Khi hái nấm về ăn, không phải đụng thứ nấm nào bạn cũng hái.
Phải hiểu loại nào ăn được, loại nào là nấm độc. Việc hành thiền cũng
vậy, chúng ta phải biết mối nguy hiểm phải đương đầu khi hành thiền là
phiền não. Phiền não chẳng khác nào rắn độc, phải biết nó để tránh nó.
Phiền não -- tham, sân, si -- nằm ở gốc rễ của sự đau khổ và tâm
ích kỷ. Chúng ta phải học cách chế ngự chúng, chiến thắng và thoát khỏi
sự kiểm soát và điều khiển của chúng, để làm chủ tâm mình. Dĩ nhiên cuộc
chiến đấu này thật khó khăn. Khó khăn như phải xa rời người bạn thân đã
sống với nhau từ thời thơ ấu.
Phiền não chẳng khác nào một con mèo. Nếu cho nó ăn, nó sẽ quanh
quẩn bên ta. Đừng cho nó ăn, nó sẽ không quấy rầy nữa.
Lúc mới bắt đầu hành thiền không thể nào tránh khỏi nóng nực và
buồn chán. Nhưng hãy nhớ rằng chỉ có phiền não nóng. Nhiều người nghĩ: "Tôi
chưa bao giờ gặp phải sự khó khăn như vầy trước đây. Chắc có cái gì xẩy
ra đây?" Chuyện này chẳng có gì lạ, vì trước đây khi nuôi dưỡng
phiền não, bạn đã đối xử nhẹ nhàng với chúng, vuốt ve, nuông chiều
chúng. Như người bị thương bên trong mà chỉ đắp thuốc bên ngoài nên
chẳng có cảm giác gì. Bây giờ mổ ra để trị tận gốc thì chắc chắn không
tránh khỏi đau đớn.
Muốn đề kháng lại phiền não thì bạn đừng cho chúng ăn, ngủ theo ý
muốn của chúng. Nhiều người cho làm như thế là tự hành hạ mình thái quá.
Nhưng đó là điều cần thiết để có sức mạnh bên trong. Bạn phải tự mình ý
thức về mình. Luôn luôn theo dõi tâm, bạn có thể nghĩ rằng bạn chỉ nhìn
vào kết quả mà không biết đến nguyên nhân. Giả sử cha mẹ có một đứa
con, lớn lên nó không biết kính trọng cha mẹ. Cha mẹ rất đau buồn và tự
hỏi, "Không biết thằng này từ đâu đến đây?" Thực ra, đau khổ của chúng
ta đến từ sự hiểu biết sai lầm, từ sự dính mắc vào những hoạt động của
tâm. Chúng ta phải huấn luyện tâm như huấn luyện một con trâu. Trâu là
tư tưởng của chúng ta, và người chăn trâu là thiền sinh. Nuôi trâu và
huấn luyện trâu là hành thiền. Với một con trâu được huấn luyện thuần
thục, chúng ta có thể thấy chân lý, chúng ta có thể hiểu nguyên nhân của
"tự ngã" của chúng ta và chỗ chấm dứt của nó, chỗ chấm dứt mọi sầu
muộn. Nó không phức tạp đâu!
Mọi người đều có phiền não trong lúc hành thiền. Chúng ta phải hiểu
chúng. Chiến đấu với chúng khi chúng hiện khởi. Đây không phải là
chuyện suy nghĩ mà là chuyện thực hành. Cần phải có nhiều kiên nhẫn. Dần
dần chúng ta sẽ thay đổi lối suy nghĩ và cảm giác theo thói quen của
chúng ta. Chúng ta sẽ thấy biết bao đau khổ sinh ra khi chúng ta nghĩ
đến danh từ Ta và Của Ta. Lúc ấy chúng ta sẽ không còn chấp nữa.
Hạnh phúc và đau khổ
Một thanh niên Tây phương vừa mới đến một trong những tu viện trong
rừng của Ngài Ajahn Chah xin ở lại hành thiền.
Câu trả lời đầu tiên của Ngài là:
-- Tôi hy vọng anh không sợ đau khổ.
Hơi bất ngờ và sửng sốt một chút trước câu nói, chàng thanh niên
giải thích rằng anh ta không phải đến đây để đau khổ mà muốn đến đây để
học thiền và sống trong yên tĩnh trong rừng.
Ajahn Chah giải thích:
-- Có hai loại đau khổ: đau khổ dẫn đến đau khổ hơn, và đau khổ dẫn
đến chấm dứt đau khổ. Nếu anh không muốn gặp loại đau khổ thứ hai thì
anh chắc chắn sẽ gặp loại đau khổ đầu tiên.
Lối dạy của Ajahn Chah thường thẳng thắn và trực tiếp. Khi gặp các
vị sư học trò của Ngài trong khuôn viên thiền viện, Ngài thường hỏi, "Hôm
nay sư có đau khổ nhiều không?" Nếu có vị sư nào trả lời "Có,"
Ngài sẽ nói, "Tốt lắm, sư phải mừng và mong muốn được như ngày
hôm nay" và Ngài cười với nhà sư về chuyện này.
Bạn đã từng có hạnh phúc chưa? Bạn đã từng gặp đau khổ chưa? Bạn có
từng xét xem hai loại trên, loại nào thực sự có giá trị hơn chưa? Nếu
đúng là hạnh phúc thì nó sẽ không bao giờ mất. Có thể như vậy được
không? Bạn phải nghiên cứu điểm này để thấy sự chân xác và thực tế. Sự
nghiên cứu này, sự hành thiền này dẫn đến Chánh Kiến.
Tâm phân biệt
Nghĩa rốt ráo của Chánh Kiến là không phân biệt. Thấy mọi người như
nhau, không tốt cũng không xấu, không thông minh cũng không ngu dốt.
Đừng nghĩ rằng mật ong ngọt và tốt, còn một số thực phẩm khác thì đắng
và xấu. Mặc dầu bạn có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhưng khi
cơ thể hấp thụ và bài tiết ra ngoài chúng đều giống nhau. Một cái ly
được xem là lớn khi so sánh với một cái chén nhỏ. Nhưng khi đặt cạnh cái
bình thì ly không còn lớn nữa.
Tâm phân biệt phát xuất từ tham muốn và si mê, nó nhuộm màu mọi vật
bằng lối này. Đó là thế giới do chính chúng ta tạo ra. Như vậy cái ly
vốn không lớn không nhỏ. Cảm thấy lớn hay nhỏ do tâm phân biệt của chúng
ta. Chúng ta dùng tham ái và si mê để so sánh với cái khác nên có sự
phân biệt lớn nhỏ.
Luôn luôn có sự bất đồng trên thế giới này. Xem xét sự bất đồng của
chúng, đồng thời tìm hiểu luôn sự tương đồng nữa. Những người đến đây
khác biệt nhau về văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng đừng nghĩ rằng: "Đây là
người Thái, đây là người Lào, đây là người Tây phương." Hãy có sự
hiểu biết hỗ tương và tôn trọng lối sống của nhau. Học thấy những điểm
tương đồng bên trong mọi vật, tất cả đều thật sự tương đồng, đều trống
rỗng. Khi đã học được, biết được sự tương đồng bên trong mọi vật, lúc
bấy giờ bạn sẽ biết cách cư xử và đối diện với những bất đồng bên ngoài
một cách khôn ngoan và hiểu biết. Nhưng cũng đừng dính mắc với sự tương
đồng nữa.
Tại sao đường thì ngọt mà nước lã thì chẳng có vị gì cả? Bởi vì bản
chất của chúng là vậy. Suy nghĩ hay tĩnh lặng, đau khổ hay khoái lạc
cũng thế -- muốn đừng suy nghĩ nữa là một chuyện sai lầm. Đôi lúc suy
nghĩ, đôi lúc yên tịnh. Chúng ta phải thấy cả hai đều có cùng bản chất
vô thường, bất toại nguyện và đều không đem lại hạnh phúc vĩnh cửu.
Nhưng nếu chúng ta băn khoăn lo lắng và suy nghĩ xa hơn: "Tôi đau
khổ, tôi muốn không suy nghĩ," thì chúng ta đã làm mọi chuyện trở
nên phức tạp bởi quan kiến sai lầm của mình.
Vào lúc chúng ta cảm thấy suy nghĩ là đau khổ, chẳng khác nào chúng
ta đang bị cướp. Chúng ta phải làm thế nào để chấm dứt sự suy nghĩ đây?
Ban ngày, trời sáng. Ban đêm, trời tối. Phải chăng đau khổ nằm trong sự
sáng hay tối này? Chỉ khi chúng ta so sánh sự vật hiện tại với những gì
mà ta đã gặp trước đây, hoặc chúng ta mong mỏi chúng xẩy ra trong chiều
hướng mà chúng ta mong đợi, chúng ta mới đau khổ. Một cách rốt ráo thì
sự vật là như vậy, như vậy -- chỉ vì chúng ta so sánh nên mới nhận lấy
đau khổ.
Khi thấy Tâm làm việc, bạn có xem nó là chính bạn hay là cái của
bạn không? Bạn sẽ trả lời: "Tôi không biết nó có phải là tôi hay của tôi
không, nhưng chắc chắn là tôi không kiểm soát được nó." Nó như một con
khỉ nhẩy nhót vô ý thức. Nó chạy lên lầu, thấy chán nó lại chạy xuống
lầu; mệt mỏi, đi xem chớp bóng, lại chán nữa; đi ăn, cũng chán nữa.
Những hành động này được điều khiển bởi những hình thức khác nhau của
chán ghét và sợ hãi.
Bạn phải học cách kiểm soát. Đừng lo cho con khỉ nữa mà hãy lo cho
chân lý của cuộc sống. Hãy nhìn bản chất thật sự của tâm: vô thường, bất
toại nguyện và trống rỗng. Phải học cách làm chủ nó. Nếu cần thì xích
nó lại. Hãy để nó tự làm mệt nhoài rồi chết. Thế rồi, bạn có con khỉ
chết. Hãy để cho xác khỉ chết thối rữa ra, bạn sẽ có xương khỉ.
Giác ngộ không có nghĩa là chết và bất động như một pho tượng Phật.
Người giác ngộ cũng suy nghĩ, nhưng biết tiến trình suy nghĩ đó là vô
thường, bất toại nguyện, và không có tự ngã. Người hành thiền sẽ thấy
những điều này một cách rõ ràng. Chúng ta cần phải truy tầm đau khổ và
chận đứng nguyên nhân gây ra khổ đau. Nếu không thấy được điều đó thì
trí tuệ sẽ không bao giờ nẩy sinh. Không nên đoán mò mà phải thấy sự vật
một cách rõ ràng và chính xác, đúng theo thực tướng của nó -- cảm giác
chỉ là cảm giác; suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Đó là cách thức chấm dứt mọi
vấn đề của chúng ta.
Chúng ta có thể xem tâm như một đóa sen. Một số sen vẫn còn nằm
trong bùn; một số vượt ra khỏi bùn nhưng vẫn còn ở dưới mặt nước; một số
khác đã vươn đến mặt nước; và một số khác nữa đã nở rộ và toả hương
thơm dưới ánh nắng mặt trời. Bạn muốn mình là loại hoa nào đây? Nếu bạn
thấy mình còn nằm dưới mặt nước thì phải coi chừng lũ cá và bày rùa!
Theo: Mặt Hồ Tĩnh Lặng
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ Aggasami Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana