Giáo lý nhà Phật cho chúng ta biết rằng cái tâm vốn
thanh tịnh trong sáng,nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ bên ngoài,
nghĩa là do các căn( các giác quan) tiếp xúc với các trần(đối tượng của
giác quan), mà tham ,sân, si, và các ác bất thiện pháp dấy khởi trong
tâm, làm cho tâm chở nên ô uế, mê muội, u ám, không thanh tịnh, không
tỉnh táo, không sáng suốt.
Do
vậy mà hành giả tu hành theo Phật pháp cần phải tập trung nhận ra các
cấu uế hiện diện ở nội tâm để nỗ lực tinh tấn đoạn trừ, khiến cho tâm
trong sáng trở lại. Khi tâm bị ô nhiễm thì lời nói việc làm đều sấu ác
đem đến khổ đau. Trái lại, khi tâm ý trong sáng thanh tịnh thì nói điều
gì cũng trong sáng lợi lạc và làm việc gì cũng chính đáng lợi lạc.
Vì
có quan niệm “mê ngộ tại tâm”, “nhất thiết duy tâm tạo”, hay tâm làm
chủ và quyết định mọi hành vi thiện ác, nên đạo Phật rất chú trọng
phương pháp xem xét và uốn nắn nội tâm, quan tâm sâu sắc đến việc khám
phá và phát triển các tiềm năng tự nội. Theo đạo Phật, con người là một
chỉnh thể sống động, có đầy đủ tiềm năng đáp ứng mục tiêu tự hoàn thiện
hay có khả năng phát hiện và điều chỉnh các vấn đề của tự thân theo
chiều hướng tốt đẹp. Phương thức căn bản để thực hiện điều đó là” hướng
nội”, nhận diện chính mình “hay” rõ biết như thật về tự thân”
(ajjhattam yathàbhùtam pajànàti) hoặc nói theo Socrates là”
hnowthyselj”.
Hướng
nội hay nhận diện chính mình tức là quay về xem xét và nhận ra tâm ý
tịnh hay bất tịnh của chính mình để từ đó mà nỗ lực tu tập, uốn nắn và
cải thiện bản thân. Đây là hướng đi căn bản của đạo Phật nhằm hoàn thiện
nhân tính và thực nghiệm an lạc tự nội. Hành giả tu tập theo Phật pháp
cần phải thường xuyên quay về xem xét để nhận ra tâm ý của mình có trong
sáng hay không, có bị tham,sân,si, cũng như các ác bất thiện pháp đeo
bám và chi phối hay không. Nếu nội tâm trong sang, hãy cố giữ cho cái
tâm ấy luôn luôn trong sáng thanh tịnh. Nếu nội tâm bị cấu uế, hãy lỗ
lực tinh tấn tẩy trừ các cấu uế. Đây là cách thức xem xét và làm trong
sạch nội tâm, khiến cho ba nghiệp thân -khẩu – ý hay mọi hoạt động của
con người trở nên trong sáng, chân chính, lợi lạc. Kinh Phật nêu rõ các
cấu uế của tâm và ngợi phương pháp đoạn trừ như vậy.
Này
các tỷ- kheo, thế nào là những cấu uế của tâm? Tham dục, tà tham là cấu
uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, phẫn lộ là cấu uế của tâm, hận là
cấu uế của tâm, hư ngụy, lão hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống,
ngoan cố, cấp tháo, quá mạn, kiêu, phóng dật là cấu uế của tâm.
Này
các Tỷ- kheo nào nghĩ rằng: “Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm” và
sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ sân, cấu uế của tâm; phẫn nộ…hận..hư
ngụy…não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống….ngoan cố…cấp
tháo..mạn…quá mạn..kiêu; nghĩ rằng:” Phóng dật là cấu uế của tâm” và sau
khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ phóng dật, cấu uế của tâm.
Này
các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo biết được “Tham dục, tà tham, cấu uế của
tâm được diệt trừ,…sân…phẫn nộ…hận…hư ngụy…não hại…tật đố…xan tham…man
trá…khi cuống…ngoan cố…cấp tháo…mạn…quá mạn…Kiêu; khi nào Tỷ- kheo biết
được: “ Phóng dật , cấu uế của tâm được diệt trừ, Tỷ- kheo ấy thành tựu
lòng tin tuyệt đối đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng. Đến giai
đoạn này, đối với vị ấy có sự từ bỏ, có sự diệt trừ, có sự giải thoát,
có sự đoạn trừ, có sự xả ly, chứng đượcnghĩa tín thọ, pháp tín thọ,
chứng được hân hoan liên hệ đến pháp, từ hân hoan, hỷ sanh, từ hỷ thân
được khinh an, thân khinh an, cảm giác được lạc thọ ; với lạc thọ, tâm
được Thiền định”.
Nhìn
chung, phương pháp làm trong sạch nội tâm cũng đồng thời làm trong sạch
thân- khẩu- ý hay mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của bản thân được nói
đến trong đạo Phật chính là con đường xem xét và điều phục tự nội. Đây
là đường hướng giáo dục rất đặc trưng của đạo Phật, có khả năng giúp con
người hoàn thiện đạo đức, hoàn thiện tâm linh, hoàn thiện trí tuệ,
hướng con người đạt đến chân- thiện- mỹ hay giải thoát giác ngộ. Điều
đáng chú ý là, vì tập khí tham, sân, si hay các cấu uế vốn đã tích tập
lâu ngày và sâu dày ở trong mỗi chúng sinh, cho nên việc nhận diện và
làm trong sạch nội tâm cần phải được chú trọng thực hiện thường xuyên và
kiên trì thì mới đưa đến kết quả tốt đẹp; tựa như người thợ kim hoàn
cần phải kiên trì tinh tấn trong việc nung nấu và đãi lọc quặng vàng thì
sau cùng mới có được thỏi vàng tinh luyện. Người tu Phật mà không quay
về nhận diện chính mình, không thấy rõ tâm mình là trong sáng hay cấu
bẩn thì không có cơ hội tu tiến và giải thoát. Kinh Anangana thuộc Trung
Bộ nói rằng cái tâm con người cũng giống như cái bát bằng đồng vừa mới
làm xong, nếu người chủ không chú ý dùng đến, không thường xuyên lau
chùi mà lại quăng bỏ ở chỗ bụi bặm thì lâu ngày cái bát sẽ trở nên ô
nhiễm, bám đầy bụi bặm. Trái lại, nếu người chủ biết sử dụng cái bát,
thường xuyên chùi rửa thì càng ngày cái bát càng trở nên trong sáng,
sạch sẽ. Bản kinh nêu hai trường hợp sau đây, lưu ý với chúng ta về kết
quả không tốt đẹp của hạng người không nhận biết về bản thân mình và kết
quả lợi lạc của hạng người thường xuyên xem xét, phản tỉnh và biết rõ
chính mình:
“Ở
đây, này Hiền giả, hạng người có cấu uế nhưng không như thật tuệ tri: “
Nội thân ta có cấu uế .” Với người này có thể chờ đợi như sau: “Người
này sẽ không khởi nên ước muốn, sẽ không cố gắng, sẽ không tinh tấn để
diệt trừ cấu uế ấy. Người này sẽ từ trần, trong khi còn có tham, còn có
sân, còn có si, trong khi còn cấu uế, trong khi tâm còn ô nhiễm.” Này
Hiền giả, giống như một cái bát bằng đồng, mang từ chợ hay mang từ nhà
thợ rèn về, phủ đầy bụi bặm, và người chủ cái bát ấy không dùng đến,
không lau chùi và quăng cái bát ấy , sau một thời gian càng ô nhiễm hơn,
càng đầy bụi bặm hơn.”
Ở
đây, này Hiền giả, hạng người có cấu uế, và như thật tuệ tri: “Nội thân
ta có cấu uế:, với người này, có thể chờ đợi như sau:” Người này sẽ trở
nên ước muốn, sẽ cố gắng, sẽ tinh tấn để diệt trừ cấu uế ấy. Người này
sẽ từ trần, trong khi không còn tham, không còn sân, không còn si, trong
khi không còn cấu uế, trong khi tâm không còn ô nhiễm”. Này Hiền giả,
giống như cái bát bằng đổng, mang từ chợ hay mang từ nhà thợ rèn về, phủ
đầy bụi bặm, và người chủ cái bát ấy dùng đến, lau chùi và không quăng
cái bát ấy vào chỗ đầy bụi bặm. Này Hiền giả, như vậy cái bát ấy , sau
một thời gian được thanh tịnh hơn, được sạch sẽ hơn.”
Theo Văn hóa Phật giáo
Chú thích:
- Kinh Tâm đặt sai hướng, Tăng Chi Bộ.
- Kinh pháp cú, kệ số 1-2.
- Kinh ví dụ tấm vải, Trung Bộ.
- Tham dục (abhijjhà) tức là tham đắm những gì mình có.
- Tà tham ( visamlobha) là ham muốn thèm khát những gì thuộc người khác.
- Hư ngụy (makkho) tâm lý gian dối làm cho mọi thứ mất giá trị.
- Khi cuống (sàtheyya) tức tâm lý cao ngạo hay xem thường người khác.
- Cấp tháo (sàrambha) thói quen hành động hấp tấp vội vàng, không suy xét cân nhắc về hậu quả.
Kinh không uế nhiễm, Trung Bộ.