Phật pháp ứng dụng
Đối Trị Với Căng Thẳng Khi Có Bệnh
Pháp Hạnh Phạm Quốc Hưng
17/09/2011 03:12 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bình thường, khi cơ thể của chúng ta khỏe mạnh và đầy sức sống, chúng ta thường hay vui tươi nhìn đời với con mắt lạc quan. Thông thường, chúng ta không mấy chú tâm đến những suy nghĩ và cảm xúc luôn xảy ra từ phút từng giây trong nội tâm. Khi bác sĩ báo cho chúng ta biết mình có một căn bệnh gì đó rất nặng hay có khả năng trở thành nặng, cuộc sống bên ngoài của chúng ta dường như chợt đứng sựng lại. Thế giới tưởng chừng như đóng băng và tâm thần chúng ta bỗng trở nên nặng nề ảo nảo. Suy nghĩ và cảm xúc luyến tiếc, buồn thương, chán giận, lo sợ, và vô vọng chợt tràn về. Và vì bởi chúng ta không quen sống nội tâm cũng như không biết cách điều khiển suy nghĩ và cảm xúc của mình, chúng ta bỗng nhiên rơi vào một trạng thái khủng hoảng tâm lý hay căng thẳng tinh thần. Vì chúng ta cảm thấy thế giới bên ngoài như dừng lại, mọi việc trước đây tưởng chừng như nhiều hấp dẫn, có khả năng làm cho chúng ta “hạnh phúc” (như nghe nhạc hay đi coi phim và dạo phố) nay bỗng trở nên vô vị. Người có bệnh bây giờ cảm thấy u uất. Cảm giác u uất này làm cho người bệnh không muốn tiếp xúc với mọi người. Có khi họ nằm bẹp trên giường hy vọng giấc ngủ sẽ giúp họ quên đi những cảm xúc đáng sợ đó. Khi có những cảm giác và hành động như trên, việc đầu tiên là quý vị phải thay đổi lối nhìn và tích cực tìm con đường đối trị với những cảm thọ đau khổ và bất an này.

Trước tiên hết, chúng ta cần phải nói chuyện với vị thầy thuốc của mình. Tôi dùng chữ thầy thuốc ở đây để diễn tả rõ nét vai trò của người bác sĩ. Bác sĩ ngày nay thường hay bỏ rất ít thời gian để nói chuyện với bệnh nhân. Thêm vào đó, rất nhiều bác sĩ không có được huấn luyện kỹ càng về khoa tâm lý. Sự eo hẹp về thời gian và thiếu huấn luyện về tâm lý bệnh nhân đã làm cho bác sĩ không có đủ sự hữu hiệu khi chăm sóc sức khỏe toàn diện (tâm và thân bệnh) cho người có bệnh. Người bác sĩ phải là vị “lương y như từ mẫu” có đủ kiên nhẫn và tay nghề để hỗ trợ bệnh nhân. Người bác sĩ tận tâm có thể nhận ra được những biến chuyển về tâm lý của quý vị và đưa ra những phương thức chữa trị hoặc những đề nghị và giới thiệu đi những chuyên khoa cần thiết, chẳng hạn như bác sĩ tâm thần để lượng định xem người có bệnh nên uống thuốc chống buồn hay lo âu không. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu người có bệnh đến các chuyên gia tâm lý xã hội để những chuyên gia này cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cho người có bệnh và gia đình. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cung cấp những thông tin về nhóm trị liệu tâm lý. Người có bệnh khi ngồi xuống trong nhóm nhỏ của những người có cùng hoàn cảnh bệnh lý và tâm lý như mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, sẽ cảm thấy có sự đồng cảm hỗ trợ, và thấy dễ chia sẽ những suy nghĩ và cảm xúc bị dồn nén của mình. Người hướng dẫn nhóm có thể đưa ra những lời khuyên về các kỹ thuật giúp người có bệnh vượt qua được những khủng hoảng bước đầu.

Bước kế tiếp của người có bệnh là phải chuẩn bị tâm lý của mình một cách vững vàng. Ngày nay, với các nghiên cứu khoa học về sự liên quan nối kết giữa tâm và thân (mind-body connection), chúng ta biết rằng tâm lý có nhiêàu ảnh hưởng lên sức khỏe cơ thể. Ngày xưa, người ta có hay kể câu chuyện rằng có hai người đi khám bệnh. Khi bệnh viện phát kết quả bệnh, vì lỗi lầm giấy tờ, người không bệnh lại nhận được kết quả bệnh và người bị bệnh lại nhận được kết quả không bệnh. Sau một thời gian, người không bệnh vì tưởng mình bệnh nên lo âu khủng hoảng tâm hồn trở thành bệnh thật, còn người có bệnh thì lại lạc quan vui vẻ nên thành hết bệnh. Vô số các trường hợp hết bệnh nhờ chuyển đổi tâm lý và lối sống lành mạnh hơn đã được biết bao báo chí và tập san y khoa hay khoa học trình bày. Gần đây nhất là nghiên cứu về thuốc giảm đau. Kết quả cho thấy là nhiều khi người bệnh nghĩ là thuốc giảm đau, nên họ cảm thấy hết đau thật. Là Phật tử, chúng ta cũng biết câu “vạn pháp duy tâm tạo” tức là tất cả mọi hiện tượng đều do tâm chúng ta tạo ra. Nếu tâm làm cho chúng ta bệnh, thì chính cái tâm này cũng có thể chữa lành hay giúp chúng ta đối trị với những căng thẳng do bệnh gây nên.

 

Khi quý vị biết mình có bệnh, thì quý vị hãy coi đây là một tiếng chuông thức tỉnh, là một cơ hội để chúng ta quay vào bên trong nội tâm, quán sát những đợt cảm xúc buồn khổ hay lo âu lên xuống bất chợt nhưng có từng cơn như tiếng thủy triều lên xuống. Phải chăng vị bồ tát lớn Quan Thế Âm đã lắng nghe tiếng sóng biển tâm thức (Hải Triều Âm) này mà giác ngộ cảnh vô thường xuống lên của kiếp nhân sanh và tìm thấy cái an lạc vĩnh hằng của Phật tánh. Và đức Quan Thế Âm Bồ Tát vì có cái quán chiếu cao sâu như vậy nên Ngài có sự đồng cảm và từ bi cao độ với nổi khổ của chúng sanh. Để khi chúng sanh có bệnh và xưng cầu danh hiệu Ngài, thì Ngài liền ban vui cứu khổ họ (“lâm bệnh, xưng danh, tầm thinh cứu khổ”). Chúng ta cũng có thể học theo hạnh của Ngài. Người có bệnh hãy quán chiếu tâm mình. Thấy được rằng bệnh đã giúp cho mình dừng lại bên đường của những thói thường nơi kiếp nhân sanh. Lắng tâm khỏi những ham đắm lợi danh phù phiếm, khỏi những hơn thua suy tính. Hãy dừng lại và can đảm đối diện với nổi sợ của chính mình. Đừng vội vã tìm con đường quên lãng như cắm đầu vào công việc hay tìm quên trong men rượu khói thuốc. Hãy dùng phương pháp chánh niệm hơi thở. Chánh niệm tức là để tâm vào phút giây hiện tại cho dòng tư tưởng và cảm xúc trụ lại ở một chỗ. Hơi thở là tượng trưng cho sự sống và sự sống nằm ngay trong phút giây hiện tại này. Khi ta không có chánh niệm, ta quên lãng sự sống. Ta hoặc tiếc nuối quá khứ hay hoạch định tương lai. Khi phải đối diện với viễn cảnh của cái chết, thì đó là lúc chúng ta nhớ đến sự sống nhiều hơn. Vậy thì, dù có bệnh hay không có bệnh, tại sao chúng ta không chủ động trở về trong chánh niệm hơi thở và cảm nhận được sự sống tuyệt đối có sẳn trong từng phút giây mà mình đã lãng quên từ bao giờ.

Khi thực tập chánh niệm hơi thở, những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực có thể xảy ra và tiếp tục làm khổ quý vị. Xin đừng sợ, hãy nhẹ nhàng nhận ra sự có mặt của những cảm xúc và suy nghĩ này và chào tạm biệt chúng. Sau đó, quý vị hãy trở về với sự chánh niệm của nhận thức hơi thở lên xuống. Thở vào, hãy nghĩ trong đầu là “tôi biết tôi đang thở vào”. Thở ra, hãy nghĩ trong đầu là “tôi biết tôi đang thở ra”. Như vậy, chúng ta sẽ ngừng được những dòng suy nghĩ tiêu cực chỉ gây cho chúng ta lo âu và sợ hãi. Kế tiếp, quý vị hãy quán tưởng rằng hơi thở vào đem theo bao dưỡng khí và năng lực yêu thương chữa lành mọi bệnh tật và khi thở ra, quý vị hãy quán tưởng rằng mình đưa ra khỏi mình năng lược thô tạp ô nhiễm. Tiếp tục quán tưởng và cảm nhận sự an lạc bình an nơi tâm hồn. Đừng nảy sinh ra suy nghĩ hay cảm xúc thiếu kiên nhẫn. Cũng như nụ hoa đến kỳ mới nở hoặc trứng đến ngày nảy sinh gà con, chúng ta hãy an lạc trong cảm giác nhẹ nhàng của chánh niệm hơi thở đem lại. Đừng mong cầu bệnh khổ sẽ hết ngay lập tức. Hãy mỉm cười với chính mình. Nụ cười sẽ đem lại sự an lạc cho quý vị. Hãy buông bỏ tất cả vì khi buông bỏ là lúc chúng ta nhận được tất cả. Buông bỏ ở đây tức là chúng ta buông bỏ tất cả những suy nghĩ tiêu cực, những bám víu vào những gì ta nghĩ là yêu đáng quý, những ước vọng tương lai. Khi buông bỏ những điều này, thì chúng ta được sự an lạc nội tâm và của sự biết đủ. Người có bệnh cũng có thể quán tưởng oai lực nhiệm màu của đức Phật Dược Sư chiếu rọi toàn thân, làm tịnh hoá thân tâm của người có bệnh, và chữa lành. Cũng có thể quán niệm đức Bồ Tát Quan Thế Âm dùng cam lồ tưới mát người có bệnh.

Sống trong phút giây hiện tại tràn đầy sự sống là chữa lành những di hại của lối sống sai lạc trong quá khứ cũng như chuẩn bị một thái độ và lối sống lành mạnh trong tương lai. Người có bệnh nên tham khảo các phương pháp trị liệu bổ sung như trị bệnh qua dinh dưỡng, thể dục, dưỡng sinh, khí công, châm cứu…kết hợp với y khoa tây phương. Biết kết hợp hài hoà lối sống thân tâm. Giữ tâm an lạc và không xáo trộn bởi hoàn cảnh bên ngoài. Phật tử thì giữ giới không sát hại mà lại còn cứu mạng sống cho mọi loài như ăn chay, phóng sanh, gia nhập các hội bảo vệ nhân quyền hay thú vật khắp nơi trên thế giới. Khi tâm chúng ta mở rộng và nghĩ đến người khác, thì nổi khổ của chúng ta cũng sẽ vơi đi.

Vài lời thô thiển xin được chia sẽ cùng quý vị độc giả, nhất là quý vị nào đang trãi qua những lo lâu khổ hãi của một trong bốn cái khổ mà đức Phật đã chỉ ra cho chúng sanh (Sanh, Lão, Bệnh, Tử). Chúng ta sẽ còn đi trên con đường dài vậy thì chúng ta phải học được cách đối trị với những chướng ngại trên đường về chân tâm bất diệt. Ước nguyện quý vị tiếp nhận những chia sẽ này và thực hành để được an lạc thân tâm.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch