Phật pháp ứng dụng
Ăn Chay, Niệm Phật, Thương Người, Thương Vật
Tuệ Anh
02/11/2014 22:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

       Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh, suốt đời Ngài khi giáo huấn, chia sẻ cho mọi người, từ người xuất gia cho đến cư sĩ tại gia, từ người già cho đến trẻ nhỏ, từ hàng trí thức cho đến người bình dân, thường chỉ nói một câu không khác: “Hãy cố gắng ăn chay, niệm Phật, thương người, thương vật”.

         Hòa - thượng là vị cao tăng nước Việt thời hiện đại tinh thông Tam tạng. Ngài đã từng giảng dạy và phiên dịch kinh luật luận Đại thừa Phật giáo, tiêu biểu là kinh Pháp hoa (7q), kinh Hoa nghiêm (80q), kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật đa (30q). Đó là ba trong số những bộ kinh có ý nghĩa thâm diệu nhất của Đức Phật. Sao hòa thượng không dạy chúng ta “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, không dạy chúng ta bao giáo lý áo diệu của Phật pháp mà lại nhắc nhở những việc giản đơn đến mức ai nghe xong cũng phải cúi đầu cười mỉm? 

       Vậy chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu việc ăn chay.
 
       Ăn chay
 
      Về mặt sinh lý, chúng ta biết rằng con người bắt nguồn từ loài ăn trái cây, rau củ. Loài ăn thịt, để săn đuổi, giết chóc, xé thịt, và nuốt chửng thức ăn nên chúng có cấu tạo răng nanh, móng vuốt rất sắc nhọn. Do tính chất mau thối rữa của thịt, để chất độc hại của thịt được mau chóng thoát ra ngoài, ruột của loài ăn thịt chỉ dài gấp 3 lần chiều dài cơ thể. Còn con người, răng con người cấu tạo bởi răng hàm và xương quai hàm để nghiền thức ăn rồi nuốt, ruột con người dài gấp 12 lần cơ thể, là chiều dài thích hợp để tiêu hóa rau củ, hoa quả. Với cấu tạo của ruột dài gấp 4 lần động vật, nếu con người ăn thịt thì bao nhiêu chất độc hại đều bị ngấm qua ruột, đi vào trong cơ thể… 

       Vậy tại sao con người lại ăn thịt? Do thói quen, tập quán. Khi một đứa trẻ chào đời, người làm cha, mẹ luôn mong muốn đem lại cho con mình những loại thực phẩm có nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất. Và họ chỉ nghĩ đến những món ăn có nguồn gốc từ động vật. Nhưng nếu nói ăn thịt chúng sanh là để bổ dưỡng thân thể thì không đúng. Chưa kể, khi con vật bị giết chết, sự sợ hãi, lo lắng, căm hận làm cơ thể chúng tiết ra biết bao nhiêu chất độc, vậy cái mà chúng ta hấp thụ là dưỡng chất hay độc chất?

      Là người biết đạo lý, thì việc sai quấy nhất quyết không làm. Dù ăn chay có làm cơ thể suy yếu, tinh thần mỏi mệt, bệnh tật, yểu mạng, nhưng nếu đó là việc làm đúng thì ta cũng phải ăn chay, có chết cũng không ăn thịt. Vậy mới gọi là người có chí khí, biết phân biệt đúng sai, huống chi ăn chay là bổ dưỡng. Sống phải vì lợi ích chúng sanh, vì chúng sanh mà sống thì mới xứng đáng một đời làm người. 

       Ăn chay không chỉ bố thí sự sống mà còn bố thí sự không sợ hãi. Chúng sanh sẽ không cần phải kinh sợ, bỏ chạy khi thấy ta nữa. Nếu một mặt nghĩ mình là người tốt, phấn đấu vì sự phát triển xã hội, tích cực làm từ thiện, giúp đỡ người lúc nguy khốn, khinh chê việc xấu ác, nhưng mặt khác vẫn ăn thịt, chưa có ý thức rốt ráo về ý nghĩa sâu sắc của việc ăn chay thì làm sao xứng đáng cho một đời làm người. Còn người ăn thịt nghĩa là còn sát hại và mạng sống chúng sinh vẫn còn bị đe dọa từng ngày từng giờ. Không phải là thật mâu thuẫn lắm sao?
Ăn chay trường được thì còn gì bằng. Nhưng nếu không, ăn chay một ngày cũng được, nửa ngày cũng được, một bữa thôi cũng rất đáng quý. Hãy tập từng ngày, từng ngày. Đừng lo lắng khi bạn chỉ ăn được nửa ngày. Chỉ bấy nhiêu  thôi các con vật đã cảm kích rất nhiều rồi đấy. Tôi đã biết có những người chỉ ăn chay được buổi sáng tới trưa, đến chiều thì không thể không ăn thịt. Không sao cả, nếu một tháng bạn ăn được như vậy thì cũng như 15 ngày bạn ăn chay. Một nửa số con vật lẽ ra bị ăn thịt nay đã được bạn cứu thoát. Ăn chay không quen, mau đói, dễ mệt mỏi, nhưng có đáng gì đâu một cơn đói vài phút so với sinh mạng của một chúng sanh. Hãy gắng lên, vì chúng sanh, vì tương lai không đọa ba đường ác, chúng ta phải cố gắng lên!

      Một hành động tích cực hơn của việc ăn chay là phóng sanh. Chúng ta ngừng giết hại, ngừng gieo rắc nỗi đau, sự thống khổ cho các loài, không tiếp tục gây thêm nghiệp ác. Vậy là đã tốt một phần. Thế nhưng, như người đánh bạc, khi họ dừng tay không còn đam mê đỏ đen nữa, nhưng món nợ bài bạc vẫn còn dai dẳng đeo bám họ, đâu dễ buông tha! Do đó mà ta phải phóng sanh. Phóng sanh cứu mạng chúng sinh, phóng sanh gầy dựng phước báo. Điều đó cũng tựa như ta đang mua một công cụ “bảo hiểm” chắc chắn và mang lại lợi nhuận cao nhất vậy. Hãy khởi lên lòng từ bi, hãy lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh. Của ít, lòng nhiều. Tôi đã từng biết những hội phóng sanh với quỹ ban đầu chưa tới 100.000 đồng. Nhưng tích tiểu thành đại, ít nhiều đâu là vấn đề. Nếu bạn ngại việc phóng sanh của bạn là nguyên nhân khiến các con vật bị bắt rồi bán trước các cổng chùa thì bạn hãy vào chợ mua, hay thấy các con vật đang sắp bị giết thì ra tay cứu giúp. Có người nói rằng mình có cứu chúng thì do nghiệp báo chúng sẽ lại bị bắt nữa thôi. Điều này không sai, nếu là do nghiệp của chúng thì chúng sẽ phải lại bị bắt rồi đem bán thêm một lần, hai lần, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Nhưng những việc đó làm sao ta thấu suốt hết được. Một người tù phải nhận án trăm năm, nếu được có người xin cho được tự do dẫu chỉ một giây một phút thì họ vẫn vui mừng không kể xiết. Cho những ai còn nghi hoặc, thì phát khởi lòng từ, đem lại sự an vui, hạnh phúc, sự không sợ hãi, giải thoát sự cầm tù, giải phóng sinh mạng, đó là chân thật phóng sinh. Tâm nghi ngờ, tính toán chính là chướng duyên, ngăn trở tâm bồ đề phát khởi.

        Con người chúng ta ai cũng muốn có một cuộc sống an bình, tươi đẹp, tất cả mọi người đều sống chan hòa với nhau, thế sao chúng ta không cùng nhau vun đắp cho những nhân thiện lành để có được quả thiện lành? Tập dần thói quen ăn chay là một trong những cách hữu hiệu để vun đắp cho nhân thiện lành. Ăn chay không những mang lại những lợi ích lớn cho sức khỏe mà còn ngăn chặn được nạn bạo lực, chiến tranh.

        Ăn chay chính là nuôi dưỡng lòng từ bi với vạn vật xung quanh. Khi ăn chay, tâm tính ta sẽ điều hòa, cơ thể thanh sạch. Khi tiếp nhận những dưỡng chất thích hợp, cụ thể là những món chay, nhất định chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn người ăn thịt. Có người nói ăn chay không đủ chất, sẽ bị bệnh. Số khác lại nói “tôi sức khỏe rất yếu, phần lại đang mang bệnh nên không thể ăn chay được, phải ăn thịt thì bệnh mới khỏi được!”. Ăn chay hay ăn thịt, khi chúng ta tuân theo một chế độ ăn hợp lí, đầy đủ chất dinh dưỡng, thì cơ thể tất nhiên khỏe mạnh. Mặt khác, khi lựa chọn ăn chay cơ thể sẽ được thanh lọc cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy nói “ăn chay không đủ chất, ăn thịt mới đủ” chỉ là một lời nói suông không căn cứ. 

       Ăn chay là ta không ăn thịt những loài động vật, nghĩa là chúng ta đã đang đoạn dần sợi dây oán thù bấy lâu nay. Hãy thử đặt mình vào vị trí các con vật bị sát hại. Sao không oán hận cho được khi sinh mạng mình bị giết chỉ để thỏa mãn vị giác con người trong một bữa ăn. KinhLăng già, Phật nói “người ăn thịt mắc vô lượng tội”; kinh Lăng nghiêm, Phật dạy “người đời này ăn thịt, đời sau phải đem thân mạng đền trả”. Đến lúc đó, ta chết thì đã đành nhưng rồi còn lại những đứa con ta, gia đình chia ly phân tán, và rồi các con ta trong tương lai cũng chung số phận như ta. Họ xem ta chỉ là những lát thịt thơm lừng trong những tô phở, những vị thuốc đầy bổ dưỡng. Ta là ai, ta chỉ là những con bò, con heo, con gà hay chỉ là những con cá bé xíu, sinh ra chỉ muốn được thỏa mình trong dòng nước mát, những chú chim sẻ khao khát bay lượn dưới bầu trời xanh trong. Ta cũng có cha, có mẹ, cũng có mạng sống, quyền tự do tồn tại trên thế giới này. Ta cũng có mục đích sống nhưng rốt lại ta chỉ là một món ăn, giải quyết cơn đói trong phút chốc cho con người, bỏ lại cả một cuộc đời tự do hằng mong đợi. Đơn giản mạnh được yếu thua. Thứ ba, ngày 25.07.2006, báo Tuổi Trẻ, có bài  “Bò mẹ ngất khi thấy bò con bị làm thịt” không dài, nhưng có lẽ chẳng ai lại dễ dàng quên được.
 
       Thương người
 
      Tại sao phải thương người? Hay nếu ngược lại, nếu ta không thương người thì sao? Hãy thử hình dung một thế giới mà không có lòng thương người. Xã hội độc ác, mỗi người chỉ biết đến bản thân, vô nhân đạo, vô trách nhiệm, ỷ mạnh hiếp yếu, sẵn sàng bóc lột, hành hạ người khác mà không có một chút áy náy, lo sợ. Người làm chồng, làm cha không tròn trách nhiệm chăm lo gia đình, làm trụ cột gia đình, bảo bọc vợ con. Người làm thầy không giữ đạo đức, lễ nghĩa, không trọn tài đức làm thầy. Người làm chủ, làm lớn mặc sức hà hiếp, lấn lướt kẻ dưới. Con cái bất hiếu, học trò bất nghĩa, người làm bất trung sẽ vì vậy mà sinh ra. Không có lòng thương, những câu chuyện như cậu bé Nguyễn Hào Anh sẽ không còn là chuyện bất ngờ vì đó sẽ là chuyện được nghe thấy, được trông thấy hằng ngày. Ngày 01.05.2010, công an xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau giải cứu được cậu bé Hào Anh, trong tình trạng khuôn mặt biến dạng, môi sứt, cơ thể chằng chịt vết thương. Vụ việc này làm báo chí lúc ấy tốn không ít giấy mực. Nếu người cha thương con, có trách nhiệm thì đâu bỏ vợ và 3 đứa con ra đi? Nếu người mẹ không chủ quan, quan tâm hơn thì làm sao để sự hành hạ dã man xảy ra suốt nửa năm trời với con trai mình mà không hề hay biết? Nếu người chủ có lương tâm và có được một chút lòng nhân ái thì làm sao lại có những hành động tàn nhẫn đó được? Hai vợ chồng người chủ, tổng cộng 46 năm tù. Mỗi người 23 năm. Mẹ Hào Anh hối hận vì sai lầm của mình. Hàng ngàn người dân tỉnh Cà Mau chen chúc nhau đứng dưới mưa để nhìn tận mặt đôi vợ chồng người chủ độc ác…

        Lương tâm, lòng tốt, trách nhiệm, lòng biết ơn đâu rồi? Mất đi lòng thương người, các đức tính tốt cũng không cánh mà bay. Từ thuở sơ khai, con người đã ở bên nhau để cùng sống, cùng chia sẻ, cùng phát triển. Nhờ tinh thần đoàn kết, sẻ chia, tình đồng loại mà con người mới có được thành tựu như ngày nay. Nhưng đồng thời, lòng tham và sự sân hận cũng là nhược điểm lớn nhất của loài người. Chiến tranh. Biết bao nhiêu cuộc chiến đã nổ ra. Máu chảy thành sông, xương chất thành núi, nồi da xáo thịt.

       Nguyên nhân cuộc chiến tại Lybia đến từ nhiều phía, có thể do sự đàn áp bóc lột của chính phủ lâm thời dẫn đến cuộc nội chiến của đất nước, cũng có thể do Lybia có được nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào, trữ lượng vàng lớn, nên trở thành mục tiêu của Mỹ và các nước phương Tây. Chiến tranh đã bùng nổ, cả Lybia và các nước tham chiến đều phải gánh chịu thiệt hại lớn về sức người sức của. Nguyên nhân dù đến từ phía chính phủ hay phe đối lập cũng đều cho thấy mục đích đều bắt nguồn từ sự tư lợi cho cá nhân, đoạt lợi cho mình qua việc tước đoạt từ nguời khác. 
 
        Chúng ta đều có thể lựa chọn cuộc sống hòa bình tươi đẹp hay một cuộc sống ngập tràn đao binh, khói lửa. Như đã nói ở trên, vạn pháp không nằm ngoài nhân quả. Gây một cảm giác khó chịu đến người bên cạnh thì cũng đã thêm một giọt nước bẩn vào ly bất thiện. Đến khi những ly nước bất thiện cùng nhau đổ tràn ra khắp thì cả nhân loại sẽ cùng nhau lãnh nhận những dòng nước dơ bẩn. Một hành động mưu lợi nhỏ nhặt, khi đủ nhân duyên cũng sẽ mang lại hậu quả xấu cho cả môi trường và con người.

       Sửa đổi, có muộn hay không khi cái xấu đã len lỏi vào tâm can con người quá lâu? Nếu hôm nay còn sống thì phải sửa đổi. Sửa đổi sớm một ngày thì hạnh phúc được thêm một ngày. Ta thương người không phải vì sợ tù tội, sợ trả thù mà vì ta cảm được nỗi đau của nhân loại. Phải hiểu thì mới thương. Khi dừng gây tội dù chỉ một giây và nhìn lại việc mình đã làm, đó chính là lúc lương tâm lên tiếng, là lúc sự hối lỗi dâng trào…

       Ta chẳng nên nói lỗi người hay cố gắng sửa đổi ai khác. Chỉ cần thay đổi mình ta là đủ. Nếu là người chồng, người cha thì chung thủy, một lòng một dạ yêu thương vợ con thì gia đình sẽ tự êm ấm, hạnh phúc. Là người thầy thì tu dưỡng đức độ, làm tấm gương sáng, hết lòng yêu thương dạy dỗ học trò, tự khắc học trò sẽ kính trọng thầy. Làm người chủ đối xử tử tế với nhân viên thì có ai lại bất trung, bất tín làm phản? Buôn bán thật thà, không dối gạt người, không cân thiếu, bán hàng giả thì khách hàng sẽ tự tin tưởng mà nhiệt tình ủng hộ. Điều này chẳng có gì là khó hiểu.

        Bản thân mình phải nghiêm chỉnh, đường hoàng thì mới khuyên răn người khác được. Trẻ em là mầm sống của ngày mai. Giáo dục con trẻ là mấu chốt sống còn của nhân loại. Nhưng thật đáng tiếc khi điều mong đợi ở bậc phụ huynh dành cho con mình ngày càng lệch lạc. Các em nhỏ từ khi bắt đầu hiểu biết đã được người lớn dạy cho hiểu rằng phải cạnh tranh mới sinh tồn được. Phải có tiền, có thế lực, phải giỏi giang, có tài năng thì mới thành công, mới làm cha mẹ vui lòng. Có một lần, tôi gặp một em nhỏ rất dễ thương trong một lớp học võ. Em mới 10 tuổi, khoe với tôi rằng trong lớp em học rất giỏi, thường được cô giáo và ba mẹ khen. Em đi học võ là để cho người thon gọn, ốm lại, sau này lớn lên mới đi làm người mẫu được (!). Tôi hỏi sao em thích làm người mẫu thì em nói vì người mẫu đẹp, được nhiều người yêu mến, nhưng thật ra em thích làm nghề thiết kế thời trang hơn vì em rất thích vẽ. Rồi em lại nói dù thích nghề thiết kế thời trang nhưng em sẽ chỉ xem đó là nghề tay trái, còn ban ngày thì em lại làm bác sĩ! Mới nghe tôi cũng khá bất ngờ, quả là tuổi trẻ có chí lớn, mới 10 tuổi mà đã muốn làm một lúc ba công việc, lại còn chuẩn bị từ bây giờ! Tôi hỏi: “Sao em lại thích làm bác sĩ?” Em hơi buồn, tâm sự: “Vì mẹ em muốn, mẹ nói làm nghề đó có tiền, còn nếu không thì em làm giám đốc cũng được, vì làm giám đốc rồi thì ai cũng phải sợ mình.” Chuyện này không phải mới nghe lần đầu nhưng tận tai tận mắt tiếp xúc, được nghe một nhân vật đúng trong hoàn cảnh tâm sự thì cảm giác thật khó tả…

       Con người hãy cùng nhau sống chan hòa, yêu thương. Dù với mục đích gì ta cần phải vững lòng với quan điểm: không vì mình mà hại đến người. Khi sống trọn vẹn bản thân mình với tâm chân thành, sáng suốt, cả thế giới cũng sẽ được đầy đủ, trọn vẹn, an vui. 
 
       Thương vật
 
       Hãy vào Google, trang tìm kiếm nổi tiếng nhất hiện nay, thử đánh từ khóa “lợi ích” thì tự động Google sẽ gợi ý cho bạn “lợi ích của cây xanh”, chứng tỏ đây chính là từ khóa được tìm kiếm nhiều đến mức đứng hàng đầu. 2.370.000 kết quả. Môi trường sinh thái bị hủy diệt khiến con người quan tâm đến thiên nhiên nhiều hơn. Mỗi năm, từ 3 đến 6 tỉ cây xanh bị hạ (số liệu năm 2005). Với đà này, sớm muộn gì thì cũng chẳng còn một bóng cây ngọn cỏ trên Trái Đất.

       Trái Đất được hình thành từ 4,6 tỉ năm trước. Để có được sông ngòi, đồng bằng, núi non, khoáng sản như ngày nay, phải trải qua thời gian kiến tạo lâu dài không kể xiết. Người ta gọi địa cầu này là “Mẹ Trái Đất” tất nhiên phải có lí do. Mẹ Trái Đất sinh ra muôn loài, từ thảm rừng nhiệt đới rậm rạp đến vùng sa mạc hoang vu, từ loài cá ngụp lặn dưới biển cho đến loài thú tung hoành trên núi cao. Thiên nhiên thật rực rỡ và đa dạng. Tạo hóa độc đáo và tràn ngập những bất ngờ. Cách mà Mẹ Trái Đất nuôi dưỡng sự sống thật ngọt ngào. Cái đẹp ấy chỉ có loài người là đủ thông minh để cảm nhận được. Vượt trên tất cả, loài người là hoàn hảo nhất! Nhưng chính sinh vật được tạo hóa ban cho sự hoàn hảo ấy lại là sinh vật duy nhất làm hại đến Mẹ Trái Đất. Chẳng có loài nào lại quá đông đảo, sinh sản quá nhanh, giết hại loài khác quá nhiều, và tàn phá tài nguyên một cách khủng khiếp như vậy. Vốn dĩ từ một loài chỉ ăn trái cây và ngũ cốc, con người tiến hóa trái ngược với tự nhiên: biến thành loài ăn thịt. Cách con người ăn thịt không giống những loài như heo, báo, sư tử… Con người chăn nuôi, tích trữ, và xử lý thịt trước khi ăn. Chỉ nói riêng về việc xử lý thịt, nguồn nước bị sử dụng một cách lãng phí, sông rạch trở nên dơ bẩn. Năm 1973, tờ New York Post đã cho biết về một lò sát sinh lớn chuyên cung cấp thịt gà ở Mỹ sử dụng 100 triệu gallons nước mỗi ngày, nghĩa là tương đương với lượng nước dành cho một thành phố 25.000 người.

       Chỉ trong vài thế kỷ ngắn ngủi, con người đã hủy hoại công trình hằng tỉ năm của tạo hóa. Để có không gian trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng nhà máy, thậm chí là sân golf, người ta sẵn sàng tàn phá núi rừng, tự đánh mất nguồn dưỡng khí quý giá để đổi lấy tiền – một phương tiện nhằm thỏa mãn dục vọng nhất thời. Hành động ngu ngốc này làm ảnh hưởng đến các loài động vật, phá hoại hang ổ, làm cạn kiệt nguồn thức ăn, dồn ép chúng đến đường cùng. Vì sao ở Tây Nguyên, voi lại xuống làng giẫm nát hoa màu, phá chòi rẫy? Vì chúng đói, vì chúng bị con người tước mất nguồn thức ăn và nơi trú ngụ. Thời đại công nghiệp, nước thuần nông nào cũng hướng mục tiêu đến năm 2020, 2025 sẽ trở thành nước công nghiệp, như vậy thì mới giàu mạnh được! Xây nhà máy thật nhiều, phía trên thì ung dung xả khói độc phá hủy tầng ozone, bên dưới thì lén lút thải nước bẩn ra sông, ra biển. Lợi nhuận có bao nhiêu thì chia nhau làm giàu, còn vấn đề xử lý cặn bã độc hại thì sao thấy người ta chỉ nói cầm chừng. Người dân thấp cổ bé họng không tìm ra được miếng ăn vì môi sinh bị hư hại hết cả rồi. Ví có người lắng nghe, bồi thường cho thì tiền lợi nhuận kiếm được chẳng đủ bù một góc cho những thứ đã mất đi. GDP lên cao thì có ý nghĩa gì trong khi đời sống ngày càng khó khăn?

       Tiếng nói con người còn không ai nghe, nói chi đến loài vật, cây cỏ. Cứ bảo rằng con người là trung tâm của vũ trụ, tất cả những thứ còn lại phục vụ cho con người nên cứ mặc sức mà tàn sát, phá hoại. “Làm sao em biết bia đá không đau?” -  một câu hát quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông là một nghệ sĩ. Phải chăng đây chỉ là những lời của một người nghệ sĩ lãng mạn quá mức? Có lẽ không phải. Đây là một câu hỏi. Quả thật là làm sao ta biết hạt cát, hạt bụi có biết đau hay không? Ở Nhật Bản, người ta chứng minh được nước, nước đá, cho đến thức ăn đã nấu chín đều có tình cảm. Nếu ta nhìn, hay nói với những vật được xếp là “vô tình” đó lòng biết ơn, sự trân trọng thì kết cấu của các phân tử sẽ được xếp đặt thẳng hàng, đẹp đẽ vô cùng. Còn nếu ngược lại, các kết cấu này sẽ đứt gãy rất khó coi.

        Người biết nâng niu, quý trọng từng sinh vật, từng ngọn cỏ là người có tâm hồn bao dung, rộng mở, là người có tình thương với vạn vật chúng sanh. Ngày xưa, lũ cướp biết các thầy tỳ kheo hiền lành, không dám tổn hại đến cả loài thực vật, chúng dùng cỏ trói chân tay các thầy, các thầy cũng đành chịu, không dám mạnh tay vùng đứt cỏ. Đó chính là lòng từ bi, trân trọng sự sống.
 
       Từ việc ngăn chặn được oán thù với các loài xung quanh qua việc ăn chay, chúng ta sẽ ngày một mở rộng tình yêu thương đến với muôn loài. Khi đã nhận ra bản thân mình không thể ăn chúng là đã hàm chứa trong đó sự thông hiểu và thương cảm. Sự bình đẳng được chia sẻ cho tất cả mọi loài. Chúng ta có quyền sống thì loài vật xung quanh ta cũng vậy. Một đàn kiến bò ngang qua đường ta đang đi, ta có thể cẩn thận bước chân sang một bên; nhìn những con cá quẫy đuôi đập nước ngoài chợ, ta có thể hiểu được chúng đang cố gắng gây sự chú ý để cầu cứu mạng. Khi đã biết được giá trị của một sinh mạng thì ta có thể hạn chế trực tiếp việc sát sanh hại vật.

        Con người sống với nhau trên quả đất này, mỗi người một sinh mạng, một cuộc sống nhưng lại có màu da, hoàn cảnh sống, ngôn ngữ môi trường khác nhau. Có người giàu, người nghèo, người tâm thiện, nguời tâm ác. Nhưng ai cũng muốn mình có được một cuộc sống đầy đủ, trọn vẹn cả về vật chất lẫn tinh thần. Mỗi người có quyền mưu cầu một cuộc sống riêng cho mình. Nhưng trong xã hội hỗn loạn, phức tạp ngày nay, ranh giới giữa tốt và xấu chỉ là một sợi tơ nhỏ. Con người dễ chỉ vì mục đích riêng của mình mà gây ảnh hưởng đến người xung quanh. 
 
       Niệm Phật 
 
       Pháp Phật có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn, thế nên cần phải biết pháp môn nào ứng hợp với mình thì lấy đó hành trì tu tập? Thọ mạng con người ngắn ngủi, nếu muốn đạt được thành tựu viên mãn trong một đời nhất định phải suy xét cho thật kỹ càng. Một nhà đầu tư giỏi phải biết nguồn lực ta có những gì, ta có lợi thế ở lĩnh vực nào, tình hình kinh tế hiện tại ra sao, và mục tiêu lợi nhuận là bao nhiêu. Cũng như vậy, trong thời đại mạt pháp, với mục tiêu là giải thoát viên mãn, thành tựu trong một đời, thì sự lựa chọn tốt nhất chính là pháp môn Tịnh Độ, cầu sanh về cõi Phật A Di Đà.

       Pháp môn Tịnh Độ nghĩa lý thâm sâu, vi diệu. Tây Phương Cực Lạc quốc độ trang nghiêm, thù thắng. 
     
      Sự nhiệm màu chính ở chỗ này. Với tâm ma phát khởi, ai cũng cố gắng ra sức đối trị. Như khi có kẻ trộm vào nhà, nếu ta chạy ra ngăn chặn thì khác nào biến kẻ trộm thành kẻ cướp? Đặc tính của kẻ trộm là lén lút, ngấm ngầm. Nếu thấy có người phát hiện thì họ lập tức bỏ của chạy lấy người. Cũng như vậy, đối đầu với tâm ma mà tâm ma chưa bị diệt trừ thì bản thân ta đã phải chịu thiệt. Lấy phiền não chống lại phiền não, là mượn ma để trị ma. Đó là sai lầm lớn nhất của người tu. Chỉ có Phật mới trị được ma. Phật trị ma bằng cách nào? Phật gặp ma thì Phật vẫn làm Phật thôi. Khi Phật là Phật thì ma cũng sẽ thành Phật.  

       Diễn giải, suy lý là chướng ngại lớn nhất của việc niệm Phật. Niệm Phật chỉ là niệm Phật. Tuy biết rằng niệm Phật là tìm sự giải thoát, là mong được sanh về cõi Cực Lạc, nhưng khi niệm Phật, nếu trong tâm khởi lên những điều này thì chẳng còn là niệm Phật nữa. Hiện tiền chỉ có câu niệm Phật, đó là chân thật niệm Phật. 

       Khi niệm Phật, vọng tưởng khởi lên, nếu dùng câu niệm Phật để lấn át thì câu niệm Phật trở thành phương tiện, thành cách đối trị, vậy là sai. Khi niệm Phật, tự nghĩ mình sẽ được sanh về cõi Tây Phương, đó là tâm mong cầu, vậy cũng sai. Khi niệm Phật, trong tâm nghĩ mình đang niệm Phật thì đó là lúc khởi lên niệm thứ hai, lại sai. Nghĩ niệm Phật là tốt, là thù thắng, thì tâm phân biệt đã khởi, cũng sai nốt. Ngay niệm Phật là tốt rồi, nếu nghĩ niệm Phật là tốt, thì ngay đó đã sai. Đang lúc niệm Phật, ngoại trừ niệm Phật ra, còn có niệm nào khác là đều sai cả.

       Nếu niệm Phật đúng phương pháp thì thân tâm sẽ tự thanh lọc, không phải do cố thanh lọc mà thanh lọc được. Khi niệm đúng khởi phát, niệm sai ắt tự đoạn trừ. Nhất thiết không được dụng công trong việc đối trị phiền não, chỉ toàn tâm toàn lực với một niệm hiện tiền. 

        Như bát nước đầy nhiễm ô, dừng việc tiếp nước dơ vào, thay vào đó rót nước sạch vào mãi, dù mỗi lần chỉ một chút, không nhiều, thì sớm muộn gì bát nước cũng sẽ trong sạch. Khi ấy, tâm ta là tâm Phật, từ bi, trí huệ tự nhiên sẽ đủ cả.

       Muốn thành Phật thì niệm Phật, muốn thành ma thì niệm ma. Nói đến niệm Phật thì phải nói đến tín, nguyện, hạnh. Tín là tin tâm ta vốn đã là Phật, tin lời Phật chẳng phải hư dối, và tin sự tiếp dẫn của Đức A Di Đà. Nguyện là một lòng một dạ muốn lìa cõi Kham Nhẫn, cầu sanh Tây phương. Hạnh là niệm niệm nối tiếp, nhất tâm bất loạn, bao mối nghi hoặc, tư lự đều quên thì chân tâm hiển bày.

        Kinh A Di Đà là trong sâu mà nói cạn, Hòa thượng khéo hiểu ý của chư Phật nên cũng thuận theo phương cách này mà căn dặn chúng ta. Niệm Phật đơn thuần là niệm Phật. Dù là câu niệm đầu tiên hay câu niệm của 100 năm sau vẫn cùng là một, vĩnh viễn không được thay đổi. Trong sinh hoạt hằng ngày, dù gặp cảnh duyên thuận hay nghịch cũng vẫn một lòng niệm Phật, thủy chung không sai khác. Niệm Phật như vậy tức là phù hợp với chủ trương “nhất hướng chuyên niệm” của kinh Vô lượng thọ, Tổ Thiện Đạo gọi đó là Chánh định nghiệp, muôn người tu muôn người vãng sanh Cực Lạc. Vả lại, niệm “nam mô A Di Đà Phật” còn có công năng tự nhiên chuyển hóa tâm chấp trước, phân biệt, vọng tưởng trở thành tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác. Câu niệm Phật khởi lên, tâm lành cũng như hoa sen vàng bỗng nở. “Ăn chay, thương người, thương vật” trở thành lý đương nhiên. Chúng sanh sẽ nhờ đó mà được cứu thoát. 

       Ngọc muốn sáng phải giũa phải mài, nếu không thì cũng luống hoài ngọc đi. Phật tánh mỗi chúng sanh đều có, chẳng qua là do màn vô minh che lấp. Kiên trì niệm Phật, mỗi ngày thân tâm dần thuần khiết. Bạn bè, gia đình, cho đến rộng hơn là cả thế giới sẽ đồng thay đổi. Cố gắng “ăn chay, niệm Phật, thương người, thương vật”, hòa bình, ấm no sẽ chẳng còn là lý tưởng xa vời.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch