Phật pháp ứng dụng
Phật dạy 20 điều khó (P.2)
10/07/2017 14:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lòng ham muốn sắc dục rất mãnh liệt, vì đó là bản năng mạnh thứ hai của con người. Bản năng thứ nhất là tham sống sợ chết. Bản năng thứ hai là hưởng thụ luôn thúc bách con người tìm kiếm lạc thú; lạc thú cao nhất là ân ái nam nữ. Phật dạy: "Nếu có thêm một cái thứ hai nào hấp dẫn như sắc dục, thì chúng ta khó có thể tu đến giác ngộ, giải thoát".

4. Hiểu được và thông suốt kinh Phật là khó

Kinh Phật ở đây chỉ chung cho Tam tạng thánh điển, nó thuộc về những lời dạy vàng ngọc của Phật, bao gồm Kinh, Luật, Luận và ngay cả những lời thuyết pháp của các pháp sư và các vị cư sĩ. Hiểu hết kinh Phật là một điều rất khó, vì Phật tùy theo căn cơ của mọi người mà chỉ dạy nên có rất nhiều loại kinh chẳng tương đồng với nhau.

Người nào muốn giác ngộ, giải thoát thì Phật chỉ dạy pháp Tứ đế, mười hai nhân duyên. Muốn thành Phật thì hành Bồ tát đạo tu lục độ vạn hạnh bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định, nhẫn nhục và trí huệ. Muốn đời sau làm người trở lại sống có nhân cách đạo đức, Phật khuyên quy y Tam bảo và gìn giữ năm điều đạo đức là không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối hại người và không uống rượu say sưa hay dùng các chất kích thích có hại như xì ke, ma túy. Ai muốn được sinh các cõi trời hưởng phước muốn gì được nấy, Phật dạy tu mười điều thiện lành tốt đẹp và các bậc thiền định.

Giáo lý của Phật chỉ dạy có ba mục đích: Một là dành cho người xuất gia giải thoát sinh tử. Hai là tu Bồ tát hạnh cho đến khi thành Phật mới thôi. Ba là tu còn trong luân hồi sinh tử hưởng phước báu cõi trời người.

Tóm lại, hiểu được kinh Phật hẳn là một điều khó, ta chỉ cần nắm vững ba cương yếu trên, khi đọc kinh Phật dễ dàng nhận ra nghĩa lý sâu xa của nó. Và ta sẽ không bàng hoàng sửng sốt khi có quá nhiều loại kinh, tất cả cũng chỉ vì tuỳ bệnh cho thuốc của mọi người. Chúng sinh có nhiều bệnh thì Phật pháp có nhiều thuốc để trị liệu, ai hợp với thuốc nào thì mau lành bệnh. Cho nên hiểu được kinh Phật là điều khó.

5. Sinh cùng thời với Phật và gặp Phật là khó
 

Được sinh ra trong thời Phật là rất khó và gặp Phật để học hỏi những lời dạy của Ngài lại càng khó hơn. Phật ra đời đã trên 2600 năm. Đức Phật là con người giác ngộ, tỉnh thức hoàn toàn không còn bị phiền não tham-sân-si làm tổn hại. Ngài tùy duyên giáo chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán. Ngài là một con người bằng xương bằng thịt như tất cả mọi người chúng ta. Ngài là bậc vĩ nhân trên các vĩ nhân. Ngài không phải là một đấng thần linh thượng đế ban phước, giáng hoạ.

Ngài chỉ là vị thầy dẫn đường trong đám người lạc hướng giúp cho chúng ta biết được chân lý cuộc đời, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau. Cho nên, sinh cùng thời với Phật và được gặp Phật là một phước duyên to lớn mà ít ai có được nhân duyên tốt đẹp. Chính vì vậy mà ta cứ mãi chịu luân hồi sinh tử hoài.

Sự ra đời và thị hiện của các đức Phật đã hiếm, mà có duyên được gặp Phật lại càng hiếm hơn, vì nếu không đủ phước đức nhân duyên như bà lão giữ kho cho trưởng giả Cấp Cô Độc thì tuy sinh ra cùng thời với Phật mà không được gặp Phật. Trong khi đó cả gia đình và họ tộc của trưởng giả ai cũng được gặp Phật và nhờ vậy mà tất cả đều sống nhân từ đạo đức hết vì biết tin sâu nhân quả và tin chính mình.

6. Nhẫn chịu được sắc dục là khó

Nhẫn không chỉ giới hạn ở sự chịu đựng những lời nhục mạ, dèm pha hay bị chỉ trích hoặc bị vu khống. Nhẫn ở đây còn có ý nghĩa sâu rộng hơn là không đam mê, không dính mắc nhiễm đắm ngũ dục tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều.

Người đời gặp chuyện bất bình chịu nhẫn, không nổi nóng, gặp điều trái ý nghịch lòng chịu đựng an nhẫn không bực tức hay tỏ thái độ gì buồn phiền. Nhẫn được như vậy được coi là có trình độ cao về nhẫn rồi, nhưng chưa phải là nhẫn cao thượng. Được gọi là nhẫn xuất thế là kham nhẫn đối với sắc dục. Mắt thấy sắc không bị sắc lôi cuốn làm cho dao động và nô lệ cho sắc.

Lòng ham muốn sắc dục rất mãnh liệt, vì đó là bản năng mạnh thứ hai của con người. Bản năng thứ nhất là tham sống sợ chết. Bản năng thứ hai là hưởng thụ luôn thúc bách con người tìm kiếm lạc thú; lạc thú cao nhất là ân ái nam nữ. Phật dạy: "Nếu có thêm một cái thứ hai nào hấp dẫn như sắc dục, thì chúng ta khó có thể tu đến giác ngộ, giải thoát".

Như có cô gái nọ làm tại một khách sạn lớn, khi thấy một chàng trai ăn mặc bảnh bao, dáng người sang trọng quý phái làm cho trái tim cô ta rung động khi lần đầu tiên mới gặp. Trong lòng cô ta luôn thổn thức theo tiếng gọi của con tim, cô không biết làm sao để quen được chàng trai đó. Cuối cùng, cô cũng tìm ra kế sách sơ ý ngã vào lòng chàng trai, để rồi đêm hôm đó nàng không tự chủ được bản thân nên đã hiến đời mình cho chàng trai đó. Thói quen hưởng thụ sắc dục làm cho con người luôn thèm khát, luôn luyến tiếc và cảm thấy dật dờ khó chịu khi nhớ đến nó.

Và điều quan trọng trong cuộc sống của chúng ta là sắc dục trở thành nhu cầu cao trong nhiều người, rất khó nhịn chịu mà vượt qua được. Sự trói buộc của sắc dục rất đa dạng như vòi của bạch tuột. Trong kinh đề cập đến sự trói buộc giữa người nam  người nữ là sự trói buộc qua nhan sắc, qua tiếng cười, qua lời nói, qua lời ca tiếng hát, qua nước mắt, qua áo quần, qua vật tặng, qua sự xúc chạm.

Phật rất từ bi đáo để nên đã không ngại nói ra những cái lầm mê của chúng ta. Chúng ta cứ bị ái ân cột trói mãi mãi không có ngày thoát khỏi! Cho nên thấy sắc đẹp thì ta muốn ngắm nhìn và chiếm đoạt, tiếp theo là lời nói, tiếng cười, giọng nói, nước mắt, quần áo, vật tặng và sự xúc chạm nhau êm ái, làm ta cứ mải mê thẫn thờ trong luyến ái đó.

"Ngay cả khi mới chết, người nữ vẫn còn là lực hấp dẫn cho người nam". Vì vậy mà gọi là nhẫn được sắc dục là khó. Nhẫn được sắc dục thì con đường hiền Thánh mở ra, nên chúng ta phải khép lại cánh cửa ái ân để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Như chúng ta đã biết, tai hại của sắc dục có thể làm băng hoại nhân cách đạo đức của con người khi chúng ta bị đam mê dính mắc vào nó. Ở đây, nhẫn được sắc dục là chế ngự, thu thúc được lục căn, không cho chúng bị đắm nhiễm như mắt thấy sắc đẹp thích thú muốn ngắm nhìn và chiếm đoạt, tai nghe tiếng nói của người nữ sinh tâm thèm khát và luyến ái, mũi ngửi mùi thơm của nước hoa cảm thấy lòng rạo rực xao xuyến, lưỡi nếm vị ngọt của tình ái, thân xúc chạm êm ấm nhẹ nhàng và ý biết thọ nhận luyến tiếc.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Một vị thiền sư đã ngộ đạo nên nói: “Thấy sắc nghe tiếng như là hoa trồng trên đá”. Thấy sắc đẹp nghe tiếng nói của người nữ mà trong lòng cảm thấy như trồng hoa trên đá, như vậy thì đâu có bị dính mắc vào sắc dục. Hoa làm sao mà trồng trên đá được, nếu không trồng được thì thấy sắc dục cũng vậy thôi, có gì mà phải bận tâm.

Do đó, nhẫn được sắc dục là một việc làm hy hữu mà ít ai trên đời này có thể làm được trọn vẹn. Ngoại trừ những vị quyết chí tu hành để thoát khỏi kiếp luân hồi này hay là các đại Bồ tát hoặc chư Phật mới vượt qua nỗi. Tuy nhiên, Phật Bồ tát làm được thì chúng ta cũng sẽ làm được, ta có quyết chí, can đảm buông bỏ những thói quen xấu hay không mà thôi và cố gắng làm những điều thiện lành tốt đẹp.

7. Thấy tốt đẹp không tham cầu là khó

Đẹp là một trong các yếu tố của thẩm mỹ học. Đẹp theo quan niệm thông thường là những cái thấy hợp nhãn, gây nhiều ấn tượng tốt cho người xem, người đọc. Căn cứ theo quan điểm triết học Phật giáo, đẹp là những giá trị mặc ước, tùy thuộc vào quan điểm của con người, của phong tục tập quán. Có những cái ở đây cho là đẹp nhưng ở một nơi khác thì lại cho là xấu.

Thấy tốt tức là thấy người đẹp, vật tốt, công việc tốt đẹp, nói chung tất cả những cái thấy vừa lòng thích ý, phù hợp với sở cầu của mình. Ai thấy đẹp cũng mong ước cái đẹp ấy sẽ là của mình, và ai cũng mong chiếm hữu nó. Chính vì ai cũng ham thứ tốt đẹp, nên thứ tốt là đối tượng để tranh chấp, giành giật chém giết lẫn nhau. Do mong cầu thứ tốt, nên khi gặp thứ cái gì xấu chúng ta sinh ra bất mãn, bực tức, và tìm cách đấu tranh để loại bỏ nó, cho nên cuộc sống trở nên rối rắm, và phiền não bất an.   

Nhưng nhìn chung, cái đẹp, nó có giá trị nhất định theo cái thấy của mọi người, cũng là một bông hoa hồng mà có người cho là đẹp nhưng người khác lại cho là xấu. Và căn cứ vào giá trị của nó thì cái đẹp vẫn là cái quyến rũ, hấp dẫn thôi thúc con người muốn chiếm hữu nó. Nhìn vào một bông hoa đẹp, mặc dù hoa vô tình, nhưng nó vẫn gây ấn tượng đam mê ở người ngắm. Bản thân của cái đẹp hiện hữu không tội lỗi gì cả, là do con người nhận định quyết đoán. Nhưng nếu chúng ta nhìn nó với cái nhìn đam mê yêu thích bởi lòng tham lam thì cái đẹp đó, trở thành sợi dây ràng buộc sự giải thoát của chúng ta.

Người thấy đẹp mà không ham cầu là người thấy rõ sự nguy hiểm của cái đẹp, và cái đẹp đó cũng vô thường tạm bợ, nên họ không mong cầu cái tốt đẹp đó chỉ tùy duyên mà thôi. Nhờ có trí tuệ quán chiếu nên chúng ta thấy sâu sắc về sự vật, bản chất nó không trường tồn, nên ta mới có thể làm chủ được tâm lý mong cầu của mình. Nhưng mấy ai có được trí tuệ để vượt thắng những cám dỗ thông thường. Thế nên gọi là thấy đẹp, thấy tốt không ham cầu là khó.

Chúng ta nhìn vạn sự vạn vật với một cái nhìn tuệ giác, biết nó là không thực thể, sự có mặt của nó chỉ là nhân duyên tụ tán, chính vì bản chất của nó là vô thường, vô ngã. Cái đẹp của nó chỉ tạm thời, không dài lâu nó không có một giá trị cố định.

Nhớ lại những năm 1980 mấy chúng tôi làm công tác khai thác lồ ô ở tỉnh Bình Phước, tôi có người bạn tên Trang hằng ngày thường đến gia đình anh Tư nói chuyện ca hát uống rượu rất là thân mật. Nhưng nghiệt ngã thay lúc đó bạn tôi có đeo chiếc đồng hồ citearen đẹp vừa mắt trị giá khoảng 5 phân vàng. Lòng tham khởi lên vì muốn chiếm đoạt cái đồng đó mà anh Tư và gia đình đánh bạn tôi nhừ tử và còn phao du, sàm sỡ với con gái nhà anh ta và trấn lột chiếc đồng hồ đó.

Quý vị thấy chưa vì ham đẹp và có của, để khoe với thiên hạ mà con người ta đành lòng nhẫn tâm đến như thế. Nhất là các cô gái thời bây giờ thích mang đeo đồ trang sức để làm đẹp thân mình và làm duyên dáng với thiên hạ. Bọn phường đạo chích lợi dụng chỗ đó mà tùy nghi cướp giật, gây đau khổ cho nhiều người kẻ mất của người bị tội lỗi và chịu tù tội.

Hôm ngày 1 tháng 5 vừa qua, nhân đứng chờ xe để đi Trung tâm Bảo trợ Xã hội Chánh Phú Hòa tỉnh Bình Dương. Một cô gái đang đứng chờ xe tại ngã ba hàng xanh thì có một chiếc honda chở hai người kè sát vô giật sợi dây chuyền cô gái đang đeo. Do cô gái tiếc của nên nắm chắc sợi dây chuyền, chúng kéo cô ta lê dọc lề đường, không ngờ gặp một anh chàng hiệp sĩ chạy ngang tống cho một đạp xe ngã lăn, anh ta khống chế hai tên cướp và giải giao cho công an phường gần đó.

Để chuyển hóa tâm thấy đẹp mà không tham cầu, chúng ta phải nhìn mọi hiện tượng sự vật và con người đúng với bản chất của nó nên từ đó, người đối duyên xúc cảnh thấy đẹp nhưng vẫn giữ được thái độ thản nhiên, không khởi ý tham cầu nó, chiếm hữu nó, không biến nó thành vật sở hữu của ta. Ta biết nó có mặt mà không hiện hữu, đẹp như không đẹp, nên ta không luyến ái chấp giữ do đó, không gây ra sự đau khổ cho mình và người.

8. Bị sỉ nhục không oán hờn là khó

Nhục là những hành vi lăng mạ của người khác làm cho ta cảm thấy bức rứt khó chịu. Nó phát xuất từ tâm lý ganh ghét hay tật đố bằng sự nóng giận do không kìm chế được bản thân. Nhục, nếu thể hiện bằng lời nói, là những lời bôi nhọ xuyên tạc, bằng cách nguyền rủa, chửi thề mắng nhiếc một cách căm thù tột độ làm cho người bị lăng mạ đau khổ, xót xa như cắt đứt từng khúc ruột mình. Nếu thể hiện bằng hành động của thân, có thể dùng tay chân đấm đá để gây thương tích cho đối tượng. Nếu thể hiện bằng ý thức, là sự ngấm ngầm hãm hại người đó một cách trắng trợn và công khai bất chấp mọi hậu quả của nó. Cả ba đều đem lại cho người khác tâm lý lo âu, sợ sệt và khổ đau bởi trạng thái tức tối, giận hờn và thù địch.

Đứng trước hoàn cảnh bị người khác nhục mạ như vậy, người ta thường hay oán giận thù hằn, đôi lúc phản kháng trở lại bằng cách trả đũa quyết liệt với những ngôn từ không văn hóa tí nào hay nặng hơn là đánh đập hoặc giết hại.

Chỉ có những ai đã thật sự tu tập chuyển hóa mới thấu hiểu được tác hại của nó, nên không chống trả đối đầu lại mà dùng tâm từ để làm lắng dịu sự xung đột đó. Nếu lấy hận thù diệt hận thù, thì hận thù càng thêm chồng chất. Chỉ lấy tình thương mới chuyển hóa được hận thù. Bị vu oan huỷ nhục về một việc làm xấu nào đó, ta cảm thấy bị chạm tự ái vì sĩ diện với mọi người, ta tức tối, ta hờn giận và cảm thấy đau khổ vô cùng.

Ngày xưa có một vị cao Tăng đức độ nuôi dạy gần 500 đồ chúng, đến khi tuổi già sức yếu, bệnh hoạn mà chưa chọn được người kế thừa. Để tìm kiếm bậc pháp khí trong nhà thiền, vị cao Tăng này mới bày ra kế điệu hổ ly sơn mà tung tin bị mất trộm tiền của Tam bảo, làm cho trong chúng ai cũng hoang mang nghi ngờ lẫn nhau. Một hôm chúng đang ngủ trong giờ trưa, vị cao Tăng la lớn: “Ăn trộm, ăn trộm.”

Mọi người hoảng hốt chạy theo tiếng la, một vị đệ tử lớn chạy vào, vị cao Tăng liền thộp cổ áo mà nói rằng, bắt được tên trộm rồi. Chú đệ tử nói: “Dạ thưa thầy không ạ, con không phải là tên ăn trộm, con nghe la ăn trộm, con chạy vô để phụ thầy bắt ăn trộm.” Bằng chứng sờ sờ trước mắt không ai có thể chối cãi được, chư huynh đệ pháp lữ trong chúng, ai cũng thấy rõ ràng thầy mình tay thộp cổ áo sư huynh mà la ăn trộm, ăn trộm.

Cho nên vị đệ tử lớn bị khai trừ ra khỏi chùa ngay liền tức khắc, không được giải bày minh oan gì cả. Đuổi xong, thầy còn viết giấy truyền cho các chùa khác không được chứa chấp thầy, vì cái tội ăn trộm đồ của Tam bảo. Vị đệ tử này xưa nay được Tăng chúng tín nhiệm chức thượng thủ trong chùa, còn là người mô phạm dạy dỗ chúng Tăng. Đột nhiên bữa nay bị mang danh nghĩa là tên trộm, đích thân bị thầy mình viết giấy khai trừ và tuyên bố trước mặt đại chúng. Chỉ trong thoáng chốc bao nhiêu tiếng xấu đổ dồn vào vị sư huynh và bị mọi người khinh chê coi thường vì tội ăn trộm.

Ai nằm trong hoàn cảnh đó mới thật tội nghiệp cho vị sư huynh, đường đường cũng là một vị tăng tướng dung mạo trang nghiêm, có chức sắc trong chùa mà giờ đây đành chịu nuốt lệ đau thương ngậm ngùi cay đắng, trước một sự thật không thể ngờ.

Bị ông thầy hủy nhục như vậy trước mặt đại chúng, bao nhiêu uy tín từ xưa đến nay bỗng phút chốc tan tành theo mây khói. Nhưng chú đệ tử lớn này không hề có một chút buồn giận nào thể hiện ra nét mặt hoặc là tỏ thái độ oán ghét ông thầy. Chú ta vẫn một lòng cung kính và tôn trọng, xin thầy mình hãy từ bi cho ngủ đỡ ngoài cổng tam quan cũng được, để mỗi ngày còn được học hỏi và phụ giúp chúng Tăng làm việc, nhưng ông thầy cũng không chịu mà nói rằng nếu ở đó thì phải chịu, trả tiền ngủ nhờ.

Dù bị thầy hủy nhục hành hạ làm khó dễ đủ điều nhưng chú ta vẫn một lòng tôn kính thầy mà siêng năng tinh tấn tu hành. Thời gian như vậy kéo dài gần ba tháng chú đệ tử vẫn một lòng tín tâm, không một lời than vãn hay trách móc một điều gì.

Cuối cùng vị cao Tăng cũng tìm ra được bậc chân truyền, hôm đó thầy chính thức tuyên bố trước đại chúng: “Ta bây giờ đã tìm được người kế thừa, mong đại chúng sau này khi ta viên tịch rồi, hãy nghe theo lời chỉ dạy của sư huynh các ngươi”. Nói xong ông thầy từ giã đại chúng, rồi an nhiên ra đi.

Trong lịch sử nhân loại từ xưa nay biết bao nhiêu bậc vĩ nhân, hiền Thánh vẫn thường bị vu oan giá họa nhưng các ngài vẫn bình tĩnh an nhiên chứng minh cho đời sự trong sạch của mình, bằng chất liệu của từ bi và vô ngã vị tha. Vị đệ tử đó nếu không gặp hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, thì ông thầy làm sao biết đệ tử của mình đã vượt qua tám gió thật sự và để tất cả đại chúng có đủ niềm tin mà nương tựa học hỏi tu hành. Nếu gặp thầy nào còn quá yếu, khi bị vu oan giá họa như vậy, chắc có lẽ sẽ oán hận ông thầy của mình suốt cả đời.

Nhờ đó, ông thầy biết rõ người đệ tử của mình qua được tám gió, được mất, khen chê, danh thơm tiếng xấu và khổ vui. Nghịch cảnh hay chướng duyên đối với người trí chỉ là thử thách, cho nên họ vẫn bình thản an nhiên khi bị hủy nhục sai sự thật trước mặt mọi người. Giả sử như lúc đó, chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh này, có lẽ tôi sẽ đùng đùng nỗi giận mà oán ghét ông thầy của mình, rồi bỏ ra đi không một lời từ giã. 

Đức Phật dạy: “Bị sĩ nhục không sân là khó”. Ai chịu đựng được những hoàn cảnh trái ngang như vậy mà không sân giận hay tỏ ra oán ghét thì coi như đã thành tựu đạo pháp.    

9. Có thế lực không cậy quyền là khó

Cái khó được nêu ra ở đây thật là một vấn đề nan giải, đáng cho những nhà cầm cân nẩy mực, những nhà lãnh đạo, cần phải nên suy nghĩ, nghiền ngẫm nhiều hơn. Thông thường, những người có quyền cao chức trọng hay cậy thế ỷ quyền, ức hiếp kẻ dưới bắt phải cống nạp hoặc chèn ép bằng nhiều hình thức.

Trong đời sống xã hội, dòng văn học hiện thực phê phán ở nước ta đã viết nên những trang lịch sử rõ nét thái độ lẫn hành động áp bức, bất công của những tên quan lại cường hào bức hiếp dân lành từ xa xưa. Đó là hậu quả của chế độ phong kiến với những quan niệm hết sức độc đoán, ta là trung tâm của vũ trụ, ta có quyền sinh sát trong tay bằng sức mạnh của đấng bề trên. Nhưng góc độ nguy hại nhất của sự cậy quyền, ỷ thế lại có mặt nhiều nhất ở những chế độ độc tài, phát xít.

Họ là những con người cuồng tín, độc đoán không biết lắng nghe tiếng nói từ trái tim của những người bị đàn áp, một cách bất công và vô tội vạ. Họ sống an nhiên dẫm đạp trên sự đau khổ của nhiều người khác. Từ đó, họ càng kết thêm oán giận thù hằn trong lòng những người vô tội. Những luật vua, phép nước hết sức phi lý, bất công, nhưng đã một thời khiến những người dân trong nước, hay người con trong gia đình, nghĩa là những kẻ thấp cổ bé miệng phải cắn răng chịu đựng những chính sách khắc nghiệt, buộc mọi người phải cam chịu mà không dám ho he gì cả.

Cho nên, có thế lực mà không ỷ quyền cậy thế, không thị uy, tức bản thân ta đã kiến tạo cho mình một nếp sống chính mạng, chính nghiệp, không gieo rắc ác nghiệp cho ai hết. Và người như vậy là người hữu ích cho nhân quần xã hội, là người biết hướng thiện, luôn làm lợi ích cho nhiều người. Được vậy, quả thật là đáng quý.

10. Đối cảnh tâm không lay động là khó

Đối cảnh tâm lay động là bước đầu để đến vô tâm, có nghĩa là không còn dính mắc, đắm nhiễm tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều hoặc hình sắc, sự vật cho đến tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tác duyên. Người thấy tiền bạc không tham đắm, dính mắc quả thật là điều khó vì tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình. Người đối với mọi hình sắc, vừa thấy liền khởi niệm say mê, rồi tác ý ưa thích nghĩ tưởng hình sắc, thế là lòng tham chìm đắm trong cảm thọ thấy đẹp xấu và dính mắc vào đó. Nếu tâm dính mắc càng lớn mạnh thì tâm bồ đề bị lu mờ, do đó dấy khởi phiền não làm tâm không an định.

Không những đối với sắc, đắm mê sắc có những cái hại như thế, mà đuổi theo tiếng hay êm ái dính mắc vào đó, đuổi theo hương vị thơm tho tham đắm vào đó, bám theo vị ngon ngọt thích thú khen ngợi, thân xúc chạm thích êm ái nhẹ nhàng và ý tác động vào đó, cũng có những cái hại tương tự như thế.            

Người thấy sắc không nhiễm sắc, tuy mắt thấy sắc mà tâm vẫn an trú trong chính niệm nên không chạy theo cảm thọ lạc hay cảm thọ khổ. Đã không chạy theo cảm thọ thì tâm không dính mắc nơi sắc. Thấy sắc như thế nào thì thọ nhận như thế ấy. Không khởi tâm phân biệt thủ xả chấp trước, hằng ở trong chính niệm, tỉnh giác thì phiền não trần lao khổ không dấy khởi. Một hôm Tôn giả Phú Lâu Na đến đảnh lễ đức Phật, thưa: “Bạch Thế Tôn, con muốn  đến  một  chỗ  vắng vẻ để  tu. Xin  Thế  Tôn  dạy cho  con phương pháp tu đơn giản dễ nhớ, để con đến đó tu hành chóng đạt được đạo”.

Phật dạy: “Mắt thấy sắc không nhiễm trước, không dính mắc thì thành tựu đạo pháp, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm không nhiễm trước, không dính mắc thì thành tựu đạo pháp. Ngược lại, nếu nhiễm trước, nếu dính mắc thì quên mình theo vật”. 

Phật dạy tu rất là đơn giản. Tại sao mắt thấy sắc nhiễm trước dính mắc thì đồng với người thế gian? Mắt của chúng ta hiện thấy hình sắc, cái thấy đó có giống nhau không? Nếu có sự quán chiếu vào bên trong thì thấy chỉ là thấy, sự vật như thế nào thì thấy rõ như thế nấy, còn nếu có phân biệt đẹp xấu thì tâm dính mắc dấy khởi.

Ví dụ như có bốn người vào tiệm mua vải, có nhiều xấp vải cùng loại mà khác màu: nào trắng,  xanh,  vàng,  đỏ, đen, tím, lam, hồng... Khi chọn hàng mua, kẻ  thì  chọn  màu trắng, người thì chọn màu xanh, kẻ thì chọn màu vàng, người thì chọn màu hồng mỗi người tùy theo sở thích của mình mà chọn mỗi màu khác nhau. Người chọn màu trắng cho màu trắng đẹp, người chọn màu xanh cho màu xanh đẹp, người chọn màu vàng cho màu vàng đẹp, người chọn màu hồng cho màu hồng đẹp. Mỗi người có mỗi nhận định, sở thích khác nhau. Vậy màu nào đẹp thật? Nếu ai cũng cho rằng màu mình thích là đẹp nhất, thì chắc chắn sẽ có cãi lộn.

Như vậy nếu thấy sắc bám víu vào đó thì sinh nhiễm trước, rồi bảo vệ cái thấy của mình. Do bảo vệ cái thấy của mình, ai nói khác đi thì mình chống đối lại. Từ đó sinh phiền não giận hờn, mà gây ra nhiều đau khổ cho nhau. Cho nên đối cảnh tâm không lay động là khó, vì chúng ta còn cái thấy của phàm phu.

Cái nghe cũng vậy, nhiều người cùng nghe một bản nhạc, người thì khen hay, kẻ thì chê dở. Nếu hai người khen chê cùng tranh chấp thì sẽ cãi lộn nhau! Đến cái ngửi, thông thường hương thơm thì mũi ai cũng ghi nhận thơm, mùi hôi thì mũi ai cũng biết hôi. Tuy nhiên có cái người này khen thơm, người khác lại chê hôi. Chẳng hạn như người chưa từng ăn sầu riêng thì chê sầu riêng hôi; còn người quen ăn sầu riêng thì khen sầu riêng thơm. Thơm hay hôi tùy theo sở thích của mỗi người, nó không cố định.

Kế đến là lưỡi nếm vị, vị nếm có giống nhau không? Cùng ăn một món mà người khen ngon kẻ chê dở. Chẳng hạn cô  đầu bếp quen ăn mặn, nấu thức ăn cô nấu vừa với khẩu vị của cô. Khi dọn cơm lên người khách xa ăn thấy mặn. Người nói mặn, người nói vừa ăn, vậy ai đúng?

Bây giờ tới thân xúc chạm. Thân xúc chạm cũng không giống nhau nữa. Ví dụ vào mùa đông người có thân hình mập mạp và người có thân hình gầy yếu cùng ở chung một phòng. Người có thân mập mạp cảm thấy vừa mát, còn người gầy cảm thấy lạnh lẽo. Trong phòng có bao nhiêu cửa sổ người ốm đều đóng lại để giữ hơi ấm. Khi đóng cửa thì người mập cảm thấy nóng nực khó chịu. Để chúng ta thấy rằng xúc chạm cũng không giống nhau, cho nên tùy theo cơ địa của mỗi người mà sự xúc chạm cảm nhận khác nhau.

Tóm lại, đối duyên xúc cảnh tâm không lay động là khó đối với người chưa biết tu, người có chút công phu dễ dàng làm chủ cảnh duyên, nhưng vẫn có những lúc bất giác bị vọng tưởng làm cho tâm Bồ đề mờ tối.

11. Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó

Học rộng, nghiên cứu nhiều là tìm hiểu, lãnh hội, mổ xẻ vấn đề cho đến nơi đến chốn. Nó thuộc về văn huệ trong văn-tư-tu của nhà Phật. Một học sinh, sinh viên muốn đỗ đạt cao phải siêng năng chăm chỉ, kiên trì bền bỉ học rồi ôn tới ôn lui rồi dùng ý thức để xem xét việc học của mình nhờ vậy mới thành đạt trong tương lai. Cũng vậy, người học đạo giác ngộ, giải thoát trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh, không thể lơ là trong việc học rộng nghiên cứu nhiều. Nó phải được song hành với văn-tư-tu mới giúp cho chúng ta thành tựu viên mãn.

Trong sự nghiệp xây dựng hiện đại hóa đất nước ngày nay, xã hội ta ngày một phát triển và tiến bộ nhanh. Cùng với đó là sự hiểu biết về trình độ và học rộng nghiên cứu nhiều là điều không thể thiếu của mỗi người. Học là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, học ở bạn bè; tự học ở sách vở và thực tế cuộc sống.

Học rộng nghiên cứu nhiều để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân. Ví dụ như một bác sĩ đem những kiến thức tiếp thu được trong suốt quá trình đào tạo sáu, bảy năm ở trường đại học để vận dụng vào việc chữa bệnh cho mọi người. Những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng đem kiến thức đã học để thiết kế và thi công nhiều công trình như nhà máy, bệnh viện, trường học, công viên, để phục vụ đời sống con người.     

Mục đích cuối cùng của sự học rộng nghiên cứu nhiều là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao hơn. Nếu học được lí thuyết dù cao siêu đến đâu chăng nữa mà không đem ra vận dụng vào thực tế thì việc học ấy chỉ tốn thời gian, công sức, tiền bạc vô ích mà thôi vì chẳng giúp gì cho ai.

Bởi trong công việc cái người ta cần, người ta quan tâm hàng đầu là sản phẩm thành quả lao động chứ không phải là hiểu biết trên lí thuyết, một khi không đạt chỉ tiêu đó thì dẫu cho có học rộng nghiên cứu nhiều đến đâu thì cũng sẽ bằng thừa vô ích. Như một học sinh học tập rất tốt, điểm môn công dân luôn cao, vậy mà khi thấy một bà lão ăn xin té ngã bên đường, không những không giúp đỡ mà ngược lại còn tỏ thái độ khinh thường ghê tởm bà ấy. Qua ví dụ trên đã phần nào cho ta thấy những tác hại của việc học rộng nghiên cứu nhiều mà chẳng giúp một ai. Ngược lại, nếu chúng ta đem sự hiểu biết của mình ra để giúp người cứu vật thì lợi ích biết bao.            

Là học sinh trong thời gian học ở nhà trường, chúng ta cần phải chăm chỉ học tập tốt nghiên cứu sâu rộng là một điều khó. Học bao gồm cả văn hóa, chữ nghĩa và kinh nghiệm cuộc sống để nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt, và để có cơ hội phục vụ gia đình và đóng góp thiết thực cho xã hội. Như vậy cũng đủ thấy sự học rộng nghiên cứu nhiều quý giá và lợi ích đến chừng nào! Chính nhờ sự học rộng nghiên cứu nhiều, người phật tử chân chính biết được những điều hay lẽ phải và hiểu rõ chân lý cuộc đời. Biết được đâu là chính, đâu là tà, đâu là phải, đâu là quấy, đâu là tốt, đâu là xấu và đâu là đúng, đâu là sai. Đâu là con đường hướng thượng giúp ta đi suốt cuộc hành trình để thành tựu Phật pháp.

Học rộng nghiên cứu nhiều nghiễm nhiên trở thành kim chỉ nam để làm hành trang trên bước đường tu học của ta, nó còn là tấm bản đồ, là hành trang cần thiết cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ của mình bằng cách học rộng nghe nhiều, hầu đem lại những thành công tốt đẹp trong hiện tại và mai sau.

12. Trừ diệt tâm cống cao ngã mạn là khó

Người cống cao ngã mạn là người coi trọng bản ngã của mình lên trên hết. Nó là biểu hiện của tâm hiếu thắng, kiêu ngạo, cống cao, thiếu nhã nhặn, thiếu khiêm tốn và không chịu nhún nhường bất cứ một ai. Người ngã mạn thường song hành với các tâm lý cố chấp, bảo thủ và độc đoán.  

Cống cao ngã mạn khinh người là con đẻ của sự chấp ngã thân này là thật ta và của ta. Nghiệp dụng của nó là luôn coi trọng mình mà hay khinh khi miệt thị người khác. Dù người đó thật sự hơn mình đủ về mọi mặt. Nhưng vì chấp ngã tự ái nặng nề, nên họ lúc nào nào cũng thấy mình hay giỏi hơn thiên hạ nên dễ dàng coi thường người khác.

Người cống cao ngã mạn khi làm được một công việc nào đó thành công, thì họ lên mặt hống hách có vẻ như ta đây là người tài ba lỗi lạc bậc nhất. Họ tự thấy mình là người có công lao lớn, rồi khinh thường mạt sát kẻ khác cho nên dẫn đến nhiều người không ưa thích. Đó là họ đang mắc phải chứng bệnh “công thần” khá nặng nề mà không hay biết. Và từ đó, mọi người sẽ tìm cách xa lánh và thù hằn ghét bỏ họ. Đó là hậu quả của lòng cống cao ngã mạn gây ra.

Như chúng ta đã biết ngã mạn là một trong sáu món căn bản phiền não, đó là tham-sân-si, mạn nghi và ác kiến. Nó có gốc rễ  sâu dầy từ si mê chấp ngã mà ra, không phải ai cũng có thể dễ dàng diệt trừ nó được. Muốn đoạn trừ nó, chỉ có cách là chúng ta phải cố gắng ra sức nỗ lực tu hành trì buông xả ngay nơi từng ý niệm khi vừa phát sinh mới có thể lần hồi chuyển hóa chúng được. Điều chủ yếu là chúng ta phải hằng tỉnh giác trong từng phút giây, quán chiếu sâu vào bản chất của nó, để thấy rằng tự tính của nó vốn là không có thực thể.

Nếu chúng ta không đề cao cảnh giác, làm nô lệ cho nó sai khiến, thì hậu quả xảy ra cũng rất là tai hại. Có chính niệm tỉnh giác, thì chúng ta mới nhận diện nó một cách rõ ràng. Và như thế, thì nó không thể nào gây tác hại cho chúng ta được. Đó là do ý chí phấn đấu nỗ lực, dụng công phu tu hành của mỗi người mà sự diệt trừ nó nhanh hay chậm mà thôi.

Trong kinh Phật đưa ra ba dạng tâm lý ngã mạn: “Ngã mạn tuổi trẻ, ngã mạn không bệnh và ngã mạn sự sống”. Ngã mạn tuổi trẻ là thái độ chủ quan, lấn lướt bảo thủ sai lầm. Ngã mạn không bệnh là không bệnh dễ sinh  là ỷ cậy thân thể. Ngã mạn sự sống là cậy sống lâu mà làm việc bất thiện về ba nghiệp thân, miệng, ý. Cả ba loại ngã mạn này đều làm cho con người đắm nhiễm, sa đọa vào các ác nghiệp. Vì ngã mạn là chấp thủ, là cống cao, là chấp nhất, nên người lìa ngã mạn sẽ thoát ly mọi ràng buộc, hệ lụy. 

Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, ai đoạn trừ tâm ngã mạn, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho không còn hiện hữu lại, người ấy là bậc thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không còn bất cứ một hệ lụy nào. Do đó, dứt trừ tâm ngã mạn là việc khó làm”.

13. Không khinh khi người chưa học là khó

Điều 11, Phật dạy học rộng nghiên cứu nhiều là khó. Điều 12, Phật dạy, cần phải đoạn trừ tâm cống cao ngã mạn là khó. Phối hợp hai điều này chúng ta thấy nếu học rộng nghiên cứu nhiều mà có tâm cống cao ngã mạn thì sự học rộng nghiên cứu nhiều ấy không được lợi ích bao nhiêu cho mọi người. Vì người ấy chỉ là một học giả cao ngạo, chỉ thích phê phán, chỉ trích, bình phẩm người khác mà không xây dựng đóng góp gì nhiều cho việc giáo dục cho mình và người.

Nếu học rộng nghiên cứu nhiều mà không có tâm ngã mạn thì kiến thức đó sẽ được truyền bá rộng rãi, làm lợi lạc cho nhiều người, xã hội thật sự tiến bộ. Qua điều thứ 13 này, đức Phật dạy không khinh người sơ học quả là một điều khó. Lời dạy này còn hàm ý nói rằng kẻ tài cao thường có nhược điểm “mục hạ vô nhân” nghĩa là dưới con mắt của mình không có ai hơn và khinh khi người ít học. Một điểm nữa là gián tiếp khuyên chúng ta càng học cao, càng khiêm cung thấp mình đối với mọi người thì phẩm chất và giá trị của ta càng lớn.

Người ta thường nói tri thức mà không có nhân cách phẩm chất đạo đức là nguy hiểm và tác hại vô cùng, nhiều hơn những kẻ ác độc mà không có trình độ. Học lời Phật dạy “không khinh người chưa học”, ta thấy lòng từ bi thật rộng lớn bằng tình người trong cuộc sống của Phật được thể hiện rõ nét trong mọi trường hợp.

Và lời dạy này cũng có ý nghĩa với hạnh vô ngã vị tha, đề cao Phật tính bình đẳng của Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa: Dù có bị chửi mắng, đánh đập nhưng Ngài cũng không tỏ ra thái độ giận hờn, oán trách một ai. Mà còn nói: “Tôi không dám khinh quý ngài, vì quý ngài đều sẽ thành Phật”. 

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

phatgiao.org.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch