Dĩ nhiên chẳng ai muốn đau
khổ và mọi người đều cố gắng tìm kiếm hạnh phúc. Khắp nơi trên thế giới
nhân loại đang tìm đủ cách để ngăn ngừa hoặc làm vơi đi nỗi đau khổ và
tạo an vui hạnh phúc. Tuy nhiên mục đích chính yếu của họ chỉ nhằm tạo
hạnh phúc thể chất bằng phương tiện vật chất. Thật ra, hạnh phúc hay
không đều do ở tâm của chúng ta. Vậy mà rất ít người nghĩ đến vấn đề
phát triển tinh thần. Những người muốn rèn luyện tinh thần lại càng hiếm
hoi hơn nữa.
Để thỏa mãn những nhu cầu vật chất
người ta thường để tâm đến những việc tầm thường như tắm giặt sạch sẽ,
ăn mặc gọn gàng. Họ quan tâm nhiều đến việc kiếm thức ăn, quần áo, nhà
cửa. Tiến bộ khoa học đã giúp họ nhiều trong việc nâng cao đời sống vật
chất: chẳng hạn những tiến bộ trong sự chuyên chở và truyền tin, những
phát minh y học để ngừa bệnh và trị bệnh. Phải nhìn nhận những cố gắng
ấy rất ư là quan trọng, nhưng chúng chỉ giúp bảo vệ và nuôi dưỡng cơ thể
mà thôi. Những phát minh và những thành công đó không thể nào tiêu diệt
hay giảm thiểu được nỗi khổ của tuổi già, bệnh tật, gia đình xáo trộn
và khủng hoảng kinh tế.
Tóm lại, không thể nào thỏa mãn
nguyện vọng con người bằng phương tiện vật chất. Chỉ có sự rèn luyện
tinh thần mới có thể giúp con người vượt qua những nỗi đau khổ này. Bởi
vậy phải tìm một phương cách hữu hiệu để rèn luyện, ổn định và thanh lọc
tâm hồn.
Phương cách này được tìm thấy trong MahaSatipatthana
Sutta, một thời pháp mà đức Phật đã giảng dạy cách đây hơn hai
ngàn năm trăm năm. Đức Phật dạy: "Đây là con đường duy nhất để thanh
lọc tâm, chấm dứt lo âu, phiền muộn, tiêu diệt thân bệnh và tâm bệnh,
đạt thánh đạo và chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ".
Giai Đoạn Chuẩn Bị
Nếu bạn thật sự thực tập thiền để đạt
được tuệ giác giải thoát ngay trong kiếp hiện tại, bạn phải gạt bỏ mọi
tư tưởng và hành vi thế tục trong thời gian hành thiền. Làm như thế là
để trau dồi phẩm hạnh thanh cao. Đó là bước căn bản cho việc phát triển
thiền. Bạn phải giữ mình trong sạch, đạo đức vì đạo đức là bước chính
yếu để phát triển tuệ giác. Bạn phải giữ các giới luật của người phật tử
tại gia đối với các vị xuất gia phải giữ gìn giới luật mình đã thọ.
Trong khóa thiền tập nhiều ngày thiền sinh phải giữ tám giới (bát quan
trai).
1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không hành dâm
4. Không nói dối
5. Không uống rượu và các chất say
6. Không ăn sái giờ (quá ngọ không ăn)
7. Không múa hát, thổi kèn đờn, trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn, đeo
tràng hoa
8. Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.
Một điều nữa là không được có lời nói
hay hành động bất kính đối với những người đã có trình độ giác ngộ cao
(các bậc thánh).
Theo truyền thống các thiền sư xưa
thường khuyên bạn đặt lòng tin vào Đức Phật, vì như thế sẽ giúp bạn bớt
hốt hoảng khi những hình ảnh bất thiện hoặc sợ hãi xuất hiện trong tâm
bạn lúc bạn đang hành thiền. Trong lúc thiền tập bạn cũng cần có một
thiền sư hướng dẫn để chỉ cho bạn biết một cách rõ ràng mình đang thiền
như thế nào và kết quả đến đâu, cũng như để chỉ dẫn cho bạn khi cần
thiết.
Mục đích chính và thành quả lớn lao
của việc hành thiền là giúp bạn loại bỏ tham, sân, si - ba nguồn cội của
mọi khổ đau và tội lỗi. Vậy bạn hãy nỗ lực tích cực hành thiền với
quyết tâm loại bỏ tham, sân, si; có như thế việc hành thiền mới hoàn
toàn thành công. Cách thực tập thiền quán trên căn bản Tứ Niệm Xứ
(Satipatthana) này là phương pháp mà Đức Phật và chư thánh tăng đã hành
trì để giác ngộ. Bạn hãy vui mừng bởi mình có cơ duyên thực hành loại
thiền quí báu này.
Bốn điều bảo vệ hay quán tưởng sau
đây cũng rất cần thiết cho bạn khi bạn bắt đầu vào khóa thiền tập. Bạn
hãy suy tưởng đến Đức Phật, đến lòng từ ái, đến thân thể bất tịnh và đến
sự chết.
1. Trước tiên hãy tỏ lòng tri ân kính
ngưỡng Đức Phật bằng cách suy niệm đến những đức tánh thánh thiện của
Ngài:
"Con đem hết lòng thành kính làm lễ Đức Thế Tôn, Ngài là đấng toàn
giác, tỉnh thức, trí đức vẹn toàn, hiểu thấu đáo mọi sự, thầy của Trời
và người, đấng an lành và đem lại sự an lành".
2. Sau đó hãy hướng lòng từ ái đến
mọi chúng sanh, hãy hòa mình với tất cả mọi loài không mảy may phân
biệt:
"Mong cho tôi thoát khỏi thù hận, bệnh tật và phiền muộn. Mong cho
cha mẹ tôi, thầy tôi, bạn bè tôi cùng tất cả mọi người, mọi loài thoát
khỏi thù hận, bệnh tật và phiền muộn. Cầu mong tất cả chúng sanh thoát
khỏi khổ đau".
3. Hãy suy tưởng đến sự bất tịnh của
thân thể, đó là sự luyến ái bất thiện mà phần đông thường mắc phải. Hãy
chú ý đến tính cách bất tịnh, dơ dáy của dạ dày, ruột, đờm dãi, mủ, máu,
để loại bỏ những tư tưởng luyến ái bám víu vào xác thân.
4. Suy tưởng đến tình trạng mỗi người
đều tiến dần đến cái chết. Đấy là suy tưởng có lợi ích về phương diện
tâm lý. Đức Phật thường nhấn mạnh rằng : sự sống thật bấp bênh, tạm bợ,
nhưng cái chết là điều chắc chắn không thể tránh né. Mục tiêu cuối cùng
của đời sống là cái chết. Tiến trình của cuộc sống gồm có : sanh ra, già
đi, bệnh tật, khổ đau và cuối cùng là cái chết.
Lúc thực tập bạn có thể ngồi kiết già, hay bán già hoặc ngồi hai chân
không chồng lên nhau. Nếu thấy ngồi dưới sàn nhà khó định tâm hay làm
bạn khó chịu, bạn có thể ngồi trên ghế. Tóm lại, bạn có thể ngồi cách
nào miễn thấy thoải mái là được.
(còn tiếp)
Dịch giả:
Tỳ khưu Khánh Hỷ (Trần Minh Tài), Hiệu đính: Tỳ khưu Kim Triệu