Chư tôn giáo phẩm Ban Chứng minh
Chư tôn đức HĐCM, HĐTS, đại diện các cơ quan, ban, nàng TƯ, TP.HCM
Quang lâm chứng minh, tham dự lễ tưởng niệm có chư tôn giáo phẩm: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Hiển Tu, Phó Thư ký HĐCM; HT.Thích Viên Giác, HT.Thích Giác Tường, UVTT HĐCM cùng chư tôn đức giáo phẩm HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư; HT.Thích Thiện Tánh, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, chư tôn giáo phẩm Ban Thường trực HĐTS, Văn phòng II TƯGH; ban, ngành, viện T.Ư; chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh, thành; các ban, ngành trực thuộc BTS GHPGVN TP.HCM, chư Ni Phân ban Ni giới T.Ư; Tăng Ni sinh các trường Phật học, chư Tăng tu viện Quảng Hương Già Lam.
Đại diện chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể có: ông Đỗ Văn Phớn, Phó Vụ trưởng Vụ Tôn giáo Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Thanh Xuân, đại diện Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ (phía Nam); Nguyễn Ngọc Phong, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM; Phạm Quang Đồng, Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM…
Trang nghiêm lễ tưởng niệm lần thứ 32 năm ngày cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ viên tịch
HT.Thích Thiện Nhơn cung tuyên tiểu sử
Tại lễ tưởng niệm, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng. Theo đó, cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ (1909-1984) là bậc xuất trần thượng sĩ, có công lớn trong cuộc chấn hưng Phật giáo, thống nhất Phật giáo Việt Nam. Cố Trưởng lão Hòa thượng đã đào tạo, giáo dục nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, nhiệt tâm hoằng dương Chánh pháp, trùng tu, xây dựng nhiều tự viện, Phật học viện, trường Phật học, nghiên cứu Phật học, dịch thuật kinh điển… suốt đời phụng sự cho Đạo pháp, dân tộc.
Cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ, nguyên Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học Trung phần, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh, Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật học (Nha Trang), Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống Nhất, Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo, Đệ nhất Chủ tịch HĐTS GHPGVN (từ 1981 đến lúc viên tịch, năm 1984).
Sinh thời, Trưởng lão Hòa thượng được cung thỉnh vào ngôi vị Hòa thượng đàn đầu nhiều đại giới đàn: Đại giới đàn tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang, đại giới đàn Quảng Đức - tổ đình Ấn Quang (Chợ Lớn)...; ngài thành lập Phật học viện Phổ Đà (Đà Nẵng), Viện Cao Đẳng Phật học (Nha Trang); xây dựng trường Tiểu học tư thục Bồ Đề tại Thành Nội Huế - mở đầu mạng lưới giáo dục tư thục Bồ Đề của Phật giáo, thành lập tại chùa Pháp Hội - Sài Gòn (tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh), đại trùng tu tổ đình Ba La Mật, Báo Quốc (TT-Huế), khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam (Gò Vấp), xây dựng tổ đình Linh Quang (Quảng Trị)…
Trưởng lão Hòa thượng dịch thuật nhiều kinh điển, biên soạn sách để hoằng dương Phật pháp. Một số tác phẩm: Kinh Phổ Môn, Phổ Hiền, Mẹ hiền Quán Âm, Vô Thường, A-di-đà, Pháp môn tịnh độ, Bát Nhã…; Luật Tỳ-kheo, Luật Tứ phần, Nghi thức truyền giới Bồ-tát tại gia và thập thiện; Nghi thức Phật đản, nghi thức lễ sám buổi khuya. Trưởng lão là người chủ trương các tập san: Tin Phật, Bát Nhã...
Trưởng lão Hòa thượng xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 21 giờ 45 ngày 2-4-1984 (nhằm ngày 2-3-Giáp Tý), tại tu viện Quảng Hương Già Lam, trụ thế 76 năm, 56 hạ lạp.
HT.Thích Trí Quảng dâng lời tưởng niệm cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ
Thay mặt TƯGH, BTS GHPGVN TP.HCM, HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM đọc lời tưởng niệm cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ và chư vị tiền bối hữu công viên tịch qua các thời kỳ.
Theo đó, Hòa thượng nhấn mạnh: “Với trách nhiệm và bổn phận của Trưởng tử Như Lai, tiền đồ của Phật giáo nước nhà, cố Trưởng lão Hòa thượng là một trong những bậc cao tăng thạc đức đã tích cực đóng góp trí tuệ và công sức trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ…Từ lúc đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐTS GHPGVN nhiệm kỳ I (1981-1986) cho đến ngày viên tịch, cố Trưởng lão Hòa thượng đã không ngừng xây dựng và phát triển, làm cho ngôi nhà GHPGVN ngày càng trang nghiêm và hưng thịnh trong lòng dân tộc nhất là trong giai đoạn thống nhất Phật giáo Việt Nam đầy gian lao và thử thách. Như Hòa thượng đã từng tâm sự ‘Những gì tôi làm lợi ích cho Đạo pháp là làm lợi ích cho Dân tộc; những điều tôi làm lợi ích cho Dân tộc tức là lợi ích cho Đạo pháp’”.
Hòa thượng khẳng định, thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau là những người thừa hưởng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam ngày nay, là thừa hưởng gia tài quý báu của các hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, mà trong đó Trưởng lão Hòa thượng đã đóng góp một phần công đức rất lớn trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam hòa hợp dân tộc, xây dựng hòa bình thống nhất tổ quốc theo phương châm hoạt động: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Trong 50 năm phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng đã thực hiện một cách trọn vẹn các Phật sự bằng những hành động và ý chí của mình. Quả thật "Hạnh nguyện sáng soi cùng kim cổ, chí cả rạng ngời với sử xanh"...
Chư tôn đức niêm hương tưởng niệm
Ghi nhớ công đức của cố Trưởng lão Hòa thượng cho Đạo pháp và Dân tộc
Trong không khí trang nghiêm, thành kính của lễ húy nhật lần thứ 32 năm ngày cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ viên tịch, với sự xướng lễ của TT.Thích Lệ Trang, Phó ban Nghi lễ T.Ư, chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, các ban, ngành, viện T.Ư, BTS GHPGVN các tỉnh, thành; BTS GHPGVN TP.HCM… đối trước Giác linh đài thành kính dâng nén tâm hương tưởng niệm, ghi nhớ, tri ân công đức sâu dày của cố Trưởng lão Hòa thượng cùng chư sơn thiền đức tiền bối hữu công đối với đạo pháp và dân tộc.
Toàn thể đại chúng hướng về Giác linh đài cố Trưởng lão Hòa thượng và chư vị Hòa thượng tiền bối hữu công thực hiện khóa lễ tụng niệm kinh Bát Nhã thành kính dâng lên cúng dường. Tăng Ni, Phật tử hôm nay kính nguyện kề vai sát cánh bên nhau, hòa hợp, đoàn kết một lòng để trang nghiêm ngôi nhà GHPGVN ngày càng phát triển trong lòng dân tộc…
Thành kính dâng hương trước Giác linh đài cố Trưởng lão Hòa thượng
HT.Thích Thiện Tánh thay mặt Ban Tổ chức phát biểu cảm tạ
*Lễ Tưởng niệm tại tu viện Quảng Hương Già Lam
Trưa cùng ngày, tại tu viện Quảng Hương Già Lam (Q.Gò Vấp), chư tôn đức tông phong pháp phái đã tổ chức trang nghiêm lễ tưởng niệm - húy nhật lần thứ 32 ngày cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ viên tịch; đồng thời, khánh tạ Tam bảo sau hai năm khởi công trùng tu xây dựng ngôi tu viện Quảng Hương Già Lam – cơ sở cuối cùng do cố Trưởng lão Hòa thượng khai kiến ở miền Nam – Sài Gòn.
Tôn dung cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ
Chư tôn đức giáo phẩm niêm hương tưởng niệm
Chư tôn tông phong pháp pháp thành kính tưởng niệm ân đức cố Trưởng lão Hòa thượng
Buổi lễ tưởng niệm trang nghiêm thanh tịnh tại chánh điện tu viện Quảng Hương Già Lam, HT.Thích Phước Trí, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư sám chủ cùng chư vị kinh sư thành kính thực hiện khóa lễ tưởng niệm cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ.
Đại diện tông phong pháp pháp, HT.Thích Đức Chơn, Viện chủ tu viện Quảng Hương Già Lam đã đối trước Giác linh đài cố Trưởng lão Hòa thượng ân sư thành kính dâng lời tưởng niệm, ôn lại công đức sâu dày của vị tôn sư thạc đức đã hết lòng dìu dắt tứ chúng trên bước đường tu học.
“… Đặc biệt, cố Trưởng lão Hòa thượng đã để lại ngôi tu viện Quảng Hương Già Lam - cơ sở Ôn xây dựng cuối cùng ở Sài Gòn. Chúng con là những người kế thừa cơ sở của Ôn để lại nhưng qua thời gian, ngôi chùa xuống cấp, chư Tăng lại đông thêm nên chúng con trùng kiến lại ngôi phạm vũ già lam, nay công trình đã hoàn thành tốt đẹp - chúng con thành tâm dâng công đức này kính dâng Ôn” – HT.Thích Đức Chơn thành tâm dâng lời tưởng niệm trước Giác linh cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ.
HT.Thích Đức Chơn dâng lời tưởng niệm
Đảnh lễ Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng
Trong không khí trang nghiêm, khói trầm hương hòa âm ba của chuông trống Bát Nhã, Ban Kinh sư cung tuyên pháp ngữ xướng lễ cúng dường. Toàn thể đại chúng hướng về Giác linh đài cố Trưởng lão Hòa thượng thành kính tụng niệm, tưởng niệm bậc ân sư tài đức trọn đời phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.
Tu viện Quảng Hương Già Lam do cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ khai sơn vào năm 1962. Chánh điện của chùa trước đây được xây dựng bằng bê-tông, nay ngôi chánh điện được trùng tu, thiết kế mới theo kiến trúc nhà rường gỗ đặc trưng của cố đô Huế.
Tháp cố Hòa thượng trong khuôn viên tu viện Quảng Hương Già Lam
Phật tử các đạo tràng về tham dự lễ tưởng niệm
Toàn bộ chánh điện, lang can xung quanh chánh điện được thiết kế bằng chất liệu gỗ với lối điêu khắc, chạm trỗ tinh xảo với nhiều hoa văn độc đáo và công phu. Đây có thể nói là ngôi già lam mang nét đặc trưng của xứ Huế giữa Sài Gòn.
Công trình ngôi chánh điện tu viện Quảng Hương Già Lam, công trình nhà lưu niệm Trưởng lão Hòa thượng khai sơn, Tăng xá, nhà cốt… hoàn thành sau hai năm khởi công trùng tu.
Chánh điện
Không gian tại chánh điện tu viện Quảng Hương Già Lam
Một góc tu viện Quảng Hương Già Lam - ngôi chùa mang nét đặc trưng của cố đô Huế ở Sài Gòn
Chánh điện và khu Tăng xá
Tam quan tu viện Quảng Hương Già Lam nhìn từ chánh điện