Phật pháp ứng dụng
Thiền và cuộc sống
Sưu tầm từ Internet
17/04/2017 16:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đức Phật đắc đạo nhờ thiền định. Suốt cuộc đời, Ngài luôn theo đuổi sự nghiệp dạy thiền cho mọi người. Vậy nên, dạy thiền trở thành biểu tượng của đạo Phật.

Không chỉ người trong đạo, kể cả những người ngoài đạo, khi tìm hiểu về đạo Phật cũng nghiên cứu về thiền cả. Tuy nhiên, thiền là một pháp môn rất khó. Người nào đủ ý chí, kiên nhẫn để tu tập mãi trên con đường này thì mới đi đúng trên con đường giác ngộ.
Vậy nhưng, trên con đường đầy khó khăn này, ý chí không đủ để tạo nên thành công, không phải cứ gắng thiền thì đắc đạo. Phước mới là yếu tố quan trọng, quyết định tất cả. Thế nên, Đức Phật mới dạy ta Bát Chánh Đạo từ chánh kiến đến chánh nghiệp toàn là tạo phước.
Để hoàn thành được việc tu hành, ta phải tạo phước bí mật từ trong ý nghĩ của mình. Nghĩa là, từ lời nói, suy nghĩ, hành động, tất cả đều phải cố gắng để xây dựng công đức và không bị mắc lỗi.
Khi có phước, cuộc sống và việc tu hành của ta mới trở nên thoải mái, thanh thản, dễ dàng, ta gọi là chánh mạng. Rồi sau đó chuẩn bị bước vào sự tu tập kế tiếp là Chánh tinh tấn. Nên nhớ, khi ta mới bắt đầu vào tu là chánh tinh tấn, vì sao? Vì cực khổ nên Phật dùng chữ “tinh tấn”. Ta có phước rất nhiều rồi mà khi bước vào tu thiền vẫn phải hết sức vất vả gian nan nên mới có phần chánh tinh tấn ở buổi đầu. Rồi khi bắt đầu chứng bước đầu tiên gọi là chánh niệm, và chứng tới sâu thẳm luôn là chánh định.
Giống như việc gặt lúa. Để có lúa thì phải gieo trồng, chăm bón, thu hoạch,… Không bỏ qua một giai đoạn nào hết, nếu không sẽ không có thành phẩm là hạt gạo. Ví dụ ta lấy cái liềm cắt được bó lúa, rồi đem về nhà giả lúa thành gạo, sau đó nấu cơm ăn. Thì ta nói nhờ ta cắt lúa, cho nên ta có lúa có gạo. Ta cắt nhiều thì có nhiều lúa - nhiều gạo, ta cắt ít thì có ít lúa - ít gạo. Điều này sai hoàn toàn, vì không trồng thì lấy gì có lúa mà cắt, nên cái quan trọng là trồng lúa, phải trồng rồi mới có lúa để cắt.
Cũng vậy, khi bước vào thiền, ta thấy ông thầy đó ngồi thiền đắc đạo rồi ta cũng ngồi, và nghĩ “hễ ngồi nhiều thì chứng đạo cao, ngồi ít thì chứng đạo thấp”. Quan điểm này không đúng, vì không có phước thì dù ngồi nhiều vẫn không chứng đạo, phước rất quan trọng là vậy.
Nếu ai quan niệm học thiền thì bỏ hết tất cả, chỉ học thiền thì cũng giống người đi cắt lúa nhưng không trồng lúa, chỉ cắt mà thôi. Không trồng mà cắt ra lúa, thiết nghĩ chỉ có việc ăn trộm lúa. Cũng vậy, nếu ta không có phước, dù ngồi thiền rất nhiều, kết quả không đắc đạo. Mấu chốt nằm chỗ này. Cho nên phước rất quan trọng.
Có những tông phái cũng tu thiền, nhưng ta nhìn thấy họ tu thời gian rồi không có phước, tại họ bỏ tất cả để ngồi thiền, cũng giống như không làm gì hết chỉ cắt lúa thôi (tức cầm cái liềm gặp cỏ cũng cắt, gặp cây cũng cắt mà không bao giờ ra lúa, mặc dù rất siêng cắt, nhưng không có miếng lúa nào vì trước đó họ không trồng).
Nên nói: tôi bỏ tất cả để ngồi thiền thì sẽ chứng đạo, xin thưa là không có chuyện đó. Quan trọng là phải trồng cho ra lúa cái đã, mà để trồng cho ra lúa thì ta phải tạo phước trong cuộc sống của mình.
Vì vậy, người chuẩn bị tu tập thiền định lâu dài phải luôn biết sống một đời đạo đức để tạo ra cái phước ngay từ trong suy nghĩ. Cái quan trọng đầu tiên của thiền là đời sống thánh thiện, đạo đức. Song song với nó là phải ngồi thiền cho đúng kĩ thuật để đi về vô ngã. Ai mà tu đúng thì càng tu càng hiền lành, đạo đức. Ai tu sai thì càng tu càng tự cao, kiêu mạn, hống hách.
Lại thêm, khi bắt đầu làm phước thì tâm ta phải khởi lên được hai điều:
- Một là khởi được tâm tôn kính Phật. Đây là bậc thềm đầu tiên để ta tạo phước cho mình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa làm được điều này dù đi chùa thường xuyên. Do vậy, những người này cần phải tìm hiểu về cuộc đời cũng như các bài kinh của Đức Phật để cảm xúc dâng lên, đủ để khởi được lòng tôn kính Phật đến vô biên, vô tận. Đây là bí mật bên trong không ai biết, nhưng nó là bước đầu để ta tạo cái phước cho những kiếp về sau.
- Thứ hai, tâm ta phải khởi được lòng yêu thương chúng sinh. Ngoài việc thúc ép bản thân, ta còn phải tụng những bài kinh nói về tình yêu thương. Khi khởi được hai tâm này, chúng ta lọt được vào tầm chú ý của Chư thiên, được các Ngài theo dõi, dẫn dắt.
Đi sâu vào kĩ thuật thiền định, ta phải tác ý khiêm hạ, miệng lúc nào cũng nói những lời hay để tạo nên thiện pháp, hình thành cái phước trong suốt cuộc đời. Thiện Pháp ở đây chính là đem đến niềm vui, hạnh phúc, đạo đức cho những người chung quanh. Tuy nhiên, đôi khi ta phải cứng rắn, nghiêm khắc để uốn nắn người khác, đây cũng là đem thiện pháp đến cho đời.
Tiếp đến, ta phải hành động để đem đến cho mọi người một cuộc sống ấm no, thuận lợi. Mỗi người có thể làm một việc khác nhau nhưng đều phải phục vụ mục đích chung này, đấy cũng là phước.
Dịp này, Thượng tọa nhắc nhở rằng, để tâm không bị động thì ban ngày ta làm phước, ban đêm ngồi thiền, đây là điều vi diệu. Phước có thể được để dành đến đời sau, nhưng luôn có dấu hiệu từ ngày hôm nay. Ví dụ ngay trong ngày hôm đó mà ta cực khổ làm được việc gì công đức thì tối đó ngồi thiền yên liền.
Ta phải hiểu có phước là tạo công đức cả đời và vô tận về sau để tạo thành những cánh đồng lúa mênh mông bất tận, rồi lúc đó ta mới đi cắt. Còn khi ta ngồi tu tập sao cho đúng kĩ thuật thì chỉ tạo ra sức khỏe cho thân tâm và tạo ra đạo đức giúp ta đi đến mục tiêu vô ngã. Vì con đường của đạo Phật là con đường đưa đến vô ngã, ta nắm chắc mục tiêu này hãy tu tập thiền định là như vậy.
Ngoài ra trong tu tập thiền định, các phương pháp luyện khí công hỗ trợ rất nhiều, vì vậy phải biết tập khí công thì mới có thể hỗ trợ cho thiền định được.




daophatngaynay.com

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch