Thông báo
Thông báo chương trình "Hiến máu nhân đạo lần I"
18/11/2013 18:30 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

THÔNG BÁO

CHƯƠNG TRÌNH “HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO LẦN I”

 

“Hiến máu nhân đạo” là một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người và là truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam, đồng thời cũng là thực hiện tinh thần Từ Bi Cứu Khổ của Đạo Phật. Ngày 01/12/2013 hội từ thiện Linh Sơn chùa Tảo Sách phối hợp với bệnh viện Huyết Học và Truyền Máu Trung ương tổ chức chương trình “Hiến máu nhân đạo” cho các bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình được tổ chức vào lúc 8h sáng ngày Chủ Nhật 01/12/2013 tại địa điểm

1. Thời gian và địa điểm:

   - Thời gian: 7h30 ngày Chủ Nhật, 01/12/2013 (tức 29/10 âm lịch)

   - Địa điểm: Chùa Tảo Sách 386 Lạc Long Quân, P Nhật Tân, Q Tây Hồ, Hà Nội.

2. Cách thức đăng ký:

           + Đăng ký trực tiếp tại chùa.

           + Đăng ký qua email: daotranglinhson@yahoo.com

   - Thông tin khi đăng ký: Họ Tên, Số điện thoại

3. Yêu cầu đối với người tham gia:

   - Cân nặng: Nam trên 45kg ,  Nữ trên 45 kg.

   - Không mắc các bệnh truyền nhiễm đường máu như HIV, viêm gan siêu vi B...

4. Một số lưu ý trước khi đi hiến máu:

   - Mang theo Chứng Minh Nhân Dân.

   - Tối trước ngày hiến máu không được thức khuya.

   - Không uống rượu, bia trước khi hiến máu.

Mọi chi tiết về chương trình xin liên lạc ĐĐ Quảng Lâm: 0904.999.496, Quảng Trường 0904.819898,  Quảng Tân: 0936.368.489, Quảng Thịnh 0904.086.286.

Chương trình sẽ được cập nhật trên Website: chuataosach.com

Nhà chùa rất mong nhận được sự tham gia nhiệt tình từ tất cả quý vị. Hãy cùng chúng tôi làm nên những nghĩa cử cao đẹp, cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng.

 

                                                                              Trưởng ban Ban Tổ Chức

                                               Trụ trì chùa Tảo Sách


                                              TT Thích Nguyên Hạnh

 

 

 

BỘ Y TẾ

VIỆN HUYẾT HỌC – TRUYỀN MÁU TW



 

LỢI ÍCH CỦA VIỆC HIẾN MÁU

1. Hiến máu có lợi cho sức khoẻ.

Tất cả chúng ta đều biết hiến máu là cứu giúp người khác, nhưng anh/ chị có biết rằng hiến máu cũng là một thói quen tốt cho sức khoẻ của Anh/chị?

Khi tham gia hiến máu, Anh/chị sẽ phải qua một cuộc khám sức khoẻ và tiền sử bệnh tật, Anh/chị sẽ được kiểm tra mạch, huyết áp, nhiệt độ và lượng hồng cầu trong máu, vi rút viêm gan B. Một số vấn đề về sức khoẻ như: cao huyết áp đã được phát hiện qua cuộc khám sức khoẻ tối thiểu đó. Do đó, hiến máu vừa là giúp cứu sống người khác, vừa là cách kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho chính người hiến máu.

2. Một lần gửi máu vào ngân hàng

Mỗi lần hiến máu, máu sẽ được xét nghiệm, xử lý và lưu trữ với những điều kiện lý tưởng nhất, sau đó sẽ được sử dụng kịp thời cho cấp cứu và điều trị. Như vậy, mỗi một lần hiến máu là Anh/chị đã gửi máu của mình vào ngân hàng máu; khi không may mắn, người hiến máu cần nhận máu, sẽ được bồi hoàn máu miễn phí; như vậy, Hiến máu vừa có máu để truyền kịp thời cho người bệnh, vừa là cách “bảo hiểm” an toàn sức khỏe cho chính mình.

3. Lợi ích của hiến máu nhắc lại thường xuyên

1. Hiến máu làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Gần đây có nhiều nghiên cứu về liên quan giữa việc hiến máu nhắc lại thường xuyên và tỷ lệ các bệnh tim mạch, như nghiên cứu của trường Đại học Kansas, Canada… Các nghiên cứu này khác nhau về thời gian, phạm vi nghiên cứu cũng như cách phân chia đối tượng. Tuy nhiên các nghiên cứu đều chỉ ra rằng việc hiến máu thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là cơn đau tim và cơn đột qụy tim.

Theo y học, lượng sắt dư thừa là tác nhân trong việc gây ra các bệnh lý tim mạch, đặc biệt trong giai đoạn sớm. Hiến máu thường xuyên làm giảm lượng sắt dự trữ trong cơ thể. Việc cơ thể hấp thụ sắt vượt quá 1 mức nhất định sẽ thúc đẩy hình thành các gốc tự do; các gốc tự do này gây ra các thay đổi trong tế bào làm phá vỡ chức năng bình thường của tế bào và làm tăng nguy cơ một số bệnh mạn tính như: ung thư và bệnh tim mạch. Đây là vấn đề rắc rối ở đàn ông và phụ nữ mãn kinh, riêng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đều loại bỏ được lượng sắt dư thừa qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Tuy nhiên, điều này dường như không hiệu quả ở những người lớn tuổi. Một nghiên cứu khác tiến hành trên những người ở độ tuổi 61- 83 tuổi đã không phát hiện thấy sự khác biệt về tỉ lệ bệnh tim mạch giữa nhóm có hiến máu 6 tháng 1 lần và nhóm đối chứng. Nhưng ở lứa tuổi trẻ hơn thì sự giảm dự trữ sắt có ảnh hưởng rõ rệt làm giảm tỷ lệ các cơn đau tim và đột quỵ (ở nhóm hiến máu thường xuyên sau 10 năm tỷ lệ các vấn đề tim mạch là 6,3 % và ở nhóm không hiến máu là 10,5%).

2. Tác dụng của hiến máu làm giảm quá tải sắt

Hiến máu làm giảm lượng sắt dư thừa, thành phần làm hình thành các gốc tự do trong cơ thể. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra những người đàn ông hiến máu thường xuyên có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thấp hơn. Đây là một lợi ích sức khoẻ quan trọng của hiến máu.

3. Làm cách nào để chắc chắn Anh/Chị không mất quá nhiều sắt khi tham gia hiến máu?

Trước khi hiến máu, lượng huyết sắc tố (hemoglobin), một cách để đo lường lượng sắt trong cơ thể sẽ được kiểm tra. Nếu hemoglobin thấp, Anh/chị sẽ không được hiến máu ngày hôm đó. Lượng huyết sắc tố sẽ được kiểm tra, theo dõi cẩn thận mỗi lần Anh/chị tham gia hiến máu và chỉ nên hiến máu tối thiểu 8 tuần 1 lần để phòng ngừa việc bạn bị mất nhiều sắt qua hiến máu.

 

 

BỘ Y TẾ

VIỆN HUYẾT HỌC - TRUYỀN MÁU TW

 

THÔNG BÁO

Về chế độ chăm sóc và bồi dưỡng đối với người hiến máu tình nguyện

Theo Thông tư Số 21/2009/TT - BYT ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Bộ Y tế

 

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương xin trân trọng cảm ơn Quý vị đã quan tâm tới phong trào hiến máu tình nguyện. Viện xin thông báo cụ thể chế độ đối với người hiến máu tình nguyện theo Thông tư Số 21/2009/TT - BYT ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Bộ Y tế như sau:

1.    Được khám, tư vấn sức khoẻ, được kiểm tra các xét nghiệm: Huyết sắc tố, Viêm gan B ngay trước khi hiến máu.

2.    Được bồi dưỡng trực tiếp:

- Phục vụ ăn nhẹ, uống nước tại chỗ: tương đương 20.000 đồng.

- Hỗ trợ chi phí đi lại (bằng tiền mặt): 30.000 đồng.

- Nhận quà tặng (bằng hiện vật) trị giá tối đa: 80.000 đồng.

3.    Nhận giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.

4.     Được xét nghiệm nhóm máu (hệ A,B,O và Rh); Các virut lây qua đường truyền máu: HIV, Viêm gan B, Viêm gan C, Giang mai và sốt rét.

5.     Được bồi hoàn máu tối đa bằng số lượng máu đã hiến tại các bệnh viện công lập trên toàn quốc, ngoài ra người hiến máu được ưu tiên trong việc nhận máu khi cần truyền máu.

6.    Được tôn vinh, biểu dương theo quy định.

 


Một số tiêu chuẩn đối với người

Tham gia hiến máu nhân đạo.

 

Ai có thể tham gia hiến máu?

-        Tất cả mọi người từ 18 - 55 tuổi đối với nữ, 18 - 60 tuổi đối với nam, thực sự tình nguyện hiến máu của mình để cứu chữa người bệnh.

-        Cân nặng ≥45kg đối với cả Nam và Nữ. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng.

-        Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.

-        Thời gian giữa 2 lần hiến máu là 3 tháng đối với cả Nam và Nữ.

Ai là người không nên hiến máu?

-        Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV.

-        Người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C, và các vius lây qua đường truyền máu.

-        Người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày…

Máu của tôi sẽ được làm những xét nghiệm gì?

-        Tất cả những đơn vị máu thu được sẽ được kiểm tra nhóm máu (ABO-Rh), HIV, Virus viêm gan B, Virus viêm gan C, Giang mai, Sốt rét.

-        Bạn sẽ được thông báo kết quả, được giữ kín và được tư vấn (miễn phí) khi phát hiện ra các bệnh nhiễm trùng nói trên.

Máu gồm những thành phần và chức năng gì?

-        Máu là một chất lỏng lưu thông trong các mạch máu của cơ thể, gồm nhiều thành phần, mỗi thành phần làm nhiệm vụ khác nhau:

-        Hồng cầu làm nhiệm vụ chính là vận chuyển oxy;

-        Bạch cầu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể;

-        Tiểu cầu tham gia vào quá trình đông cầm máu.

-        Huyết tương: gồm nhiều thành phần khác nhau: kháng thể, các yếu tố đông máu, các chất dinh dưỡng...


Tại sao lại có nhiều người cần phải được truyền máu?

-        Mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần phải được truyền máu.

-        Bị mất máu do chấn thương, tai nạn, thảm hoạ, xuất huyết tiêu hoá ...

-        Do bị các bệnh gây thiếu máu, chảy máu: ung thư máu, suy tuỷ xương, máu khó đông...

-        Các phương pháp điều trị hiện đại cần truyền nhiều máu: phẫu thuật tim mạch, ghép tạng...


Nhu cầu máu điều trị ở nước ta hiện nay?

-        Mỗi năm nước ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu điều trị.

-        Máu cần cho điều trị hằng ngày, cho cấp cứu, cho dự phòng các thảm họa, tai nạn cần truyền máu với số lượng lớn.

-        Hiện tại chúng ta đã đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu máu cho điều trị.

Tại sao khi tham gia hiến máu lại cần phải có giấy CMND?

-        Mỗi đơn vị máu đều phải có hồ sơ, trong đó có các thông tin về người hiến máu. Theo quy định,  đây là một thủ tục cần thiết trong quy trình hiến máu để đảm bảo tính xác thực thông tin về người hiến máu.

Hiến máu nhân đạo có hại đến sức khoẻ không?

-        Hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khỏe. Điều đó đã được chứng minh bằng các cơ sở khoa học và cơ sở thực tế:

 

§  Cơ sở khoa học:

 

-        Máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mớii hằng ngày. Ví dụ: Hồng cầu sống được 120 ngày, huyết tương thường xuyên được thay thế và đổi mới.  Cơ sở khoa học cho thấy, nếu mỗi lần hiến dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không có hại đến sức khỏe.

-        - Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể.

 

§  Cơ sở thực tế:

 

-        Thực tế đã có hàng triệu người hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt. Trên thế giới có người hiến máu trên 400 lần. Ở Việt Nam, người hiến máu nhiều lần nhất đã hiến hơn 100 lần, sức khỏe hoàn toàn tốt.

-        Như vậy, mỗi người nếu thấy sức khoẻ tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3-4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân, vừa đảm bảo máu có chất lượng tốt, an toàn cho người bệnh. 

 

Căn dặn của thầy thuốc với người hiến máu

 

Hiến máu theo hướng dẫn của bác sỹ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp ở người hiến máu có thể có những biểu hiện không mong muốn xảy ra. Đó là những phản ứng bình thường của cơ thể, có thể xử lý đơn giản sẽ nhanh chóng qua đi.

Trước khi và hiến máu phải làm gì? 

-        Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, không uống rượu bia, nên ăn nhẹ trước khi hiến máu, không ăn chất có nhiều đường, mỡ trước khi hiến máu.

-         Mang giấy CMND, hoặc giấy tờ tùy thân khi đi hiến máu.

Nếu phát hiện chảy máu tại chỗ: 

-         Giơ cao tay.

-         Lấy tay kia ấn nhẹ vào miếng bông hoặc băng dính.

-         Thay miếng bông và băng dính khác . 

Nếu xuất hiện bầm tím tại chỗ: 

-         02 ngày đầu sau hiến máu: Chườm lạnh tại chỗ.

-         Những ngày sau: Chườm nóng 2 - 4 lần/ ngày.

Ngay sau khi hiến máu Nên: 

-         Chỉ dời điểm hiến máu khi thực sự thoải mái và được sự đồng ý của nhân viên y tế.

-         Nếu cảm thấy chóng mặt, mệt, buồn nôn: nên nằm nghỉ 10 – 15 phút.

-         Uống nhiều nước sau khi hiến máu.

-         Để miếng băng dính sau ít nhất 4-6 giờ mới lấy đi. 

Tránh: 

-         Các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia trong 1-2 ngày đầu sau khi hiến máu. 

Chế độ ăn,sinh hoạt sau khi hiến máu Nên: 

-         Giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường.

-         Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường

-         Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa …

-         Dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể.

 

Quy trình tham gia hiến máu nhân đạo

 

 

Bước 1: Đăng ký tham gia hiến máu (có mẫu kèm theo)

 

-         Người hiến máu dành thời gian tìm hiểu thêm thông tin về hiến máu qua tài liệu tại điểm hiến máu hoặc trao đổi với các tuyên truyền viên, nhân viên y tế; xuất trình giấy tờ tùy thân và nhận Phiếu đăng ký hiến máu, sau đó hoàn tất phiếu theo hướng dẫn.

 

Bước 2: Khám và tư vấn sức khoẻ

-         Các Bác sỹ sẽ tư vấn để khai thác các tiền sử bệnh lý liên quan tới sức khỏe của quý vị, giải đáp những băn khoăn, lo lắng của quý vị về việc hiến máu nhằm khẳng định rằng quý vị đã có hiểu biết đầy đủ về việc hiến máu và hoàn toàn thoải mái, tự nguyện tham gia hiến máu.

-         Tiếp theo, bác sỹ sẽ khai thác các yếu tố hành vi nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu  như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét cũng như các bệnh có thể lây nhiễm qua đường truyền máu.

-         Tiếp, các bác sỹ sẽ tiến hành khám sức khỏe cho quý vị để đảm bảo rằng, quý vị hoàn toàn khỏe mạnh, tình nguyện hiến máu và không có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người nhận máu.

 

Bước 3: Xét nghiệm máu

-         Quý vị sẽ được làm các xét nghiệm kiểm tra trước hiến máu, bao gồm:

-         Huyết sắc tố: là thành phần quan trọng của hồng cầu, xét nghiệm này nhằm đảm bảo máu của quý vị đủ chất lượng theo quy định để truyền cho người bệnh. Đạt tiêu chuẩn hiến máu khi lượng huyết sắc tố đạt trên 120gam/lít.

-         Xét nghiệm virus viêm gan B: bằng kít xét nghiệm nhanh, để đảm bảo những người có vi rút viêm gan B không tham gia hiến máu.

 

Bước 4: Hiến máu

-         Mỗi người sẽ dành trung bình 5 phút cho việc hiến máu với lượng máu hiến mỗi lần là 250, 350 hoặc 450ml.

 

Bước 5: Nghỉ và nhận giấy chứng nhận sau hiến máu

-         Sau hiến máu, Quý vị sẽ phải nghỉ tại chỗ ít nhất 10 phút, quý vị sẽ được phục vụ ăn nhẹ và được khuyến cáo uống nhiều nước sau khi hiến máu. Quý vị chỉ nên dời điểm hiến máu khi cảm thấy hoàn toản thoải mái.

 

Các hình thức tổ chức hiến máu

 

1.    Tổ chức hiến máu tại cơ quan đơn vị.

2.    Tổ chức hiến máu tại các xe lấy máu chuyên dụng.

3.    Tổ chức hiến máu tại các điểm hiến máu cố định.

 

Quy trình sản xuất, bảo quản và phân phối máu

 

Bước 1. Thu gom máu vào các túi máu tiêu chuẩn và vận chuyển về Ngân hàng máu để tiến hành sàng lọc, sản xuất, bảo quản và phân phối máu.

 

Bước 2. Xét nghiệm sàng lọc máu được thực hiện bằng kỹ thuật Elisa :

- Xét nghiệm nhóm máu, được tiến hành định nhóm 02 hệ nhóm máu:

+ Hệ nhóm máu ABO: xác định nhóm máu A,B,O và AB

+ Hệ nhóm máu Rh+: xác định nhóm máu Rh+ và Rh-

- Xét nghiệm sàng lọc các Virut lây truyền qua đường truyền máu

+ Xét nghiệm sàng lọc virut viêm gan B trong máu

+ Xét nghiệm sàng lọc virut viêm gan C trong máu

+ Xét nghiệm sàng lọc virut HIV trong máu

+ Xét nghiệm sàng lọc ký sinh trùng sốt rét trong máu

+ Xét nghiệm phát hiện vi khuẩn giang mai trong máu.

 

Bước 3. Các xét nghiệm máu ở bước 2 cho kết quả Âm tính, máu sẽ được đưa vào sản    xuất  thành các sản phẩm máu gồm:

-          Khối Hồng cầu

-          Khối Tiểu cầu

-          Khối Huyết tương

-          Khối Bạch cầu

Việc sản xuất, sàng lọc các chế phẩm máu sẽ giúp cho việc truyền máu an toàn hơn, tránh tình trạng truyền máu không cần thiết, đảm bảo tiêu chí “ người bệnh thiếu gì truyền nấy”.

 

Bước 4. Sau khi máu được sản xuất  thành các chế phẩm sẽ được đưa vào bảo quản theo tiêu chuẩn cụ thể:

-          Khối Hồng cầu bảo quản ở nhiệt độ: từ 2oC đến 6oC.

-          Khối Tiểu cầu bảo quản ở nhiệt độ: từ 20 – 22oC

-          Khối Bạch cầu bảo quản ở nhiệt độ thường khoảng 24oC

-          Khối Huyết tương bảo quản ở nhiệt độ: từ -18oC đến -24oC

Bước 5. Phân phối máu

Hiện nay, cả nước có 4 Trung tâm Truyền máu chính là:Trung tâm Truyền máu Hà Nội,Trung tâm Truyền máu khu vực Huế, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, Trung tâm Truyền máu Cần Thơ. Tại khu vực phía Bắc, Trung tâm Truyền máu Hà Nội (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 54 bệnh viện và 16 tỉnh /thành tại khu vực phía Bắc.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch