở đây nên được hiểu là “tri
kiến”. Do vậy thiền sư Vô Tướng chùa Bảo Đường phê phán rằng: “Hòa
thượng Thần Hội chùa Hà Trạch, Đông Kinh mỗi tháng khai đàn thuyết pháp
cho người, phá bỏ Thiền Thanh Tịnh, lập nên Như Lai Thiền, lập nên tri
kiến và ngôn thuyết.” (“Lịch Đại Pháp Bảo Ký”). Quả thực bản thân Thần
Hội cũng vô cùng tôn sùng tri kiến, ông cho rằng: “Người tuy chưa đủ
duyên tu hành nhưng có kiến giải, nhờ huân tập kiến giải lâu ngày mà tất
cả vọng tưởng phan duyên dần dần giảm nhẹ” (“Thần Hội Ngữ Lục”). Về sau
đệ tử Hồng Châu gọi công khai ngài là “môn đồ của kiến giải”, sở dĩ
Hồng Châu nói như vậy cũng có lí của Ngài. Đây là điểm khác biệt giữa
Thần Hội và Lục Tổ Huệ Năng.
Trong cuộc đấu tranh giữa Nam thiền và
Bắc thiền, Thần Hội đã nhiều lần đả kích “pháp môn tiệm giáo” của Bắc
thiền, ra sức xiển dương học thuyết đốn ngộ của Nam thiền, ông tuyên bố:
“Mỗi một lời nói của Lục Tổ thầy tôi đều chỉ thẳng tâm người, trực tiếp
thấy tánh chứ không dùng những ngôn từ mang tính phương tiện” (“trả lời
câu hỏi của Sùng Viễn pháp sư”). Tiến thêm một bước, Thần Hội còn xây
dựng pháp môn đốn ngộ của mình trên nền tảng của học thuyết “Nhất niệm
tương ưng”. Ngài cho rằng Phật tính và vô minh đồng thời có mặt, “nếu
giác thì là Phật tánh, còn không giác thì là vô minh”, giác và bất giác
chỉ trong một niệm, nếu “trong một niệm tương ưng” thì liền có thể thành
Phật: “Chỉ trong một niệm tương ưng mới có thể hiển bày được pháp môn
đốn ngộ, chứ không thể nhờ vào pháp phương tiện” (“Thần Hội ngữ lục”).
Thần Hội lấy điểm này để phản đối lại tư tưởng “dùng phương tiện để hiển
bày Phật tánh”, xem trọng sự tiệm tu của Bắc thiền. Lục Tổ Huệ Năng chủ
trương “Lấy vô niệm làm tông”, Thần Hội cho rằng: “Vô niệm” là mấu chốt
để thể ngộ Phật tính, đốn ngộ thành Phật. Cái gọi là lời nói và ý niệm
chỉ là cái dụng của chân như, còn chân như là thể của niệm. Do từ ý này
nên Ngài lập vô niệm làm tông, (“Thần Hội ngữ lục”). “Niệm” được phân
thành chánh niệm và vọng niệm, chúng đều là tác dụng của chân như; “vô
niệm” là chỉ cho không có vọng niệm, chứ không phải là không có tất cả
niệm. Thông qua tu tập pháp “vô niệm” mà thấy được chân tâm, lãnh ngộ
được “tự tánh rỗng lặng”, đạt đến trạng thái “tự tại giải thoát”.
Do đây có thể biết, tư tưởng căn bản của
thiền Hà Trạch là kế thừa tư tưởng đốn ngộ thành Phật của thiền Lục Tổ
Huệ Năng, chỉ khác là thiền Hà Trạch có thêm điểm “tri giải” mà thôi.
Theo: Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay