Người đời thường ví đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nên những khi hạnh phúc dâng trào hoặc lúc phiền muộn khổ đau, sẽ khiến cho người đối diện dễ dàng phát hiện ra những thầm kín trong đôi mắt ấy. Nếu chúng ta nhìn đời bằng đôi mắt với toàn màu hồng thì tràn đầy hạnh phúc bằng ngược lại thì trước mắt ta là cả một bầu trời đen tối.
Có câu chuyện Thiền sư và cô lái đò:
Cô lái đò hằng ngày đưa khách qua sông. Khi đò cập bến cô lái thu tiền tất cả mọi người ai cũng hai xu đến nhà sư thì cô gái đòi bốn xu.
Nhà Sư mới ngạc nhiên hỏi vì sao lại như thế?
Cô lái đò mỉm cười rồi nói:
Vì thầy nhìn em nên phải trả tiền gấp đôi chứ…
Nhà sư đành im lặng trả tiền và chẳng dám biện luận gì thêm!
Chiều về nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp bốn lần.
Nhà sư hỏi cô định ức hiếp thầy chùa sao?
Cô lái lại mĩm cười bảo:
Lần nầy Thầy nhìn em bằng sự tưởng tượng thầm kín bên trong.
Nhà sư hết đường biện minh đành ngậm bù hòn mà trả tiền.
Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn nên khi mắt mở ra ta trông thấy được thế giới bên ngoài, thì lẽ đương nhiên đối tượng cũng có thể thấy được phần nào bên trong của ta thông qua đôi mắt đó. Đôi mắt ấy thể hiện buồn vui, thương ghét khi ta cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau. Khi ta nổi giận vì bất bình một chuyện nào đó, đôi mắt sẽ đỏ lên như muốn ăn tươi nuốt sống người đối diện. Khi ta cảm nhận hạnh phúc thì đôi mắt sẽ chứa đầy yêu thương trìu mến. Nói chung sự thay đổi nơi tâm thức thông qua đôi mắt, luôn bộc lộ ra hết những cảm xúc trong lòng.
Chúng ta sống trong thời văn minh khoa học hiện đại, với vô số phương tiện truyền thông nên cũng có quá nhiều sự cám dỗ, làm cho đôi mắt của chúng ta bị vẫn đục bởi chạy theo mọi hình ảnh sự vật rồi dính mắc vào đẹp xấu. Cái thế giới đầy mộng mị này ta thường cho là ảo nhưng lại có sức quyến rũ đến mê hồn, làm cho ta chẳng thấy đường về trong thực tại. Nó có thể khiến cho ta mất phương hướng chạy theo đắm chìm trong ảo giác thấy nghe trong mê muội.
Trong sách khóa hư lục của vua Trần Thái Tông viết về tội của mắt như sau:
Nhân ác xem kỷ, nghiệp thiện coi khinh.
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành
Chợt mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.
Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai
Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù.
Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang
Lòa mắt chưa sanh, bản lai diện mục.
Thấy ai giàu có, giương mắt mãi nhìn
Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái.
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.
Hoặc đến Tam Bảo, hoặc vào chùa chiền,
Gần tượng thấy kinh, mắt không thèm ngó.
Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai,
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.
Không ngại Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên
Đều từ mắt sanh, phải sa địa ngục.
Trải hằng sa kiếp, mới được làm người
Dù được làm người, lại bị mù chột.
Nếu không sám hối, khó được tiêu trừ.
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.
( Bản dịch Hòa Thượng Thích Thanh Từ)
Đôi mắt ở vào thời điểm xa xưa và đôi mắt của bây giờ nó cũng khác nhau rất xa, đôi mắt bây giờ bị dính bám vào nhiều thứ nên người thời nay rất khó tu. Trong sáu căn gồm có: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ngoài ý ra, ta thường xuyên xử dụng đến mắt và tai nhiều nhất, vì vậy những tội do mắt gây ra cũng nhiều vô số.
Như vậy, con mắt khi chạy theo hình ảnh, sắc đẹp, liền bám víu vào đó, gọi là một đứa giặc; vì dính nhiễm với sắc trần, nên nó phá hoại công đức tu hành của ta, làm ta chao đảo, bất an, không được tự do, tự tại; do đó, gọi nó là giặc, là kẻ cướp. Ai trong chúng ta tu mà thấy người đẹp, đồ vật đẹp, cảnh đẹp, liền chú ý, khen ngợi, thích thú, chính là bị anh tham lam chất chứa, dẫn đi rồi.
Sắc là tất cả mọi hình ảnh, sự vật, những gì có hình tướng đều gọi chung là sắc, tức từ con người cho đến muôn loài vật. Đầu tiên là mắt thấy hình sắc, rồi cho là đẹp mà chạy theo, rồi bám víu vào đó, tham muốn cho bằng được.
Khi mắt thấy hình ảnh đẹp, chúng ta liền trầm trồ khen ngợi, rồi sanh tâm ưa thích, muốn nắm giữ về cho riêng mình. Đó gọi là dính mắc, là nhiễm ô. Như vậy, con mắt không sử dụng đúng chức năng của nó, ta tạm thời gọi là đánh mất chính mình. Vì mắt dính nhiễm với tất cả mọi hình ảnh, sự vật, nên nó phá hoại công đức lành của mình, do đó ta phải thận trọng khi ngắm nhìn và quan sát. Quý Phật tử tu mà thấy người đẹp, đồ vật đẹp, hoa đẹp, liền chú ý, khen ngợi, rồi bám víu vào đó, chính là làm cho đôi mắt bị vẫn đục.
Điều kiện thứ nhất là biết mà cố phạm vì thói quen, tập khí nhiều đời. Chúng ta dẫu biết là có hại nhưng vẫn thích nhìn ngắm, xem xét ví dụ như ai cũng biết cảnh đánh nhau bạo lực, máu đổ đầu rơi là không nên xem, vậy mà khi mở ti vi ra coi, mình toàn lựa phim đánh giết nhau xem, ông bà cha mẹ bị giết chết thì con cháu trả thù, cứ như thế từ đời này qua tháng nọ, hỏi sao thế giới này cứ chiến tranh liên miên, không có ngày thôi dứt được vì niệm ân oán, thù hằn, đã huân tập vào kho tàng thức của chúng ta.
Người Phật tử chân chính biết tránh nhân xấu ác đưa vào tàng thức nhiều không tốt, nên ta không xem phim ảnh bạo lực, đồi trụy, vì ai cũng biết đó là xấu; nhưng thế gian này vẫn có nhiều người bỏ thời gian ra để coi. Đó là vì ta không biết làm chủ được căn mắt, để nó nhìn ngắm đủ thứ, cuối cùng làm cái thấy bị dính mắc.
Mức thứ hai là vì tâm phân biệt mà ta dính mắc, đắm nhiễm, bám chấp vào đó. Khi nhìn thấy một vật, ta cho là đẹp, sanh tâm ham thích, rồi bằng mọi giá tìm cách chiếm đoạt về cho riêng mình, bởi vậy người ta mới trộm cướp, lường gạt của người. Trong khi đó, bản chất của cái đẹp xấu vốn do sự phân biệt của con người mà sinh ra.
Tuỳ theo thời gian mà quan niệm về xấu đẹp khác nhau. Thời xa xưa, mấy bà mấy cô cho rằng, nhuộm răng đen là đẹp. Ngày nay, mình lại cho rằng, răng trắng như ngọc trai mới là đẹp. Đối với người này là đẹp, với người kia là xấu, đẹp xấu là do sự phân biệt của mình, vậy mà ta cứ mãi chạy theo, để rồi rơi vào cái khổ thứ năm là mong muốn mà không được như ý nên khổ. Con thiêu thân cũng vậy, thấy đèn sáng là lao vô để chịu chết, vì bị nhiễm hình sắc.
Trong kinh Phật dạy, “này các tỳ kheo và các thiện nam, tín nữ, có nhiều người thích đi xem các đồ cổ xưa, các danh lam thắng tích, miểu ông, miểu bà, thích xem ngọc ngà châu báu và các loài vật quý hiếm, thường hay đến tham kiến thầy tà, bạn ác.
Đây không phải là những chỗ để ta đến tham quan và chiêm ngưỡng, vì sự thấy này mang tính cách hạ liệt, phàm phu, làm cho cái thấy của ta bị dính nhiễm vào trần cảnh, không có lợi ích gì cho việc học hỏi, tu tập, để đạt đến an lạc, giải thoát, chỉ khi nào quý vị đến tham kiến Như Lai Thế Tôn, các vị Thánh Tăng, những vị có đầy đủ giới đức xứng đáng cho ta nương tựa, học hỏi, tu tập, để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Đó là nhu cầu cần thiết, là cái thấy vô thượng, giúp cho mọi người từ địa vị phàm phu tiến lên bậc hiền Thánh mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Chúng ta hãy cố gắng học tập và duy trì cái thấy vô thượng này”.
Đức Phật của chúng ta vì thương tưởng mọi người với tâm từ bi rộng lớn, nên Ngài đã chỉ cho ta biết cách làm chủ bản thân qua cái thấy biết hiện hữu nơi mắt. Trong thân thể của ta, hai căn mắt và tai luôn liên hệ mật thiết với nhau, ta dính mắc vào hình ảnh, âm thanh, sắc tướng hay không, là do hai căn này.
Người Phật tử chân chính muốn đi theo con đường từ bi và trí tuệ của Như Lai Thế Tôn, trước tiên cần phải làm chủ thân-miệng-ý, khi tiếp xúc với hình ảnh, sắc tướng, sự vật bên ngoài. Nếu ta cứ để cho mắt khi thấy sắc mà cảm nhận đẹp xấu, rồi sinh tâm ưa thích hoặc ghét bỏ, thì cái thấy đó là của phàm phu tục tử, không phải cái thấy của các bậc hiền Thánh.
Vậy mà con người bây giờ, tuy rằng có phát tâm tu học theo lời dạy của Thế Tôn, nhưng vẫn còn ham đi du lịch đó đây để ngắm cảnh, xem hoa, và đôi khi còn tham kiến thầy tà, bạn ác, cầu xin ban phước, giáng họa, cúng sao giải hạn. Nhất là đời sống con người ngày càng văn minh tiến bộ, các tiện nghi vật chất lẫy lừng, chùa to Phật lớn, các danh lam thắng cảnh đồ sộ, nguy nga với nhiều công trình kiến trúc hiện đại, làm cho con người phải dán mắt vào đó, gây ảnh hưởng đến sự học hỏi, tu tập, an lạc, giải thoát của người Phật tử, và nhất là hàng xuất gia.
Nếu ta cứ để cái thấy của mình luôn dính mắc vào các hoàn cảnh hiện tại, thấy đẹp thì thích thú, bám víu vào đó, thấy không vừa mắt thì sinh tâm ghét bỏ, chán chường, rồi tự mình tạo ra nỗi khổ, niềm đau, chỉ vì không vừa lòng, như ý. Đi du lịch đó đây, ngắm cảnh xem hoa, càng làm cho ta thêm lãng phí thời gian và tiêu tốn tiền bạc một cách vô ích, đều quan trọng là làm cho con mắt của mình bị trói buộc vào các hình ảnh, sắc tướng mà tâm ưa thích hay ghét bỏ.
Chính vì những tai hại của nó, nên Phật luôn khuyên nhủ chúng ta phải khôn ngoan sáng suốt chọn lựa, tránh xa những cái thấy bị dính nhiễm, ràng buộc mà khó bề tu tập, nhằm chuyển hóa tự thân. Bước thứ hai là không nên tham kiến thầy tà, bạn ác để học hỏi, hay cầu xin một điều gì đó, vì sẽ làm cho ta càng ngày càng đi vào con đường mê tín, dị đoan, không làm chủ bản thân, rồi cuối cùng bị dòng đời cuốn trôi.
Thay gì ngắm cảnh, xem hoa để thỏa mãn nhu cầu con mắt, ta hãy nhín chút thời giờ vàng ngọc, cùng chút đỉnh tiền bạc, để đem đến giúp cho trẻ mồ côi, người tàn tật, kẻ bất hạnh không người nuôi dưỡng. Họ đang đói tình thương, họ đang cần những bàn tay rộng mở, để được an ủi, sẻ chia, họ đang khao khát từng phút, từng giây để trông chờ những tấm lòng nhân ái bằng tình người trong cuộc sống.
Kinh Lăng Nghiêm có đoạn: Phật ở trong đại chúng, đưa tay lên, nắm lại, xòe ra, rồi mới hỏi ngài A Nan, “nay ông thấy cái gì?”
Ngài thưa, “con thấy bàn tay trăm báu của Như Lai xòe nắm”.
Phật bảo A Nan, “ông thấy cái tay của ta xòe nắm, là tay ta có xòe nắm, hay là cái thấy của ta có xòe, có nắm?”
Ngài thưa, “tay Thế Tôn xòe nắm. Con thấy tay Như Lai tự xòe nắm, chẳng phải tánh thấy của con có xòe nắm”.
Phật hỏi tiếp, “vậy cái nào động, cái nào tịnh?”
Ngài thưa, “tay Phật động, tánh thấy của con còn không có tịnh, huống hồ là động”.
Phật khen, “lành thay A Nan, ông nói đúng đó”.
Qua đoạn kinh trên, Phật dạy cho chúng tỳ kheo khi xưa là nhằm ý chỉ cho ta biết cách làm chủ bản thân qua tánh thấy nương nơi mắt. Hình ảnh, sắc tướng, mọi sự vật bên ngoài là ngoại cảnh, chúng không tự ý thức. Do con mắt chúng ta, cộng với ý thức, mà biết phân biệt ta người, đẹp xấu.
Sắc tướng, hình ảnh dao động, nhưng cái thấy của ta thì nhất như, thấy chỉ là thấy, thấy rõ ràng một cách không lầm lẫn. Tu như vậy mới xứng đáng bậc thoát trần thượng sĩ, làm cho thân tâm sáng suốt, thanh tịnh, lặng lẽ, mà hằng chiếu soi mọi sự vật, không bị mọi vật làm ngăn ngại.
Rồi một lúc khác, vua Ba Tư Nặc đến tham vấn yếu chỉ tu hành.
Phật hỏi, “này đại vương, khi còn nhỏ mới khoảng ba bốn tuổi, vua thấy sông Hằng. Đến nay, vua gần sáu mươi tuổi, vậy cái thấy đó có khác hay không?”
Vua thưa, “cái thấy sông Hằng lúc ba tuổi và cho đến bây giờ không khác”.
Phật bảo, “ông còn nhỏ, da dẻ hồng hào, bây giờ lớn tuổi da nhăn, tóc bạc. Hiện thời, da mặt nhăn hơn lúc còn trẻ, vậy cái thấy của vua bây giờ có trẻ, có già hay không?”
Vua thưa, “bạch Thế Tôn, cái thấy của con không có già trẻ”.
Phật bảo, “mặt vua tuy nhăn, nhưng tánh thấy của ông chưa từng nhăn. Cái gì nhăn thì biến đổi, sinh diệt theo thời gian, nên chịu sự chi phối của vô thường mà trôi lăn trong luân hồi sinh tử.
Thân này do nhân duyên hòa hợp lại mà thành, vì có tướng nên vô thường biến đổi. Khi còn trẻ, da dẻ chúng ta hồng hào, tươi nhuận, đến khi già lớn, tóc bạc điểm sương, da mặt nhăn, nên chúng ta thấy có già, có trẻ.
Còn tánh thấy nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, mà không khởi tâm phân biệt. Cái thấy này khi đối diện với hình ảnh, sắc tướng, nó như thế nào thì thấy như thế đó. Người vật qua lại dao động trong cảnh ồn ào, náo nhiệt, nhưng tánh thấy chúng ta không có tịnh huống hồ là động.
Nếu ta thấy biết như thế thì không bị sắc trần làm dao động, cho nên an nhiên, tự tại giải thoát. Ai sống được như vậy, tức làm chủ căn mắt một cách trọn vẹn. Một căn đã dung thông thì sáu căn cũng lại như vậy, không bị hình ảnh, sắc tướng, thơm hôi, hương vị, xúc chạm, làm ngăn ngại.