Chương
11. Thực hành Phật Pháp
Phần 3.
Cầu nguyện và tụng kinh
Đạo Phật
trên ý nghĩa thiết yếu là “biện chứng
giải thoát” hay là con đường giải thoát. Giải thoát khỏi khổ đau,
sinh tử luân hồi. Tuy cùng đi trên một con đường, nhưng vì con người có nhiều
tâm tính, trình độ, khả năng và căn cơ khác nhau, lại vì tùy hoàn cảnh, tùy
phong tục, tập quán, luật lệ thay đổi theo từng địa phương và tùy thời điểm,
cho nên Ðức Phật đã đưa ra vô số phương tiện khác nhau, thường được tiêu biểu
bằng con số 84 nghìn pháp môn, để hướng dẫn mọi người đạt đến cứu cánh giác
ngộ, giải thoát. Cầu nguyện và tụng kinh, tuy không phải là cứu cánh, nhưng
cũng là một trong 84 nghìn pháp môn.
CẦU NGUYỆN
Thời Đức Phật tại thế, có chàng
trai trẻ đến xin Phật làm lễ cầu siêu cho người cha vừa quá vãng. Biết rằng
chàng trai trẻ tràn ngập nỗi đau khổ chắc khó có thể hiểu được những lý lẽ
trong lúc này, nên Ðức Phật đã phải dùng phương tiện bằng hình ảnh cụ thể với
những đặc tính đối lập, một hòn đá và một lon dầu, cả hai được ném xuống hồ, đá
nặng chìm xuống và dầu nhẹ nổi lên. Đức Phật trả lời, như một hòn đá nặng được
thả chìm xuống đáy hồ, cho dù với sức cầu nguyện của số đông, hòn đá vẫn không
thể nổi lên mặt nước. Qua đó, Đức Phật khẳng định nếu con người tạo nghiệp xấu
thì chịu quả báo xấu và tạo nghiệp tốt thì được hưởng quả báo tốt, cầu nguyện
không thể làm thay đổi được nghiệp lực, nhất là khi nghiệp đã chín muồi. Rõ
ràng, cầu nguyện để mong giải tội, xóa sạch ác nghiệp đã tạo, phó thác hoàn
toàn vào tha lực như các Bà la môn hằng tin tưởng là một việc làm vô ích[1].
Tuy nhiên, trong một vài trường
hợp khác, cũng trong kinh Pali, Đức Phật cho thấy sự cầu nguyện có ảnh hưởng
đến người khác và môi trường sống chung quanh. Điển hình là trường hợp Tỳ kheo
Angulimāla, ông vốn là một tay cướp giết người nổi tiếng, nhưng Angulimāla được
Phật hoá độ, trở thành Tỳ kheo. Một hôm, Angulimāla đi khất thực, gặp một người
đàn bà sắp lâm bồn đang rên siết đau đớn bên đường. Không biết làm thế nào,
Angulimāla trở về hỏi Ðức Phật. Ðức Phật khuyên Angulimāla đem lời sau đây nói
với người đàn bà: "Này cô, từ ngày
được sinh vào Thánh tộc (nghĩa là từ ngày tôi xuất gia), tôi chưa hề có ý tiêu
diệt đời sống của một sinh vật nào. Do lời chân thật này, ước mong cô được
vuông tròn và con của cô được bình an vô sự."[2] Angulimāla
học thuộc lòng bài kinh, rồi đi đến nơi, ngồi cách người phụ nữ một bức màn
che, đọc lại. Người mẹ đau đớn liền sinh được dễ dàng.
Đến nay bài kinh Angulimāla Paritta[3]
này vẫn còn được lưu hành ở một số quốc gia Phật giáo Nam Truyền. Điều này cho
thấy năng lực nội tại (qua tâm từ và giữ giới) của hành giả có thể có tác dụng
đến ngoại giới, đến môi trường chung quanh và ảnh hưởng ấy lại được chuyển tải
bởi ngôn ngữ (lời kinh). Sức mạnh của tâm từ và năng lực trì giới của Tôn gỉa
Angulimāla đã chuyển hoá tai họa của sản phụ, khiến cho mẹ con được an lành.
Cũng vào thời Phật, có một số tỳ
kheo sống trong rừng sâu bị rắn độc cắn bị thương nhiều có khi gây tổn hại đến
sinh mệnh, nên Phật đã dạy các tỳ kheo ấy hãy rải tâm từ đến các loài rắn độc
thì sẽ tránh khỏi. Phật dạy bài kệ. Nội dung bài kệ không phải là những câu
thần chú bí hiểm, mà chỉ là những lời ước nguyện, mong cho tâm từ của hành giả
lan toả đến chúa tể các loài rắn độc, các sinh vật không chân, hai chân và bốn
chân; ước nguyện chúng sinh các loại đều được an lành, không làm hại đến tỳ
kheo. Văn ước nguyện này được gọi là “hộ chú“ (parittam)[4].
Trong thời cận đại, một vị bác
sĩ người Pháp qua Việt Nam làm các việc từ thiện ở những năm đầu thập niên thế
kỷ 20 cũng xác nhận rằng nhờ “tâm từ”
mà ông đã thoát được nạn rắn độc. Đó là trường hợp bác sĩ Yersin: “Năm 1894 bác sĩ Yersin đi từ cao nguyên Lang Bian
đến Darlac rồi từ Darlac đến Attopeu, một bữa nọ bác sĩ đang đi trong rừng, mắt
chăm chú nhìn lên các ngọn cây cao, thì bỗng nghe sau lưng có tiếng động. Quay
lại thì nhìn thấy một con rắn hổ mang to lớn đứng thẳng lên trên đuôi, phùng
mang le nọc độc. Bác sĩ Yersin đứng yên, thái độ hoàn toàn bình thản. Rắn lắc
lư chiếc đầu dẹp muốn nhảy đến chụp, nhưng lại trù trừ. Hồi lâu hạ mình xuống
vụt phóng vào bụi rậm rồi đi mất. Nghe được câu chuyện, có người đến hỏi bác sĩ
có phải nhờ thuật thôi miên mà thoát nạn chăng? Bác sĩ cười đáp: “Rắn độc cũng như thú dữ, cắn người chỉ để tự vệ.
Chúng đều có linh tính. Một khi nhận biết rằng mình không có ác tâm, ác ý đối
với chúng thì không bao giờ chúng làm hại mình”[5].
Trên đây là một số trường hợp
cầu an cứu hộ có tính cách cá nhân cho mình hoặc cho người, nương nhờ vào năng
lực từ tâm và trì giới. Trong trường hợp số đông chúng sinh như các vùng bị
thiên tai, bão lụt làm mất tích và chết nhiều người, dẫn đến các bệnh dịch tàn
phá khác. Phật giáo, ngoài những nỗ lực cứu giúp bằng các phương tiện vật chất
còn có biện pháp cứu hộ khác bằng năng lực cầu nguyện của số đông với tâm từ
bi, với chánh tín và chánh kiến qua việc đọc tụng kinh Châu Báu[6]
như tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam truyền thường áp dụng.
Như thế có thể nói rằng ngoài tự
lực, trong Phật giáo còn có tha lực và cầu nguyện, vẫn là một trong 84 ngàn
pháp môn tu tập trong đạo Phật. Sự cầu nguyện có thể được giải thích như là một
ý lực mạnh mẽ muốn chuyển hóa nghiệp lực đối với tự thân đồng thời hỗ trợ cho
tha nhân chuyển hóa nghiệp lực của chính họ, mà chủ yếu là sức mạnh của tâm từ
bi và giữ giới luật.
TỤNG KINH
Tụng
kinh là cách hành trì rất phổ biến của cả hai trường phái Phật giáo Nam Truyền
và Bắc Truyền.
Kinh có nghĩa là những lời Phật
dạy, bao gồm những bài thuyết pháp của Đức Phật từ buổi thuyết pháp đầu tiên
tại Ba La Nại cho đến lúc Phật nhập Niết Bàn.
Tụng kinh là để ôn lại những lời
Phật dạy và để tự nhắc nhở mình ứng dụng lời của Phật dạy vào cuộc sống hằng
ngày là không làm các việc ác, làm các việc lành và tự thanh lọc tâm ý. Khi
tụng kinh, do chú tâm vào lời kinh nên cả ba nghiệp là thân, khẩu và ý không có
cơ hội tạo tác. Do đó xa lìa được các gốc rễ của khổ đau như tham lam, sân hận,
si mê, đem lại lợi lạc cho mình và người.
Nhiều bài kinh quan trọng từ
giáo lý căn bản của Đức Phật được chọn ra từ các bộ kinh. Tên những bộ kinh
nguyên thủy bằng chữ Pali được chọn ra là: Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), Trung
Bộ Kinh (Majjiima Nikaya), Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya), Tăng Chi Bộ
Kinh, (Anguttara Nikaya) và Tiểu Bộ Kinh (Khuđaka Nikaya). Các Kinh nguyên thủy
bằng chữ Sanskrit gồm có các bộ A Hàm (Agamas) như Trường A Hàm, Trung A Hàm,
Tăng Nhất A Hàm, và Tạp A Hàm (tương đương với các bộ Trường Bộ Kinh, Trung Bộ
Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, và Tiểu Bộ Kinh thuộc văn hệ Pali).
Ngoài ra còn có các kinh thuộc Phật giáo Bắc Truyền như: Kinh Diệu Pháp Liên
Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Kim Cang, Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Đại Bát Niết Bàn,
Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Viên Giác, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm
Kinh, Kinh Duy Ma Cật, Kinh A Di Đà, và còn rất nhiều nữa.
Những kinh mà người Phật tử tụng
trong truyền thống Phật giáo Nam Truyền để cầu an là Kinh Châu Báu và Kinh Phật
Lực. Cầu siêu là Kinh Vô Ngã Tướng và Kinh Hồi Hướng Vong Linh. Đối với Phật
giáo Bắc truyền kinh Cầu an là Kinh Phổ Môn và cầu siêu là Kinh A Di Đà và Kinh
Địa Tạng.
“Cầu An” có nghĩa là ước nguyện
cho chính chúng ta hay cho người khác tránh khỏi các hình thái của ma quỷ, bất
hạnh, đau ốm, và ảnh hưởng xấu của những sự thay đổi môi trường sống trong hệ
thống hành tinh cũng như để đặt tin tưởng nơi tự tâm bằng chính tâm từ bi,
chánh tín, chánh kiến và năng lực giữ giới hạnh của chúng ta. Còn “Cầu Siêu” là
nguyện cầu cho những người thân quá cố hoặc bạn bè quen hay không quen của
chúng ta, nhưng vì tâm từ, vì họ mà làm những việc từ thiện để hồi hướng cho họ
được nương vào phước lành đó mà vượt thoát khỏi ba đường ác.
Việc tránh ác, làm thiện và giữ
giới của mỗi cá nhân và của số đông, hợp với sức mạnh gia hộ của thanh tịnh đại
hải chúng Bồ Tát, của chư Phật và các vị thiện thần có thể đem lại kết quả, đạt
được mục đích cầu an như ý lực mong muốn. Sự gia hộ mà trong kinh sách thường
nói đến như là một tha lực, là điều rất khó giải thích, chỉ có thể cảm nhận
được bằng kinh nghiệm bản thân.
[1] HT. Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ Tập IV Thiên 6 xứ
Ch.8 Đoạn 6: http://www.thuvienhoasen.org/tu4-42.htm
[2] HT. Narada Maha Thera, Phạm
Kim Khánh dịch Việt, 1998, Đức Phật và Phật Pháp
http://www.thuvienhoasen.org/ducphatvaphatphap-12.htm
[3] HT. Thích Minh Châu, Kinh
Trung Bộ, Angulimala Sutta, kinh thứ 86. http://www.thuvienhoasen.org/u-trung86.htm
[4] Suzuki - TT. Thích Tuệ Sỹ, Thiền và Bát Nhã, Viện CĐPH Hải Đức,
2004.
[5] Quách Tấn, Xứ Trầm hương.
Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa tái bản 2003.
[6] HT. Thích Minh Châu, Kinh
Tiểu Bộ Tập I Kinh Tập, (I) Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) (Sn 39)
http://thuvienhoasen.org/kinhtieubo1-05-kinhtap-02.htm và Cư sĩ Nguyên Giác,
Bản dịch Việt:
http://www.thuvienhoasen.org/cacphaphoquocandan.htm