Lời người dịch: Sự tu tập toàn diện là sự tu tập mà trong đó cá
thể và toàn thể không tách rời, sự tịnh tu và sinh hoạt trong đời sống
hàng ngày không ngăn cách. Đó là con đường hòa quang đồng trần của Phật
giáo đời Trần nói riêng hay Phật giáo Việt Nam nói chung. Đó là con
đường mà sự giác ngộ có thể tìm thấy mọi nơi trong cuộc sống và sự giác
ngộ có thể dàn trải khắp mọi nơi.
Bản chất của đời sống là sự giác ngộ. Nhưng qua bản ngã, bản chất
giác ngộ đó đã không được nhìn thấy. Trong cuộc sống phấn đấu và làm
việc hàng ngày, trong thương trường, trong chính trường, trên chiến
trường, trong sự giao tiếp và cả trong những công tác xã hội, từ thiện,
một hôm chúng ta bỗng nhận ra rằng bước chân của chúng ta, hành động của
chúng ta, những đón nhận của chúng ta không đặt trên một nền tảng nào
từ chính chúng, hay nói cách khác là chỉ đặt trên những mối tương quan.
Đó là lúc chúng ta nhận ra sự thật của đời sống, chúng ta đặt bước chân
đầu tiên vào ngưỡng cửa giác ngộ. Nhưng mối tương quan đó hoặc trong
hiện tại hoặc từ quá khứ là những mối tương quan gắn liền với thân,
miệng và ý của chúng ta. Và chúng ta cũng biết rằng những mối tương quan
đó không tĩnh tại, chúng ta có thể sửa đổi mối tương quan, và mối tương
quan có thể sửa đổi chúng ta (1). Trong sự giác ngộ đó, chúng ta thấy
rõ chúng ta nơi chúng ta, thấy rõ chúng ta trong mối tương quan. Chúng
ta thấy rằng chúng ta vừa là cá thể, vừa là toàn thể.
Sự giác ngộ đó, sự nhận thức sâu xa rằng nền tảng của đời sống
chỉ là những mối tương quan và mỗi cá thể không thể tách rời cái toàn
thể trong mối tương quan đó, cũng lại sẽ làm cho mối liên hệ trong xã
hội, những hoạt động, những đón nhận trong đời sống hàng ngày, trong
thương trường, trong chính trường..chân chính tốt đẹp và nhẹ nhàng hơn,
làm cho chiến trường bớt đau khổ và bớt hy sinh vô lý hơn.
Đó là Vô ngã và Từ bi của Đại thừa, là sự “Được Lòng” (2) của Trúc Lâm Trần Nhân Tông…
Tuy nhiên, sự giác ngộ đó cần được chuẩn bị. Bản ngã được nuôi
dưỡng từ nhiều a-tăng tỳ kiếp che khuất và lôi kéo chúng ta với sức mạnh
mà chúng ta khó lòng thoát ra. Để có thể đối diện tỉnh táo trước cuộc
sống chờ đợi một cơ hội giác ngộ xảy đến, chúng ta cần có một nền tảng
và duy trì nền tảng đó từ sự tịnh tu. Sự tịnh tu tạo cho chúng ta sự
tỉnh thức và bén nhạy để có thể chụp bắt được những khai mở chớp nhoáng
xảy ra trong cuộc sống. Sự tu tập toàn diện như vậy là sự phối hợp nhịp
nhàng giữa tịnh tu và đời sống hàng ngày, bắt đầu bằng sự tịnh tu (3).
Làm người là một điều phức tạp, và Phật giáo, từ khi khai sinh cho
đến ngày nay, vẫn tiếp tục đặt mình trong việc đưa ra một giải đáp cho
vấn đề này. Phật giáo diễn tả rất chi tiết về những điều không vừa ý và
lý do của sự không vừa ý đó, rồi đưa ra những phương pháp thực hành,
triết lý, nghệ thuật để giúp chuyển hóa sự không vừa ý này thành giác
ngộ – hay nói chính xác hơn, giúp con người thấy rằng sự giác ngộ vẫn
luôn luôn hiện diện, là một phần không thể tách rời của cuộc sống mà
chúng ta thấy là không vừa ý.
Có rất nhiều hình thức Phật giáo và nhiều phương pháp tu tập: tham
thiền, lễ sám, nghiên cứu, phụng sự, nghệ thuật, sùng bái. Thực hành là
chìa khóa, vì nó bắc cầu giữa tư tưởng và thể hiện; nó làm cho Đạo trở
thành hiện thực.
Nói một cách tổng quát, trong những nền văn hóa Á châu nơi mà Phật
giáo xuất hiện đầu tiên, có sự phân biệt giữa việc thực hành của giới tu
sĩ và việc thực hành của giới cư sĩ. Có nhiều điểm chung, nhưng tu sĩ
và cư sĩ thường có những hướng nhìn khác nhau, đưa đến những phương pháp
thực hành khác nhau. Và người Phật tử Tây phương cũng thừa hưởng truyền
thống này.
Một số người trong chúng ta tin rằng sự tu tập được thực hành ở tu
viện hay trong thời gian tịnh tu là sự tu tập chân thật hơn để đưa đến
giác ngộ, ngoài ra chỉ là thứ yếu. Một số người lại cho rằng chỉ sự tu
tập trong đời sống thế tục và hòa mình vào thế gian mới có thể mở ra Con
Đường. Phải chăng sự giác ngộ thật sự thuộc lĩnh vực của cách tu tập
này hơn là cách tu tập khác? Hoặc có chăng một sự hợp nhất chúng để
thành một cái toàn thể, một Con Đường không phân chia và uyển chuyển?
Năm rồi tôi dời nhà về một vùng sa mạc cao nguyên miền Bắc New
Mexico. Nơi đây, sự đến và đi của nước rất gần gũi với chúng tôi: những
cơn mưa mùa hè, những trận tuyết mùa đông, nước được giữ suốt mùa trong
những con sông, hay chỉ vài giờ trong những con lạch ngập tràn rồi lại
khô, nước được giữ hàng nhiều thế kỷ trong những địa tầng, trào lên
thành những con suối thiên nhiên. Từ những thời gian xa xôi không còn
trong ký ức, chúng ta, những con người, đã nối liền cái vòng ướt khô lớn
với những cái giếng nước và những cống rãnh. Ngay cả ngày nay với những
bể chứa và những cống rãnh hiện đại, cuộc sống vẫn được giữ gìn bằng
những chiếc giếng sâu và một mạng lưới kênh rạch, ống dẫn.
Tôi nghĩ sự giác ngộ cũng giống như vậy. Nó ở khắp mọi nơi- bất ngờ
và toàn vẹn như một tiếng nổ của sấm sét vào một buổi xế mùa hè, cũng
hứa hẹn như một vết mờ xa xa của cây bạch dương chứng tỏ sự hiện diện
của nước. Cũng có những lúc hạn hán, khi tư tưởng về giác ngộ có vẻ khô
kiệt dưới một bầu trời tàn nhẫn.
Trong giây phút giác ngộ, chúng ta sẽ nhận thấy rõ ràng rằng điều mà
tâm thức chúng ta thể nghiệm – điều chúng ta ý thức, nhìn thấy và cảm
giác – hoàn toàn gắn liền với thế giới mà hàng ngày chúng ta vẫn nghĩ là
ở bên ngoài chúng ta. Không còn nữa một kẻ ngắm nhìn và một đối tượng
được ngắm nhìn, nhưng là một không gian duy nhất, và không gian này tôi
gọi là giác ngộ. Từ cái thấy này, giác ngộ giống như một sức mạnh nền
tảng và toàn khắp, như hấp lực của địa cầu hay của điện tử, và chúng ta
thấy nó ở bên trong chúng ta và chúng ta cũng ở bên trong nó.
Và chúng ta tìm cách thiết lập một sự liên hệ với nó, khai thác tài
nguyên của nó, đưa sự giác ngộ vào việc tạo ra một góc riêng của chúng
ta trong thế giới để thăng hoa. Chúng ta tu tập và việc đó giống như
chúng ta đào giếng và đào mương. Có những lúc chúng ta tập trung năng
lượng của chúng ta, vào sâu trong những nguồn nước dưới lòng đất. Những
lúc khác, chúng ta ở trên mặt đất và mở cống cho những con kênh rạch, để
cho sự giác ngộ tuôn tràn khắp mặt đát giống như nước, làm cho sự sống
có mặt nơi nào nó tràn đến. Mỗi cái đều thiết yếu; không có cái nào có
sức mạnh mà không có cái kia. Một cái giếng không có mương rạch chỉ là
một hồ nước; một cái mương không có nguồn nước chỉ là một cái rãnh khô.
Sự tu tập của chúng ta là một sự cộng tác với sự giác ngộ để phát hiện
sự biểu lộ của nó trong đời sống con người đặc thù của chúng ta. Để thực
hiện điều đó, chúng ta phải tiếp xúc với những vực sâu của sự giác ngộ,
những điều bị che giấu khỏi cái thấy thường ngày của chúng ta, và chúng
ta phải làm việc gì đó với điều chúng ta khám phá.
Trong tinh thần này, một số người đã đem những sự tu tập được trình
bày trong các kinh điển Phật giáo để chia sẻ với những người khác trong
những mục tiêu đặc biệt, như làm giảm sự khổ đau và căng thẳng. Có những
người đã dùng những điều học được từ việc tu tập để đưa vào các nhà tù,
bịnh viện, trại tế bần, công tác bảo vệ môi trường, xí nghiệp, công tác
xã hội, hoạt động chính trị…Đời sống gia đình, tình bằng hữu, nghệ
thuật, và văn hóa tất cả đều có thể có sự ảnh hưởng, có khi rõ ràng, có
khi không có một ngôn ngữ nào liên quan đến Phật giáo. Làm cho những tư
tưởng và phương pháp có thể có ích cho đời sống dễ dàng đến với mọi
người, dù họ là những hành giả Phật giáo hay không, đó chính thực là Đạo
– rộng lớn, sáng tạo và thiện xảo.
Nếu khởi đầu, luồng tư tưởng và phương pháp phát xuất từ việc tịnh tu
chảy ra thâm nhập vào đời sống hàng ngày, bây giờ nó chuyển động theo
cả hai chiều. Sự giác ngộ càng lớn và càng rõ ràng khi yên lặng và nói
năng có sự trao đổi, dừng nghỉ và hoạt động học từ nhau trong một sự
trao đổi mới mẻ bằng việc vượt qua biên giới từ thiên đường đến phố chợ
và ngược lại. Người ẩn tu trong hang động, người nữ hộ sinh Phật tử, và
tất cả những người mà tâm thức đã quay về với con đường Đạo – có một
không gian đủ rộng cho tất cả chúng ta. Đó là sự giác ngộ được chia sẻ,
mà tất cả chúng ta góp phần vào.
Một người đứng một mình trên đỉnh núi cao không có lối xuống, một
người ở tại ngã tư đường cũng không có hướng đi, người nào trước, người
nào sau? Không làm Duy-ma-cật, không làm Phó Đại Sĩ!
Lâm Tế (4)
Có một sự giả tạo trong sự phân biệt giữa việc tịnh tu và tu tập
trong đời sống hàng ngày. Mỗi cái bao hàm những yếu tố của cái kia.
Các chiếc giếng sâu của sự tịnh tu và những kênh rạch của đời sống
thường ngày đều có những bí ẩn, đẹp đẽ và những khó khăn rieng. Dĩ
nhiên, có một số sự việc sẵn sàng xảy ra trong cách này hơn là cách
khác. Nhưng nếu chúng ta kỳ vọng một sự giác ngộ không còn sót lại một
cái gì ở bên ngoài nó, điều đó có nghĩa là cần thiết có một sự tu tập
bao gồm cả sự tịnh tu và sự tu tập trong đời sống hàng ngày. Cả hai cần
thiết lẫn nhau.
Tuy vậy, việc tịnh tu và đời sống hàng ngày vẫn như còn có vẻ xung
đột nhau. Việc này có thể có gốc rễ từ sự tách rời trong tâm thức giữa
đời sống tịnh tu và đời sống hàng ngày mà nhiều người trong chúng ta mắc
phải. Ở trong hoàn cảnh này, chúng ta lại nghĩ đến hoàn cảnh kia.
Khi chúng ta thức dậy vào sáng sớm để khai thuế, ánh sáng của sao,
lối đi đầy mùi gỗ thông dẫn đến thiền đường có thể như trên cõi trời.
Cũng có thể nó đi theo hướng khác. Có người thức dậy vào buổi sáng trong
thành phố, buốt thấu với sự ước muốn sâu xa về sự yên tĩnh và đơn độc;
người khác thì lại bị thôi thúc với sự mong muốn gặp mặt người con vào
ngày cuối của khóa tịnh tu.
Hầu hết các tông phái Phật giáo được đưa vào Tây phương trong thế kỷ
hai mươi có một sắc thái tu viện mạnh mẽ, ngay cả khi được người tại gia
thực hành. Qua thời gian, nhiều trung tâm đã có nền tảng tích cực
khuyến khích việc phát triển sự tu tập cho người tại gia, với phương
pháp tu tập mới không mang hình thái tu viện. Nhưng vẫn còn một khuynh
hướng khá mạnh, thường là một cách vô thức, hướng về đời sống tịnh tu,
và sự tu tập của người tại gia được thấy như là một sự phỏng theo sự tu
tập ở tu viện.
Tuy nhiên, nếu chúng ta càng không tách rời giữa đời sống tịnh tu và
đời sống thường ngày thì môi trường phong phú càng mở ra, như nhiều
người đã khám phá. Những cá nhân và cộng đồng tu tập có thể trả lời
những câu hỏi này nhiều cách khác nhau và đưa đến những kết luận rất
khác nhau. Điều quan trọng là tiếp tục giữ những câu hỏi, tiếp tục quan
sát những sự đảm đương và những kết luận của chúng ta, bời vì tất cả
những thứ này vẫn đang còn trong tiến trình. Nó đang tồn tại, đang kích
thích, và sự thám hiểm này cuối cùng phải trở thành một trong những đóng
góp lớn lao vào dòng đang chảy.
Qua thời gian, có người trên con đường thực tập để giác ngộ không còn
phải vật lộn với sự di chuyển từ sự tịnh tu qua đời sống thường ngày.
Người đó nhận biết rằng thật sự chỉ có một sự tu tập đang xảy ra, nơi
chốn và thời gian trở nên càng ngày càng ít thành vấn đề. Những tịnh độ ở
hai bên đường ranh dần dần lùi xa, trong khi thị trấn ở biên giới lớn
rộng thêm lên. Sự tu tập hợp nhất nhất lập tức có được sự đơn giản hơn
và tỏa rộng hơn; giống như thở. Thở vào và thở ra. Ra đi và trở về.
Giếng nước và kênh rạch.
Những thứ trước kia dường như là hai phạm vi hoạt động hay hai hướng
nhắm đến riêng rẽ giờ đây trở thành những phương diện của cùng một con
đường. Chúng ta không thể giữ mãi hơi thở của chúng ta,và chúng ta cũng
không thể thở ra mãi. Chúng ta không gọi là thở-ra-thở-vào mà chúng ta
gọi chung là thở. Cũng vậy, sự tu tập bắt đầu kinh nghiệm một sự thực
hành toàn bộ, một con đường toàn bộ, ngay dưới chân chúng ta bất cứ nơi
nào chúng ta đi đến.
Giác ngộ là một sự hợp nhất, như sự thở được tạo ra bằng hơi thở ra
hơi thở vào. Nó là đường nối xuyên suốt và là nốt nhạc nền của cuộc sống
chúng ta. Nếu khởi đầu, người học có một ý thức rằng sự liên tục thấy
được trong đời sống là do cái ngã tạo ra, một sự thay đổi sâu xa sẽ xảy
đến. Người đó thấy rằng cái ngã lên cao và xuống thấp; người đó bước vào
cái ngã khi cảm thấy cần thiết, và những lúc chìm sâu trong thiền định,
trong nghệ thuật hay trong sự cố gắng của thể xác, thì cái ngã hoàn
toàn biến mất. Phía sau nó, sự giác ngộ mở ra với mỗi kinh nghiệm mới,
và nó sẽ không hoàn tất trong cuộc đời này cho đến khi người đó thở hơi
thở cuối cùng.
Sự giác ngộ không sâu đậm hơn hay dễ đạt hơn ở chỗ này so với chỗ
khác. Sự giác ngộ xảy ra ở thiền đường, nó cũng xảy ra trên xa lộ, trên
giường bệnh. Trong bất cứ phút giây nào của bất cứ ngày nào, sự giác ngộ
vẫn sẵn sàng ở đó, và trong mỗi phút giây của mỗi ngày chúng ta đều có
thể thể nghiệm nó. Tu tập không phải là cái gì chúng ta thực hành chỉ ở
những thời gian nhất định và trong những cách thức đặc biệt nào đó,
nhưng là thứ chúng ta thực hành trong mọi lúc suốt cuộc đời. Điều mà
người học về giác ngộ sẽ thấy là người ấy không mang điều sở đắc từ sự
tu tập chính thức vào phần còn lại của cuộc sống; người đó để cho sự tu
tập làm thay đổi mình để nó thấm đẫm hoàn toàn và nhuộm vào mình, để có
thể là một người được nhuộm trong từng phút giây suốt cuộc đời. Giác ngộ
cũng là ý muốn của người đó được thấm nhuộm từ những sự việc khác – để
cảm nhận sự vuốt ve, để đón nhận một quả đấm, để bị tàn phá bởi một mảnh
tin tức từ phía bên kia của thế giới, để một cuộc gặp gỡ với cái đẹp
làm thay đổi tâm thức về mọi thứ. Cho phép tất cả những thứ đó khai phá
tâm thức của mình là một phần cốt tủy trong sự tu tập, bởi vì nếu không
như vậy, sự giác ngộ không thể toàn diện.
Đôi khi, vòng cung dài của giác ngộ được ấn mạnh bởi một sự xuyên
thấu lớn. Trong một khoảnh khắc, bản chất chân thật của sự vật trở nên
sống động. Người học nhìn thấy tánh rỗng không của mọi sự vật, có nghĩa
là thể nghiệm sự lớn lao và rực rỡ của mọi sự vật, có nghĩa là mọi sự
vật kết nối với mọi sự vật. Người ta có được kinh nghiệm này trong thiền
đường sau nhiều năm tu tập, và có được chúng một cách tự phát như những
đứa trẻ con, hoặc trong những hoàn cảnh hầu như không nghĩ đến. Tuy
nhiên, sự xuyên thủng đó sẽ bị rò rỉ trừ phi chúng ta đặt nền cho những
kinh nghiệm. Nếu không có phương pháp đào sâu và mở rộng sự giác ngộ để
duy trì mối liên hệ sống động với nó, nó sẽ có khuynh hướng phai tàn để
trở thành chỉ còn là một ký ức trìu mến hay thất vọng.
Giác ngộ không chỉ xảy ra giống như một ánh chớp sáng; đôi khi đó là
sự nhận biết của buổi rạng đông mà bầu trời dần dần sáng lên. Ở giữa
cuộc sống hàng ngày, chúng ta nhận ra những phút giây thấy được tánh
rỗng không của sự việc trong nhà, ở chung quanh. Những câu chuyện, những
sự việc xảy ra hàng ngày cũng có thể cho chúng ta nhìn thấy lập tức sự
rỗng không trong đó, một sự rỗng không cá biệt thay vì là một sự rỗng
không chung của tất cả mọi sự. Nếu chúng ta để cho cái sàn nhà được kéo
khỏi chân chúng ta làm cho chúng ta rơi xuống một cách tự do, giây phút
rơi tự do đó là giây phút xuyên thủng. Với sự tu tập, chúng ta không cố
gắng chộp lại chúng ta quá sớm, không cố gắng xây dựng lại cái ngã trong
một phút chốc biến mất. Nếu những giây phút rơi xuống một cách tự do
này được nhận ra và đánh giá đúng mức,chúng sẽ có khuynh hướng phá vỡ từ
từ; chúng tích tập và tạo ra sự thay đổi lâu dài, và điều này rất nên
được khuyến khích. Nếu sự xuyên thủng mở ra ngay cho chúng ta một khung
trời rộng lớn nhất, sự rơi tự do này cho chúng ta nhìn thấy điều xảy ra
trong mỗi phút giây của mỗi ngày.
Hứa hẹn nền tảng của Phật giáo là mỗi chúng ta đều có thể giác ngộ.
Và với Phật giáo, giác ngộ không phải chỉ là vấn đề cá nhân. Tất cả
chúng ta cùng ở trên một mặt đất, và tất cả chúng ta đang cùng nhau giác
ngộ. Do đó một vấn đề rất quan trọng là làm thế nào để chúng ta khuyến
khích sự tu tập không chỉ cho sự giác ngộ của cá nhân hoặc chỉ cho sự
giác ngộ toàn thể, mà một sự tu tập trong đó cả hai đều là thiết yếu
trong con đường không phân chia. Đó là sự phấn đấu tuyệt vời và đẹp đẽ
biết bao.
Thị Giới lược dịch (theo Shambala Sun)
Chú thích:
(1) Những phản ứng từ thân, miệng và ý của chúng ta trong việc tiếp
cận với những mối tương quan tạo nên những dấu ấn trong tâm, kết thành
những hạt mầm gọi làchủng tử được chứa trong phần sâu thẳm nhất của tâm
mà Phật giáo gọi là A-lại-da-thức. Những chủng tử này phối hợp với những
điều kiện mới, những mối tương quan mới, để nẩy sinh thành những kết
quả trong cuộc sống. Những kết quả này lại sẽ là nguyên nhân khi phối
hợp với những mối tương quan mới khác, những tạo tác từ thân, miệng và
ý,để tạo thành những hạt mầm mới cho những kết quả trong tương lai.
(2) Cư trần lạc đạo phú.
(3) Rất nhiều vị thiền sư giác ngộ trên đường hành cước do một tác
động từ bên ngoài sau khi có được sự giải ngộ, một cái thấy căn bản từ
việc tu tập ở tu viện, từ một vị thầy.
(4) Nhất nhân tại cô phong đỉnh thượng, vô xuất thân chi lộ, nhất
nhân tại thập tự nhai đầu, diệc vô hướng bối, na cá tại tiền, na cá tại
hậu? Bất tác Duy-ma-cật, bất tác Phó Đại Sĩ! (Lâm Tế ngữ lục)
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 80