Chương
11. Thực hành Phật Pháp
Phần 2.
Tu tịnh độ hay tu niệm Phật
Chân Tâm
hay bản thể tâm của chúng ta vốn thanh tịnh. Từ xưa không biết bắt đầu từ lúc
nào tâm bị ô nhiễm bởi ái dục, tham, sân, si và trở nên ô nhiễm. Do tâm ô nhiễm
mà chúng ta phải đi trong luân hồi sinh tử hết kiếp này sang kiếp khác. Ô nhiễm
muốn nói ở đây không chỉ là biểu hiện thô thiển của tâm tham, sân và si mà bao
gồm tất cả những bè bạn và thân hữu xa gần của chúng, như tâm phân biệt, chấp
trước, ưa thích, ghét bỏ và mong cầu. Chúng là những vọng tưởng hoạt động không
ngừng nghỉ từ sáng đến chiều làm cho tâm chúng ta không được an ổn.
Làm thế nào để tâm được thanh
tịnh là mục đích chung của các pháp hành Phật giáo. Các tông phái, các pháp
môn, dù cho có những khác biệt về phương cách thực hành nhưng mục tiêu vẫn là
phải tu sao cho tâm không còn ô nhiễm, đạt được thanh tịnh. Tịnh Độ Tông gọi
tâm thanh tịnh là “nhất tâm bất loạn”,
cũng như Thiền Tông gọi là “thiền định”,
bên Giáo Tông gọi là “chỉ quán”,
còn như Mật Tông gọi là “tam mật tương
ứng”. Toàn bộ những danh từ ấy chỉ là tên gọi khác nhau của tâm
thanh tịnh.
Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
“Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ
ý. Thị chư Phật giáo[1].” Nghĩa
là: “Không làm các điều ác. Siêng làm các việc lành. Giữ tâm ý thanh
tịnh. Là lời dạy chư Phật”. Câu “Tự
tịnh kỳ ý” có nghĩa là tự làm cho tâm thanh tịnh. Đây là quá trình
tu tập của mỗi người chúng ta.
Bằng cách nào để tâm được thanh
tịnh? Trong tạng Pali, kinh Tăng Chi Bộ,
phẩm Một pháp, Đức Phật dạy như sau:
“Có một pháp, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa
đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ,
Niết -bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỷ kheo, được tu tập,
được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an
tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”[2]
Tương đương với kinh Tăng Nhất A
Hàm trong tạng Sanskrit: “Hãy tu hành
một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại
bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn.
Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các
ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả
Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ kheo, hãy tu hành
một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ kheo, hãy học
điều này.”[3]
Rồi Đức Phật giải thích cách
thực hành pháp môn Niệm Phật như sau:
“Nếu có Tỳ kheo nào chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, chuyên
tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không
hề rời. Trong khi mắt không rời, niệm tưởng công đức Như Lai”[4].
Đoạn kinh trích dẫn trên nêu rõ
hai phương pháp niệm Phật cơ bản là: trì danh niệm Phật và quán tưởng niệm
Phật. Trong phương pháp thứ hai, tức nhớ nghĩ đến hình tướng và công đức của
Như Lai, Đức Phật giải thích về thể, tướng, huệ và pháp thân của Phật:
“Thể của Như Lai được thành tựu từ kim cương, đầy đủ mười
lực, bốn vô sở úy, dõng mãnh giữa đại chúng. Gương mặt của Như Lai
đoan chánh vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như
kim cương không thể phá hoại, trong sạch không tỳ vết cũng như lưu ly.
Tam-muội của Như Lai chưa từng sút giảm, đã tĩnh chỉ, vĩnh viễn tịch tĩnh,
không có niệm khác. Các thứ tình kiêu mạn, ngang bướng đã vắng im ý tham
dục, tưởng sân hận, tâm ngu hoặc, mạn kết do dự, tất đều tận trừ. Huệ thân
của Như Lai, trí không bờ đáy, không bị chướng ngại. Thân Như Lai, được
thành tựu từ giải thoát, các cõi đã hết, không còn sinh phần để nói
‘Ta sẽ đọa nơi sinh tử.’ Thân Như Lai được vượt qua thành trì của tri
kiến, biết căn cơ người khác đáng được độ hay không đáng được độ, chết
đây sinh kia, xoay vần qua lại trong ngằn mé sinh tử, có người giải
thoát, người không giải thoát; Như Lai thảy đều biết tất cả. “Đó là
tu hành niệm Phật, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các
điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần
thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên,
này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Phật, liền sẽ được
những thứ công đức thiện này. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”[5]
Như vậy, Niệm Phật mà Đức Phật dạy trong kinh
tạng Pali và Sankrit dẫn chiếu trên chính là một trong các pháp hành căn bản
nhằm chuyển hóa tâm của chúng sinh, bằng cách không để cho tâm ấy duyên với
vọng niệm, với lục trần, với thức phân biệt. Ngài dạy, “nếu chúng sinh nào đem tâm của mình mà niệm tưởng
Phật, nhớ nghĩ đến công đức của Phật, duyên với Phật thì tâm của người ấy trở
nên thanh tịnh, được pháp hỷ lạc, và tất cả mọi tâm lý bất thiện đều được
chuyển hóa”[6].
***
Pháp môn Niệm Phật là một trong
nhiều pháp môn được chính Đức Phật dạy cho các đệ tử xuất gia và tại gia hiện
còn lưu lại trong các bản kinh cổ, cả tạng Pali lẫn tạng Sanskrit. Sau đó được
truyền qua Trung Hoa vào giữa thế kỷ thứ 4 và được phát triển thành tông phái
Tịnh Độ bởi Đại sư Huệ Viễn (334-416). Từ Trung Hoa, Tịnh Độ tông được truyền
qua Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Đối tượng niệm Phật mà kinh Pali và Sanskrit nói đến là Đức Thế Tôn, nên thời
đó nói đến niệm Phật, là niệm Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Sau này, khi
Phật giáo phát triển, tin tưởng rằng trong ba thời mười phương có vô số chư
Phật. Cho nên, pháp môn niệm Phật cũng có nhiều danh hiệu Phật để niệm, nhưng
phổ thông nhất là niệm Phật A Di Đà. Vì vậy, mỗi khi nói đến pháp môn niệm Phật
hay Tịnh Độ Tông, người ta đều nghĩ ngay đến niệm Phật A Di Đà.
Ðức Phật A Di Ðà được Đức Phật
Thích Ca giới thiệu là một vị Phật siêu việt thời gian và không gian (vô lượng
quang, vô lượng thọ), Ngài nguyện cứu độ tất cả những ai có lòng tin chân thành
xưng niệm danh hiệu Ngài. Ngài dùng vô lượng hào quang nhiếp thọ và gia hộ
những người có lòng tin chân thành đối với Ngài và tiếp dẫn họ sanh về cõi Tây
phương Cực lạc của Ngài. A Di Ðà là âm dịch của Amita, Amita là tiếng cổ Ấn Ðộ
(Sanskrit). A Di Ðà cũng là cách viết tắt của Amitabha (Vô lượng quang) và
Amitayus (Vô lượng thọ). Vì thế người Tây phương rất quen thuộc với hai danh từ
tiếng Sanskrit Amitabha và Amitayus.
Hạnh nguyện cứu độ chúng sanh
của Ðức Phật A Di Ðà được hai Đức Bồ tát là Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí phò trì.
Tượng Ðức Phật A Di Ðà và hai Đức Bồ tát này rất được phổ biến tại các nước Á
Châu thịnh hành tư tưởng Tịnh độ.
Tịnh Độ tông cốt lấy niệm Phật
làm đầu, và niệm Phật chính là gột sạch những tư tưởng vẩn đục. Mỗi câu niệm
Phật là một tư tưởng xấu lắng xuống, một niệm trong sạch dấy lên, nhiều câu
niệm Phật thì nhiều tư tưởng xấu được đoạn trừ. Và niệm Phật đến “nhất tâm bất
loạn” thì ô nhiễm không còn.
Kinh điển của Tịnh Độ tông là
các kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, và luận Vãng sinh
Tịnh độ. Phương pháp tu học gồm ba nguyên tắc: Tín, Nguyện và Hành. Đây là một
trong các tông phái tương đối dễ tu tập nên ở Đông Nam Á châu cũng như những
quốc gia có nhiều di dân đến từ Á châu có rất nhiều Phật tử theo tông này.
Ðể thực hành Pháp môn Niệm Phật,
ngài Trần Thái Tông, vị vua sáng lập ra triều đại nhà Trần đã lập lại câu nói
của Thiền sư Vĩnh Gia như là xác định mục tiêu của pháp Niệm Phật là "Ai không có niệm thì không có sinh"
[7] và ngài nhận định rằng đời sống con người là một dòng niệm tưởng sinh diệt
liên tục và trôi chảy không ngừng từ tâm thức. "Nếu là một niệm thiện, thì có một thiện nghiệp
tương ứng. Nếu là một niệm ác, thì có ác nghiệp tương ứng. Giống như ảnh hiện,
tựa bóng theo hình"[8]. Chặt đứt dòng niệm tưởng này tức là
ngưng được dòng sinh diệt và do đó thoát khỏi khổ đau và sinh tử luân hồi. Cho
nên, niệm Phật có công năng chuyển hoá thân khẩu ý bất tịnh thành thân khẩu ý
thanh tịnh. Cách thục hành niệm Phật của Ngài được sắp xếp từ thấp đến cao tùy
theo trình độ và căn cơ của mỗi người. Tuy nhiên, ngài cho rằng dù với căn cơ
nào cũng có thể đạt đến cùng một mục tiêu và ngài khuyến khích nên bắt đầu từ
trình độ của người có căn cơ thấp. Ngài nói, "giống như xây một cái nhà ba tầng, người ta phải bắt đầu xây với tầng
dưới cùng".
Tầng dưới cùng là gì? là " Miệng siêng lời niệm Phật, lòng muốn thấy
tướng Phật, thân nguyện sinh ở nước Phật. Ngày đêm siêng tu, không có thối lui,
sau khi chết rồi, đựơc theo niệm thiện mà sinh ở nước Phật. Sau được các Phật
tuyên cho chính pháp, chứng được Bồ đề, cũng vào chính quả." (KHL, 105)
Tầng giữa là gì? Ngài dạy “siêng năng niệm danh hiệu Phật trong tâm, niệm niệm
không quên cho đến vô niệm, đạt được chính đạo. Ðến lúc lâm chung được cảnh
giới an lạc Niết Bàn tịch tịnh, tịch diệt”.
Còn tầng thứ ba, tức căn cơ của
những người đã tự mình buông xả hết, không còn chấp trụ thì "tâm tức Phật, không cần tu thêm. Niệm cũng là bụi,
không dung một mảy may. Niệm bụi vốn sạch cho nên nói rằng như như không động
chính là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Các tướng đều
không hai, lặng lẽ có thường, có mà không biết, đó là Phật sống".
(KHL, 105)
Các tầng được nói đến, được xem là
mức độ chấp trước hay mức độ buông xả của một người. Chúng ta là những người có
căn cơ thấp vì chúng ta chấp và trụ quá nhiều về vật chất lẫn tinh thần. Chúng
ta không chịu buông xả dù chỉ là chiếc áo cũ hay ý kiến riêng của mình. Tuỳ
theo mức độ chấp trước, ngài Trần Thái Tông đã khuyên bảo chúng ta nên, hoặc là
xưng danh hiệu Phật bằng miệng với ước nguyện sanh về cõi Phật, hoặc là niệm
danh hiệu Phật trong tâm, niệm niệm không quên cho đến vô niệm. Cả hai lối đều
dùng danh hiệu Phật làm đối tượng và Phật hiệu này được xem như một sự thể
tượng trưng cho tất cả những gì chứa đựng trong khái niệm về đức Phật, không
những chỉ riêng về Phật A Di Ðà, mà hết thảy vô số chư Phật, hay nói rộng ra,
chính là bản chất giác ngộ của mọi chúng sinh.
Với phương pháp xưng danh hiệu
Phật cùng với tâm nguyện sinh về nước Phật sẽ đưa đến kết quả là được vãng sinh
về cõi tịnh độ theo như ý sở nguyện khi lâm chung, ở nơi đó, chúng ta sẽ không
còn bị ngoại cảnh xấu lôi kéo, tâm thức sẽ được tịnh hóa mau lẹ, sớm thành đạo
quả. Còn phương pháp thứ hai, áp dụng cho người có căn cơ trung bình, mức độ
chấp giữ không nặng, thâm hiểu lý khổ, vô thường, vô ngã, hiểu được tam giới
duy tâm, cõi tịnh độ và thế gian cùng một bản thể như tự thể của chúng ta, nên
vua Trần Thái Tông đã khuyên bảo chăm chỉ niệm Phật trong tâm, tất cả tư tưởng
phải chuyển hoá thành niệm Phật, niệm niệm không rời cho đến chỉ còn một niệm
Phật hiệu thôi, ngoài ra không còn có người niệm, không còn có cái được niệm,
tức trở thành vô niệm đạt thành chính đạo ngay hiện tiền, không còn sinh tử
luân hồi. Phương pháp tu này còn đựơc gọi là thực tướng niệm Phật, chủ yếu là
trì danh hiệu Phật trong tâm, đạt được thiền định, thấy được bản tâm chân thật
tức Di Ðà tự tính.
Khi lập lại lời của ngài Vĩnh
Gia "Ai không có niệm thì không có
sinh" ngay nơi phần mở đầu của chương nói về pháp môn Niệm
Phật, vua Trần Thái Tông đã xác định mục tiêu của pháp môn này là chuyển hoá
tất cả tư tưởng thành niệm Phật, rồi biến thành vô niệm. Ðối với người áp dụng
lối tu đầu tiên sẽ được sinh về cõi Tịnh độ khi lâm chung vì còn có ý nguyện
tức ý lực, tức là cái mà đức Phật gọi là "cetana", là nghiệp lực.
Ðiều quan trọng của niệm Phật là
phải nỗ lực kiên trì, bền bỉ, niệm đến nhất tâm, rồi đến vô niệm. Trong thời
gian đầu có thể niệm mãi, mà tâm vẫn tán loạn, vẫn những chuyện nhà cửa, chuyện
luyến tưởng đến con cháu chồng vợ, theo chư Tổ dạy về Tịnh Độ, nên áp dụng biện
pháp ghi nhớ từ một đến mười câu, đến khi thấy đỡ rồi, nên bắt đầu chú tâm ngay
vào danh hiệu "A Di Ðà Phật" hay chỉ chú tâm vào một chữ
"A" đầu câu. Khi chữ A còn thì danh hiệu Phật còn, nếu mê mờ để cho
nó mất, thì cả danh hiệu cũng mất. Cứ chú tâm mãi vào chữ A, sẽ được nhất tâm,
tâm cảnh đều tiêu tan, dung hợp thành một khối, lượng rộng lớn như hư không,
Phật và mình cũng đều mất, chữ A cũng không còn.
Sở dĩ niệm bốn chữ "A Di Ðà
Phật" thay vì sáu chữ "Nam Mô A Di Ðà Phật", theo ngài Ấn Quang
Ðại sư, thì có điều lợi là dễ dàng nhiếp tâm hơn.
Tưởng cũng nên ghi chú thêm ở
đây là khi áp dụng phương pháp trì danh niệm Phật nên niệm trong tâm, không
quán tượng Phật hay quán tưởng Phật. Trong tâm chỉ chú tâm vào danh hiệu
"A Di Ðà Phật" một cách đều đặn, liên tục, không nhanh, không chậm.
Mục đích niệm niệm liên tục là để tâm duyên với danh hiệu "A Di Ðà
Phật", mà tự lìa xa các vọng niệm. Còn chú tâm vào danh hiệu A Di Ðà Phật
để ngăn không cho tình trạng mê tâm do nhớ tưởng viển vông gây ra, giữ cho tâm
luôn luôn tỉnh thức và dễ dàng định tâm. Hãy niệm liên tục không gián đoạn, đi
đứng nằm ngồi đều niệm, niệm mãi mãi lâu bền, niệm cho thành thói quen, cho đến
khi nào không muốn niệm cũng không được, tâm vẫn cứ niệm. Phật tức là giác.
Ngài Hư Vân Hòa Thượng nói: "Nếu
niệm đến độ trong mộng cũng có thể niệm, tức là thường giác không mê, nếu quên
mất Phật tức là chẳng giác. Hiện tại, nếu tâm này không mê, thì lúc lâm chung,
tâm này cũng chẳng u muội. Nơi tâm không u muội, tức là được giải thoát".
Kết quả của việc niệm Phật lớn
lao không thể nào nói được, không những không còn tạo tội, mà còn đem lại nhiều
phước báu cho hiện tại cũng như tương lai, xa lìa được chốn trầm luân khổ ải,
và nhất là cắt đứt dòng sinh tử luân hồi.
Tín và Nguyện là hai điều kiện
quan trọng trong Pháp Môn Niệm Phật, nhưng điểm cao siêu nhất của Pháp Môn Niệm
Phật là cho rằng ngay đến tín tâm và nguyện tâm cũng không cần thiết nữa, và
chỉ có việc duy nhất là chú tâm niệm danh hiệu Phật thì cũng đủ rồi, vì còn tin
về hay nguyện về một cái gì đó thì vẫn là ý lực, vẫn còn là nghiệp lực. Niệm
Phật đến vô niệm, đến không còn có người niệm, không còn có cái được niệm, và không
còn danh hiệu Phật niệm, là phá tan tất cả nghiệp lực. Tự lực và tha lực cũng
không còn vì tự lực và tha lực đều xuất phát từ ý lực mà ý lực là nghiệp lực
(cetana). Một khi nghiệp lực đã không còn thì làm gì còn có sinh tử, còn có
trầm luân khổ ải[9].
Nhất Biến thượng nhân (Ippen
Shonin), một trong các vị cao tăng Tịnh Ðộ Tông Nhật Bản đã dạy các đệ tử và có
nhắc lại lời của Không Dã thượng nhân (Kũya Shonin): "có người hỏi ngài
nên niệm Phật như thế nào? Ngài chỉ trả lời: "Buông Bỏ" và không nói
thêm lời nào nữa." Nhất Biến thượng nhân cho rằng đó là lời vàng ngọc:
"Buông Bỏ" là tất cả những gì cần thiết nhất cho người hành trì pháp
môn niệm Phật, và tất cả các pháp môn khác của đạo Phật[10].
Trôi lăn trong sanh tử là do nắm
giữ. Nắm giữ từ cái thô như danh vọng, của cải, vật chất, thân xác.... đến cái
vi tế như tư tưởng, tri kiến, và ngay cả đến cái khái niệm về sự buông bỏ...Cho
nên bước vào đạo Phật, đạo Giác Ngộ thì bước đầu tiên là buông bỏ, bước giữa
cũng buông bỏ và bước cuối cũng buông bỏ. Buông bỏ hết tất cả mọi sự, buông bỏ
thiện và ác, buông bỏ giác ngộ và vô minh, buông bỏ thiên đường và địa ngục và
mọi loại say mê về chứng ngộ.
[1] HT. Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, kệ 183 Viện Nghiên Cứu
Phật Học Việt Nam
http://www.thuvienhoasen.org/kinhtieubo1-02-phapcu-02.htm.
[2] HT. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Một pháp
http://www.thuvienhoasen.org/tangchi01-1521.htm.
[3] TT. Thích Đức Thắng, Kinh Tăng Nhất A Hàm, Phẩm Một niệm,
kinh sô 1: http://www.thuvienhoasen.org/kinhtangnhataham-ducthang-01.htm#03.
[4] TT. Thích Đức Thắng, Kinh Tăng Nhất A Hàm, Phẩm Quảng Diễn,
http://www.thuvienhoasen.org/kinhtangnhataham-ducthang-01.htm#03
[5] Như đã dẫn 29.
[6] TT. Thích Tuệ Sỹ, Kinh Trung
A Hàm, Kinh Trì Trai 202
[7] Thiền Sư Huyền Giác Vĩnh
Gia, dịch Việt: Trúc Thiên, Chứng Đạo Ca "Thùy
vô niệm thùy vô sinh" là lời của ngài Vĩnh Gia, Thiền sư nổi tiếng, tác
giả cuốn "Chứng Ðạo Ca". Người cùng thời với Lục Tổ Huệ Năng.
http://www.thuvienhoasen.org/chungdaoca.htm.
[8] Đào Duy Anh, Khóa Hư Lục (KHL), Nhà xuất bản Khoa
Học Xã Hội, Hà Nội 1974.
[9] Bài giảng tại chùa Việt Nam ở Los
Angeles ngày thứ bảy 17-12-1983 nhân dịp vía Ðức Phật
A Di Ðà và ngày thứ ba 10-1-1984 nhân dịp vía Ðức Phật Thích Ca Thành Ðạo. http://www.thuvienhoasen.org/adidaphat.htm
[10] Bài giảng tại chùa Việt Nam ở Los
Angeles ngày thứ bảy 17-12-1983 nhân dịp vía Ðức Phật
A Di Ðà và ngày thứ ba 10-1-1984 nhân dịp vía Ðức Phật Thích Ca Thành Ðạo. http://www.thuvienhoasen.org/adidaphat.htm