Pháp môn tu tập
Không làm khổ mình khổ người
Câu hỏi của diệu hiền
26/05/2017 22:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kính bạch Thầy, Thầy dạy không làm khổ mình, khổ người, nhưng trong cuộc sống tương quan hằng ngày con thấy khó mà giữ cho tuyệt đối và trọn vẹn. Ví dụ:

1- Một bà mẹ vì thương con, thấy con làm sai, lầm lỗi, nên phải la rầy, đánh dạy. Đứa con bị la rầy, đánh dạy nên buồn phiền đau khổ.

2- Một cậu trai yêu một cô gái. Cô gái không yêu đáp lại. Cậu trai đau khổ, buồn phiền.

3- Anh B sai. Anh A dùng lời ngay thẳng để khuyên nhắc anh B. Anh B tự ái rồi giận khổ, buồn phiền.

Kính bạch Thầy, những chuyện này có nằm trong “khổ mình, khổ người” không? Con thấy hầu như tất cả mọi người ai cũng đều có cái khổ; khổ do họ làm hoặc người khác vô tình hay cố ý làm. Như vậy làm sao cho sự “không làm khổ mình, khổ người” được trọn vẹn?

TRƯỞNG LÃO TRẢ LỜI: Để trả lời câu hỏi này, tức là trả lời ba ví dụ con đã nêu.

1/ Để trả lời ví dụ thứ nhất:

Chỉ vì con người chưa học đạo đức làm người, nên thường làm khổ mình, khổ người. Trong cuộc sống chung của con người mà không có đạo đức, thì con người vô tình đã tự làm khổ đau cho nhau mà còn đổ thừa tại người khác, chứ không phải tại mình.

Một người mẹ vì thương con, thấy con làm sai, lầm lỗi, nên tức giận la rầy, đánh con, làm cho đứa con khổ đau. Đó là người mẹ không học đạo đức làm người, nên “đặt tình thương không đúng chỗ”.

Đặt tình thương không đúng chỗ, khiến cho mẹ con cách biệt nhau; con làm điều gì đều giấu mẹ, vì sợ mẹ la rầy, đánh, mắng. Đến khi đứa con nghiện ngập xì ke, ma túy hoặc bị tù tội thì việc đã rồi, còn mong gì cứu chữa được.

Cho nên, hầu hết một số thanh niên hư hỏng đều do cha mẹ đặt tình thương sai hướng mà đưa con mình vào cuộc đời đen tối. Đó là một trách nhiệm rất lớn của những bậc làm cha mẹ phải gánh chịu những hậu quả này.

Muốn đặt tình thương đúng chỗ, thì những bậc làm cha mẹ phải xem con mình là một người bạn, hơn là một đứa con.

Thương con mà rầy mắng, đánh con là một điều sai, là một việc thiếu đạo đức làm người:

1- Cái sai thứ nhất là tự mình tức giận, làm khổ mình mà không thấy.

2- Cái sai thứ hai là làm cho đứa con đau khổ (rầy mắng, đánh làm người khác khổ)

Khi biết đứa con làm sai, lầm lỗi, thì cha hay mẹ phải tìm thấy lỗi của mình trước:

1- Lỗi thứ nhất là cha mẹ không gần gũi con cái, mà cứ mải lo làm ăn, đầu tắt mặt tối, cứ nghĩ rằng có tiền là mua tiên cũng được.

2- Lỗi thứ hai là cha mẹ thiếu chăm sóc con cái từ cái ăn, cái mặc cho đến sự học tập, có nghĩa là cha mẹ chỉ thỉnh thoảng mua quà cho con và không thường xuyên xem xét sự học hành của con.

3- Lỗi thứ ba là cha mẹ thiếu ban tình thương âu yếm cho chúng: một lời nói, một cử chỉ, một cái nhìn.

4- Lỗi thứ tư là cha mẹ không dùng lời nói ôn tồn, nhã nhặn, nhẹ nhàng đối với con mình.

5- Lỗi thứ năm là cha mẹ không xem con cái là một người bạn thân, mà chỉ xem chúng là một đứa bé khờ dại trong khi chúng đã trưởng thành, có nhiều sự hiểu biết và có nhiều sự ham muốn đang phát triển.

Nếu các bậc làm cha mẹ đã thấy được những lỗi lầm này của mình, thì con cái của mình đâu còn làm sự sai trái, phải không hỡi con?

Ở đời, người ta chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình, do đó mà đã tự tạo khổ cho nhau. Nếu ai cũng thấy được lỗi mình tức là đã thấy được nhân quả; thấy được nhân quả tức là chuyển được nhân quả; chuyển được nhân quả thì trên thế gian này còn ai là người đau khổ nữa.

Người ta biết thương yêu là một điều thiện, nhưng lòng thương yêu đặt không đúng chỗ thì sẽ trở thành một điều ác, một điều khổ.

Người ta ở đời thường che đậy, hoặc vô tình không thấy những lỗi lầm của mình, mỗi mỗi đều thấy lỗi lầm của người khác, do đó mà có sự khổ đau trên thế gian này vậy.

2/ Để trả lời ví dụ thứ hai:

Một cậu trai yêu thương một cô gái, nhưng cô gái không yêu đáp lại; cậu trai đau khổ buồn phiền, đó là cậu trai “đặt tình yêu sai hướng”.

Một cậu trai không quá nông nổi thì không bao giờ đặt tình yêu thương vào một người, mà người ấy không yêu mình.

Tình yêu chân thật không cho phép chúng ta yêu thương nông nổi, mà phải có sự tìm hiểu đôi bên; sự tìm hiểu đó giúp chúng ta đặt tình yêu thương đúng chỗ, khiến mình hạnh phúc mà người mình yêu thương cũng hạnh phúc.

Bởi người ta không học đạo đức làm người, nên người ta đặt tình yêu thương sai hướng; đặt tình yêu thương sai hướng, nên người ta mới tự làm khổ đau như vậy.

Trai gái yêu thương nhau là tìm hạnh phúc an vui cho nhau, chứ không phải tìm sự khổ đau, nhưng thật sự người ta không tìm chân hạnh phúc giữa trai và gái, mà tìm sự đau khổ giữa trai gái nhiều hơn. Nếu ai đã có chồng, có vợ, có con thì hãy tư duy xem lời nói của Thầy có đúng hay không.

Trên đời này, ai đã trải qua tình chồng, nghĩa vợ, nuôi con thì mới rõ được lời đức Phật dạy: “Đời là khổ”, không những đôi vợ chồng khổ mà đoàn con cái được sanh ra đời sau này cũng đều khổ.

3/ Để trả lời ví dụ thứ ba:

Anh B làm sai; anh A dùng lời ngay thẳng để khuyên nhắc anh B, nhưng anh B tự ái rồi giận khổ, buồn phiền, đó là anh A đặt tình thương không đúng chỗ, và không xét lời nói của mình có trọng lượng đối với anh B hay không.

Muốn khuyên người thì hãy xét lại mình; mình sống có đúng đạo đức làm người chưa? Mình có làm gương hạnh đạo đức cho ai chưa? Tất cả mọi người xung quanh có ai kính trọng mình chân thật chưa?

Nếu chưa thì Thầy xin quý vị đừng khuyên nhắc ai hết, mà hãy khuyên nhắc mình không làm khổ mình, khổ người để tâm hồn mình được thanh thản, nhẹ nhàng, an vui.

Anh A vẫn còn khổ đau, vẫn còn làm khổ mình và người khác khổ, thế mà đi khuyên nhắc người khác thì có ai mà nghe cho! Người ta đã không nghe mà còn sinh ra tức giận và cho anh A là người muốn làm thầy dạy đời.

Những ví dụ trên đây, đều nằm trong việc thiếu đạo đức làm khổ mình, khổ người con ạ! Không có một sự đau khổ nào của con người mà hiện hữu được nằm ngoài luật nhân quả cả.

Con người là thừa tự của nghiệp lực nhân quả; nghiệp lực nhân quả là cha mẹ đẻ sanh ra loài người, vì thế làm sao có sự đau khổ ngoài luật nhân quả được. Cho nên người sống đúng đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người là người sống đúng đạo luật nhân quả, nên chuyển tất cả quả khổ thành quả vui; mình vui, người vui.

Người sống đúng đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người là người phải ly dục, ly ác pháp; là người có tâm bất động trước các pháp. Người có tâm bất động trước các pháp là vị Thánh đệ tử Phật chứ không còn là một kẻ phàm phu tục tử nữa.

Vì thế, các con là đệ tử của đức Phật thì phải thực hiện sống cho bằng được đạo đức nhân bản làm người, thì mới xứng đáng là con của Phật, thì mới không phụ lòng mong ước của Phật, của Thầy. Phải không hỡi các con?

*****

II. BỐN QUẢ THANH VĂN

*****

CÂU HỎI CỦA DIỆU HIỀN: Kính bạch Thầy, con đọc kinh sách Phật thấy lúc đức Phật còn tại thế, quý tu sĩ cũng như cư sĩ chỉ nghe thuyết giảng một bài pháp, hay một bài kệ bốn câu từ kim khẩu Phật nói ra là quý vị đã chứng quả Tu Đà Hoàn, thậm chí có người chứng luôn quả A La Hán. Kính thưa Thầy, như vậy có thật hay không?

Vậy quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán là như thế nào? Làm sao để biết được một người tu chứng những quả vị này? Sách của Thầy sao con không thấy nói đến những quả vị này? Ngưỡng mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.

TRƯỞNG LÃO TRẢ LỜI: Trong kinh Sa Môn Quả thuộc Trường Bộ Kinh tập 1, tạng kinh nguyên thủy, đức Phật không có dạy bốn quả này trong số những quả Sa Môn.

Kinh Sa Môn Quả là kinh nói về kết quả của một vị tỳ kheo bắt đầu mới vào tu theo đạo Phật cho đến khi viên mãn đạo giải thoát hoàn toàn, nhưng bốn quả nói trên không được đức Phật liệt kê vào kinh Sa Môn Quả, thì có lẽ chúng ta phải đặt câu hỏi bốn quả này có phải của Phật giáo hay không?

Kinh nguyên thủy dạy: khi xuất gia cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không nhà cửa, không gia đình, ba y một bát là có quả Sa Môn ngay liền; quả đó là sự cung kính, đảnh lễ và cúng dường, từ người dân bình thường đến các vua, quan đều cung kính, tôn trọng.

Vả lại, khi xuất gia cạo bỏ râu tóc như vậy thì đời sống có giải thoát cũng ngay liền, tâm hồn phóng khoáng như hư không, trắng bạch như vỏ ốc, không còn bị gò bó trói buộc trong thập thất kiết sử. Đó là những quả Sa Môn đầu tiên của những người mới vào tu, còn những quả cao hơn, tuyệt diệu hơn, đó là sự làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Trong kinh Sa Môn Quả chúng tôi nghe đức Phật dạy những quả Giới luật, tức là dạy những kết quả đạo đức làm Thánh và đạo đức làm Người, rồi dạy đến những quả của bốn thiền như Sơ Thiền được quả gì, Nhị Thiền được quả gì, Tam Thiền được quả gì, Tứ Thiền được quả gì, và cuối cùng Tam Minh được quả gì.

Trong kinh Sa Môn Quả chúng tôi cũng thấy đức Phật nói về quả của Tứ Không và Diệt Thọ Tưởng Định. Nhưng cũng trong kinh này chúng tôi không tìm thấy đức Phật nói về bốn quả Thanh Văn Tiểu thừa.

Con người thời đức Phật và con người hiện tại của thế kỷ chúng ta có khác nhau không? Là con người thì không khác nhau phải không?

Lại nữa, trình độ và kiến thức của người xưa và người nay cũng không kém nhau, như vậy, tại sao người xưa nghe Phật thuyết là chứng quả ngay liền, còn chúng ta ngày nay lại phải tu hết sức, chỉ có ly dục, ly ác pháp àm làm không xong?

Cho nên, khi nghe thuyết pháp xong là chứng quả ngay liền, chỉ vì chúng ta không đủ lòng tin những lời dạy này, vì lòng dục và ác pháp không phải là việc dễ buông bỏ.

Bởi vậy, đây là những lý luận của Bà La Môn không chân thật, với mục đích dìm đạo Phật, khiến cho chúng ta mất lòng tin với Phật giáo.

Đạo Phật là một tôn giáo lấy đạo đức nhân bản làm nền tảng cho giáo pháp của mình, cớ sao lại nói vọng ngữ như vậy? Phật nói hay Tổ nói?

Điều này chúng ta nên nhường lại cho các nhà sử học phán xét.

Bốn quả Thanh Văn Tiểu thừa là:

1- Tu Đà Hoàn
2- Tư Đà Hàm
3- A Na Hàm
4- A La Hán

Bốn quả Thinh Văn này do đâu mà có? Chữ Thinh Văn này do ai đặt ra?

Hỏi tức là trả lời, nếu không phải các nhà Đại thừa đặt ra thì còn ai vô đây?

1- Thinh Văn thừa
2- Duyên Giác thừa
3- Tiểu thừa
4- Bồ Tát thừa
5- Đại thừa
6- Tối Thượng thừa

Bốn quả Thanh Văn thừa này có nghĩa là kết quả của sự tu tập của hàng Thanh Văn Tiểu thừa, mà các nhà Đại thừa đã tưởng giải ra và gán cho làm bốn quả giải thoát của Phật giáo:

I/ Tu Đà Hoàn còn có những tên khác như là: Nhập lưu, Nghịch lưu, Dự lưu, Thất lai.

1- Nhập lưu có nghĩa là nhập vào dòng Thánh.

2- Nghịch lưu có nghĩa là đi ngược lại dòng đời.

3- Dự lưu có nghĩa là được dự vào dòng Thánh.

4- Thất lai theo nghĩa của các nhà Đại thừa giải thích thì hành giả tu đắc được quả vị này thì còn phải tu bảy kiếp nữa mới chứng quả A La Hán; bảy kiếp nữa tức là phải chịu tái sanh làm người bảy lần, do đó mới có tên là Thất lai.

II/ Tư Đà Hàm còn có tên khác là Nhất lai. Nhất lai có nghĩa là tu đắc quả này rồi thì còn phải tu một kiếp nữa mới chứng quả A La Hán; một kiếp nữa tức là phải chịu tái sanh làn người một lần nữa.

III/ A Na Hàm con có tên khác là Bất lai hay là Bất hoàn, nghĩa là người tu chứng được quả này thì không còn tái sanh trở lại đời này nữa, có nghĩa là không còn tái sanh lại làm người nữa.

IV/ A La Hán còn có các tên khác như: Sát tặc, Ứng cúng, Bất sanh.

1- Sát tặc có nghĩa là giết hết giặc phiền não.

2- Ứng cúng có nghĩa là bậc xứng đáng nhận tứ sự cúng dường của Trời, Người.

3- Bất sinh có nghĩa là mãi mãi vào Niết Bàn, không còn chịu quả báo sống chết nữa. Theo các nhà Đại thừa cho bậc A La Hán là quả vị cao nhất của Tiểu thừa.

Theo kinh nghiệm tu hành của chúng tôi, trong bốn quả này chúng tôi chấp nhận quả A La Hán là đúng nghĩa của nó, còn những quả kia không đúng nghĩa, vì trong kinh Sa Môn Quả không có dạy những quả này.

Vả lại, khi nhập được Sơ Thiền thì chúng tôi thấy tâm LY DỤC LY ÁC PHÁP, mà tâm đã ly dục ly ác pháp thì tâm KHÔNG PHÓNG DẬT, mà tâm không còn phóng dật là tâm CHÁNH GIÁC như đức Phật đã dạy: “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm KHÔNG PHÓNG DẬT”.

Tâm còn phóng dật làm sao gọi là Thánh được, mà không gọi là Thánh thì làm sao gọi là Nhập lưu; mà đã Nhập lưu thì tâm phải LY DỤC LY ÁC PHÁP; ly dục ly ác pháp thì còn cái gì mà đi tái sanh đến bảy lần, một lần; do DỤC và ÁC PHÁP mới tạo thành nghiệp, nghiệp mới tái sanh luân hồi. Cho nên, các nhà học giả Đại thừa do không tu nên giảng giải theo tưởng của mình làm mất ý nghĩa chân thật của đạo Phật.

Đây là ý đồ của Bà La Môn lấy các quả vị này để dìm Phật giáo xuống hàng Tiểu thừa – khi được vào dòng Thánh mà còn phải bảy lần tái sinh làm người – thật là vô lý!

Muốn biết người tu chứng bốn quả vị này thì lấy GIỚI LUẬT làm tiêu chuẩn mà xét:

1- Giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào.

2- Tâm phải ly dục ly ác pháp, tức là tâm bất động trước các pháp.

3- Đời sống phải thiểu dục tri túc, ba y một bát.

4- Sống độc cư trầm lặng một mình, ít nói, không tranh luận hơn thua.

Sách Thầy viết không nói đến những quả vị này ngoại trừ quả A La Hán, còn những quả khác Thầy không đủ niềm tin, vì nhập vào dòng Thánh mà còn phải bảy lần sanh làm người. Thánh tăng của Phật giáo sống đúng GIỚI HẠNH là sống toàn thiện, mà sống TOÀN THIỆN thì tâm tham, sân, si đâu còn; tâm THAM, SÂN, SI KHÔNG CÒN thì còn cái gì tái sanh, chỉ có những Thánh tăng Phật giáo Đại thừa sống phạm giới, pháp giới, ăn uống phi thời, đời sống chạy theo dục lạc thế gian, v.v… thì không những phải tái sanh bảy đời mà phải tái sanh vô lượng đời.

Thăm và chúc con vui mạnh, tu tập xả tâm tốt, sống đời đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người để đem lại lợi ích cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh.

TVCN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch