Nhân chuyện “cướp bia” ở Biên Hòa (Đồng Nai) - thực ra không phải là âm mưu cướp đoạt mà là “hôi của” khi thấy người ta bị nạn (trong tình huống lẽ nên phải giúp đỡ) nên dư luận gọi là cướp - tôi tìm đọc lại bài báo trên báo Người Lao Động cách đây hơn một năm, có tựa “Vỗ béo các nhà máy bia” (NLĐ ngày 9-10-2012) và giật mình.
“Trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn, doanh số bán bia tại những thị trường trên thế giới đều giảm nhưng riêng ở Việt Nam vẫn tăng mạnh. Các hãng bia cũng tăng tốc đầu tư để nâng sản lượng...”, bài báo cho biết.
Đồng thời tác giả bài báo cũng nhấn mạnh: “Không chỉ Công ty Nghiên cứu Thị trường Euromonitor International đánh giá Việt Nam là nước tiêu thụ bia hàng đầu Đông Nam Á với gần 2,6 tỷ lít trong năm 2011, kỷ lục uống bia của người Việt còn được công ty sản xuất bia danh tiếng Kirin Holdings của Nhật Bản ghi nhận. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới với sản lượng tiêu thụ tăng hàng chục phần trăm mỗi năm”.
Bia bọt làm hao mòn nhân cách
Mới đây, ngày 12-12, tờ Người đưa tin của Hội Luật gia VN cho biết, Việt Nam đang được xếp vào danh sách các nước tiêu thụ bia hàng đầu thế giới khi lượng bia tiêu thụ trong năm 2013 được dự báo vào khoảng 2,9 - 3 tỷ lít bia vào thời điểm hết năm nay. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, sản lượng bia các loại trong tháng 11-2013 ước đạt 273,9 triệu lít, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, sản lượng bia các loại ước đạt trên 2,67 tỷ lít, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Như vậy, so sánh với năm 2011 (như con số ở trên) cho thấy lượng bia tiêu thụ của người Việt tăng, trong khi kinh tế ngày càng khó khăn hơn. Tất nhiên, điều đó dẫn tới hệ lụy kéo theo và mang tỷ lệ nghịch giữa tăng nhậu thì giảm về phát triển kinh tế, bởi bia bọt, nhậu nhẹt làm giảm hao không ít trí lực, sức khỏe. Đó là chưa tính tới uống bia rượu rồi gây ra tai nạn giao thông, từ đó ảnh hưởng tới an sinh xã hội…
Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Minh Phong nhận định: Sự tăng trưởng nóng của ngành sản xuất bia sẽ đem lại nhiều cái hại cho nền kinh tế và đời sống xã hội. Cái hại là nếu sa đà vào “nhậu nhẹt”, người Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc phát sinh nhiều bệnh tật, giảm tuổi thọ, đáng lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, mất an toàn giao thông và các vấn đề trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình…
Thật sự không khó để tìm những thông tin liên quan tới ảnh hưởng lớn của việc nhậu nhẹt, uống bia, rượu. Cụ thể, trên nền của thông tin 3 tỷ lít bia, ngày 12-12-2013, tờ Lao Động cho đăng bài “Đằng sau 3 tỷ lít bia là tỷ chuyện buồn”. Tác giả Lê Thanh Phong nhấn mạnh: “Càng nghĩ tới con số 3 tỷ lít bia và “n” lít rượu mà sợ hãi.
Đó là hàng triệu người vùi đầu vào cốc bia, chén rượu, trong đó có nhiều thanh niên đang tuổi học hành, người lao động chính. Họ hoang phí thời gian mà đáng ra phải trau dồi, rèn luyện, đầu tư cho tương lai, cho công việc.
Đó là sức khỏe của hàng triệu người bị đe dọa. Bia rượu bào mòn thể lực và cái giá phải trả là chiếc giường bệnh chồng chất bệnh nhân, với nhiều căn bệnh có nguyên nhân từ bia, rượu.
Đó là tai nạn giao thông ngày càng tăng, trong đó quá nửa trường hợp có nguyên nhân từ bia, rượu.
Đó là cướp giật, gây rối trật tự công cộng, thậm chí gây án nghiêm trọng, mà nguyên nhân từ lạm dụng rượu, bia. Đó là nhiều gia đình tan nát do người chồng là đệ tử “Lưu linh”.
Và còn nữa, trong 3 tỷ lít bia tương đương 3 tỷ USD đó, có bao nhiêu lít được uống trong các cuộc liên hoan, chiêu đãi, hội nghị, tổng kết, đại hội các loại. Tất nhiên, số bia đó được thanh toán bằng đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân chúng”.
Lợi bất cập hại
Từ phân tích với những con số xác thực ở trên của nhiều tờ báo có thể thấy cái lợi của ngành bia thì khỏi phải nói, trong tư thế một doanh nghiệp kinh doanh - sản xuất. Kéo theo đó là cái lợi từ phía những nhà hàng - quán nhậu đang mọc lên như nấm sau cơn mưa, ở đâu, vùng nào, từ thành thị tới nông thôn. Tuy nhiên, cái hại sau những chầu nhậu chính là như đã nói, nó lan tỏa trong khắp hang hẻm cuộc sống, nhất là khi quan niệm sai lầm về nhậu nhẹt cứ thế được nhồi sọ trong mọi giới, như phải biết uống mới có thể làm ăn, giao tiếp, giao lưu…
Trước tiên là tai nạn giao thông, mới đây Bộ GT-VT cho biết, mỗi ngày ở VN có 30 người “sáng đi chiều không về” để chỉ cho số người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày ở nước ta. Những đại lễ cầu siêu liên tục tổ chức trong tháng 11 vừa qua ở khắp ba miền cũng nhắc tới vấn nạn này đi kèm với vấn nạn uống rượu bia…
Dư luận vừa bức xúc với vụ án nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Mai Nam Dương - người uống rượu bia tông xe làm một thanh niên tử vong, 3 nạn nhân khác trọng thương nhưng đã “trắng án” vì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất nhiên, vụ việc sẽ không dễ dàng dừng lại như thế, dù ông Dương đã bồi thường, khắc phục hậu quả cho các nạn nhân hơn 1 tỷ đồng.
Còn nhiều những hệ quả tương tự (lái xe khi có bia rượu và gây tai nạn) được các báo, phương tiện truyền thông đăng tải, và, chỉ cần 0,26 giây, bằng phương tiện tìm kiếm Google đã có thể thấy trên 9,1 triệu kết quả liên quan đề cập.
Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á về tiêu thụ bia -
Nguồn điều tra của Công ty Nghiên cứu Thị trường Euromonitor International đánh giá năm 2011
Từ đây tới cuối năm là dịp để người người tiếp tục “dzô dzô” với những cuộc liên hoan cuối năm, mừng năm mới, họp mặt bạn bè. Việc quá chén đương nhiên khó tránh, song song đó là việc uống say gây tai nạn hay bạo hành vợ con, rơi vào bẫy tình dục (như uống say bị bạn nhậu hại đời hoặc bị hiếp dâm sau khi nhậu cũng như phạm tội hiếp dâm sau khi nhậu xỉn, không phải là hiếm trên báo)… Do vậy, câu chuyện về bia bọt, nhậu nhẹt chắc sẽ là vấn đề dài kỳ được đề cập trong tình hình bia rượu tiêu thụ ngày càng tăng như hiện nay.
Trong một lần, Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan đã thở dài khi từ Đức trở về quê nhà, bởi cảnh đi đâu bà cũng thấy quán nhậu, cà-phê; mà quan sát thấy rất nhiều khách hàng là những người trẻ, lẽ ra thời gian đối với họ là quý giá, dành cho việc học tập và làm việc. “Cảnh tượng này hiếm thấy ở các nước phát triển”, bà nói.
Giới thứ năm
Uống nhiều rượu bia trong một thời gian dài gây ra các vấn đề về sức khỏe, tinh thần và các vấn đề xã hội khác. Uống nhiều rượu trong thời gian dài còn gây tổn thương vĩnh viễn đối với một số bộ phận của cơ thể. Các vấn đề này bao gồm: kém ăn, đau dạ dày, viêm nhiễm thường xuyên, bệnh lý về da, tổn thương gan và não, tổn thương cơ quan sinh sản, mất trí nhớ lẫn lộn, rối loạn tim mạch, trầm cảm, ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ, gặp các vấn đề khó khăn tại nơi làm việc, các vấn đề về tiền bạc và luật pháp… (Theo Family Health International) |
Trở lại vụ “hôi bia” ở Biên Hòa (Đồng Nai), hình ảnh xấu xí ấy phát xuất từ việc nhậu nhẹt và cũng từ lòng tham (lấy của không cho, không phải của mình).
Cũng may, sau khi vụ việc xảy ra, dư luận lên tiếng, kết thúc có hậu đã được mở ra khi công ty bia không bắt người lái xe bồi thường, nhiều người khắp nơi còn gửi về tài khoản anh tài xế số tiền hơn 200 triệu đồng để chia sẻ, giúp đỡ. Sau khi hay tin được miễn bồi thường, người tài xế ấy cho biết sẽ gửi số tiền hảo tâm của bạn đọc tới một tổ chức xã hội khác để làm từ thiện, đó cũng là nghĩa cử đáng ghi nhận, phần nào chứng minh về phần tốt vẫn còn đâu đó trong cuộc sống này.
Có câu chuyện Phật giáo kể về một con quỷ và một người Phật tử sống trong đất nước thuần thành đạo Phật. Cư dân trong nước ấy giữ gìn nghiêm cẩn năm giới - năm nguyên tắc đạo đức cơ bản của người Phật tử. Con quỷ trong một lần vào nhà người Phật tử nọ, ra điều kiện để giữ lại mạng sống cho anh ta chính là hãy phạm một trong năm giới của người con Phật. Nghĩ mãi, cuối cùng, anh chọn phạm giới không uống rượu vì nghĩ rằng đó là giới nhẹ nhất, nhưng không ngờ, sau khi phạm giới thứ năm thì người ấy không còn tỉnh táo để giữ mình nữa và phạm luôn bốn giới còn lại.
Lại nhớ, TT.Thích Nhật Từ (Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM) từng có trả lời về vấn đề này với Giác Ngộ, thầy cho biết: “Về mặt đạo đức, việc giữ giới thứ năm giúp cho con người có cam kết giữ gìn sức khỏe bản thân, từ đó có cam kết chăm lo sức khỏe gia đình. Về mặt xã hội thì những người giữ giới này sẽ tránh được nguy cơ tạo ra các tội lỗi như giết người, cướp của, hiếm dâm, ngoại tình… Phật chỉ rõ rằng rượu có tác dụng gián tiếp, làm chất xúc tác để phát khởi những tâm ý và hành vi tạo tội như đã nói.
Còn về mặt tâm linh: đạo đức chính là yếu tố đầu tiên đưa đến sự phát triển các giá trị tâm linh. Bởi xét về logic của việc sử dụng rượu và các chất ma túy thì nó đồng hành với si, và si thì đồng hành với tham và sân. Tam độc ấy có mặt nơi con người sẽ che mờ ánh sáng của trí tuệ, từ bi - những giá trị tâm linh cao quý”.
Trên cơ sở đó, có thể thấy rằng, việc không uống rượu, bia là một hành xử có lợi cả về mặt xã hội lẫn tâm linh, bên cạnh đó là sức khỏe cũng được bảo hộ.
Về mặt nhận thức có thể phải được nhắc tới nhắc lui để mỗi người, trước nhất là đệ tử Phật phải nằm lòng và thực hành, nêu gương trong đời sống để những câu chuyện đau lòng như hôi bia, uống bia gây tai nạn hay say xỉn đánh đập vợ con… sẽ giảm dần, nhường chỗ cho những hành xử văn minh như giúp người bị nạn (thay vì thấy họ bị nạn, bị cướp giật thì mình cũng lao vào cướp, giật, hôi của), đồng thời, ai cũng sống hài hòa, tỉnh táo, biết yêu thương nhau…
Lưu Đình Long