Chánh
niệm trong Phật giáo
Đa số những
người sống ở Âu Mỹ, có đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng vẫn cảm thấy đau khổ,
bất mãn, bởi họ thường sống với quá khứ hoặc tương lai mà quên đi hiện tại. Khi
có dịp đến với đạo Phật, nhất là pháp môn thiền quán, tu tập chánh niệm một
thời gian thì họ cảm thấy yêu đời, biết thưởng thức những niềm vui giản dị và
tìm lại được hạnh phúc trong đời thường. Rồi từ đó họ cho rằng tu thiền
"Chánh niệm" thì giây phút hiện tại sẽ trở nên đẹp tuyệt vời.
Câu hỏi
được đặt ra là phải chăng tất cả những người tu thiền "Chánh niệm"
đều thấy giây phút hiện tại đẹp tuyệt vời?
Tất cả pháp
thiền của Phật giáo, dù Nam
tông hay Bắc tông cũng đều dạy "Chánh niệm". Nhưng nếu thực hành
"Chánh niệm" theo truyền thống Thiền Minh sát hay Tứ niệm xứ thì hành
giả sẽ nhận ra rằng giây phút hiện tại không có gì gọi là đẹp. Càng chánh niệm
theo dõi hơi thở, sự phồng xẹp của bụng, sự sinh diệt của cảm thọ thì sẽ thấy
rõ ba đặc tướng của sự vật là vô thường, khổ, vô ngã. Sự vật xảy ra và biến mất
quá nhanh, hành giả không kịp thì giờ để định danh nó là đẹp hay xấu, sướng hay
khổ. Hơn nữa sướng hay khổ chỉ là những khái niệm tương đối của thế gian, của
tâm thức nhị biên, luôn thấy sự vật theo hai chiều, phải trái, đẹp xấu, ưa
ghét, vui buồn ...
Ta chưa cần
phải tu thiền tới mức chánh niệm bén nhạy để thấy sự vật tan rã trong từng giây
phút, chỉ cần tư duy theo Bát bất Trung đạo (bất sinh bất diệt, bất thường bất đoạn,
bất nhất bất nhị, bất lai bất xuất) hoặc theo kinh Bát Nhã (các pháp không sinh
không diệt, không nhơ không sạch) cũng đủ hiểu là sự vật không có gì thực sự là
đẹp hay xấu, nó chỉ là nó, là như thị. Những nhãn hiệu xấu đẹp đều do ý thức
bịa đặt gán vào cho sự vật.
Ta đang ngồi
bên người yêu thì giây phút hiện tại sẽ đẹp tuyệt vời và muốn thời gian ngừng
trôi. Ta đang hút thuốc phiện hay sì ke thì thân tâm cảm thấy bay bổng chín
từng mây và giây phút đó cũng rất mê ly tuyệt vời, vì thế người nghiện là người
luôn muốn tìm lại những giây phút này.
Thực tập
chánh niệm
Ta thực tập
chánh niệm, nhận ra thân tâm của mình thay đổi trong từng giây phút, ngồi lâu
một chút là thân bị đau nhức, mệt mỏi, còn tâm thì phóng chạy lung tung, nghĩ
đủ thứ chuyện, như vậy là bất như ý, bất toại nguyện, đâu có gì tuyệt vời.
Ngoài ra với hành giả đang bị ung thư, viêm gan, hay đơn giản bị đau răng, nhức
đầu, đói bụng thì không biết giây phút hiện tại có đẹp không?
Điều kỳ lạ
là khi tâm nhìn thấy rõ thực tại vô thường, khổ (bất như ý) và vô ngã thì tự nó
được giải thoát khỏi mọi ràng buộc và hết khổ.
Người đời
đau khổ, đi tu để tìm phương pháp dạy cho mình sung sướng, đó là đi từ cực đoan
này sang cực đoan khác. Tu tập "Chánh niệm" theo truyền thống Nguyên
thủy là tập chấp nhận thực tại, nó ra sao thì ghi nhận và chấp nhận nó là như
vậy, không cần phải tưởng tượng bóp méo, xấu mà bảo là đẹp, khổ mà nói là
sướng. Khi tâm ghi nhận một cách khách quan, không dán nhãn, đặt tên lên sự vật
thì nó vượt lên trên sự đối đãi nhị biên và từ đó thoát khổ một cách tự nhiên.
Giây phút hiện tại chẳng có gì đẹp, cũng chẳng có gì xấu, nó là nó, là như vậy.
Hiện tại
tuyệt vời
Tâm bạn luôn
buồn rầu, nhớ tưởng quá khứ, lo lắng tương lai, không ý thức những gì đang xảy
ra trong hiện tại thì việc thực tập an trú trong hiện tại là liều thuốc đại bổ.
Một khi biết đưa tâm trở về thực tại thì bạn có thể thưởng thức được những cái
hay, cái đẹp mà xưa nay bạn vô tình không nhìn thấy. Như vậy bạn có thể nói
"Giây phút hiện tại đẹp tuyệt vời!" Đó là cảm nhận có thật của bạn.
Cảnh vật bên
ngoài tự nó không xấu, không đẹp, không vui, không buồn nhưng "Người buồn
cảnh có vui đâu bao giờ". Khi ta mang tâm trạng buồn thì nhìn thấy cảnh
buồn. Khi tâm vui thì nhìn cảnh cũng thấy vui. Cảnh vui buồn, đẹp xấu là do tâm
trạng bên trong "Phóng chiếu" ra ngoài. Vậy thì cảnh có đẹp thật hay
không?
Điều này tùy
bạn muốn đứng phía nào nhìn cảnh. Nếu đứng trên thực tánh, nương theo cái nhìn
của Bát nhã thì cảnh không xấu không đẹp. Nếu đứng trên nhị biên, nương theo
cái nhìn của "Vạn pháp duy thức biến" thì cảnh vẫn có xấu đẹp.
Giây phút
hiện tại đẹp tuyệt vời cũng được mà chẳng đẹp chẳng xấu cũng được! Bởi vì ai là
người quyết định?
Buông xả
gánh nặng
Trong buổi
thuyết trình về "Điều hòa sự căng thẳng", giáo sư cầm ly nước đưa lên
và hỏi thính chúng: "Ly nước này nặng khoảng bao nhiêu?"
Nhiều người
trả lời khoảng từ 20g đến 50g. Giáo sư nói tiếp: "Nó nặng chính xác là bao
nhiêu không quan trọng. Vấn đề ở chỗ quý vị có thể cầm nó trong bao lâu?"
"Nếu
tôi cầm nó trong một phút thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu tôi cầm nó trong
một giờ thì tay tôi sẽ bị đau và nếu tôi cầm nó suốt một ngày thì chắc quý vị
phải gọi xe cứu thương tới!"
"Trong
ba trường hợp trên, sức nặng của nó vẫn y nguyên, nhưng tôi cầm càng lâu thì nó
càng nặng". Giáo sư tiếp: "Đó chính là lý do vì sao cần phải biết
điều hòa sự căng thẳng. Nếu chúng ta cứ vác trên vai suốt ngày những gánh nặng
thì không sớm cũng muộn, những gánh nặng đó sẽ trở thành nặng hơn cho tới lúc
vai chúng ta bị gãy".
"Trở
lại với ly nước, tôi cần phải để nó xuống một lúc cho đỡ mỏi rồi mới cầm lên
lại. Khi được nghỉ ngơi, khỏe khoắn thì chúng ta dễ vác những gánh nặng
hơn".
"Vậy
thì trước khi trở về nhà tối nay, quý vị hãy để những gánh nặng của việc làm
xuống. Đừng đem nó về nhà. Ngày mai trở lại sở hãy vác nó lên tiếp. Bất cứ
những ưu tư, lo lắng, phiền muộn nào mà quý vị đang mang trong người, hãy để nó
xuống trong giây lát. Dành trọn thì giờ để buông thả và quên đi. Đừng lo, chúng
sẽ không chạy mất đâu. Khi nào nghỉ ngơi khỏe khoắn thì hãy vác chúng lên lại.
Cuộc đời ngắn ngủi lắm! Đừng dại dột ôm giữ chúng hoài!"
Biết sống
một mình
Trong kinh
Nhất dạ hiền giả (còn gọi là kinh Người biết sống một mình), thuộc Trung Bộ
kinh, Đức Phật có dạy đừng tìm về quá khứ, vì quá khứ đã qua rồi, đừng tìm về
tương lai, vì tương lai chưa tới, hãy an trú trong hiện tại. Các thiền sư cũng
thường dạy như vậy, nhưng Phật tử nào cũng ôm đồm đủ thứ, nào là lo xây chùa,
lập hội, tổ chức cơm xã hội gây quỹ, lễ lược, v.v... Đi làm về nhà thì chưa
quên việc sở, bàn tán chuyện sở với bạn bè và vợ con. Đến chùa thì chưa quên
việc nhà, đem chuyện chồng con, gia đình, họ hàng kể lể với bạn đạo. Lời Phật
dạy hình như nghe quen quá thành nhàm. Câu chuyện ly nước trên nhìn qua chẳng
ăn nhập gì với đạo Phật, nhưng nếu biết nhìn với nhãn quan đạo Phật thì nó cũng
là bài pháp dạy cho ta buông xả, xả những vọng tưởng, phiền não, lo lắng, ưu tư
bất tận của chúng ta.
Ta sống
trong đời, nhiều căng thẳng, bực dọc, chúng ta tìm đến chùa để mong tìm sự giải
thoát, nhưng vô tình không biết buông xả những gánh nặng trong tâm. Trước khi
bước vào cổng chùa, chúng ta nhớ đặt những gánh nặng thế gian (việc làm, gia
đình, tình cảm, thế gian, ...) ở bên ngoài. Vào chùa là để cho tâm nghỉ ngơi,
lấy sức để khi ra về có sự khỏe khoắn sáng suốt giải quyết vấn đề.
Chú
Thích:
1.
Danh từ chuyên môn Minh Sát Tuệ gọi là "Tuệ sinh diệt”
2.
Phương pháp biện chứng của Long Thọ (Nagarjuna)