Chân
lý cuộc đời không thuộc về sự đúng sai, được mất, hơn thua, khen ngợi
hay chỉ trích, mà thuộc về những người nào có hiểu biết chân chính, thấy
và biết đúng như thật, sống vì mọi người với tinh thần trách nhiệm cao.
Người Phật tử chân chính chớ nên dòm ngó lỗi người, chúng ta chỉ nên
nhìn lại hành động của mình, xem đã làm được điều gì tốt đẹp hay chưa.
Chúng sinh thường có căn bệnh trầm kha, ưa tìm tòi nhìn ngó lỗi người.
Để làm gì, để phê bình khen chê, đúng sai, được mất. Ít có mấy ai nhìn
lại lỗi mình để tìm cách khắc phục và sửa đổi. Nhà chúng ta lúc nào cũng
đầy rác rến, mà không lo dọn quét, thích cầm chổi đi quét nhà người
khác nhất là những kẻ ngồi lê đôi mách, thích bàn tán chuyện thiên hạ.
Vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, đó là căn bệnh thâm căn cố đế của
con người. Ai cũng thích làm cảnh sát quốc tế để theo dõi rình rập bắt
bớ. Tối ngày cứ tìm cách phạt người nầy, lại phạt tới người kia, mà mình
thì dính nhiều tội lỗi, sao mình không tự phạt mình đi, vẫn tốt hơn là
tìm cách phạt người!
Thái độ phê bình chỉ trích chê bai kẻ khác, đó là thái độ tối kỵ nhất
của người Phật tử chân chính. Nếu chúng ta thật sự là người tu hành,
thì ta chỉ nên nhìn ngó lại lỗi mình, để lo sửa đổi cho tốt.
Chúng ta là những người đang tu hành, dĩ nhiên là vẫn còn nhiều khiếm
khuyết. Chúng ta không nên có tâm chê bai hay hủy báng người tu hành
chân chính, ta có quyền góp ý xây dựng trên tinh thần học hỏi một cách
chân thành.
Có thể nói, tu hành là một quá trình lâu dài, kiên trì bền chí, khắc
phục mọi khó khăn vì phải đi ngược lại dòng đời. Có nhiều người nói đi
tu thời bây giờ sướng thấy bà, chúng ta hãy thử vô chùa ở chừng hai tuần
đến một tháng đi, rồi ta sẽ có câu trả lời, đừng vội phán xét, đừng vội
quơ đũa cả nắm, tội nghiệp lắm người ơi.
Trong một xã hội vàng thau lẫn lộn khó phân biệt được đâu là người
chân tu thạc đức, đâu là người mặc áo cà sa mà tâm địa ác ôn, hiểm độc.
Phật dạy: Chỉ có những con vi trùng đục khoét trên thân thể của con sư
tử, mới làm con sư tử gục ngã.
Thật ra đúng và sai là hai phàm trù đối đãi, bàn tay năm ngón nhưng
có dài ngắn khác nhau, tùy theo khả năng hiểu biết của con người mà có
cái thấy sâu rộng hay hẹp hòi. Chúng ta khó có thể xác định rõ ràng giữa
đúng và sai, vì nó vô cùng vi tế và sâu sắc, nên có những hiểu biết của
ta, ở độ tuổi này thì đúng, mà bước qua độ tuổi khác thì sai.
Ta có thể thấy biết đúng như thật tất cả mọi hiện tượng sự vật đang
hiện hữu, là do tâm mình có sự định tĩnh, sáng suốt không bị chi phối
quá đáng bởi các tham muốn thấp hèn. Ta sẽ cảm nhận được mọi cảm xúc, nó
đang là một thực tại nhiệm mầu mà không thấy ta người, được mất, hơn
thua.
Việc xác định đúng sai chỉ trong tương đối mà thôi, ở buổi sáng thì
đúng, buổi chiều thì sai, đối với hiện tại thì đúng, nhưng lát nữa thì
sai; đối với người này thì đúng, mà đối với người kia thì sai, và cùng
một vấn đề, tùy theo sự hiểu biết của mọi người mà đúng sai được thành
lập ở một mức độ nào đó. Trong Kinh Pháp Cú Phật dạy:
Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm.
Nên nhìn lại chính mình,
Có làm hay không làm.
Người Phật tử chân chính là không nên nhìn lỗi của người khác, vì khi
nhìn thấy lỗi của người, thì lỗi của mình đã hiện ra, bởi tâm ganh ghét
tật đố muốn vạch lá tìm sâu. Một khi chúng ta đã phát hiện ra sự khiếm
khuyết của người khác, thì ngay chỗ khởi tâm động niệm đó, đã dấy lên
phiền não rồi!
Tâm mình hay khởi phiền não cũng là vì trong lòng chúng ta chất chứa
quá nhiều vấn đề phải quấy, tốt xấu, đúng sai, hơn thua và tị hiềm ghét
bỏ. Nói mình tốt, người khác xấu, đó là tâm ganh ghét hơn thua, tất cả
đều là phiền não, chúng ta có chịu thừa nhận hay không mà thôi.
Nguyên nhân gì khiến mình nhìn thấy lỗi của người khác? Đó là vì
chúng ta có một cặp mắt quốc tế quá nhạy bén, vì sự chấp thân tâm này
làm ngã. Do đó, điều cấm kỵ thứ nhất trong cửa thiền là: Không bao giờ
được nhìn lỗi người khác, phải luôn luôn quay lại chính mình để thông
suốt mọi thứ từ tâm thanh tịnh sáng suốt của mình.
Do sự thấy biết sai lầm, cho nên chúng ta mới tạo ra lỗi lầm cho
người khác. Rồi cứ như thế, ta sẽ không ngừng nhìn thấy lỗi của người
khác mà đánh mất chính mình. Nói chung, phiền não khởi lên không phải từ
bên ngoài, mà là từ trong nội tâm của chúng ta có vấn đề quá nhạy cảm,
vì tâm phân biệt ta, người, chúng sinh.
Khi chúng ta phát hiện ra những lỗi lầm của người khác, trước tiên ta
phải nên can cảm thừa nhận lỗi lầm của mình, rồi phải quán xét tự thân,
phải tự mình sám hối, như thế khả dĩ tâm ta sẽ lần hồi trong sáng trở
lại, vì không bị phiền não che lấp.
Tại sao chúng ta hay nói lỗi lầm của người khác, mà không nói lỗi của
chính mình, bởi vì tâm thị phi ở trong ta quá nhiều. Khi phát hiện ra
vấn đề nhạy cảm của người khác, thì phiền não trong ta tự dấy lên làm
mình bị dính mắc đủ thứ các điều tốt xấu.
Chúng ta vì có sự phân biệt ta, người, chúng sinh nên mới dễ dàng
thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi chính mình. Có người lại nổi
sân si lên, vì cho rằng mình đúng, người sai. Chúng ta có thể thấy người
khác bây giờ tốt, hiện tại tốt, nhưng tới chiều tối lại có thể xấu đi
thì sao? Bởi vì tâm sinh thì các pháp sinh, cho nên ta chỉ thường biết
rõ ràng, nhìn thấy hình ảnh sự vật mà ta vẫn an nhiên bất động, vậy có
gì lỗi hay không lỗi?
Khi chúng ta thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi mình thì tất
nhiên ta sẽ nói xấu người đó và còn chê bai chỉ trích nữa, vậy là lỗi
mình đã phát sinh thấy mình tốt người ta xấu, thành ra mình bị phiền não
nhiễm ô.
Người Phật tử chân chính sống biết buông xả, không cố chấp chỉ quay
bên trong quán xét tâm mình, nhìn thấy lỗi mình mà cố gắng sửa sai để
cho tâm được thanh tịnh, nếu có ai chỉ lỗi cho mình thì mình nên chân
thành cám ơn họ, vì họ là thiện hữu tri thức giúp ta sống tốt hơn.
Chỉ khi nào người khác nhờ ta chỉ lỗi dùm, thì ta mới nói. Vì khi đó
ta nói ra người đó không có giận hờn mà còn rất vui vẻ, họ là người muốn
sống tốt thật sự, nên mới khuyên ta chỉ lỗi dùm.
Hôm nay chúng ta thấy người này không vừa mắt, thấy kẻ khác đáng
khinh ghét thì tự mình sinh ra phiền não, làm ảnh hưởng đến sự tu hành
hành của chúng ta, chứ chẳng có lợi ích gì hết. Chúng ta khổ đau hay
hạnh phúc, là từ nơi tâm thức mình, nếu phân biệt chấp trước dính mắc,
thấy người sai ta đúng, thì tâm mình đã bị vẫn đục.
Tóm lại, người biết nhìn lại lỗi mình là người có hiểu biết chân
chính, là người biết thương yêu và tha thứ chính mình, nên sẵn sàng
chuyển hóa tâm niệm ta, người, chúng sinh. Nhờ vậy, nhân quả xấu sẽ được
thay đổi, chuyển xấu thành tốt, chuyển mê thành ngộ. Người sống được
như vậy là người không làm khổ mình, và hại người khác. Người như vậy
gọi là người biết tu.
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh Lục Tổ nói: “người thật sự tu đạo thì không
thấy lỗi thế gian”, thật là lời dạy quý báu, chúng ta nhất định phải ghi
nhớ lời này, để làm bài học tiến tu. Vậy nên người thật sự tu học là
biết cách tu sửa bản thân mình, không chỉ trích phê phán người khác.
Người biết lỗi mình thì tâm người đó là tâm giác ngộ, vì biết được
sai mới sửa sai, đó là ta đang tu và đã tu, nếu ta thường xuyên tỉnh
giác như thế, thì việc gì mà làm chẳng xong.
PHẬT DẠY NHÂN QUẢ TRANG NGHIÊM TỰ THÂN
Đạo Phật đã hướng dẫn cho chúng ta thấu hiểu lý nhân quả để mỗi người
sống có trách nhiệm hơn về những hành vi tạo tác của mình từ thân,
miệng, ý. Nếu trong cuộc sống, chúng ta hay làm các việc thiện lành tốt
đẹp thì được hưởng phước báo cõi trời người, còn chúng ta làm điều xấu
ác thì phải chịu quả khổ đau địa ngục, quỷ đói, súc sinh. Đó là quy luật
tất yếu và sinh tồn của xã hội, không ai có quyền ban phước, giáng họa
hay sắp đặt cho chúng ta cả.
Gieo nhân nào là gặt quả đó, chính đức Phật nhờ sự tu chứng mà thấy
biết rõ ràng, con người là chủ nhân của bao điều họa phúc và chỉ dạy lại
cho chúng ta, chứ không phải do suy luận, vu vơ huyền hoặc.
Nhân quả rất đa dạng và phức tạp, chúng ta là những phàm phu, không
thể nào nhìn thấy hết tất cả tiến trình chi phối và diễn biến của nhân
quả. Người Phật tử chân chính, phải thận trọng trong từng ý nghĩ lời
nói, cho đến hành động trong từng phút giây… Ta phải thường xuyên xem
xét, quán chiếu, soi sáng lại chính mình để không vấp phải lỗi lầm đáng
tiếc.
Gieo nhân nào thì gặt quả nấy,
nếu chúng ta muốn có phước báo thì phải gieo trồng phước đức, tích lũy
phước, và thường xuyên vun bồi cội phước bằng suy nghĩ, lời nói và hành
động thiện ích. Cầu khẩn van xin cầu nguyện suông, không giúp cho người
Phật tử được những gì như mong muốn, chỉ có gieo nhân tốt mới gặt được
quả tốt.
Một thời, thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông
Anà-Thapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ, Thế Tôn nói
với gia chủ Anàtha-pindika đang ngồi một bên:
Có năm pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở
đời. Thế nào là năm? Tuổi thọ; dung sắc; an lạc; tiếng đồn tốt; cõi trời
khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời.
Này Gia chủ, năm pháp này, khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời.
Này Gia chủ, năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, Ta
tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có
được.
Này Gia chủ, nếu năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời
này, do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ai ở đời này lại
héo mòn vì một lẽ gì? Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng,
không có thể do cầu xin thọ mạng hay tán thán để làm nhân đem lại thọ
mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường dẫn
đến thọ mạng. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến thọ mạng, sự thực
hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng, vị ấy nhận lãnh được thọ mạng
hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người.
Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc, không có thể do cầu xin
dung sắc hay tán thán để làm nhân đem lại dung sắc. Vị Thánh đệ tử muốn
có dung sắc cần phải thực hành con đường dẫn đến dung sắc. Do vị ấy
thực hành con đường dẫn đến dung sắc, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận
lãnh được dung sắc, vị ấy nhận lãnh được dung sắc hoặc Chư Thiên, hoặc
loài Người.
Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có an lạc, không có thể do cầu xin
an lạc hay tán thán để làm nhân đem đến an lạc. Vị Thánh đệ tử muốn có
an lạc cần phải thực hành con đường dẫn đến an lạc. Do vị ấy thực hành
con đường dẫn đến an lạc, sự thực hành ấy đưa đến vị ấy nhận lãnh được
an lạc, vị ấy nhận lãnh được an lạc hoặc chư Thiên, hoặc loài Người.
Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt, không có thể do cầu
xin tiếng tốt hay tán thán để làm nhân đem đến tiếng tốt. Vị Thánh đệ tử
muốn có tiếng tốt cần phải thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt. Do vị
ấy thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt, sự thực hành ấy đưa vị ấy
nhận lãnh được tiếng tốt, vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt hoặc chư Thiên,
hoặc loài Người
Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có được Thiên giới, không có do cầu
xin Thiên giới hay tán thán để làm nhân đem đến Thiên giới. Vị thánh đệ
tử muốn có Thiên giới cần phải thực hành con đường dẫn đến Thiên giới.
Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến Thiên giới, sự thực hành ấy đưa vị
ấy nhận lãnh được Thiên giới, vị ấy nhận lãnh được Thiên giới.
(Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda)
Sống trường thọ khỏe mạnh, nhan sắc xinh đẹp, an vui hạnh phúc, tiếng
tốt đồn xa, sau khi hết đời sống này được tái sinh hưởng phước báo thù
thắng cõi trời là mong ước chính yếu của con người. Ai cũng ước mơ mong
muốn như vậy, nhiều người không biết thường van xin cầu nguyện trời,
Phật ban cho mình được toại nguyện mà không biết gieo nhân tốt thì làm
sao gặt quả như ý.
Suy nghĩ và cảm xúc của con người luôn thay đổi và chịu tác động
nhanh chóng bởi các sự kiện xung quanh. Ví dụ, khi nhận được một thông
tin tốt đẹp có lợi cho mình, thì lập tức ta có thái độ hoan hỷ vui vẻ,
lạc quan. Ngược lại, nếu nhận được tin xấu, ngay khi ấy chúng ta sẽ cảm
thấy khó chịu, buồn phiền, bực bội và có thể nóng nảy với những người
khác.
Theo luật nhân quả, thành công hay thất bại đều có nguyên nhân sâu xa
của nó. Nếu chúng ta muốn có được nhiều kết quả tốt đẹp thì phải biết
gieo nhân thiện ích giúp người, cứu vật.
Nhân sống trường thọ khỏe mạnh là không giết người, giết vật làm khổ
chúng sinh. Chẳng hạn như các đấng mày râu muốn cho thân thể cường tráng
khỏe mạnh, tinh thần thông minh, sáng suốt mà lại giết hại sinh vật
uống rượu say sưa, thức cả đêm mà vui chơi hoan lạc, gây cái nhân bịnh
hoạn thì thử hỏi làm sao được khỏe mạnh, sáng suốt và nhan sắc xinh đẹp
được.
Ai muốn cho thân thể khỏe mạnh, tâm sáng suốt, dung nhan dễ nhìn thì
phải sống có chừng mực, biết cách ăn uống điều độ, làm việc, vui chơi,
giải trí, biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, tịnh dưỡng đễ giữ thân tâm
trong sạch, lành mạnh.
Còn các cô thiếu nữ đại diện cho phái đẹp, ai cũng muốn trẻ đẹp, tươi
vui, vậy mà lúc nào cũng nhăn nhó, quạu quọ, buồn giận hoài, rồi sinh
tâm ganh ghét, tật đố, tham chấp đủ thứ thì thử hỏi làm sao vui tươi,
trẻ trung, yêu đời cho được.
Phái nữ muốn trẻ trung, đẹp đẽ, duyên dáng thì phải sống vui vẻ, lành
mạnh, nhờ vui vẻ, hồn nhiên nên mới tươi tắn, mà đã vui thì ít ganh
ghét, hờn giận, nhờ vậy mà giảm bớt phiền muộn, khổ đau. Vậy nếu có ai
lỡ làm phiền một chút thì nên hoan hỷ bỏ qua, đó là ta biết tạo nhân vui
vẻ, trẻ trung, yêu đời mà làm tròn bổn phận trong gia đình, và phục vụ
tốt cho xã hội.
Bằng ngược lại, ta cứ buồn thương, giận ghét, hết phiền muộn người
này lại ghét bỏ người kia, mà oán ghét, giận hờn thì lòng ta đâu có an
ổn, nhẹ nhàng. Cho nên, ta ăn không ngon, ngủ không yên, đó là cái nhân
dẫn đến thân bệnh hoạn, tiều tụy, hốc hác, và tâm hồn bị dằn vặt bởi bám
víu vào những cái được mất, hơn thua, giận hờn nên sống trong đau khổ,
lầm mê.
Muốn được sống an vui, hạnh phúc thì phải biết buông xả, không chấp
trước dính mắc và nhẫn nhịn nhường mỗi khi có việc không hài lòng vừa ý,
biết cảm thông và tha thứ, biết bao dung và độ lượng, không có tâm ganh
ghét, tật đố hại người khác.
Muốn được danh tiếng tốt đồn xa, trước tiên phải có giới đức, tu tập
thiền định và sẵn sàng bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia khi có nhân
duyên.
Người Phật tử chân chính phát tâm giữ giới không sát sinh hại vật,
không gian tham trộm cướp, sống chung thủy một vợ một chồng, không nói
dối hại người và dùng các chất gây say sưa như rượu, xì ke ma túy và các
chất độc hại khác. Nhờ giữ giới giúp chúng ta không sa đọa vào hố sâu
tội lỗi để không làm tổn hại người, vật nên được các bậc hiền trí tán
thán khen ngợi và mọi người mến thương yêu thích.
Thiền định giúp ta biết cách buông xả tham sân si và bình tĩnh sáng
suốt trong việc đối nhân xử thế và biết cách vượt qua chướng duyên
nghịch cảnh để làm mới lại chính mình.
Bố thí giúp ta phát triển tâm từ bi rộng lớn để làm vơi bớt nỗi đau
bất hạnh của người khác. Nhờ vậy tiếng lành đồn xa, được mọi người yêu
thích mến thương, bằng tình người trong cuộc sống.
Và cuối cùng sau khi chết được tái sinh vào các cõi trời để hưởng
phước báo thù thắng, do gieo nhân tốt hiện đời nên gặt quả an vui hạnh
phúc về hai phương diện vật chất lẫn tinh thần.
Nếu ta biết rõ ràng, gieo nhân ác sẽ đưa tới quả xấu thì chúng ta tìm
cách tránh xa không nên làm, đừng muốn một đàng mà lại làm một nẻo. Thế
nên, ta muốn được an vui, hạnh phúc thì ngay bây giờ, mình phải biết
giữ giới, thiền định, bố thí và buông xả những tập nghiệp gây đau khổ
cho người, vật.
Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy việc tin sâu nhân quả, giúp chúng ta
nhìn đúng lẽ thật mà được sống trường thọ, khỏe mạnh, hình tướng trang
nghiêm dung sắc xinh đẹp, tiếng lành đồn xa và sau khi ra đi được tái
sinh vào các cõi lành.
Đức Phật xác định rõ ràng: “Mọi người muốn gặt hái được kết quả tốt
đẹp, không phải do nhân mơ ước và van xin cầu nguyện mà có được” năm món
yêu thích kể trên. Nhân quả rất chính xác và công bằng khi hội đủ nhân
duyên. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Muốn có phước báo thì phải làm
phước, tích phước, vun bồi cội phước. Van xin cầu nguyện suông, không
thể nào đem lại kết quả tốt đẹp, do trái ngược với luật nhân quả.
Cũng như đem hai chiếc bình, một bình đựng đá cuội và một bình đựng
dầu đổ xuống hồ nước, dầu nhẹ thì nổi lên và đá nặng thì chìm nghĩm. Dù
chúng ta cố gắng tập trung cầu nguyện cho đá nổi, và muốn cho dầu chìm
cũng không thể được. Bản chất của đá thì nặng nên phải chìm, bản chất
của dầu thì nhẹ hơn nước nên phải nổi.
Người đã tạo nghiệp thập ác mà muốn sinh về cõi lành thì không thể
được, ngược lại người đã gieo trồng mười điều thiện dù có trăm ngàn
người cầu cũng thể xuống địa ngục được, vì nhân quả rất công bằng và
bình đẳng.
Cho nên, người Phật tử chân chính không nên van xin cầu nguyện suông,
mà hãy hành động bằng việc làm tốt của mình. Người tin sâu lý nhân quả
sẽ có tinh thần trách nhiệm cao, biết căn nhắc lựa chọn khi muốn làm một
việc gì và tránh xa nhân xấu ác.
Nếu ta lỡ tạo nhân xấu rồi thì sẵn sàng can đảm chấp nhận quả xấu một
cách gan dạ, không sợ sệt, không đổ thừa hay lẩn trốn. Vì không tin
nhân quả nên ta mới có thái độ tránh né, chối cãi, phủ nhận sự thật rồi
tiếp tục làm tổn hại người khác.
Phật dạy: Tất cà mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này, nếu đem ra
khảo sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy không một sự vật nào thoát ra ngoài
lý nhân quả. “Thấy quả biết nhân, thấy nhân biết quả” là tinh thần thực tiễn rất khoa học, không mơ hồ, không thêu dệt hay ảo tưởng quá đáng.
Đạo Phật là đạo của con người, đạo Phật là đạo của tình thương, là
đạo của tỉnh thức, vì đạo Phật luôn giúp cho con người giải quyết được
mọi sự nên hư, tốt xấu, thành bại trong cuộc đời là do mình tạo lấy, nhờ
vậy ta sẽ tránh ác làm lành, để sống an vui hạnh phúc ngay tại đây và
bây giờ.
Hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, chúng ta
sẽ tự tin nơi chính mình, không ỷ lại vào một đấng quyền năng nào có thể
ban phước, giáng họa cho con người. Trong đời sống này, khổ hay vui đều
do mình tạo lấy, mình làm lành được hưởng phước, người làm ác phải chịu
khổ đau, ta không thể đổ thừa và quy trách nhiệm cho ai cả. Chính con
người là thượng đế tối cao của con người. Con người có quyền quyết định
mọi vấn dề trong cuộc sống và có quyền làm chủ mọi hành vi từ thân,
miệng, ý.
Giáo lý nhà Phật từ thấp tới cao, từ đạo làm người cho đến đạo hiền
Thánh đều dựa trên nền tảng của nhân quả, vì vậy trong cuộc sống của
chúng ta ai không thấu hiểu lý nhân quả thì sự tu hành của mình khó mà
đạt được kết quả viên mãn.
Vậy nhân quả là gì? Nhân là nguyên nhân, quả là kết quả, tuy nhiên
nhân quả rất đa dạng và phức tạp. Có loại nhân quả gần, nghĩa là khi ta
làm điều gì thì có kết quả liền trong hiện tại, không phải chờ đợi lâu
xa. Như khi đang đói bụng, ta ăn cơm vào thì liền là no, ta gọi là nhân
nào quả nấy.
Có những nhân nếu ta gieo trong hiện tại, thì một thời gian dài từ
năm bẩy tháng cho đến vài ba năm mới cho ra kết quả. Còn có những nhân
ta gieo tạo thì phải trải qua một đời, hai đời hoặc vô số kiếp về sau
thì quả mới trổ ra. Và có điểm đặc biệt là khi chúng ta gieo nhân mà
không có kết quả do thiếu những duyên phụ hoặc ta tu hành quá tinh tấn
nên nhân xấu không đủ sức trổ quả.
Một ví dụ, ta có thể gieo ba thứ hạt giống cùng một thời gian như cây
lúa, cây chuối, cây mít đồng thời ta chăm sóc kỹ càng nhưng kết quả cho
ra không cùng một thời gian. Cây lúa khi gieo xuống thì từ ba tháng cho
đến sáu tháng có kết quả, cây chuối phải từ sáu tháng đến một năm, còn
cây mít ít nhất phải từ hai năm trở lên, đó là nhân quả thuận chiều theo
nhân duyên. Nhưng có những nhân mà ta đã gieo lại không có kết quả, nửa
chừng cây bị chết hoặc bị trường hợp rủi ro khác.
Chính vì vậy đạo Phật rất chú trọng đến vấn đề nhân quả nghiệp báo,
nó là một nguyên lý giúp cho con người ý thức và chịu trách nhiệm về
những hành vi tạo tác của mình trong đời sống hiện tại.
Người Phật tử tại gia cần phải hiểu thấu lý nhân quả một cách tường
tận rõ ràng, rồi lấy đó làm kim chỉ nam, làm phương châm tu hành để
chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, thành an vui hạnh phúc, ngay tại đây và bây
giờ bằng trái tim hiểu biết.
PHẬT DẠY LỢI ÍCH BỐ THÍ GIỮA CHO VÀ NHẬN
Bố thí và cúng dường hay giúp đỡ sẻ chia là hạnh nguyện cao cả của
các vị Bồ-tát, người Phật tử chân chính noi theo gương hạnh người xưa mà
tùy theo khả năng phát tâm hộ trì Tam bảo và làm từ thiện xã hội. Tuy
nhiên, để đạt được sự bố thí và cúng dường đúng như pháp là việc làm
không dễ dàng, đối với kẻ cho và người nhận.
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế
Tôn vào buổi đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga, sau khi đến,
ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Gia chủ Ugga đi đến đảnh lễ, ngồi
xuống một bên, bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn: “Ai cho vật khả ý
thì nhận được điều khả ý”. Vì thế, con có nấu cháo từ hoa cây sàla và
rất nhiều loại món ăn thật là khả ý; con có nhiều loại vải dệt từ Kàsi
thật là khả ý. Mong Thế Tôn hãy nhận lấy vì lòng từ ái đối với chúng
con.
Thế Tôn nhận lời và nói với Ugga bài kệ tùy hỷ này: “Ai cho vật khả
ý, nhận được điều khả ý, đối với bậc Chánh trực, vui lòng đem bố thí,
vải mặc và giường nằm, ăn uống các vật dụng, biết được bậc La hán, được
ví là phước điền, nên các bậc Chân nhân, thí những vật khó thí, được từ
bỏ giải thoát, không làm tâm đắm trước, người thí vật khả ý, nhận được
điều khả ý”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Cho các vật khả ý, VNCPHVN ấn hành 1996, tr. 382)
Người thí chủ thực hành bố thí và cúng dường trước hết phải xuất phát
từ tấm lòng từ bi rộng lớn, trong lòng hân hoan, vui vẻ và hoàn toàn tự
nguyện. Chúng ta phát tâm bố thí và cúng dường mục đích chính là muốn
cho Tam bảo được trường tồn ở thế gian, để mọi người có nơi nương tựa và
tu học.
Nhờ có tín tâm sâu, khi chúng ta bố thí cúng dường, giúp đỡ người
khác không phải với tâm cống cao ngã mạn, mà vì đây là trách nhiệm chung
của toàn xã hội, nên việc làm cao cả ấy sẽ không lệch hướng. Ta không
thấy mình là kẻ ban ơn và người thọ ơn. Chính vì vậy “của cho không bằng
cách cho”, do đó, chưa chắc người có nhiều tiền lắm của mà biết bố thí
với tâm trong sạch.
Thực tế mình cho người tức là mình đang tích lũy phước cho mình, ta
đang gầy dựng nền tảng giàu có trong hiện tại và mai sau. Chính vì thế,
ngoài tấm lòng bao dung, độ lượng đối với tha nhân, người Phật tử chân
chính thực hành bố thí với mục đích nhằm buông xả những tâm niệm tham
lam, ích kỷ, bỏn sẻn, keo kiết để hoàn thiện chính mình.
Mặt khác, bố thí và cúng dường cũng là một pháp tu cho người Phật tử
tại gia, khi làm việc cao cả này chúng ta phải hoan hỷ, khi đem niềm vui
đến cho mọi người nhằm làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Đây là những điều
cần thiết, để người Phật tử ý thức trách nhiệm mà cố gắng tu tập, nhằm
thành tựu sự bố thí và cúng dường đúng như pháp.
Chúng ta, có thể sẵn sàng cho đi những tài sản vật chất mà không cầu
đền đáp, là một việc khó làm đối với người còn đặt nặng lợi ích cá nhân
quá nhiều. Càng khó khăn hơn đối với họ khi phải cho những vật quý tốt,
tức những vật mà mình yêu thích. Phần nhiều chúng ta chỉ cho những đồ
vật mình cảm thấy dư thừa, nhưng người “xả” được như vậy cũng là quý lắm
rồi.
Trong cuộc sống hai người cùng làm một công việc bố thí như nhau,
thế nhưng có người càng thí lại càng giàu có và có người lại không được
gì, thậm chí là thất bại nữa. Đối với những người không thành công, họ
nghĩ rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, như vậy là họ chưa có
niềm tin sâu sắc đối với nhân quả. Chúng ta nên biết, nhân tố tiềm ẩn
chi phối sự thành công hay thất bại của mỗi người chính là phước báo của
chính họ, đã gieo tạo từ nhiều đời kiếp nên nhân quả nhãn tiền.
Người Phật tử chân chính, sẵn sàng ban tặng những gì mà người khác
cần, kể cả những vật mình yêu thích thậm chí có thể dâng hiến cả thân
mạng. Như vậy cho người là một nhiệm vụ, một nghĩa cử cao đẹp thiêng
liêng. Nếu chúng ta dám cho những gì mình yêu thích, mình trân quý, mới
thực sự là cách cho không có sở cầu.
Để đạt được cách cho cao cả như vậy, trước tiên chúng ta phải có trí
tuệ thấy biết đúng như thật, thấu hiểu bản chất cuộc đời là vô thường
đổi thay và không có cái ngã cố định. Chính tuệ giác vô ngã đã soi sáng
cho việc bố thí còn phân biệt, để dần hồi tiến đến Bố thí Ba-la-mật, một
sự ban tặng mà không có điều kiện hay mong cầu gì hết.
Sự thọ nhận càng nhiều chỉ mang nợ đàn na tín thí càng lớn, nếu
chúng ta không tạo ra công đức để hồi hướng cho thí chủ. Do đó, ngưòi
thí chủ và người thọ thí phải thành tựu công đức tu hành để việc bố thí
và cúng dường như pháp, đạt được lợi ích lớn, như lời Đức Phật đã dạy.
Trong kinh Phật dạy: Nếu hai người cùng tu tập với niềm vui cung kính
đối với Tam bảo, có giới đức và trí tuệ ngang nhau, nhưng có sự chênh
lệch về hạnh bố thí, người bố thí nhiều hơn sẽ gặt được kết quả phước
báo đầy đủ, hơn người kia về tài sản vật chất và uy quyền thế lực. Sự
vượt thắng này sẽ giúp cho người đó được mạnh khỏe, sống thọ, nhan sắc
xinh đẹp dễ nhìn, sống an lạc hạnh phúc, có quyền cao chức trọng và đó
là ước mơ mong muốn của nhiều người.
Chính vì thế, người Phật tử ngoài việc tu tập Giới-Định-Tuệ để chuyển
hóa phiền não tham-sân-si và còn phải có lòng từ bi giúp đỡ sẻ chia hay
cúng dường Tam bảo. Người Phật tử tại gia tu tập bố thí để góp phần xây
dựng con người văn minh, giàu đẹp, bền vững và lâu dài, để hoàn thiện
chính mình.
Do vậy, người Phật tử sống và tu tập theo lời Phật dạy, trước tiên là
phải thực hành bố thí và cúng dường, để hiện tại đảm bảo an sinh đời
sống gia đình, đóng góp lợi ích xã hội và không phải lo lắng cơm áo gạo
tiền, mà còn có thời gian làm phước và tu tập.
Do đó, thực hành cúng dường Tam bảo là điều cần thiết giúp cho chư
Tăng, Ni có thời gian tu học để hoàn thiện chính mình mà giúp người cứu
vật. Chư Tăng, Ni có trọng trách vô cùng lớn lao, trên cầu thành Phật,
dưới cứu độ chúng sinh, giúp mọi người tin sâu nhân quả, tin chính mình
là chủ nhân bao điều họa phúc, tránh dữ làm lành và chịu trách nhiệm về
hành vi tạo tác của mình.
Có rất nhiều cách gieo trồng phước đức, nếu ta biết bố thí đúng lúc,
đúng chỗ, đúng nơi, đúng đối tượng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn.
Khi thực hành bố thí, dù là người nghèo khổ, ăn xin, ta cũng phải tôn
trọng, thành tâm mới có phước báo to lớn. Nếu ta bố thí mà có thái độ
coi thường, khinh rẽ hay mạt sát người, tuy vẫn có phước nhưng ta phải
chịu quả báo ân oán hận thù về sau. Phước tuy được hưởng nhưng họa làm
cho người ta đau khổ và họ sẽ tìm cách trả thù, khi có nhân duyên.
Muốn có sự sống tốt đẹp trong đời hiện tại, ta phải tu tập bố thí để
làm hành trang cho mai sau. Tài sản, của cải vật chất, danh vọng, tiếng
tăm, nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn ta sẽ không mang theo được gì khi
nhắm mắt lìa đời, chỉ mang theo nghiệp tốt, xấu.
Do đó, quý Phật tử phải sáng suốt chọn lựa, thường xuyên gieo trồng
phước đức để tạo nên nghiệp thiện lành làm tư lương, hành trang cho hiện
tại và mai sau.
Đối với chư Tăng, Ni những người thọ thí, lại càng phải nỗ lực nhiều
hơn nữa trong việc tu tập của mình, để chuyển hóa phiền muộn khổ đau
thành vô lượng trí tuê, từ bi mà sống đời bình yên, hạnh phúc. Nếu chúng
ta không trau giồi, tu sửa thân tâm, đoạn trừ phiền não thì vật phẩm
cúng dường của đàn na tín thí rất khó tiêu, có thể sẽ mang lông đội sừng
để đền trả xứng đáng.
Đối với những người bất hạnh có hoàn cảnh khó khăn, khi nhận được món
quà từ tay các nhà hão tâm, quý Phật tử, các vị hãy nên trân trọng, quý
kính, và không nên ỷ lại. Để tỏ lòng thành kính đối với người giúp đỡ,
ta phải biết ơn mà cố gắng siêng năng làm việc tinh cần, tiết kiệm, tiêu
xài đúng mức.
Phật dạy: Nghèo là do không biết bố thí cúng dường hoặc giúp đỡ sẻ
chia, gian tham trộm cướp lường gạt của người khác, ỷ lại cha mẹ và lười
biếng, sống sa đọa phóng túng và không biết tiết kiệm.
Bố thí là một pháp tu quan trọng, rất phổ biến trong đời sống trong
xã hội, và dễ thực hành cho hàng Phật tử, người có của thì bố thí vật
chất, kẻ không tiền thì bố thí bằng tấm lòng và dùng thân này để công
quả làm lợi ích cho người. Do vậy, cùng tu tập về bố thí nhưng tùy theo
mục đích và tâm nguyện của mỗi người mà có kết quả, phước báo khác nhau.
Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu chúng ta bố thí với tâm phân biệt và có
điều kiện thì kết quả gặt được phước báo sẽ có giới hạn trong chừng mực
nào đó. Ngược lại, người bố thí vì tình thương cao cả không điều kiện,
thì phước báo sẽ vô cùng to lớn.
Vì thế, chúng ta muốn tu tập bố thí để đạt được lợi ích lớn và kết
quả thù thắng thì tâm phải rộng lớn, không mong cầu, thấy khổ liền giúp
mà không thấy mình là kẻ ban ơn, người thọ nhận và của để thí, thì phước
báo vô lượng không thể nghĩ bàn.
Người Phật tử chân chính, tu tập hạnh bố thí từ ban đầu có tính toán
phân biệt và cuối cùng là nỗ lực buông xả vô điều kiện, để vươn tới đỉnh
cao bố thí Ba-la-mật. Người phát tâm bố thí Ba-la-mật hoàn toàn không
có tác ý phân biệt về người cho, kẻ được nhận và vật để bố thí, thì sẽ
thành tựu công đức viên mãn mà không thấy ta, người, chúng sinh.
Tóm lại, việc gieo trồng phước đức thông qua bố thí, cúng dường là
cách thức chuyển hóa nghèo khó thành vô lượng phước đức, đồng thời cũng
là phương tiện giúp mọi người sống thương yêu nhau bằng trái tim hiểu
biết, với tinh thần“tốt đạo đẹp đời”.
Bồ-tát bố thí Ba-la-mật luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cần thiết của
chúng sinh, không phân biệt người thân hay kẻ thù. Bồ-tát sẵn sàng bố
thí tất cả, không bao giờ có sự hối tiếc và có thể chịu khổ, chịu chết
thay cho chúng sinh. Bố thí như thế mới gọi là bố thí Ba-la-mật.
Tại sao Bồ-tát thực hành bố thí Ba-la-mật? Bởi Bồ-tát là người đang
trên đường tiến tới giác ngộ để thành Phật viên mãn, nên mỗi khi làm
việc gì có lợi cho chúng sinh Bồ-tát đều phát nguyện và hồi hướng. Trong
các hạnh bố thí, chỉ có bố thí Ba-la-mật là phước đức cả hai mặt vật
chất lẫn tinh thần.
Người mới phát tâm cầu làm Bồ-tát phải có hai điều kiện tất yếu là
phát nguyện và hồi hướng. Phát nguyện là để giữ vững ý chí, lập trường
của mình khi gặp những khó khăn, trở ngại. Phát là phát cái tâm làm các
việc thiện lành, còn nguyện giống như một lời thề nguyền để ta ghi nhớ
mà quyết tâm phấn đấu vượt qua, mỗi khi gặp chướng duyên nghịch cảnh.
Người Phật tử chân chính, mỗi khi làm được việc gì có lợi ích cho
mình và người khác, đều hồi hướng hết cho tất cả chúng sinh được thừa
hưởng. Chính vì vậy, phát nguyện và hồi hướng là việc làm cao cả, để
Bồ-tát hướng đến bố thí Ba-la-mật và thành Phật viên mãn.