Sắc màu cuộc sống
Doanh nhân Lê Phước Vũ: Chuyện đạo và đời
27/10/2014 10:13 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tinh thần đạo Phật không chỉ toát lên ở ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, mà nó thực sự thấm nhuần trong văn hóa của tập đoàn này.

Tại bữa tiệc gặp mặt các ứng cử viên của Giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp (EOY) diễn ra tại Khách sạn Park Hyatt TP.HCM cuối tháng 7/2014, ông Lê Phước Vũ , Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đến khi tiệc đã bắt đầu. Nhân viên phục vụ mang đến cho ông một tô salat, sau đó là một tô mì chay, trong khi các khách mời khác dùng món chính là thịt bò Mỹ nướng.

Xuất hiện lần này, ông Vũ trở lại với kiểu áo sơ mi màu xanh rêu, cổ cao 3 phân, cài kín đến chân cổ, được thiết kế theo phong cách Phật giáo, trong khi cả năm trước đó, ông thường vận đồ Tây với áo thun hàng hiệu và vest khoác ngoài. Có lẽ sau một thời gian phá cách với phong cách thời trang mới, ông vẫn trung thành với gu thời trang cũ dù giản dị, nhưng có sự khác biệt, đủ làm ông nổi bật khi xuất hiện ở các sự kiện. Trên tay ông đeo chuỗi tràng hạt làm từ một loại gỗ đặc biệt, có mùi thơm.

Mỗi lần gặp ông, tôi lại thấy ở ông toát lên phong thái của Phật tử đậm nét hơn rất nhiều là một doanh nhân thành đạt, nhất là Chủ tịch một tập đoàn lớn. Biết ông Vũ đã lâu, nhưng tôi vẫn tự hỏi, vì sao một người ăn chay trường như ông lại có một vóc dáng bệ vệ hơn người mà dáng đi vẫn vững chãi, đặc biệt là một giọng nói sang sảng đầy nội lực đến thế. 

Ông Vũ từng chia sẻ: “Tôi là Phật tử thực sự. ''Gặp'' Đức Phật là nhân duyên lớn nhất trong đời tôi. Đó là một giá trị vô giá, từ giá trị đó tôi tạo ra giá trị vật chất. Ông Vũ ngày nay dù vẫn còn phàm phu, nhưng đã thánh thiện hơn nhiều so với ông Vũ trước khi giác ngộ đạo Phật cách đây 20 năm”, ông Vũ nói về mình.

Tinh thần đạo Phật không chỉ toát lên ở con người ông, mà nó thực sự thấm nhuần trong văn hóa của Hoa Sen - tập đoàn do ông gây dựng. Logo của Hoa Sen là hình hoa sen cách điệu, 8 cánh hoa biểu trưng cho Bát chính đạo của nhà Phật. Văn hóa của Hoa Sen dựa trên 10 chữ T: “Trung thực - Trung thành - Tận tụy - Trí tuệ - Thân thiện”. Trong đó, tiêu chí trung thực được ông đặt lên hàng đầu. Điều này lý giải vì sao ông bức xúc đến thế khi một trợ thủ đắc lực của ông, từng được ông tin tưởng giao phó chức vụ quản lý cao cấp trong tập đoàn đã vi phạm nguyên tắc này và buộc phải ra đi.

 

Tinh thần đạo Phật không chỉ toát lên ở ông Lê Phước Vũ mà nó thực sự thấm nhuần trong văn hóa của tập đoàn này.

Triết lý kinh doanh của Hoa Sen coi “Chia sẻ cộng đồng là nghĩa vụ”. Chứng kiến những thăng trầm của ông trong nghiệp kinh doanh, mới thấy những triết lý kinh doanh mà ông đặt ra được thực hiện một cách rất cơ bản, chứ không chỉ là những lời có cánh.

Ông đã thực sự gặp khó khăn trong giai đoạn 2008 - 2010 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, lãi suất tăng cao đúng vào lúc Hoa Sen đầu tư dự án lớn. Ở thời điểm ấy, có những lúc ông đã phải tự hỏi: “Tồn tại hay không tồn tại”. Có nhiều đêm ông thức trắng, chắp tay đi lại trong sân nhà để nghĩ lối thoát khỏi khủng hoảng. Cũng ở thời điểm ấy, giới tài chính còn chứng kiến sự chèn ép từ bên ngoài với Hoa Sen trong việc huy động vốn cho đến những tin đồn Hoa Sen phá sản khiến ngân hàng e ngại trong việc giải ngân. Rồi Hoa Sen cũng chịu những khoản lỗ lớn do giá nguyên liệu đầu vào giảm nhanh...

Nhưng chính vào thời điểm đó, người ta mới thấy bản lĩnh kiên cường của ông Vũ, cũng như những quyết định sáng suốt của ông để đưa Hoa Sen không chỉ vượt qua tình thế nguy hiểm, mà còn có sức bật mạnh mẽ, trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực tôn thép.

Một mặt điều hành hoạt động kinh doanh của Tập đoàn thông suốt để ổn định dòng tiền, một mặt ông quyết định đầu tư Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ chính trong giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế để đón đầu sự phục hồi. Nhà máy còn được đầu tư trong thời gian nhanh kỷ lục để đưa hàng ra thị trường, tạo doanh thu, góp phần đem lại sức sống mới cho Hoa Sen. Ông Vũ trực tiếp lăn lộn hàng tháng trời suốt thời gian đầu tư nhà máy mới để đảm bảo kịp tiến độ. Thoát khỏi khủng hoảng, Hoa Sen đạt được số lãi cao kỷ lục trong niên độ tài chính 2012 - 2013 là 581 tỷ đồng, vượt 45% kế hoạch và tăng 58% so với niên độ tài chính trước.

Sóng gió thương trường qua đi, người ta lại thấy ông Vũ dành tâm huyết cho các chương trình cộng đồng xã hội. Gây tiếng vang lớn nhất là chương trình đưa Nick Vujicic, diễn giả khuyết tật không tay, không chân đến Việt Nam trong chuỗi chương trình có chủ đề “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”, truyền nghị lực sống cho không chỉ những người khuyết tật Việt Nam.

Bên cạnh đó là các chương trình thường niên như tổ chức đón Tết Trung thu, giao thừa cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở các nhà mở và cả trẻ em ở các trường giáo dưỡng, hỗ trợ trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật do một cô gái có tên Thương Thương bị bệnh xương thủy tinh làm chủ...

Có một đặc điểm xuyên suốt trong các chương trình từ thiện, vì cộng đồng của Hoa Sen đó là hướng đến đối tượng chính là trẻ em, những người bị thiệt thòi về thể chất, tinh thần và cả vật chất. Điều đáng nói là, không chỉ tài trợ tiền, rất nhiều tiền để tổ chức, tài trợ các chương trình từ thiện, ông Vũ còn trực tiếp tham gia các sự kiện trong vai trò là thành viên ban tổ chức. Đã 5 năm nay, đêm giao thừa nào, ông Vũ cũng dành trọn thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới để tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt. “Tôi muốn nhân viên của tôi thấm nhuần văn hóa kinh doanh là trung thực - cộng đồng - phát triển”, ông Vũ nói.

Sở dĩ ông có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động xã hội vì đằng sau ông là bộ máy nhân sự được củng cố vững chắc sau sự cố “bãi nhiệm Tổng giám đốc sau 18 ngày bổ nhiệm nổi tiếng trên thị trường chứng khoán”. Ông Vũ khẳng định, cho đến thời điểm này, Hoa Sen đã vận hành một bộ máy được kiểm soát bằng các quy chế, chứ không còn thiên về cá nhân, cảm tính như trước. Trọng tâm của bộ máy đó vẫn là những cán bộ điều hành cốt cán giàu kinh nghiệm và tâm huyết. Đồng thời, ở Hoa Sen đã bắt đầu hình thành đội ngũ nhân sự kế cận thuộc thế hệ 8X và 9X. Chính sách nhân sự tại Hoa Sen mà ông Vũ đã nhiều lần chia sẻ là “tuyển dụng các sinh viên trẻ mới ra trường có những phẩm chất phù hợp với văn hóa của Hoa Sen để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển”.

Sự lớn mạnh của Hoa Sen và con số lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mà Tập đoàn đạt được là bức tranh tương phản với sự thua lỗ, thậm chí dẫn đến phá sản của không ít doanh nghiệp khác trong ngành tôn thép. Thị phần của Hoa Sen tăng lên ở cả mặt hàng tôn, ống thép, đồng nghĩa với miếng bánh thị trường cho các doanh nghiệp khác nhỏ lại. Không có đại dương xanh mà chỉ có đại dương đỏ cho các doanh nghiệp ngành tôn thép trong một thị trường mà cung lớn hơn cầu.

“Có mâu thuẫn nào trong một con người vừa là Phật tử đích thực, vừa là một doanh nhân trên thương trường như chiến trường hay không?”. Ông trả lời: “Vấn đề là ta chiến thắng bằng phương thức nào. Nếu cạnh tranh một cách lành mạnh, kinh doanh một cách trung thực, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt với giá thành thấp là hợp đạo”.

Hoa Sen có thể nói như “cá chép hóa rồng” sau khi vượt được cửa ải khủng hoảng tài chính thế giới và bão lạm phát ở Việt Nam năm 2008. Mục tiêu mới mà ông Vũ đặt ra cho Hoa Sen là đạt sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn sản phẩm và doanh thu 1 tỷ USD trong niên độ tài chính 2013 - 2014.

Cho dù có rất nhiều người quan tâm đến việc ông Vũ đã chọn cho mình một quả núi, nơi ông có thể toàn tâm toàn ý cho đạo Phật, thì với mục tiêu “số một” của Hoa Sen chắc chắn rằng, Phật tử Lê Phước Vũ vẫn còn nhiều duyên nợ với đời!

www.chuabuuminh.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch