Nghi lễ hành trì
Nghi pháp sám ngũ hối
Ty kheo Thich Vien Duc
08/09/2012 03:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kinh dạy rằng: Mỗi khi vào đạo tràng, trước nên lễ Phật, sám hối, tùy hỷ, khuyến thỉnh, phát nguyện, rồi nên thọ Bồ đề tâm giới. Năm pháp này là của các Bồ Tát trong sáu thời tu hành. Qui tắc trong các kinh luận rất đầy đủ. Nay lược chép ra đây rất đơn giản, để tiện cho người hành giả tu trì.

Ban đầu vào đạo tràng quỳ gối chấp tay, chuyên tâm định ý, tay bưng lư hương.

Nguyện rằng:

Nguyện mây hương hoa này,

Biến khắp mười phương cõi,

Tất cả các Phật độ,

Vô lượng hương trang nghiêm.

Ðầy đủ Bồ Tát đạo,

Thành tựu hương Như Lai.

(Cúng dường hương hoa rồi, đứng dậy lễ kính Tam-Bảo)

Nhứt tâm đảnh lễ Tỳ Lô Giá Na Mâu Ni Thế Tôn (1 lễ)

(Phân biệt Thánh vị tu chứng pháp môn nói rằng: Ðức Như Lai tối sơ nơi Vô thượng thừa, phát tâm Bồ đề, do Ðức Phật A Súc gia trì cho nên chứng được viên mãn Bồ đề tâm, do chứng Bồ đề nên ngoại cảm trong hư không, Ðức Phật Bảo Sanh quán đảnh, thọ ngôi vị Pháp Vương trong ba cõi, do Ðức Phật Quán Tự Tại Vương gia trì, nói lời chuyển pháp luân vô lượng tu đa la pháp môn, do Ðức Phật Bất Không Thành Tựu gia trì nơi các việc Phật sự và việc hữu tình, đã tu hành lợi lạc hết thảy đều thành tựu. Vậy cho nên sau đây thứ lớp lễ bái.)

v     Nhứt tâm đảnh lễ A Súc Thế Tôn (1 lễ)

v     -Nhứt tâm đảnh lễ Bảo Sanh Thế Tôn (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Quán Tự Tại Vương Thế Tôn (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Bất Không Thành Tựu Thế Tôn (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Cực Lạc Thế Giới A Di Ðà Thế Tôn (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Thập Phương Pháp Giới Chư Phật Thế Tôn (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Thất Cu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết Ðại Chuẩn Ðề Ðà Ra Ni (3 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Thập Phương Pháp Giới Tu Ða La Tạng Nhứt Thiết Ðà Ra Ni môn (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Tỳ Lô Giá Na cung điện trung Thất Cu Chi Chuẩn Ðề Phật Mẫu Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Kim Cang Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Trừ Cái Chướng Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Vô Năng Thắng Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Ðại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Thập Phương Pháp Giới Nhứt Thiết Bồ Tát Ma Ha Tát (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả Chư Ðại Thanh Văn Tăng (1 lễ)

v     Nhứt tâm đảnh lễ Thập Phương Pháp Giới Nhứt Thiết Tam Thừa Hiền Thánh Tăng (1 lễ)

GIẢI: Như trên đều lễ một lễ đến Chuẩn Ðề Phật Mẫu và Chuẩn Ðề Ðà Ra Ni, mỗi câu cần ba lễ. Ðây là nhơn pháp làm chủ của đạo tràng. Cho nên lễ bái rồi tiếp đến sám hối, người tu hành nên tưởng tự thân mình đối trước ngôi Tam-Bảo chớ nghĩ tội đời trước và đời nay đã tạo. Nếu không sám hối phải đọa A Tỳ địa ngục, thọ cực đại khổ, đâu có thể thành tựu được chỗ tu hành diệu hạnh Chơn ngôn? Kinh Trì Minh Tạng Nghi Quỹ nói rằng: Người tu hành Du Già pháp môn. Nếu muốn tu  tập cầu các Tất Ðịa, trước tự thân mình phải tu các pháp sám hối, để trừ túc nghiệp đời trước, khiến không chướng nạn, nếu không như thế, Thánh đạo khó thành. Ngài Kim Cang Trí dịch bổn kinh và ghi quỹ này, tùy chép ra năm pháp sám hối mà văn rất gọn ghẽ, sợ người tu hành xem văn trình bày khó hiểu, để muốn cho khẩn thiết tinh thành, nên ở đây trình bày thêm yếu chỉ của các kinh cho rõ. Như Vô Lượng Thọ Nghi Quỹ nói: Thân mình phải năm vóc sát đất, tưởng ở trước mỗi Ðức Phật, Bồ Tát cung kính làm lễ, rồi liền quỳ gối chấp tay, đem lòng chí thành phát lồ sám hối, tất cả tội chướng từ vô thỉ đến giờ, vui mừng tùy hỷ chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác và các phước nghiệp của tất cả hữu tình đã tu. Lại quán tưởng mười phương  thế giới, chỗ nào có các đức Như Lai mới thành chánh giác, nên thỉnh Chuyển pháp luân, nơi nào có các đức Như Lai hiện vào cõi Niết Bàn, xin thỉnh ở lại đời lâu dài không vào Niết Bàn. Lại phát nguyện rằng: con đã chứa nhóm thiện căn, lễ Phật, sám hối, tùy hỷ, khuyến thỉnh, đem phước tụ này hồi thí cho tất cả hữu tình, cho đến thấy Phật nghe pháp mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, biết như vậy rồi tâm sanh tha thiết miệng tuyên sám hối:

Con đệ tử … chí tâm sám hối, những tội từ vô thỉ sanh tử đến giờ, theo ác lưu chuyển, cùng chung các chúng sanh, tạo nghiệp chướng tội, bởi tham sân si trói buộc, do thân khẩu ý tạo năm tội vô gián và mười nghiệp ác, tự làm, bảo người khác làm, thấy kẻ khác làm sanh lòng vui mừng; hoặc vật của tháp, vật của Tăng, tự tại phí dụng, đối với các người lành sanh lòng phỉ báng, thấy các bậc tu học Thanh Văn, Duyên Giác Ðại Thừa, con ưa sanh lòng mắng chửi, khiến cho các người tu hành tâm sanh buồn phiền, thấy có kẻ nào hơn mình sanh lòng ganh ghét, đối với pháp thí, tài thí thường sanh keo kiết, bị vô minh che lấp, hoặc tâm tà kiến. Không tu nhơn lành, khiến ác tăng trưởng, ở chỗ các Phật, mà khởi lên phỉ báng, những tội như vậy Phật đều thấy biết. Con nay qui mạng đối trước chư Phật, Bồ Tát, Thánh chúng thảy đều trình bày tội lỗi, không dám che giấu, tôi chưa làm con không dám gây tạo, những tội đã làm con đều xin sám hối, nghiệp chướng đã tạo đáng đọa tam đồ và ở chỗ tám nạn. Con nguyện đời này, có bao nghiệp chướng đều được tiêu diệt, đã có ác báo đời sau không thọ, cũng như quá khứ, vị lai, hiện tại, các đại Bồ Tát tu Bồ đề hạnh, đã có nghiệp chướng thảy đều sám hối. Nghiệp chướng của con nay cũng sám hối, hết thảy phát lồ không dám che giấu, tội đã làm nguyện được trừ diệt, tội ác vị lai không dám tạo nữa.

(Sám hối rồi qui mạng lễ Tam-Bảo)

Con đệ tử hết lòng vui mừng tùy hỷ, quá khứ, vị lai, hiện tại tất cả chúng sanh, tu hành bố thí, trì giới, tâm huệ đã có căn lành. Con nay thảy đều thâm sanh tùy hỷ, do làm phước tùy hỷ như vậy, cho nên chắc chắc sẽ thu hoạch được quả tôn trọng thù thắng Vô thượng Vô đẳng. Lại ở quá khứ vị lai, hiện tại, tất cả chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác đã chứa nhóm vô lượng công đức. Con nay chí tâm thảy đều tùy theo mà vui mừng khen ngợi.

(Tùy hỷ rồi qui mạng lễ Tam-Bảo)

Con đệ tử … chí tâm khuyến thỉnh mười phương tất cả chư Phật Thế Tôn, hiện được Vô thượng Bồ đề, chưa Chuyển pháp luân. Con đều chí thành khuyến thỉnh chuyển đại pháp luân, an vui hữu tình. Mười phương tất cả chư Phật Thế Tôn, muốn xả báo thân vào cõi Niết Bàn. Con nay cúi đầu đảnh lễ, hết lòng khuyến thỉnh trụ ở đời lâu, độ thoát và an vui cho tất cả chúng sanh.

(Khuyến thỉnh rồi qui mạng lễ Tam-Bảo)

Con đệ tử … hết lòng hồi hướng từ vô thỉ đến ngày nay, đối với ngôi Tam-Bảo đã tu hành thành tựu các căn lành, cho đến bố thí cho tất cả  chúng sanh một vắt cơm. Lại nữa đem hết công đức trì tụng bí mật, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, các căn lành ấy thảy đều thu nhiếp đem hồi thí cho tất cả chúng sanh, không tâm hối tiếc, là phần giải thoát căn lành đã nhiếp. Như chư Phật Thế Tôn đã thấy biết, không thể tính lường vô ngại thanh tịnh. Những công đức căn lành đã có như vậy, thảy đem hồi thí tất cả chúng sanh, không trụ tâm tướng, không xả tướng tâm. Con cũng như vậy, công đức căn lành, thảy đều hồi thí tất cả chúng sanh, cùng các chúng sanh đồng chứng Vô thượng Bồ đề, được tất cả trí, nhơn căn lành này, lại còn xuất sanh vô lượng pháp lành, cũng đều hồi hướng Vô thượng bồ đề. Lại như quá khứ, vị lai, hiện tại chư đại Bồ Tát, khi tu hành các căn lành công đức, thảy đều hồi hường tất cả chủng trí. Vậy con đã có công đức căn lành, cũng đều hồi hướng Vô thượng Bồ đề, các căn lành ấy nguyện cùng tất cả chúng sanh đều thành chánh giác. Như các chư Phật ngồi nơi đạo tràng dưới cội Bồ đề, không thể nghĩ bàn vô ngại thanh tịnh, an trụ nơi vô tận Pháp Tạng Ðà Ra Ni, Thủ Lăng Nghiêm định, phá ma Ba Tuần, vô lượng binh chúng, trong một sát na thảy đều thấy rõ, nơi khoảng nửa đêm được cam lồ pháp, chứng cam lồ nghĩa. Con và chúng sanh nguyện đều đồng chứng Diệu Giác như vậy, cũng như chư Phật, thị hiện ứng hóa, đắc Vô thượng Bồ đề, chuyển Diệu pháp luân, độ các chúng sanh.

(Hồi hướng rồi qui mạng lễ Tam-Bảo)

Con đệ tử … chí tâm phát nguyện, nguyện các chúng sanh hết thảy phát tâm Vô thượng Bồ đề, thường nhớ nghĩ công đức trí huệ của mười phương chư Phật. Lại nguyện tất cả chúng sanh phá dứt vô minh, được thấy Phật tánh, cũng như các đại Bồ Tát, tất cả Thiên Long Bát Bộ, tăng ích oai quang, ủng hộ quốc độ và nơi đạo tràng, dẹp các oán ma, khiến con đã tu pháp yếu bí mật của chư Phật mau được thành tựu.

(Phát nguyện rồi qui mạng lễ Tam-Bảo)

GIẢI: Kế đến nên tự thọ Bồ đề tâm giới, như trên văn sám hối, tùy hỷ, khuyến thỉnh, hồi hướng, chép ra trong kinh Kim Quang Minh, năm pháp đều rõ. Sám hối có công năng trừ chướng, diệt tội. Lễ Phật hay trừ ngã mạn chướng, được thân tôn quý. Sám hối hay trừ ba chướng, được y (y báo) chánh (chánh báo) đầy đủ. Tùy hỷ hay trừ tật đố chướng, được đại quyến thuộc. Khuyến thỉnh hay trừ mạn pháp chướng, được đa văn trí huệ. Hồi hướng là tự hồi những thiện căn đã tu, hướng về ba chỗ, tức thật tướng Bồ đề và đối với chúng sanh hay trừ trước hữu, cùng tâm xan lẫn. Do hồi hướng chút căn lành, biến nhập ba cõi như giọt nước rơi vào biển lớn, như tiếng nhập vào góc loa thời âm thinh bay vang xa. Phát nguyện hay trừ chướng thoái lui, được tổng trì các hạnh, mau được diệu quả. Hồi hướng liền kiêm phát nguyện, nay ở nơi hồi hướng mở ra lời phát nguyện để đối trị tâm không quyết định và chướng hỷ thoái lui. Hoặc khi vào đạo tràng, lễ Phật cho đến hồi hướng trì tụng rồi mới kiêm phát nguyện cũng được. Niệm tụng rồi như trước, thứ lớp kiết ấn tụng Chơn ngôn một biến, lại tu ngũ hối. Nếu thời gian mau, không thể như trước tụng hết văn sám hối, có thể tụng bài kệ sau đây:

Con đệ tử … hết lòng sám hối

Ðại Thánh Chuẩn Ðề Tôn

Tất cả chúng Hiền Thánh

Thân này hoặc thân trước

Ðã tạo các nghiệp ác

Các tội đều sám hối.

Con đệ tử … hết lòng khuyến thỉnh

Tất cả mười phương Phật

Hiện được thành đạo

Con thỉnh Chuyển pháp luân

An vui các chúng sanh

Mười phương tất cả Phật

Nếu muốn vào Niết Bàn

Con nay cúi đầu lễ

Khuyến thỉnh ở lại đời.

Con đệ tử … hết lòng tùy hỷ

Ba đời các Như Lai

Bồ Tát chúng Thanh Văn

Người tu tập tam thừa

Cho đến các phàm phu

Ðã có các phước lành

Thí giới thiền định huệ

Nhẫn nhục và tinh tấn

Con nay đều tùy hỷ.

Con đệ tử … hết lòng phát nguyện

Nguyện khắp các chúng sanh

Thảy phát tâm Bồ đề

Vĩnh dứt các phiền não

Sẽ chứng nhất thiết trí

Lại nguyện con nay tu

Chuẩn Ðề hạnh bí mật

Mong cầu các Tất Ðịa

Tùy tâm chóng thành tựu.

Con đệ tử … hết lòng hồi hướng

Con đem các tu phước

Và cùng hạnh Chơn ngôn

Hồi hướng các hữu tình

Chung thành Vô thượng đạo

Lại nay đem chỗ tu

Lễ bái và sám hối

Khuyến thỉnh cùng tùy hỷ

Phát nguyện hồi hướng thiện

Hết thảy thí chúng sanh

Vĩnh dứt khổ tam đồ

Ðồng đến đại Bồ đề

Pháp giới chơn như hải.


Theo: Phatgiaovnn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch