Những viên xôi nhỏ
Lần đầu tiên đặt chân đến Viêng Chăn tôi muốn được sống trong nghi lễ
khất thực một cách thấu đáo. 4 giờ 30 tôi xách máy ảnh dời khách sạn
đi về phía ngã tư gần ba bốn ngôi chùa lớn, trong đó có chùa Ông Tự nổi
tiếng. Ánh đèn đêm vàng rực, phố xá còn chìm trong giấc ngủ, tịnh
không có tiếng ô tô, xe máy của những người đi chợ sớm như Hà Nội. Gió
từ phía sông Mê Kông thổi về mát rượi, yên bình.
Ở ngã tư đã có một bà cụ chừng 70 tuổi đang ngồi trên ghế đá khẽ trò
chuyện với một thanh niên quãng 30 tuổi, họ đang chờ để cúng dường…
Thấy tôi mang máy chụp hình và giới thiệu là người Việt Nam, chàng trai
nói như reo hai tiếng Việt Nam và nói một tràng tiếng Lào, tôi không
hiểu nhưng cảm nhận được sự nhiệt tình và thân thiện. Anh ta chỉ vào
mình và nói, khiến tôi hiểu tên anh ta là Chănđi.
Phật giáo, các vị Tăng, những mái chùa là một phần linh thiêng sống động
trong đời sống người dân các bộ tộc Lào
Tôi quan sát thấy bà cụ mang theo một làn xoài xanh, có lẽ hái từ
vườn nhà và một bao nến, một típ xôi, còn Chănđi chỉ có hai típ xôi nhỏ.
Tôi thầm nghĩ, như vậy để có xôi đi cúng dường, ít nhất họ phải thức
dậy từ 3 giờ sáng, trong khi người Lào thường dậy muộn, 9 giờ mới đi
làm, chợ mới mở cửa.
Chờ một lát, đường phố vẫn chưa ai thức dậy, bà cụ thắp hai ngọn nến
dưới gốc cây bên đường, chắp tay cầu khấn rồi mở típ xôi, lấy ra một
nắm nhỏ, rồi bà cụ đi dọc hàng cây, cài lên những cái đinh có sẵn trên
mỗi cây một cục xôi bằng đầu ngón tay, bà đi mãi dọc hàng cây tối mờ.
Tôi hiểu, đây là cách cúng chúng sinh giống như bà con miền Bắc Việt Nam
vẩy cháo, rồi múc cháo vào những chiếc bồ kề gấp bằng lá mít cho những
linh hồn lang thang uổng tử “chậm chân” nhận được chút cháo an ủi. Hỏi
chuyện một cư sĩ thạo tiếng Việt, tôi thấy cách hiểu của tôi không sai
nhưng người Lào làm như vậy còn có ý nghĩa thực tế hơn là chim chóc có
cái ăn.
Chănđi cũng lấy ra hai nắm xôi bằng quả trứng gà, đưa cho tôi một nắm
và ra hiệu cho tôi đi theo, nhưng không phải để đặt xôi lên thân cây
mà anh ta dẫn tôi vào ngôi chùa cách đó không xa. Sân chùa vẫn tối đen,
chỉ có đèn điện tỏa ánh sáng vàng qua những tán lá rậm rạp, chúng tôi
đến một am nhỏ, chừng 10 m2 nằm ở góc sân bên phải ngôi chính điện.
Trong am, có hai vị sư lớn tuổi, khoác cà sa để trần vai trái, đang
đốt nến, lễ Phật. Trên bàn thờ là tượng Phật tổ Như Lai khá lớn màu
đồng, phía sau lưng tượng là bức vẽ cây bồ đề tỏa bóng. Nến được thắp
không phải trên bàn thờ như bên mình mà giá nến được đặt ngay trên chiếu
lễ, giá nến là những thanh gỗ dài, những thanh gỗ song song tạo hình
con thuyền có hai đầu cong vút lên. Người ta thắp những ngọn nến nhỏ
bằng cây đũa trên những giá nến này.
Chănđi hướng dẫn tôi quỳ xuống lễ Phật rồi chia nắm xôi thành từng
viên nhỏ, như bà cụ đặt trên thân cây, đặt vào giữa khoảng cách của
những cây nến đang tỏa ra thứ ánh sáng màu vàng rực rỡ và trang nghiêm.
Người Lào thắp nến nhiều hơn thắp hương.
Lễ Phật xong chúng tôi ra ngoài sân, trong bầu không khí trong lành,
yên tĩnh còn đẫm hơi sương, tôi thấy hai vị sư vừa lễ Phật đang cùng
các sư trẻ và các chú tiểu quét dọn, lá cây được vun lại đốt cháy bập
bùng bên những mộ tháp, rác được cho vào những sọt lớn để các vị sư trẻ
khiêng ra tập kết ngoài đường. Thảo nào, chiều qua, đi thăm các chùa,
tôi thấy nơi nào cũng rất sạch sẽ. Chănđi thưa gì đó với vị sư lớn
tuổi, tôi thấy ông nghỉ tay trở vào am, hóa ra Chănđi xin cho tôi được
chụp tấm hình kỷ niệm. Sư ông đứng bên tôi, mặt vẫn lấm tấm mồ hôi. Chụp
hình xong, tôi chắp tay cảm ơn và xin phép ra ngoài… Chănđi ra hiệu
nói, bây giờ các sư đi tắm, thay y áo để chuẩn bị khất thực.
Bước chân trần lặng lẽ
Ngoài đường phố lúc này chừng 5 giờ sáng, đã đông người, người ta
ngồi thành nhóm dàn ngang trên hè phố, trên chiếu hay những chiếc ghế
thấp, trong đó đa số là các bà, các chị. Hầu hết mọi người cả nam và nữ
đều quàng phạ biêng, loại khăn quàng chéo từ vai trái xuống một cách
trang trọng. Đây là lễ phục của người Lào, phạ biêng của nam giới thì
thường đơn giản, một màu, còn phạ biêng của nữ giới nhiều màu sắc với
những hoa văn cầu kỳ. Nhiều phụ nữ trông rất hiện đại đi xe ô tô đến,
trải chiếu xuống vỉa hè và quỳ xuống chờ đợi. Mọi người khác đều lặng
yên như chìm vào suy tưởng. Một không khí linh thiêng lan tỏa trên các
con phố, có những hàng cột đèn nối nhau tỏa sáng đến xa tít như những
ngọn nến khổng lồ…
Điều đặc biệt là trong số những người chờ cúng dường đó, có nhiều ni
sư. Tôi nhận ra họ vì đều để đầu trần đã cạo nhẵn và mặc y phục màu ghi
nhạt. Vị cư sĩ Lào giải thích, các vị sư nữ thường tu trong khuôn viên
các chùa lớn, ngoài khu vực chính dành cho tăng. Họ có nhiều hạn chế
hơn các vị tăng, nên họ cũng cúng dường, thí thực như các Phật tử khác.
Bỗng từ phía ngôi chùa vang lên mấy tiếng cồng, phía xa xa, từ cổng
chùa Ông Tự, đã thấp thoáng những bóng áo vàng đang khoan thai bước ra
đường. Các Phật tử quỳ gối, chắp tay, nhiều người thắp hai ngọn nến,
gắn trên miệng cái thố có chân cao bằng bạc, bằng đồng có hoa văn tinh
xảo, đựng các lễ vật cúng dường.
Các nhà sư đã thay y áo mới, quàng kín hai vai, chân trần, lặng lẽ đi
thành một hàng dài thong thả như sợ dẫm đạp lên các sinh vật nhỏ bé
dưới chân. Đi đầu là vị sư có thâm niên cao nhất, đi sau cùng là các chú
tiểu, mỗi vị cách nhau chừng nửa mét, tất cả đều lặng yên và nghi lễ
cúng dường cũng diễn ra trong sự yên lặng gần như tuyệt đối. Không có
tiếng bước chân, tiếng nói chuyện, chỉ có tiếng gió thổi lao xao. Mỗi
Phật tử cầm sẵn lễ vật, đưa lên trán khấn nguyện rồi cung kính đặt vào
bát của mỗi vị sư. Bát được làm bằng kim loại, ghép từ 8 miếng tượng
trưng cho bát chính đạo, như quả bí nhỏ, miệng bát rộng cỡ một gang tay,
có nắp đậy, khác với thời Đức Phật, bát chỉ làm bằng gốm. Bát được các
sư lồng trong một túi vải màu vàng vừa in, có quai đeo, vì thế, khi
nhận lễ vật, một tay sư mở nắp, một tay giữ bát để nó không đung đưa.
Nghi lễ cúng dường diễn ra trong sự yên lặng gần như tuyệt đối
Lễ vật trước hết là nắm xôi nhỏ, những chiếc bánh tự gói, trái cây,
rồi các loại bánh mua sẵn, sữa hộp, sữa tươi, có khi kèm theo một tờ
tiền chừng 2000 kíp, bằng khoảng 5000 VNĐ. Theo giới luật của Phật giáo
nguyên thủy, Phật tử chỉ cúng dường bằng thức ăn đã nấu chín, như cúng
cơm chứ không cúng gạo, cúng rau đã nấu chín chứ không cúng rau tươi.
Vì vậy mà nhà chùa không có bếp. Phật tử cúng gì thì các sư dùng thứ
nấy, không để tâm chuyện ngon hay không ngon, chay hay mặn, vì sư đi
khất thực lấy thực phẩm nuôi thân khỏe mạnh để tu tập chứ không màng
chuyện mặc đẹp, ăn ngon. Tuy thế, hầu hết các Phật tử tôi thấy đều cúng
đồ chay.
Không khí trang nghiêm quá nên tôi không dám chụp flast, sợ ánh sáng
làm ảnh hưởng đến nghi lễ. Các vị sư nhận lễ một cách bình thản, không
biểu lộ cảm xúc khi đứng trước người quen hay lạ, người mới hay người
cũ, già hay trẻ, nam hay nữ, mắt các vị nhìn xuống nhưng không chăm chú
nhìn vào thí chủ.
Ngoài người dân địa phương, người nước ngoài sống ở Lào cũng tham gia
cúng dường. Tôi quan sát một nữ Phật tử chừng 30 tuổi, là người Hàn
Quốc sống tại Lào, cô mặc áo full đỏ có in dòng chữ “I love you”, mặc
quần short, khác với y phục của Phật tử Lào nhưng sự thành tâm thì không
hề khác. Gương mặt cô hơi u buồn, không có bất kỳ biểu cảm nào khác
ngoài sự thành kính dù vị sư đứng trước mặt là một vị cao niên, một
thanh niên trẻ khỏe, một chú tiểu lếch thếch, hay ống kính máy ảnh của
tôi.
Nữ phật tử người Hàn Quốc tỏ lòng thành kính trước một chú tiểu
Hết đoàn sư này đến đoàn sư khác, cả một quãng phố vàng rực mầu áo cà
sa và tiếng đọc kinh êm ả. Sau khi nhận lễ vật từ một nhóm Phật tử, dù
vài người hay hàng chục người, các vị sư đều đứng lại, dàn hàng ngang,
cách các Phật tử chừng 2 m rồi đồng thanh đọc một bài kinh ngắn, cầu
phúc cho các thí chủ. Khi đó, các thí chủ đều cúi đầu, một tay đưa lên
như bông hoa sen trước ngực trong tư thế niệm Phật, một tay cầm bình
nước nhỏ rót xuống đất hay rót vào cái âu nhỏ bằng đồng mà họ mang theo,
sau đó ró vào gốc cây một cách kính cẩn, mang ý nghĩa hồi hướng công
đức cho đến tổ tiên, ông bà đã khuất được mát mẻ, an lành.
Chiêm ngưỡng buổi khất thực tôi được chứng nghiệm đoạn giảng kinh ở
đâu đó quy định về khất thực là “khi đi vị khất sĩ không ngó qua ngó
lại, không được mở miệng nói chuyện… Khi đi khất thực, vị khất sĩ cũng
không được để ý xem mình được cái gì, và cũng không được thỏa mãn cũng
như bất mãn. Nếu một người đàn bà cúng dường đồ ăn, vị khất sĩ không
được nói, nhìn hay quan sát người ấy đẹp hay xấu. Đồ ăn cúng dường cho
khất sĩ không phải luôn luôn nhiều hay ngon lành, hay tinh khiết. Các
chuyến đi khất thực đôi lúc cũng có thể gây nên những xáo trộn tình cảm
cho các Tỳ-kheo trẻ vì đa số thí chủ là đàn bà con gái. Do đó, việc tự
điều phục thân tâm phải được tăng cường là điều rất cần thiết trong lúc
khất thực, như đức Phật đã nhấn mạnh: “chỉ khi nào thân tâm được điều
phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì mới đi vào làng khất
thực”.
Những người cúng hết thức ăn thì ra về, có người tươi cười chia tay
nhau, hẹn sáng mai gặp lại, còn các ni sư cũng lên ô tô trong lặng lẽ,
những người còn thức ăn thì lại kiên nhẫn chờ đợi để dâng cúng tiếp.
Tuy vậy, họ vẫn ngồi nguyên chỗ cũ chứ không di chuyển đến chỗ mà các
sư có thể sắp đi qua. Trời đã rạng sáng, tôi tranh thủ hỏi chuyện một
phụ nữ trẻ, mặc trang phục đặc trưng của Lào, cô và hai người bạn, một
nam, một nữ nữa vì mang quá nhiều thức ăn nên còn ngồi lại bên hè phố.
Tôi hỏi, khi dâng cũng thức ăn như vậy, cô cầu xin điều gì? Cô nói
bằng tiếng Anh, giải thích đại ý rằng việc cúng thức ăn cho các vị sư
cũng chính là cúng Phật và cúng ông bà tổ tiên mình. Cô nói và mỉm
cười…
Vilayvanh, một cán bộ Ban quản lý khoa học Viện KHXH Lào là một trí
thức trẻ, mới 28 tuổi, chưa có gia đình và sống với nhà bác, do cha mẹ
cô không ở Viêng Chăn nhưng mỗi tuần ít nhất cô cúng dường 3 ngày.
Vilayvanh cho hay, chỉ những ngày lễ thì mới cúng dường sớm từ 5 giờ
sáng, còn các ngày thường thì khoảng 7 giờ mới bắt đầu, sau đó cô có thể
chuẩn bị đi làm.
Tôi thầm nghĩ, những người Lào bắt đầu một ngày mới bằng một nghi lễ
thành kính như thế, được tắm gội tâm hồn trong không khí thanh sạch,
thánh thiện như thế, làm sao họ có thể làm điều gì trái với đạo đức, với
lời Phật dạy được nhỉ…
Món thịt vịt ở chùa Hải Sộc
Tôi đi theo các sư đến cổng chùa nhưng rồi dừng lại, tôi nghĩ nếu
mình bước vào ghi lại cảnh các vị thọ trai thì có lẽ làm phiền họ, nhất
là chưa có ai xin phép giúp. Tôi biết, vật phẩm khất thực mang về
thường được chia ra làm bốn phần, một phần nhường cho các sư đồng tu
nếu họ không có, hay có ít, một phần dành cho người nghèo, một phần
dành cho những con vật sống chung như chó, mèo và phần còn lại của
người khất thực dùng.
Trước đó, tôi vào thăm chùa Mixay ( Hữu Phúc) thấy một vị sư đã già
lắm, có lẽ đến 90 tuổi vẫn loay hoay như ông thợ mộc già bên mấy thanh
gỗ mà các sư trẻ đang bào, chuẩn bị đóng cái gì đó. Những vị đã quá cao
tuổi, hay sức khỏe không tốt, ốm đau, bệnh tật thì không trì bình khất
thực nữa. Trên đường trở về khách sạn, tôi nghĩ giờ này vị sư già thợ
mộc chắc cũng đang thọ thực bát cơm ngàn nhà mà các vị đệ tử hay đồng
tu đưa tới. Sau bữa cơm chay này, cho đến trưa hôm sau, các sư tham gia
các hoạt động thiền định, lễ bái, học tập, rèn luyện thân thể, nghe
nói không được ăn uống, kể cả sữa, chỉ uống nước lọc, có thể ngậm kẹo
nhưng không được nhai.
Theo giáo lý nhà Phật, trì bình khất thực mang lại nhiều lợi ích cho
các vị khất sĩ và cho chúng sinh. Đối với các vị sư, các khất sĩ, thì
ôm bình bát đi xin khiến cho tâm trí họ được rảnh rang, ít phiền não,
họ không phải lo kiếm kế sinh nhai, có nhiều thì giờ để tu hành và
đoạn trừ được tâm kiêu căng ngã mạn, cũng như đoạn trừ lòng tham, không
thể tham ăn ngon và ăn nhiều vì ai cho gì ăn nấy, thức ăn chỉ đầy bát
chứ không nhiều hơn, tránh khỏi sự tích trữ vật thực tiền của.
Ngoài lợi ích cho riêng mình, vị khất sĩ còn mang lại ba điều lợi ích
cho chúng sinh như tạo cơ duyên cho người bố thí đoạn trừ lòng tham,
tức là tạo phúc duyên cho họ, tạo cơ duyên giáo hoá chúng sinh, và nêu
gương sống giản dị làm cho người đời bớt tham đắm của cải. Phật tử
thường bận rộn sinh kế, ít có điều kiện đến chùa cúng dường, chưa kể
không ít người vì nghèo khó mà ngại ngùng, vì thế các vị sư đi khất
thực là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả Phật tử cúng dường Tam bảo. Như
vậy, khất thực vừa để độ nhật, vừa để thuyết pháp độ sinh và là nỗ lực
hành thiền đoạn trừ lòng tham dục…
Theo Kinh Phật, trước khi lên đường khất thực vị khất sĩ nguyện rằng:
“Nguyện cho các vị khất sĩ thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí
chủ thảy đều được phúc báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để
điều trị cái thân độc hại này, để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí
chủ.”
7 giờ 30 tôi trở lại chùa. Sân chùa vắng lặng, chỉ có các chú chó đi
lại nghênh ngang trên sân chùa nhưng không sủa lên khi thấy khách lạ.
Chùa ở Viêng Chăn rất rộng, cổng được mở về bốn phía và hầu như cổng
luôn luôn mở.
Tôi bỏ dép bước lên tòa chính điện có sức chứa vài ba trăm người,
thấy một chú tiểu đang quét một cách chăm chú. Thấy tôi muốn chụp hình,
chú bật điện trên gian thờ, những vầng hào quang sau tượng Phật tỏa
sáng. Khác với Tam bảo của Bắc tông, chính điện ở đây chỉ có tượng Phật
tổ Như Lai ngồi dưới gốc bồ đề và một vài pho tượng nhỏ là các A La Hán
và vị sư trụ trì đã quá cố. Theo quan niệm của Phật giáo nguyên thủy,
chỉ có một đức Phật duy nhất là Thích ca Mâu ni, còn những nhà tu hành
chứng quả cũng chỉ đạt đến A La Hán, không có quan niệm “Hằng hà sa
số Phật”.
Tôi băng qua đường, sang bên ngôi chùa đối diện có tên là chùa Hải
Sộc (Vô Ưu), đi qua lầu trống rồi lên chính điện, ở đó có hai chú tiểu
chừng 12-13 tuổi đang ngồi chắp tay lễ Phật, lát sau thì đã thấy có thêm
vài ba chú nữa. Sau bài lễ, một chú tiểu lớn nhất lại dãy bàn kê ở góc
đại điện, gần cửa ra vào, bưng ra bốn mâm thức ăn đã bày sẵn. Mâm đan
bằng tre, hình tròn như cái mẹt, có chân chạy xung quanh, bên trên trải
một tấm nilon kiểu đăng ten khá đẹp mắt. Thức ăn được bày vào bốn bát,
gồm một bát cà rốt xào, một bài dưa xào với thịt, một bát rau cải và
một bát thịt vịt, các chú tiểu ngồi vào mâm, mang bình bát để bên cạnh.
Trước khi ăn, các chú ngồi xếp hàng ngang, một chú lớn hơn ngồi tiến
lên phía trước, cùng chắp tay, hướng ra phía cửa đọc một bài kinh ngắn,
có lẽ họ chúc phúc cho các thí chủ đã thí thực. Bình bát của mỗi người
được mở ra, tôi thấy khá nhiều xôi, có cả những túi Milo, Sữa Nestle
nữa. Xôi được bốc tay, nắm lại để ăn, còn thức ăn thì có thìa.
Khất thực vừa để độ nhật vừa để thuyết pháp độ sinh
và là nỗ lực hành thiền đoạn trừ lòng tham dục
Thịt vịt và những món xào này ở đâu ra nhỉ? Theo nguyên tắc thì nhà
chùa không có bếp, nhận được thức ăn gì thì dùng thức ăn đó cơ mà. Chị
Vongnakhone Sayalath, cán bộ Viện Ngôn ngữ Viện KHXH Lào giải thích cho
tôi rằng, ngoài những Phật tử đi cúng dường ngoài đường phố, thì có
những Phật tử nấu chín thức ăn ở nhà mang trực tiếp đến chùa, như vậy là
bữa ăn của nhà chùa đủ dinh dưỡng, chứ không chỉ là các thức ăn chay.
Trong một vài trường hợp thì những gia đình gửi con vào tu trong
chùa, có thể vài tuần ba tháng, thường buổi sáng họ đến cúng dường cho
chính các con mình. Do đó, bữa ăn của các chú tiểu đủ chất hơn, phong
phú hơn bữa ăn của các sư thầy của họ và họ cũng có thể được ăn thêm bữa
phụ.
Chiếc giường trong lễ cầu siêu
Khác với bên mình, trên bàn thờ Phật không có chỗ bày lễ vật, không
có xôi, oản, hoa trái, bánh kẹo, cỗ chay… mà chỉ có những lọ hoa sen,
hoa cúc vàng, đôi khi hoa cúc được tết lại như cái tháp và thắp nến,
thắp hương vậy thôi. Những lọ hoa, giá nến, chậu cắm hương đều đặt ngay
trên chiếu lễ.
Thực phẩm, y áo cúng dường Tam bảo nhưng cúng cho các vị sư. Phật tử
đến chùa bày phẩm vật trước mặt sư, quỳ lạy sư và dâng lễ vật để sư sử
dụng. Người Lào quan niệm dâng thực phẩm, y áo cho các vị sư là cúng
Phật, cũng là cúng cho tổ tiên, cha mẹ đã khuất. Do đó, họ không làm
những đồ vật đó bằng vàng mã mà cúng thực phẩm và đồ dùng thật để các sư
thọ dụng.
Có người nói, trong Tam bảo thì trọng nhất là Tăng, không có Tăng thì
chúng sinh không biết Pháp, không biết Pháp thì không biết đến Phật, ở
Lào quan niệm này rất sống động.
Để các chú tiểu thọ trai tự
nhiên, tôi vẫy chào và bước ra sân. Các sư đã quàng y áo kín vai ngồi
trò chuyện vui vẻ quanh chiếc bàn đá dưới bóng cây. Một người đàn ông
chừng 50 tuổi mặc âu phục áo trắng quần đen là thẳng nếp, quàng phạ
biêng trắng rất trịnh trọng đi từ cổng phụ vào nói gì đó với các sư,
rồi quay ra. Tôi theo lối người đàn ông áo trắng vừa ra, qua con ngõ
nhỏ tôi thấy gia đình người đàn ông này đã che rạp trước cửa nhà, khách
khứa ăn mặc rất sang trọng, ai cũng quàng phạ biêng, kể các thanh
niên, ngồi đầy các dãy bàn. Các sư tôi vừa gặp từ bên chùa cùng lúc đi
sang và bước vào trong nhà. Hóa ra, đây là một lễ cầu siêu, có lẽ là lễ
49 ngày như bên mình. Có một dãy bình bát được xếp hàng trên bàn, bình
bát nào cúng có danh thiếp riêng gắn vào, nên mấy sư trẻ sắp xếp lại
cho đúng thứ tự.
Các nhà sư vào nhà, ngồi theo thứ tự một dãy tựa lưng vào tường, đối
diện là gia chủ và khách đến dự lễ. Các cụ ông được mời ngồi trên những
bộ bàn ghế ở phía xa hơn nhưng đều hướng về phía các sư. Trước mặt mỗi
vị khách đều có cái thố cao chân đựng lễ vật, trái cây, bánh, xôi, sữa
hộp, tiền lẻ như những người đã cúng dường buổi khất thực buổi sáng.
Trước khi ăn các chú tiểu ngồi xếp hàng ngang,
đọc một bài kinh ngắn,có lẽ họ chúc phúc cho các thí chủ đã thí thực.
Nghi lễ bắt đầu, người đàn ông mặc áo trắng là tang chủ, thắp hai
ngọn nến lên miệng của cái khay trên đó có năm cặp nến vàng được xếp
song song, cách đều nhau, giữa các cặp nến là một bông hoa cúc vàng, các
vị khách cũng thắp nến lên miệng thố của mình. Tất cả mọi người chắp
tay, rập đầu lễ các vị sư. Sư lúc này là đại diện của Phật. Người tang
chủ quỳ bưng khay lễ dâng ngang mặt, trước mặt vị sư ngồi đầu dãy và
tụng một bài kinh trôi chảy, trang nghiêm, có người nói bên Việt Nam
mình gọi đó là bài tác bạch. Dứt một đoạn người ta lại đánh lên ba tiếng
cồng.
Ở phía tay phải các nhà sư là một cái kệ nhỏ, đặt di ảnh bà chủ nhà
đã quá cố, có thắp nến và bày hoa quả, như để bà ngồi nghe kinh, chứ
không phải là đối tượng mọi người lễ lạy như bên mình. Trên mặt quầy
rượu, đối diện các sư là một chiếc laptop, trên đó là hình ảnh một người
đàn ông Lào và người phụ nữ phương Tây, có lẽ là vợ, đang quỳ chắp tay
hướng về các sư, như vậy là người con trai này từ nước ngoài đang cầu
nguyện online cho mẹ. Một vị sư cầm chiếc quạt lá đề màu cam in hình
Đức Phật để ngay ngắn trước mặt tang chủ.
Tôi quan sát thấy kế bên
người đàn ông chủ nhà là một mâm lễ mạ vàng, trên đó có những chiếc là
dừa, kết với hoa cúc vàng như những ngọn tháp, có những thanh tre dán
những tua giấy trắng, nhưng xâu hạt cườm trắng, cao nhất là một cây nến
vàng nhưng không thắp, dưới chân tháp hoa là vài cái bánh nếp gói lá
chuối xanh. Mâm lễ có những sợi dây trắng, một đầu cuộn dây đặt trước
mặt vị sư chủ trì buổi lễ. Chị Vongnakhone cho hay, sau lễ cúng sợi dây
trắng này được căng trước nhà để trừ tà.
Trung tâm của lễ vật là một chiếc giường đơn, trang trí như đồ vàng
mã kiểu nhà táng giấy bên mình, những tờ tiền bath Thái Lan, tiền kíp
Lào, USD được dán trang trí, trên đó có lọ hoa, đèn nhấp nháy… nhưng đó
là giường thật, tiền thật. Trên giường có cả mền, gối, thố, chậu. Bên
cạnh giường còn có cả quạt điện, đèn dầu và một số xô nhựa trong đó có
đầy các vật dụng thông thường như y áo, đèn pin, xà phòng, đường, dầu
ăn… Người ta quan niệm rằng nếu không cúng đầy đủ vật dụng thiết yếu như
vậy thì cha mẹ mình không có đồ dùng ở thế giới bên kia. Những đồ lễ
lát nữa sẽ dâng cho các sư, chiếc giường sẽ được đưa sang chùa để sư thọ
dụng.
Vì có nhiều người cúng giường như vậy nên nhà chùa không dùng hết và có thể tặng lại cho các gia đình nghèo.
Tôi thấy người ta bưng cỗ chay vào, không phải bày vào chỗ cúng mà để
gọn một góc. Mâm tre y như mâm tôi đã thấy bên chùa nhưng có đến 10
món, gồm một bát súp lớn, trong súp có thịt, xôi, cơm, bánh nếp, đĩa súp
lơ đậu xanh luộc, một món xào, đĩa trái cây đã bổ sẵn…
Mâm cỗ chay có đến 10 món: gồm có súp, cơm, xôi, bánh nếp, súp lơ xanh luộc, trái cây…
Tôi không được dự đến kết thúc buổi lễ này, nhưng chị Vongnakhone cho
hay, sau khi con cháu đọc bài tác bạch về cha mẹ trước bàn thờ Phật
và trước quí thầy, thì tới phần cúng cơm, các vị sư nâng chén cơm, chén
thực phẩm lên làm phép lễ tiếp nhận chay tăng, rồi thọ trai ( ăn) ngay
tại đây. Thông thường, các sư không thể ăn hết mâm cỗ vì mỗi người một
mâm, nên sau đó Phật tử ăn tiếp mâm cỗ đó để lấy phúc. Sau đó đến phần
dâng phẩm vật cúng dường chư Tăng. Ngoài gia chủ cúng dường, nhiều
Phật tử nhân quí thầy đến tụng kinh cũng dâng phẩm vật của mình để cúng
dường tại chỗ.
Các sư trở về chùa, gia chủ khiêng theo chiếc tháp vàng mã, kết bằng
hoa và vải, có cán để khiêng, để rước linh hồn người chết lên chùa,
cùng với chiếc giường và các vật dụng đã cúng mang sang chùa. Sau đó,
con cháu và khách khứa mới quay về ăn tiệc.
Chùa Lào cũng là nơi gửi tro hài cốt. Xung quanh sân chùa, sát tường
bao là rất nhiều mộ tháp, mỗi tháp mộ như vậy thế có khi để ba bốn hộp
tro cốt, vì thế mà Lào không có các khu nghĩa địa mênh mông như bên
mình…
**
Lào là quốc gia có số lượng chùa tính trung bình trên dân số cao nhất
thế giới, với 1.400 ngôi chùa/ hơn 6 triệu dân. Chùa gắn liền với cả
cuộc đời người dân Lào, từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi trở về
cát bụi… Nhìn những ngôi chùa rực rỡ, nhìn những vạt áo vàng của các vị
sư bay lất phất trong gió sớm, tôi tin rằng văn hóa tâm linh Phật giáo
đặc sắc này chính là sự cứu rỗi cho cái xã hội nhiều xáo trộn ở cấp độ
toàn cầu hiện nay. Nhờ hệ giá trị bền vững này, xã hội Lào chắc chắn sẽ
hài hòa, ưu việt hơn nhiều so với những nước đang chạy theo những mục
đích vật chất mà phát triển quá nóng hiện nay…
Nguồn: Pháp Lý (phaply.net.vn)