Chương
07. Cư sĩ với vấn đề công tác xã hội
Trong một
bài pháp thuyết giảng tại Mã Lai, Thượng tọa Sayadaw U. Sumana cho biết Phật
giáo là một tôn giáo có số lượng tín đồ ít ỏi nhất trong bốn tôn giáo lớn trên
thế giới và cảnh giác rằng: “Phật giáo
hiện nay được thí dụ như là một con cá trong hồ nước cạn và nước sẽ tiếp tục
bốc thành hơi nếu không có cây che mát hồ để tránh đi ánh nắng nóng bỏng của
mặt trời. Con cá đó sẽ cố gắng tiếp tục sống với cái hy vọng là cơn mưa sẽ đến,
nếu như cơn mưa kịp lúc đến thì cá sẽ được sống cho đến khi mãn kiếp. Những
người Phật tử thông thường được ví như là cơn mưa làm cho hồ được đầy nước trở
lại và do vậy mà Phật giáo được tồn tại dưới sự bảo tồn của Phật tử”.[1]
Những người Phật tử thông thường
mà hoà thượng Sayadaw muốn nói đến là những người học Phật tại gia. Hoà thượng
muốn nhấn mạnh đến vai trò của giới cư sĩ trong tình thế hiện nay. Đạo Phật bị
suy thoái, tồn tại hay được phát triển phần lớn là do giới cư sĩ chúng ta.
Trọng trách này đòi hỏi chúng ta phải vận dụng trí tuệ, đến sự hiểu biết và
nhất là đến từ tấm lòng từ bi của người Phật tử. Là một thành viên trong cộng
đồng xã hội, chúng ta phải đối diện với tất cả mọi vấn đề liên quan đến con
người và xã hội, thế nên người cư sĩ Phật giáo không thể thụ động, đứng riêng
lẻ ngoài cộng đồng. Chúng ta là một thực thể trong mọi hoạt động xã hội của
cộng đồng nói riêng và của dân tộc nói chung.
Cư sĩ sống trong lòng dân tộc và
luôn luôn mang hai trọng trách, trách nhiệm tinh thần đối với Phật Giáo và bổn
phận đối với cộng đồng xã hội, với quốc gia dân tộc. Cả hai đều nặng nề như
nhau vì sự tồn vinh của cộng đồng dân tộc cũng là sự tồn vinh của Phật Giáo và
sự tồn vinh của Phật giáo cũng là sự tồn vinh của hàng Cư sĩ. Cho nên, muốn bảo
tồn, duy trì và phát triển Phật giáo, người Cư sĩ Phật Giáo phải tích cực trong
nhiệm vụ chung là phụng sự con người, phụng sự xã hội và đồng hành cùng dân tộc
trong công cuộc cải tiến xã hội và phát triển đất nước.
Muốn công việc cải tạo xã hội có
kết quả tốt đẹp thì trước tiên cư sĩ phải tự cách mạng bản thân, sống có đạo
đức. Mọi việc làm đều với mục đích trong sáng, không xuất phát vì lòng tham dục
cho riêng cá nhân mình mà phải vì người khác, vì lợi ích chung của cộng đồng xã
hội và môi trường sống chung quanh. Luôn luôn lấy phúc lợi cho số đông, cho
cộng đồng xã hội và cho dân tộc đất nước làm mục tiêu hành động.
Cư sĩ nên tích cực tham gia các
công tác thuộc xã hội, y tế, giáo dục, truyền thông và văn hóa, ngay cả chính
trị. Tích cực tham dự vào các sinh hoạt cộng đồng từ thôn xóm đến vùng sâu vùng
xa, từ thành thị đến trung ương. Có như thế, Cư sĩ mới có cơ hội tiếp cận với
đồng bào của mình mà phụng sự họ để cải tạo xã hội, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Phụng sự xã hội là giúp đỡ và chia xẻ với người khác từ tinh thần đến vật chất
và đem tấm lòng từ bi và ánh sáng Phật pháp đến với mọi người, làm cho mọi
người hiểu và sống an lạc hạnh phúc.
Người Cư sĩ Phật giáo làm công
việc xã hội với mục đích mang niềm an vui đến cho mọi người và vì mọi người chứ
không phải để gây ảnh hưởng tôn giáo của mình đến với tôn giáo khác hay tạo
thanh danh cho cá nhân. Tuỳ khả năng mà sẵn sàng giúp đỡ những người chung
quanh mình khi họ gặp những hoàn cảnh khổ đau, như cung cấp cho họ những gì cần
thiết trong đời sống thường ngày hoặc tốt hơn nữa là chỉ cho họ cách để làm đời
sống họ được thịnh vượng hơn. Sau đó mới chỉ cho họ con đường thực hành Phật
pháp.
Cứu hộ người là hành động cao
đẹp khiến người ta cảm mến với mình, mà về với Phật giáo. Gặp người đau khổ,
chúng ta nên đặt mình trong hoàn cảnh của họ để cùng thông cảm và chia xẻ nỗi
khổ đau với họ. Sự giúp đỡ nhiều hay ít tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi
người, nhưng quan trọng là ở tấm lòng.
Chia cơm sẻ áo, nói bằng những
lời dịu dàng, hành động bằng tấm lòng không vụ lợi và gần gũi với những người
cần giúp, chính là bốn nguyên tắc thâu phục lòng người, là nghệ thuật dìu dắt
người, hướng dẫn người về với chính pháp, tiến đến việc cải tạo xã hội và xây dựng
đất nước.
Đạo Phật là đạo cứu khổ. Khổ có
mặt khắp mọi miền đất nước. Cho nên, cư sĩ cần phải đi vào xã hội nhiều hơn nữa
để thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật. Chúng ta nên cố gắng gây quỹ cho
những công cuộc cải tiến xã hội của người dân nghèo ở khắp mọi nơi, lập bệnh
xá, xây nhà tình thương, nuôi trẻ mồ côi, lo cho người già neo đơn. Chúng ta
nên nhắc nhở người giàu là họ sẽ tiếp tục có đời sống giàu có bằng cách làm
giàu chân chính, bằng cách bố thí nhiều hơn.
Trong các hoạt động công tác từ
thiện xã hội, cư sĩ chúng ta phải quan niệm như là một con đường tu tập, một
con đường lý tưởng để phụng sự chúng sinh, thể hiện giáo lý từ bi của đạo Phật,
chứ không phải là phương tiện truyền đạo. Người cư sĩ Phật tử không thể tìm
phúc lợi cho cá nhân mình mà không quan tâm đến người khác. Phúc lợi của mình
luôn gắn bó với phúc lợi của chúng sinh. Sự tồn tại của đạo Phật không ở nơi sự
nguy nga tráng lệ của chùa chiền và uy quyền của tổ chức giáo hội mà ở sự thực
hành giáo pháp hầu đem lại sự sống an lạc hạnh phúc của Phật tử, của dân chúng
và sự thanh bình của cộng đồng xã hội.
Có rất nhiều cách để bảo tồn,
duy trì và phát triển Phật giáo ngay trong thời đại này. Nhưng dù cho ý định
hay kế hoạch thực thi có xuất sắc cách mấy đi nữa mà không có tấm lòng vị tha,
không có sự hợp tác chân thành và thống nhất ý chí giữa những cư sĩ thì Phật
giáo sẽ bị đẩy lùi ra sau và ra xa những tôn giáo khác trong một tương lai rất
gần.
[1] Ven.Sayadaw U. Sumana - Dịch
và tóm tắt: Diệu Mỹ - Phật Giáo Thịnh Suy (The Decline and Development of
Buddhism) http://www.thuvienhoasen.org/miendien-phatgiaothinhsuy.htm.