Hôm nay nói đến thiền, quí vị không lấy gì
làm lạ, vì đó là chủ yếu của đạo Phật, không phải phương pháp nào xa
lạ, đối với người Phật tử hay đối với tất cả tăng ni. Nhưng thử hỏi đức
Phật giác ngộ cái gì mà thành Phật? Ai cũng chấp nhận và cũng hiểu rằng
Phật là giác, Phật Đà là người giác ngộ.
Nhớ lại phần lịch sử, khi
xưa do nguyên nhân nào Thái tử Tất-đạt-đa đi tu? Chắc ai cũng biết điểm
chủ yếu là sau khi dạo bốn cửa thành, thấy cảnh sanh già bệnh chết của
con người, Ngài xúc động mạnh. Đó là nguyên nhân thúc đẩy Ngài đi tu để
tìm phương pháp giải quyết vấn đề sanh già bệnh chết của con người nói
riêng và của tất cả chúng sanh nói chung. Động cơ thúc đẩy Ngài đi tu và
thành đạt đạo quả có liên hệ mật thiết nhau. Vì muốn giải quyết vấn đề
sanh già bệnh chết của chúng sanh, nên Ngài đi tu và thành Phật. Giác
ngộ ngay nơi con người, đó là chủ yếu của sự giác ngộ.
Nói thế đức
Phật có vẻ như thiên trọng về con người, tức là quan tâm đến vấn đề nhân
sinh quan. Đối với vũ trụ quan, Ngài nghĩ thế nào? Nói một cách tổng
quát, trong nhà Phật danh từ chuyên môn gọi con người là chánh báo, vũ
trụ là y báo. Y báo tùy thuộc vào chánh báo, cũng như cái nhà tùy thuộc
vào ông chủ nhà. Muốn biết phương pháp xây dựng cái nhà, trước hết chúng
ta nên biết ông chủ nhà. Nếu không biết ông chủ mà cứ nghiên cứu lý do
và phương pháp xây cất căn nhà thì cái biết ấy e chưa đích xác. Muốn
đích xác trước hết chúng ta phải biết người làm chủ xây cất căn nhà và
biết được người đó như thế nào, rồi những lý do và phương pháp xây cất
v.v… chúng ta sẽ biết sau, không khó khăn nữa. Vì vậy chủ yếu giác ngộ
trong đạo Phật là giác ngộ con người, tìm nguyên nhân từ đâu đưa con
người đến sanh tử hiện nay, và làm sao giải quyết được vấn đề sanh tử
đó.
Tất cả chúng ta hiện giờ biết được chính mình chưa? Hằng ngày
chúng ta tự xưng là tôi, là ta, là mình, ấy là gì? Cái gì là tôi, cái gì
là ta, cái gì là mình? Nếu phần xác thịt này là mình, thì nó có hoàn
toàn còn mãi với chúng ta không? Ví như cái tay được coi là một bộ phận
của mình, khi cái tay bị bệnh phải cưa đi, ráp cái tay khác vào thì cái
gọi là mình đó có còn thật là mình hay không? Ai trong chúng ta cũng tự
thầm bảo thân này là mình, là tôi, là ta, nhưng chưa có ai xác định cái
gì là mình, cái gì là tôi, cái gì là ta. Có khi chỉ thân, có khi chỉ
tâm, hoặc cho cái suy nghĩ là tôi, hoặc cái thân này là tôi, nhưng cái
nào là đúng, cái nào là thật? Có lẽ chúng ta không bao giờ hài lòng với
quan niệm của chúng ta. Nếu thân này là tôi, thì cái tôi này có mặt ở
nhân gian dài lắm độ tám chín mươi năm. Qua thời gian đó, cái tôi này
trở thành bùn đất, trở thành cát bụi. Thế thì chúng ta có hài lòng ở
điểm này hay không?
Nếu cho cái tính toán phân biệt hiện giờ là tôi
thì những cái ấy không có tướng mạo hình thức. Trong mọi người chúng ta
phút giây nào tâm niệm của mình cũng luôn luôn nghĩ suy tính toán. Cái
nghĩ suy tính toán từng phút từng giây đổi thay. Trong tâm niệm dời đổi
đó, tâm niệm nào chính xác là tôi? Mới buồn liền vui, mới thương liền
ghét, liên tiếp đổi thay. Niệm thương là tôi hay niệm ghét là tôi? Buồn
là tôi hay vui là tôi? Tất cả cái đổi thay đó, xác nhận cái nào là mình?
Một ngày có trăm ngàn cái suy nghĩ, mỗi cái suy nghĩ khác nhau. Có khi
chúng ta suy nghĩ điều lành, điều tốt như Phật, như Bồ-tát, như những
bậc thánh hiền. Có khi chúng ta suy nghĩ những điều dữ, điều xấu như cọp
như beo… Như vậy cái suy nghĩ nào chính xác là ta? Chẳng lẽ ta gồm đủ
các loại dở hay, tốt xấu sao?
Chúng ta hằng ngày đang sống, đang
hoạt động, ai cũng tự nhận là mình, nhưng nhìn lại chính xác cái nào là
mình thì chúng ta lúng túng ngay, không nhận ra cái nào thật là mình,
thân cũng như tâm. Thế thì cái gì là mình? Mình sống, mình biết cả vũ
trụ, mà chính bản thân mình lại không biết. Ví như anh chàng nọ thông
hết việc hàng xóm mà việc trong nhà anh không biết chi hết. Chúng ta
nghĩ sao về anh chàng đó? Biết tất cả việc hàng xóm bên ngoài mà không
biết cuộc sống thiết yếu ngay trong gia đình là mình đã mất căn bản rồi.
Đúng ra tinh thần của người học Phật là tìm cầu giác ngộ, là tìm cầu sự
thật. Bắt đầu tìm cầu sự thật, chúng ta khởi sự bước đi, mỗi một bước,
một phút đều là một bước đến giác ngộ, một phút tiến gần tới sự thật.
Không ai nghi ngờ Phật là người giác, học Phật là học phương pháp giác
ngộ hay là đi trên đường giác ngộ. Như vậy trên đường giác ngộ, bước một
bước là giác ngộ một phần, bước hai bước là giác ngộ hai phần, càng đi
càng giác ngộ.
Song hiện nay thử hỏi tất cả chúng ta, hoặc xuất gia,
hoặc tại gia, có ai đã thấy mình giác ngộ chưa? Nếu học Phật mà không
giác ngộ thì thiếu sót quá nhiều. Thế nên chúng ta phải xác định lại một
cách rõ ràng, học Phật là học đạo giác ngộ. Muốn học đạo giác ngộ,
chúng ta cần phải ngày này tháng nọ năm kia, giờ nào cũng tiến trên con
đường giác ngộ. Được như thế sự học của chúng ta mới khỏi trái với lời
Phật dạy. Ví dụ như thấy một ngọn đuốc sáng thắp trong đêm đen, muốn mồi
ngọn đuốc sáng đó, chúng ta phải có những yếu tố nào? Ít ra chúng ta
phải có những loại có chất dầu, hoặc những thứ bổi khô mới mồi được ngọn
đuốc kia, không thể chúng ta đem nước lã hoặc cỏ ướt tới mồi được. Cũng
như vậy, muốn tiến trên đường giác ngộ, điều kiện tiên quyết là phải mở
mang trí tuệ, vì chỉ có trí tuệ mới phù hợp với đạo giác ngộ. Nếu đến
với đạo Phật không bằng trí tuệ mà bằng niềm tin, thì đó không phải là
yếu tố chính của giác ngộ. Muốn đến bằng trí tuệ chúng ta phải gạt bỏ
mọi tư kiến và chỉ nghe với tinh thần tìm sự thật. Nếu nghe giảng bằng
những tư kiến và điều gì cũng xoay về ý kiến riêng của mình thì không
phải là học đạo giác ngộ nữa. Chúng ta phải thực tình tìm lẽ thật, và
nhận ra lẽ thật mới là đi trên con đường giác ngộ.
Tất cả chúng ta
không ai chấp nhận mình là ngu si, ngược lại ai cũng tự thấy mình là
thông minh. Nhưng chúng ta có thật thông minh chăng? Câu hỏi được đặt
ra, xin mỗi người thử trả lời. Nếu chúng ta thật thông minh tức phải
chuộng và phải sống với lẽ thật. Ví dụ cái thân xương thịt của chúng ta
nếu lâu ngày không được tắm rửa sẽ dơ bẩn hôi hám, ai ngồi gần sẽ ngửi
mùi khó chịu, nếu nói lên sự thật một trăm phần trăm này thì chúng ta
mất vui và cảm thấy bất an trong lòng. Bất an vì chúng ta sợ sự thật,
che giấu sự thật, nghĩa là tự gạt mình và cũng là gạt người. Như vậy
chúng ta không cầu chân lý tức là không sống với trí tuệ. Trí tuệ là
thấy lẽ thật, chuộng lẽ thật và chấp nhận lẽ thật. Thế nên nhiều người
phê bình đạo Phật là bi quan, vì đức Phật luôn luôn mạt sát thân này là
vô thường, ô uế, bất tịnh, giả dối, đau khổ, ai nghe qua những lời này
cũng chán ngán. Như vậy đạo Phật không phải bi quan, chán đời là gì?
Nhưng chúng ta xét kỹ lại, đức Phật đã chỉ bày sự thật về thân người,
hay Ngài đã mạt sát thân ấy một cách vô lý? Nếu thân là sạch thì các
chất được loại ra từ các khiếu huyệt phải là sạch, nhưng những chất ấy
hết sức nhơ nhớp. Nếu thân này là thường thì sẽ còn mãi không biến hoại,
nhưng sự thật nó luôn luôn thay đổi từng phút từng giây. Vì thân này là
vô thường luôn luôn thay đổi, nên Phật gọi nó là "sanh, già, bệnh,
chết", nên là đau khổ.
Từ đầu đến đây tôi chưa đề cập đến thiền một
tí nào. Nhưng thiền chủ yếu là giác ngộ, không giác ngộ không phải là
thiền. Vì vậy nói điều lầm lẫn của chúng ta rồi là thấy thiền nằm ngay
trong đó. Thiền không phải cái gì mầu nhiệm ở phương trời xa lạ, mà
chính là những lẽ thật của con người.
Trở lại thân của chúng ta, hầu
hết mọi người dù học đạo lâu hay mới học, đều nói thân này là thật,
nhưng Phật nói thân này là giả. Làm sao chúng ta biết nó là giả? Phàm
cái gì có hình thể cố định, không do vay mượn tạm bợ, không do sự hỗ trợ
bên ngoài, mà tự có riêng mới là thật. Nếu thân chúng ta là thật thì nó
phải không vay mượn. Nhưng hiện giờ chúng ta đang thở, nghĩa là mũi
chúng ta đang hít không khí của trời đất vào, rồi trả không khí ấy ra.
Không khí từ trong người trả ra là của tôi chăng? Chúng ta đâu làm ra
cái không khí đó, rõ là vay mượn, làm sao chúng ta chấp nhận nó là của
tôi? Kế đó, từ sáng đến trưa chúng ta phải uống bao nhiêu tách nước?
Mượn nước ở ngoài vào rồi trưa chiều trả ra, làm sao chúng ta nói nước
ấy là của tôi? Đến các thức ăn để bồi bổ cơ thể này, chúng ta mượn ngày
hôm nay, ngày mai phải trả ra, lại nói là của tôi! Như vậy chúng ta hoàn
toàn vay mượn đất, nước, gió, lửa bên ngoài. Khi trả ra, lại bảo chúng
là của tôi, có phải ngang bướng hay không? Không phải là của mình mà gọi
là của mình, chẳng si mê là gì?
Quí vị thử xét lại, hiện giờ chúng
ta đang sống với cái gì? Chúng ta đang làm gì? Hạnh phúc chúng ta là cái
gì? Phải chăng là vay mượn những thức ăn uống ngon bổ rồi trả chúng ra
dễ dàng? Hạnh phúc bằng cách mượn trả, trả mượn suốt đời hay sao? Giá
trị con người có chừng đó hay sao? Chúng ta chỉ lo ăn uống đầy đủ, nhà
cửa tiện nghi, đó là hạnh phúc sao? Như vậy hạnh phúc có nghĩa là sự
mượn vào dễ dàng và sự trả ra an ổn chăng? Chúng ta sống để làm việc
mượn trả suốt ngày và suốt cuộc đời, chẳng là công việc dã tràng vô ích
hay sao? Lại nữa, khi mượn vào không an ổn, trả ra bị tắc nghẽn thì gọi
là đau khổ, khi mượn vào tốt đẹp, trả ra dễ dàng thì gọi là hạnh phúc!
Như vậy kiểm lại xem, chúng ta sống là sống với cái gì? Chỉ là một
chuỗi dài mượn và trả. Một phút giây nào mũi không mượn không khí, miệng
không mượn nước và thức ăn, thì chúng ta có sống được không? Không mượn
thì không sống, cái sống đó làm sao nói là sống thật được. Ví như chúng
ta xây cất một căn nhà xong, đến hàng xóm mượn bàn tủ v.v… để chưng
bày, khi ấy chúng ta liền tuyên bố tất cả những vật ấy là của tôi. Như
vậy có phải chúng ta là bướng, là kém trí tuệ hay không? Nếu ngay nơi
cuộc sống mà chúng ta không hiểu nó, hoặc hiểu một cách mờ mịt, làm sao
chúng ta hiểu đúng sự thật những việc chung quanh cuộc sống. Chính vì lẽ
thiết yếu đó, đức Phật mới tìm giác ngộ nơi con người, vì con người là
căn bản. Giác ngộ ngay nơi con người là thấy được nơi chúng ta cái nào
giả, cái nào thật. Không lầm cái giả không quên cái thật, đó là giác
ngộ. Như hiện nay cái giả là thân vay mượn mà chúng ta lầm thân ấy là
thật, nên mọi nhu cầu thuộc về thân cũng thấy là thật. Tất nhiên chúng
ta lầm từ con người đến sự vật chung quanh. Nếu hết lầm về con người thì
chúng ta cũng hết lầm luôn về tất cả sự vật chung quanh.
Cái tai
họa trong đạo Phật là mê lầm về con người, đưa đến tham sân si. Danh từ
chuyên môn gọi đó là vô minh, vô minh về con người và vô minh với tất cả
sự vật liên hệ đến nhu cầu của con người. Như chúng ta lầm thấy thân
này là thật thì chúng ta sẽ quí nó, và những nhu cầu của nó cũng lầm,
cho là quí trọng. Từ đó chúng ta sanh tham đắm những nhu cầu cho thân,
quí trọng những gì bồi bổ và tô điểm cho thân. Chúng ta muốn được sung
túc dư dả nên gồm thâu về mình thật nhiều của cải. Do đó chúng ta sẽ
đụng chạm đến người khác, họ cũng mê lầm cho thân này là thật, và tham
đắm những nhu cầu cho thân họ được dư dả sung túc. Mê lầm gọi là si. Vì
si mê nhận định không đúng nên sanh lòng tham. Cái tham ấy nếu bị ngăn
trở thì khởi sân. Si, tham, sân gọi là Tam độc, tạo ra không biết bao
nhiêu nghiệp đau khổ.
Chúng ta thấy rõ thân là vay mượn tạm bợ, còn
mượn là còn, hết mượn là mất. Đã là tạm bợ thì thân này đâu có giá trị
gì. Thân không thật thì đâu có quý, thân không quý thì những nhu cầu của
nó cũng tầm thường. Nếu được những nhu cầu thì chúng ta đem chia sớt
giúp đỡ với nhau, không muốn gồm thâu về riêng cá nhân mình. Do si mê
không có, nên lòng tham nhẹ đi, lòng tham nhẹ thì cũng ít sân, đó là cội
gốc của sự tu hành. Như vậy muốn tu là phải giác, tức là phá được si
mê. Phá si mê rồi, tham và sân theo đó cũng dứt. Nếu chúng ta chưa phá
được si, chỉ cố dằn xuống mỗi khi nổi sân, càng đè xuống thì sân càng
bùng lên. Vì chúng ta chỉ đè ngọn thôi, chưa nhổ tận gốc của nó. Nếu
biết rõ thân này là giả dối và những nhu cầu của nó cũng tạm bợ thì được
mất đâu có quan trọng gì mà giận hờn, lòng mình trở nên an lành, không
cần phải nhẫn, phải dằn chi hết.
Do giác ngộ nơi thân nên chúng ta
không tham đắm các nhu cầu của nó, dù có bị ngăn trở hay thất bại, chúng
ta cũng không tức giận, nên sự tu hành được an ổn. Việc tu ấy gốc từ
giác ngộ chớ không phải từ cố gắng. Hiểu như vậy chúng ta sẽ thấy việc
tu nhẹ nhàng, không phải nhọc nhằn lễ lạy, chỉ cần khuyên nhau nhận định
đúng về thân mình. Nhà Phật gọi đây là Chánh kiến, một chi trong Bát
chánh đạo, nằm trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Nhận định đúng thì suy
nghĩ đúng, suy nghĩ đúng thì nói năng đúng, nói năng đúng thì hành động
đúng, tức là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh nghiệp, Chánh mạng v.v…
Như thế, nếu lấy sự nhận định đúng làm căn bản, người học Phật phải mồi
đuốc Phật bằng trí tuệ của mình mới giải quyết được mọi vấn đề đau khổ
của con người. Nếu chúng ta tu bằng niềm tin thì tu nhiều, tụng kinh
nhiều mà phiền não cũng lắm. Khi bị nói khích thì nổi sân, rồi than tại
sao tu lâu mà chưa hết phiền não? Chỉ vì chúng ta nương hình thức mà
không thấy cội gốc. Cho nên trong việc tu hành chúng ta cần đạt được cội
gốc, tường tận cội gốc, giải quyết cội gốc, mới hết được các ngọn
ngành. Giác ngộ là thấy đúng lẽ thật. Suy nghĩ đúng, nói năng đúng, hành
động đúng v.v… tất nhiên chúng ta sẽ hết đau khổ.
Phần trên chúng
ta đã hiểu về thân, còn về tâm như thế nào? Về tâm thì trong kinh Phật
đã từng dạy, như kinh Lăng Nghiêm, đức Phật muốn độ ngài A-nan nên hỏi
rằng: "Ông nhân đâu mà phát tâm xuất gia?" Ngài A-nan bạch Phật: "Con
nhân thấy ba mươi hai tướng của Phật tốt đẹp trang nghiêm phi thường,
khác hơn tất cả người thế tục, nên con phát tâm xuất gia." Phật hỏi:
"Ông lấy cái gì thấy và lấy cái gì mà phát tâm?" Ngài A-nan thưa: "Con
lấy mắt thấy Phật và lấy tâm suy nghĩ mà phát tâm." Bấy giờ đức Phật
tiến vào "Thất xứ trưng tâm", tức là bảy lần gạn hỏi về tâm. Phần mắt
thấy Phật đã nói rõ, phần tâm Ngài hỏi: "Ông do thấy tướng tốt của Phật
mà phát tâm, như vậy cái gì là tâm ông, tâm ông ở chỗ nào?" Ngài A-nan
thưa: "Cái suy nghĩ đó là tâm con và cái tâm suy nghĩ hiểu biết đó ở
trong thân." Chắc chúng ta ai cũng trả lời như vậy. Nhưng câu trả lời
của A-nan nói tâm ở trong thân bị Phật bác. Rồi Ngài nói tâm ở ngoài
thân, tâm ở trong con mắt v.v… Nói tâm ở chỗ nào cũng bị Phật bác. Như
vậy tâm ở chỗ nào? Hầu hết chúng ta đều lầm chấp cái hay suy nghĩ phân
biệt là tâm của mình. Danh từ chuyên môn trong kinh Lăng Nghiêm gọi là
"Năng suy vi tâm" nghĩa là cho cái hay suy nghĩ là tâm. Nếu cái hay suy
nghĩ là tâm của mình thì nó là mình chớ gì! Như trước chúng tôi đã nói,
thân này là vay mượn không thật, tất nhiên cái hiểu biết tính toán suy
tư v.v… là tâm của mình, là thật mình chớ gì? Vì thân là vay mượn, còn
cái suy nghĩ tính toán không vay mượn ai, cái đó không phải mình là gì?
Nhưng chúng ta chớ vội chấp cái đó không vay mượn, vì như thế sẽ đi từ
cái lầm này đến cái lầm khác. Cái suy nghĩ hiểu biết đó hay còn gọi là
kiến thức, đều cho là tâm của mình. Nhưng chúng có thật là tâm của mình
không, hay cũng chỉ là vay mượn? Giờ đây chúng ta thử nghiệm xem: Khi
mình còn nhỏ, khoảng bảy tám tuổi, có những kiến thức gì, hay là chỉ
biết đói thì đòi ăn, khát thì đòi uống, thích cái gì thì đòi cái đó, cần
cái gì thì nói lên điều đó, chúng ta lúc đó đâu có kiến thức gì, nào
biết suy tư tính toán chi. Như vậy lúc đó không có chúng ta hay sao? Đến
lớn lên chúng ta đi học, được thầy bạn chỉ dạy, những môn học được huân
tập thấm nhuần lâu ngày trong tâm thức của mình, chúng dường như của
mình. Sự thật các kiến thức ấy chỉ là vay mượn của thầy của bạn, nào
thật là của mình đâu! Như trước khi quí vị đến nghe chúng tôi nói
chuyện, quí vị chưa có những nhận xét như chúng tôi nói, nhưng sau khi
quí vị nghe và ra về, quí vị nhớ những điều tôi nói, những điều thâu
thập ấy đâu phải là của quí vị sẵn có, mà là của chúng tôi mới trao cho.
Như vậy bao nhiêu kiến thức thâu thập được chúng ta chấp làm kiến thức
của mình, rồi cho rằng những gì mình nghĩ là chân lý, những gì người
khác nghĩ là sai lầm. Do tư tưởng không hợp nhau nên sanh ra tranh luận,
thù hằn lẫn nhau. Cho đến trong gia đình, cha con, chồng vợ không thuận
nhau. Cha và con không cảm thông nhau thì tình thân bị suy giảm, đó chỉ
do tư tưởng bất đồng mà ra. Như hiện nay những vị sáu bảy mươi tuổi
được những người trước huân tập một số kiến thức, đến các con cháu chúng
ta sau này được thầy bạn, xã hội huân tập những kiến thức mới. Do vì
huân tập ở hai môi trường khác nhau, nên các kiến thức khác nhau, làm
sao bảo các con giống cha mẹ được. Nếu đòi hỏi sự giống nhau là tham lam
và không hợp lý. Đòi hỏi không được, sanh ra tức giận buồn phiền rồi
đau khổ. Cái thật của con cháu hồi năm mười tuổi giống như cái thật của
cha mẹ hồi năm mười tuổi. Cái thật ấy chẳng những cha con giống nhau mà
tất cả người trong thiên hạ đều giống nhau. Các kiến thức thâu thập do
học hỏi cũng chỉ là vay mượn của người chung quanh, chớ không phải thật
của mình. Ví như có người vừa vay được năm bảy ngàn rồi tự xưng là tôi
giàu lắm. Với số tiền vừa mượn được của người kia làm sao dám tự hào là
tôi giàu được! Cũng như vậy, các kiến thức do huân tập được không phải
thật của mình mà chấp làm tâm mình, chúng ta đã mất tâm mình ngay lúc
ấy. Chính vì chấp cái giả làm thật, nên chúng ta không bao giờ biết cái
thật được. Cái không phải là mình mà lầm chấp là mình thì không bao giờ
biết được mình. Như vậy chúng ta đã mất mình một cách đáng thương. Hằng
ngày chúng ta sống với sự vay mượn, vay mượn từ đất, nước, gió, lửa bên
ngoài, đến vay mượn các kiến thức của thầy, bạn, xã hội. Chấp các vay
mượn ấy là mình, trách gì không bị trôi lăn trong đường sanh tử! Các thứ
vay mượn thì luôn luôn thay hình đổi dạng từ chỗ này đến chỗ kia, do đó
luôn luôn biến chuyển, gọi là sanh diệt luân hồi.
Như vậy chúng ta
thấy rõ chính từ cái lầm chấp thân này là thật, khởi tham những nhu cầu
của thân, nên tranh giành những nhu cầu vật chất, làm tổn hại lẫn nhau,
gây ra bao điều đau khổ. Kế đó chúng ta lầm chấp các kiến thức vay mượn
là thật của mình, những tư tưởng của mình là đúng, của người là sai, ai
cùng quan điểm thì thương, ai khác quan điểm thì ghét, gây ra bao điều
tỵ hiềm đau khổ cho nhau. Do vì các kiến thức được huân tập trong mỗi
hoàn cảnh, mỗi môi trường khác nhau, nên tuy đồng sống trong gia đình mà
chồng không giống vợ, cha không giống con. Sự không đồng tư tưởng ấy dễ
gây ra tức giận bực bội, buồn phiền rồi đau khổ. Như vậy chúng ta sống
cả ngày trong đau khổ, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, chỉ vì chấp
tư tưởng của mình là đúng, tư tưởng của người là sai. Sự tranh chấp tư
tưởng diễn ra từ cá nhân này đến cá nhân khác, từ nhóm người này đến
nhóm người khác, từ xã hội này đến xã hội khác. Xét lại chỉ vì hai cái
lầm về thân và tâm mà chúng ta tạo muôn ngàn khổ đau cho chúng ta và cho
mọi người. Nếu hiểu được thân là vay mượn, kiến thức là vay mượn, có
cái gì thật đâu mà chấp, thì mọi ý kiến bất đồng đều xả hết. Trong gia
đình cha sẽ thuận với con, chồng sẽ hòa với vợ, tạo nên một cuộc sống an
vui hạnh phúc. Chúng ta sống trong tình chân thật, không bị những cái
bên ngoài gây ra những đau khổ giả tạo. Tuy giả tạo nhưng cái đau khổ ấy
triền miên, kéo dài từ đời này sang đời khác và muôn ngàn đời sau nữa.
Cái đau khổ ấy do đâu mà có? Chỉ vì chúng ta cố chấp nên đau khổ. Vì vậy
nhà Phật chủ trương phá chấp, nghĩa là buông xả những tư tưởng sai
biệt, những kiến chấp sai lầm. Khi buông xả được những thứ ấy, chúng ta
được an ổn, vui vẻ như đức Phật Di Lặc cười suốt ngày vậy. Sở dĩ Ngài
cười là vì Ngài không còn dính mắc vào cái gì nữa cả. Còn chúng ta bực
tức với nhau là vì suy nghĩ không giống nhau, ai cũng đòi hỏi người khác
giống mình, nếu không được thì giận dữ thù địch nhau, tạo một cuộc đời
đầy máu lửa cũng vì cái chấp đó.
Bởi thế chúng ta học đạo giác ngộ
là thấy rõ lẽ thật nơi chúng ta, ngay nơi thân này, ngay nơi tâm này.
Khi đã nhận ra lẽ thật rồi, tự nhiên chúng ta giải khổ cho mình và không
tạo khổ cho người nữa.
Trong gia đình, vợ chồng hòa thuận, cha con
thân thiết có phải là an vui hạnh phúc hay không? Việc buông xả các kiến
chấp đâu có khó nhọc gì, đâu có đổ mồ hôi xót con mắt chi. Chỉ một chữ
xả thôi mà chúng ta không chịu thực hành. Rốt cuộc chỉ vì si mê cố chấp
mà chúng ta phải đau khổ. Như vậy làm sao dám tự xưng mình là thông minh
trí tuệ? Trong sự giác ngộ của đạo Phật, người thông minh trí tuệ là
người tìm đến lẽ thật và thấy rõ được lẽ thật, chớ không phải chỉ biết
mang máng trên hình thức danh từ. Thấy được lẽ thật và sống đúng với lẽ
thật, mọi đau khổ sẽ theo đó mà dứt. Cho nên các vị Bồ-tát, do dùng trí
tuệ thấy đúng lẽ thật, các Ngài tu hành nhàn nhã, không phải lạy Phật
tụng kinh nhiều như chúng ta. Các Ngài đi từ nơi này đến nơi khác, làm
những chuyện thông thường ở thế gian, không thấy tu hành nhọc nhằn chi
cả mà các Ngài không đau khổ. Còn chúng ta, tu hành nhiều, tụng kinh lạy
Phật thật nhiều mà vẫn không hết đau khổ! Tại sao? Tại vì chúng ta
không đến với đạo bằng trí tuệ, bằng con đường giác ngộ, chúng ta đến
với đạo chỉ bằng niềm tin. Tin Phật ban phước cứu rỗi, cho nên chúng ta
đi chùa lễ Phật sám hối. Nếu Phật không ban những điều ta mong muốn cầu
xin thì chúng ta mất niềm tin, không đi chùa nữa. Như vậy chúng ta tin
mà không đúng với lẽ thật vì thiếu trí tuệ. Đi chùa học đạo như vậy chỉ
thêm chuyện buồn phiền, không có ích lợi gì. Người hiểu đạo Phật phải
đến với đạo bằng trí tuệ, bằng con đường giác ngộ. Khi thấy được lẽ thật
do Phật chỉ rồi, chúng ta mới thấy giá trị cao siêu của đạo. Khi ấy, dù
ai nói gì cũng mặc, chúng ta không chán, không bỏ đạo.
Nếu đi chùa
lễ Phật để cầu xin những điều mình mong muốn, ấy là vì lòng tham. Nếu
lời cầu xin được mãn nguyện, chúng ta cầu xin thêm nữa, như thế chỉ thêm
lớn lòng tham. Nếu lời cầu xin không được thỏa mãn, chúng ta sanh buồn
nản chẳng thiết đến chùa nữa. Chúng ta không biết rằng lời cầu xin được
thành tựu hay không là tùy theo phước đức của mỗi người. Ví như có người
cha ghiền á phiện, người con thương cha lắm, mang hương hoa lễ vật vào
chùa xin thầy Trụ trì cầu nguyện cho cha hết bệnh ghiền, như vậy có được
không? Thầy Trụ trì có dám nhận lời hay không? Thầy phải giảng rõ cho
người con biết: "Bệnh ghiền là do hồi xưa ba con tập hút, lâu ngày thành
quen. Giờ đây ba con phải tỉnh giác, biết rõ ghiền á phiện là tai họa
cho mình và cho những người chung quanh. Do hiểu như vậy ba con mới cố
gắng bỏ hút. Hết bệnh hay không là tự nơi ba con, chớ thầy không thể cầu
nguyện cho ba con hết ghiền được. Lời cầu nguyện của con có linh nghiệm
chăng là do lòng thành của con cảm hóa được ba con". Người cha, vì thấy
con thương mình nên cảm động tội nghiệp nó, rồi cố gắng không hút nữa.
Cho nên các thầy cầu nguyện là chỉ giúp trợ duyên cho Phật tử có tâm
thành làm cảm động người thân của mình thôi, chớ Phật tử không nên ỷ lại
hoàn toàn vào các thầy. Hiểu rõ như vậy việc làm của mình mới có giá
trị, mới đầy đủ ý nghĩa. Nếu không, thì việc làm của mình bị sai lệch vô
nghĩa, còn gọi là mê tín dị đoan v.v… Vì vậy người Phật tử chân chánh
phải đi đến đạo Phật bằng trí tuệ và giác ngộ.
Nói như thế, sẽ có
người nạn vấn rằng: Trong kinh Hoa Nghiêm có câu "Tín vi đạo nguyên công
đức mẫu v.v…", nghĩa là tin là nguồn của đạo, là mẹ của tất cả công
đức. Tại sao chúng ta phải vào đạo bằng trí tuệ, không bằng niềm tin?
Chữ tin trong đạo Phật là tin sau khi trí tuệ đã nhận xét đúng. Ví như
chúng tôi nói thân này là giả, tư tưởng là vay mượn, quí vị phải nhận
xét xem có phải thân này là giả, tư tưởng là vay mượn hay không? Sau khi
nhận xét suy nghĩ thấy đúng, quí vị mới tin, tin đó là tin bằng trí
tuệ. Cho nên nghe rồi phải suy nghĩ, suy nghĩ rồi mới tin, sau khi tin
rồi mới thực hành. Trong nhà Phật gọi đó là Văn, Tư, Tu. Vì vậy niềm tin
đó là mẹ của công đức, là cội gốc của đạo. Nếu nghe đâu tin đó, không
hiểu chi hết, đó là mê tín, là sai lầm.
Như thế chúng ta đã hiểu
phải tu như thế nào rồi, tức là phải thấy đúng sự thật mới dẹp được si
mê về thân và tâm. Nhưng nếu có vị hỏi: Nếu thân này là giả, tâm này là
giả, thì mình không có cái gì hết sao? Tu mà không có cái gì hết, biết
làm sao mà tu? Trong kinh Phật mạt sát thân này là vô thường, là bất
tịnh, là giả dối, là đau khổ, mà cũng trong kinh Phật nói: "Mọi người
chúng ta đều có Pháp thân, có Phật tánh, có hòn ngọc vô giá". Nghĩa là
qua cái giả kia, mọi người đều có Pháp thân bất sanh bất diệt, mọi người
đều có Phật tánh trường tồn, mọi người đều có một hột châu quý vô giá.
Nghe như vậy chúng ta sẽ hết bi quan, vì Phật đã khen ngợi chúng ta có
sẵn của quý. Nhưng của quý đó ở đâu, và làm sao biết được?
Đó là
chúng tôi đang nói thiền với quí vị. Tại sao vậy? Bởi vì thiền là một
phương pháp tu để thấy được lẽ thật nơi con người. Thấy được nơi con
người những cái gì giả biết là giả, những cái gì thật biết là thật. Cho
nên chủ trương của Thiền tông là Kiến tánh. Tánh là gì? Là Phật tánh, là
Pháp thân, là hòn ngọc vô giá. Kiến tánh là thấy được bản tánh, hay là
Phật tánh của chính mình. Sau khi biết rõ cái giả rồi, chúng ta không
còn bị mê lầm nữa. Bấy giờ chúng ta mới bước qua tìm cái thật. Nhận ra
cái thật, chúng ta không còn bị cái giả lôi cuốn vào đường sanh tử. Nhận
ra cái thật, chúng ta sống an nhàn tự tại trong cái bất sanh bất diệt,
tức là Phật tánh, là Pháp thân, là hòn ngọc báu vô giá vậy.
Thế nên
chủ yếu của đạo Phật hay chủ yếu của Thiền tông là phải tu bằng trí tuệ,
chớ không phải tu bằng cái mờ mịt. Nếu tu thiền bằng lối điểm đạo hay
xuất hồn là không phải tu thiền theo đạo Phật. Tu thiền theo đạo Phật là
tu bằng trí tuệ, thấy được cái thật nơi con người và sống trở về cái
chân thật đó. Như vậy thiền và Phật dạy có khác nhau không? Học thiền là
học tất cả những gì Phật dạy trong kinh, biết cái nào là giả thì loại
ra, không để nó lôi cuốn mình nữa, biết cái nào là thật thì hằng sống
với cái chân thật đó.
Từ trước đến đây, quí vị thấy chúng tôi đã nói
thiền chưa? Chỉ cho quí vị thấy thân này là giả, là vay mượn. Chỉ cho
quí vị thấy những suy nghĩ, tư tưởng là giả, là vay mượn, đó là nói tu
thiền rồi. Chỉ cái giả để biết nhận ra nó, nhưng cái thật thì làm sao
chỉ cho quí vị đây? Có những người thắc mắc "Cái gì là Phật tánh? Phật
tánh ở chỗ nào?". Chắc ai cũng băn khoăn muốn hiểu điều đó. Nhưng chúng
tôi sẽ trả lời rằng: "Câu hỏi đó đã trật rồi !". Vừa hỏi "làm sao biết
Phật tánh" và yêu cầu chỉ cho biết Phật tánh ở chỗ nào, thì câu hỏi đó
là sai. Người đặt câu hỏi đó là người đã lầm. Tại sao? Nếu quí vị hỏi
bình bông, chậu bông ở chỗ nào, cái bàn, cái quạt ở chỗ nào, chúng tôi
chỉ được. Nhưng nếu quí vị hỏi không khí chúng ta đang thở ở chỗ nào,
chúng tôi phải trả lời làm sao? Câu hỏi đó đúng hay sai? Thế là chúng ta
đã lầm. Vì không khí không có hình tướng, làm sao đặt chỗ nơi? Phàm cái
gì có hình tướng, có vị trí, cái ấy mình mới chỉ được. Cái gì không
hình tướng, không vị trí làm sao chỉ được? Nếu câu hỏi đã sai mà chúng
tôi cố gắng chỉ, thì cũng sai luôn. Thế nên phải hiểu rõ ý nghĩa không
đặt câu hỏi. Khi câu hỏi đúng, chúng ta mới trả lời được, nếu câu hỏi
sai làm sao đáp được!
Quí vị bảo chúng tôi chỉ Phật tánh, chẳng khác
nào quí vị bảo chúng tôi chỉ không khí ở chỗ nào. Song thử hỏi có không
khí hay không. Nếu không có không khí thì chúng ta tắt thở hết rồi,
thưa phải vậy không? Chúng ta sống trong không khí, đang thở không khí
ấy, mà bảo chỉ nó, chúng ta không làm sao chỉ được. Đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai là quí vị muốn thấy Phật tánh, muốn thấy đạo, nhưng xin
hỏi lại: "Quí vị muốn thấy Phật tánh của ai? Của mình hay của người
khác?". Nếu muốn thấy Phật tánh của mình thì nó là mình, mình làm sao
thấy được mình. Nếu mình thấy Phật tánh thì nó là cái bị thấy, ngoài
mình phải vậy không? Chính vì vậy mà đại đa số chúng ta hay lầm lẫn câu
hỏi không có ý nghĩa này, mà tưởng là một câu hỏi hết sức có ý nghĩa.
Bởi vì chúng ta đã quên chúng ta. Phật tánh là cái chân thật của chính
mình, chúng ta quên, lại muốn tìm nó ở bên ngoài. Cho nên bảo chỉ và
muốn thấy Phật tánh, làm sao chỉ được, làm sao thấy Phật tánh được. Như
chúng ta có mắt, chúng ta muốn thấy con mắt sáng, con mắt mình muốn thấy
con mắt mình, được hay không? Con mắt chỉ có khả năng thấy bên ngoài,
làm sao nó thấy được chính nó? Nếu muốn thấy được con mắt, phải qua cái
gương. Nhờ cái gương mình thấy được con mắt, là mình thấy được cái bóng
của con mắt thôi, mình đâu thấy con mắt thật được, nếu thấy thì con mắt
thật là cái bị thấy rồi. Đòi hỏi thấy con mắt thật là đúng hay sai? Thế
mà đại đa số người học đạo hiện nay muốn thấy đạo, muốn thấy Phật tánh.
Cái muốn đó là cái muốn sai lầm, nghĩa là càng tìm thì càng xa, càng
muốn thấy thì càng không thấy.
Học thiền không phải như thế. Các
Thiền sư không bao giờ đáp lại những câu hỏi sai lầm ấy. Đưa những câu
hỏi đó ra, chúng ta liền bị đánh, bị hét, chớ không bao giờ được trả
lời. Tại sao? Vì câu hỏi đã sai lầm mà trả lời thì càng sai lầm. Cho nên
những câu hỏi đó chỉ đáng được đánh một cái hay nạt một tiếng, người
hỏi giật mình nhớ lại: "Á, mình hỏi lầm rồi!". Như vậy mình khả dĩ mới
thấy được mình. Có người không hiểu cách trả lời ấy nên nói: "Vì sao các
Thiền sư dữ quá, hỏi không chịu trả lời, còn đánh còn nạt?". Vì câu hỏi
lầm mà không đánh không nạt, đến bao giờ người hỏi thấy được cái thật ở
mình. Những thủ thuật ấy rất là đặc biệt, rất là lạ lùng, người ngoài
không bao giờ biết được.
Cho nên người tu thiền hay những thiền sư
là những người chuộng sự thật một cách tột cùng, đáo để, không bao giờ
các Ngài giải thích rườm rà như chúng ta. Các Ngài chỉ muốn chỉ cho
chúng ta những lẽ thật, không muốn dẫn chúng ta lạc trong rừng ngôn ngữ
văn tự. Nhưng đại đa số chúng ta hiện giờ học Phật là đi trong rừng ngôn
ngữ văn tự, cứ tầm chương trích cú, giải nghĩa qua, giải nghĩa lại, rốt
cuộc không biết chi hết. Học từ "Phật tánh" thì cắt nghĩa chữ "Phật" là
sao, chữ "tánh" là sao. Loanh quanh lẩn quẩn trong chữ nghĩa hoài,
không biết Phật tánh là cái gì, càng học lại càng xa sự thật.
Các
Thiền sư thì không như vậy. Ví như trường hợp của tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền,
lúc Ngài ở trong hội của thiền sư Hy Vận tại núi Hoàng Bá. Ở đấy mấy
năm trời mà Ngài không hỏi một câu nào. Một hôm thầy quản chúng thấy
thương, nhắc: "Sao huynh không lên hỏi Hòa thượng đạo lý?" - "Dạ thưa,
tôi không biết hỏi gì" - "Lên hỏi Hòa thượng: Thế nào là đại ý Phật
pháp?" Nghe xong, Ngài mừng quá, liền y hậu chỉnh tề lên hỏi: "Bạch Hòa
thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?" Câu hỏi quả là hay, lý đáng được
giải thích rõ ràng đại ý Phật pháp là gì. Nhưng tổ Hoàng Bá chỉ cầm gậy
đập cho ba gậy, đập xong đuổi xuống. Ngài Lâm Tế thất vọng vô cùng, còn
lòng dạ nào đi hỏi nữa. Như vậy đại ý Phật pháp là gì? Thật là mù mịt!
Thầy quản chúng hỏi thăm. Ngài trả lời: "Tôi hỏi xong, Hòa thượng liền
đánh, không có lời dạy nào." Thầy quản chúng bảo: "Ngày mai đi hỏi nữa
đi!" Ngài nghe lời, hôm sau y hậu đàng hoàng đến hỏi tổ Hoàng Bá: "Bạch
Hòa thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?" Tổ lại đập Ngài ba gậy nữa. Như
thế thật là tàn nhẫn, Ngài không còn lòng dạ nào đi hỏi nữa. Nhưng thầy
quản chúng vẫn bảo: "Nên đi hỏi nữa đi" Lần thứ ba, y hậu chỉnh tề,
Ngài đến hỏi Tổ: "Bạch Hòa thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?" Ngài bị
đập cho ba gậy xong, đuổi xuống. Nản chí vô cùng, không biết nói gì hơn,
Ngài khóc rồi sửa soạn hành lý để ra đi. Thầy quản chúng thấy vậy hỏi:
"Hòa thượng trả lời câu hỏi của ông như thế nào?" Ngài thưa: "Con không
có nhân duyên ở đây, ba lần hỏi Hòa thượng, ba lần ăn đòn. Con tự buồn
không lãnh hội được thâm chỉ. Nay xin từ giã thầy ra đi." Thầy quản
chúng bảo: "Nếu khi ông đi, nên đến từ giã Hòa thượng rồi đi." Thầy quản
chúng đến thất Hòa thượng trước và thưa rằng: "Ông Lâm Tế Nghĩa Huyền
là người có khả năng, sau này sẽ làm lợi ích cho Phật pháp. Hòa thượng
rán tìm cách độ ông ấy." Ngài Hoàng Bá chỉ cười không nói gì. Hôm sau
Ngài Lâm Tế lên từ giã Hòa thượng: "Con không có duyên ở đây, cho nên
con không hiểu, nay con xin đi." Ngài Hoàng Bá bảo: "Thôi ngươi qua chỗ
Đại Ngu, ông ấy sẽ nói cho." Nghe lời Hòa thượng chỉ, Lâm Tế lên đường
qua đến chỗ Đại Ngu. (Đại Ngu là đệ tử của Qui Tông, Qui Tông là đệ tử
của Mã Tổ Đạo Nhất, cũng như Hoàng Bá là đệ tử của Bách Trượng, Bách
Trượng là đệ tử của Mã tổ Đạo Nhất). Ngài Đại Ngu hỏi Lâm Tế:
- Ông ở đâu đến?
- Dạ con ở Hoàng Bá đến.
Ngài hỏi:
- Hoàng Bá dạy ông cái gì?
- Con ba lần hỏi đại ý Phật pháp, mỗi lần hỏi chỉ được ăn đòn, không biết con có lỗi hay không lỗi?
Nghe như vậy, ngài Đại Ngu nói:
- Hoàng Bá thật là đại từ bi, đã chỉ tột cùng cho ngươi, mà ngươi còn nói có lỗi, không lỗi.
Vừa nghe tới đó, Lâm Tế liền ngộ, và la lên:
- Thế là Phật pháp của Hoàng Bá rất ít.
Đại Ngu bảo:
- Vừa rồi ông nói có lỗi, không lỗi, giờ đây ông thấy cái gì mà nói Phật pháp của Hoàng Bá rất ít?
Lâm Tế liền thoi vào sườn Đại Ngu một cái. Đại Ngu nói:
- Thầy ngươi là Hoàng Bá, thôi về đi!
Thế là Lâm Tế ngộ đạo làm Tổ.
Như vậy quí vị thấy, có giảng gì về đại ý Phật pháp hay không? Tại sao
ba lần hỏi đều bị đánh mà nói là đại từ đại bi? Những người học Phật đọc
tới những chỗ này, cũng đành xếp lại. Thầy trò dạy nhau cái gì không
hiểu chi hết. Nhưng khi hiểu rồi mới thấy ngài Hoàng Bá thật là đại từ
đại bi. Quí vị có nhận là ngài Hoàng Bá đại từ đại bi không? Nếu không
phải ba lần bị đánh như vậy, thì Lâm Tế không thể ngộ một cách dễ dàng,
trong câu nói nhẹ nhàng của ngài Đại Ngu.
Ở đây chúng tôi gọi đó là
diệu thuật của nhà thiền. Trong nhà thiền có những diệu thuật mà người
thế gian không bao giờ tưởng tượng được. Cách nói nghịch trong nhà thiền
là không giải thích, mà chỉ dồn người học trò tới chỗ bế tắc đau khổ,
người khác khơi lại một cách nhẹ nhàng khiến người học trò liền ngộ, và
cái ngộ ấy không bao giờ bị quên. Nếu thầy giảng thao thao bất tuyệt thì
người học trò quên hết, chẳng còn nhớ chi cả. Cho nên thuật dạy của
Thiền sư là cái thuật quá tầm vóc của cái bình thường. Khi ngài Hoàng Bá
dồn Lâm Tế vào ngõ bí bằng ba lần đánh, thì Lâm Tế buồn khóc đau đớn và
trong đầu nặng trĩu câu hỏi: "Không biết có lỗi gì mà bị đánh. Không
hiểu câu hỏi như vậy mà lỗi tại chỗ nào?" Khi đến ngài Đại Ngu, Đại Ngu
liền bảo: "Hoàng Bá như vậy là chỉ chỗ tột cùng cho ngươi rồi, mà ngươi
còn nghĩ có lỗi không lỗi!" Khi nghe đến câu "Còn nghĩ có lỗi không
lỗi", Lâm Tế liền thấy chỗ sơ sót lầm lẫn của mình và thấy chỗ chỉ của
ngài Hoàng Bá, nên bừng ngộ. Ngộ rồi, từ đó về sau, có thể đến chết, Lâm
Tế cũng không quên cái ngộ của mình, và sống luôn luôn với chỗ mình
thấy. Như vậy đánh ba lần không phải đại từ bi là gì?
Ngày nay chúng
ta nuôi học trò hai ba mươi năm, ăn hết cơm của thí chủ và giảng khô cả
cổ, mà học trò chẳng ngộ chi hết. Như vậy mình đâu có đại từ bi. Chỉ
cần ba lần đánh liền được ngộ, ngộ rồi không quên, chẳng gọi đại từ bi
là gì? Nhưng cái thuật trong nhà thiền đó, phải là các tay cao thủ mới
làm nổi, người tầm thường như chúng ta khó mà làm được. Hiện nay chúng
ta thử thí nghiệm: Một thầy giáo dạy học trò, cho một bài toán khó mà
không giải, chỉ gợi ý mà thôi, rồi dồn học trò tới chỗ bí, lâu lâu lại
gợi ý. Sau khi đứa học trò tìm kiếm đến đau đầu mà không tìm ra giải
đáp, bất thần thầy gợi thêm một ý nhỏ, đứa học trò chợt sáng ra, cái
sáng như vậy mới chính là của nó, nó sẽ nhớ hoài không quên bài toán đó.
Nếu thầy giảng thao thao bất tuyệt cho học trò nghe, lời giảng đó toàn
là của thầy, không có cái gì của trò hết. Như vậy người học trò không
bao giờ giỏi được.
Các Tổ khéo léo dùng diệu thuật đưa người ta đến
chỗ chết, chết rồi sống lại, đó mới là cái thật. Nếu hiểu như vậy, chúng
ta mới thấy tài và khả năng của các thiền sư. Không phải các ngài bạc
bẽo, vô tình, ác độc; chính vì lòng thương các ngài muốn người học ngộ
đạo một cách tột cùng và không bao giờ quên. Cũng vậy, những việc nào
chúng ta nhớ suốt đời là những sự việc làm cho chúng ta đau khổ, điên
đảo cả tháng năm. Khi giải quyết được vấn đề đó, chúng ta nhớ đời đời
không bao giờ quên. Việc gì khi hỏi, được đáp dễ dàng, cũng dễ bị lãng
quên. Như vậy chúng tôi cần nói gì về lối giải và chỗ ngộ của ngài Lâm
Tế hay không? Có nói hay không nói, quí vị nghe rồi tự hiểu, vì chính
chỗ đó là diệu thuật trong nhà thiền.
Nhưng những diệu thuật được
ứng dụng trong nhà thiền cũng tùy theo thời. Như hiện giờ chúng tôi chủ
trương dạy thiền, tại sao chúng tôi phải giảng hoài như vậy? Nếu có Tăng
Ni hay cư sĩ đến hỏi chúng tôi: "Thế nào là đại ý của thiền?" hay "Thế
nào là đại ý của Phật pháp?" chúng tôi liền đánh, vị ấy sẽ nghĩ thế nào
về chúng tôi? Khi ra về, vị ấy sẽ nghĩ: Mình hỏi đại ý Phật pháp mà thầy
đánh mình. À, chắc ông thầy đó điên rồi, chắc tu thiền điên rồi, thôi
sau đừng tới ông ấy nữa. Nếu chúng tôi tiếp tục đánh thêm vài người khác
nữa, khi được hỏi về thiền, chắc chắn chúng tôi sẽ mang tiếng suốt đời,
vì không ai hiểu được chúng tôi, và chúng tôi cũng không độ được ai.
Nhưng tại sao ngài Hoàng Bá dùng thuật đánh mà đệ tử ngộ? Là vì có những
bạn đồng hành hiểu mình và làm như mình. Khi nghe người đệ tử bị đánh,
vị kia biết, liền gợi đúng chỗ để người đệ tử ngộ. Hiện nay thiếu người
đồng hành, người cảm thông với mình, nếu chúng tôi dùng thuật đánh hét
để dạy thiền thì sẽ bị xuyên tạc ngay. Nhất là thời nay, chúng ta bị ám
ảnh tu thiền điên. Vì vậy khi dạy thiền, trái lại chúng tôi giảng kinh.
Vì hoàn cảnh chúng tôi phải làm như vậy. Nhờ giảng kinh dễ hiểu, khả dĩ
quí vị còn tu được, còn tin rằng chúng tôi dạy đúng. Nếu chúng tôi đánh
hoặc hét thì quí vị nói chúng tôi điên, làm sao chúng tôi dạy được. Hiểu
như vậy quí vị mới thấy chỗ quan trọng, chỗ thiết yếu của sự giảng dạy
hay sự hướng dẫn người tu.
Người tu thiền là gì? Tức là người giác
ngộ, hoặc giác ngộ từng phần, hoặc giác ngộ toàn diện, hay nói cách khác
là giác ngộ cục bộ và giác ngộ toàn bộ. Giác ngộ từng phần là giải ngộ,
giác ngộ toàn phần là đại ngộ.
Người học thiền nhận biết thân này
là hư giả, vọng tưởng là hư giả. Biết cái ngã hư giả không thật, tức là
biết lý vô ngã Phật đã dạy trong kinh điển. Chúng tôi nói thiền là nói
đạo Phật, không thể tách rời Phật và thiền. Trong kinh thường nói: Kinh
là miệng của Phật, thiền là tâm của Phật; tâm và miệng của Phật không
hai, không khác. Những gì Phật nói ra là từ tâm của Ngài nghĩ, thì thiền
và kinh làm sao hai được. Có người không hiểu những chỗ đặc biệt trong
nhà thiền, coi đó là những hiện tượng quái lạ, bảo rằng thiền có cái gì
cách biệt khác hơn kinh, nhưng hiểu cho thấu đáo rồi, chúng ta sẽ thấy
kinh và thiền thật là không hai. Phật giác ngộ thành Phật là nhân tu
thiền, cho đến chư Tổ cũng nhân tu thiền mà được giác ngộ. Như vậy,
chúng ta đi đường của Phật, chớ đâu có đường thứ hai, thứ ba nào khác.
Đó là một lẽ thật, mà nhiều người không hiểu, nói rằng tu thiền điên, tu
thiền lạc v.v… Thật ra vì chúng ta hiểu thiền một cách mơ hồ. Ngồi yên
cầu nguyện cho điện trên trời xuống, hoặc ngồi cho hồn bay lên trời,
hoặc hít hơi thở vô trụ ở đơn điền cho bụng lớn ra… Tất cả những phương
pháp ấy đều nói là tu thiền, quả thật chưa biết thế nào là tu thiền.
Theo đúng tinh thần thiền của đạo Phật là dùng trí tuệ thấy được lẽ
thật: bản thân và vọng tưởng là giả dối. Thấy được lẽ thật ấy rồi, mới
buông xả được lòng tham chấp và tâm sân hận. Khi buông xả được những cái
ấy, tâm được thanh tịnh, tỉnh giác thấy được cái chân thật của chính
mình, mới giải thoát được sanh tử. Như vậy chúng ta tu thiền là thấy
được con đường đi do trí tuệ sáng suốt hướng dẫn, chớ không phải những
gì mập mờ huyền ảo. Thấy được lẽ thật và đạt được lẽ thật đó, là chủ yếu
của tu thiền. Nhưng chúng tôi giảng chỉ là lý thuyết, về thực hành là
phần riêng của quí vị. Quí vị nhận xét hàng ngày, ứng dụng pháp tu, đó
là công phu của quí vị.
Chúng tôi nói rõ rằng, chẳng những chúng tôi
giảng như vậy, mà tất cả thiền sư dạy thiền cũng thấy như vậy và giảng
nói như vậy. Đây chúng tôi xin dẫn chứng bài kệ của một thiền sư quen
thuộc với chúng ta nhất, Thiền sư Vạn Hạnh ở đầu nhà Lý. Bài kệ có bốn
câu chữ Hán:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vo
Vạn mộc xuân vinh thu hựu kho?br>
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu nhuốm hồng
Mặc cuộc thạnh suy, đừng sợ hãi
Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.)
Nhìn về thân thì thân này như bóng, như chớp, không thật, có đó rồi mất
đó. Cũng như cây cối bên ngoài, mùa xuân tươi tốt, mùa thu héo tàn. Thế
thì thân, cảnh và cuộc đời mặc nó trôi qua. Hoặc suy hoặc thạnh, hoặc
tốt hoặc xấu đều không quan trọng, đều không sợ hãi. Nếu thấy cuộc đời
là giả tạm thì có gì đâu sợ hãi. Tại sao? Vì những cái thạnh suy của
cuộc đời khác nào như hạt sương đọng ở đầu ngọn cỏ. Hiểu như vậy, thấy
như vậy là đúng tinh thần thiền.
Thiền sư Viên Chiếu giữa đời Lý cũng có bài kệ tương tợ như sau:
Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi,
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiển nhậm suy di.
(Thân như tường vách đã lung lay
Đau đáu người đời luống xót thay
Nếu đạt tâm không, không tướng sắc
Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay.)
Thân người như tường vách, đã tới lúc suy sụp thì cả thế gian người đời
ai ai cũng đều lo sầu thảm não. Nếu đến chỗ tâm vọng tưởng đã lặng thì
không còn sắc tướng nữa. Chừng đó hoặc sắc hoặc không mặc nó ẩn hiện, có
gì là lo buồn.
Chúng ta thấy rõ thiền sư nào cũng thấy thân này là
giả dối, tạm bợ, không có chân thật. Hiểu như vậy, thấy như vậy rồi, đối
với cuộc đời, đối với sự sống, các ngài an lành tự tại. Khi sống với
thân này thì không chấp vào nó, khi thân này sắp hoại thì cười chơi, chớ
không than khóc. Tại sao khi thân sắp hoại lại than khóc? Vì sợ nó mất.
Thân đã là giả thì mất đâu có quan trọng gì. Sở dĩ chúng ta thấy nó
quan trọng vì tưởng nó là thật. Thân như bóng như bọt, có gì quan trọng
đâu! Vì vậy chúng ta sống không khổ vì thân, chết cũng không bị thân làm
khổ. Như thế không phải tự do tự tại là gì?
Người an lành tự tại là
người biết tu thiền. Như ngài Từ Minh, dòng Lâm Tế, đã nói "Sanh như
đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ". Mình sanh ra cũng như mùa đông được
đắp chiếc chăn ấm vậy. Mình có chết đi chẳng khác nào như mùa hạ cởi áo
cho khỏi nóng vậy, có gì đâu là quan trọng. Hiểu như thế thì sanh tử tự
tại, không còn sợ hãi cái chết, không còn đau khổ nữa. Cho nên đạo Phật
cứu khổ hay giải thoát cho con người là chỉ cho chúng ta thấy lẽ thật
bằng trí tuệ. Có trí tuệ rồi mới hết khổ. Đó là chủ yếu của đạo Phật,
cũng là chủ yếu của Thiền tông.
Quí vị hiểu những điều chúng tôi
nói, biết thân này là giả, do vay mượn tứ đại bên ngoài, biết tâm suy
nghĩ tưởng tượng là giả, do vay mượn các kiến thức bên ngoài. Hiểu biết
như vậy, quí vị sẽ buông xả từ từ, không chấp thân tứ đại và tâm vọng
tưởng, đó là quí vị biết tu thiền rồi.
Kính thưa quí vị, hôm nay
chúng tôi chỉ đưa quí vị "Vào Cổng Nhà Thiền", chúng tôi chưa dẫn "Vào
Cửa Không" và chưa "Chỉ Ông Chủ". Muốn vào cửa và thấy Ông Chủ chắc đòi
hỏi nhiều thời gian nữa. Giới thiệu cho quí vị tới cổng, đó là bổn phận
chính trong bài giảng hôm nay của chúng tôi.