Phật pháp ứng dụng
Những Lời Khuyên Của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma
08/03/2010 05:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời người dịch: Nhận được tờ báo "lá cải" Bildzeitung, thấy có đăng bản tiếng Đức của ALBERT LINK về “Những lời khuyên của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma”; bài đăng bên cạnh những bức hình hở hang trắng trợn của các cô gái trẻ đẹp đã không làm tôi khó chịu, ngạc nhiên, mà lại làm tăng thêm niềm cảm phục lâu nay tôi đã từng dành cho Ngài.

Không có gì ngạc nhiên khi ALBERT LINK , một cây viết người Đức thường xuyên xuất hiện trên những tạp chí hàng tuần đứng đắn cũng như trên những tờ nhật báo lớn tại Đức, viết lại nguyên bản bằng tiếng Đức “Những lời khuyên của Đức Đạt-Lai  Lạt-Ma”

Không có gì ngạc nhiên khi Ngài chọn tờ báo Bildzeitung để gửi đăng bài viết của Ngài. Tờ báo này vốn được xem là báo "lá cải" chỉ dành cho giới thợ thuyền, lao động đọc. Người "trí thức" tại đây thường ít đọc tờ báo này. Thích thú vì đây mới chính là  “kiểu Đạt-Lai Lạt-Ma” : Khôn ngoan, bình dị, mang đầy tính quần chúng. Còn cách nào khôn ngoan hơn để xâm nhập sâu rộng vào quần chúng hầu có thể truyền bá những tư tưởng yêu người bằng cách trực tiếp đi vào giới lao động ? Nhưng xin cũng đừng hiểu lầm, những lời khuyên của Ngài không những chỉ dành cho người dân mà Ngài còn mạnh dạn khuyên can các vị lãnh đạo chính trị thế giới hiện nay nữa. Không câu nệ những gò bó được đặt ra, năm ngoái tại thủ đô Berlin, đang khi là khách danh dự của Đại hội người Thiên Chúa Giáo, Ngài đã bỏ khán đài, xuống ngay trên đường phố nắm tay ca hát nhảy múa cùng các thanh niên thiếu nữ đến tham dự đại hội . Kết quả: Ngài được trên 20,000 thanh thiếu niên vỗ tay tán thưởng như là những ngôi sao thần tượng nhạc Rock của họ. Các phương tiện truyền thông tại đây đã không ngớt lời ca tụng và đăng tải tin này.  Vậy nay bài viết của Ngài được đăng bên cạnh hình ảnh những cô gái ăn mặc thật hở hang, thì có chi để làm cho mình khó chịu ? (Đọc đến đây biết đâu có người lại la toáng lên, như thế là nhục mạ vị lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo?) Câu nệ chi những chuyện đó, cái chính là làm sao cho người ta dễ đọc để nhận chân ra đâu là lẽ phải mà thôi.

Không ngạc nhiên, khi bài viết của Ngài thật dễ hiểu - dễ đến nỗi như tôi đọc mà còn hiểu được huống chi ai. Khác với hiện tượng "chưa tu mà xem như đã hóa thành Phật" của một số người sính chữ hiện nay,  hể mở miệng là "chữ nghĩa Phật Giáo" cứ tuôn tràn như nước chảy, Ngài dùng chữ thật đơn giãn, viết mà như nói chuyện cùng bạn bè anh em. Ngài không có nhu cầu chứng minh trình độ tu chứng của mình mà chỉ mong ai đọc cũng có thể hiểu được để sửa đổi, hầu giúp cho cuộc đời tươi vui hơn, và thế giới nhân ái thêm mà thôi.

I. Dẫn Nhập

II. Gửi đến những ai không được hạnh phúc

III. Gửi đến những ai được nhiều hạnh phúc

IV. Gửi đến những ai chuyên rụt rè nhút nhát

V. Gửi đến những ai chuyên ganh tỵ

VI. Gửi đến những ai đang cảm thấy cô đơn

VII. Gửi đến các chính trị gia

 

I. Dẫn Nhập

"Các bạn hãy ráng lên, bỏ cho được cái nỗi lo lắng luôn luôn ám ảnh trong tâm " (Dalai Lama XIV.)

Tên của Ngài có thể tạm dịch ra là "Đại dương  trí tuệ". Với giọng nói chậm  nhẹ, với nụ cười hiền lành ấm áp và với những lời khuyên nhủ mang lại hạnh phúc cho biết bao bạn hữu, Đức Đà Lai Lạt Ma đã làm cho hàng vạn trái tim xúc động , ngay cả với những người khó tính nhất.

Đức Đạt Lai Lạt Ma (68) cao 1m70 mang kính cận thị nặng 2 độ,con trai của một người nông dân tại Tây Tạng sống không quê hương kể từ năm 1959 tại một xóm làng  Dharamsala thuộc Ấn, nay lại là biểu trưng của Phật Giáo và cũng là 1 trong những nhà văn hiện được yêu chuộng nhất trên thế giới. Ngài chưa bao giờ biết hút thuốc cũng như chưa biết 1 giọt bia rượu nhưng mỗi lần ngài xuất hiện thì hàng vạn trái tim cũng đã giao động với ngài.

Tại Central Park New York Ngài đã được 40 000 người chào đón như một ngôi sao trong làng nhạc Rock. Trong năm vừa qua tại thủ đô Berlin (Đức) nhân Đại hội Thiên Chúa Giáo, 20 000 thanh niên thiếu nữ đã cùng ca múa xem Ngài như là người bạn lớn tuổi. Họ cũng đã tôn sùng ngài như một Popstar mới.

 

Ngài đã làm sao để được thế giới yêu thương  như thế ?

+ Ngài đã giúp cho chúng ta thêm can đảm để sống, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo ngài, dù là một phật tử hay không, dù giàu có hay nghèo khổ ai ai cũng có 1 khả năng như nhau để có được 1 cuộc sống hạnh phúc. Cái yên tĩnh trong tâm hồn có được, không lệ thuộc vào mặt vật chất bên ngoài.

+ Ngài là người chủ trương tranh đấu bất bạo động :" Quyền lực đến từ ngọn súng thì chóng hay chầy cũng phải biến mất". Cũng không phải vô tình Đức Đạt Lai Lạt Ma  lại được giãi Nobel Hòa Bình trong thời gian những biến động chính trị căng thẳng xảy ra tại Đông Đức.

+ Ngài biết rõ những đòi hỏi cần thiết của thế giới ngày nay :" Hiện chúng ta đang thiếu sự yên tĩnh trong tâm hồn, thiếu bình yên và thiếu những cảm giác hầu có thể làm cho thế giới này tươi đẹp hơn."

+ Ngài có thể cười khi gặp khó khăn cũng như cười lấy chính mình :"Tôi có cái tật là ăn quá nhiều mật ong. Điều này có thể sinh ra mối nguy là vị Lạt Ma thứ 14 này có thể tái sinh làm 1 con ong", đã có lần Ngài tự nhạo báng lấy mình rồi ôm bụng cười ngất.

Lo lắng là một trong những điều Tenzin Gyasto (Tên lúc còn là tu sĩ) đã thoát bỏ được từ lâu. Thỏa mãn trong nghề nghiệp và trong nghệ thuật giải thoát khỏi "ách nô lệ của đồng tiền". Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu công việc hàng ngày vào lúc 3g30 sáng, không lương bổng. Nhưng ngài cần tiền bạc để làm gì khi nụ cười của Ngài đã là vô giá ?

 

II. Gửi đến những ai không được hạnh phúc...

Trong những quốc gia kỹ nghệ tiên tiến, người ta thường gặp những người rất đáng thương. Họ không biết hạnh phúc là gì.

Cho những người này, thiếu thốn vật chất là điều không tưởng. Họ có tất cả để tạo được 1 cuộc sống thật thoải mái. Nhưng những người này lại không vừa lòng với cái số mạng hiện tại của họ. Ghen tương hay bất kỳ 1 lý do nào đó cũng có thể làm cho họ không được hạnh phúc. Một số người này cứ sống trong chờ đợi, một thảm họa sẽ rơi lên đầu của họ, hoặc số người khác lại cho ngày tận thế chẳng còn bao xa nữa. Những người này chẳng qua tự chuốc cho mình cái phiền nảo, vì họ không đủ khả năng để suy nghĩ cho sâu sắc. Một khi họ nhìn được sự thể dưới 1 góc độ khác, những nỗi tự hành hạ lấy mình cũng sẽ nhanh chóng biến mất.

Cũng có nhiều người , đúng là họ có lý do để đau khổ. Bệnh tật, ở trong hoàn cảnh quá khó khăn , nạn nhân của thiên tai hay những người bị đối xử bất công.

 Tuy nhiên những người nay cũng có cơ hội để thay đổi hoàn cảnh của mình. Được chửa trị cho lành bệnh, thoát qua cơn nghèo túng bằng cách cố gắng chăm chỉ làm việc. Nếu bị đối xử bất công thì tìm cách thưa kiện theo đúng nguyên tắc luật pháp đưa ra. Hoàn cảnh cuộc sống ta có thể thay đổi được miễn là phải có những ý tưởng tươi sáng và luôn luôn vui vẻ với hiện tại. Đừng chán chường bỏ trôi mọi sự.

Nói chung cái đau khổ trên cuộc đời này là do chúng ta định đọat. Hạnh phúc hay không cũng do ta. Khi gặp bệnh tật ngồi than khóc thì bệnh không thể hết. Ta phải làm sao cho hết bệnh, chạy chửa bác sĩ , luyện tập thân thể, thay đổi cách ăn uống...

Nói chung là chúng ta thường tự làm cho hòan cảnh thêm tệ đi. Phải tập làm sao để nhìn cuộc đời dưới 1 góc cạnh tươi sáng hơn. Khi bị bệnh thì đừng làm như là chỉ có một mình trên đời này là bị mà thôi mà phải nghĩ là có biết bao nhiêu người cũng mắc phải như mình.

Nhưng chúng ta cũng có thể suy nghĩ ngược lại. Thí dụ khi tay bị tê liệt, thì ta tự nhủ rằng :"Cánh tay của ta nay đã không thể phục vụ ta nữa rồi, nhưng chân ta thì vẫn còn vững vàng để nâng đỡ cơ thể của ta".

Nếu khi chân ta không đi nỗi nữa thì ta lại tự nói với chính mình :" Không có chân thì ngồi xe lăng, ta còn có bàn tay để viết lách". Đó là những cách suy nghĩ thật đơn giãn hầu có thể tự an ủi lấy mình.

Bất kể ở trong hoàn cảnh nào, ta luôn luôn có điều kiện để nhìn thấy sự việc một cách tươi sáng hơn.

Khi mắc bệnh thì hãy tự tìm ra những điều tươi sáng bên cạnh, như hãy nói mặc dù ta đang bị bệnh nhưng qua đó trong nhà lại thương yêu đùm bọc lẫn nhau, những suy nghĩ tươi sáng sẽ giúp ta mau lấy lại sức khỏe.

Ngay cả khi ta gặp bệnh nặng, thời gian chửa trị kéo dài khó khăn, nhưng thế nào ta cũng tìm ra được 1 suy luận nào đó để loại bỏ những đau khổ suy nghĩ chán chường.

Nếu là một Phật tử, thì ta hãy tự bảo lấy mình "Nhờ có căn bệnh này mà những hành động không tốt của ta trong quá khứ được rửa bỏ ! Nhờ vào những đau đớn này nay ta mới hiểu được những đau đớn của người khác !"

Hãy nghĩ đến hằng hà vô số người cũng bị đày đọa như ta mà cầu nguyện cho mình cho chúng sanh sớm tai qua nạn khỏi. Ngay cả khi không đủ năng lực để suy nghĩ như thế thì nội chuyện biết là không phải chi mình mà còn vô số người khác cũng bị đau khổ như mình hoặc còn hơn mình nữa thì  ta cũng cảm thấy đỡ khổ tâm hơn.

Nếu là một người theo Thiên Chúa giáo  tin tưởng vào Thượng Đế đã tạo ra cõi trần này, thì hãy tự an ủi rằng : "Cái đau đớn này không phải do ta muốn, mà chắc chắn rằng phải có một ý nghĩa nào đó , nên Thượng Đế mới ban phát cho ta".

Cho những người không theo một tín ngưỡng nào, khi gặp nạn, dù có thế nào đi chăng nữa , ta hãy tự nhủ thầm cái nạn này không phải dành riêng chi cho ta. Ngay cả những ai hoàn toàn không tin vào bất cứ một điều gì hết, thì khi gặp hoàn cảnh đớn đau, hãy thử tìm 1 ánh sáng nào đó để có thể bước ra ải khổ vừa gặp. Khi đó bổng nhiên ta lại thấy, cái khổ nạn mà ta gặp phải cũng không gây đau đớn lắm như ta lầm tưởng.

Có những điều không may, bổng nhiên ta lại gặp phải, không thể nào tránh được như là cái chết của một người thân yêu. Trong những trường hợp như thế thì ta bó tay, không làm chi hơn được nữa. Nhưng chính cái điều mà ta không thể thay đổi được nữa, thì ta nên tự nhủ lòng là có buồn khổ nhiều chăng nữa cũng không đem lại chi khác ngoài việc gia tăng cái đau đớn cho chính ta mà thôi . Đây là điều khuyên nhủ đặc biệt nhắm vào những người không theo 1 đức tin nào .

Điều quan trọng là ta nên đi tìm để tìm thấy cái căn nguyên từ đâu mà cái đau khổ này lại đến với ta hầu có thể tìm cách để chống lại, trong khả năng của mình.

Nói chung chúng ta thường nghĩ rằng, cái không may nó đến là không phải tự chúng ta tạo nên. Chúng ta không chịu trách nhiệm về những cái không may này. Ta cứ cho rằng đó là do người khác hay hoàn cảnh trớ trêu tạo ra cho ta. Riêng tôi, tôi nghĩ điều suy nghĩ trên không hẵn chính xác hoàn toàn.

Chúng ta cũng hơi giống như những sinh viên , thi cử bị hỏng nhưng lại không chịu thú nhận là nếu như ta cố gắng siêng năng hơn một ít nữa thì đã có thể đậu được kỳ thi vừa qua.

Chúng ta giận hờn, chúng ta than thân trách phận hoàn cảnh chung quanh đã gây ra khổ nạn cho ta. Nhưng thử hỏi hoàn cảnh đau buồn có giảm bớt đi khi ta cứ nhất mực quy tội như thế ?

Ngay cả khi một người thân yêu qua đời, như cha mẹ của chúng ta, ta cũng nên cố gắng bình tĩnh sáng suốt mà nhận định rằng bất kỳ một đời sống nào cũng có giới hạn tuổi thọ của nó. Đời sống nào rồi cũng phải có khi chấm dứt, không sớm thì muộn.

Lúc ta còn nhỏ, các bậc sinh thành, trong khả năng của người, đã hết sức nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn. Giờ đây, cha mẹ chúng ta ra đi không có gì để phải lo lắng, ân hận. Nghĩ như thế, cái đau buồn lúc mất cha mẹ sẽ giảm được phần nào

 

III. Gửi đến những ai được nhiều hạnh phúc...

Con người ta có rất nhiều cách để cảm thấy mình hạnh phúc. Có những người bị loạn óc. Họ luôn luôn có đời sống thật hạnh phúc , đối với họ tất cả là bình thường. Cái hạnh phúc này không phải là mục đích mà chúng ta muốn bàn tới ngày hôm nay.

Có rất nhiều người cho rằng họ chỉ cảm thấy sung sướng mãn nguyện khi đời sống vật chất phải thật đầy đủ dư thừa. Họ đâu có biết rằng đó mới chính là cái khổ nạn của họ. Một khi đời sống vật chất của các bạn này do vì một lý do nào đó mà không còn nữa, khi đó các bạn lại đau khổ gấp 2 lần người bình thường.

Một số bạn khác chỉ tìm thấy hạnh phúc thật sự khi họ cảm thấy cuộc sống và những việc làm của họ phù hợp với đạo đức của xã hội đề ra. Đây mới chính là cái hạnh phúc mà chúng ta cần đến. Cái hạnh phúc này nó mới ăn sâu mọc rễ trong tâm hồn ta, cái hạnh phúc này nó sẽ tồn tại mãi mãi không lệ thuộc vào những biến động bên ngoài.

Để đạt được một đời sống có nhiều hạnh phúc bền vững, đầu tiên chúng ta phải nhận ra rằng : Đau buồn , tai họa là một phần đờisống của chúng ta. Nghe qua cái điều quả quyết như trên, đầu tiên ta cảm thấy thật chán nản. Về lâu về dài , khi chấp nhận như thế ta mới thấy đời sống của chúng ta thật nhẹ nhàng, dễ dàng bước qua được những khổ ải phải gặp.

Khi gặp khó khăn ta có dùng ma túy để quên đi buồn phiền đi chăng nữa thì chẳng qua cũng chỉ trong nhất thời, sau đó đâu lại hoàn đấy. Cái quan trọng là ta phải nhìn thẳng vào vấn đề để thử tìm cho ra được từ đâu mà cái phiền nảo này lại đến với mình. Phải chấp nhận không ai trên đời này lại có thể hoàn toàn vui thú, không bệnh tật, không gặp hoạn nạn khi đó ta sẽ dễ dàng chấp nhận cái đau buồn đến với chúng ta. Không buồn phiền , bận tâm than vãn , đặc biệt là ta không cần phải so sánh để ganh tỵ cùng ai. Chính lúc đó chúng ta sẽ có được cái hạnh phúc chân chính của cuộc đời này.

 

IV. Gửi đến những ai chuyên rụt rè nhút nhác

Thỉnh thoảng chúng ta lại có vẻ rụt rè trước mặt một người lạ nào đó. Từ ngại ngùng ban đầu, ta lại lại đâm ra vẻ lạnh lùng. Dần dần thành một thói quen. Đây là một hành động không đúng , vì chúng ta không vì một lý do gì lại phải sợ hãi khi tiếp xúc với người khác.

Nếu như ta nhận rõ, ai ai cũng là con người như mình mà thôi. Họ cũng có những khát vọng, những đòi hỏi, những nhu cầu như mình, thì ta sẽ dễ dàng bước qua bức màng băng tuyết lạnh lẽo để nói chuyện cùng người. Đây cũng là cách mà chính tôi cũng hay dùng đến.

Khi tôi gặp một người chưa quen, tôi thầm nhủ với chính mình, họ là con người như mình, cũng đi tìm cái hạnh phúc và cố tránh cho được cái khổ đau. Bất kể họ bao nhiêu tuổi, bất kể địa vị giàu sang thấp hèn, bất kể màu da ngôn ngữ, trên căn bản đó họ hoàn toàn không khác gì tôi.

Khi mà tôi đã nhủ lòng được như thế rồi, rất nhanh chóng tôi mở lòng ra đón họ như một người trong gia đình. Bao nhiêu cái ngại ngùng, sợ hãi, biến mất khi nào không hay.

Rụt rè nhút nhát đến từ việc thiếu tự tin và từ việc cứ bám chặt lấy những hình thức bên ngoài và những tục lệ của xã hội chung quanh mà ra. Chúng ta là tù nhân của những hình ảnh mà người khác muốn tạo cho mình. Đây là một hành động giả tạo không thật với chính mình. Nếu ta không ráng mà tự bỏ thì nó bám theo ta suốt cuộc đời.

Đừng sợ hãi mà cứ sống thật với chính mình.

Tôi còn nhớ hồi còn bé trong một buổi lễ Phật thật dài, tôi đã không ngần ngại thưa với Thầy của tôi xin được đi ra khỏi buổi lể để nghĩ ngơi một đôi phút. Đúng ra, nếu theo cương vị , thì tôi nên làm gương cho người khác mà ráng đợi cho đến giờ giãi lao kế tiếp.

Chúng ta cũng thường rụt rè vì muốn tự bảo vệ lấy mình. Đây là điều thật nghịch lý, cứ càng muốn bảo vệ lấy mình thì chúng ta lại càng mất tự tin rồi cứ thế lại càng rụt rè thêm .

Ngược lại khi chúng ta mở rộng lòng đón nhận người khác, lòng tự tin sẽ tăng lên. Ta sẽ dễ dàng tỏ lộ tình yêu của chúng ta đối với người, sẽ cho họ thấy  tấm lòng đồng thông cảm của chúng ta.

 

V. Gửi đến những ai chuyên ganh tỵ

Ghen tuông và đố kỵ làm cho chúng ta trở nên đau khổ bực dọc. Chúng kềm hãm sự phát triễn về tình cảm tinh thần của chúng ta. Nếu chỉ vì ghen tức mà trở nên hung dữ thì không những ta tự hại mình mà lại còn hại người nữa. 

Ghen ghét đố kỵ người khác, nói chung, là một điều vô lý. Dù ta có ghen tức với người thế nào đi chăng nữa thì ta cũng không ngăn cản họ bớt giàu có hơn hoặc làm cho họ giảm mất những tánh tốt đi. Có chăng nó chỉ làm cho ta thêm đau khổ mà thôi . Ngoài ra thử hỏi có gì đê hèn hơn , khi vì ganh ghét mà ta cố phá những thành công và giàu sang của người khác. Bảo đảm, không cần phải nghi ngờ gì hết, không chóng thì chầy cái đê hèn sẽ quật ngược mà hại lấy ta.

Ghen ghét đố kỵ vì một lý do nào đi chăng nữa cũng là điều sai trái. Xã hội ngày nay được sung túc là do liên quan đến nhiều người nhiều yếu tố khác nhau. Một khi có đôi ba người trong xã hội thành công thì đó chính là lợi tức của toàn xã hội gặt hái được, và suy cho cùng thì thành công của họ cũng đem lại lợi tức cho mỗi người chúng ta. Một khi ta gặp được những người thành công trong xã hội thì ta phải nhận định rõ ràng, cái thành công của họ rồi cũng gây tác dụng tốt lên cho chính ta. Như thế mà hãy vui với người, thay vì cứ lấy đó mà giận dữ để tự hành thân mình.

Lẽ thường, một khi yêu ai thì ta vui với sự thành công của họ. Nhưng đúng hơn mà nói thì chúng ta cũng nên vui với những người không quen biết, không đem lại lợi lộc trưc tiếp cho mình. Một khi những người này thành công thì xã hội chung cũng sẽ được hưởng một phần nào đó. Càng nhiều người thành công thì xã hội càng tiến bộ thêm. Cái thành công này dĩ nhiên là phải có thành công đạo đức đi kèm. Nếu chỉ nghĩ đến riêng tư thì một mình chúng ta không bao giờ có thể đem lại cơm no áo ấm và cuộc sống hạnh phúc cho toàn xã hội được. Xã hội muốn tiến bộ thì cần phải có một số đông người tài giỏi và chịu khó làm việc.

Nhưng ngay cả trường hợp là chúng ta biết rõ có người giàu có và thông minh hơn mình, họ chỉ chăm lo cho cuộc sống riêng tư của họ mà xã hội không hưởng được gì hết. Thử hỏi, có lợi chi cho chúng ta không, một khi chúng ta cứ quay cuồng ganh tỵ cùng họ ? Tại sao người khác lại không được có cái mà chính chúng ta cũng mong ước?

Tôi dành nhiều cảm thông cho việc ghen tuông hơn là ganh tỵ - Mặc dù đây cũng là một cảm giác không tốt. Cảm giác ta nhận được khi bị người bạn đồng hành  lợi dụng lòng tin tưởng của mình. Thí dụ, hai người thương yêu nhau thật sự rồi đi đến quyết định chung sống cùng nhau. Họ hiểu nhau và hoàn toàn đặt tin tưởng cho nhau, họ sinh con rồi quyết xây dựng cuộc sống  gia đình hạnh phúc. Một ngày nào đó, một trong hai người lại đi yêu người khác. Đây là điều dễ hiểu, nếu như người kia không cảm thấy hạnh phúc về điều này. Trong trường hợp này, ghen tuông cũng từ đó mà ra.

Có người kể cho tôi nghe câu chuyện : Sau khi cưới nhau, anh ta ngày càng cảm thấy khoãng cách giữa hai vợ chồng càng gần lại, lần hồi họ biết và hiểu về nhau quá nhiều. Anh ta cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến một ngày nào đó, họ biết về nhau hết thẩy. Từ đó giữa hai vợ chồng sinh ra tình trạng căng thẳng cùng nhau, cho đến ngày vợ anh bỏ đi thương một người đàn ông khác khác.

Phản ứng của anh ta làm tôi ngạc nhiên hết sức. Một khi ta sống chung thì dĩ nhiên phải gần gũi nhau hơn. Càng gần nhau thì người ta lại càng có nhu cầu tìm hiểu về nhau. Khi đó ta lại càng nên ít giữ bí mật về nhau. Có gì dễ chịu hơn khi ta có ai đó để có thể đặt hết lòng tin vào ? Có gì nghịch lý hơn khi quyết định cưới nhau mà lại không tin nhau ? Một khi ngay từ ban đầu ta không đặt lòng tin vào người bạn đời thì thật là điều dễ suy luận khi người này đi tìm một nơi khác để đặt lòng tin vào đó, cái mà ở nhà họ không tìm thấy.

 

VI. Gửi đến những ai đang cảm thấy cô đơn

Dân số trên quả địa cầu nay đã hơn 6,3 tỷ người - nhiều như chưa bao giờ từng có. Và cứ mỗi giây đồng hồ lại có 3 trẻ con được sinh ra đời.

Nhưng: Cứ càng nhiều, cứ phải chung đụng sát với nhau, thì con người lại càng cách xa nhau hơn. Nỗi cô đơn hiện đang bám gót cho hàng triệu người. Tại sao lại như vậy ? Đức Đạt Lai lạt Ma tìm thấy câu trả lời và con đường trở lại hầu có thể sống chung cùng nhau.

Tôi đã từng đọc kết quả của một cuộc thăm dò cho thấy phần lớn đang chịu cảnh cô đơn. Một phần tư số người đã trưởng thành thú nhận, trong vòng 2 tuần lễ trước khi họ được thăm dò phỏng vấn, họ đang trãi qua thời gian thật buồn tẻ một mình. Điều khó hiểu này xem ra ngày càng bành trướng mạnh mẽ.

Hàng ngàn người qua lại trong các thành phố, nhưng không một ai lại dành cho nhau một cái ánh mắt. Mà nếu khi có ngước mắt thấy nhau thì cũng chăng thèm tặng nhau một nụ cười nhỏ. Họ làm như "bận lắm, có hẹn, không có thì giờ". Trong xe lửa thì ngồi cạnh nhau hàng tiếng đồng hồ mà lại không một lần mở môi cùng nhau. Đúng là điều quái lạ?

Tôi nghĩ, tình trạng cô đơn này có thể đến từ hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, là hiện nay chúng ta quá đông đảo.Thuở xưa, lúc thế giới này vẫn còn vắng vẻ thì chúng ta hình như là bị bắt buộc phải xích lại để sống cùng nhau. Làng xóm xem nhau như người trong gia đình, ai ai cũng biết nhau. Do điều kiện sống còn, nhu cầu phải giúp đỡ lẫn nhau xem ra cần thiết hơn so với thời buổi bây giờ. Ngày hôm nay ngoài làng quê, mọi người vẫn còn quen biết nhau. Họ cho nhau mượn dụng cụ, máy móc và cùng chung nhau thực hiện những việc nặng nhọc. Xưa kia người dân quê tụ họp gặp gỡ nhau thường xuyên hơn. Họ cùng nhau đi lễ chùa, đi cầu nguyện chung cùng nhau ở nhà thờ. Vào nhưng dịp như vậy, người ta có nhiều cơ hội để chuyện trò cùng nhau hơn.

Nay thì thế giới đang đầy dân. Hàng triệu người chen lấn nhau trong các thành phố lớn. Qua ánh mắt của họ ta có cảm tưởng như là họ chỉ sống để mà làm việc cho có tiền. Mọi người xem ra chỉ còn biết sống và giành dựt cho mình. Máy móc tân kỳ hiện nay cũng giúp cho chúng ta có cảm tưởng là chúng ta có thể sống tự lập, và chúng ta có cảm tưởng, xin nhấn mạnh đây là điều sai lầm lớn, là sự hiện diện của người khác là hoàn toàn không cần thiết cho mình. Tình trạng này giúp cho chúng ta phát triển tính thờ ơ lạnh lùng, rồi từ đó tự mình đâm ra cảm thấy cô đơn .

Nguyên nhân thứ nhì tạo cho chúng ta có cảm tưởng cô độc, theo quan sát của tôi, chẳng qua là trong xã hội tiến hóa như ngày hôm nay mọi người có quá nhiều việc phải làm. Chỉ cần chú ý đến ai- ngay cả chỉ cần thăm hỏi một câu :" Có khỏe không?" - Chúng ta đã có cảm tưởng là vừa đánh mất một vài giây đồng hồ quý giá trong đời. Sau công việc ta lao đầu ngay lập tức vào tờ nhật báo :"Ngày hôm nay có chi lạ không?" .Thảo luận, chuyện trò cùng bạn bè xem là mất thời gian, vô bổ.

Thường ta có nhiều người quen trong phố. Điều không tránh khỏi là chúng ta phải chào nhau rồi cùng trò chuyện cùng nhau, thỉnh thoảng chuyện trò như vậy cũng tạo nên chuyện bực mình. Dần dần ta tránh gặp gỡ giao thiệp cùng nhau, rồi mỗi khi có ai nói chi đó thì ta lại phán cho họ một tiếng là muốn xâm nhập vào đời tư của mình.

Tất cả những điều trên làm cho xã hội này ngày càng đánh mất tính người và cuộc sống này ngày càng như là cổ máy vô tri. Buổi sáng thức dậy ta lo đi làm việc, chiều bãi sở thì ta lại lao mình vào trong 1 hàng quán nào đó để tìm thú giải trí để rồi trở về nhà thật trễ, ngủ được đôi ba tiếng đồng hồ. Sáng thức giấc, còn ngái ngủ ta lại lao đầu vào công việc. Không phải là một số lớn người dân thành thị đang có lối sống như vậy ? Một khi ta đã trở thành một bộ phận nhỏ trong cổ máy vô tri này thì chúng ta phải, dù muốn hay không, chạy theo cùng. Đến một lúc nào đó, ta không còn chịu đựng nỗi cảnh máy móc này nữa, thì khi đó ta lại chạy trốn vào cảnh thờ ơ lạnh lùng.

Một khi tôi sống lẫn lộn vào cùng người dân trong một thành phố lớn - Tôi tin chắc, rồi tôi cũng sẽ có một phần nhỏ giống như họ...Vâng, khi đó tôi không có sự chọn lựa nào khác. Rồi tôi cũng sẽ đi tìm giải trí trong những quán nước có ánh đèn mờ ảo, đi về nhà thật khua rồi sang ngày mới thì lại "mắt nhắm mắt mở" đi làm việc. Sau một thời gian rồi tôi cũng sẽ quen và xem đó là chuyện bình thường.

Buổi chiều tối, bạn đừng đi tìm nhiều giải trí hoang đàng quá. Sau giờ tan sở, bạn hãy đi ngay về nhà. Trong sự yên tĩnh, ăn một miếng cơm, uống một tách trà hay chén nước gì đó, đọc một cuốn sách, hãy quên đi chuyện trong sỡ làm rồi nhẹ nhàng đi vào giấc ngũ. Buổi sáng hãy dậy thật sớm. nếu như bạn đi làm việc với một tinh thần tươi sáng và vui vẻ thì tôi nghĩ, bạn sẽ thấy cuộc đời này có nhiều thú vị.

Ai trong chúng ta cũng hiểu, cảm giác cô đơn không mang lại lợi ích chi mà lại còn khó chịu nữa. Chúng ta phải đồng lòng chống lại chúng. Nhưng khó thay, có rất nhiều nguyên nhân tạo ra cảm giác cô đơn này, nên ta lại phải càng sớm tìm hiểu để vượt qua khổ ải này. Gia đình là những tế bào căn bản của xã hội này, phải là nơi cho ta niềm hạnh phúc, là nơi cho ta tình yêu và sự đùm bọc trìu mến. Ngoài gia đình, trường học còn là nơi mà trẻ nhỏ được nuôi dưỡng lớn lên, phải là nơi giúp cho trẻ được cảm giác thân tình ấm cúng. Có thế , khi lớn lên trẻ mới trở thành 1 nhân tố mang lại tình người cho xã hội. Có thế, khi trẻ lớn lên mới không cảm thấy sợ người lạ, mới sẵn sàng trò chuyện cùng người khác. Có thế, thì những trẻ này lớn lên mới đóng góp tạo nên bầu không khí cỡi mở nhằm làm giãm bớt những cảm giác cô đơn.

 

VII. Gửi đến những chính trị gia

Bất kỳ một xã hội nào cũng có những chính trị gia phù hợp để sinh hoạt cùng nhân dân. Đức Đà Lai Đạt Ma đã nhận ra , nếu như một xã hội chỉ nghĩ đến tiền bạc và quyền lực thì cũng không có gì làm lạ là xã hội này đã nảy sinh ra số chính trị gia tham nhũng thối nát.

Thói thường các nhà làm chính trị thì lại hay hứa hẹn hầu kiếm phiếu của cử tri. " Các ông bà sẽ thấy, tôi sẽ làm cái này, tôi sẽ thực hiện cái nọ". Theo ý tôi, nếu như các ông bà chính trị gia này muốn được người dân xem trọng tín nễ thì họ nên thành thật, họ chỉ cần chứng minh bằng hành động thì ai ai cũng kính nễ yêu thương họ.

Nếu đã một lần hứa mà không thực hiện được thi hãy đừng lấy làm lạ khi người dân tỏ ý khing bỉ mình. Thành thật là một cá tính căn bản quan trọng. Trong thời gian hiện nay, lúc mà lực lượng thông tin quá mạnh, họ sẵn sàng phơi bày những hành động của những nhân vật quan trọng trong chính trường ra trước công luận, thì không gì tốt hơn hết cho nhóm người chuyên làm chính trị này là phải thành thật- thành thật với chính mình và hãy thành thật với cử tri-

Một khi ta đã chứng tỏ lòng thành của mình, thì tất cả những người thích thú với đường lối chủ trương của chúng ta đưa ra, sẽ ủng hộ rồi góp tay giúp sức hết lòng cùng chúng ta.

Một khi ta chỉ hứa và hứa nhưng đến kỳ bầu cử kế tiếp, những lời hứa hẹn của ta không thể thực hiện được thì khi đó cái giá mà chúng ta phải trả mới thật là đắt : Cử tri không còn tin ta nữa. Những hành động hứa hẹn vu vơ cho có như vậy không những là thiếu đạo đức mà còn được xem là ngu xuẩn. Tại sao ta lại phải cố gắng thật nhiều để làm gì một khi ta lại không lọt được qua cuộc bầu cử kế tiếp ?

Một khi bạn đã đạt được quyền lực trong tay, bạn phải suy nghĩ thật chính xác, không những, về những gì bạn thực hiện, mà ngay cả cho những tư duy của bạn. Khi bạn là ông bà bộ trưởng, là vị Tổng Thống hoặc là vị lãnh tụ đầy quyền lực, bạn sẽ được mọi phía đón chào, suy tôn. Bạn là người có nhiểu ảnh hưởng quan trọng, chính tại vị trí đó bạn phải đặc biệt chú ý đến những tư tưởng và mục tiêu của bạn , nếu không sợ rằng bạn gặp phải mối nguy là đánh mất ra khỏi tầm mắt, sứ mạng cao cả mà người dân giao phó cho bạn. Thật là dễ hiểu : Cứ có càng nhiều người bảo vệ thân mạng cho mình, thì mình lại càng phải tự bảo vệ canh chừng tư duy của mình.

Có rất nhiều người, trước khi được bầu vào thì họ có nhiều tư tưởng sáng tạo trong sáng, mong được phục vụ người dân. Nhưng đến khi được khoác cho chức vụ quan trọng nào đó thì họ lại tự thỏa mãn với chính mình và quên đi những mục tiêu mà mình đã từng tự đề ra.

 Họ tự xem mình là người tốt, là người chuyên chăm lo và bảo vệ người dân. Họ cho rằng , đã phục vụ nhân dân tốt đẹp, nên dần dần họ tự cho mình cái quyền được hưởng lại những gì mà họ nghĩ  là họ có quyền được hưởng, bất kể hậu quả. Đây chính là những người đang dần bước vào hàng tham nhũng.

Một khi chúng ta bắt đầu có quyền lực và ảnh hưởng, Chúng ta phải cẩn thận xấp hai lần như thường lệ.

Ngày hôm nay người dân đã mất dần lòng tin dành cho những nhà chính trị gia. Đây là điều đáng buồn. Rất nhiều người lại cho rằng chính trị là " lối làm ăn dơ bẩn". Sự thật thì chính trị không có gì gọi là dơ bẩn. Chẳng qua , con người đã làm cho nó dơ bẫn đi mà thôi. Cũng giống như, ta không thể kết luận hàm hồ là  một tôn giáo nào đó, ngay từ bản thân của nó là xấu xa, chẳng qua là thỉnh thoảng cũng có những tín đồ lợi dụng để làm mất lòng tin của người ta dành cho tôn giáo đó mà thôi.

Chính trị chỉ bắt đầu trở nên dơ bẩn khi nhà chính trị gia bắt đầu có những hành động thiếu đạo đức. Điều này gây ảnh hưởng không đẹp cho chúng ta, vì rằng các chính trị gia được xem là khuôn mẫu cho người dân, là những gì không thể thiếu được. Nhất là trong thế giới dân chủ, dứt khoát là chúng ta cần có một số lớn đảng phái, một vài đảng trong số này thì lên nắm chính quyền và một vài đảng khác thì đi vào con đường đối lập - Và do đó chúng ta cần có những chính trị gia và những đảng phái chính trị được chúng ta tôn trọng.

Để giảm bớt trách nhiệm cho các nhà chính trị gia, là người dân, chúng ta không được quên rằng : Xã hội tạo nên các nhà làm chính trị. Một xã hội chỉ nghĩ đến vật chất và quyền lực, không lo lắng cho đạo đức tâm hồn thì cũng đừng lạ khi lại có quá nhiều chính trị gia xấu xa hư đốn. Khi đó ta cũng đừng xô đẩy trách nhiệm đến cho một mình họ.

Phương Tôn

Mùa Phật Đản tháng 5.2004

Nguyên tác ALBERT LINK, Bản dịch Phương Tôn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch