Khái niệm về sự thù ghét
Chúng ta thường bị những tình cảm tiêu cực phiền
nhiễu và gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe lẫn tinh thần. Nếu chúng
ta dung dưỡng những loại tình cảm tiêu cực ấy thì cuộc sống của chúng ta
ngày thêm đau khổ và thậm chí bị phát sinh bệnh tật. Một trong những
loại tình cảm tiêu cực nhất, có khả năng gây tổn hại nhiều nhất đến tâm
sinh lý của chúng ta là sự thù ghét.
Thù ghét là một từ dùng để diễn tả những cảm giác
không thích với cường độ mạnh. Đối tượng của sự thù ghét có thể là những
vật vô tri vô giác, có thể là các con vật, cũng có thể là chính bản
thân mình, hay là người khác, thậm chí là cả một tập thể, một cộng đồng.
Đứng về góc độ tâm lý học, Sigmund Freud (1856 -
1939), một nhà tâm lý học người Áo, đã định nghĩa: Sự thù ghét là một
trạng thái ý thức mà ở đấy người ta muốn thủ tiêu nguyên nhân khiến cho
họ khổ đau(1).
Và gần đây hơn, trong cuốn Từ điển tâm lý học
của Penguin, Arthur S. Reber và Emily S. Reber đã định nghĩa: Sự thù
ghét là một loại cảm xúc mạnh, kéo dài và sâu kín, biểu thị sự thù oán,
tức giận và phản đối nhắm đến một người, một nhóm người, hay một đối
tượng nào đó(2).
Như vậy chúng ta có thể hiểu thù ghét là một loại
tình cảm tiêu cực mà ở đấy người ta tỏ ra rất căm tức và ghét bỏ những
người hay vật nào đó trong một thời gian dài và nó được biểu hiện qua ý
nghĩ, lời nói và hành vi của cá nhân.
Những biểu hiện của sự thù ghét
Một khi chúng ta cảm thấy thù ghét một người, hay một
nhóm người nào đó thì chúng ta thường nuôi dưỡng tâm sân hận và chống
đối những người đó. Làm ngơ và tránh né, xem những người đó như là không
hề tồn tại trong tâm trí mình cũng là sự biểu hiện của lòng thù ghét.
Không những thế, mỗi khi thù ghét ai, chúng ta thường
hay xét nét người mà chúng ta thù ghét, luôn phóng đại về những hành
vi, thái độ và những biểu hiện tiêu cực của họ, luôn nghĩ xấu về những
người đó, phê bình họ, có những ý nghĩ thâm hiểm, ác độc về họ, thậm chí
là chúng ta cảm thấy căm tức, phẫn nộ khi nghe ai đó nói tốt về họ. Với
những tâm ý như thế, chúng ta đối xử với họ một cách thô lỗ, cộc cằn,
chúng ta tỏ ra lạnh lùng, hằn học, tàn nhẫn khi nói chuyện với họ. Và
khi bàn luận về họ, chúng ta tỏ ra xa lạ, không hề có chút lòng trắc ẩn,
nói xấu họ một cách thậm tệ, xuyên tạc sự thật, cố tình hiểu sai về họ.
Như vậy, sự thù ghét được biểu hiện cả trong ý nghĩ, lời nói và hành vi
của chúng ta.
Nguyên nhân của sự thù ghét
Nguyên nhân khiến chúng ta thù ghét người khác có thể
có thực mà cũng có thể do chúng ta suy diễn, tưởng tượng ra chứ sự thật
không phải như những gì chúng ta nghĩ tưởng. Và đôi khi chúng ta thù
ghét người khác chỉ vì những nguyên nhân ngớ ngẩn, không đáng.
Chúng ta có thể thù ghét người khác vì họ đối xử bất
công với mình, lợi dụng mình, đẩy mình vào tình cảnh nguy kịch, bi đát;
những cáo buộc về lỗi lầm mà mình không làm hoặc mình làm đúng; can
thiệp vào sự phát triển của cá nhân, hạ nhục và làm mất danh dự, làm cho
chúng ta mất đi lòng tự trọng; những ai bộc lộ những phẩm chất, những
kiểu hành vi hay tính cách có nguy cơ gây hại cho mình. Chúng ta cũng có
thể thù ghét những người có những thứ tốt hơn chúng ta nhưng lại không
muốn chia sẻ với chúng ta; những người không hiểu chúng ta, không để ý
đến những tâm tư, nguyện vọng của chúng ta, không thèm quan tâm đến
chúng ta. Chúng ta thù ghét những người không bao giờ động viên, khuyến
khích chúng ta, không lúc nào nhìn nhận những ưu điểm, thành quả mà chỉ
nhắm vào các khuyết điểm hoặc lúc nào cũng chỉ nói ra những lỗi lầm,
những thất bại của chúng ta. Những người làm cho chúng ta mất đi niềm
tin và hy vọng ở nơi họ cũng khiến chúng ta thù ghét. Chúng ta thù ghét
cả những ai đối xử cộc cằn, thô lỗ và không thân thiện với mình; và đôi
khi chúng ta thù ghét người khác chỉ vì chúng ta nghe những điều không
tốt về họ, hoặc đơn giản chỉ vì những người thân của ta thù ghét họ nên
chúng ta cũng thù ghét theo.
Nhìn chung, chúng ta thường thù ghét người khác vì
cảm thấy những người đó không đáp ứng thỏa đáng những nhu cầu, nguyện
vọng của mình, ngăn cản hay chống đối, không để chúng ta đạt được những
gì mà chúng ta muốn và gây thương tổn đến bản ngã của chúng ta. Tuy
nhiên, những cảm nhận ấy hoàn toàn mang tính chủ quan, đôi khi không
phản ánh đúng sự thật.
Sự thù ghét thường gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực
cho đời sống của mỗi người, ảnh hưởng đến cả phương diện tâm lý lẫn sinh
lý, có thể dẫn đến bệnh tật. Chúng ta có thể bị nhức đầu do căng thẳng
và rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp mỗi khi sự thù ghét bộc phát mạnh
mẽ, và điều đó sẽ rất nguy hiểm đối với những ai bị các bệnh về tim
mạch. Khi sự thù ghét hiện hữu ở trong tâm, vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ của
chúng ta sẽ bị rối loạn, ăn không còn thấy ngon và bị mất ngủ, rối loạn
giấc ngủ.
Quan điểm của Phật giáo về sự thù ghét
Theo Phật giáo, sự thù ghét là một trong những tâm
bất thiện của con người, được hình thành do sự kết hợp của các nhân tố
bên ngoài lẫn nhân tố bên trong. Trong đó, nhân tố bên trong (nội tâm
của chúng ta) đóng vai trò quyết định. Có khi cùng tiếp xúc với một tình
huống, một nhân vật với những cách hành xử cộc cằn, thô lỗ và xem
thường người khác, có người thì cảm thấy thù ghét nhân vật đó, có người
thì không thù ghét cũng không quý mến, và có người thì thấy cảm thương
cho họ. Qua đây, chúng ta thấy được vai trò quyết định của nội tâm con
người đối với những xúc cảm, tình cảm của cá nhân.
Trong các nhân tố bên trong ấy, chấp ngã là nhân tố
đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên lòng thù ghét của
mình đối với người khác. Thường thì tâm chấp ngã và tham ái hay đi đôi
với nhau. Vì chấp thân là ta nên khi thân khỏe mạnh, chúng ta hạnh phúc,
hồ hởi; khi thân bệnh hoạn, ốm đau, chúng ta sầu muộn lo âu, than thân
trách phận. Khi thân đẹp đẽ, trẻ trung thì chúng ta hãnh diện; khi thân
xấu xí, bệnh hoạn, và già nua thì chúng ta mặc cảm, tự ti. Khi chấp thủ
vào thân năm uẩn này thì mọi thay đổi, biến động từ chúng đều làm chúng
ta bất an và lo lắng.Vì chấp ngã nên chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân
mình, nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không để ý đến lợi ích của người khác.
Cũng do chấp ngã nên chúng ta tìm mọi cách để thỏa mãn những ước vọng,
những mong cầu của cá nhân. Trong quá trình mưu cầu sự thỏa mãn đó, nếu
có ai cản trở, gây khó khăn hay xúc phạm đến danh dự, làm tổn hại đến
lợi ích cá nhân hoặc đụng chạm đến cái "ngã" của chúng ta thì lòng thù
ghét họ bắt đầu nảy sinh. Tâm chấp ngã ở đây có thể hiểu rộng ra là chấp
ngã và ngã sở, có nghĩa là chấp thủ những gì thuộc về bản thân ta và
những thứ bên ngoài, thuộc sở hữu của ta. Chẳng hạn như chấp về gia đình
ta, người thân yêu của ta, tài sản của ta, địa vị của ta,… đều thuộc về
chấp thủ ngã sở. Tương tự như đối với bản thân ta, những ai làm thương
tổn đến những thứ sở hữu của ta cũng đều khiến cho chúng ta thù ghét.
Những sự sở hữu nào càng quan trọng, thiết yếu đối với chúng ta, một khi
chúng bị người khác xâm hại, làm tổn thương thì sự thù ghét càng sâu
sắc.
Sự thiếu chánh niệm, đánh giá sự vật, hiện tượng
thiếu khách quan, luôn bị các định kiến, thiên kiến của cá nhân che lấp
tâm trí cũng góp phần không nhỏ đối với sự nảy sinh và lớn mạnh của lòng
căm ghét, thù hận. Một khi chúng ta mang trong mình đầy những định kiến
về sự vật hay hiện tượng nào đó thì chúng ta không thể nào nhìn nhận,
đánh giá chúng một cách đúng như chúng đang là được. Đối với người khác
cũng vậy. Những định kiến của chúng ta sẽ bóp méo sự thật, khiến cho
chúng ta không nhận thấy rõ được bản chất đích thực của các hiện tượng,
những hành vi, thái độ của người khác, không thấy được những chủ ý,
những mục đích ẩn tàng bên trong thái độ, ngôn ngữ, hành vi của người
khác. Bởi vì hiện tượng không phải lúc nào cũng phản ánh đúng bản chất,
hiện tượng bên ngoài có thể trái ngược với bản chất bên trong.
Tâm trạng của chúng ta cũng dự phần vào việc làm phát
sinh sự thù ghét. Khi tiếp xúc với một thái độ lạnh lùng, thờ ơ và
khinh thị của người khác, nếu đang trong tâm trạng vui vẻ, phấn khởi,
chúng ta dễ dàng bỏ qua những thái độ đó, và thậm chí chính tâm trạng
phấn khởi, vui vẻ của chúng ta có thể ảnh hưởng đến người kia, làm cho
họ thay đổi thái độ, hành vi giao tiếp với mình. Ngược lại, nếu chúng ta
đang trong tâm trạng buồn bực, chán nản thì trước những thái độ như
thế, trong lòng chúng ta dễ dàng nảy sinh sự thù ghét người đó.
Sự thù ghét gây ra nhiều nguy hại cho chúng ta cả về
sức khỏe lẫn tinh thần. Nó là chất xúc tác để cho những tâm bất thiện
khác dễ dàng phát sinh. Khi lòng ta đầy thù ghét với một ai đó thì chúng
ta rất dễ nổi giận với họ, khinh miệt họ, và thậm chí là tìm cách để
hãm hại họ. Dung dưỡng lòng thù ghét khiến mở ra nhiều cửa ngõ bất
thiện, gây ra nhiều khổ quả. Không những thế, mỗi khi lòng ta đầy thù
ghét thì sắc mặt không còn nét hiền từ và dễ thương nữa, tâm trí không
còn được sáng suốt nữa. Và sự thù ghét còn khiến cho cơ thể mệt mỏi,
căng thẳng và nhức đầu, làm việc kém hiệu quả. Đấy là chưa nói đến khả
năng sự thù ghét làm cho cơ thể tiết ra những độc tố ảnh hưởng đến một
số bộ phận, cơ quan nội tạng của chúng ta, nếu sự thù ghét kéo dài thì
những độc tố ấy có thể tích tụ lại bên trong cơ thể và sự tích tụ ấy là
một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Chính vì vậy, sự thù
ghét di hại cho ta không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai, gây ra
nhiều khổ quả cho đời này và cả đời sau. Nó khiến cho chúng ta phải sống
trong tâm trạng bất an, đau khổ.
Vận dụng Phật pháp vào việc hóa giải lòng thù ghét
Phật giáo luôn nhìn vào những tác nhân bên trong,
những nguyên nhân căn bản trong mọi vấn đề tâm lý của con người. Vì thế,
để hóa giải lòng thù ghét, chúng ta cũng phải bắt đầu từ việc giải
quyết những tác nhân bên trong ấy.
Như đã trình bày ở trên, tâm chấp ngã là một trong
những nguyên nhân chính khiến cho ta thù ghét người khác. Để đối trị tâm
chấp ngã này, Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu và tu tập theo tinh thần
vô ngã. Vì chúng ta chấp cái thân này là bền chắc nên mới nâng niu,
chiều chuộng và thỏa mãn mọi đòi hỏi của nó. Khi tâm chấp ngã lớn mạnh
thì chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, đến những lợi ích cho chính
mình mà không lưu tâm đến lợi ích của người khác. Cũng vì chấp ngã nên
chúng ta thường sinh lòng chấp trước với những thứ thuộc về sở hữu của
chúng ta. Điều này khiến cho chúng ta khổ đau, khiến chúng ta thù ghét
người khác khi họ ngăn cản hay gây tổn hại cho chúng ta.
Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, ngay cả tấm
thân này không có gì thật sự là ta hay là của ta, mà chỉ là một sự giả
hợp của năm uẩn, huống gì những thứ bên ngoài thân, hoặc là những thứ
nương vào thân này mà có, như là cảm thọ, ý thức,… Để thân này hiện hữu
và duy trì sự sống thì phải vay mượn từ nhiều thứ khác nhau, phải cần
đến sự giúp đỡ trực tiếp lẫn gián tiếp của nhiều người khác. Thân này
tồn tại được là nhờ vào người khác và lệ thuộc vào người khác. Cá nhân
chúng ta không thể nào sống mà không cần vào sự trợ giúp của người khác.
Khi ý thức được rằng cuộc sống của mình cần có người khác thì hẳn nhiên
chúng ta phải nghĩ tới người khác; không biết ơn thì cũng phải tôn
trọng hoặc kính trọng họ như là những ân nhân của mình, bất kể họ là
người thế nào. Tất cả mọi người trong xã hội đều phụ thuộc lẫn nhau,
nương tựa vào nhau để sống. Mọi người là ân nhân của nhau. Đã là ân nhân
của nhau thì không có lý gì lại thù ghét nhau, lại muốn hãm hại nhau.
Tinh thần vô ngã trong đạo Phật là kim chỉ nam trong
cuộc sống hàng ngày, giúp ta cư xử hài hòa với mọi người, biết tôn trọng
người khác cho dù mình đang đứng ở vị thế nào trong xã hội. Tinh thần
này phải được thể hiện qua hành động, lời nói và cả trong ý nghĩ của
chúng ta. Một khi chúng ta biết quán chiếu và thực hành theo tinh thần
vô ngã thì chúng ta biết cảm thông, chia sẻ với mọi người hơn, biết tha
thứ cho người và biết nhìn lại chính mình. Nhờ vậy mà lòng thù ghét
những người làm chúng ta đau khổ, những người cản đường tiến thân của
chúng ta, làm tổn hại đến quyền lợi, thanh danh của chúng ta,… sẽ suy
yếu dần.
Phản quang tự kỷ, nghiêm túc đánh giá bản thân mình,
nhìn thấy lỗi của mình trong các vấn đề rắc rối của cuộc sống cũng là
một cách giúp ngăn ngừa sự sinh khởi của tâm thù ghét. Thường thì chúng
ta chỉ nhìn thấy lỗi của người khác, đổ lỗi cho người khác mà không nhìn
lại mình, không thấy lỗi của mình, lúc nào cũng cho mình là đúng, cho
mình là hay nên mới thù ghét người khác. Nếu như chúng ta thấy được lỗi
của mình, thấy được những tác nhân do mình gây ra trong những vấn đề rắc
rối của các mối quan hệ xã hội thì chúng ta sẽ ít thù ghét người khác
hơn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là thấy lỗi lầm, khuyết điểm
của mình để rồi thù ghét, căm hận bản thân mình. Đây không phải là điều
mà Đức Phật chỉ dạy. Đức Phật dạy chúng ta không thù ghét người khác và
cũng không căm hận chính mình, vì cả hai xu hướng đều khiến cho chúng ta
khổ đau. Chúng ta nhìn thấy khuyết điểm, thấy lỗi lầm của mình để bớt
đi lòng cao ngạo, để dẹp bớt tâm chấp ngã, để cảm thông với những lỗi
lầm của người khác, và quan trọng hơn là để sửa chữa những sai lầm, khắc
phục các khuyết điểm để không ngừng hoàn thiện bản thân.
Nếu như việc phản quang tự kỷ, quán xét lỗi lầm của
mình mà không hiệu quả thì chúng ta có thể thực hành hạnh nhẫn nhục. Tu
tập hạnh nhẫn nhục giúp chúng ta giữ được tâm bình lặng trước mọi sự
trái ý, nghịch lòng mà người khác gây ra cho mình. Do thực tập đức nhẫn
nên chúng ta biết tôn trọng tất cả mọi người, ngay cả những người đối xử
không tốt với ta, khoan dung và rộng lượng tha thứ cho người khác. Vì
thế mà ý niệm căm tức, thù ghét người khác không còn cơ hội để phát
sinh, để lớn mạnh.
Quán tưởng đến những tác hại, những hậu quả tiêu cực
do lòng thù ghét gây ra cũng là một biện pháp khá hiệu quả để ngăn ngừa
và hóa giải lòng thù ghét. Đức Phật dạy rằng: "Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả". Vì
thế, nếu chúng ta thường nghĩ đến những hậu quả tiêu cực do sự thù ghét
gây ra cho mình và người mỗi khi ý niệm thù ghét mới dấy khởi trong tâm
thì sẽ giúp cho chúng ta có thêm sức mạnh, có đủ sáng suốt để gạt bỏ ý
niệm ấy ra khỏi tâm trí mình. Tại vì, từ trong bản chất của con người,
không ai muốn mình đau khổ, không ai tự rước khổ vào thân. Dung dưỡng
lòng thù ghét thì chỉ làm khổ mình thêm mà thôi, không hề có ích lợi gì
cả. Cho nên, khi chúng ta thấy rõ tác hại của lòng thù ghét rồi thì sẽ
không dễ dàng để cho sự thù ghét nó đốt cháy thân tâm mình nữa.
Tu tập tâm từ bi cũng là một trong những biện pháp
góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa sự sinh khởi của tâm thù ghét và
có công năng hóa giải lòng thù ghét nếu như nó đã tích tập lâu ngày. Như
chúng ta đã biết, tu tập tâm từ bi có nghĩa là chúng ta thực tập thương
yêu tất cả mọi người, muốn đem lại niềm an vui, hạnh phúc và làm vơi
bớt khổ đau cho người khác với tất cả tấm chân tình, không vụ lợi, không
điều kiện. Để có thể làm cho tâm từ bi dễ dàng phát khởi, trước hết
chúng ta nên trải rộng tình thương yêu đến những người thân, đến các vị
ân nhân, những người đối xử tốt với chúng ta,… Và khi tình thương yêu
đối với họ đã đủ mạnh, đã bền chặt thì chúng ta nới rộng dần đối tượng
thương yêu của chúng ta, trải lòng thương yêu đến những người xa lạ, đến
những người nghèo khổ,… và cả đến những người có thù oán với mình. Tâm
từ bi phải được nuôi dưỡng thường xuyên. Một khi chúng ta có thể phát
khởi lòng thương yêu đối với những người có thù oán với chúng ta thì tâm
thù ghét họ sẽ được hóa giải dần dần. Khi ánh sáng từ bi đã chiếu soi
khắp cả thì bóng tối của thù ghét sẽ bị xua tan, bị đẩy lùi.
Còn một pháp tu khá quan trọng, góp phần điều chỉnh
và định hướng cho mọi hành vi, lời nói và ý nghĩ của chúng ta, góp phần
làm cho các thiện hạnh khác được trưởng dưỡng, đấy là sự thực hành chánh
niệm. Chánh niệm là năng lượng giúp nhận diện được những gì đang xảy ra
trong ta và chung quanh ta. Khi năng lượng ấy có mặt thì thân và tâm
chúng ta hợp nhất và chúng ta thực sự có mặt trong giây phút hiện tại để
sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Tâm chúng ta không
bị những tiếc nuối về quá khứ hoặc những lo lắng về tương lai lôi kéo.
Chúng ta có thể tiếp xúc được với các sự vật, hiện tượng như chúng đang
là, không bóp méo chúng với những định kiến, biên kiến. Chánh niệm có
công năng giúp chúng ta khôi phục trọn vẹn con người của ta, giúp ta trở
nên cởi mở, định tĩnh, an lạc và chuyên chú, để có thể nhìn sâu, thấy
được thực tại của bản thân và hoàn cảnh. Khi năng lượng chánh niệm đã đủ
lớn mạnh ở trong tâm thì chúng ta dễ dàng làm chủ được tâm ý, làm chủ
được hành vi của mình, chúng ta luôn nuôi dưỡng tâm từ bi, thực hành
hạnh nhẫn nhục, và không để cho những ý niệm về sự thù ghét sinh khởi.
Giáo pháp mà Đức Thế Tôn dạy rất gần gũi với đời sống
của chúng ta! Nếu chúng ta biết vận dụng thì những lời vàng ngọc ấy có
thể giúp chúng ta hóa giải mọi vấn đề khổ đau, bất an trong cuộc sống và
sống với nhau trong sự hòa hợp, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau
tạo dựng thanh bình, hạnh phúc cho cuộc sống.
Quảng Trí (Nguyệt san Giác Ngộ số 172)
(1) Freud, S. (1915). The instincts and their
vicissitudes. Standard edition.
(2) Arthur S. Reber and Emily S. Reber (2002). Dictionary of psychology.
Penguin reference, 3rd edition, New Delhi, p.315.
Tài liệu tham khảo
- Alice Miller. What is hatred. www.nospank.ne, 2005.
- Arthur S. Reber and Emily S. Reber (2002). Dictionary of psychology.
Penguin reference, 3rd edition, New Delhi.
- Dalai Lama. Healing hatred. www.purifymind.com.
- Freud, S. (1915). The instincts and their vicissitudes. Standard
edition.
- Katherine Harmon. The origin of hatred. www.scientificamerican.com,
2009.
- Royzman, E. B., Drake , C. & Michael Jackson, P. (2005). From
Plato to Putnam: Four ways to think about hate. In The Psychology of
hate by Sternberg, R.