Thế
giới loài vật cũng có sự sống sinh hoạt song hành với loài người nên
cũng bị vô minh chi phối. Chúng chỉ sống theo quán tính, thói quen,
không có sự nhận định, suy xét, tìm tòi, quán chiếu soi sáng như loài
người bởi nghiệp si mê chiêu cảm. Tại một khu rừng nọ, muôn loài thú
đang sống bình yên với nhau thì một hôm trời bỗng giáng xuống những cơn
sấm sét long trời lở đất, báo hiệu điềm xấu sắp xảy ra. Một chú thỏ đang
say sưa ngon giấc chợt giật mình tỉnh dậy, nửa tỉnh nửa mê ba giò bốn
cẳng tìm đường thoát thân. Trên đường đi chú gặp hai anh chị nai đang
đứng ngơ ngác. Thấy thỏ cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng nên cả hai bèn
hỏi, “ủa, có chuyện gì mà chú hoảng hốt quá vậy?” Thỏ vừa chạy vừa la
lớn, “trời sập, trời sập, chạy mau kẻo chết!” Hai vợ chồng nhà nai vì
nhẹ dạ cả tin nên nghe vậy cũng cắm đầu chạy theo. Thế là chú thỏ đã có
bạn đồng hành, ba con chạy được một đỗi gặp ba chú ngựa đang thong dong
gặm cỏ. Thấy thỏ và nai phóng chạy như bay không dám quay đầu lại, biết
có chuyện chẳng lành nên ngựa ta hỏi lớn, “có chuyện gì không may xảy ra
vậy?” Ba con đồng thanh đáp, “trời sập, trời sập, chạy mau!” Ngựa vằn
nghe nói hốt hoảng chạy theo, cứ thế lần lượt các con thú khác cũng chạy
theo như thế dù chẳng biết ất giáp gì, cũng chẳng cần biết nguyên nhân
vì sao, loài nào cũng tin là trời sắp sập.
Chuyện ngụ ngôn trên ám chỉ cho sự ngu si, đần độn vì nhẹ dạ cả tin,
si mê lầm lạc nên các loài thú đồng nhau chạy trối chết, chẳng biết sự
thực ra sao. Nhẹ dạ cả tin là căn bệnh của một số người vì bị vô minh
che mờ lý trí nên chẳng biết đúng sai, thực hư thế nào, chỉ tin suông,
tin càn mà không tìm hiểu nguyên nhân. Loan tin trời sập hay tận thế
nghe qua tưởng chừng đạo đức nhưng đó là kiểu tung tin đồn nhảm làm mọi
người mất phương hướng và niềm tin trong cuộc sống. Người ham hưởng thụ
nhiều cho rằng chết là hết, không tin tội phước, nhân quả nghiệp báo sẽ
tranh thủ tận hưởng khoái lạc trần gian bất chấp luân thường đạo lý,
cuối cùng gây nhiều tội lỗi tày trời làm băng hoại đạo đức xã hội. Người
bi quan yếm thế sẽ chán chường, chẳng muốn làm gì hết vì nghĩ có cố
gắng cũng phí công vô ích, thà ăn không ngồi rồi còn sướng hơn. Người mê
tín khi nghe vậy cứ tưởng đấng sáng tạo đang trừng phạt con người nên
càng cầu khẩn, van xin ban ân huệ, cuối cùng dẫn đến cuồng tín, si mê
không thể ngờ. Người ăn không ngồi rồi, người đầu trộm đuôi cướp, người
si mê nghiện ngập sẽ càng sa đoạ hơn khi hay tin ấy. Họ mặc tình ngang
nhiên làm điều phi pháp vì sợ sau khi chết sẽ làm ma ngáp ruồi, không
hưởng thụ được. Tung tin trời sập, tuyên truyền kích động ngày tận thế
vô tình đưa con người vào ngõ cụt, làm xáo trộn an sinh xã hội, gây
hoang mang, sợ hãi cho nhiều người.
Trời sập theo quan niệm cổ xưa không có y cứ khoa học rõ ràng, vô
tình huỷ hoại niềm tin sự sống của loài người. Tận thế là quả báo chung
của toàn thể con người, động vật, thực vật và các loài có sự sống. Hiện
tại những quả báo chung của các loài có tình thức như thiên tai, sóng
thần, động đất, lũ lụt, hoả hoạn, chiến tranh dường như đã được sắp sẵn
và đang xảy ra trên thế giới này. Chúng ta có thể biết được nhờ vào mạng
lưới thông tin, báo chí hằng ngày; nhưng chúng không đồng loạt, khi thì
chỗ này, khi thì chỗ kia, hậu quả từ nhân phá hoại sự sống lẫn nhau
trên trái đất. Con vật lớn ăn thịt con thú nhỏ, con cá lớn nuốt con cá
bé, thực tế nhất là tại Thiền Viện Thường Chiếu chính mắt chúng tôi
trông thấy. Một loài chim tên thường gọi “bìm bịp” là một sát thủ của
loài rắn, chúng chỉ có khoảng từ bốn đến tám con là cùng. Thời kỳ Thường
Chiếu còn hoang sơ rắn nhiều vô số, ở đâu cũng có thể gặp rắn và có
những con lớn cỡ bắp chân. Ốc ma và các loài cóc nhái, sâu rầy đủ cả. Ấy
thế mà trong vòng 10 năm, các loài ấy hầu như tuyệt chủng bởi mấy con
bìm bịp quái ác, chúng xơi tái, tiêu diệt, moi móc tận hang ổ các loài
bò bay mái cựa. Chỉ có mấy con bìm bịp thôi mà rắn, ốc, cóc, nhái và các
loài sinh vật khác gần như diệt vong. Riêng con người thì thông minh
hơn, hung ác hơn, vì có hiểu biết hơn nên có thể giết hại tất cả các
loài khác ngay cả đồng loại mình. Con người phát triển, mở mang tới đâu
thì tàn hại và huỷ diệt tới đó. Giết hại con người thì mạng đền mạng
hoặc chịu tù từ 10 năm cho đến chung thân, hơn thế nữa sẽ bị chi phối
bởi luật nhân quả mà âm thầm nhiều kiếp bị chết yểu và bệnh hoạn. Giết
hại con người thì quả báo nặng hơn các loài khác vì có cộng nghiệp người
thân trả thù nên ảnh hưởng nhân quả rất lớn. Giết hại các động vật có
tâm thức thì tuỳ theo mức độ cố ý hay vô tình mà thủ phạm phải chịu trả
quả bị thương tật, chết chóc, hoặc có thể bị tai nạn chung với nhiều
người như thiên tai, dịch bệnh và tai nạn giao thông… Nghiệp nhân khác
tàn hoại sự sống trái đất để phục vụ nhu cầu cuộc sống con người là chặt
phá cây rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi làm môi trường ô
nhiễm; quả báo phải trả là tai hoạ chung của toàn nhân loại do nhân phá
hủy sự sống mà ra.
Theo lời Phật dạy, chúng sinh phải trải qua ba đại nạn lớn là lửa
cháy toàn thể trái đất, nước làm ngập cả trái đất và cuối cùng bị cuồng
phong, gió táp làm băng hoại. Thế giới hiện nay đã và đang bị những nạn
trên nhưng không đồng loạt, do đó không thể nào tận thế sớm như thế. Học
thuyết tận thế năm 2000 đã bị mai một vì không đúng thực tế, tin đồn
năm 2012 tận thế cũng không có căn cứ khoa học. Chúng ta hãy nên thận
trọng, nếu không sẽ bị bọn xấu lợi dụng gây hoang mang làm tổn hại cho
nhiều người. Một số người vì nghĩ sang năm tận thế nên bây giờ tổ chức
tham quan du lịch, vui chơi thỏa thích, bỏ bê công việc làm ăn hằng
ngày. Ngày tận thế sẽ đến khi con người đã mất đi tính thiện, ai cũng
giết hại, trộm cướp, lường gạt, độc ác, si mê và không còn nhận biết
được đúng sai, phải quấy, tốt xấu, nên hư, thành bại. Người con Phật với
tinh thần từ bi, trí tuệ mỗi ngày hãy nên quán sát và xem xét từng hành
động, lời nói, suy nghĩ của mình trong từng phút giây không lơ là, giải
đãi; muốn ít biết đủ, không xan tham quá mức những nhu cầu hằng ngày.
Con người cần phải chủ động ngồi lại thương thuyết với nhau để cân bằng
sinh thái của bầu vũ trụ bao la này, nếu không con người sẽ tự tiêu diệt
lẫn nhau và sống trong đau thương, thù hận. Thế giới bây giờ đã cho
chúng ta thấy rõ điều đó.