Hơn 19.000 sinh mạng đã bị cướp đi trong thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra tại Nhật Bản năm 2011; 200.000 người chết và 1.5 triệu người trở nên vô gia cư trong trận động đất ở Haiti năm 2010; 225.000 người thuộc 11 quốc gia đã thiệt mạng trong cơn địa chấn sóng thần Sumatra-Andaman ở Ấn Độ Dương vào năm 2004; 1.883 người chết sau cơn bão Katrina năm 2005 ở Mỹ… là những con số biết nói minh chứng cho sự chuyển mình của địa cầu. Như một quy luật có vay ắt có trả, con người đã và đang phải trả giá cho những hành động tàn phá môi trường, làm hại đến cuộc sống muôn loài do mình gây ra. Nếu trong Thiên Chúa giáo chúng ta có nghe nói đến trận Đại Hồng Thủy, một trận lụt cực lớn được miêu tả như trừng phạt của Thiên Chúa cho sự suy đồi đạo đức, thoái hóa biến chất của loài người thì bên Phật giáo, sự kiện Hội Long Hoa được đề cập trong bài Kệ Tu Mau Kẻ Trễ (1):
Tu mau kẻo trễ, hỡi ai ơi!
Long Hội tràng thi đã mở rồi
Hội Long Hoa là hội mà người cõi dưới biết tu sẽ được vớt, bằng không thì sẽ bị đọa và chết sớm. Hội Long Hoa được ví như một hội thi chung kết sau một giai đoạn tiến hóa dài của nhân loại để tuyển chọn những người hiền lương đạo đức, loại bỏ những kẻ hung bạo gian tà, thực hiện sự công bằng thiêng liêng. Bồ Tát Di Lạc sẽ thị hiện để giáo hóa chúng sinh và trần gian chỉ còn lại người tu. Qua Hội Long Hoa, trái đất sẽ được thanh lọc để chuyển qua một giai đoạn tiến hóa mới trong sạch và tốt đẹp hơn. Sự tuyển chọn này sẽ diễn ra dưới hình thức những trận động đất, sóng thần cực mạnh làm thay đổi bề mặt địa cầu hoặc những thiên tai khủng khiếp do thủy, hỏa, phong, dịch bệnh… làm rất nhiều người thương vong. Các thảm họa kinh hoàng diễn ra tại Nhật Bản, Thái Lan, Haiti, Mỹ… nêu trên đã phần nào gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc “Long Hội tràng thi đã mở rồi”.
Chúng ta không biết khi nào thiên tai sẽ giáng xuống nơi mình đang cư ngụ. Trên thực tế, sự nóng ấm toàn cầu đang diễn ra ngày một nhanh hơn. Băng đang tan ở hai cực trái đất. Một số khu vực được dự đoán sẽ chìm trong nước. Có những hộ dân ở vùng ven sông nước ta như Thanh Đa hay Cà Mau đang ngủ thì phát hiện nhà mình đột ngột bị sạt lở và nhanh chóng rớt xuống đáy sông. Khi ấy, họ không kịp mang theo bất cứ tài sản gì ngoài mạng sống của mình. Thành phố Fukushima Nhật Bản cũng trở nên hoang tàn sau thảm họa kép thì huống chi thân người bé nhỏ này. Con người cũng như vạn pháp nhờ nhân duyên hội tụ. Con người không thể thoát khỏi quy luật của nhân quả và vô thường. Trời vô thường, đất vô thường, thời gian cũng vô thường. “Ngàn năm có chi trong tích tắc vô thường”(3). Duyên còn thì danh sắc còn. Duyên hết, danh mất thì sắc cũng tan. “Kiếp người rất ngắn ngủi – Chưa đến một trăm năm – Dù có hơn trăm năm – Cũng không sao khỏi chết”(4). Chết là một phần tất yếu của cuộc sống. Có sinh thì phải có tử. Tuy nhiên chu trình sanh lão bệnh tử vận hành tùy theo nghiệp duyên của mỗi người. Nhiều người chưa già đã chết hay chưa sinh ra, chỉ mới hình thành là bào thai đã chết. Bên cạnh những nấm mồ già ở nghĩa trang còn có những nấm mồ rất nhỏ minh chứng cho sự ra đi có thể diễn ra bất cứ lúc nào, với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, địa vị hay của cải… Không ai biết trước được chính xác ngày chết hay giờ chết của mình. Do đó, câu mở đầu bài kệ “Tu mau kẻo trễ , hỡi ai ơi!” như một lời kêu gọi, thức tỉnh những chúng sinh đang mê lầm giác ngộ để tự cứu mình càng sớm càng tốt. Chấm dứt thọ mạng không có nghĩa là chấm dứt nghiệp. Nghiệp là nhân tố quyết định đường tái sanh của con người. Khi ra đi, phước báu và tâm thiện lành sẽ đưa người lên cõi trên. Ngược lại, nghiệp bất thiện và tâm bất thiện sẽ trì kéo người rớt xuống cõi dưới. Còn làm người, còn sức khỏe, còn trí tuệ, còn tiếp xúc được Phật Pháp thì phải tu mau kẻo trễ là như thế.
Đạo đức trường tồn khi đổi kiếp
Gian tà đào thải lúc thay đời
Khi Hội Long Hoa diễn ra, tiêu chí để vượt qua chính là đạo đức của con người. Những người có công phu tu tập cao, biết giữ giới, làm việc thiện, tạo quả phước lành, đưa tâm vượt thoát lên cõi trên sẽ được Chư Phật, Chư Thiên, Bồ Tát và các vị Thánh độ cho sống sót để tiếp tục tu hành. Người gian tà hung bạosẽ bị các nhân xấu ác làm cho đoản mệnh, cộng nghiệp cùng chết với nhau về cõi bất thiện. Thần thức của họ phải trôi lăn, đau khổ trong những nơi tăm tối. Trên nấc thang tu học, việc thực tập chánh niệm, buông xả dục lạc, cố tâm tích lũy công phu để tiến lên rất khó nhưng rơi vào tình trạng thất niệm, bị hoàn cảnh lôi kéo để sa ngã, rớt xuống thì rất dễ. Chúng ta có được phúc duyên tầm cầu Phật Pháp, hiểu được luật nhân quả. Do đó, chúng ta phải trân quý cơ hội này để chuyên tâm thọ trì và ứng dụng cho bản thân. “Điều học mà người đã thọ trì được chính chắn”(5). cũng chính là một trong những hạnh phúc cao thượng mà Đức Phật đã dạy trong Kinh Hạnh Phúc.
Khá tu giúp ích cho nhân loại
“Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ…”(6). Những cái khổ dẫy đầy trên thế gian. Vì chứng kiến được những khổ đau của cuộc đời nên thái tử Tất Đạt Đa đã bỏ lại tất cả cung vàng điện ngọc, quyền cao chức trọng, vợ đẹp con xinh để ra đi tìm nguồn an lạc vĩnh cửu. Nhờ công phu tu tập lớn lao và lời nguyện cứu độ chúng sinh không xá gì thân mạng, Ngài đã giác ngộ được Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo để trao truyền cho nhân loại. Là người con Phật, may mắn có được phúc duyên học và hành trì theo chánh Pháp, chúng ta cần có tâm nguyện giải thoát vững vàng như Phật để tự cứu lấy bản thân mình. Khi thực chứng thành công và có những kinh nghiệm chuyển hóa khổ đau nhất định, chúng ta sẽ chia sẻ được với nhiều người xung quanh để họ cùng hành trì trên con đường giải thoát. Ngày xưa, Đức Phật sau khi thành đạo đã trở về kinh thành độ cho vua cha, mẫu hậu và vợ con được đắc đạo theo. Hơn thế nữa, Ngài đã dành hết cuộc đời để hoằng pháp, mang đến lợi lạc cho vô số chúng sinh cõi trời và người. Như một ngọn đuốc bừng cháy thì cả giàn đuốc xung quanh sẽ được soi sáng theo. Nói “Khá tu giúp ích cho nhân loại” là như thế.
Mau dựng tình thương khắp mọi nơi
Từ bi và bố thí là hai hạnh cao quý của Chư Phật và Bồ Tát cần được học và hành trì theo. Từ có nghĩa là tình thương, mong chúng sinh có nhiều yêu thương, bi có nghĩa là thấu hiểu nỗi khổ, mong chúng sinh vượt qua những khổ đau. Mỗi sớm mai thức dậy, người luôn tâm niệm việc tưới tẩm và nuôi dưỡng hạt giống từ bi trong tâm. Vì xót thương chúng sinh còn mãi trầm luân trong bể khổ nên nguời nguyện bản thân mình giải thoát ngaytrong giây phút hiện tại để giúp chúng sinh sớm trọn thành Phật đạo. Lời nguyện xuất phát từ tâm trong sáng, lời nói dễ thương và sự tu tập tinh chuyên sẽ mang lại nhiều phúc duyên và phước báu cho tự thân. Tâm từ không bao giờ cạn nên ta có thể rải tâm từ mọi lúc mọi nơi, bất kể không gian và thời gian. Cho đi là nhận lại. Bố thí nhân bình an sẽ gặt được quả bình an.“Vũ trụ tuy bao la, không bằng một trái tim từ bi”(7). Trái tim Đức Phật tuy hình hài bé nhỏ nhưng chứa đựng bên trong là một bầu trời yêu thương không biên giới nên Người đã chinh phục được cả thế giới, thậm chí vượt lên trên tam giới. Vì tình thương vô tận ấy nên Người không xá gì thân mạng, hiểm nguy, gian lao, quyết chí thành đạo để cứu độ chúng sinh.
“Mau dựng tình thương khắp mọi nơi” không chỉ là một lời khuyên mà còn là một lời kêu gọi trách nhiệm. Chúng ta đang biểu hiện tại đây, được viết và đọc bài viết này là quả của hằng hà sa số các nhân ơn của cuộc đời. Trong đó, có bốn ơn nặng nhất mà bất cứ ai cũng không thể nguôi quên là ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia, ân chúng sanh, còn được gọi là Tứ trọng ân. Con người có mặt trên cuộc đời, được đi trên con đường chánh đạo, có phương tiện học tập và hành trì chánh pháp là nhờ vô lượng công ơn của cha mẹ, các vị ân sư, các chiến sĩ ngày đêm canh giữ hòa bình cho đất nước và công phu người lao tác các phương tiện sống hàng ngày. Mang nhiều ơn của đại chúng nên phải trả ơn cho đại chúng là trách nhiệm và nghĩa vụ đúng đắn. Dù hoàn cảnh ngặt nghèo, dù ngục tù xiềng xích, dù ác ma trói buộc, dù bệnh tật giày xéo… ta vẫn nguyện rải tâm từ cho tất cả chúng sinh ở ba giới bốn loài, trong mười phương, những người mình thương và cả những người chưa thương. Tình thương rải đến đâu, phố phường vang dội đến đó. Chỉ có thực tập yêu thương mới có thể hóa giải được hận thù, mang đến cho người thân tâm nhẹ nhàng, giấc ngủ an lành và nét mặt hiền hòa.
Chuyến chót thuyền từ gần tách bến
Chần chờ lỡ dịp ắt chơi vơi
Phật Trời đại xá thời mạt pháp
Kết quả là thành nếu có tu
Theo truyền thống Phật giáo, chu kỳ của Pháp được chia thành ba mốc thời gian: Chánh pháp kéo dài 500 năm, Tượng pháp kéo dài 1.000 năm, Mạt pháp kéo dài 10.000 năm; và sau đó, Phật pháp diệt tận, chúng sanh chìm nổi trong hỗn loạn và đau khổ. Theo lịch Đông phương, thời mạt pháp đã qua một ngàn năm đầu tiên và thời đại chúng ta đang sống hôm nay, chính là thời mạt pháp. Long Hội tràng thi cũng đã mở. Số người chết lên đến hàng trăm ngàn người trong mỗi thảm họa những năm gần đây là báo hiệu những đợt thanh lọc đang diễn ra. Thời gian đã rất cận kề, chuyến chót thuyền từ dành cho những người đạo đức sắp rời bến, nếu còn chần chờ lỡ dịp, người sẽ bị rớt lại và chơi vơi trong bể khổ tăm tối. Một khi đã trôi vào dòng mê lầm cõi dưới thì không biết bao giờ mới có đủ thuận duyên để tái sinh lên cõi trên trở lại. Như Đức Phật đã nói số chúng sinh được làm người như nắm lá mùa thu, số tiếp cận được chánh pháp còn ít hơn thế và số được thành tựu là vô cùng hiếm hoi. Khi chúng ta tu tập với một tâm thiện lành thì năng lượng Phật sẽ phát khởi. Nếu miên mật hành trì thường xuyên, tích lũy phước báu thì “Phật Trời sẽ đại xá thời mạt pháp, kết quả là thành nếu có tu”.
Người tu càng trẻ và càng giỏi thì gia đình và xã hội càng có lợi. Một cộng đồng mà từng cá nhân luôn biết giữ mình trong sạch thì cộng đồng đó sẽ không bị ô nhiễm. Một thành phố không có xe động cơ di chuyển là một thành phố trong lành. Chúng tanương tựa Tam Bảo để quay về với chánh đạo, với tự tính trong sạch vốn có. Phật, Pháp, Tăng là các tự tính có sẵn trong tâm. Nhập Niết Bàn thực chất là quay lại với bản chất thanh tịnh, không vướng mắc ban đầu của người. Chúng sinh tìm về Niết Bàn cũng giống như con cò tìm về cánh đồng hay chú sư tử tìm về khu rừng. Khi giác ngộ có nghĩa là chúng ta đã nhập được Niết Bàn. Muốn biết nước biển mặn phải nếm. Muốn cầm tay được giải thoát thì phải dấn thân tu tập và thực chứng bằng kinh nghiệm của bản thân.
Thiền định giới trì siêng chánh niệm
Nhờ thực tập thiền tuệ mà Đức Phật đã đạt được quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác dưới cội Bồ Đề. Đây là con đường khai thông trí tuệ mà Người đã thực chứng và trao truyền cho hàng đệ tử. Là người con Phật, chúng ta cần học theo phương pháp tu tập của Phật để có thể ứng dụng hành trì vào thực tế, tự thực chứng, tự giác ngộ bằng năng lực của bản thân. Ngồi thiền, đếm hơi thở, đưa tâm về an trú trong thân sẽ giúp người quay về ngôi nhà tâm linh yên bình. Từ đó dùng năng lượng từ bi xoa dịu các cơn sóng giận hờn, đau đớn của thân tâm. Khi cơ thể được điều phục, trái tim nhỏ bé sẽ rộng mở, năng lượng tỉnh thức sẽ phát khởi, trí tuệ được khai thông và người sẽ quán chiếu được các chân lý của cuộc đời như Đức Thế Tôn.
Ngồi thiền là một trong những phương pháp thực tập chánh niệm hiệu quả nhất bên cạnh đi thiền, nằm thiền, thiền ăn cơm, thiền làm việc, thiền lái xe… Thực tập chánh niệm là thực tập sống tỉnh thức trong từng phút giây. Nhờ chánh niệm, chúng ta sẽ ý thức được quả của những việc mình đang tạo tác từ thân khẩu ý để điều phục thân tâm đi đúng con đường chân chính.
Với lòng từ bi rộng lớn và trí tuệ vô biên, Đức Phật đã nhìn ra những nguyên nhân khiến con người đau khổ nên đã chỉ cho chúng ta nhận diện khổ đau và nguyên nhân gây ra khổ đau. Do đó, để không rơi vào tình trạng thất niệm và tu tập được tinh chuyên, chúng ta cần liên tục thực tập chánh tinh tấn nhận diện tất cả tâm thiện hay bất thiện đang phát khởi trong mọi hoàn cảnh để không bị chúng chi phối. Chánh tinh tấn cũng là một trong tám con đường cứu khổ mà Đức Phật đã dạy cho nhân loại.
Cũng đồng giải thoát nẻo siêu sanh.
Thực tập giới định tuệ được ví như gieo hạt lành, trồng cây cho quả giải thoát. Đây cũng chính là ba chiếc chìa khóa mở cánh cửa giải thoát cho chúng sinh. Khi không còn bất cứ ràng buộc nào thì Niết Bàn hiện tiền. Niết Bàn là một tự tính thanh tịnh, trong sạch có sẵn trong tất cả chúng sinh. Ai cũng có khả năng giác ngộ và thành Phật, chỉ e có chịu tu và đủ phước để tu hay không. Tự tu thì tự ngộ. Không ai tu dùm mình. Người cha ăn thì người con không thể no được. Phật không ban tặng giải thoát cho chúng sinh. Phật trao truyền Bát chánh đạogiúp chúng sinh giải thoát. Chúng ta không ai biết trước được thọ mạng của mình nên hãy tu như ngày mai sẽ chết đi. Với tâm thiện lành luôn hướng về Tam Bảo thì dù thân giả hợp có tồn tại hay tan rã thì đâu đâu cũng là đất Phật.
======
Kệ Tu Mau Kẻo Trễ – Thiền Môn Nhật Tụng, TG Minh Thạnh
Kinh Buông Bỏ Ân Ái – Nghĩa Túc Kinh, Kinh thứ sáu, Đại Tạng Tân Tu 198
Kinh Hạnh Phúc – Kinh Nhật Tụng Của Cư Sĩ, Tỳ Kheo Tăng Định hợp soạn
Khổ đế – Tứ Diệu Đế
Kệ Trái Tim Không Biên Giới – Thiền Môn Nhật Tụng, TG Minh Thạnh