Phụ lục. Kinh Ưu Bà Tắc
KINH ƯU BÀ TẮC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại
nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Cư sĩ Cấp Cô Độc cùng
chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử. Cư sĩ Cấp Cô
Độc cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Năm trăm Ưu-bà-tắc cũng làm lễ rồi
ngồi xuống một bên. Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc sau khi ngồi xuống
một bên, Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành
tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát
khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi
đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi
chẳng bao lâu, Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi
đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử và
mọi người đã an tọa, Đức Thế Tôn dạy:
“Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết
rằng bạch y Thánh đệ tử[2] gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và
được bốn tăng thượng tâm[3], hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó
được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục,
cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả
Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối
đa chịu bảy lần sinh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được
chấm dứt khổ đau.
“Xá-lê Tử, thế nào là bạch y
Thánh đệ tử khéo giữ gìn và thực hành năm pháp[4]? Đó là bạch y Thánh đệ tử xa
lìa sát sinh, vứt bỏ dao gậy, có tâm tàm quý, tâm từ bi, làm lợi ích cho tất
cả, cho đến loài côn trùng, người ấy đối với sự sát sinh, tâm đã tịnh trừ. Đó
là pháp thứ nhất mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn
hảo.
“Lại nữa, này Xá-lê Tử, bạch y
Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, dứt trừ việc lấy của không cho. Khi
nào cho mới lấy, vui với việc cho mới lấy, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo
kiết, không mong đền trả, không tham lam, thấy tài vật của kẻ khác không lấy về
mình[5]. Người ấy đối với việc không cho mà lấy tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ
hai mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
“Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh
đệ tử xa lìa tà dâm, dứt trừ tà dâm. Người nữ kia hoặc có cha giữ gìn, hoặc có
mẹ giữ, hoặc cả cha cả mẹ cùng giữ, hoặc anh em giữ, hoặc chị em giữ, hoặc gia
nương giữ, hoặc thân tộc giữ, hoặc người cùng họ giữ, hoặc là vợ của người
khác, hoặc có phạt gậy[6], khủng bố, hoặc đã có ước hẹn bằng tài hóa, cho đến
bằng một tràng hoa[7]; đối với tất cả những người nữ ấy, không xâm phạm đến.
Người ấy đối với tà dâm, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ ba mà bạch y Thánh đệ
tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
“Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh
đệ tử xa lìa nói dối, dứt trừ nói dối; nói lời chân thật, ưa sự chân thật, an
trụ nơi sự chân thật, không dời đổi sai chạy. Tất cả những lời nói đều đáng
tin, không lừa dối thế gian. Người ấy đối với sự nói dối, tâm đã tịnh trừ. Đó
là pháp thứ tư mà bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
“Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh
đệ tử lìa rượu, bỏ rượu. Người ấy đối với việc uống rượu, tâm đã tịnh trừ. Đó
là pháp thứ năm mà bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
“Này Xá-lê Tử, thế nào là bạch y
Thánh đệ tử được bốn tâm tăng thượng, hiện pháp lạc trú, dễ chứ không phải khó
được[8]? Đó là bạch y Thánh đệ tử niệm tưởng Như Lai[9], Bậc Vô Sở Trước, Đẳng
Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp
Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu. Nhớ nghĩ Như Lai như vậy rồi, nếu có những
ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu
khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử nương vào Như Lai, tâm tịnh
được hỷ, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều
bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh
đệ tử được tâm tăng thượng thứ nhất, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải
khó được.
“Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh
đệ tử niệm tưởng Pháp[10] được Thế Tôn khéo giảng, pháp chắc chắn đưa đến cứu
cánh, không phiền, không nhiệt, hằng hữu, không di động. Quán pháp như vậy,
biết pháp như vậy, nhớ nghĩ pháp như vậy rồi nếu có những điều ác dục liền được
tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo, cũng
được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào pháp, tâm tịnh được hỷ. Nếu có
những điều ác dục, liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện nhớp
nhơ, sầu khổ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm
tăng thượng thứ hai.
“Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh
đệ tử niệm chúng Tăng[11], Thánh chúng của Như Lai là những bậc thiện thú
hướng, chánh thú hướng, như lý hành, pháp tùy pháp hành, chúng ấy thật có
A-la-hán hướng, A-la-hán quả, có A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả, có Tư-đà-hàm
hướng, Tư-đà-hàm quả, có Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả. Đó là bốn cặp tám
bậc, là chúng của Như Lai thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu trí tuệ,
thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, đáng kính, đáng trọng,
đáng phụng, đáng cúng, là ruộng phước an lành của thế gian. Người ấy nhớ nghĩ
chúng của Như Lai như vậy, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong
tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, âu lo, cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh
đệ tử duyên vào chúng của Như Lai, tâm được hoan hỷ, nếu có những điều ác dục
liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu
lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ
ba, hiện pháp lạc trú dễ được chứ không phải khó được.
“Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh
đệ tử tự niệm tưởng giới[12], giới này không sứt mẻ, không rách nát, không ô
uế, không cấu bẩn, vững như mặt đất, không hư vọng, đó là điều mà Đức Phật ngợi
khen, thọ trì đầy đủ tốt đẹp. Người ấy tự nhớ nghĩ giới như vậy, nếu có những
điều ác dục, liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, sầu khổ,
nhớp nhơ, âu lo cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử duyên vào giới, tâm
định được hỷ. Nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những
điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bach y
Thánh đệ tử được tâm tăng thượng thứ tư, đối với hiện pháp lạc trú dễ được chứ
không phải khó được.
“Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết
rằng bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được
bốn tâm tăng thượng, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được, thì
này Xá-lê Tử, thầy nên ghi nhận rằng ‘Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục,
cũng không sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn,
không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến đến quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy
lần sinh tử nữa, sau bảy lần qua lại cõi trời và nhân gian, liền được chấm dứt
khổ đau’.”
Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng
rằng:
Kẻ trí sống tại gia,
Thấy địa ngục, sợ hãi;
Do thọ trì Thánh pháp,
Trừ bỏ tất cả ác.
Không sát hại chúng sinh,
Biết rồi hay lìa bỏ,
Chân thật không nói dối,
Không trộm của kẻ khác;
Tri túc với gia phụ,
Không ái lạc vợ người;
Dứt bỏ việc uống rượu,
Gốc tâm loạn cuồng si.
Thường nên niệm chánh giác,
Suy nghĩ các pháp lành.
Niệm Tăng, quán cấm giới,
Do đó được hoan hỷ.
Muốn hành hạnh bố thí,
Mà cầu mong hưởng phước,
Trước thí bậc tịch tịnh[13],
Như vậy thành quả báo.
Ta nói, bậc tịch tịnh,
Xá-lợi nên nghe kỹ.
Nếu có đen và trắng,
Dù sắc đỏ hay vàng
Tạp sắc, sắc đang yêu[14],
Bò và các chim câu,
Tùy loại chúng sinh ra.
Bò thuần, đi phía trước,
Thân sức thành đầy đủ;
Đi nhanh lại về nhanh,
Dùng theo khả năng chúng,
Kẻ gì sắc tốt xấu.
Nhân gian này cũng vậy,
Tùy theo chỗ thọ sinh,
Sát-đế-lị, Phạm chí,
Cư sĩ hay thợ thuyền,
Tùy thọ sinh của họ,
Trưởng thượng do tịnh giới.
Bậc Vô Trước, Thiện Thệ,
Cúng thí ấy, quả lớn.
Phàm phu, vô sở trí,
Không tuệ, không học hỏi,
Thí nơi ấy, quả nhỏ.
Không quang minh rọi đến,
Nơi nào rọi quang minh,
Phật đệ tử trí tuệ,
Tín tâm nơi Thiện Thệ,
Thiện căn được vững bền,
Người ấy sinh thiện xứ,
Như ý chứng Gia gia,
Tối hậu đắc Niết-bàn,
Như vậy có duyên cả.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả
Xá-lê Tử, chư Tỳ kheo, Cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc sau khi nghe lời
Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
[1] [1] TT. Thích Tuệ Sỹ, Kinh Trung A Hàm, 128 Kinh Ưu bà Tắc:
http://www.thuvienhoasen.org/trungaham-11-128.htm.