Hòa Thượng Jae Woong Kim, trụ trì của Tu Viện Kim Cương ở Hàn Quốc, là đệ tử của
Đại Sư Sung Wook Baek. Hòa Thượng tu hạnh buông xả. “Bất cứ khi nào có một ý
nghĩ hay xúc cảm phát khởi trong tâm, hãy cúng dường chư Phật với lòng thành
kính”.
Lần đầu tiên tôi được gặp Đại Sư Baek là vào tháng tư năm 1964.
Lúc đó tôi vừa hai mươi bốn tuổi. Từ thời niên thiếu, tôi đã nghĩ rằng vận mệnh
của một đất nước tùy thuộc vào trình độ học vấn của dân tộc nước đó. Vì lý do
đó, tôi tin rằng nếu xây dựng được một đại học sư phạm, chuyên đào tạo đưọc
những vị thầy chân chính, tài ba, thì tính cách, đạo đức của mọi người dân sẽ
được nâng cao, thì các tánh xấu, các tội lổi sẽ đưọc diệt trừ. Để có kinh phí
thực hiện dự án đó, tôi bắt đầu kinh doanh nhỏ. Và tôi bỏ thì giờ tìm gặp những
người mà tôi cho là thông thái để xin ý kiến họ. Cũng qua dự án này, tôi đã được
gặp Đại Sư Baek.
Khi Na Tong-Yong, một sinh viên cao học ở Đại Học
Dongguk cho tôi biết Đại Sư Baek đang trú ngụ tại thành phố Sosa ở thị trấn
Puchon, tỉnh Kyonggi, tôi liền lên đường tìm gặp Ngài. Khi tôi đến nơi, và thông
báo mục đích của mình, tôi được hướng dẫn vào gặp Đại Sư. Không kiềm chế được
vui mừng, tôi bước lên chánh điện trang nghiêm, và lão đại sư Baek hiện ra chan
hòa trong mắt tôi.
Một luồng khí sáng như bao trùm chổ Đại Sư ngồi. Vẻ
mặt trang nghiêm nhưng hiền hòa, Đại Sư như đọc đưọc mọi điều suy nghĩ của tôi.
Nhìn Đại Sư người ta trực cảm đó là một người đã chứng đạo, và thấy lòng thanh
thản như đã dứt được mọi duyên trần. Ngay khi tôi vừa cúi chào và ngồi xuống
trước mặt Ngài, tất cả mọi xao xuyến, lăng xăng trong lòng tôi như chùn xuống,
lắng đọng.
Sau một lúc im lặng khá lâu, tôi bắt đầu trình bày mục đích
của mình, và hỏi Đại Sư có phương cách nào giúp tôi sớm hoàn thành ý tưởng xây
dựng viện đại học sư phạm kia. Đại Sư nhìn tôi rất lâu, rồi cuối cùng bảo rằng,
tôi chỉ cần làm đúng như lời Đại Sư dạy. Nghe thế, tôi rất vui mừng, vội hỏi:
"Bạch Đại Sư, con phải làm gì?"
"Ta sẽ nói, nếu như con hứa sẽ tuân
theo", Đại Sư trả lời.
Vì tôi rất trọng lời hứa của mình, tôi không thể
dễ dàng hứa hẹn mà không suy nghĩ đắn đo. Tôi ngồi im suy nghĩ khá
lâu.
"Con có làm được theo lời ta dạy không?"
Im lặng.
Tôi
vẫn không trả lời được, vì thế chúng tôi ngồi trong im lặng khá lâu. Đại Sư kiên
nhẫn hỏi lại tôi: "Con có làm được theo lời ta dạy không?"
Im
lặng.
Lần nữa Đại Sư lập lại câu hỏi: "Con có làm được theo lời ta dạy
không?"
Đằng sau ba câu hỏi thận trọng, kiên trì của Đại Sư, tôi thấy như
bừng lên một niềm hy vọng. Tôi cảm thấy đây là một cuộc mạo hiểm đầy thú vị cho
tôi.
"Bạch Đại Sư, con sẽ vâng theo".
"Tốt! Hãy về đọc kinh Kim
Cang mỗi sáng, mỗi chiều, và dẹp bỏ mọi vọng tưởng khởi lên trong tâm bằng cách
luôn tụng Miruk Chon Yorae Pul (Phật Di Lặc, vị Phật Tương Lai).
Lúc đó,
tôi nghĩ làm sao người ta có thể thực hiện đưọc một dự án xã hội chỉ bằng tụng
niệm, vì thế tôi rất bối rối trước lời hướng dẫn của Đại Sư. Tuy nhiên, khi tôi
vừa buột miệng nói "Vâng", tâm tôi chợt bừng sáng như thể có một luồng ánh sáng
vừa ùa vào. Tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc sâu lắng dâng tràn trong tôi. Tôi
như chiếc thuyền đang đắm chìm trong đêm giông tố bão bùng, bỗng gặp được ngọn
hải đăng. Chỉ sau này tôi mới ý thức đưọc cội nguồn hạnh phúc của mình: được gặp
và tu học theo Đại Sư Baek là ý nguyện lớn nhất trong kiếp này và nhiều kiếp quá
khứ của tôi.
Sau lần gặp gở đầu tiên đó, thỉnh thoảng tôi đến Sosa để
viếng thăm và tham vấn Đại Sư. Lần lần, mổi tuần tôi đều đến gặp Đại Sư để Đại
Sư có thể xem xét tiến trình tu tập của tôi. Theo lời chỉ dạy của Đại Sư, tôi
dồn hết tâm trí vào việc tu tập. Ngay khi tôi bận kinh doanh và phải sống một
mình, tôi vẫn đọc kinh chín lần một ngày. Khi tôi đã dần dần chuyển đổi, và công
việc kinh doanh của tôi cũng được phát triển, tôi nhất tâm phải thực hiện một
công trình to lớn cho xã hội. Suốt khoảng thời gian đó, Đại Sư tỏ ra rất quan
tâm, lo lắng, theo dõi từng biến chuyển trong quá trình tu tập của tôi. Lòng từ
bi của Đại Sư như một luồng gió xuân mát mẻ thổi qua lòng tôi, quét trôi đi bao
bụi bặm của quá khứ đen tối của tôi.
Tháng tư, 1966, sau khi tôi đã hoàn
thành nhiệm vụ lo cho em tôi ăn học, theo sự hướng dẫn của Đại Sư, tôi gia nhập
tu viện Sosa để có thể dành trọn thời gian tu tập với Đại Sư. Nhưng ngay ngày
đầu tiên ở tu viện, tôi có cảm tưởng như bị Đại Sư bỏ rơi hoàn toàn. Đại Sư trở
nên quá nghiêm khắc và xa lạ đến nỗi tôi tự trách mình sao đã đến đấy làm
gì.
Mãi sau này tôi mới hiểu sự lạnh lùng của Đại Sư là cách dạy bảo đầy
tình thương đối với tôi. Một người dấn thân đi theo con đường tâm linh, cần dồn
hết cả thân tâm vào việc tìm sự giải thoát khỏi vòng luân hồi, tôi cần phải từ
bỏ tâm bám víu vào vị thầy của mình; tôi phải tự tìm lấy con đường đi cho chính
mình.
Một ngày ở tu viện Sosa bắt đầu từ ba giờ sáng, là lúc chúng tôi
trở dậy để bắt đầu thời khóa thiền buổi sáng. Bốn giờ rưỡi sáng, Đại Sư giảng
pháp cho chúng tôi nghe, sau đó Đại Sư kiểm xem kết quả tu tập của chúng tôi
ngày hôm trước ra sao. Trong những lần tham vấn đó, chúng tôi trình với Đại Sư
mọi dự định, chứng ngộ, những giấc mơ, những viễn cảnh xuất hiện trong tâm trí
chúng tôi, như thể chúng tôi trải bày tất cả mọi ngõ ngách tâm hồn với Đại Sư.
Sau đó Đại Sư dạy cho chúng tôi rèn luyện tâm bằng cách chuyển hóa những gì chưa
được tốt.
Phải đi gặp Đại Sư buổi sáng, sau một ngày sống không chánh
niệm đối với tôi giống như sắp bị đưa đi hành quyết. Và phải tiết lộ những phiền
não, nghiệp chướng của mình trước mọi người đối với tôi như bị tra tấn, dầu chỉ
bằng cách đó nghiệp chướng mới đưọc tiêu trừ, và tâm mới có thể tăng
trưởng.
Những lúc sửa lỗi cho chúng tôi, Đại Sư thường bảo: "Trước mặt Sư
hãy bày tỏ mọi cái xấu hèn của mình, để khi ra khỏi nơi đây, các con có thể là
những người vĩ đại nhất". Trong suốt bao năm tháng đó, Đại Sư chưa một lần bỏ
qua buổi sáng thực tập nào. Mãi sau này, tôi mới ý thức đưọc việc làm đó xiết
bao khó nhọc.
Có lần, khi tôi đến tu viện Sosa, Đại Sư Baek lại có việc
trở về Seoul. Đêm đó, khi trở về tu viện, Đại Sư bảo rằng ngài rất tiếc đã phải
vắng mặt khi chúng tôi cần đến ngài. Khi chúng tôi sống ở tu viện với Đại Sư,
mỗi ngày mấy bận, Đại Sư đều theo dõi tâm chúng tôi. Đại Sư đến sách tấn những
người tâm lay động, chứng minh lúc tâm chúng tôi tỉnh thức trong
Pháp.
Một trong những công việc chúng tôi phải làm hằng ngày ở tu viện
Sosa, ngay từ đầu ngày là vắt sữa bò, có lúc số bò lên đến mười mấy con. Việc
cho bò ăn, tắm rửa và trông coi chúng cũng đã khá vất vả. Thêm vào đó, chúng tôi
còn phải trồng trọt ngoài đồng, dọn dẹp những mảnh đất vô chủ. Thời khóa biểu
của chúng tôi đầy kín những việc lao động khó nhọc không có nghỉ
ngơi.
Một kinh nghiệm vắt sữa bò vào một mùa hè ở tu viện vẫn còn in đậm
trong ký ức tôi. Lúc đó thời tiết nóng ẩm đến nỗi, chỉ ngồi yên thôi, tôi cũng
ướt đẫm mồ hôi, huống là phải vắt sữa bò trong một ngày như thế. Phải áp vai, kề
mặt vào bụng, vào chân bò nóng hôi hổi, là một việc tưởng chừng không thể chịu
đựng nổi. Tệ nhất là những lúc các chú bò đuổi ruồi, quất mấy cái đuôi đầy phân
đông cứng vào miệng, vào mắt tôi. Thật là kinh khủng! Tuy nhiên, tôi thật sự cảm
ơn những cái quất như cây gậy Pháp đó, vì khi tôi nhanh chóng diệt bỏ được những
cảm giác ghê tởm, tôi cảm thấy như đến gần hơn với sự tỉnh thức. Những lúc như
thế, cái đuôi bò trở thành thầy của tôi, giúp tôi giải phóng tâm mình.
Có
lần, tôi nghe Đại Sư bảo với ai đó, lý do Đại Sư thành lập nên nông trại này là
để những kẻ đi tìm sự giải thoát cho tâm linh có thể gieo trồng phước nghiệp và
để họ có cơ hội rèn luyện tâm. Khi làm việc đồng áng, và thực hành theo lời dạy
của Đại Sư, chúng tôi dần nhận ra rằng việc lao động ngoài đồng và việc rèn
luyện tâm không phải là hai việc khác nhau. Ngoài ra, trong khi rèn luyện tâm để
tâm nhớ rằng 'lao động là để phục vụ lợi ích cho tha nhân', chúng tôi cũng tin
rằng tất cả những hành động mình làm từ ăn uống đến hít thở, là những cố gắng
liên tục của chúng tôi để cúng dường chư Phật.
Ta thường bám víu vào thân
vì ta để cho thân được quá sung sướng trong việc ngủ nghỉ, ăn uống. Sự thực tập
khổ hạnh của chúng tôi như chỉ ăn hai buổi một ngày, và không ăn dậm, liên tục
gieo trồng công đức bằng sự lao động vất vả, và thực hành tu tập suốt ngày đêm;
tất cả đều nhằm diệt trừ chấp ngã, tâm bám víu vào thân. Tất cả các uế nhiễm cần
được tẩy trừ khỏi tâm ngay khi chúng vừa phát khởi; nếu không ta sẽ không còn có
cơ hội sau đó.
Đối với tôi, rèn luyện tâm như thế cũng đau đớn như bị tra
tấn. Ngọn roi Pháp của Đại Sư luôn đánh trúng đích khi chúng tôi sống thiếu
chánh niệm. Giống như sen trong bùn, bùn càng hôi hám, mùi hương của hoa sen nở
càng thanh khiết, ngạt ngào. Sự liên tục thực hành diệt bỏ những tình cảm chán
ghét lao động mệt nhọc, những thói quen ham ăn, ham ngủ, ý nghĩ rời bỏ tu viện,
nghiệp chướng hay ngay cả sự bám víu vào Đức Phật cũng phải từ bỏ - tất cả đã
khiến tôi thật sự hiểu được, đến tận xương tủy, mục đích của Đại Sư khi người
thành lập nên tu viện này: là để tạo nên các vị Phật tương lai.
Tu viện,
nơi tôi đã trải qua tuổi thanh xuân cao đẹp, nơi tôi đã dành tất cả cuộc đời để
phụng sự Phật pháp, với tất cả lòng tin; nơi tôi đã dâng hiến tất cả cho việc
rèn luyện tâm trong sự cực khổ, chịu đựng khiến tôi tưởng chừng như mình phải
đối mặt với sự sống chết hằng ngày -những kỷ niệm ở tu viện, cũng như hình ảnh
của Đại Sư với nụ cười thân thương, đã là một phần của quá khứ đã qua, không bao
giờ trở lại nữa. Tôi khó thể che giấu nỗi buồn, lòng tiếc thương của mình, nhưng
tôi phải nhớ lời Đại Sư dạy mà gạt bỏ tất cả vì Phật pháp.
Muốn phát
triển tâm, ta cần phải trị dứt những căn bịnh nội tâm - những thói quen xấu đã
hằn nét trong ta, xui khiến ta có những hành động không tốt. Mỗi khi các nghiệp
chướng từ nhiều đời dấy khởi, ngay giây phút đó, ta cần phải nhớ chuyển đổi tâm.
Mỗi khi tôi cố hết sức mình để diệt bỏ các thói hư tật xấu từ nhiều đời quá khứ,
Đại Sư đã giúp tôi diệt trừ chúng bằng những nắm đấm.
Có lần, cái tát của
Đại Sư (hay cái tát của Pháp) ửng đỏ trên mặt tôi. Nếu cái tát đó làm một người
trẻ như tôi đau đớn thế nào, thì hẳn nó còn khiến Đại Sư, một lão sư ở tuổi tám
mươi, đau đớn đến gấp bội. Tôi tự hỏi tại sao Đại Sư phải nhọc công dạy dỗ một
kẻ cứng đầu hư hỏng như tôi? Quá đỗi xúc động vì lòng từ bi rộng lớn của Đại Sư,
tôi đã sụp lạy dưới chân Đại Sư ba lạy, mà nghe tim mình nức nở.