Hiếu
thuận, thờ kính cha mẹ là điều tốt lành, như Đức Phật tán thán, nhưng
phải thờ kính, hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ với của cải do tự mình làm
ra đúng pháp chứ không phải là phi pháp, phi đạo đức. Sát sinh, lấy của
không cho, nói dối, nói ác, nói chia rẽ, làm các tà hạnh để có nhiều
tiền của đem phụng dưỡng mẹ cha, đó là điều rất không tốt đẹp mà Đức
Phật cũng như các vị đệ tử của Ngài khuyên răn đừng có làm. Chúng ta chú
ý lời sau đây của Đức Phật nói với thanh niên Bà la môn Mahànàma:
"Ở đây, này Mahànàma, vị thiện nam tử, với những tài sản do nỗ lực
tinh tấn thu hoạch được, do sức mạnh của cánh tay gom góp lại, phải trả
bằng những giọt mồ hôi đổ ra, làm một cách hợp pháp, cung kính, tôn
trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ..." (Tăng Chi II, 106).
Ngài Xá Lợi Phất, trong kinh Dhananjàni (Trung Bộ II, 540), cũng nói rõ ý tứ của Phật là phải làm điều lành, không làm điều ác để phụng dưỡng cha mẹ.
"Này Dhananjàni, nhà ngươi nghĩ thế nào? Một người vì cha mẹ, làm các
điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay là một người vì cha mẹ, làm
các điều đúng pháp, làm các điều chân chánh, thì ai tốt đẹp hơn?".
"Thưa Tôn giả Sàriputta, người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm
các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp. Và thưa Tôn giả Sàriputta,
người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chánh, người
ấy tốt đẹp hơn".
Và ngài Sàriputta kết luận:
"Này, Dhananjàni, có những hành động khác, có nhận, đúng pháp, với
những hành động này, có thể phụng dưỡng cha mẹ, không làm các điều ác,
làm các điều lành. Những người làm các điều ác để nuôi dưỡng cha mẹ,
cũng không thể tránh khỏi quả báo của những hành vi bất thiện của mình.
Và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và bào
chữa cho những hành vi bất chánh của mình".
Kinh Dhananjàni tiếp đó, giải thích rõ, các con cái, vì mẹ cha
mà làm điều ác, điều bất thiện thì cũng sẽ chịu quả báo, kể cả đọa địa
ngục, và không thể viện lý do rằng, mình làm điều ác để phụng dưỡng cha
mẹ, cho nên không chịu quả báo, không đọa địa ngục.
(Theo Đạo Phật và chữ hiếu - HT.Thích Minh Châu)