Chương
04. Bổn phận và trách nhiệm của cư sĩ
Cư sĩ,
nói chung là một người có nhân cách, trách nhiệm và bổn phận với bản thân, gia
đình và cộng đồng xã hội. Đối với Phật giáo, bất cứ một người nào, không phân
biệt hoàn cảnh xuất thân, màu da hay địa vị xã hội, phát nguyện theo Phật, Pháp
và Tăng (Tam bảo), giữ năm giới (Ngũ giới), hành 10 điều thiện và tu học tại
gia được gọi là Cư sĩ Phật giáo. Nói một cách đơn giản thì Cư sĩ Phật giáo là
những Phật tử chuyên tu học tại gia.
Cư sĩ Phật giáo là một trong hai
thành phần đệ tử của Đức Phật: Xuất gia và Tại gia. Đệ Tử Xuất gia, giữ 10 giới
gọi là Sa Di, giữ 250 giới gọi là Tỳ khưu. Nữ tu sĩ giữ 348 giới gọi là Tỳ Khưu
Ni.
Cả hai hàng đệ tử, xuất gia và
tại gia, đều có thể giữ Bồ tát giới, nếu tự nguyện thực hành hạnh Từ, Bi, Hỷ,
Xả, Vô Ngã, Vị Tha, xả thân để cứu chúng sinh.
Hàng xuất gia từ giã thân quyến
và thế tục, cắt tóc vào chùa, sống đời sống độc thân, có nhiệm vụ tu học, hoằng
dương Chánh Pháp, lãnh đạo tinh thần.
Hàng tại gia có gia đình và bổn
phận đối với cộng đồng xã hội, có nhiệm vụ hộ pháp, cung cấp các nhu cầu, vật
thực cho hàng xuất gia.
Mỗi bên đều có địa vị, nhiệm vụ
và quyền hạn riêng biệt, không dẫm chân lên nhau mà trái lại phải tương kính và
ủng hộ lẫn nhau. Đức Phật thường ví hai hàng đệ tử xuất gia và tại gia như hai
cánh của con chim, có đủ cả hai thì mới hoạt động đắc lực được. Ngài nhấn mạnh
tinh thần bình đẳng của hai hàng đệ tử, không phải chỉ có hàng xuất gia mới
tiến tu và chứng ngộ, mà hàng tại gia cũng có những người đắc đạo như cư sĩ Duy
Ma Cật, được tất cả các hàng Bồ tát, Thanh văn đều kính trọng ngợi khen.
Dĩ nhiên hàng xuất gia dễ tu, dễ
chứng hơn hàng tại gia vì có đủ điều kiện thuận tiện tu hành, còn hàng tại gia
thì còn nhiều chuyện ở đời phải lo như tìm kế sinh nhai, dạy dỗ con cái, bổn
phận công dân, thời gian dành cho việc tu hành không bao nhiêu thật khó tu hơn
hàng xuất gia nhiều lắm. Do đó đã có câu: “Khó nhất là tu tại gia, khó nhì tu chợ, khó ba tu
chùa.”
Bổn phận của cư sĩ sống trong
gia đình
Kinh Thiện Sanh hay còn gọi là
Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt [1] (Singalovada Suttanta), đã nói lên sự quan tâm
sâu sắc của đức Phật đối với cách hành xử của người cư sĩ tu tại gia, trong
những mối dây liên hệ với gia đình và thân bằng quyến thuộc, như sau:
Có một chàng thanh niên tên
Sigala, vâng theo lời dặn dò của người cha trước khi qua đời, hằng ngày thường
quay mặt về sáu Phương là Ðông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới, để lễ lạy. Ðức
Phật bảo anh ta rằng theo Phật pháp, sáu Phương có nghĩa khác.
Phật pháp dạy rằng Phương Ðông
là cha mẹ, Phương Nam là thầy dạy, Phương Tây là vợ con, Phương Bắc là bạn bè,
quyến thuộc, láng giềng, Phương Dưới là người làm công và thợ thuyền, Phương
Trên là tu sĩ và đạo sư. Ngài dạy Sigala phải tôn kính sáu Phương này. Ở đây
chữ tôn kính có ý nghĩa rất đặc biệt, vì người ta chỉ tôn kính cái gì thiêng
liêng, cao quý, đáng kính. Ðạo Phật coi sáu nhóm người này như là những điều
thiêng liêng, xứng đáng được tôn kính.
Nhưng làm thế nào để tỏ lòng tôn
kính?
Ðức Phật dạy rằng chỉ có thể tỏ
lòng tôn kính chân thành bằng cách làm tròn bổn phận đối với họ. Những bổn phận
này được đức Phật giảng giải rõ ràng cho Sigala như sau:
Thứ nhất: Cha mẹ
là thiêng liêng đối với con cái. Cha mẹ là Trời. Theo tư tưởng Ấn Độ, từ ngữ
“Trời” để biểu tượng sự cao quý và thiêng liêng nhất. Cho nên ngay tại thời đại
này, trong những gia đình theo đạo Phật thuần thành, sáng chiều hằng ngày, con
cái vẫn có những hành động để tỏ lòng tôn kính cha mẹ. Họ phải làm một số bổn
phận đối với cha mẹ theo giáo lý nhà Phật: Săn sóc khi cha mẹ già yếu, làm
những điều cần thiết để giúp đỡ cha mẹ, giữ gìn danh dự và truyền thống gia
đình, bảo vệ tài sản cha mẹ để lại, và khi cha mẹ qua đời thì cử hành các nghi
thức trong tang lễ của cha mẹ.
Về phần cha mẹ, họ cũng có những
bổn phận đối với con cái, phải giữ gìn, dạy bảo cho con cái tránh xa những
đường tà, khuyến khích con cái làm những việc tốt lành và ích lợi, cho con cái
được hưởng một nền giáo dục chu đáo, tìm những gia đình lương thiện cho con cái
kết hôn và khi con cái đã trưởng thành thì chia gia tài cho họ.
Thứ hai: Liên hệ
giữa thầy và trò. Người học trò phải kính trọng và vâng lời thầy, phải chú ý
đến những sự cần thiết của thầy, nếu thầy cần, phải chăm lo học hành. Về phía
thầy, phải tận tâm dạy bảo học trò một cách chu đáo, giới thiệu bạn tốt cho trò
và khi trò tốt nghiệp thì cố gắng tìm việc làm để bảo đảm kế sinh nhai cho
trò.
Thứ ba: Liên
hệ giữa chồng và vợ. Tình yêu giữa vợ chồng được coi gần như một nếp sống đạo,
có tính cách thiêng liêng. Giữa vợ và chồng phải có sự tin cậy, kính trọng, hy
sinh, và có những bổn phận đối với nhau. Chồng phải luôn luôn tôn trọng vợ,
không được thiếu sự kính nể đối với vợ, phải thương yêu và chung thủy đối với
vợ, phải bảo đảm vị trí và tiện nghi của vợ, và nên làm vui lòng vợ bằng cách
tặng nàng y phục và nữ trang. (Sự kiện
đức Phật không quên đề cập đến việc tặng quà cho vợ khiến chúng ta thấy được sự
mẫn cảm và tế nhị đầy nhân bản của Ngài đối với niềm cảm xúc của những con
người bình thường). Về phía người vợ, phải tề gia nội trợ chu đáo,
làm vui lòng khách khứa, bạn bè, thân nhân và người làm công. Vợ phải yêu
thương và chung thủy với chồng, phải biết giữ gìn gia sản, phải khôn khéo và
hoạt bát trong công việc.
Thứ tư: Liên
hệ giữa bạn bè, bà con, hàng xóm láng giềng: Mọi người phải niềm nở và tử tế
đối với nhau, nói năng vui vẻ, hòa nhã, phải làm việc có lợi ích cho nhau và
đối xử bình đẳng với nhau, không cãi cọ mà giúp đỡ lẫn nhau khi cần và đừng bỏ
rơi khi người ta gặp hoàn cảnh khó khăn.
Thứ năm: Liên
hệ giữa chủ và người làm công: người chủ có nhiều bổn phận đối với người giúp
việc hoặc người làm công, phải lượng sức của người ta để mà giao việc phù hợp,
tiền lương phải tương xứng, phải cung cấp thuốc men và thỉnh thoảng tặng thưởng
cho người ta. Về phía người làm công thì phải chăm chỉ làm lụng, không lười
biếng, phải lương thiện và vâng lời chủ, không ăn gian nói dối và phải tận tụy
trong công việc.
Thứ sáu: Liên
hệ giữa tu sĩ và cư sĩ: với niềm kính quý, người cư sĩ phải quan tâm đến những
nhu cầu vật chất của tu sĩ, người tu sĩ phải truyền bá sự hiểu biết cho cư sĩ
với tấm lòng từ bi, lân mẫn và hướng dẫn họ đi trên chánh đạo, không lạc vào tà
đạo.
Như vậy, chúng ta đã thấy rõ
rằng dù là một người dân bình thường sống trong gia đình, tham dự những sinh
hoạt ngoài xã hội, họ vẫn được thụ hưởng sự giáo hóa của đức Thế Tôn, vẫn có
thể tu tập, tạo sự an lạc trong nếp sống của một người Phật tử.
Trách Vụ Hoằng Pháp của Cư sĩ
Cư sĩ là thành phần đông đảo
trong hai hàng đệ tử của đức Phật. Do đó, ngoài bổn phận trong gia đình, ngoài
xã hội và hộ trì Phật pháp người Cư sĩ còn có bổn phận phải nỗ lực tu tập, thực
hành để góp phần truyền bá giáo pháp, tức là góp phần chuyển pháp luân để đem
ánh sáng giải thoát cho đời. Như vậy, trách vụ của người Cư sĩ là vô cùng quan
trọng trong việc phát triển Phật giáo trong ý nghĩa độ tha cũng như chuẩn bị
hoàn cảnh tốt đẹp cho việc tự độ của mình. Trong lịch sử có nhiều vị vua Phật
tử có công lao lớn trong việc hoằng dương chánh pháp mà điển hình là vua Asoka
ở Ấn Ðộ, vua Trần Nhân Tông của Việt Nam và Lương Võ Đế của Trung Hoa.
Trong trách vụ góp phần truyền
bá giáo pháp, người Cư sĩ Phật giáo cần làm và phải làm là luôn giữ giới luật
vì giới luật nhà Phật nhằm tự ngăn ngừa các động lực tham dục tác hại, giúp
phát triển tâm từ bi nhằm bảo vệ hạnh phúc an lạc cho mình và cho người khác,
cũng như cho cộng đồng xã hội. Một Phật tử tại gia luôn luôn gìn giữ năm giới,
không làm các điều ác, làm các việc lành, giàu lòng cảm thông, vị tha, khiêm
tốn và thường hay giúp đỡ người khác, là một người có tư cách, một người có
phẩm hạnh đạo đức cao, là cách truyền giáo lý tưởng nhất của hàng Cư sĩ cho
những người xung quanh. Những người xung quanh thường không rõ đạo Phật,
họ không có thì giờ tìm hiểu đạo Phật, nên thường có khuynh hướng đánh giá Phật
giáo qua cung cách cư xử của những người có đạo mà họ tiếp xúc hàng
ngày. Trong lời kết luận về vai trò hộ pháp của người Cư sĩ Phật giáo, Hoà
thượng Thích Thanh Từ nhận định rằng: “Giờ
rãnh rỗi, Phật tử nói chuyện thân mật trong gia đình, hoặc đi thăm người láng
giềng đau yếu... đều là những buổi thuyết pháp linh động của cư sĩ. Cách ăn ở
trong nhà, sự đối xử hàng xóm hợp đạo lý, ấy là bài thuyết pháp sống của Phật
tử tại gia. Phật tử tại gia thực hiện được nhiệm vụ mình, mới thật là người hộ
đạo chân chính”.
Trong hàng ngũ Phật tử tại gia
còn có hàng Cư sĩ thọ Bồ Tát Giới, dành cho bất cứ ai nếu muốn phát tâm Bồ đề: trên cầu Phật đạo, dưới cứu độ chúng sinh.
Đây là lực lượng Phật tử tại gia quan trọng, vừa tiếp tay hỗ trợ quý Tăng Ni
trong việc hoằng pháp, vừa là cây cầu nối giữa quý thầy với khối đông đảo quần
chúng Phật tử. Hiện nay có nhiều địa phương không có chùa, không có Thầy nên
chủ yếu việc hoằng pháp những nơi này là do giới này thực hiện. Hiện tại ở Việt
Nam số lượng Phật tử tại gia thọ Bồ Tát Giới không được đông đảo, mỗi kỳ Đại
Giới Đàn tổ chức ở Việt Nam số lượng cầu thọ Bồ Tát Giới không quá con số 100
vị; cho nên các Cư sĩ đã thọ Tam quy Ngũ giới có tâm ao ước muốn đem đạo Phật
đến với mọi nhà mọi nơi, có tâm ước muốn góp bàn tay xoa dịu nỗi khổ đau của
chúng sinh, cần được khuyến khích gia nhập vào hàng ngũ này.
[1]
HT. Thích Minh Châu, Kinh Giáo Thọ
Thi-ca-la-việt (Singalovada Suttanta), Trường Bộ Kinh.