Phật pháp ứng dụng
Ngọn gió của tình đạo hữu
23/03/2016 10:54 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Là một người phật tử, tôi nhận thấy rằng trên đường tu chúng ta phải bòn mót công đức bằng cách gieo duyên với nhau, để rồi gặt hái những kết quả đạo đức tốt đẹp, chớ không nên có ý đố kỵ nhau.

Tôi là một người trẻ, cả về tuổi đời lẫn tuổi đạo. Tôi vẫn luôn tự nhủ rằng bản thân mình quá may mắn bởi trong những lúc khó khăn nhất tôi đã gặp được phật pháp. Chính vì lẽ đó nên có một nguyện vọng mà tôi luôn ấp ủ trong lòng. Đó là làm thế nào để nhiều bạn trẻ có duyên gặp được ánh sáng trí tuệ của đức Phật như tôi.

Hôm nay, tôi đã thấy vô cùng hạnh phúc khi nhận được thư của một người bạn Đại học, là người trước đây vốn theo chủ nghĩa vô thần. Cô bạn háo hức khoe với tôi về niềm hân hoan khi lần đầu tiên giác ngộ được lời Phật dạy.

Trích thư:

“Nam Mô A Di Đà Phật! 
Phật hoá hữu duyên nhân!

Quá tuyệt vời khi có thể tìm đến được với đạo Phật. Giác ngộ được nhiều điều cho bản thân. 

Thứ độc đáng sợ nhất hóa ra không phải là thuốc độc mà là tam độc (tham - sân - si). Bởi lẽ thuốc độc, rắn độc chỉ hại người có một thân này, còn tam độc hại người đến bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Ấy biết vậy mà ta chẳng những không khiếp sợ, trái lại, còn nuôi dưỡng nó. Do vậy, ta luôn sống trong mâu thuẫn, một mặt cầu mong được an ổn vui tươi, một mặt lại nuôi dưỡng tam độc làm động cơ bất an và đau khổ. 

- Tham là tham lam

- Sân là nóng giận

- Si là si mê, là vô minh

Nhờ duyên học Phật, ta đọc mà như thấy mình trong đó. 

Muốn loại bỏ tam độc, ta phải thực hành "buông bỏ" và "quán vô thường".
 
Như đức Phật đã dạy: “Mạng người sống trong hơi thở”. Đây là một sự thật của kiếp người, chỉ một hơi thở ra không hít vào đã chết. Dù có đến trăm ngàn lối chết, song bất cứ lối chết nào, cũng chỉ cần thở ra mà không hít lại là xong một cuộc đời. Thời gian thở ra không hít lại khoảng bao lâu? Quả thật ngắn ngủi vô cùng, chỉ trong vòng một sát na. 

Như thế, chúng ta kết luận mạng người sống bao lâu, mà tham lam đủ thứ. Càng xét nét chúng ta càng thấy thân này thật quá mỏng manh. Một luồng gió độc trúng phải cũng có thể chết, dẫm chân lên con rắn độc bị cắn cũng có thể chết, đi đường sẩy chân ngã bổ cũng có thể chết, ngồi trên xe đụng nhau cũng có thể chết,v.v... Sự còn mất của thân này quá nhanh, không có gì bảo đảm cho sự sống của nó hết.

Khi hơi thở còn thì ta biết mình còn sống. Khi mất đi hơi thở thì thân mạng này cũng mất theo, nên nói thân này là vô thường. Đã thấy thân người mỏng manh như vậy thì sự tham lam cho thân còn có giá trị gì? Do trí tuệ thấy đúng như thật, thân này vô thường, mọi sự tham lam theo đó được dừng, lòng sân hận cũng nguội lạnh. Ta tập buông xả mọi vọng tưởng giả dối, sống một đời an lành trong cái bình lặng của tâm tư.

"Dù cho chỉ tụng ít kinh
Nhưng theo giáo pháp thực hành sớm khuya
Hết tham, hết cả sân, si
Lòng luôn tỉnh giác, tâm thì hiền lương
Trước sau giải thoát mọi đường
Tu hành lợi ích ngát hương muôn đời".

Đó là bức thư chứa đầy tình cảm thương mến mà bạn gửi cho tôi. Hóa ra những hành động, những lời chia sẻ chân thành của tôi với các bạn trong những năm tháng cùng nhau ngồi trên giảng đường Đại học không hề uổng phí.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ánh mắt chứa đầy sự kì lạ và tò mò của các bạn khi thấy tôi nhặt con ong ở giữa lối đi và đặt dưới gốc cây, vì không muốn nó bị mọi người đi qua dẫm vào. Rồi những lúc các bạn hỏi tôi ăn chay làm gì? Tôi bảo ăn cho thân thể thanh tịnh, cho bớt sân hận và nuôi dưỡng lòng từ bi.

Lúc ấy, tôi nghĩ các bạn chỉ nghe chơi chứ đâu có ngờ một ngày các bạn cũng tập ăn chay ngày rằm và mùng một. Rồi những lúc mệt mỏi vì bon chen, đố kị trong cuộc sống các bạn biết nương tựa cửa Phật để tìm lại sự tĩnh lặng trong thân tâm.
  
Có lẽ đúng như lời bạn tôi đã viết trong thư: “Phật hoá hữu duyên nhân”. Chỉ cần có duyên với Phật thì dù thế nào cũng sẽ gặp được giáo lý của Người. Phải chăng, do túc nhân đã trồng nên hoa Bồ Đề sớm nở? Cả cuộc đời chúng ta bị vô mình che lấp, những tưởng cuộc đời này đến đây là uổng phí. Nhưng chỉ cần một khoảnh khắc, khi duyên hội tụ đầy đủ thì quả sẽ chín muồi. 

Bởi vậy, khi chúng ta chia sẻ pháp Phật với một người mà họ không có nghe thì cũng đừng sinh tâm oán ghét hay chán chường. Hãy nghĩ đó là do duyên chưa có đủ nên họ không thể hiểu được thiện ý của chúng ta.

Nếu như trước đây tôi chỉ biết nghĩ cho mình, không thương, không chia sẻ Phật pháp với các bạn thì sau này tôi cũng chỉ có một mình, công hạnh không thể tròn đầy được. Là một người phật tử, tôi nhận thấy rằng trên đường tu chúng ta phải bòn mót công đức bằng cách gieo duyên với nhau, để rồi gặt hái những kết quả đạo đức tốt đẹp, chớ không nên có ý đố kỵ nhau.

Vậy là từ giờ tôi có một người bạn học và cũng là một người bạn đồng tu trên bước đường tu học phía trước. Tôi mong sao tất cả những người con Phật đến với đạo, đều có tâm hồn rộng mở và giúp đỡ nhau. Chúng ta đi chùa bằng cả niềm tin thân yêu với nhau, cùng tu học trong nền đạo đức thuần túy, không để những tâm niệm hẹp hòi, tầm thường làm mất ý nghĩa cao thượng của đạo.

Dẫu biết để hoàn thành nguyện vọng cho tất cả các bạn trẻ có duyên gặp được Phật pháp của tôi sẽ gặp rất nhiều trắc trở. Nhưng chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng, tinh tấn và nỗ lực nhiều hơn nữa. 

Giống như con gió nhỏ mới đầu nó sẽ thấy mình yếu ớt và vô dụng nhưng khi nó hòa vào cùng một cơn gió khác thì nó sẽ ngày càng mạnh lên. Tôi và các bạn, chúng ta sẽ là những cơn gió đó – cơn gió của trí tuệ và lòng từ bi.

(PGVN)


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch