Phật giáo quốc tế
Bangladesh: Khai quật chùa Liên Hoa 1400 tuổi tại Wari-Bateshwar
26/03/2010 00:49 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chùa Liên Hoa, 1400 tuổi, vừa được khai quật tại Wari-Bateshwar ở Narsingdi, Bangladesh.
Wari-Bateshwar, Bangladesh: Gần đây, tại vùng Wari-Bateshwar, thuộc huyện Narsingdi của Bangladesh, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật chùa Liên Hoa (Lotus Temple) 1400 tuổi. Ngôi chùa này được coi là chứng tích đầu tiên cho thấy sự hưng thịnh của Phật giáo ở trong vùng.

Qua kiến trúc, quy mô, kiểu dáng các viên gạch và các hiện vật được tìm thấy khác của ngôi chùa trong cuộc khai quật tại Mandirvita ở Dhupirtek, thuộc Shibpur trong huyện Narsingdi, các nhà khảo cổ nói rằng, ngôi đền xây bằng gạch vào khoảng thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8 này cho thấy có sự tồn tại của một ngôi chùa Phật giáo ở Wari-Bateshwar.

“Đây là chứng cứ đầu tiên chứng minh Phật giáo đã hưng thịnh và được truyền bá tại vùng Wari-Bateshwar của miền đất Madhupur,” Giáo sư Sufi Mostafizur Rahman, đứng đầu nhóm khai quật gồm: các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm nghiên cứu khảo cổ Oitihya Onneswan, các giảng viên và sinh viên Khoa Khảo cổ thuộc Đại học Jahangirnagar, khẳng định.

Theo bia ký bằng đồng được phát hiện năm 1885 tại Ashrafpur, cách Mandirvita 7 km, Hoàng đế Devakhadga đã hiến đất để xây dựng 4 tự viện trong vùng. “Nếu chúng ta y cứ vào bia ký đó, Dhupirtek có thể là một trong 4 địa điểm này,” Giáo sư  Rahman nói. Ngôi chùa này cũng biểu lộ cho biết các giai đoạn phát triển khác nhau của khu định cư thời cổ trong vùng, có niên đại từ năm 450 BC.

Năm 2001, xét nghiệm các mẫu than đã chứng minh sự hiện hữu của nơi cư trú và công nghệ của con người ở Wari-Bateshwar vào khoảng năm 450 BC. Các nhà khảo cổ cho rằng nền văn minh này đã kéo dài trong 500 năm. Nhóm khảo cổ đã khai quật một phần nhỏ của ngôi chùa năm 2009. Lần khai quật gần đây đã phát lộ công trình kiến trúc xây toàn bằng gạch vuông.

Các nhà khảo cổ đã tuyên bố công trình kiến trúc vừa được khai quật này là chùa Liên Hoa (Lotus Temple) sau khi họ phát hiện một hoa sen tám cánh làm bằng gạch đỏ trang trí trên bàn thờ. Trong Phật giáo, hoa sen (padma) là biểu tượng rất quan trọng về nhiều khía cạnh của con đường hướng tới giác ngộ, là sự thanh tịnh hoàn toàn của thân khẩu ý để từ đó phát sinh các hành vi thiện trong sự giải thoát.  Đức Phật thường được miêu tả là đang ngồi trên hoa sen đã nở. Hoa sen hồng biểu tượng trạng thái nguyên thủy và sự thanh tịnh của tâm.

Chứng tích của 7 hoa sen làm bằng gạch còn lại và lối đi rộng 70 cm xung quanh chùa cũng được phát hiện trong lần khai quật này. Hoa sen trang trí trên bàn thờ xây bằng gạch nằm trên bức tường phía nam của chùa, vốn được sử dụng như chính điện trong một thời gian trước đây, cho thấy bàn thờ được xây dựng sau.

Nhóm các nhà khảo cổ đang tiến hành nghiên cứu xác định ngôi chùa tồn tại bao nhiêu lâu trong mỗi thời kỳ và tại sao ngôi chùa lại bị phá hủy và được tái thiết. “Chúng tôi muốn bảo tồn ngôi chùa giống như khi chúng tôi phát hiện ra nó, sử dụng vật liệu xây dựng  tương tự như đã được dùng trong công trình kiến trúc này, để cho thấy những thời kỳ thay đổi mà ngôi chùa đã trải qua. Tiếc thay, chúng tôi đang chịu sức ép tài chính, nhưng công việc của chúng tôi đòi hỏi phải nghiên cứu và khai quật nhiều hơn nữa,” ông Mizanur Rahman, phó nhóm khảo cổ nói.

Quần Anh dịch theo thedailystar.ne (GNO)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch