Chương
11. Thực hành Phật Pháp
Phần 1.
Tu thiền
Đạo Phật
là con đường đưa chúng sinh giải thoát khỏi mê lộ để đi tới giác ngộ. Ngay lúc
đang đi trên đường, người Phật tử đã nếm được mùi vị của giải thoát, với điều
kiện là người đó phải thực hành những lời dạy của đức Phật và chư Tổ.
Có thể ví những lời Đức Phật và
chư Tổ dạy Phật tử như là những cuốn sách dạy cách nấu món ăn. Người đọc sách
nấu ăn hoài mà không bao giờ thực hành, không nấu, không ăn, thì cơ thể vẫn
đói, không bổ ích gì cả. Đã thế, còn đem những hiểu biết qua sách vở để khoe
khoang, chứng tỏ là mình "biết nhiều cách nấu món ăn" thì chỉ là lý
thuyết suông, càng khoe càng làm tăng trưởng sự kiêu ngạo, hoàn toàn không có ích
lợi gì trong thực tế.
Đạo Phật là con đường thực hành,
không phải là những đề tài triết lý để bàn suông, chẻ sợi tóc làm tư. Kinh sách
nhà Phật là ngón tay để chỉ lên mặt trăng chân lý. Nương theo ngón tay, thấy
được mặt trăng rồi thì phải hành trì tu tập để đạt tới giác ngộ giải thoát,
không phải là để khoe khoang sự hiểu biết về cái ngón tay.
Như vậy trước hết, người Phật tử
theo lời Phật dạy qua giai đoạn lý thuyết, hiểu thấu cách thức tu tập, rồi phải
tự mình "làm thuyền bè của chính mình" tự mình hành trì các pháp môn
tu, tự mình sẽ nếm được mùi vị của an lạc giải thoát. Một trong những pháp môn
tu đó là "Thiền".
Thiền là đường lối để thực hiện
sự buông bỏ. Khi hành thiền, ta buông bỏ thế giới phức tạp bên ngoài, để có thể
vươn đến thế giới an tịnh bên trong. Trong tất cả các hệ thống huyền học và
trong nhiều truyền thống, hành thiền được biết đến như là con đường đi đến tâm
thanh tịnh và uy lực. Kinh nghiệm về tâm thanh tịnh này, giải thoát ra khỏi thế
giới, rất là vi diệu và hỷ lạc.
Có nhiều người ngồi thiền để tìm
cho tâm sự an tịnh, tinh thần không tán loạn, dao động. Nhưng tâm an tịnh (samatha - thiền định hay thiền chỉ)
chỉ là một trong hai khía cạnh trọng yếu của thiền. Tuệ giác (vipassana - thiền minh sát hay thiền quán)
là khía cạnh thứ hai. Mục đích của tu thiền là để được tuệ giác, còn thiền định
hay thiền chỉ chỉ là phương tiện giúp ta đạt đến cứu cánh trên.
Thiền định (samatha) là một
phương pháp luyện tâm, chuyển hoá tâm ô nhiễm thành tâm thanh tịnh, giảm từ từ,
từ nhiều niệm tưởng đến ít niệm tưởng và từ ít niệm tưởng đến một niệm hay còn
gọi là nhất tâm hay nói một cách khác là gom tâm buông lung vào một điểm hay
một đối tượng. Kết quả mang lại là sự an tĩnh tâm hồn cũng như sức mạnh tâm
linh. Tâm an tĩnh không phải là mục đích, chỉ là cần thiết để phát triển tuệ
giác.
Thiền Minh Sát (vipassana) là
một phương pháp thiền quán giúp điều phục tâm và phát triển trí tuệ, mà ai cũng
có thể thực hành được trong đời sống hằng ngày. Thiền Minh Sát có nghĩa là thấy
sự vật đúng như sự vật hiện hữu của nó. Chủ yếu của việc hành thiền này là quán
sát tâm hay chú tâm, nhận ra và hay biết dòng tư tưởng của mình mỗi khi nó phát
sinh. Chỉ “biết suông” mà không có sự phán đoán, không phân biệt và không dính
mắc với chúng.
Có thể nói là tu Thiền Chỉ
(samatha) để được Ðịnh, tu Thiền Quán (vipassana) để được Tuệ. Trong đạo Phật
thì Giới, Ðịnh và Tuệ là ba bộ môn học, vì vậy nên Thiền, bao gồm Ðịnh và Tuệ,
được coi là căn bản trong việc tu theo đạo Phật vậy.
Nói chung Thiền Phật giáo bao
gồm các Thiền Nam Tông, Thiền Bắc Tông, và Thiền Tông tức Thiền của các
Tổ.
Trong Thiền Nam Tông cũng có nhiều phương
pháp tu khác nhau, nhưng có thể nói hai pháp thiền Anapanasati (niệm hơi thở)
và thiền Vipassana (thiền quán) là được áp dụng nhiều nhất. Thiền Anapanasati đặt trọng tâm vào
việc chú niệm hơi thở, đã được Phật giảng dạy trong nhiều kinh nhưng riêng kinh
Anapanasati chỉ dẫn đầy đủ nhất nên thường được học tập kỷ. Thiền Vipassana còn được gọi là Thiền Quán hoặc Thiền Minh Sát. Pháp hành thiền này
không được ghi rõ trong kinh nào mà được đặt trên nền tảng kinh Tứ Niệm Xứ, tuy
nhiên về phương cách hành có một số điểm khác nhau và do đó không có một pháp
thiền Vipassana thống nhất.
Thiền Bắc Tông hay còn
gọi là Thiền Ðại thừa cũng gồm nhiều pháp thiền lấy ra từ các kinh Bắc Tông,
như pháp Quán Như Huyễn, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cang và Viên Giác, Tuy
vậy, không có một pháp thiền nào nhất định vì tùy căn cơ mỗi người mà tu theo
pháp thiền thích hợp.
Thiền Tông tức là
thiền của chư Tổ, cũng được gọi là Thiền
Tổ Sư được bắt đầu từ Phật Thích Ca truyền lại cho ngài Ma Ha
Ca Diếp, đến ngài A Nan rồi truyền tới Tổ thứ 28 là ngài Bồ Đề Đạt Ma. Sau đó
ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc. Bồ Đề Đạt Ma được tôn làm sơ Tổ
Thiền Tông Trung Hoa, truyền cho nhị Tổ Huệ Khả, tam Tổ Tăng Xán, tứ Tổ Đạo
Tín, ngũ Tổ Hoằng Nhẫn và lục Tổ Huệ Năng. Sau đó chia thành năm
phái: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Vân Môn. Mỗi phái đều có
phương tiện cơ xảo riêng để khế hợp với từng cơ duyên của đệ tử. Tuỳ mỗi đương
cơ mà chư Tổ, hoặc nói, hoặc nín, hoặc dùng gậy đánh hay dùng tiếng la, tiếng
hét v.v… Các phương tiện cơ xảo ấy giống như chuyện vô lý nhưng lại có tác dụng
làm ngưng suối nguồn ý thức của người đệ tử lúc bấy giờ. Mục đích là để đệ tử,
ngay sát na đó khai ngộ. Các ngài không muốn đệ tử sa lầy trong văn tự chữ
nghĩa, chỉ cần ngừng dòng tâm ý thức để trực thấy bản tâm, bản tính của
mình.
Trong phần thực hành Thiền này,
chúng tôi chỉ giới thiệu một vài pháp thiền: (1) Pháp Thở Đơn Giản[1] do Cư sĩ Nguyên Giác dịch từ nguyên tác Anh
ngữ “A Simple Breathing Meditation,”
một cẩm nang về bước đầu tập thiền của Kadampa, một tông phái Phật giáo Tây
Tạng đang có hơn 700 tự viện tại 36 quốc gia, (2) Thực Tập Thiền Minh Sát[2] của Hòa thượng Mahasi
Sayadaw do Tỳ khưu Khánh Hỷ chuyển ngữ và Hoà thượng Thiền sư Kim Triệu hiệu
đính, và (3) Đường Lối Thực Hành Tham
Tổ Sư Thiền của cố Hoà thượng Thích duy Lực. Cả ba bản văn được
ghi lại trong phần phụ lục để độc giả tham khảo và học hỏi.
[1] Cư sĩ Nguyên Giác: Thiền Tập
(biên dịch), Nhà xuất bản: Thiện Tri Thức, TP. HCM – 06-2005 tr. 17-19. http://www.thuvienhoasen.org/ThienTap-NguyenGiac-01.htm#02
[2]
Hòa thượng Mahasi Sayadaw - Dịch Giả: Tỳ khưu Khánh Hỷ - Hiệu Đính: Tỳ khưu Kim
Triệu - Tathagata Meditation Center
(Như Lai Thiền Viện), San Jose USA xuất bản.
http://www.thuvienhoasen.org/tnthuy-thienminhsat.htm