Phật pháp ứng dụng
Nồi Chưa Có Vung
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
02/12/2012 21:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chúng ta thương nhưng thực sự ít ai biết được bản chất của tình thương. Nếu biết thực tập chánh niệm và quán chiếu, thì chúng ta sẽ có cơ hội nhiều hơn để hiểu biết và chuyển hóa bản chất của tình thương trong ta.

Chúng ta ai cũng đã có thương nhưng có lẽ ít người có cơ hội nhìn lại tình thương của mình, xem thử ta đã khổ đau như thế nào trong khi thương? đã hạnh phúc như thế nào trong khi thương và đã học được gì trong quá trình thương yêu? Thật ra phần lớn trong chúng ta bận rộn rất nhiều và chưa có cơ hội để ngồi lại và làm việc ấy để có thể học được từ những kinh nghiệm thương yêu, khổ đau và hạnh phúc.

Chúng ta thương cha, thương mẹ, thương con, thương cháu, thương trời, thương đất... Chúng ta thương nhiều thứ lắm. Mỗi người trong chúng ta nên để ra độ chừng bảy ngày để suy nghĩ và ta phải nhìn cho sâu, phải thành thật, để có thể bắt đầu thấy được bản chất của tình thương cũng như của những khổ đau, khó khăn và hạnh phúc mà tình thương ấy đã đem tới. Từ đó chúng ta sẽ rút ra những kinh nghiệm và sẽ chuyển hóa được tình thương, để tình thương ấy bớt gây đau khổ cho mình và cho người, và cũng để bắt đầu tạo thêm hạnh phúc cho mình và cho người mình thương.

Chúng ta thương nhưng thực sự ít ai biết được bản chất của tình thương. Nếu biết thực tập chánh niệm và quán chiếu, thì chúng ta sẽ có cơ hội nhiều hơn để hiểu biết và chuyển hóa bản chất của tình thương trong ta. Nhà văn Pháp Antoine de St. Exupéry, tác giả quyển “Hoàng tử bé” (Le Petit Prince), có nói: “Thương nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng.” (Aimer, ce n'est pas se regarder l'un l'autre, c'est regarder ensemble dans la même direction). Chúng ta thử xét xem lời tuyên bố của ông có đúng không? Tôi nghĩ là thương nhau mình có thể ngồi nhìn nhau được chứ, miễn là đừng ngồi suốt ngày mà thôi! Lâu lâu phải nhìn nhau, phải nhận diện rằng người thương của mình có mặt. Nhìn nhau ở đây có nghĩa là công nhận sự có mặt của người kia. Nếu thương mà không công nhận sự có mặt của người kia thì người kia sẽ tủi chết và sẽ nghĩ là mình không thật sự được thương. Người kia sẽ nói: “Anh không bao giờ để ý tới tôi, anh không bao giờ nhìn mặt tôi, anh không bao giờ ý thức là tôi đang có mặt!” Như vậy không được. Chúng ta phải biết nhìn nhau và phải tập nhìn có chánh niệm. Nhìn như thế nào và nói như thế nào để người kia biết mình thật sự có mặt cho người đó, và người đó thấy sự có mặt của họ đang được công nhận và trân quý. Nếu người mình thương làm như mình không có mặt trên cõi đời này thì mình sẽ có cảm tưởng là mình không thực sự được thương, là mình đang bị bỏ quên bởi người ấy. Nhìn nhau vì vậy rất quan trọng. Nhưng mà vấn đề là khi nhìn nhau mình sẽ thấy gì? Khi thấy có cái gì dễ thương thì mình mới thương. Bắt đầu là như vậy. Mình phải thấy người kia đẹp, mình phải thấy người kia thật, mình phải thấy người kia hiền. Ai cũng muốn thương, ai cũng cần đến cái Chân, cái Thiện và cái Mỹ. Thiện là sự hiền từ. Ai lại đi thương một bà chằng bao giờ! Mỹ là đẹp. Quỷ Dạ Xoa xấu quá, khó thương lắm! Ngoài ra, đối tượng của sự thương yêu còn phải thật (Chân). Nếu đối tượng đó chỉ là một cái bóng dáng, một cái mặt nạ hoặc một sự giả trang thì làm sao mình thương được, phải không? Nếu đối tượng đó chẳng qua chỉ là phấn sáp, chẳng qua chỉ là cái hào nhoáng bên ngoài thì nó không thật. Không ai mà lại đi thương cái giả dối. Vì thế đối tượng của sự thương yêu phải là sự thật. Trừ khi mình dại dột, bị đánh lừa thì mình mới kẹt vào cái giả ngụy mà thôi. Cho nên trong khi thương, ta phải sáng suốt lắm. Nếu không thì ta sẽ mua lầm hàng giả. Mà bây giờ thiên hạ bán hàng giả rất nhiều. Thiên hạ chuyên đi mua những sản phẩm hóa trang về để sơn phết. Họ dùng những phương tiện kỹ thuật làm ra đủ thứ giả: lỗ mũi cũng giả, ngực cũng giả, rồi đạo đức cũng giả. Giả dối nhiều lắm. Nước hoa có nhiều thứ. Nước hoa có công dụng lấp đi những cái không đẹp, không thơm. Cái giả dối rất nhiều, nếu không tỉnh táo, mình sẽ bị kẹt. Đối tượng của sự thương yêu như vậy không “chân”. Đó là đứng về phương diện hình hài. Còn đứng về phương diện đạo đức cũng vậy, có đạo đức giả. Nghĩa là mình không thánh thiện, không hiền lành, không có lòng tốt nhưng mình làm ra cái kiểu là mình có thánh thiện, có sự hiền lành, có sự tốt bụng. Nhiều người bị lừa về chuyện giả trang đạo đức lắm. Do đó khi thương ta phải tỉnh táo. Nhưng thường thường, thương thì không có tỉnh táo. Thương còn được gọi là “cơn mê”. Trong tâm trạng thương, vì mình không được tỉnh táo nên mình mới bị kẹt vào những cái không có thật. Đứng về phương diện bóng sắc cũng như đứng về phương diện đạo đức sự tình đều như vậy. Người đó không hiền mà mình tưởng là hiền. Thấy bề ngoài hiền khô vậy, nhưng mà hãy coi chừng! Nếu biết nhìn bằng con mắt của chánh niệm ta sẽ thấy ba cái chân, thiện và mỹ dính liền với nhau. Đó là tính tương tức của cả ba. Trong chân phải có thiện và mỹ, trong thiện phải có chân và mỹ, trong mỹ phải có chân và thiện. Một cái phải có hai cái kia thì mới thực sự là nó được. Nếu không có thiện và mỹ thì đó chưa phải là chân. Mình phải thấy ba cái đó tương tức.

Thương là một quá trình quán sát, nhưng người thương ít khi chịu quán sát. Mình để cho mình bị vướng vào đó thôi. Bước đi, mình bị té, mình bị sập bẫy. “Fall in love” (tomber amoureux) tức là té. Đi làm sao mà bị té? Không có chánh niệm, không biết cái gì xảy ra, thế là mình bị té, bị kẹt. Có khi mình mơ hồ biết là có hầm hố, có hiểm nguy nhưng mình vẫn đi, mình vẫn muốn bị “té”. Ở đời, biết bao nhiêu người trẻ bị kẹt trong tình huống như vậy làm tan tành cuộc đời của mình. Đó là tại vì họ không cẩn thận, cứ để cho những cái bề ngoài đánh lừa. Mình có quyền thương cái chân, cái thiện và cái mỹ, với điều kiện đó là chân thật, thiện thật và mỹ thật, phải vậy không? Và đối tượng của sự thương yêu không thể là vọng tưởng, không thể là một tri giác sai lầm. Không chân mà tưởng là chân, không thiện mà tưởng là thiện, không mỹ mà tưởng là mỹ, đó gọi là tri giác sai lầm. Vì thế tình thương thường thường là một cơn mê, một passion, một cái dream. Và khi tỉnh dậy được rồi thì trong thân và trong tâm đã có biết bao nhiêu thương tích. Đức Thế Tôn dạy là mình phải thương; nhưng cái thương của mình phải dựa trên cái thấy chân thực chứ không nên dựa trên vọng tưởng. Khi đối tượng tình thương của mình là một vọng tưởng mà không phải là sự thật thì mình sẽ đau khổ rất nhiều. Có những cái đẹp thầm kín, có những cái đẹp mình phải nhìn kỹ lắm mới thấy được. Và thường thường những cái đẹp chân thật đều như vậy, mình phải nhìn kỹ mới thấy. Khi cái đẹp là cái đẹp chân thật thì cái đẹp đó có khả năng nuôi dưỡng mình, có khả năng làm đẹp cuộc đời mình. Vì thế thương cái đẹp rất quan trọng, với điều kiện cái đẹp đó phải là cái đẹp đích thực. Cái thiện cũng là cái đẹp. Ví dụ như lòng từ bi. Lòng từ bi cũng là một cái gì rất đẹp. Khi thương Đức Thế Tôn, mình thấy một phần quan trọng của tình thương mình là do ở chỗ Đức Thế Tôn có lòng từ bi. Mình thương tình thương của Đức Thế Tôn. Đó là một thứ tình thương rất cần thiết cho cuộc đời. Đức Thế Tôn có khả năng thấy được những đau khổ ở xung quanh Ngài và Đức Thế Tôn không quên những đau khổ đó. Ngài tìm những biện pháp để làm vơi đi những khổ đau đó. Và cả cuộc đời của Đức Thế Tôn là để làm chuyện ấy, chuyện nhắm tới làm vơi đi những khổ đau của mọi người. Khi mình thương ai thì mình thương từ trong ra ngoài và cả ngoài lẫn trong. Bên trong Đức Thế Tôn có một tình thương rất lớn, cho nên mình thương cái tình thương ấy của Đức Thế Tôn. Từ tình thương đó, mình muốn hòa nhập làm một với Đức Thế Tôn và mình muốn tham dự vào tình thương đẹp đẽ này, mình muốn học thương được như Đức Thế Tôn. Và từ từ mình khám phá ra rằng ở trong mình cũng có cái đó. Nơi Đức Thế Tôn, tình thương này phát hiện rất rõ. Nhưng như vậy không có nghĩa là mình không có tình thương ấy trong bản thân mình. Chính Đức Thế Tôn đã nói với mình là: “Con cũng có cái đó, con cũng có hạt giống từ bi và tuệ giác đó.” Ban đầu, mình thấy nó ở nơi người khác nhưng từ từ mình thấy nó ở ngay chính mình. Mình trở thành đối tượng thương yêu của chính mình. Mình thương tình thương đó nơi chính mình. Thường thường, mình cứ nghĩ rằng thương là thương những thứ ở ngoài mình, nhưng thực sự ở trong bản thân mình cũng có những thứ rất dễ thương. Ở trong mình có Chân, có Thiện và có Mỹ mà mình chưa nhận diện được. Đôi khi mình chỉ tiếp xúc được với những thứ không phải là Chân, không phải là Thiện, không phải là Mỹ ở nơi mình. Vì thế mình cứ tự đánh giá rất thấp về mình. Mình có mặc cảm là mình giả dối, không có lòng từ bi, không đẹp. Vì vậy mình có khuynh hướng giả trang. Mình giả dối với mình, mình giả dối với người khác. Mình khoác vào cho mình những bóng dáng của Chân, của Thiện và của Mỹ để mình có thể “impress” được người khác. Sở dĩ mình giả dối như vậy là vì mình chưa có khả năng thấy được cái đẹp, cái thật và cái lành ở nơi mình. Nếu mình có khả năng tiếp xúc được với cái Chân, Thiện và Mỹ ở tự thân thì mình không cần giả dối nữa. Mình có đức tin là: I am something. Lúc đó mình bắt đầu sống thật với mình. Mà nếu mình không sống thật với chính mình được thì mình không thể nào sống thật được với người khác. Chúng ta có cái mặc cảm là chúng ta không có cái đẹp, cái thật và cái hiền. Chúng ta phải nhổ gốc cho được cái mặc cảm đó. Đức Thế Tôn đã xác nhận điều này: “Con có Chân Thiện và Mỹ nơi con.” Chúng ta đôi khi gọi Chân Thiện Mỹ này là Phật tánh. Và: “Con phải tiếp xúc được với những cái đó để con đừng có mặc cảm và từ lúc đó con sẽ không còn giả dối nữa và con sẽ không còn đi tìm kiếm ở bên ngoài, bởi vì trong con đã có đầy đủ những cái này.” Nhìn Đức Thế Tôn, mình thấy Chân, Thiện, Mỹ rõ ràng. Và khi mình soi gương vào Đức Thế Tôn để thực tập, mình cũng thấy trong mình có Chân, Thiện và Mỹ. Vì vậy thương Đức Thế Tôn tức là mình tạo một cơ hội để trở về thương lấy chính mình. Trong giáo lý đạo Phật, trước khi mình có thể thương ai mình phải thương được mình trước. Điều này rất quan trọng. Self-love is the foundation for the love of others. Điều này quan trọng nhưng ít người nói tới là vì ai cũng nghĩ “cái đó” không có trong mình, cho nên mình mới đi tìm ở ngoài. Và khi mình đi tìm như vậy, ít khi mình tìm ra được đối tượng chân thật mà lại bị vướng mắc vào những hình tướng ngụy trang bên ngoài. Vì thế đã khổ rồi, mình lại khổ thêm nhiều tầng nữa.Mình thương Đức Thế Tôn là vì Đức Thế Tôn có sự vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc, không có gì lay chuyển nổi. Còn mình thì thiếu cái vững chãi đó. Mình có cảm tưởng là mình rất dễ bị tan vỡ, rất dễ bị lung lay, cho nên mình mới đi kiếm sự vững chãi ở một chỗ khác, đi kiếm ở Đức Thế Tôn. Thương là vì thiếu cho nên đi tìm. Cái “vững chãi” ấy trong Kinh gọi là bất động. “Diệu trạm tổng trì bất động tôn”. Lúc đầu mình nghĩ là mình không có, nhưng sau khi mình tin vào Đức Thế Tôn và nhận Đức Thế Tôn làm Thầy, thì mình được nghe Ngài nói: “'Con cũng có cái đó. Con phải về tìm cho được cái đó.” Đức Thế Tôn có sự giải thoát, có sự tự do, có sự thảnh thơi và mình cần những cái đó quá. Mình thấy là mình hệ lụy, mình vướng mắc, mình không có tự do gì cả. Đối với các phiền não, mình dễ trở thành con mồi. Mình không có tự do đối với các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi và kiến, thành thử mình đi tìm tự do ở chỗ khác. Cố nhiên là mình đi tìm ở các bậc đạo sư. May mắn là mình gặp một con người như Đức Thế Tôn. Con người đó có chất liệu đích thực của sự vững chãi và sự thảnh thơi. Như thế, mình có cơ hội trở về với chính mình và tìm ra các chất liệu đó trong mình.

Mình không có hạnh phúc. Những cái mình thường gọi là hạnh phúc đó chưa phải là hạnh phúc chân thật. Đó chỉ là những vui nhộn nhất thời, những ồn ào, những bóng dáng giả tạo bên ngoài để che lấp những niềm đau nỗi khổ bên trong. Mình vui nhộn như vậy nhưng đến giây phút ngồi yên lại, mình thấy những cái vui đó rất giả tạo và niềm đau nỗi khổ của mình ở dưới tiềm thức quá lớn, bắt đầu trồi lên, rồi mình lại phải đi ra, đi nhảy disco, đi nghe nhạc, đi mở tivi... để che lấp nó. Những cái mà mình gọi là hạnh phúc đó không thật sự là hạnh phúc. Khi mình thấy một người có hạnh phúc chân thật, mình rất ham. Mình thấy Đức Thế Tôn ngồi rất vững chãi, rất thảnh thơi, rất an lạc. Tại sao ở đời hạnh phúc lại có thể có được như thế hả? Mình không tin là hạnh phúc có thật. Khi gặp được một người có hạnh phúc thật sự mình mừng quá. Lúc đó mình bắt đầu nghĩ là hạnh phúc có thể có được. Đức Thế Tôn dạy: “hạnh phúc đó có ở trong con, con phải trở về tìm cho ra nó”. Cuộc gặp gỡ giữa mình với Đức Thế Tôn bắt đầu từ sự đi tìm những cái mình tưởng là mình không có. Đến khi thật sự được gặp Đức Thế Tôn, mình có cơ hội để trở về với mình và nhận diện ra cái mà ngày xưa mình tưởng là không có. Thường thường chúng ta có cái cảm giác thiếu vắng, không có self-sufficient. Mình nghĩ mình là một cái nồi chưa có vung và mình đi khắp tam thiên đại thiên thế giới để tìm một cái vung đậy lên cái nồi của mình. Cái vung đó có thể là một người con trai hay một người con gái nào đó mà mình hy vọng sẽ gặp được. Gặp được người yêu lý tưởng là tìm được cái vung đậy lên cái nồi. Và người nào cũng có cảm tưởng mình là một cái nồi không có vung. Cái nồi không có vung đó là cái gì vậy? Nhìn cho kỹ thì đó là sự trống vắng. Những cái mình cho là mình không có, tức là Chân, Thiện và Mỹ, mình tin là mình không có, cho nên mình mới đi lý tưởng hóa người yêu chỉ vì mình nghĩ người yêu đó là Chân, là Thiện, là Mỹ. Nhưng ác hại thay, sau vài tháng hay là một năm, mình khám phá ra rằng người yêu của mình cũng không phải là Chân, không phải là Thiện, không phải là Mỹ. Người yêu của mình cũng như mình thôi. Người yêu của mình cũng chỉ là “một cái nồi không có vung!” Hầu hết chúng ta đều đi tìm trong thế giới cái nửa mà chúng ta thiếu (the other half of yourself), và biết bao nhiêu người trong chúng ta đã thất vọng. Bởi vì “cái nửa kia”, mới tìm ra đó, mình tưởng là cái đích thực mà mình cần, chỉ sau một thời gian mình lại khám phá ra rằng nó không phải là cái đích thực mà mình cần. “Cái nửa kia” cũng là một cái nửa đang đi tìm như mình vậy! Khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cây Bồ Đề, Ngài đã thốt lên một câu để tỏ lộ sự ngạc nhiên: “Lạ thay, tất cả mọi chúng sanh đều có cái đó mà không hề biết là mình có cái đó”. “Cái đó” tức là khả năng vững chãi, thảnh thơi và bản chất giác ngộ. Chúng ta cứ trôi lăn từ đời này sang đời khác trong đại dương của khổ não. Trôi lăn như thế là để đi tìm cái nửa kia. Mà đi tìm cái nửa kia là vì mình không biết cái nửa kia đã nằm ngay trong cái nửa này rồi. Bây giờ nói thì người ta báng bổ, nhưng mà kỳ thực: to love means to love yourself, to recognize that what you lack is within yourself. Khi mình bắt đầu khám phá và tiếp xúc được với hạt giống của Chân, của Thiện và của Mỹ trong mình, thì mình bắt đầu có tự tin. Và hạnh phúc chân thật chỉ có được khi lòng tự tin đó nứt mầm.Ngày xưa, có một Thầy tên là Vakkhali. Thầy Vakkhali thương Bụt vì Bụt đẹp quá về phương diện hình thức. Thấy vị đạo sư đẹp quá, tướng hảo quang minh quá, thành ra thương vậy thôi. Thầy kẹt vào bóng dáng của Bụt. Thầy ngồi đó, tuy nghe Pháp Thoại nhưng không nghe nhiều và chỉ để ngắm Bụt. “Yêu nhau tức là nhìn nhau” đó! Nhìn, nhưng thầy không nhìn sâu, chỉ nhìn bóng dáng bên ngoài thôi. Sau vài tháng, Đức Thế Tôn biết là Thầy bị kẹt và đi đâu Bụt cũng không cho Thầy đi theo. Ngày xưa cũng không khác ngày nay, có người không thật sự tu tập quán chiếu, chỉ muốn hưởng sự có mặt của một người khác và kẹt vào đó mà thôi.

Bữa đó, Thầy Vakkhali “thất tình”. Thất tình vì bị Bụt “hắt hủi” không cho đi theo. Bụt muốn giúp Thầy trị bịnh của Thầy. Thầy đã có lần muốn nhảy từ triền núi xuống để tự tử. Đức Thế Tôn biết trước cái gì sẽ xảy ra. Ngài tìm cách có mặt lúc đó để dạy cho Thầy Vakkhali. Sau này Thầy Vakkhali thoát khỏi tình trạng vướng mắc và đã thực tập đàng hoàng. Thầy Vakkhali cũng đã đi tìm một cái gì mà Thầy thấy thiếu, tìm cái đẹp. Nhưng sự đi tìm không sâu sắc lắm. Và Bụt đã giúp Thầy tìm đến một cái gì sâu sắc hơn. Thầy Vakkhali sau này bị một chứng bệnh nan y và cuối cùng Thầy đã phải tự tử bằng dao. Nhưng Bụt đã từ bi làm lơ để Thầy làm như vậy. Thầy chết trong nhà một người thợ gốm. Bụt có tới thăm Thầy hai hôm trước khi Thầy tịch. Quý vị muốn biết chuyện Thầy Vakkhali xin đọc trong “Đường Xưa Mây Trắng”.thời của Bụt cũng có một cô gái thuộc giai cấp hạ tiện, tên là Matanga. Cô này xinh lắm và cô yêu Thầy A Nan. Chuyện bắt đầu xảy ra hôm thầy A Nan đi khất thực, khát nước và ghé vào một cái giếng để tìm nước uống. Thầy thấy cô gái kia đang múc nước. Thầy nói: “Cô cho tôi uống một ngụm.” Cô trả lời: “Con là con gái giai cấp hạ tiện. Con đâu có quyền đưa nước cho Thầy uống.” Thầy A Nan thấy tội, nói: “Theo giáo lý của Đức Thế Tôn dạy, tôi không phân biệt và kỳ thị giai cấp. Cô cứ đưa gàu cho tôi uống.” Cô mừng quá, đưa gàu nước cho Thầy uống và từ đó cô tương tư Thầy. Cô ngủ không được. Cô bị bệnh. Rồi cuối cùng cô bàn với bà mẹ mời Thầy tới để cô có dịp tỏ tình. Hai mẹ con đã dùng bùa chú, dùng một thứ lá cây nào đó làm nước trà mà khi uống vào Thầy A Nan mất cả sự tỉnh táo. Thấy Thầy A Nan quá giờ mà chưa về, Bụt sai các thầy khác đi tìm và may mắn kiếm được Thầy A Nan trước khi Thầy làm một cái gì sai với uy nghi và hại tới giới phẩm. Thầy A Nan uống xong thứ nước trà kia, biết là bị trúng độc, liền ngồi im vận dụng phép thở khí công. Thầy thở theo chánh niệm và đợi các thầy khác tới giải cứu đem về. Các thầy cũng đem luôn cả cô Matanga về. Tội nghiệp cho cô. Cô cũng cảm thấy thiếu một nửa và đi kiếm, vậy thôi. Lần này, cái nửa cô đi tìm là một ông thầy tu trẻ. Bụt gọi cô vào hỏi: “Con thương Thầy A Nan lắm hả?” Cô trả lời: “Dạ, con thương Thầy A Nan lắm.” “Con thương cái gì nơi Thầy A Nan?” Bụt hỏi. Ngây thơ, cô trả lời: “Cái gì của Thầy con cũng thương. Con mắt Thầy con cũng thương, cái mũi Thầy con cũng thương. Cái gì của Thầy con cũng thương hết.” Bụt nói: “Nhưng mà thương như vậy con chỉ mới thương được một chút xíu của Thầy A Nan thôi. Con chưa biết gì nhiều về Thầy A Nan. Ví dụ như chí nguyện của Thầy A Nan, con đã thấy gì đâu. Một người trẻ như vậy mà đi xuất gia là vì chí nguyện rất lớn, chí nguyện độ đời, giúp cho bao nhiêu người thoát khổ. Con đâu đã thấy cái đó. Nếu thấy cái đó mà con cũng thương được thì con đã không cho Thầy A Nan uống thứ nước trà kia. Thầy A Nan có một tình thương rất đẹp. Tình thương của Thầy A Nan là Bồ Đề Tâm, là chí hướng muốn làm hạnh phúc cho nhiều người khác. Nếu con thấy được tình thương đó thì con cũng sẽ thương. Và nếu con thương được thì không bao giờ con muốn chiếm Thầy A Nan cho riêng một mình con.” Bụt dạy từ từ như vậy để cho cô thấy được cái đẹp của thầy A Nan trong chiều sâu của nó. Bụt nói tiếp: “Con cũng vậy, con cũng có cái tình thương ấy trong con.Thương được Bồ Đề Tâm của Thầy A Nan thì con cũng có thể thương được Bồ Đề Tâm trong con.” Ngạc nhiên, cô Matanga hỏi: “Đức Thế Tôn muốn nói là con cũng xuất gia được? Con cũng sống được một đời có lý tưởng như Thầy A Nan sao?” Bụt cười: “Tại sao không?” Và rốt cuộc cô Matanga cũng được Bụt cho phép xuất gia, làm Tỳ kheo ni.

Cho nên cuộc tương phùng giữa ta với Đức Thế Tôn là một cơ hội để ta tìm ra được là ta cũng có tiềm tàng trong ta khả năng vững chãi và thảnh thơi. Khi ta tiếp xúc được với cái vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc đó trong ta, ta bắt đầu có đức tin nơi tự thân và hạnh phúc mới thật sự có được. Nếu không, thì ta vẫn đầy mặc cảm. Ta nghĩ ta không có giá trị gì và ta vẫn tiếp tục đi tìm cầu nơi một kẻ khác. Ban đầu ta tìm cầu một cái vung để đậy lên cái nồi của mình, nhưng sau thấy đậy vung rồi mà nồi vẫn còn lạnh, vẫn còn trống trải, ta mới đi tìm tới một vị đạo sư. Có người đã may mắn gặp được vị đạo sư đích thực, bởi vì đạo sư giả cũng rất nhiều. Vị đạo sư đích thực là vị đạo sư có khả năng chỉ cho mình thấy được cái mà mình đi tìm đang nằm trong bản thân của mình. Cho nên tôi luôn luôn nhắc quý vị là: “một ông thầy giỏi là một ông thầy giúp cho mình thấy được ông thầy trong bản thân mình”. The best teacher is the teacher who can help you to find the teacher within yourself. Quí vị nên nhớ lời căn dặn này.

Mình không thể làm như Thầy Vakkhali, ngày nào cũng tới ngồi kè kè bên Bụt và không bao giờ có thể tự chủ được. Ngồi ngắm Thầy, ngồi bên vị đạo sư có sự vững chãi, thảnh thơi và tiếp tục tin rằng không bao giờ mình có được chất liệu của sự vững chãi, thảnh thơi trong mình hết, và kẹt vào cách hành xử này, đó là một thói quen của nhiều người. Người thương của ta có thể là Đức Thế Tôn, có thể là Thầy A Nan. Người thương của ta cũng có thể là bất cứ ai mà bản thân biểu hiện được cái Chân, cái Thiện và cái Mỹ chân thật. Khi thương một người và nhận diện được chất liệu vững chãi, bình yên, thảnh thơi và từ bi nơi người ấy là ta đã có một cơ hội rồi. Ta có quyền thừa hưởng những yếu tố ấy. Nhưng sau khi học nhận diện những yếu tố ấy, khen ngợi những yếu tố ấy và học nuôi dưỡng những yếu tố ấy nơi người đó, ta phải trở về bản thân mà tìm cách làm phát hiện những yếu tố ấy trong ta, vì ta cũng có những hạt giống tốt tiềm tàng trong tâm thức. Đây là tính Bụt, đây là kho tàng Như Lai, đây là kho tàng bảo sở tự tâm. Thương cũng là giúp người mình thương trở về tìm lại kho tàng ấy, phát hiện kho tàng ấy. Bây giờ ta hãy tìm tới một khía cạnh khác của tình thương. Mình thường nói tới thương yêu như một vấn đề cá nhân, nhưng không biết thương yêu cũng là một sản phẩm tập thể. Mình có thể thương chung. Love is a collective practice. Khi thương Đức Thế Tôn, mình có cơ hội tìm ra được Phật tánh trong chính mình. Mình nói: “Đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép con thương chung với Ngài”. Mình muốn tham dự vào sự nghiệp thương yêu của Đức Thế Tôn. Mình muốn làm đệ tử của Đức Thế Tôn, làm con của Đức Thế Tôn và tiếp tục công trình của Ngài. Đó gọi là “cùng nhìn về một hướng”. Ban đầu thì mình nhìn nhau trước. Nhìn nhau để thấy có tôi ở trong anh và có anh ở trong tôi. Sau đó chúng ta cùng tập thương chung. Khi mình đã có lý tưởng, mình phải giúp cho người thương của mình có lý tưởng đó. Đức Thế Tôn thương mình cho nên Ngài chỉ cho mình thấy cái đó, cái Bồ Đề Tâm trong mình. Thành ra mình không thương đơn độc. Cả hai đứa mình đều có cái đó hết và vì vậy mình có thể thương chung. Khi hai người cùng thương chung thì hai người có hạnh phúc như nhau. Tại sao anh đi một đường mà tôi lại đi một đường khác? Tại sao tôi có lý tưởng của tôi, còn anh có lý tưởng của anh? Mình với Đức Thế Tôn là như vậy đó, là “associés” của nhau. Associated lovers! Người anh, người chị, người mẹ, người cha của mình cũng có thể cùng đi trên con đường mình đi. Người hôn phối của mình cũng vậy. Nếu người kia chưa đi chung với mình thì mình phải làm cho người đó có thể thương được như mình. Và như vậy sẽ không có sự trách móc. Trách móc là: “anh cứ đi con đường lý tưởng của anh nhiều quá, anh không dành cho tôi thì giờ. Anh không “nhìn tôi” anh cứ nhìn về hướng “của anh” thôi.” You don't look at me, you only look at the direction of your love. I am not included. Cái nhìn đó vẫn là cái nhìn lưỡng nguyên (dualistic view), phải không? Khi mình thương và biết cách thương thì người kia cũng thương được như mình. Và “chúng ta” luôn luôn có nhau trên bước đường lý tưởng, trên bước đường thương. Tại sao cứ phải trách móc là anh cứ lo cái lý tưởng của anh nhiều quá và anh không để ý tới tôi? Chuyện nhìn nhau và chuyện cùng nhìn về một hướng phải là một.Chúng ta đã bắt đầu bằng câu nói của Antoine de St. Exupéry: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng.” Đến đây ta có thể trả lời rằng: “Ông nhà văn ơi, ông nói lại đi: Thương nhau cũng là nhìn nhau để nhận diện rằng chúng ta có trong nhau, để chúng ta cũng có thể cùng nhìn chung về một hướng.” Phần chót là để quý vị quán chiếu và phát hiện.


______
Pháp thoại ngày Chủ Nhật 16.11.1997. Đây là buổi pháp thoại thứ nhì tại tu viện Rừng Phong.

Nguồn: Làng Mai

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch