Những
ngày rằm, mùng một và nhất là khi Tết đến, Xuân về, đã là người Việt,
có ai lại không muốn đến đình, đến chùa thắp một nén nhang lên bàn thờ
Phật để nguyện cầu cho cái rủi mau qua, cái an bình, may mắn sẽ tới?
Cộng đồng người Việt ở Ba Lan, nơi có khoảng 25.000 người Việt, cũng
thế. Ngày thường vật lộn với cuộc mưu sinh, nhưng những ngày nghỉ, ngày
lễ, đặc biệt là ngày Tết, xem truyền hình thấy bà con trong nước đến
đình chùa cầu mong sự bình an mà thấy ngậm ngùi, cái trống vắng trong
lòng bỗng trào lên tái tê hơn cả cái rét của những ngày tuyết rơi...
Nhiều người Việt sống tại thủ đô Warsava đành phải đến lễ ở Phật đường
- nơi những người Hoa gốc Malaysia thờ Phật Di Lặc. Một ngôi chùa của
riêng người Việt là một nỗi khắc khoải cho đến khi chùa Thiên Việt -
ngôi chùa duy nhất của cộng đồng người Việt tại Ba Lan - ra đời...
Trên
nền tuyết trắng, chùa Thiên Việt được thiết kế theo kiến trúc chùa Một
Cột ở Hà Nội, đứng trầm mặc, uy nghiêm với những đầu đao cong vút. Đến
dịp Tết Bính Tuất, chùa Thiên Việt được tròn một năm khai quan. Điều
đáng chú ý, ngôi chùa chỉ do một cá nhân đứng ra xây dựng, đó là ông
Bùi Anh Thái, Giám đốc Công ty Newsun - một công ty kinh doanh dịch vụ
kho tàng, bến bãi phục vụ cho nhu cầu làm ăn, buôn bán của người Việt
tại Warsava. Khi được hỏi tại sao ông không phối hợp với những hội
đoàn, những tổ chức người Việt để có thể xây dựng một ngôi chùa khang
trang, bề thế hơn, mà lại một mình đứng ra dựng chùa, ông Thái cho
biết: “Nhiều người thì khó quyết định hơn một người. Nếu cứ đứng mà chờ
đợi thì không biết đến khi nào cộng đồng mới có một ngôi chùa để cầu
an, cầu phước, cầu tài, để hướng đức, hướng thiện. Sức mình đến đâu lo
đến đó”. Điều ông Thái nói không phải không có lý, cách đây vài năm, có
người đã phát tâm kêu gọi trên báo Quê Việt (tờ báo của cộng đồng người
Việt tại Ba Lan) để đóng góp xây dựng một ngôi chùa, nhưng việc xây
dựng đã không thể tiến hành vì gặp quá nhiều khó khăn. Có lẽ không cần
nói ra, nhưng cộng đồng người Việt ai cũng hiểu, xây chùa Thiên Việt là
một cố gắng, một nghĩa cử đẹp của ông Bùi Anh Thái với cộng đồng. Sau
khi xây dựng, làm lễ khai quan với sự chứng minh của Đại đức Thích Minh
Trí, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà
Nội, chùa Thiên Việt được bàn giao cho Hội Người Việt Nam tại Ba Lan
quản lý.
Tuy quy mô còn nhỏ, nhưng chùa được thiết kế đầy đủ
các bàn thờ, với cách bài trí “tiền Phật, hậu Thánh” giống như ở quê
nhà. Ngoài các bàn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, thờ Quan Âm thiên thủ
thiên nhãn, chùa Thiên Việt còn có bàn thờ vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm
Trần Nhân Tông, Đức Thánh Trần, thờ Tam vị Thánh Mẫu. “Thiên Việt”,
theo cách giải thích của ông Bùi Anh Thái, có thể hiểu là “trời Việt”
hay “khung trời của người Việt” và thực sự đến nay, ngôi chùa đã là một
khung trời Việt giữa châu Âu. Nhiều người Ba Lan (đa số theo Thiên Chúa
giáo) thấy giữa thủ đô của họ có một kiến trúc độc đáo cũng đến tìm
hiểu thêm về Phật giáo, về văn hóa Việt Nam.
Những ngày đầu năm, Warsava vẫn chìm trong sương
tuyết, nhưng khói trầm tỏa ra từ ngôi chùa Thiên Việt, toạ lạc ở số 4
phố Zamoyskiego làm người ta quên đi cái lạnh. Không chỉ người Việt ở
thủ đô Warsava mà nhiều người không quản đường xa đi tàu điện ngầm, đi
xe hơi... từ các thành phố khác để đến với ngôi chùa, để được thắp
những nén nhang lên trên bàn thờ Phật... Nếu qua song cửa ngoài kia
không phải là tuyết trắng đang rơi, có lẽ người ta sẽ tưởng rằng mình
đang ở một ngôi chùa trên đất Việt. Trong làn khói nhang, vừa khấn
nguyện, người ta vừa nhớ về quê hương. Những người đồng hương có dịp
gần gũi nhau hơn trong một không gian với những câu chuyện đầm ấm, dễ
khiến người ta bồi hồi nghĩ đến quê xa...