Phật pháp ứng dụng
Đi gặp mùa xuân
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
23/12/2012 22:29 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chú bé ngày xưa và chú bé ngày nay

Trên cốc Ngồi Yên ở Xóm Thượng có một tấm hình của Thầy chụp vào năm mười sáu tuổi. Hồi đó, Thầy mới đi tu được chừng sáu tháng. Mỗi khi nhìn vào tấm hình ấy, Thầy thấy trong lòng dâng lên một niềm cảm thương, tại vì ở tuổi đó, Thầy đang còn khờ khạo, ngây thơ, chưa biết gì về con đường tương lai, cũng chưa biết được bản chất của Phật pháp, cũng không biết rằng sau này lớn lên mình sẽ tu học như thế nào và hành đạo ra sao ?
Hôm trước trên cốc Ngồi Yên, Thầy hỏi sư chú Pháp Cảnh, sư chú trẻ nhất ở trong xóm Thượng, trẻ nhất không có nghĩa là tu sau nhất vì sư chú Pháp Cảnh bây giờ là sư anh của nhiều sư em rồi. "Bây giờ con có muốn Thầy biến thành một chú bé mười sáu tuổi hay hai mươi tuổi hay không? Thầy có thể làm được điều đó." Sư chú không trả lời. Chắc có lẽ sư chú nghĩ Thầy mình có phép lạ, có thể biến một ông già bảy mươi tuổi thành một chú bé mười sáu tuổi hay một chàng thanh niên hai mươi tuổi.

Trong thiền quán, nhìn sâu sắc vào bản thân của mình và vào sự sống, Thầy thấy: mình đã biến thành một chú bé mười sáu tuổi hay một chàng thanh niên hai mươi tuổi. Thầy thấy sư chú Pháp Cảnh cũng như sư chú Pháp Niệm chính là Thầy. Tuy nhiên, giữa sư chú ngày xưa của năm mươi bốn năm về trước và sư chú ngày hôm nay có nhiều sự khác biệt. Sư chú ngày xưa chỉ có một năng lượng rất lớn ở trong lòng: muốn tu và muốn đem đạo Bụt ra làm đẹp cho cuộc đời. Ý niệm muốn tu và muốn đem đạo Bụt ra làm đẹp cho cuột đời rất mạnh ở trong lòng chú bé mười sáu tuổi. Tu như thế nào thì chưa biết, làm đẹp cho cuộc đời như thế nào thì chưa biết, nhưng năng lượng ấy rất lớn ở trong trái tim chú bé ngày xưa. Chú bé ngày hôm nay cũng thế nhưng lại giàu có hơn nhiều. Năm mươi bốn năm tu học và hành đạo cộng với kinh nghiệm khổ đau đã đem lại cho chú bé ngày xưa nhiều tuệ giác để truyền lại cho chú bé ngày nay. Chú bé ngày nay biết con đường mình đi và chứng kiến được sự thành công của sự tu tập chung quanh mình. Chú bé ngày nay tới tham dự vào những khóa tu được tổ chức ở Âu châu, Mỹ châu hay Làng Mai, có thể thấy được sự chuyển hóa và an lạc của những thiền sinh tới tu tập. Chú bé được trao truyền những phương pháp thực tập rất cụ thể như ăn cơm, uống trà, thở, ngồi thiền, lạy v.v... Sự thực tập được soi sáng bởi những lời giảng giải mà chú bé có thể hiểu được một cách rõ ràng. Như vậy, so với chú bé ngày xưa, chú bé ngày hôm nay may mắn và giàu có hơn nhiều. Biết được con đường trước mặt mình là con đường nào, biết được những khó khăn mà mình sẽ đương đầu trong tương lai. Giữa hai chú bé có sự khác biệt, và khi thực tập nhìn sâu, Thầy thấy Thầy là sư chú Pháp Niệm, là sư chú Pháp Cảnh, là sư cô Tuệ Nghiêm, là sư cô Định Nghiêm, v.v... Trong cái thấy đó, không có sự phân biệt ta và người. Khi tu tập quán chiếu sâu sắc, mình không còn thấy ranh giới giữa mình và người. Người kia bây giờ là mình, người kia bây giờ đang tiếp tục sự sống và sự nghiệp mình. Và khi mình thấy được như vậy thì ý niệm về chia ly, về xa cách, về vĩnh biệt, về chết sống sẽ tan biến mất và mình trở nên một con người tự tại và an lạc.

Thực tại đẹp hơn giấc mơ

Cuộc đời có những khổ đau, có những khó khăn. Nhiều người trong chúng ta không đủ sức để đối phó với những khổ đau và khó khăn đó, cho nên hay có khuynh hướng đi tìm và trú ẩn nơi những giấc mơ. Mơ ước rằng ngày mai mình sẽ được như thế này, ngày kia mình sẽ được như thế nọ. Có khi thiên đường hay cực lạc cũng chỉ là những giấc mơ mình tạo ra cho mình để trốn chạy thực tại, trốn chạy những khó khăn của chính mình trong ngày hôm nay. Các văn nghệ sĩ, các nhà làm phim và các nhà làm kịch biết nhu yếu đó của con người. Họ biết con người không có an lạc trong giây phút hiện tại, cho nên họ luôn luôn muốn tạo ra những giấc mơ để giúp người ta có thể lẩn tránh, giúp người ta có thể quên bớt những đau khổ và những khó khăn của cuộc sống hiện thực. Viết một cuốn tiểu thuyết, làm một cuốn phim, kể một câu chuyện là để cống hiến cho người ta những giấc mơ để người ta được vỗ về, nuôi nấng và ấp ủ, để quên đi những đau khổ trong hiện tại. Con đường văn nghệ, con đường sáng tác của số đông là như vậy. Có nhiều nhà nghệ sĩ nói: "Nếu đời không có những giấc mơ thì làm sao sống được!" Vì vậy, phận sự của các nhà nghệ sĩ là tạo ra những giấc mơ: mơ ước cái này, mơ ước cái khác. Trong khi đó, sự thực tập của chúng ta tại Làng Mai đi ngược hẳn lại với khuynh hướng trốn chạy đó. Chúng ta được dạy rằng: "Tất cả những gì mầu nhiệm của sự sống nằm ngay trong giây phút hiện tại." Và nếu bỏ giây phút hiện tại thì chúng ta không còn gì nữa. Thiên đường, cực lạc, niết bàn v.v... và những gì mà chúng ta trân quý và ước ao như an lạc, vững chãi, thảnh thơi, v.v... tất cả những cái đó, theo lời Bụt dạy, đều phải được tìm ngay trong giây phút hiện tại. Vì vậy, trở về giây phút hiện tại, chọc thủng giây phút đó để đi vào trái tim của sự sống, đó là sự thực tập của chúng ta. Tại Mai Thôn đạo tràng, chúng ta không chạy theo con đường mà đa số đang chạy theo là tìm tòi sự lãng quên, nương náu vào những giấc mơ để quên đi đau khổ, quên đi những khó khăn hiện thực của cuộc sống.

Trong một buổi thiền tọa, Thầy tự hỏi: "Mình có còn giấc mơ nào cần thực hiện không? Mình có còn ao ước nào nữa không?" Trong một thời gian khá lâu, Thầy tìm tòi, phơi bày chiều sâu tâm thức ra mà vẫn không tìm thấy được một đối tượng nào của ước mơ chưa được thực hiện. Ai mà lại không có những giấc mơ? Ai mà lại không có những ước mộng chưa thành? Nhưng hôm ấy trong khi ngồi thực tập quán chiếu, Thầy không thấy có một giấc mơ nào hay một ước vọng nào chưa thành cả. Đó là một điều rất là ngộ nghĩnh. Có khi nhìn trời, nhìn trăng, nhìn sao, nhìn cây, nhìn cỏ, nhìn các sư cô, sư chú, Thầy thấy rằng: "Thực tại đẹp hơn bất cứ giấc mơ nào mà mình có thể mơ tưởng." Chỉ cần so sánh chú bé ngày xưa, năm mươi bốn năm về trước, với chú bé ngày nay là mình đã thấy được nụ cười rồi. Thấy rõ ràng rằng sự thực tập của mình, con đường mình đi đã đem lại cho mình rất nhiều hạnh phúc. Được sống với tăng thân, được sống với các bạn từ mấy mươi nước tới, được sống với người tại gia và người xuất gia, cùng nhau thực tập con đường của vững chãi, của an lạc, của thảnh thơi, đó đã là một nguồn hạnh phúc lớn. Nó có thể lớn hơn bất cứ một ước mơ nào, vì đây không phải là ước mơ, đây là sự thực. Giờ đây, mỗi khi đi thiền hành ngang qua những cây tùng ở xóm Thượng, Thầy thường dừng lại để ngắm nhìn. Những cây tùng đó tên là Tùng Đại Tây (Cèdre Atlantica). Những cây tùng này được trồng cách đây mười lăm năm và bây giờ đã lên cao, rất hùng vĩ, rất vững chãi. Thầy hay nhìn chúng mỉm cười. Thầy thấy những cây tùng đó là những sư cô và sư chú đang đứng vững vàng trong gió, trong tuyết, trong mưa và Thầy cảm thấy rất hạnh phúc. Một người tu tập cũng vậy, một sư chú, một sư cô, một người Tiếp Hiện, nếu tu tập vững chãi, thảnh thơi, trải qua mưa gió, khắc phục được những khó khăn, đứng vững trong cuộc đời này, một người như vậy có thể đem lại rất nhiều niềm tin, an lạc và hạnh phúc cho những người xung quanh, cho cảnh vật xung quanh.

Hiện Pháp Lạc Trú

Giờ phút này, trong khi ngồi đây, chúng ta có thể có hạnh phúc rất lớn. Điều quan yếu là chúng ta đang ngồi đây với nhau. Thân của mình thực sự có mặt và tâm của mình cũng thực sự có mặt. Mình không có nhu yếu muốn chạy trốn. Mình ngồi đây với Thầy, với bạn, với sư anh và sư chị trong một buổi pháp thoại. Ngay sự kiện đó đã là một nguồn hạnh phúc, đã là một phép lạ rồi. Còn bài pháp thoại là gì? Có phải mình ngồi đây để nghe pháp thoại không? Và ngồi với nhau có phải là một phương tiện để đi tới một cứu cánh? Hoặc giả bài pháp thoại là một phương tiện để chúng ta có thể tới ngồi chung với nhau trong một buổi sáng hay không? Ngồi là một phương tiện hay pháp thoại là một phương tiện? Đó là những câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra mà không cần trả lời, để thấy rằng pháp thoại cũng là một cái gì rất mầu nhiệm. Ngồi với nhau, chỉ ngồi với nhau để thở, để có mặt bên nhau cũng là một hạnh phúc rất lớn, cũng là một cái gì rất mầu nhiệm.

Phương pháp mà chúng ta thực tập tại Làng Mai là "hiện pháp lạc trú" (drstadharmasukhavihara), nghĩa là sống từng giây, từng phút có hạnh phúc ngay trong hiện tại. Căn bản của sự thực tập là những mầu nhiệm của sự sống, những điều kiện của hạnh phúc đã có sẵn trong ta và xung quanh ta. Nếu ta biết ngồi yên, nếu ta biết thực tập đem thân và tâm về một mối, thì tự nhiên ta có thể tiếp xúc với những điều kiện đó của hạnh phúc và ta có hạnh phúc ngay tức khắc. Ta không cần phải chạy đi tìm hạnh phúc ở đâu nữa. Từ hạnh phúc nhỏ, chúng ta đi tới hạnh phúc lớn. Hạnh phúc lớn không thể có mặt ngoài những hạnh phúc nhỏ. Khi nhìn một bông hoa, ban đầu ta thấy màu hoa, rồi đến hình dáng của từng cánh hoa. Nếu biết nhìn sâu thì ta có thể thấy được rằng bông hoa chứa đựng tất cả những mầu nhiệm của vũ trụ, của sự sống. Bông hoa mang tất cả những mầu nhiệm của vũ trụ trong lòng nó. Khi nhìn bông hoa, có người chỉ mới thấy được một phần mười cái đẹp của bông hoa, một phần mười cái mầu nhiệm của bông hoa. Nhưng những người đã có kinh nghiệm, đã có tuệ giác tuy cũng nhìn vào bông hoa đó, cũng nhìn trong thời gian đó nhưng cái thấy rất sâu sắc. Càng thấy sâu sắc chừng nào, hạnh phúc càng lớn chừng đó. Ngồi thiền cũng vậy. Người mới ngồi thì có thể có một phần hạnh phúc. Người đã biết ngồi và có khả năng ngồi thì tuy cũng ngồi như người kia, cũng ngồi một thời gian ngắn như người kia, nhưng trong thời gian ngồi đó sự vững chãi, sự thảnh thơi và sự hạnh phúc lớn lao hơn nhiều. Do đó, chúng ta biết rằng: hạnh phúc lớn không thể nào có được nếu ta không có hạnh phúc nhỏ. Tu tập là làm thế nào để ta có được rất nhiều hạnh phúc nho nhỏ trong đời sống hằng ngày và như vậy hạnh phúc lớn là điều kiện chắc chắn sẽ xảy ra với chúng ta. Cũng như khi đi thiền hành, chúng ta không nghĩ đến chuyện tới, tại vì đi thiền hành có nghĩa là đi mà không cần tới. Mỗi bước chân đều có thể đem lại an lạc và hạnh phúc cho chúng ta rồi và càng thực tập chúng ta càng có nhiều an lạc.

Tại Làng Mai, chúng ta không mơ ước xây một ngôi chùa lớn. Chúng ta không có mơ ước gì cả. Chúng ta chỉ mơ ước một điều mà chúng ta có thể làm ngay hôm nay. Đó là đi cho vững, ngồi cho vững, thở cho có ý thức, biết mỉm cười và biết ăn cơm trong chánh niệm. Mà điều đó không còn là ước mơ nữa. Đó là chuyện mà ta có thể làm được hàng ngày. Đó là sự thực. Sự thực này có thể đẹp hơn bất cứ một ước mơ nào.

Đốn Một Cây Tre

Có cái ước mơ ngày xưa: khi già, mình muốn trẻ lại. Nhưng ước mơ đó bây giờ cũng không còn nữa, vì ước mơ đó đã thành sự thực rồi. Các sư chú, các sư cô đang là mình và sẽ làm hay hơn mình. Chú bé ngày xưa còn ngây thơ, còn khờ khạo chưa biết đường đi, nhưng các sư chú sư cô ngày nay đã biết phương pháp, biết đối tượng của sự tu tập. Vì vậy cái ước mơ trở về một chú bé mười sáu tuổi hay hai mươi tuổi không còn là ước mơ nữa. Sự thực là Thầy đã hóa phép để trở thành sư chú Pháp Cảnh. Nhìn sư chú Pháp Cảnh, Thầy nói: "Con cũng vậy! Con cũng có thể hóa
phép để trở thành ông già bảy mươi tuổi". Cái phép lạ đó chỉ có thể thực hiện khi mình nắm được bản chất sự thật về dòng sinh mạng của mình. Mình không phải sinh vào năm đó, mình đã sinh từ lâu. Mình sẽ không chết vào năm đó, mình sẽ tiếp tục hoài hoài. Mình có thể vượt thoát sinh tử. Thầy có nói: "Này con! Hôm nay Thầy đã trao truyền cho con một cây đèn mà khỏi phải đi vào thiền đường Nước Tĩnh, khỏi phải đốt hương. Và Thầy mong rằng sau này con có thể truyền lại cây đèn đó cho những người học trò của con. Cố nhiên, con sẽ không cần trao truyền theo phương pháp của Thầy. Con làm sao cũng được miễn là học trò của con cũng nhận được tuệ giác đó."

Bây giờ, Thầy muốn kể vài kỷ niệm về Sư Ông của các con để các con biết rõ thêm về nguồn gốc của mình. Sư Ông pháp danh là Thanh Quý, là người học trò chót của thế hệ Thanh trong giới xuất gia, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông. Sư Ông của các con đi xuất gia từ hồi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, ở chùa đã lâu nhưng chú bé ngày xưa chưa được chính thức thọ giới sa di vì còn quá nhỏ! Đến khi hòa thượng Hải Thiệu viên tịch, thì sư anh của Sư Ông là hòa thượng Thanh Thái, hiệu Tuệ Minh, đã làm lễ thế độ cho Sư Ông trước Linh Cửu của Bổn Sư, và đặt pháp danh cho Sư Ông là Thanh Quý. Thanh Quý có nghĩa là người đệ tử út mang pháp danh có chữ Thanh đứng đầu. Sư Ông được sư anh nuôi lớn, dạy dỗ, rồi sau đó được sư anh (hòa thượng Tuệ Minh) truyền đăng cho và đặt pháp tự là Cứu Cánh, pháp hiệu là Chân Thật. Bài kệ phó pháp mà sư anh Thanh Thái Tuệ Minh trao cho sư em Thanh Quý Chân Thật là:

Chân Thật duy tùng thể tánh trung
Thâm cùng vọng thức bổn lai không 
Thỉ tri thị vật nguyên vô vật 
Diệu dụng vô khuy chỉ tự công

Đây là một bài kệ mà ý nghĩa rất thâm sâu để chúng ta học hỏi và hành trì theo. Thầy được làm thị giả cho Sư Ông chỉ một mùa thôi, vào khoảng ba tháng, và không được làm lần thứ hai vì sau đó còn có nhiều sư em. Có một lần dọn cơm cho Sư Ông, không biết vì thiếu chánh niệm thế nào Thầy đã quên không để một đôi đũa vào trong mâm cơm. Mâm cơm Việt Nam mà thiếu đũa thì nguy lắm! Sau khi đặt mâm cơm trên bàn của Sư Ông, Thầy lui ra đứng khoanh tay sau lưng Sư Ông để chờ xem Sư Ông có cần sai bảo gì không. Hồi đó, Thầy dại lắm! Thầy nghĩ rằng: "Đứng mà không làm gì hết thì rất uổng thì giờ". Vì vậy Thầy đã lấy cuốn kinh đứng sau lưng Sư Ông mà học; hành động mà bây giờ ta gọi là "tranh thủ thời gian". Thầy mải đọc kinh nên không thấy rằng mâm cơm của Sư Ông không có đũa. Ấy thế mà Sư Ông không nói gì hết. Sư Ông lấy thìa để ăn cơm, từ đầu đến cuối. Ăn cơm xong, Sư Ông gọi: "Này chú", Thầy bỏ cuốn kinh xuống, đứng chắp tay. Sư Ông hỏi: "Ngoài vườn của mình còn nhiều tre không?" Ngây thơ Thầy trả lời: Dạ! Bạch Sư Ông! Ngoài vườn mình còn nhiều tre lắm. Nhất là tre cán giáo (tre cán giáo có nhiều măng, ăn ngon lắm!). Sư Ông nói: Vậy thì ăn cơm xong, chú ra vườn đốn một cây tre đem vào đây! Thầy lại: "Dạ." Rất ngây thơ. Đột nhiên Thầy nghĩ: "Đốn tre làm chi vậy ?" Thầy chắp tay: Bạch Sư Ông! Đốn tre để làm gì ạ ? Sư Ông cười nói: Để vót vài đôi đũa. Chú nhìn xem: trong mâm cơm này không có đôi đũa nào hết. Lúc đó, Thầy mới giật mình sợ hãi. Bài học đó Thầy không bao giờ quên. Bài học thiếu chánh niệm.

Ở Làng Mai, chuyện này cũng đã thường xảy ra. Có một lần sư chú Pháp Tạng làm thị giả cho Thầy. Sư chú dọn cơm cho Thầy với một thiền sư khách. Không biết loay hoay làm sao đó sư chú quên đem cơm mà chỉ đem thức ăn thôi! Hôm đó, vị thiền sư khách và Thầy chỉ ăn thức ăn suông.

Tiếp Nhận Và Trao Truyền

Hồi còn thơ ấu, Thầy được ra ngoài Bắc học, nên bị ảnh hưởng của người Bắc. Thay vì nói theo kiểu Huế: "Mời Sư Ông thời cơm" thì Thầy lại nói: "Mời Sư Ông dùng cơm!" Nghe từ "dùng cơm", Sư Ông hơi lấy làm lạ nhưng Sư Ông đã chấp nhận dễ dàng. Có một hôm, Sư Ông dẫn Thầy đi và chỉ cho Thầy những cây me đất mọc ở chỗ ẩm thấp và chung quanh mái tam quan. Những cây me đất cao chừng hai tấc, có bốn cánh, năm cánh, vị chua chua. Sư Ông nói: "Có một món này con có thể học được, đó là món canh khoai me đất." Sư Ông dạy: "Mình chỉ cần đổ một ít nước vào xoong rồi cắt khoai lang ra từng miếng nhỏ bỏ vào nấu cho sôi, khi mềm thì nêm muối rồi cắt vào đó một mớ me đất." Sư Ông rất ưa món canh này. Lâu lâu, Thầy nấu món canh khoai đó để cúng dường Sư Ông. Trước khi nấu món canh khoai đó, Thầy thường đến chắp tay thưa: "Bạch Sư Ông, hôm nay con muốn cúng dường món canh khoai me đất, Sư Ông có dùng không?" Sư Ông mỉm cười trả lời: "Dùng!". Thế là Sư Ông đã dùng cái động từ mà Thầy đã dùng.

Không bao giờ Sư Ông nói ra bằng lời rằng Sư Ông thương Thầy, nhưng Thầy biết là trong trái tim của Sư Ông luôn có đầy ắp yêu thương... một tình thương ấm áp và cao cả của Thầy đối với trò. Người Á đông vốn là kín đáo. Khi thương, người ta để trong lòng không chịu nói ra. Vì vậy có những đứa con và những đứa học trò cứ tưởng rằng cha mình không thương, Thầy mình không thương. Ở Tây phương, thương thì nói ra. Đôi khi thương ít mà nói thương nhiều, làm cho người ta tưởng là thương nhiều thật. Đó là sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. Sư Ông có viết di chúc để lại mà không cho Thầy và ai biết cả. Trong di chúc ghi là sau khi Sư Ông tịch thì Thầy phải kế thế để làm trụ trì tổ đình Từ Hiếu. Nhưng hình như Thầy đã được sinh ra không phải để làm trụ trì, cho nên khi Sư Ông tịch, sư anh của Thầy là thượng tọa Chí Niệm đứng ra đảm trách chức vụ trụ trì của tổ đình Từ Hiếu. Năm 1966 là năm mà Thầy phải rời quê hương để đi vận động hòa bình, bởi vì chiến tranh Việt Nam vào lúc đó đã đến giai đoạn khốc liệt. Khốc liệt đến nỗi ban đêm mình không ngủ được vì sự chết chóc diễn ra hằng ngày, hằng đêm. Ngay tại xung quanh thành phố Sài Gòn, sự chết chóc cũng diễn ra từng ngày, từng đêm. Vì vậy, Thầy nói với các vị cộng sự xuất gia và tại gia: hãy lo lắng mọi công việc ở quê nhà để Thầy có thể xuất ngoại đi vận động chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thầy lên đường vào ngày 11 tháng 5 năm 1966. Năm đó có Nhuần hai tháng Ba. Sau khi bà bác sĩ Hiệu, chị Uyên và chị Phượng, chị Phượng là sư cô Chân Không bây giờ, vận động xin được cho Thầy giấy xuất ngoại. Thầy liền bay về Huế để từ biệt Sư Ông: Bạch Sư Ông! Con phải đi xuất ngoại, ít nhất là ba tháng. Con sẽ cố gắng vận động dư luận thế giới, tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thầy không biết lần đó là lần cuối cùng được gặp Sư Ông. Nhưng hình như có linh tính báo cho Sư Ông biết trước nên Sư Ông nói: Con hãy ở lại thêm một ngày nữa để Thầy làm lễ truyền đăng cho con trước khi con đi. Khuya hôm sau, một lễ truyền đăng được tổ chức trong chánh điện. Sư Ông đã ban cho Thầy bài kệ truyền đăng mà các con đã thấy treo ở trên tường:

Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành
Hành đương vô niệm diệc vô tranh 
Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể 
Diệu pháp Đông Tây khả tự thành

Ngày xuất gia và được thọ giới sa di, Thầy được trao pháp danh là Trừng Quang, pháp tự là Phùng Xuân. Phùng Xuân nghĩa là gặp mùa xuân. Thầy không thích cái pháp tự này mấy, vì Thầy cho rằng pháp tự này giống tên con gái. Hồi đó, Thầy chưa biết rằng Phùng Xuân là một từ để đối lại với từ Khô Mộc. Khô Mộc tức là cây khô. Giọt nước cam lồ của bồ tát Quan Thế Âm một khi rưới lên cây khô, cây khô đó biến thành một mùa xuân mới.
Trong thiền môn, có những đoàn thể không hiểu tu tập như thế nào mà người ta trở thành những cây khô. Vì vậy ngày nay chúng ta có những danh từ Khô Mộc Đường, Khô Mộc Chúng, v.v... Họ ngồi thiền ngày đêm, mục đích là làm sao để những ước muốn, những mơ tưởng của mình khô cạn hết, như một cây khô vậy thôi; làm sao để giải thoát ra khỏi những khổ đau, những bức rức ở trong lòng để đừng đau khổ. Truyền thống thiền đó gọi là "Khô Mộc Thiền".

Đi Về Hướng Mùa Xuân

Thiền của chúng ta là thiền của tình thương. Chúng ta thực tập thương yêu hai mươi bốn giờ trong một ngày. Chúng ta đi, cốt yếu vì thương mà đi, chúng ta ngồi cũng vì thương mà ngồi, chúng ta ăn cơm cũng vì thương mà ăn cơm, chứ không phải là để làm khô kiệt dòng suối thương yêu trong lòng của chúng ta. Bụt là một con người của tình thương. Chúng ta phải tiếp nối tình thương của Bụt mới được. Ngày xưa, có một vị thiền sư tên là Đại Hải. Ngài có một bài thơ như sau:

Suy tàn khô mộc ỷ hàn lâm
Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm
Tiều khách ngộ chi giao bất cố 
Dĩnh nhân ná đắc khổ truy tầm 

Suy tàn khô mộc ỷ hàn lâm: Nghĩa là một cây khô đang suy tàn, dựa vào một khu rừng lạnh.
Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm: Bao nhiêu lần gặp mùa Xuân nhưng cây khô vẫn giữ nguyên thái độ khô khan của nó.Tiều khách ngộ chi giao bất cố: Người tiều phu đi ngang qua, gặp cây khô đó nhưng không thèm nhìn vì nó khô khan, nó lạnh lùng, trông chán lắm! Dĩnh nhân ná đắc khổ truy tầm: Dĩnh tức là kinh đô của nước Sở (bây giờ là Hồ Bắc). Người nước Sở cực nhọc đi tìm mà không thấy được đối tượng của mình, vì cây khô đó chỉ muốn là một cây khô mà thôi. Trong giới tu học chúng ta, có những người đã quá đau khổ. Mục đích của họ là muốn biến thành cây khô. Tu như vậy không có lợi ích gì mấy cho cuộc đời xung quanh. Vì vậy, ta không thể hiểu được ý nghĩa của Phùng Xuân nếu ta không thấy được bối cảnh của Khô Mộc Thiền.

Trong sách Ngũ Đăng Hội Nguyên, có câu chuyện của một bà cụ. Bà cúng dường cho một vị tu sĩ ở trong một am cốc suốt 20 năm. Ngày nào Bà cũng đem cơm đến để cúng dường cho vị tu sĩ đó. Khi không đi được thì bà nhờ cô con gái đem cơm đến cho Thầy. Suốt 20 năm như vậy. Một hôm, bà cụ nói với con gái: Này con, con lên ngồi chơi với Thầy, con xin Thầy ôm con, thử xem Thầy phản ứng như thế nào? Cô thiếu nữ lên am cốc và làm y như vậy. Thầy kia xích ra một bên và đọc hai câu kệ:

Khô mộc ỷ hàn nham
Tam đông vô noãn khí

Nghĩa là:
Cây khô dựa vào hòn núi lạnh. Suốt trong ba mùa đông nó không hề có một chút hơi ấm nào cả! Khi cô gái về báo cáo với mẹ, bà cụ ngửa mặt than rằng: Hai mươi năm cúng dường rất là uổng. Ông Thầy tu này không được tích sự gì hết! Chiều hôm đó, bà đến châm lửa đốt cháy túp lều của vị tu sĩ.

Chúng ta tu như thế nào để tình thương trong ta luôn đầy tràn, để niềm tin trong ta không cạn mất. Nếu tu chỉ để làm dịu bớt một vài khổ đau ở trong lòng, hay để chạy trốn khổ đau ở cuộc đời thì chưa phải là tu đúng phương pháp. Tu mà không thấy được những khổ đau ở xung quanh, không đem lại sự chuyển hóa, sự tươi mát và hạnh phúc cho người xung quanh ta thì cách tu đó không phải là bản hoài của Đức Thế Tôn. Vì vậy phải vượt qua giai đoạn "Khô mộc", phải đi để gặp mùa xuân!! Đó là pháp tự mà Sư Ông đã đặt cho Thầy: Phùng Xuân. Nó có một ý nghĩa rất sâu sắc mà hồi đó vì chưa hiểu, vì dại dột, Thầy đã cho rằng cái tên này giống tên con gái.

Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành
Hành đương vô niệm diệc vô tranh

Câu đầu có chữ Nhất. Câu hai có chữ Hành. Nhất hướng là đi chuyên về một hướng. Hướng đó là hướng Phùng Xuân. Do đó, các học trò của Thầy hãy cứ an tâm nhắm vào hướng mùa Xuân mà đi tới. Đắc là được. Kiện hành là một thế đi rất hùng dũng và vững chãi. Đó là Lăng Nghiêm. Tiếng Pháp gọi là "La marche héroique". Danh từ "la marche héroique" là để dịch chữ surangama. Dịch tiếng hán việt là kiện hành, tức là thế đi hùng dũng. Thế đi của người xuất gia phải là một thế đi dũng cảm. Cho nên, các sư cô và sư chú nên biết mình phải đi như thế nào. Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành: Đi về một hướng thôi: gặp được mùa xuân và đạt tới một thế đi vững chãi. Hành tức là hành động. Nếu là động từ thì ta đọc là hành. Nếu là danh từ thì ta đọc là hạnh. Hành tức là active, còn hạnh là action. Hành đương vô niệm diệc vô tranh: Trong hành động, ta phải theo các nguyên tắc vô niệm và vô tranh.

Vô Niệm và Vô Tranh

Vô niệm tức là không để bị kẹt vào ý niệm. Vô tranh nghĩa là không có óc hơn thua, ganh tỵ với người. Trong bao nhiêu năm hành đạo, Thầy thấy vô tranh dễ làm hơn vô niệm. Trong công cuộc hành đạo, khi có người đến tranh chấp và hơn thua với mình thì Thầy buông bỏ rất dễ, còn vô niệm thì phải thực tập nhiều mới có thể buông bỏ được. Vô niệm là không bị kẹt vào bất cứ một khái niệm hay một ý niệm nào cả. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, tổ Huệ Năng định nghĩa vô niệm như sau: nhược kiến nhất thiết pháp bất nhiễm trước thị vi vô niệm. Nghĩa là khi mình đối diện với các pháp mà tâm không bị dính kẹt vào đó thì gọi là vô niệm. Như khi thấy một cái hoa thì ta liền khởi lên ý niệm về nó, cho nó là đẹp và muốn nó thuộc về mình. Đó không phải là vô niệm mà là đang kẹt vào một cái niệm. Có một ý niệm về Thầy, về bạn, về người hàng xóm của mình, chúng ta có thể bị kẹt vào ý niệm đó và chúng ta vướng mắc, giận hờn hoặc tham đắm là do ý niệm đó. Một khi chúng ta đã bị kẹt vào bởi ý niệm đó rồi thì hành động của ta không còn tự do nữa. Chẳng hạn như chúng ta có một ý niệm về hạnh phúc. Chúng ta cho rằng phải như thế này, phải như thế kia mình mới có hạnh phúc, và vì chúng ta bị kẹt vào ý niệm hạnh phúc ấy nên chúng ta không có hạnh phúc. Trong khi đó, hạnh phúc có thể đến với ta một cách rất dễ dàng nếu ta có tự do, nếu ta không bị kẹt vào một ý niệm nào. Ví dụ có một sinh viên nghĩ rằng: "mình phải có bằng Tiến sĩ thì mới có hạnh phúc." Vậy là chết anh ta rồi. Anh ta bị kẹt vào một ý niệm: phải có bằng Tiến sĩ mới có hạnh phúc. Trong khi đó, rất nhiều người hạnh phúc quá chừng mà không cần có bằng Tiến sĩ gì cả! Tại sao anh lại giam anh vào trong một ý niệm để rồi anh khổ? Cho nên những ý niệm của mình rất nguy hiểm, dù là ý niệm về hạnh phúc, ý niệm về lý tưởng, về Bụt. Mình phải có tự do hoàn toàn. Cho nên trong hành động, chúng ta phải có tự do, phải vô niệm, phải vô tranh thì hành động đó mới là hành động đích thực. Trong ba mươi năm ở quốc ngoại, Thầy đã cố gắng đi theo lời chỉ dẫn của Sư Ông. Trong những năm hành đạo ở quê nhà, Thầy đã sáng lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, trường Cao Đẳng Phật Học, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, nhà xuất bản Lá Bối, tuần san Hải Triều Âm, tuần san Thiện Mỹ, v.v... Trong lĩnh vực văn hóa và xã hội, Thầy đích thực thấy câu thứ hai này là kim chỉ nam hướng dẫn cho đời mình. Thầy luôn sống và hành động với tất cả con tim mình để phụng sự mà cố gắng không bị dính kẹt vào một ý niệm, một phe phái hay một sự tranh chấp nào cả.

Tâm Đăng Nhược Chiếu Kỳ Nguyên Thể

Tâm đăng là cây đèn trong tâm. Mỗi chúng ta đều có một cây đèn bên trong. Chính cây đèn này chúng ta phải thắp lên. Đó là ánh sáng chánh niệm. Ánh sáng duy nhất để chiếu soi vào những ngõ ngách của tâm hồn. Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể: lấy ngọn đèn tâm mà soi rọi trở lại cái bản chất, cái thể tính của mình. Làm được như vậy thì: Diệu pháp Đông Tây khả tự thành. Cái chánh pháp mầu nhiệm tự động được thành tựu thôi, dù ở phương Đông hay phương Tây. Những năm gần đây, có khi Thầy bất giác giật mình. Dường như Sư Ông đã biết trước rằng Thầy có thể đóng góp được ít nhiều cho công trình hoằng pháp ở cả Tây phương và ở Đông phương. Ngày xưa, khi leo lên máy bay để qua Tây phương, Thầy không hề có ý niệm ở lại Tây phương để hoằng pháp. Nhưng sau khi Thầy đã lên tiếng kêu gọi hòa bình rồi, thì các chánh phủ ở Việt Nam không cho phép Thầy trở về nước nữa.

Bây giờ chúng ta đi sang danh từ Nhất hành. Nhất là một và hành là hành động. Có một tam muội gọi là nhất hạnh tam muội, có khi gọi là chân như tam muội, có khi gọi là nhất tướng trang nghiêm tam muội. Kinh luận giải thích: trong tam muội này ta quán chiếu được cái tướng nhất như bình đẳng của tất cả các pháp. Đưa mắt nhìn ra, ta thấy vạn sự vạn vật muôn hình vạn trạng, khác biệt nhau và tách rời nhau ra. Nhưng nếu quán chiếu thì ta sẽ thấy tất cả những cái khác nhau đó đều cùng chung một bản thể. Tuy là đa dạng, nhưng nằm dưới cái đa dạng đó có cái một, cái nhất như và cái bình đẳng, vì vậy không cái nào hơn cái nào. Đứng về phương diện hình tướng thì một trái núi lớn hơn một hạt sỏi và chúng ta thấy có sự chênh lệch giữa một trái núi và một hạt sỏi. Nhưng đứng về phương diện nội dung thì trái núi và hạt sỏi là một, chứ không có sự khác biệt. Trái núi mầu nhiệm bao nhiêu thì hạt sỏi cũng mầu nhiệm bấy nhiêu. Nếu không có trái núi thì không có hạt sỏi. Nếu không có hạt sỏi thì không có trái núi. Đứng về phương diện Bụt và chúng sanh cũng vậy. Nếu nhìn về phía hình thức, chúng ta sẽ thấy Bụt khác, chúng sanh khác. Bụt có đại từ, đại bi và đại trí, có thọ mạng vô lượng, còn chúng sanh có tham, sân, si, có sanh tử luân hồi. Nhưng sự phân biệt đó sẽ tan biến đi khi ta an trú vào trong "nhất hạnh tam muội". Khi quán chiếu ta sẽ thấy được tính cách bình đẳng và nhất tướng của mọi sự và mọi vật trong pháp giới. Tướng đó gọi là tướng "vô sai biệt".

Tâm Đăng

Theo phương pháp quán chiếu của nhất hạnh tam muội, trong những tư thế hằng ngày của ta như đi, đứng, nằm, ngồi, tâm ta luôn hướng về cái "định" đó để ta có thể thấy được không có cái gì lớn hơn cái gì, không có cái gì nhỏ hơn cái gì, không có cái gì cao hơn, không có cái gì thấp hơn và chúng ta thấy được tính cách nhất như bình đẳng của vạn sự vạn vật. Ta không cần bước ra khỏi đạo tràng mà vẫn có thể đi vào cõi Hoa nghiêm, cõi Tịnh độ. Đó là định nghĩa của Thầy Long Thọ trong tác phẩm Đại Trí Độ Luận. Thực tập theo khuynh hướng tịnh độ, ban đầu tâm của chúng ta duyên tưởng tới một vị Bụt như Bụt Thích Ca, Bụt Từ Thị hay Bụt Di Đà. Chúng ta để tâm của ta quán chiếu thường trực từ giây phút này tới giây phút khác. Qua vị Bụt đó, chúng ta liên hệ được với tất cả các vị Bụt trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Chúng ta thấy rằng dù cho tất cả các vị Bụt đông đảo bằng số cát sông Hằng, chúng ta vẫn có thể tiếp xúc được qua một vị Bụt và chính bản thân ta cũng là một vị Bụt. Qua bản thân ta, ta có thể tiếp xúc được với tất cả các vị Bụt ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là định nghĩa trong kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Tại đạo tràng Làng Mai, chúng ta thường thực tập theo tinh thần này. Ban đầu, chúng ta dùng chánh niệm, để thắp lên ngọn đèn tâm. Trong bài kệ này Sư Ông gọi ngọn đèn ấy là "tâm đăng". Khi ăn cơm, ta biết là ta ăn cơm. Ngồi với tăng thân, ta biết ta đang ngồi với tăng thân. Ngọn đèn của ta đang cháy. Nếu ngồi với tăng thân mà mơ tưởng đến chuyện khác, đến quá khứ, đến tương lai, hoặc lo âu buồn rầu là ngọn đèn của ta đang tắt. Dù Thầy đã có truyền cho ta cây đèn rồi thì cây đèn ấy cũng đang bị tắt như thường. Tâm đăng là cây đèn của lòng mình, phải thắp sáng không những mỗi ngày một lần mà phải thắp sáng suốt ngày trong mỗi giây mỗi phút, tại vì ngọn đèn đó là để chiếu sáng hiện hữu của chúng ta. Trong bài kệ của Sư Ông, ta thấy: “Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể”, nếu cây đèn tâm chiếu được vào nguồn gốc của nó thì ngọn đèn đó là một năng lượng ánh sáng rất thật, chứ không phải là một cái gì trừu tượng. Tất cả chúng ta đều biết ngọn đèn đó là ngọn đèn gì. Trong chúng ta đây ai cũng đều đã học được cách thắp nó lên và giữ cho nó cháy sáng từ niệm này sang niệm khác, từ giờ phút này sang giờ phút khác. Nhờ ánh sáng đó mà chúng ta thấy biết chuyện gì xảy ra trong giây phút hiện tại. Trong thế giới của cảm thọ, khổ thì ta biết là khổ, vui thì ta biết là vui, không khổ không vui thì ta biết là không khổ không vui. Trong thế giới của tri giác, có một ý niệm thì biết là mình có một ý niệm, có một tri giác thì biết là mình có một tri giác. Đó là cái nguyên thể, tức là tâm của mình. Đèn tâm thắp lên từ tâm, trở lại chiếu rọi vào tâm. Phải thắp lên mới thấy được tâm của mình. Nhiều khi tâm của mình đi những nước cờ rất lạ lùng, mình không thể biết. Mình tưởng là mình không như vậy, kỳ thực là mình đang như vậy. Mình có những ganh tỵ, giận hờn, đam mê, v.v... mà mình không biết là mình có. Rồi mình dùng những lý luận rất hay, tự biện hộ rằng: "cái đó không phải đam mê, cái đó không phải là giận hờn, v.v..." Trong tất cả chúng ta luôn luôn có mặt một ông trạng sư. Ông này tìm cách bào chữa cho ta để cho ta có những cảm giác dễ chịu. Nếu không cẩn thận, không có chánh niệm ta sẽ bị đánh lừa, dễ gây đổ vỡ và khổ đau cho chính ta và những người xung quanh, những người mà ta đã nguyện thương yêu và che chở. Thực tập của chúng ta là thắp ngọn đèn tâm lên và giữ cho nó sáng cả ngày đêm. Khi nó tỏa ra ánh sáng thì ta phải theo ánh sáng đó mà nhìn, mà quan sát. Chính nhờ sự quan sát này mà chúng ta thấy được sâu sắc trong lòng của sự vật, trong lòng của những tri giác và những cảm thọ của chính mình và nhờ đó mà mình hiểu được mình. Chính từ cái thấy của mình mà mình được chuyển hóa, được giải thoát. Sự cứu độ, sự cứu chuộc (tiếng Pháp gọi là le salut) và sự giải thoát (la liberation) hoàn toàn căn cứ vào cái yếu tố gọi là "cái hiểu". Trong Cơ Đốc giáo, chúng ta nghe nói đến sự cứu chuộc bằng ân sủng của thượng đế. Trong đạo Bụt, sự cứu độ chính là bằng sự hiểu biết, bằng tuệ giác (la compréhension). Tuệ giác của ta giải phóng cho ta. Có thể gọi Tuệ giác là Thượng đế cũng được. Nhưng Tuệ giác làm sao có được nếu đèn tâm không được thắp lên? Chúng ta, những thiền giả đang thực tập, mỗi người đều có một ngọn đèn trong tâm. Sự thực tập của chúng ta là thắp ngọn đèn đó lên để quán chiếu ngày đêm, từ giây phút này sang giây phút khác, không ngừng nghỉ. Cái đó gọi là "nhất hạnh tam muội". Khi đã quán chiếu sâu sắc, ta sẽ thấy ta và Thầy là một, ta với muôn loài chúng sanh là một. Có được cái thấy bình đẳng và nhất như đó, ta đạt đến cái trí gọi là "vô phân biệt trí". Nhất hạnh tam muội là như thế đó! Vậy là quý vị có thể hiểu được ý nghĩa của hai chữ "nhất hạnh" rồi.

Công Án

Năm 1946, nước ta đang có chiến tranh với Pháp. Việt Nam tuyên bố độc lập năm 1945, nhưng với sự che chở và nâng đỡ của phái bộ Anh, quân đội Pháp trở lại. Quân đội nhân dân tổ chức kháng chiến để chống lại quân Pháp. Và khi thành phố Huế bị phong tỏa, tất cả Thầy trò đang ở chùa Từ Hiếu được lệnh phải tản cư. Mọi người khăn gói đem theo một ít lương thực cùng vài chai tương. Tưởng rằng chỉ đi vài tuần rồi trở về chứ không ngờ phải đi hàng tháng. Cuối cùng, thức ăn hết. Chỉ còn một phần ba chai tương, thầy trò mới lấy muối và nước sôi đổ thêm vô cho đầy. Ăn xuống còn nửa chai, lại thêm muối và nước sôi nữa. Rốt cuộc tương không còn mùi tương nữa, chỉ là nước muối. Nhiều khi phải đi hái rau tàu bay, rau dền, rau sam ở dưới lòng suối mà ăn.

Trước khi tản cư, thầy trò đã đào những cái hố rất lớn ở ngoài vườn, đặt xuống những cái chum, cái lu rồi trút lúa vào, lấp đất lại. Phải chôn đi để khi về có lúa mà ăn. Sau khi hồi cư, Thầy nhớ, một hôm Sư Ông gọi hai sư chú Phùng Xuân và Thiên Chân ra đào một chum lúa về xay để ăn. Hôm đó, Sư Ông cũng ra làm việc với hai chú. Trời nắng gắt, làm được một lúc, Sư Ông đứng dậy. Hai chú ngừng lại nhìn thấy Sư Ông mồ hôi ra nhễ nhãi. Sư Ông nói: “Mệt quá! Chắc khi nào chết thì mới hết mệt”. Thầy còn đang ngơ ngẩn nhìn Sư Ông thì Sư Ông nhìn thẳng vào mắt Thầy và nói tiếp: “Nhưng nếu chết rồi thì ai hết mệt?” Câu nói rất đơn sơ mà Thầy nhớ mãi. Nó trở thành một công án của Thầy. Làm thị giả cho Thầy, đôi khi một câu nói của Thầy cũng đủ để cho mình tu suốt đời, đủ để quán chiếu suốt đời.

Có chánh niệm thì ta học rất mau và tiến rất mau trên đường tu tập. Ta sẽ không lặp lại những lầm lỗi mà ta đã vấp phải trong quá khứ. Có một lần được Sư Ông sai bảo, Thầy đã hăng hái đi làm, do đó đã mở cửa ra và đóng cửa lại thiếu chánh niệm. Sư Ông kêu vào, không la mắng gì cả. Ngài bảo: Bây giờ con hãy đi ra lại, rồi mở cửa và đóng cửa thế nào cho hay hơn hồi nãy. Thầy xá rồi đi ra. Lần này, Thầy mở cửa và đóng cửa rất có chánh niệm. Sư Ông chỉ cần dạy một lần đó thôi! Sư Ông không cần phải dạy lần thứ hai. Nếu tâm ta không có chánh niệm thì những câu nói đó sẽ qua đi như làn gió thoảng. "Nhưng nếu chết rồi thì ai hết mệt ?" Đó là một công án rất sâu sắc.

Chúng ta ai cũng có thể gây lầm lỗi, không ai tránh thoát, vì chúng ta không phải là thánh. Tu tập chánh niệm giúp ta thấy được điều đó. Đôi khi một vài năm sau, chúng ta mới biết là chúng ta có lỗi. Có thể chúng ta đã lỡ lời, có thể chúng ta đã xúc phạm. Điều quan trọng là khi đèn tâm của chúng ta thắp lên thì ta biết rằng: ta đã làm một điều vụng dại. Nếu thấy được như vậy và dặn lòng là sẽ không lặp lại điều lầm lỗi đó nữa thì chỉ một lần lầm lỗi kia thôi cũng đủ để ta học suốt đời.

Trong cuộc tấn công tết Mậu Thân 1968, tức là hai năm sau khi Thầy rời bỏ quê hương, có một trái bom rơi vào chùa Từ Hiếu nhưng chỉ làm sập đổ một góc mái nhà mà không gây thiệt hại nào khác. Sau đó, chừng một vài tháng Sư Ông qua đời. Thầy nhận được tin từ Pháp. Sư Ông qua đời mà Thầy không về được, vì Thầy không được phép về quê hương. Thầy buồn lắm! Trong những người Thầy viết thơ để than thở có một ông Thầy tu người Cơ Đốc giáo. Đó là cha Thomas Merton, ở tu viện Trappist tiểu bang Kentucky. Cha Merton là một người tri kỷ của Thầy, đã cùng Thầy trao đổi rất nhiều kinh nghiệm tu học. Thầy viết cho Thomas về cái tin buồn đó. Cha Thomas viết lại an ủi Thầy một câu rất hay: "Thầy của Thầy bây giờ hoàn toàn tự do, chúng ta nên vui về sự ra đi tự do của ngài." Thầy cảm thấy được an ủi rất nhiều nhờ câu nói đó. Nhiều khi Thầy nằm mơ về chùa, thấy mình bước lên tam cấp vào Ái Nhật Đường. Liêu của Sư Ông nằm về phía tay trái, mỗi khi đi đến đó Thầy luôn cúi đầu xuống dù Sư Ông có ngồi đó hay không. Đó là một tập quán. Mỗi lần nằm mơ được đi về chùa, Thầy thấy Sư Ông vẫn còn đó, Sư Ông ra đón Thầy. Tình Thầy trò vẫn luôn đậm đà, ấm áp như cũ. Sự cung kính, sự thương yêu vẫn còn nguyên vẹn, dầu Sư Ông đã tịch hay chưa tịch, bởi trong trái tim của Thầy luôn có Sư Ông. Hôm nay, chúng ta ngồi đây có Sư Ông đang ngồi với chúng ta -Sư Ông Thanh Quý hiệu Chân Thật- một con người bản tính rất chân thật, rất hiền từ. Thầy còn nhớ rõ là mỗi buổi sáng, khi tăng thân ra làm các công việc thì Sư Ông cũng ra làm việc với mọi người. Ngài đội chiếc nón vành rất lớn, tay cầm chiếc gậy, tới làm việc với nhóm này một chút, nhóm kia một chút. Đó là niềm vui buổi sáng của Sư Ông. Thầy có bổn phận phải trao truyền Sư Ông lại cho các con. Hiện bây giờ, Sư Ông đang nằm trong trái tim của mỗi người chúng ta. Thầy cũng như các con là sự tiếp nối của Sư Ông, của Bụt, của Tổ. Chúng ta có chung một dòng sinh mạng. Mỗi ngày chúng ta càng có thêm Tuệ giác: Tuệ giác của Bụt, của Tổ, của cha ông và của tổ tiên để lại. Chúng ta phải tiếp tục chế tác Tuệ giác đó để có thể sống an lạc và tỉnh thức trong từng phút, từng giây, và mang sự an lạc và hạnh phúc đó trao truyền cho con cháu thế hệ mai sau. Chúng ta không thể chỉ trao truyền một mớ kiến thức khái niệm mà phải trao truyền sự sống an lạc, giải thoát của chúng ta. Chúng ta phải làm sao để cho tình thương và tuệ giác mãi mãi tuôn chảy bất tuyệt trong cuộc đời này. Đó là cách hay nhất, cao quý nhất mà chúng ta báo ơn Thầy Tổ, báo ơn Bụt.



________
Pháp thoại ngày 3 tháng 3 năm 1996, tại thiền đường Nến Hồng

Nguồn: Làng Mai

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch