Phụ lục.
Cơ Bản Thực Hành Tổ Sư Thiền
Muốn đạt đến kiến tánh giải
thoát, hành giả tham tổ sư thiền cần phải thực hành đúng theo cơ bản như sau:
1 - TIN TỰ TÂM
Thế nào là TIN TỰ TÂM? Phải tin
tự tâm mình đồng với Chư Phật chẳng hai chẳng khác, tức là thần thông trí huệ
của bản tâm mình không kém hơn Chư Phật một tí nào cả. Vì bản thể và diệu dụng
của bản tâm mình cũng như Chư Phật, cùng khắp không gian và thời gian, nên nói
tự tánh bình đẳng bất nhị. Nếu kém Phật một tí thì Phật cao hơn chúng sinh, là
bất bình đẳng, có cao có thấp là nhị.
Nếu đã tin tự tâm sẳn đầy đủ tất
cả năng lực thần thông trí huệ, bản thể và diệu dụng cùng khắp không gian và
thời gian, như Phật nói "Ngoài tâm chẳng có pháp" thì đương nhiên
thực hành được 9 chữ "VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ CẦU, VÔ SỞ SỢ". Vì đắc là đắc
ngoài tâm, cầu là cầu ngoài tâm, bản tâm cùng khắp không gian và thời gian,
ngoài không gian chẳng có không gian, ngoài thời gian chẳng có thời gian, vậy
thì ngoài còn chẳng có, còn có gì để cho mình đắc để cho mình cầu! Không đắc
không cầu thì không còn gì để sợ, như thế không phá ngã chấp cũng tự phá ngã
chấp rồi, vì VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ CẦU, VÔ SỞ SỢ là dùng để phá ngã chấp, phá hết
ngã chấp thì được giải thoát cái khổ sinh tử luân hồi.
Lại nếu không tin tự tâm, chỉ
tin pháp môn Tổ Sư Thiền thì dù siêng năng tu tập cách mấy cũng không thể đạt
đến kiến tánh. Tại sao? Vì không tin tâm mình thì làm sao tự hiện được bản tâm
mình! Tự hiện bản tâm tức là kiến tánh, nên nói tin tự tâm là cơ bản của chánh
pháp.
2 - NGHI TÌNH
Thế nào là NGHI TÌNH? Tức là đề
câu thoại đầu hỏi thầm trong bụng, cảm thấy không biết, thiền môn gọi là Nghi
Tình. Bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc bằng tay chân hay trí óc, cho đến
lúc ăn cơm, đi cầu, nói chuyện, ngủ mê đều phải có nghi tình. Có nghi tình mới được
gọi là tham thiền, nói một cách khác tức là dùng cái tâm không biết (Nghi Tình)
của bộ não để chấm dứt tất cả biết của bộ não (1). Dù nói chấm dứt, kỳ thật
khỏi cần tác ý chấm dứt, có nghi tình thì đương nhiên tự nó chấm dứt, vì tất cả
biết của bộ não đều là tướng bệnh, cũng là cái biết của người mù. Ví như người
mù không thấy mặt trời, hỏi người mắt sáng, người mắt sáng nói "mặt trời
có tròn có nóng", người mắt sáng diễn tả mặt trời thì đúng, nhưng người mù
chấp tròn với nóng cho là mặt trời thì không đúng rồi.
Muốn giữ nghi tình trước tiên
phải chấm dứt những tìm hiểu biết và ghi nhớ biết, sau chấm dứt luôn cái tùy
duyên biết (tùy duyên biết là khỏi cần tìm hiểu cũng biết, như đi đứng nằm
ngồi, mặc áo ăn cơm v.v...). Nên Ngài Lai Quả nói "lúc công phu đến thoại
đầu thì đi chẳng biết đi, ngồi chẳng biết ngồi". Công phu đến thoại đầu
thì câu thoại tự mất, tất cả biết của bộ não đều hết, khi ấy tham thiền không
biết tham thiền, ăn cơm không biết ăn cơm, luôn cả cái không biết cũng không
biết luôn. Công phu đến đây là gần kiến tánh, người đời coi mình như người khờ
ngốc, nhưng sự thật thì sẽ phát đại trí huệ, cuối cùng cái nghi tình bùng nổ,
cái tâm không biết của bộ não cũng tan rã. Bấy giờ cái biết và không biết của
bộ não đều sạch, tướng bệnh (tác dụng của bộ não) đã hết, trong sát na đó tướng
mạnh (cái biết của bản thể Phật tánh) hiện ra, gọi là kiến tánh thành Phật.
Tổ nói "Tri chẳng có hai
người, pháp chẳng có hai thứ". Tại sao tri chẳng có hai người? Vì cái tri
của bản thể gọi là Chánh Biến Tri, cùng khắp không gian và thời gian, chỉ có
một cái tri(2), nếu có thêm cái tri của bộ não (không cùng khắp) thì thành hai
cái tri, tức là hai người. Sao nói pháp chẳng có hai thứ? Vì tất cả pháp đều do
tâm tạo, bản thể của tâm đã cùng khắp không gian và thời gian thì pháp của tâm
tạo ra cũng phải cùng khắp như bản tâm, nên nói pháp chẳng hai thứ. Nếu có pháp
nào do bộ não chấp nhận là pháp thật thì pháp thứ hai này cũng là tướng bệnh.
GHI CHÚ:
(1) Cái Tâm Không Biết Của Bộ
Não:
Khi hỏi câu thoại đầu cảm thấy
không biết, thì cái tâm ham biết của tập khí lâu đời bất tri bất giác tự mống
khởi, rồi tự thành nghi tình. Cái tâm không biết này khác với cái không biết
của người khờ ngốc, bệnh tâm thần và sự ngủ mê hay chết giấc, nên nói cái tâm
không biết của bộ não là cơ bản của nghi tình. Muốn giữ nghi tình là phải dùng
cái tâm không biết, nếu tâm có biết thì không phải nghi tình, tức là không có
tham thiền.
(2) Tự tánh bất nhị vốn chẳng
phải một, nay nói MỘT chỉ là phương tiện, nếu thật có một thì phải có hai, ba
cho đến muôn ngàn
(Ghi chú
hết)