Bước chân an lạc
Vì sao sống không vui?
Những ai từng đọc Nửa chừng xuân của nhà văn Khái Hưng chắc không thể nào quên được những lời trăn trối của cụ Tú Lãm với cô Mai, con gái của cụ, trước phút lâm chung: “Con hãy giữ lòng vui, giữ tâm hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc”. Lời dạy ấy có còn đúng cho hôm nay chăng khi
thế giới đang diễn ra đầy những biến động, bao nhiêu đổi thay từ nền
tảng khoa học đến kinh tế xã hội? Con người sống theo nhịp điệu nhanh
đến chóng mặt, người ta lao theo công việc, tâm hồn cũng thấp thỏm theo
sự lên xuống của tỷ giá, của thị trường, lúc xanh lúc đỏ như chứng
khoán, vui đó, buồn đó, chưa bao giờ cảm thấy sự bất an lại rình rập thường trực như bây giờ.
Những hệ quả đáng tiếc
Khi lòng không vui, khi tâm hồn bị tha hóa vì những giá trị vật chất bên ngoài,
con người dễ bị tổn thương và chúng ta không ngạc nhiên thấy thuốc an
thần, thuốc trợ tim trở thành những mặt hàng bán chạy nhất trong những
năm gần đây. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng TP.HCM, năm vừa qua đã có 19.000 người qua đời
vì đột quỵ, tuổi đời còn rất trẻ, 50% là từ 40 đến 50 tuổi, lứa tuổi
đang đi dần vào giai đoạn ổn định sự nghiệp của đời người. Còn nữa, vì
tâm hồn đang phải trải qua sóng gió, người ta dễ cáu gắt và phẫn nộ, đưa đến những phản ứng không kiềm chế, tàn bạo, gây tai họa
cho chính mình và người thân. Có thể thấy qua các phương tiện thông tin
đại chúng, bao nhiêu vụ án xảy ra vì một phút nóng giận, vợ chồng giết
nhau, đồng nghiệp hãm hại nhau để rồi thủ phạm cũng thân bại danh liệt.
Có trường hợp còn gây hại đến cả con cái vô tội, chưa kể những người tìm đến cái chết khi bế tắc, tuyệt vọng.
Tìm an lạc ở đâu?
Tìm niềm vui ở đâu trong cuộc sống ngổn ngang, trong tâm hồn trăm mối tơ vò này? Tìm ở đâu khi nhìn chỗ nào cũng thấy phiền não: tai họa, bệnh tật, những điều bất như ý. Không thể tìm quên trong chén rượu, lại càng không thể tìm đến ma túy, vì sau đó mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn khi nỗi cô đơn, niềm tuyệt vọng vẫn còn, thậm chí lớn hơn.
Phật dạy, hãy tìm nơi chính mình vì chính chúng ta là chủ thể của mọi đau khổ, là nạn nhân của chính sự dằn vặt dày vò của mình. Ngày nào những triền phược còn đeo bám tâm tưởng mình, ngày nào những cảm thọ khổ, ưu còn ngự trị trái tim mình, ngày đó chúng ta chưa thể có được hạnh phúc. Thái
độ chúng ta đối với cuộc đời xuất phát tùy theo những suy nghĩ tích cực
hay tiêu cực của chúng ta. Đó chính là lý do ta tìm đến chánh kiến và
thiền định. Vì qua đó ta có thể đoạn trừ phiền não, dục vọng hoặc sợ hãi, đem an lạc trở về trong tâm hồn mình, nhận thức mọi việc một cách rõ ràng trong tinh thần sống hòa hợp cùng mọi người, cùng môi trường xung quanh. Những ai nhìn nhận thế gian này qua lăng kính tiêu cực thường chẳng tin vào bất cứ ai và họ luôn cảm thấy bơ vơ lạc lõng.
Kinh Phật cũng dạy rằng, thế giới có thể đầy dẫy những người bạn hay
kẻ thù, đầy dẫy những điều tốt đẹp hay xấu xa, tất cả những việc này đều tùy thuộc vào tâm hồn chúng ta. Nói theo ngài Đạt-lai Lạt-ma thì “Tất cả những thứ gì chúng ta sử dụng như lương thực, thực phẩm, quần áo, nhà cửa và cả những người mà chúng ta chung sống như gia đình, bè bạn, thầy cô đều tồn tại những tính chất như vậy.”(Đạt-lai Lạt-ma, Lời khuyên chân thành).
Do đó chúng ta cần phải tìm hiểu cả mặt tốt và mặt xấu của tất cả các đối tượng để có cái
nhìn đúng đắn về thực tại và điều quan trọng là nên nhìn nhận theo
chiều hướng tích cực, bởi ngay cả đau khổ có khi cũng được xem là hữu
ích vì trở ngại làm cho ta cứng rắn, mạnh mẽ và nhìn xa trông rộng hơn.
Cụ thể, trong trường học, nếu học sinh có nhiều thời gian vui chơi, làm công tác ngoại khóa xã hội nhiều hơn, sẽ giúp các em mở rộng tâm hồn trước
những cảnh đời còn nhiều khó khăn, khiến các em nhận thức những buồn lo
của mình trở thành nhỏ nhoi. Khi biết quan tâm nhiều đến người khác,
các em sẽ học được sự cảm thông nhiều hơn. Tâm từ ái
vì thế mà phát triển. Trong hàng xóm láng giềng, trong cơ quan công sở,
nếu lòng chúng ta vui, chúng ta cũng có thể đến gần người khác, chia sẻ những khó khăn, lo lắng cho nhau hơn là cạnh khóe nhau, ghen ăn tức ở vì một lối đi chung, một câu nói kích bác,… để rồi tâm thức lúc nào cũng căng thẳng, bực bội.
Hiện pháp lạc trú
Đó chính là “hiện pháp lạc trú”, vì hiện tại quyết định tất cả hạnh phúc, an lạc, giải thoát, đoạn tận dục vọng, tham ái. Chúng ta hãy xem lời Phật dạy trong kinh Nhất dạ hiền giả:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây”
Ảnh minh họa
Nói theo ngôn ngữ triết học như Krisnamurti thì: “Cuộc sống điều hòa
ở nội tâm không thể đạt được ở quá khứ cũng như ở tương lai, mà ở ngay
giao điểm của quá khứ và tương lai, tức là ở chỗ hiện giờ. Chứng được
giao điểm ấy là không thấy có quá khứ và tương lai, sống và chết, thời gian và không gian. Chính cái hiện giờ ấy là sự giải thoát” (Krishnamurti, Hiện tượng).
Thế nên, hãy giữ lòng vui hôm nay khi chúng ta
còn sống, còn cùng thở dưới một bầu trời, còn có những niềm vui và cả
những nỗi lo chung, nhưng đừng biến nơi ta ở, sinh hoạt thành tù ngục
ngay chính trong thâm tâm mình mỗi khi ra đường chen chúc, nhìn nhau hầm
hè, va quẹt xe là muốn đâm bổ vào nhau, thậm chí đi mua vé xem phim, một nơi giải
trí, mà cũng chen lấn giành giật. Rồi còn đó là những ganh đua trong
đời sống, trường học, công sở, ở đâu cũng căng thẳng, dè dặt rình rập
hãm hại nhau. Chúng ta đã quên mất thực tại, đã vong thân trong thời
gian và cả không gian vì những suy tư hẹp hòi, những kiến chấp sai lệch.
“Muốn sống cái ngay hiện giờ ấy anh phải xa lìa tất cả những gì thuôc về ngày cũ hoặc ngày mai. Tất cả những gì tín ngưỡng điêu tàn, những lý thuyết hư ngụy, những thần tượng, tất cả phải mất đi; và anh phải sống - như đóa hoa tỏa khắp hương thơm cho thiên hạ - tập trung hẳn vào cái hiện giờ đây” (Krishnamurti, sđd).
Cái hiện giờ ấy chính là thực tại, vì chỉ tự
nơi đó mới hoàn thiện được cuộc sống. Nó an trú trong mỗi người chúng ta
- trọn vẹn, tròn đầy, tự tại.
Nhớ lời khuyên của người xưa, hãy giữ lòng vui và trái tim trong sáng. Chúng ta sẽ có một cuộc đời đầy ý nghĩa ngay giây phút này!
Nguyên Cẩn (Giác Ngộ)