Trưởng lão-Tiến sĩ K. Sri Dhammanada, người Sri Lanka, là một học giả uyên bác. Ngài sinh ngày 18 tháng Ba năm 1919 và thụ giới Tỳ kheo năm 12 tuổi. Ngài tốt nghiệp Cử nhân Ngôn ngữ học, Triết học và Quy tắc Pali tại Sri Lanka; lấy bằng Cao học Triết học Ấn Độ năm 1949 tại Đại học Benares. Ngài đã nhận các văn bằng tiến sĩ danh dự của nhiều viện đại học trên thế giới. Từ năm 1952, Ngài được tuyển chọn đi hoằng pháp tại Malaysia.
Trong thời gian hơn nửa thế kỉ viết và hoằng truyền pháp Bụt tại Sri Lanka và Malaysia Ngài đã giúp nhiều người từ chỗ nhầm lẫn coi pháp Bụt như một tôn giáo chứa đầy mê tín dị đoan dần dần nhận thức được rằng lời dạy đúng đắn và sáng suốt của Bụt Thích Ca Mâu Ni là một phương pháp tu tập và chứng nghiệm rất khoa học và thực tế nhằm đạt tới niềm thanh thản, yên vui và hạnh phúc ngay trong cuộc đời mỗi người, đem lại nhiều điều tốt lành cho chính bản thân, cũng như cho gia đình và xã hội. Ngài đã thành công trong việc cảm hoá tâm trí của cả giới thanh niên lẫn trí thức bằng một lối trình bày giáo pháp của Bụt một cách thật rõ ràng, đơn giản, sáng tạo, mà vẫn không kém phần tinh tế và sâu sắc.
Do những thành công nổi bật trong các hoạt động hoằng pháp và giáo dục của Ngài, Ngài được tôn xưng danh hiệu Tăng Thống giáo hội Siam Maha Nikaya Malwatta ở Malaysia năm 1965.
Dưới đây là trích dịch một số đoạn trong cuốn ‘How to Practise Buddha’s Teachings and the Aim of Life’ của Ngài.
I/ Chúng ta có thể xếp các tôn giáo hiện có trên thế giới ra thành hai nhóm:
1/ Các tôn giáo dựa hoàn toàn vào đức tin (tín điều).
2/ Các tôn giáo dựa vào việc lắng lọc tâm trí hơn là dựa vào đức tin.
Những người coi trọng đức tin hơn là việc lắng lọc tâm trí thường tin tưởng rằng chỉ cần thông qua đức tin mãnh liệt của họ thôi là đủ cho họ có thể nhận được sự cứu rỗi cuối cùng. Đối với họ việc lắng lọc tâm trí không phải là điều quan trọng. Đó chính là lí do tại sao họ nói rằng không ai có thể có được sự cứu rỗi chỉ nhờ vào việc tuân thủ đạo lí và giới luật mà không cần làm nảy nở một đức tin mạnh mẽ vào Đấng Thiêng Liêng.
Trái lại pháp Bụt dạy rằng không phải là đức tin, mà chính việc lắng lọc tâm trí mình mới là điều quan trọng nhất. Với tâm trong lành và trí sáng suốt chúng ta không bao giờ ngộ nhận (nhận lầm) những vọng niệm (những tưởng tượng) là có thật. Một mình đức tin không thể thực hiện được việc lắng lọc tâm trí để loại bỏ những nghi ngại, mê lầm, nhằm giúp chúng ta hiểu được Lẽ Thật.
Người ta có thể ấp ủ hoài một niềm tin sai lầm, mà chẳng dám lý giải nó, hoặc chẳng có một chút ý thức suy luận nào cả, bởi vì người ta sợ rằng nếu làm như thế sẽ có thể đánh mất đức tin, và do thế cũng mất luôn cơ duyên nhận được sự cứu rỗi.
Trái lại Bụt khuyên rằng trước khi chấp nhận một niềm tin nào đó là Lẽ Thật chúng ta cần phải tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành niềm tin đó và cuối cùng chính mình phải nhìn thấy kết quả đối với chính mình. Khi tới đoạn kết thúc sau một quá trình tìm hiểu, lí giải tỉ mỉ chúng ta mới có thể có được lòng tin vững chắc vào Lẽ Thật, bởi vì như thế chúng ta mới thực chứng đầy đủ Lẽ Thật đó đối với chính mình. Bởi tự mình nhận ra Lẽ Thật nên đương nhiên chúng ta có được niềm tin vững chắc. Đây không chỉ là đức tin mù quáng hoặc tín ngưỡng, mà là phải thấy hiểu rõ ràng (Hán-Việt: Tri Kiến) và tự tin.
Bụt còn khuyên rằng chớ nên tin ngay hoặc bác bỏ ngay bất cứ một điều gì khi mới tiếp cận lần đầu. Bởi chúng ta có trí óc của loài người giúp ta khả năng tỉnh táo để suy ngẫm, nên chúng ta phải cho cơ hội để tâm trí ta suy nghĩ một cách độc lập và hiểu rõ mọi điều trong bối cảnh đúng đắn của chúng. Chớ nên nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn không thể hiểu nổi. Một số người rất lười biếng không chịu suy nghĩ tìm hiểu mọi điều như thật chúng là, mà lại tìm kiếm con đường dễ dãi bằng cách chịu quy phục ngay theo những gì người khác nói. Đó là do họ thiếu tự tin. Trái lại, người theo pháp Bụt chân chính và tự trọng cần phải biết rõ rằng anh ta có trách nhiệm đối với chính mình, đối với hành động và sự giải thoát nỗi khổ đau của mình. “Chẳng ai có thể cứu được ta, mà là chính ta phải tự cứu”. Đó là đường lối đúng đắn mà Bụt đã chỉ dạy chúng ta.
II/ Ở đây ta cần xác định rõ ‘tôn giáo’ nghĩa là gì? Đối với người theo pháp Bụt ‘tôn giáo’ mang một ý nghĩa khác hẳn so với nghĩa thông thường mọi người thừa nhận. Pháp Bụt là một tôn giáo coi con người như một cá thể thành tâm đang làm theo lời dạy của Bụt hướng tới hoàn thành việc giải thoát chính mình khỏi đau khổ bằng cách làm điều lành, trau dồi, mở mang và lắng lọc tâm trí mình. Lời dạy của Bụt không hề đặt một chút tin cậy nào vào việc cầu nguyện, van xin hoặc tiến hành các nghi thức. Cho nên Bụt luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải nghiền ngẫm xem bản chất của tâm trí con người là gì? Nhờ thế chúng ta mới thấy được đâu là chỗ yếu của chúng ta rồi tìm giải pháp thích hợp loại trừ những chỗ yếu đó đi để tự cứu mình. Như vậy pháp Bụt dạy ta lòng tự tin.
III/ Bụt mở ra con đường đúng đắn cho chúng ta theo sau khi chính Ngài đã thực chứng những mặt yếu và những mặt mạnh trong tâm trí loài người. Ngài cũng đã khuyên mọi người không nên tin vào những điều Ngài thuyết giảng chỉ vì Ngài là một vĩ nhân… Ngài còn dạy rằng chỉ lễ bái và khấn cầu không thôi thì không thể đạt tới giải thoát. Muốn đạt tới giải thoát, Bụt khuyên loài người hãy nương tựa theo lời dạy của Ngài và thực hành cần mẫn, bền bỉ những điều Ngài thuyết giảng. Thật ra chúng ta không thể xưng là môn đệ của Bụt nếu chúng ta chỉ mù quáng theo Ngài vì coi Ngài như một giáo chủ đầy quyền uy. Điều mà Bụt mong đợi ở chúng ta là biết sống theo đúng với pháp. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói với mọi người rằng chúng ta thật sự là người theo pháp Bụt (H-V: Phật tử).
IV/ Nhiều người ngồi trước pho tượng Bụt và khấn cầu pho tượng đó mà trong lòng nghĩ rằng Bụt ‘sống’ ở đấy theo một cách nào đó. Nhưng những hình Bụt mà bạn thường thấy chỉ đơn thuần là để biểu thị bề ngoài mang tính nghệ thuật những phẩm cách lớn lao của một con người thánh thiện. Những người sùng đạo đã tạo ra một hay nhiều biểu tượng hữu hình để chiêm ngưỡng và tỏ lòng thành kính đối với Người Thầy Vĩ Đại của mình… Hình ảnh Bụt trước hết là một biểu tượng, một cái gì đó được đặt vào một vị trí trong một ngôi nhà với niềm thanh thản, chỉ giống như sự có mặt của một con người thánh thiện, làm rạng rỡ về mặt tinh thần của ngôi nhà đó mà thôi. Hẳn là sự có mặt thanh thản của hình ảnh Bụt sẽ làm yên tĩnh tâm trí chúng ta. Nhưng đức Bụt mà bạn ‘thấy’ thông qua sự am hiểu pháp của Ngài mới đúng là Hình Ảnh Thật Sự của Bụt. Một khi bạn hiểu được Ngài thuyết giảng những gì; Ngài truyền lòng khoan dung, tính nghiêm cẩn, thái độ nhã nhặn, đức từ bi và lòng nhân hậu như thế nào đối với mọi chúng sinh; và bạn cũng hiểu rõ sự tỉnh thức và trí tuệ tột cùng của Ngài; chỉ khi đó bạn mới có thể ‘thấy’ được Bụt, như là hiện thân của tất cả những đức hạnh và trí tuệ lớn lao đến thế. Quả thật nếu không hiểu biết và thực hành theo đúng pháp của Bụt thì bạn chẳng thể nào ‘thấy’ được Bụt đâu.
Tác giả: K. Sri Dhammananda
Dịch: Huyền Cương Lê Trọng Cường