Về sau nghiên cứu kỹ tôi mới thấy rõ, quả là chỗ Đức Phật thấy, Đức
Phật được không thể nói cho người thế gian hiểu. Tại sao? Bởi vì chỗ đó
ngược hẳn với cái thấy của người phàm tục, nên làm sao nói giảng cho họ
hiểu được. Vì vậy Phật không muốn nói. Khi chư Thiên nài nỉ Phật dùng
phương tiện giáo hóa chúng sanh, từ từ sẽ có người hiểu; Phật xét thấy
điều này hợp lý nên kể từ đó mới chuyển bánh xe Đại pháp.
Bài pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển là bài Tứ đế, nói đủ là Tứ diệu đế.
Lâu nay người học Phật xem đây là chân lý đầu tiên, Đức Phật trình bày
rất đúng, rất thật. Nhưng đó là phương tiện, chớ không phải chỗ cứu kính
chân thật. Nếu quí vị có đọc kinh Kim Cang, kinh Viên Giác
sẽ thấy Phật dạy rằng: Pháp của Phật như con thuyền hay chiếc bè đưa
người qua sông. Khi lên bờ rồi phải bỏ chiếc bè. Kinh Viên Giác
nói, ví như người muốn thấy mặt trăng đêm mùng năm, mùng sáu. Vì nó nhỏ
khó thấy, người ấy hỏi bạn mình mặt trăng ở đâu? Người bạn thấy được
liền lấy tay chỉ bảo “mặt trăng ở đó”. Nương ngón tay người kia nhìn
thấy mặt trăng. Khi thấy mặt trăng rồi ngón tay là vô nghĩa. Cũng thế,
pháp của Phật dạy là phương tiện, giống như ngón tay để chỉ cho chúng ta
đi tới chỗ chân thật. Chỗ chân thật ví như mặt trăng, đạt được chỗ chân
thật rồi thì phương tiện phải bỏ.
Chúng ta nên biết pháp Phật là phương thuốc trị lành tâm bệnh cho
chúng sanh. Bệnh lành thì thuốc phải bỏ. Giả sử bây giờ chúng ta bị sốt
rét phải uống thuốc sốt rét. Khi bệnh đã lành hoàn toàn, nếu thấy thuốc
hay quá tiếp tục uống nữa thì sao? Bệnh trở lại. Cho nên bệnh lành rồi
phải bỏ thuốc.
Pháp của Phật dạy là tùy bệnh cho thuốc. Chúng sanh có bệnh nào Phật
cho thứ thuốc ấy. Ví dụ người tham ái nhiều, Phật dạy phương thuốc quán
bất tịnh. Thấy thân nhơ nhớp quá sanh gớm nên hết tham ái. Người hiếu
danh nhiều Phật dạy quán vô thường, danh vọng được rồi sẽ mất, chớ không
bền, nhờ quán như thế nên bớt hiếu danh. Từng phương thuốc trị từng
bệnh cho chúng sanh. Nhưng tất cả đều là phương tiện chớ không phải cứu
kính. Ban đầu Phật dùng phương tiện dẫn dắt chúng ta, từ từ đi tới kết
quả là cứu kính. Thế nên muốn đến chỗ cứu kính, trước phải qua phương
tiện, nhưng đạt được cứu kính rồi thì phải bỏ phương tiện.
Chúng ta ngày nay cứ đem kinh đọc cho Phật nghe hoài, cho đó là tu
kỹ. Ngày nào cũng đem kinh ra đọc mà không hiểu được ý Phật dạy. Học
kinh để hiểu, hiểu để tu chớ không phải đem đọc cho Phật nghe. Phật tử
chẳng những đọc cho Phật nghe, mà còn tính bộ với Ngài nữa. Quả thật là
một sai lầm đáng thương!
Ngài Huệ Khả trước tên Thần Quang, tu thiền cũng lâu. Khi nghe Tổ Đạt
Ma sang Trung Hoa, ở chùa Thiếu Lâm ngồi xây mặt vào vách núi, mấy năm
không nói chuyện với ai. Ngài tìm tới không biết làm sao thưa. Lúc ấy
nhằm mùa đông tuyết xuống tới đầu gối, Ngài vẫn đứng thản nhiên từ đầu
hôm đến sáng để cầu đạo. Biết được, Tổ xoay lại hỏi:
- Ông cầu cái gì mà chịu khổ hạnh vậy?
Ngài thưa:
- Cúi mong Hòa thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con.
Tổ bảo:
- Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm
được việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay!
Huống là dùng chút công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa ư?
Nghe thế, Ngài liền đi ra phía sau, mượn cây dao chặt một cánh tay
dâng lên Tổ để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Tổ Đạt Ma đồng ý và nhận làm
đệ tử, đặt tên là Huệ Khả. Huệ là trí tuệ, Khả là khá. Ý Tổ khen ngài
Thần Quang có trí tuệ khá lắm nên mới dám hy sinh như vậy.
Khi được nhận làm đệ tử rồi, một hôm Huệ Khả thưa với Tổ Đạt Ma:
“Bạch Hòa thượng, tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm”.
Tổ Đạt Ma không trả lời thẳng, mà bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Ngài Huệ
Khả xoay lại tìm một hồi, tâm bất an mất tiêu, không thấy nó ở đâu.
Ngài liền thưa: “Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta
đã an tâm cho ngươi rồi”. Ngay đó ngài Huệ Khả liền biết đường vào.
Phật tử ai có tập ngồi thiền rồi, mới thấy tâm mình lăng xăng lộn xộn
thế nào. Cho nên ngài Huệ Khả xin pháp an tâm là điều hợp lý vô cùng.
Chúng ta cũng giống hệt vậy thôi. Nhưng câu trả lời của Tổ dường như hơi
ngược ngạo, dạy pháp an tâm mà lại bảo “đem tâm ra ta an cho”. Chính
chỗ này ngày xưa tôi cứ ngỡ dường như Tổ đùa chơi vậy. Người ta tha
thiết học hỏi, mà Tổ lại như đùa, không ngờ ngài Huệ Khả lãnh hội được.
Đó là điều chúng ta thấy khó hiểu. Sau này khi nhập thất tu, đọc lại sử,
tôi mới giật mình thấy cái ngu trước. Bởi vì chúng ta bị si mê nên mãi
chìm trong sanh tử. Si mê cái gì? Si mê chấp thân này là thật, chấp suy
nghĩ lăng xăng là tâm mình thật. Hai cái si mê này khiến chúng ta cứ tạo
nghiệp, đi mãi trong sanh tử.
Hiện giờ quý vị đều thầm đồng ý thân này thật nên mới quý, mới lo đủ
thứ cho nó. Ví dụ có hai người đối trước một món đồ giả, một người nói
thật, một người nói giả. Vậy trong hai người đó, ai ngu ai trí? Giả mà
tưởng thật là ngu, còn giả biết giả là trí. Vậy tôi đặt câu hỏi lại,
thân này thật hay giả? Giả. Nếu quý vị chỉ thấy giả theo câu hỏi của
tôi, thì khi ra khỏi giảng đường này sẽ thấy nó thật hết. Đó là chỗ mê
lầm của chúng ta.
Như quý vị đang ngồi nói chuyện chơi với người thân, bất thần người
ấy đứt gân máu ngã xuống tắt thở. Khi còn nói chuyện ta gọi đó là thật,
đến lúc tắt thở mới biết nó giả. Nếu thật thì lúc nào cũng thật, trước
thật sau cũng thật. Mọi người khi còn đi đứng, nói năng đều cho là thật,
đến chừng ngã ra chết ai cũng bảo giả hết. Như vậy là sao? Chẳng lẽ nửa
thật nửa giả. Thật ra trong giả có thật mà chúng ta không biết, nên lầm
cho nó hoặc toàn giả hoặc toàn thật.
Chúng ta thử xét lại xem, hiện giờ mình sống đây, lỗ mũi đang thở.
Hít vô là mượn không khí bên ngoài vào. Thở ra là trả không khí ra
ngoài. Hít vô trả ra đều đều thì sống. Hít vô mà không trả ra được, trả
ra mà không hít vô thì chết. Như vậy thật ở chỗ nào? Nếu thật thì khỏi
mượn, đã mượn thì không thật. Một lát mượn tách nước, chút xíu lại trả
ra. Đem vô trả ra. Đem vô được mà trả ra không được thì đi cấp cứu. Mượn
trả đều đặn thì yên, không đều đặn không yên. Lâu hơn nữa thì mượn chén
cơm. Mượn rồi cũng phải trả. Rõ ràng thân này sống bằng sự vay mượn
liên tục. Đã vay mượn mà nói thật thì biết trí tuệ chúng ta tới cỡ nào?
Chẳng lẽ mình ngu hết sao! Thế mà ra đường ai nói ngu đâu có chịu, trong
khi thực sự mình ngu quá chừng? Nói thế để thấy chúng ta đang mê lầm.
Từ mê lầm đuổi theo thân, lo cho nó, rốt cuộc rồi cũng mất. Như vậy có
đáng thương không?
Đức Phật giác ngộ thấy thân này giả, do đất, nước, gió, lửa hợp lại
thành. Chất cứng là đất, chất ướt là nước, động là gió, ấm là lửa. Bốn
thứ này cứ đem vô trả ra. Còn mượn còn trả thì còn sống, mượn mà không
trả ra thì chết. Như vậy ta có thân này, chẳng qua là cuộc sống vay
mượn. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai, quí vị thường cho những suy nghĩ phân biệt là tâm mình. Vì
thế buồn, thương, giận, ghét… đều là tâm ta. Nói “tôi buồn quá” thì buồn
là tôi. Tôi vui, tôi giận, tôi ghét v.v… tất cả là tôi hết. Cả trăm
thứ, biết cái nào là tôi thật? Nên không có cái tôi thật. Như ta đang có
chuyện buồn, bất thần một người bạn tri kỷ từ xa về, gặp lại nhau mình
vui liền. Như vậy buồn không thật, nếu thật khi vui đến buồn đi đâu? Như
vậy vui buồn không phải thật mình, chỉ là cái tạm bợ qua mất, mà ta lại
chấp nó là tâm mình. Từ chấp đó, ta nghĩ việc này phải làm như thế này
mới đúng, làm khác là sai. Nếu ai đề nghị khác mình, hoặc phản đối ý
kiến nghĩ của mình, ta sẽ nổi nóng liền. Bởi chấp tâm suy nghĩ là mình,
nên phiền não phát sinh.
Song chúng ta thử hỏi lại, những suy nghĩ của mình có đúng trăm phần
trăm không? Nếu ai cũng nghĩ đúng trăm phần trăm thì bây giờ nhà toàn cả
chục tầng, chớ không phải một hai tầng. Vì khi nghĩ đúng khi nghĩ trật,
nên làm ăn mới thất bại. Nếu nghĩ đúng hết đâu có thất bại. Cuộc đời
này thất bại nhiều, thành công ít, chứng tỏ con người nghĩ sai nhiều,
nghĩ đúng ít. Vậy mà ai cũng cố chấp cái nghĩ của mình là đúng, rồi sanh
buồn giận, thương ghét đủ thứ hết.
Lại nữa, những khi ta khởi nghĩ thì thấy có nó, nhưng khi không nghĩ
nó ở đâu? Tìm không ra. Không có chỗ, không có hình tướng nên biết nó
không thật. Lúc ngồi thiền, ý cứ nghĩ lăng xăng hoài, ta bực mình nói
tâm bữa nay xao động quá. Như thế cho cái nghĩ lăng xăng xao động ấy là
tâm mình. Phật bảo đây là kẻ mê.
Chúng ta hiện giờ đang cố chấp, đang mê trong sự sai lầm, vì vậy tu
rất khó. Chấp thân thật nên động tới la thôi là la, chấp tâm thật nên
gặp điều trái ý nổi giận đùng đùng. Do đó khổ cả ngày. Chừng nào thấy
được thân không thật, tâm không thật chúng ta sẽ sống thảnh thơi. Mỗi
người đều có quyền thấy khác mình, nên ai làm trái ý ta không giận. Hiểu
như vậy là giải thoát nhiều rồi.
Phật thường dạy nếu chúng ta có nghĩ điều gì nên nói “đây là cái nghĩ
của tôi”. Đừng nói cái nghĩ của tôi đúng, thêm chữ “đúng” thì có
chuyện. Bởi vì hai cái đúng ngược nhau thì đập nhau. Chỉ nói cái nghĩ
của tôi, không luận đúng hay sai, dù khác nhau chúng ta vẫn thấy dễ
chịu, có khi còn trao đổi ý kiến để rút kinh nghiệm thêm. Sống trên tinh
thần ấy thì hay quá. Nên người sáng suốt muốn tìm chân lý phải thấy rõ
như vậy. Tâm không thật biết nó không thật, là người trí, người giác
rồi. Thế nên biết ngồi yên tĩnh tu không làm gì hết, không phải vô ích,
thật ra việc ấy có lợi ích lớn lao vô cùng.
Vì vậy chúng tôi dạy tu thiền, chỉ dẫn quý vị ngồi yên tịnh nhìn lại
xem niệm khởi từ đâu. Nó vừa dấy lên, ta biết vọng tưởng hư dối không
theo, cứ thế công phu. Mới nghe thấy đơn giản, không có giá trị gì,
nhưng thật ra chúng ta đang làm một việc lớn, đó là phá sai lầm muôn đời
của mình. Thấy rõ các tư tưởng sanh diệt liên tục, tạm bợ hư dối, không
theo nó thì nó phải chịu thua mình. Đó là pháp an tâm của nhà thiền.
Nói pháp nhưng thật ra không có pháp gì cả. Thiền tông chủ trương không
có một pháp dạy người, chỉ dùng trí mình soi lại để thấy cái thật cái hư
nơi mình. Đó là điều thiết yếu.
HT. Thích Thanh Từ