Khái niệm về thời đại @ là gì? Theo cái hiểu biết của chúng
tôi thì đó là thời đại ngày nay. Một thời đại mở cửa kinh tế thị
trường, mở rộng thông tin, văn minh và khoa học. Một thời đại có lẽ hơi
đua đòi chạy theo vật chất bên ngoài và ảo tưởng. Con người trong thời
đại @ đôi lúc quên đi hoặc đánh mất những giá trị cốt lõi. Vì thế mình
phải tìm lại những nghệ thuật sống, tìm lại bản tính chân thật, nhân
phẩm, thanh tịnh và ưu việt để không bị lầm lạc, không quên bản thể bất
hoại hằng hữu của mình. Nghệ thuật sống là tìm lại chính mình, biết
mình là ai và đang làm gì, biết những gốc rễ và cội nguồn huyết thống
và tâm linh của mình, biết kiểm soát chính mình là bước đầu của hạnh
phúc.
Vậy hạnh phúc là gì và làm sao có được hạnh phúc an lạc? là
một câu hỏi vô cùng quan trong vì ai trong chúng ta lại không muốn có
được một cuộc sống an lành và hạnh phúc. Hãy đọc một bài kinh ngắn về
Chân Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta) mà Hoà Thượng Thích Thiện Châu dịch
là:
Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn ở tại Savatthi,
trong rừng Jeta, vườn Anathapindika. Có một thiên nhân, khi đêm gần
tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Jeta, đi đến Thế Tôn. Sau
khi đến, kính lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên, thiên nhân ấy nói lên bài
kệ trước Ðức Thế Tôn như sau:
''Chư thiên và loài người
Suy nghĩ về hạnh phúc
Ước mong được hạnh phúc
Chân hạnh phúc là gì?
Thế Tôn đáp kệ rằng:
''Kẻ si mê nên tránh
Bậc hiền đức phải gần
Cung kính người đáng kính
Ấy là chân hạnh phúc.
Chọn nơi lành mà ở
Ðời trước đã tạo phúc
Nay giữ lòng thẳng ngay
Ấy là chân hạnh phúc.
Hiểu rộng và khéo tay
Giữ tròn các giới luật
Nói những lời hòa ái
Ấy là chân hạnh phúc.
Cung dưỡng cha mẹ già
Yêu mến vợ /chồng và con
Không vương vấn phiền hà
Ấy là chân hạnh phúc.
Cho và sống đúng cách
Nên giúp đỡ bà con
Hành động không chê trách
Ấy là chân hạnh phúc.
Ngăn trừ điều ác xấu
Dứt bỏ thói rượu chè
Chuyên cần trong Chánh Ðạo
Ấy là chân hạnh phúc.
Kính nhường và khiêm tốn
Biết đủ và nhớ ơn
Tuỳ thời học đạo lý
Ấy là chân hạnh phúc.
Nhẫn nhục vâng ý lành
Viếng thăm bậc tu hành
Tuỳ thời bàn luận đạo
Ấy là chân hạnh phúc.
Trong sạch và siêng năng
Suốt thông các chân lý
Thực hiện vui Niết Bàn
Ấy là chân hạnh phúc.
Tiếp xúc với thế gian
Giữ lòng không sa ngã
Không sầu nhiểm bình an
Ấy là chân hạnh phúc.
Như thế mà tu hành
Việc gì cũng thành tựu
Ở đâu cũng an lành
Ấy là chân hạnh phúc''.
Nếu chúng ta thực hành bài kinh ngắn trên, chắc chắn chúng
ta sẽ có được lợi lạc và hạnh phúc. Về khái niệm hạnh phúc và nghệ
thuật sống trong thời đại @, đối với chúng tôi: Khi vừa sinh ra, hạnh
phúc đơn giản chỉ là bầu sữa mẹ. Rồi lớn lên dần một chút, hạnh phúc là
được đi tắm biển mỗi ngày. Khi ra nước ngoài hạnh phúc đơn thuần là
được tự do chọn con đường mình đang đi trong học vấn và trong cuộc
sống. Chúng tôi có rất nhiều hạnh phúc mỗi khi đi học về, được mẹ âu
yếm và vỗ về; hơn thế nữa là đã có những bữa ăn thịnh soạn khi mẹ không
đi làm. Rồi có vợ, hạnh phúc đơn thuần chỉ là những lần chia ngọt sẻ
bùi và những thăng trầm trong cuộc sống. Khi có con, hạnh phúc thật
giản dị như là khi con biết khóc, biết cười, biết bò, biết đi, biết
đứng, biết nói v.v... Nói tóm lại hạnh phúc đang ở trong tầm tay của
chính mình. Tuy nhiên, giống như tình yêu, mỗi khi bạn đi tìm hạnh
phúc, thì dường như nó càng xa lách bạn. Thiền Sư Thích Nhất
Hạnh thường nhắc: “There is no way to happiness, happiness is the way”
xin tạm dịch "Không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là
con đường." Nó là một quá trình, không phải là một nơi để đến. Tuy nhiên
theo kinh nghiệm cá nhân, chúng ta cũng có những nghệ thuật sống để có
được hạnh phúc trong thời đại @ này. Đây là bốn điều tôi đang thực
tập và nhận chân được sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống ở thời đại
@ này.
1. Sống có định hướng trong nền tảng từ bi và trí tuệ
Khi mình có định hướng thì cuộc sống sẽ có mục đích và ý
nghĩa. Nó là năng lượng thúc đẩy ta đến mục đích tốt đẹp mà mình đã
định. Tuy nhiên định hướng này phải đặt trong nền tảng của sự hiểu biết
và thương yêu. Nói một cách khác, con đường nào mình chọn? con đường
nào mình đang đi? Ví dụ, nếu mình muốn gần đến Đức Phật hay một nơi nào
đó (tượng Phật chẳng hạn), con đường duy nhất mà mình đi là từ từ tiến
đến gần Ngài hay đến tượng Phật đó. Nếu mình không chịu đi hoặc đi lùi
lại thì dĩ nhiên là chúng ta càng ngày càng xa nơi mình muốn đến. Và
thế là lâu lắm mới đến đích. Phần thứ hai là con đường nào mình chọn,
ví dụ như cây viết trước mặt bạn. Nếu bạn nghiên nó về bên phải, chắc
chắn nó sẽ ngã về bên phải. Nếu bạn nghiên nó về bên trái, chắc chắn nó
sẽ ngã về bên trái. Trong ca dao tục ngữ của người Việt chúng ta: "Gần
mực thì đen, gần đèn thì sáng" là vậy. Nhưng điểm đến đó phải có chất
liệu thương yêu và hiểu biết thì chúng ta sẽ không lạc đường đến bến bờ
mong đợi.
2. Sống cuộc sống cân bằng và hoà hợp
Chúng tôi đã học và hành trì theo những vị Tôn túc khả
kính và có quan niệm rằng, cuộc sống của chúng ta đều có 3 cuộc sống
khác nhau: cuộc sống cá nhân (personal/private life), cuộc sống xã hội
(public life) và cuộc sống tâm linh (spiritual life). Con người thường
gặp những chán chường, không toại nguyện, khổ đau, thất vọng, sợ hãi
và đưa đến tột cùng đau khổ (hay không có hạnh phúc thật sự) là vì họ
quá đặt nặng vào cuộc sống cá nhân riêng tư hay cuộc sống xã hội nhiễu
nhương, mà quên đi cuộc sống thứ ba, cuộc sống tâm linh của mình. Mình
phải biết cách dung hòa (balance) cả ba để cuộc sống của mình cân bằng
và thoải mái hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm nhà Phật thì mình nên chú
trọng vào cuộc sống tâm linh của mình, vì khi mình có nó, thì mình cũng
có hai cuộc sống kia. Cuộc sống tâm linh là tìm lại bản tánh thanh
tịnh, "bổn lai diện mục", Phật tánh, hay khả năng giác ngộ của chính
mình. Vì thế chúng ta nên cố gắng bỏ nhiều thời gian hơn cho cuộc sống
tâm linh của mình, cho chính mình và cho gia đình huyết thống và gia
đình tâm linh của mình. Vậy hãy cố gắng dành ít thời gian cho chính
mình dù chỉ năm mười phúc mỗi ngày để chú tâm đọc một cuốn truyện, nghe
một bản nhạc, quan tâm những người thân, sự vật quanh mình hay tụng
kinh, tham thiền, hay thực hành chánh niệm. Đó là sự hành trì. Nền tảng
của cuộc đời là có một cuộc sống tâm linh trọn vẹn và khi mình có cuộc
sống tâm linh cao thượng, mình có tất cả.
Ngoài ra, mình sống làm sao cho hoà hợp. Trên thuận
dưới hoà, sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Một trong những tinh hoa
mà chúng tôi học được từ những vị cao Tăng thạc đức là: "Trên kính,
dưới thương, và ngang nhường." Hay nói theo tinh thần trong Gia đình
Phật tử là "thương già, hiểu trẻ". Nói tóm lại, nếp sống hoà hợp hay
hành xử theo tinh thần lục hoà rất cần thiết để có một cuộc sống an
lành và hạnh phúc.
3. Sống cuộc đời thiểu dục hay con đường Trung đạo
Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy: "Tri túc chi nhơn tuy
ngọa địa thượng du vi an lạc. Bất tri túc giả thân xử thiên đường diệc
bất xứng ý." Có nghĩa là: "Người biết thế nào là đủ, tuy nằm trên đất
cũng thấy an vui hạnh phúc. Người không biết thế nào là đủ, tuy thân
xác ở trên cảnh giới thiên đường, tâm ý vẫn không thỏa mãn!"
Ở ngoài đời, cụ Nguyễn Công Trứ có câu: “Tri túc tiện
túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?”
- "Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn,
đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?"
Ở trong đạo chúng ta có “phương pháp đối trị lòng tham
muốn quá độ” là Thiểu Dục và Tri Túc. Cố Hoà thượng Thích Thiện Hoa có
dạy trong cuốn Phật Pháp Căn Bản là: “Muốn được sung sướng an vui,
chúng ta cần phải Thiểu Dục và Tri Túc.” Ðể đối trị lòng tham, Phật
khuyên chúng ta phải ‘thiểu dục và tri túc’. Có nghĩa là “muốn ít và
biết đủ.” Thầy nhấn mạnh: "Muốn ít là đối với cái chưa có, mà vì nhu
cầu, mong cho có… chứ không muốn (những gì) quá sức hay tài chánh của
mình." Thầy lại căn dặn: "Biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận
tùy duyên. Ðối với việc ăn, mặc và ở, tự thấy mình có đủ dùng rồi,
không tham cầu nhiều hơn nữa, mà phải khổ sở về tinh thần" trong đó có
ngũ dục (tài sắc danh thực thuỳ) hay là: a) Tham muốn tiền của; b)
Tham muốn sắc đẹp; c) Tham muốn danh vọng; d) Tham muốn ăn ngon; e)
Tham muốn ngủ kỹ mà người đời tham muốn và thường bị chúng sai khiến.
Vì thế chúng ta cần xét lại, chứ đừng thoả mãn quá đáng
ngũ dục đó, thì mình càng thêm khổ. Trong cuộc sống thời đại @ này, thì
chúng ta có thể dùng con đường Trung đạo hoặc modification/giảm bớt.
Cái đẹp của tất cả là nằm giữa của hai thế cực. Tục ngữ chúng ta có
câu: "No mất ngon, giận mất khôn" là vậy. Ví dụ, khi chúng ta đi ăn
buffet, thì chúng ta không nên ăn cho thoả mãn (ăn cho đả) vì cứ nghĩ
là mình đã trả tiền. Như vậy thì sẽ không còn cảm giác ngon hoặc an
lành nữa.
Nói tóm lại, như cố Hoà thượng Thích Thiện Hoa dạy: "Kẻ
ngoài đời và người trong đạo, muốn được hạnh phúc chân thật, thì nên tu
hạnh ‘thiểu dục’ và ‘tri túc’. Vì thật sự, những người không quá đòi
hỏi về vật chất, thì chẳng hề so sánh với bề trên; do đó, không thấy
mình thiếu thốn về vật chất, nên ít khổ. Hơn nữa, họ chỉ so sánh với kẻ
dưới, thấy mình khá giả, đầy đủ hơn, nên dễ mãn nguyện. Muốn tránh
khỏi tai nạn trong gia đình và xã hội, mỗi người trên thế gian nầy, đều
phải giữ phận thủ thường, đừng vượt quá khả năng của mình. Trên thể
giới năm châu hiện nay, muốn có hòa bình để mà hưởng lạc thú hoà bình
vĩnh viễn, thì cũng không ngoài cái hạnh ‘Thiểu dục’ và ‘Tri túc’ mà
được."
4. Sống lạc quan và yêu đời.
Điều cuối trong bài viết này là mình cần có một cái nhìn
lạc quan và yêu đời. Hãy “đem mắt thương nhìn cuộc đời.” Hãy sống lạc
quan, yêu đời thì cuộc sống nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Trong đó, lối
sống "chín bỏ thành mười" thì cuộc sống càng ngày càng hướng thiện và
những hành giả thì càng có thêm an lạc và hạnh phúc. Cái nhìn lạc quan
đó sẽ mở cửa cơ hội cho một tương lai tươi sáng hơn. Việc này không
những lợi cho mình mà lợi cho người.
Xin hãy lắng nghe Thầy Thích Chân Pháp Hữu khẳng định:
"Tôi năm nay hai mươi bốn tuổi, là một người tu trẻ và hạnh phúc....Tôi
muốn nói với những người bạn trẻ rằng đạo Bụt vẫn còn rất tươi mới và
thiết thực đối với thế hệ trẻ chúng ta. Đạo Bụt không chỉ dành cho
người già và người đã chết, mà có thể trở nên sống động và tràn đầy sự
sống. Đạo Bụt có thể dẫn dắt thế hệ mới của chúng ta hướng về một tương
lai tươi sáng hơn. Là một người tu, tôi luôn hành trì theo giới luật
và uy nghi để bảo hộ cho mình, nhưng không vì vậy mà tôi không được
sống như một người trẻ! Tôi vẫn có thể chơi bóng rổ với các sư anh, sư
chị, sư em của mình; tôi vẫn có thể hát nhạc rap với các bạn trẻ. Chỉ
có điều, tôi làm những điều này với ý thức chánh niệm và với tinh thần
xây dựng tình huynh đệ... Tôi cầu mong cho mọi người trẻ trên thế giới
này đều tìm thấy cho mình một nơi mà mình có thể trở về để tiếp xúc với
gốc rễ của mình, và tiếp xúc với gia tài tâm linh mà tổ tiên đã trao
truyền." (Lá Thơ Làng Mai 35, 2012, trang 71-75.) Đó là một sự lạc quan
và yêu đời vô giá.
Nói tóm lại, nghệ thuật sống thế nào để có an lạc và
hạnh phúc thì ai trong chúng ta cũng đã biết. Cái quan trọng là ở phần
thực nghiệm và hành trì. Vậy xin mời cùng tất cả quý độc giả hãy HÀNH
TRÌ và cùng nhau thầm tụng bài kinh Thương Yêu này như để kết thúc bài
viết này.
Kinh Thương Yêu *
Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn,
khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản
mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi
theo đám đông.
Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.
Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:
Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống
an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài
thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy,
những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa,
những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính
mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ
và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế
gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi
không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn
một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi
ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm
từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.
Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành
mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh. “Kinh Thương Yêu”
Tham Khảo:
1. Làng Mai, Kinh Thương Yêu, trang nhà Làng Mai, www.langmai.org, tải xuống ngày 29 tháng 2, 2012.
2. Nguyễn Công Trứ, Chữ Nhàn, trang nhà
http://thuvien.maivoo.com/tho/Nguyen-Cong-Tru/Chu-Nha-n-5230.html, tải
xuống ngày 29 tháng 2, 2012.
3. Thích Chân Pháp Hữu, Đạo Bụt trong lòng ng ười Trẻ, Lá Thư Làng Mai 35, trang 71-75. Làng Mai xuất bản, 2012.
4. Thích Thiện Châu, Kinh Chân Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta), trang
nhà Quảng Đức, http://www.quangduc.com/kinhdien/kinhchanhanhphuc.html,
tải xuống ngày 1 tháng 3, 2012.
5. Thích Thiện Hoa, Thiểu Dục và Tri Túc, Phật Học Phổ Thông, Phật
Học Phổ Thông (Tập I - Từ khoá một đến khoá 5), trang 240-247. Chùa
Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc, 2000.