Phật pháp ứng dụng
Hạnh phúc trong chánh niệm
24/06/2010 23:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hạnh phúc chân thật không thể định nghĩa đơn thuần trong thuật ngữ như sự giàu sang, quyền lực, gia đình, con cái hoặc một sự thành công nào đó. Những vấn đề này cũng không lạ gì vì nó đã mang lại sự thoải mái về vật chất cũng như tinh thần, nhưng chúng không thể cung ứng niềm hạnh phúc bền vững trong tiềm thức con người. Đặc biệt, đây là sự thực khi quyền lợi đạt được một cách không chính đáng như tham ô, hối lộ, cướp giựt, bóc lột... thì chúng sẽ trở thành cội gốc của tội lỗi, khổ đau và sầu muộn hơn là mang lại hạnh phúc cho người chiếm hữu.

Thông thường, chúng ta tin rằng cảm giác dễ chịu khi đối diện với sự vừa lòng về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp hoặc bị quyến rũ bởi tài, sắc, danh, thực, thùy hoặc vì bị thất vọng trong cuộc sống mà lầm đường lạc lối. Họ đã lầm tưởng điều đó có thể là niềm hạnh phúc thật sự, trong lúc đó không có ai phủ nhận rằng hạnh phúc tạm thời trong trạng thái khoái lạc cũng như cảm giác hài lòng trong sinh hoạt hằng ngày. Khi chúng ta tiếp xúc với những cảm giác đó một cách khách quan thì chúng ta thật sự nhận thức một cách hồ đồ về bản chất không hoàn hảo của sự vui thích. Như vậy, chúng ta có thể nhận biết tốt hơn trong mọi hoàn cảnh, cách sống này chỉ là phương tiện và hạnh phúc chân thật có thể đạt được.

Chúng ta có thể phát triển và duy trì sự bình yên bằng tư duy quán chiếu nội tâm thay vì hướng ra bên ngoài. Chúng ta phải biết nhận thức về sự nguy hiểm và cạm bẩy quyền lực của tham, sân, si. Vì thế, chúng ta phải luôn trau dồi và nuôi dưỡng lòng từ bi, khoan dung, độ lượng. Ví như trong một cuộc chiến về nội tâm không phải bằng vũ khí và bạo lực mà chính là dùng gươm trí tuệ và nguồn năng lượng tinh thần để chiến thắng tất cả quyền lực lấn chiếm trong tâm chúng ta. Chính chánh niệm đã tạo nên một con người hoàn hảo với tâm hồn rộng lớn vị tha. Sự tỉnh giác này là chìa khóa để mở tất cả các cánh cửa mâu thuẫn, xung đột cũng như làm nổi bật những tư tưởng hướng thiện để cải tiến xã hội.

Như vậy, tâm chánh trực chính là nền tảng căn bản của hạnh phúc. Để hạnh phúc trong cuộc đời, trước hết mỗi cá nhân phải tự ý thức và tạo cho mình niềm an lạc ngay trong chính mình. Từ đó, chúng ta mới có thể mang lại hạnh phúc, lợi ích cho xã hội, quốc gia và cho cả nhân loại. Ở đây cần phải sử dụng biểu tượng của một mạng lưới mà mạng lưới này như là một đại vũ trụ và mỗi chúng sanh cần phải được tháo gỡ trong mạng lưới đó. Nếu chúng ta khuấy nhiễu trong đó thì toàn bộ mạng lưới sẽ bị lung lay. Vì vậy, mỗi cá nhân phải tự tạo dựng hạnh phúc cho chính mình mới có thể tạo dựng hạnh phúc cho cuộc đời. Rõ ràng, từ bài học trong cuộc sống, thực tế cho thấy hạnh phúc không bao giờ đạt được bằng sự xung đột. Thành công không bao giờ có được bằng sự mâu thuẫn. Hạnh phúc không bao giờ trải nghiệm qua sự oán hận, bình yên không bao giờ có được do tâm ích kỷ mà phải từ bỏ và luôn trải tâm từ đến mọi loài chúng sanh.

Điều đó giúp cho chúng ta nuôi dưỡng tâm vị tha và sống một cuộc đời đầy mãn nguyện. Chúng ta thường nghe “sống trong hiện tại” điều này có nghĩa là gì? Có phải là chúng ta không nghĩ về quá khứ hoặc tương lai? Hay là chúng ta cần nhớ lại quá khứ và dự định cho tương lai? Làm thế nào để sống tốt trong hiện tại? Chúng ta cần phải có trí tuệ, chánh niệm và sự tỉnh giác cũng như phải biết cách đặt đúng vị trí, kết hợp và hướng dẫn tâm đi theo con đường đúng chánh pháp. Muốn có một cuộc sống lợi lạc quần sanh, chúng ta cần phải chánh niệm trong từng sát-na. Khi một niệm bất thiện khởi lên như tham, sân, si… thì chánh niệm sẽ giúp cho tâm biết cách dừng lại, biết cách ứng dụng trong đời sống hiện tại, có thể làm những điều tốt và giải quyết những mâu thuẫn cá nhân cũng như gia đình, xã hội.

Vì sao trạng thái lo lắng và sợ hãi luôn làm cho tâm chúng ta bất an? Nếu chúng ta cố gắng trú tâm ngay trong giây phút hiện tại và có thể nhận biết các hành động xảy ra trong mỗi niệm như đang thực hiện một điều thiện hoặc đang giải quyết tốt một vấn đề cá nhân trong cuộc sống… Những suy nghĩ, những hành vi đó đã báo hiệu cho chúng ta biết thật sự chúng ta đang sống và đang sống rất tốt. Như vậy, chánh niệm và trí tuệ đang song hành trên hai đường thẳng cùng phát xuất từ một điểm chính là tâm. Chánh niệm cũng là năng lượng của trí tuệ và luôn nhắc nhở cho chúng ta biết cuộc đời này chỉ là tạm bợ để từ đó niềm tin chánh pháp luôn hiện hữu trong giây phút hiện tại.

Chánh niệm cũng có khả năng tăng trưởng trí nhớ bằng nhiều phương cách, chúng ta đang sống an lạc trong phút giây hiện tại, có nghĩa là chánh niệm đang hiện hữu trong ta. Vì vậy, dù ở hoàn cảnh nào chánh niệm cũng luôn nhắc cho chúng ta về sự vô thường, khổ đau và vô ngã của cuộc đời. Ba đặc tính này có thể giúp cho chúng ta sống bình an và làm giảm nhẹ những nỗi đau đớn trong cuộc sống. Mặc khác, chánh niệm là sự trải nghiệm trực tiếp và cảm nhận sâu lắng trong thể chất và tinh thần qua việc thực tập thiền quán. Từ đó, chúng ta có thể nhận biết được thế nào là sống trong hiện tại.

Như thế, hạnh phúc trong chánh niệm quả thật vi diệu, chúng ta có thể ứng dụng trong mọi hoàn cảnh khi gặp chướng duyên. Chánh niệm giữ cho tâm chúng ta luôn trầm tĩnh và nhận biết rõ ràng những gì đang xảy ra. Hằng ngày chúng ta nên chọn một thời điểm thích hợp để lắng sâu ý thức nhìn lại chính mình, ngay lúc đó chúng ta cảm nhận được thế nào là hạnh phúc trong giây phút hiện tại.■

Nguồn: Tập San Pháp Luân 71

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch