Phật pháp ứng dụng
Hóa giải lòng oán hận sâu nặng
Pháp sư Tịnh Không
09/04/2012 02:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hóa giải vì cuộc sống hạnh phúc trên bình diện toàn cầu

Đối với người tu Tịnh độ, hóa giải xung đột vô cùng quan trọng. Trong các kinh điển, Thế Tôn đã giới thiệu thế giới Cực lạc là thế giới hòa bình, bình đẳng, nơi các bậc thượng thiện tụ hội. Nếu tâm không bình đẳng, giờ phút nào cũng mang nỗi oán hận, nhất định sẽ chướng ngại việc vãng sinh. Người vãng sinh tâm phải thanh tịnh, các tổ sư vẫn thường nói “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, hay nói cách khác, tâm không thanh tịnh, thì bất luận người đó dụng công thế nào, có niệm hàng vạn danh hiệu đức Phật cũng không thể vãng sinh:

“Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn

Đau mồm rát họng chỉ uổng công”

Cho nên, phải xem việc này là việc lớn để lo liệu. Không nên cho rằng việc niệm Phật cầu vãng sinh không liên quan tới an định xã hội và hòa bình thế giới. Trước khi vãng sinh, giải thốt trở thành người đại tự tại thì trước tiên chúng ta phải làm cho xã hội an định. Được như vậy, mới chắc chắn có thể vãng sinh Tịnh độ, cùng Phật đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, và đồng hạnh. Chúng tôi đã hai lần tham gia hội nghị hòa bình của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt lần ở Cang Sơn Nhật Bản, cảm xúc rất sâu sắc về vấn đề này.

Theo Phật pháp, mỗi người đời đời kiếp kiếp đều có chủng tử oán hận trong A lại da thức. Người người cùng ở với nhau, luôn cảm thấy không vừa mắt, điều này ai cũng có thể kiểm nghiệm, bất luận thấy người nào, việc gì cũng đều không vừa lòng, đều thấy không vui. Đó là oán hận tích lũy từ vô lượng kiếp, nếu đồng thời bộc phát ra, thế giới này sẽ bị hủy diệt như các tôn giáo phương Tây từng dự đoán. Ngày tàn chính là toàn thế giới bị hủy diệt, trở lại từ đầu.

Xã hội thế gian vào thời kỳ có nhiều người tu tập, nhờ vậy mà bạo phát không xuất hiện. Nhưng tương lai khó ai biết trước. Một số ghi chép gần đây trên internet cho biết, cậu bé bảy tuổi đầu thai đến thế giới này sau khi mãn một kiếp ở Hỏa tinh. Tuổi tác tuy rất nhỏ, nhưng trí tuệ, năng lực hơn hẳn các nghiên cứu sinh đại học. Cậu cho biết, quả địa cầu này vào mấy trăm vạn năm trước đã từng bị hủy diệt, chìm xuống đáy biển. Nơi đó hiện giờ chính là Ấn Độ Dương. Các nhà khảo cổ học không thể kiểm chứng được vì sự việc xảy ra qu lu trong khi năng lực nghiên cứu hiện tượng lịch sử chỉ có thể thực hiện trong khoảng vài nghìn năm, như nổi bật nhất là sự kiện của cách đây 5.000 năm, một mảng đại lục chìm vào đáy biển Đại Tây Dương.

Một mảng đại lục chìm xuống Ấn Độ Dương hàng trăm vạn năm đến nay mới được tiết lộ bởi cậu bé bảy tuổi này. Có thể hiểu oán khí nhiều đời cùng lúc bạo phát mà nhà Phật vẫn nói “Cảnh tùy tâm chuyển”. Cũng vậy, nếu mỗi người đều có lòng oán hận, thế giới này ắt sẽ hủy diệt. Ngược lại, mỗi người đều hoan hỷ, đều có tâm yêu thương, thế giới trở thành Cực lạc. Ta bà và Cực lạc thực ra không hề khác biệt. Thế giới Cực lạc không phải do Phật A Di Đà tạo, Ta bà của chúng ta cũng không phải do Thượng đế, vua Diêm La làm chủ tể, mà kinh Phật nói chính nơi tâm chúng ta làm chủ. Tâm khởi niệm thiện, thế giới mọi thứ đều thiện, người người đều thiện, không có gì bất thiện, thế giới này chính là Hoa Tạng, là Cực lạc. Đức Phật thường nói “Tất cả pháp do tâm tưởng sinh”, người thế gian cũng thường nói “Tâm nghĩ sự thành”. Ta nghĩ đến thế giới Cực lạc thì thế giới Cực lạc liền hình thành; ta nghĩ thế giới này an định, mọi người đối xử bình đẳng, hòa thuận với nhau, không chỉ mình ta nghĩ mà mọi người cùng nghĩ, chắc chắn sẽ thành tựu. “Tâm nghĩ sự thành” thế tại sao chúng ta lại không chịu nghĩ tốt?

Hóa giải xung đột gia đình

Hiện tượng không hòa thuận trong gia đình rất phổ biến, vợ chồng bất hòa, xung đột thường xảy ra. Nguyên nhân do đâu? Do quan niệm mình đúng, người khác không đúng; cả hai đều nhìn thấy không đúng của đối phương thì làm sao có thể hòa thuận. Trước khi kết hôn, chúng ta thường nhìn người yêu với con mắt lý tưởng hóa, mọi thứ thuộc về người đó đều đẹp, đều vừa mắt, nhờ vậy mới có thể đi đến kết hôn. Đó là trạng thái tâm lý trước hôn nhân. Tuy nhiên, nếu vĩnh viễn nghĩ đối phương là đúng, là tốt, khi có mâu thuẫn, chúng ta giành phần sai về mình, cam kết sửa đổi thì gia hòa vạn sự hưng. Ghi nhớ cái tốt của người mới có thể hòa thuận, có thể hóa giải xung đột, và thực sự xúc tiến an định hòa bình. Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ chức cơ bản nhất. Nhà nhà hòa thuận thì xã hội hòa thuận, đất nước giàu mạnh. Mọi người đều phản tỉnh, đều biết khuyết điểm ở chính mình. Nói người khác sai chính là sai lầm to lớn. Ngày nay, đa số chúng ta phạm phải sai lầm này. Người khác làm gì có sai lầm, đạo lý này hiếm người hiểu được, chỉ có Phật Bồ tát hiểu. Vì sao nói người khác đều không có lỗi? Vì sai ở ngay chính chúng ta.

“Cảnh tùy tâm chuyển”, tâm là tâm của chính mình, bên ngoài là cảnh giới tùy theo tâm mình mà thay đổi. Bên ngoài bất thiện do tâm ta bất thiện, chính ta chuyển cảnh giới thành bất thiện. Khi tâm thiện rồi, cảnh giới bên ngoài chẳng phải thiện hết rồi sao? Cho nên hãy nghĩ lại xem sai là do đâu, sai ở chính mình do phiền não tập khí khởi hiện hành. Giới-Định-Huệ không khởi hiện tiền, đức Phật thường giảng trong đại kinh “Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, trí tuệ đức tướng của chúng ta không thể hiện bày, do tham sân si mạn, tự tư tự lợi,… khởi hiện hành làm cho con người xảy ra xung đột, còn nếu là trí tuệ đức hạnh tướng hảo thì sẽ không xảy ra xung đột lẫn nhau. Vì chính tâm chúng ta không tốt, trong tâm có tự tư tự lợi, có danh vọng lợi dưỡng, có tham sân si mạn, có năm dục sáu trần, nên sai lầm lớn là ở chính mình. Trong kinh giáo Đại thừa đức Phật thường nói: “trong tự tánh thảy đều không có”. Đại sư Huệ Năng là người khai ngộ, trong đàn kinh ngài cũng nói “vốn dĩ không một vật, chỗ nào dính bụi trần”. Trong tâm thanh tịnh, trong chân như bổn tánh của chính mình không hề có thứ gì, trong sạch thuần khiết, chỉ có trí tuệ, đức tướng. Mê mất đi tự tánh của chúng ta, đem trí tuệ biến thành phiền não, đem đức năng biến thành ác trược, việc xấu nào cũng làm, đem tướng hảo biến thành thô xấu, biến thành đời ác năm trược, biến thành ba cõi sáu đường, do đâu mà ra? Do chính chúng ta biến hóa ra. Tự mình biến ra, tự mình hưởng thọ, thì còn có thể trách ai.

Cho nên nói sai là hoàn toàn sai ở chính mình. Thực tế hiện tại mọi người đều sai, cả thế gian đều sai. Do đó người giác ngộ rất khổ, người giác ngộ không thể cứu nổi thế gian. Tuy nhiên người giác ngộ có thể cứu chính mình, chúng sinh mê hoặc cùng với người giác ngộ bất hòa, người giác ngộ có thể hòa thuận với chúng sinh mê hoặc, vì người giác ngộ không tranh với họ. Họ muốn tiền, chúng ta đưa tiền, muốn danh đưa danh, muốn thứ gì, ta cho thứ đó. Chúng ta không mong cầu thì không xảy ra xung đột. Vì cả hai cùng tham cầu nên mới xảy ra xung đột. Người mê cho rằng nếu không tranh thì không được, người trí hiểu rõ nhường nơi này, thì lại được ở nơi kia, có khi còn được nhiều hơn cái đã cho. Càng xả càng được nhiều, không cần phải cầu. Đó là đạo lý đức Phật đã dạy nhưng đáng tiếc, chúng sinh lại không tin.

Cầu vãng sinh Tịnh độ, thực hành xả bỏ

Chúng tôi đã giảng điều này hàng trăm lần ngàn lần, nhưng không có người nghe thấu, không có người chịu làm theo. Chúng tôi vẫn phải giảng hàng vạn lần, ai nhập tâm, y giáo phụng hành thì sẽ được lợi ích. Nhiều năm giảng như vậy, chỉ được số ít, khoảng ba hoặc bốn người làm theo. Họ không tranh tài mà có thể xả tài. Không luận làm sự nghiệp gì, họ đều kiếm được tiền, trong khi người khác lỗ vốn. Ở đây cư sĩ Phó là một trong số ít những người đó, họ cứ xả ra, làm tài thí, pháp thí, vô úy thí, liều mạng mà làm. Ở Đài Loan cũng có một hai người, ứng dụng trong suốt mười mấy năm, nói với chúng tôi rằng thật hiệu nghiệm, Phật không gạt chúng ta. Bản thân chúng tôi cũng đã ứng dụng qua 50 năm, thực chứng hiệu nghiệm.

Người thế gian hy vọng được nhiều tiền của, hy vọng được thông minh trí tuệ, được khỏe mạnh sống lâu, mà không nghe lời đức Phật thì làm sao đạt được sở nguyện. Mỗi ngày tâm không bình, tâm oán hận, thì chẳng những không đạt được, mà mạng càng ngày càng bị tổn hại. Sau khi chúng tôi từ Nhật Bản trở về, nghĩ đến câu nói của Lão Tử: “Hòa đại oán, tất hữu dư oán, an khả dĩ vi thiện”, có nghĩa “Hóa giải xung đột sâu nặng”, là yếu tố mỗi người chúng ta đều phải có. Gia đình xung đột, vợ chồng xung đột, rộng hơn nữa là xã hội, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo xung đột, nên hóa giải xung đột là vô cùng cần thiết. Không hóa giải thì phiền phức, đời đời kiếp kiếp oan gia đối đầu, không hề ngừng dứt, đôi bên đều thống khổ. Trong tâm thanh tịnh của chúng ta không có xung đột, nên chỉ cần xuất hiện xung đột nhỏ thì liền chướng ngại việc vãng sinh. Khi sắp vãng sinh, oan gia trái chủ tìm đến bên thân chúng ta để báo thù, không để chúng ta vãng sinh, đó cũng chính là ma chướng mà chúng ta thường nói đến.

Hôm qua, chúng tôi gặp một người đến từ Malaysia, người này bị ma dựa. Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất trong rất nhiều người bị ma dựa, chúng tôi liền khuyên họ nên hóa giải, không hóa giải đời đời kiếp kiếp đôi bên đều chịu khổ, giày vò lẫn nhau. Thế gian này bao gồm cõi trời và nhân gian đều loạn. Nhân gian không dễ ở, cõi trời không dễ đi, tốt nhất vẫn là thế giới Cực lạc. Thế giới Cực lạc có thể đến được, vạn người tu vạn người được. Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật mà mười phương ba đời chư Phật thảy đều khuyên bảo chúng ta cầu sinh Tịnh độ, nếu không tin tưởng, còn hoài nghi, thì đó là ngu si tột đỉnh, là Nhất Xiển Đề, người không có thiện căn mà kinh đã nói. Do đó chúng ta tiếp nhận lời khuyên bảo của tất cả chư Phật, ngay trong đời này nhất định phải sinh Tịnh độ. Đã quyết tâm sinh Tịnh độ thì còn có thứ gì không thể xả bỏ. Mọi thứ đều xả bỏ, không còn so đo với người, sống được một ngày trên thế gian thì cứ hoan hỷ với mọi người.

“Hang thuận chúng sinh tùy hỷ công đức”, chúng sinh muốn thứ gì, tất cả đều tùy thuận, thì khi lâm chung chúng ta mới đi được. Nhất là những người trung niên trở lên, phải xem việc này là việc lớn trong đời. Khi đến bảy mươi tuổi thảy đều buông bỏ hết. Bản thân chúng tôi, một đời này cũng chỉ hướng đến hai từ “buông xả”, lời khuyên này hoàn toàn không dư thừa, vì lời thừa là tạo khẩu nghiệp, gây ra chướng ngại. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, 79 tuổi nhập Niết bàn, tính theo tuổi mụ là 80 tuổi. Thực tế thế gian này còn rất dài, nhưng bản thân chúng tôi đang đứng trước ngưỡng tuổi này nên cũng đã nghĩ đến lúc sắp ra đi. Khi chúng ta có quan niệm chuẩn bị này thì mới có thể buông bỏ, mới có thể không tranh với người. Ai cần danh, ta cho danh, cần lợi ta đưa lợi, muốn cả địa cầu này, chúng ta đều nhường tất. Sau đó hân hoan vui vẻ ra đi, chúc phúc cho người ở lại sống tốt và hòa thuận.

Đại sư Ấn Quang dạy người cầu sinh Tịnh độ bằng cách dán chữ “Chết” lên trán để hàng giờ hàng phút tâm niệm mình sắp phải ra đi, đừng nên tranh giành, đấu đá. Cuộc đời như giấc mộng, rỗng không. Sáu trăm quyển kinh Đại Bát Nhã mà đức Phật giảng trong suốt hai mươi hai năm luôn lặp đi lặp lại câu “Tất cả pháp không, sở hữu hết thảy đều không”. Khi thật sự thơng hiểu, minh tường, tâm sẽ định, không còn tranh đua. Tâm định khai trí tuệ, việc xuất thế gian sẽ dễ dàng tường tận, đọc kinh cũng dễ dàng liễu ngộ.

Chúng ta không những phải xả cả địa cầu này, xả cả cõi dục, cõi vô sắc, mà còn phải xả luôn mười pháp giới. Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật tất cả đều phải xả. Rời mười pháp giới mới có thể đến được Nhất chân pháp giới, đây chính là sự buông bỏ mà Đại sư Chương Gia đã dạy chúng tôi. Vì sao chúng ta không ra khỏi được mười pháp giới? Vì chúng sinh sáu cõi không thể thoát khỏi luân hồi, họ không chịu xả luân hồi, đó là sai lầm. Trong pháp giới vốn dĩ không có những thứ này. Những thứ này là từ vọng tưởng, phân biệt chấp trước biến hiện ra, nên chúng uyển tưởng, không có gì là chân thật. Chúng ta lấy giả cho là thật, cái thật thì lại hoàn toàn không biết. Rất đáng thương. Hiện tại chúng ta tuy ở trong vòng lẩn quẩn của sáu cõi, nhưng nếu muốn giúp chúng sinh cũng trong vòng lẩn quẩn, thì chúng ta phải thật sự hy sinh cống hiến bằng cách y giáo phụng hành. Hãy là tấm gương cho người noi theo.

Đời sống của bản thân chúng tôi rất thoải mái, nhiều hạnh phúc, bởi vì chúng tôi buông bỏ được. Trước lời hủy báng, chúng tôi cảm kích và thật tâm tán thán. Vì sao tán thán? Vì người hủy báng chính là ân nhân giúp ta tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng nếu không thể tiêu, về sau cũng phải tiêu ở ba đường ác. Ba đường ác từ nghiệp chướng của chúng ta mà biến hiện ra. Ac nghiệp ác chướng nhất định phải tiêu, không tiêu không thể kiến tánh. Ba đường thiện cho chúng ta tiêu phước. Phước cũng phải tiêu, ác cũng phải tiêu. Sáu cõi không gì khác đó là tiêu nghiệp. Đến ba đường thiện để tiêu nghiệp thiện, ba đường ác để tiêu ác nghiệp. Tâm thanh tịnh không có ác cũng không có thiện, gọi là “chân thiện”. Trong kinh, đức Phật gọi “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, ám chỉ người thiện ác đều không có, đó là chân thiện. Vì vậy không nên nhầm lẫn, thiện ác chỉ là tương đối trong sáu cõi luân hồi. Khi trở thành Phật Bồ tát thì thiện đó là “thuần thiện”.

Truy nguồn gốc của xung đột để tìm cơ sở hóa giải

Sau khi từ Nhật Bản trở về, chúng tôi đã viết ra bức hoành gồm hai câu của người xưa: “Đồ tri hòa kỳ đại oán, nhi bất tỉnh kỳ đại oán chi sở do hưng”, có nghĩa là chúng ta chỉ biết hóa giải tranh chấp, xung đột nặng nề mà không biết được cội gốc của tranh chấp xung đột ở nơi đâu. Câu thứ hai là “Tuy hòa chi dĩ chí công, nhi bất miễn hữu dư oán”, có nghĩa là dùng công bình, công chánh để hòa giải. Bức này in xong sẽ tặng đến mọi người.

Tình huống “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, ngoài mặt đã hóa giải nhưng trong lòng vẫn còn oán hận, vịêc này sẽ khó. Oán hận của chúng ta sinh ra từ tình chấp, cảm tình chấp trước. Tình chấp do mê mất đi bổn tánh. Trong bổn tánh không có tình chấp, mê mất đi bổn tánh mới sinh tình chấp. Cái tình này chính là phân biệt, chấp này chính là chấp trước mà kinh giáo Đại thừa gọi là tám thức, 51 tâm sở. Trong tám thức, A lại da là khởi tâm động niệm, Mạt na là chấp trước, thức thứ sáu là phân biệt, cũng là tình chấp. Sau khi mê mất đi tự tánh, đem tự tánh biến thành tám thức, gọi là tình chấp. Trong A lại da gom chứa từ vô lượng kiếp đến nay kết thành chủng tử. Vì vậy cái dư oán này không thể hóa giải. Tự tánh vốn không mê vọng, làm gì có oan kết. Cho nên muốn hóa giải oán kết, mỗi người đều phải tu phá phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, đến cảnh giới báo độ của chư Phật, “thật báo trang nghiêm độ của chư Phật”. Đây gọi là giải quyết triệt để cứu cánh viên mãn, việc này tương đối khó.

Ngoài ra còn phương pháp khác, đó chính là mang nghiệp vãng sinh, sinh đến thế giới Tây phương Cực lạc, thì vấn đề này cũng được giải quyết cứu cánh viên mãn. Cho nên câu nói của Lão Tử, chúng ta biết, ngay trong một đời này, nếu không sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì rất khó hóa giải. Vì cái tình kết trong A lại da thức không thể khai mở. Chúng ta xung đột với tất cả chúng sinh trên thế gian, phiền phức rất lớn, đời đời kiếp kiếp khổ không nói ra lời. Chúng ta có thể đi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, sau khi đi sẽ trở lại, thừa nguyện tái lai, giúp đỡ những chúng sinh khổ nạn. Tình kết mê đã quá nặng, là gốc của khổ nạn, chúng ta đến giúp đỡ, làm người hòa giải. Chư Phật Bồ tát ứng hóa ở mười pháp giới không gì khác hơn là làm người hòa giải.

Cho nên câu thứ nhất này, “Đồ tri hòa kỳ đại oán, nhi bất tỉnh kỳ đại oán chi sở do hưng”, ý tứ sâu sắc vô cùng, cho thấy việc học Phật nếu không thành tựu thì không thể giải quyết được vấn đề của chính mình.

Vua Thương Thang, một bậc thánh nhân đã từng nói “Vạn phương hữu tội, tội tại trẫm cung”, người trong thiên hạ có tội, tội đó do ta. Bởi vì ông là quốc vương, nhân dân có tội, cũng vì quốc vương không dạy tốt. Chúng ta thể hội ý này, quay đầu nhìn lại gia đình mình. Một người trong gia đình không tốt, thì chính ta có tội, không thể trách cha mẹ, anh chị em. Giác ngộ mà không thể cảm hóa được người nhà thì có tội, lỗi ở chính mình. Thánh nhân không giống người thường. Người thường quy đúng về ta, quy lỗi cho đối phương, như vậy là đại tội, không tội nào nặng hơn. Người lãnh đạo bất cứ đoàn thể nào, đoàn thể không tốt thì người lãnh đạo có tội. Trách nhiệm của người lãnh đạo gói gọn trong ba chữ: “Quân, Thân, Sư” Chỉ cần làm tròn ba chữ này, công đức vô lượng.

Quân là lãnh đạo, kế hoạch chiến lược, dẫn dắt. Thân là chăm lo, nuôi dưỡng. Sư là giáo dục, nếu giáo dục không tốt, chúng ta không thể giải quyết vấn đề đời sống của nhân dân, không thể lãnh đạo, tội lỗi sẽ rất nặng. Lời nói của vua Thang rất có đạo lý, người lãnh đạo các cấp trong xã hội nên hiểu ý này. Ngoài ra Trang Tử, là một dân thường cũng nói “dĩ đắc vi tại nhân, dĩ thất vi tại kỷ.”

Trong hội nghị ở Cang Sơn chúng tôi đã dẫn hai câu nói trên, nếu chúng ta làm công tác hòa bình thì phải chuyển đổi quan niệm, người khác đều đúng, lỗi lầm là chính mình. Nói người khác sai là ta sai, người khác đúng là ta đúng. Những người tham dự sau khi nghe rất cảm khái và cho rằng quá khó. Khó cũng phải làm. Đây chính vì thế giới an định hòa bình mà cống hiến. Chỉ nói trên miệng, kêu gọi hòa bình, kêu gọi an định, thì hòa bình an định không thể được thực hiện. Người làm công tác hòa bình cần ưu tư điều này. Trung Quốc có một thánh nhân là vua Thuấn, vua Thuấn nhìn thấy mọi người đều đúng, chỉ có mình sai, cho nên mỗi ngày phản tỉnh, mỗi ngày thay đổi, tự làm mới, trở thành đại thánh nhân.

Cuối cùng, tất cả chúng ta hãy đồng khích lệ lẫn nhau. Người xưa nói “Nhiên tắc thánh nhân, thường thọ thiên hạ chi trách” là người tốt, học thánh hiền, đi con đường chánh pháp, ắt sẽ có nhiều người đố kỵ, hủy báng, nhục mạ, chúng ta phải chịu trách cứ của thiên hạ, không nên phát khởi oán hận trách cứ người khác thì oán hận từ vô lượng kiếp mới có thể hóa giải được.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch