Phật pháp ứng dụng
Trồng hoa trên đá
09/02/2010 01:10 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Chúng ta có bao giờ nghe nói “Trồng hoa trên đá”? Trên đá mà trồng được hoa mới là chuyện lạ, nhưng không lạ vì ta có thể thực hiện được ngay trên mảnh đất tâm của mình. Trồng hoa trên đá là mấy từ mượn trong hai câu thơ của Thiền sư Đạo Giai Phù Dung.

 

        
         Gặp sắc gặp thinh như trồng hoa trên đá,
       Thấy lợi thấy danh như bụi rơi trong mắt.
Quanh quẩn qua lại trong đời sống của chúng ta không có gì ngoài sắc thinh danh lợi. Chúng ta đã từng chạy theo và đã từng khổ đau với những thứ này. Khổ đau chỗ nào thì phải gỡ chỗ đó, té ở đâu thì đứng lên ở đó. Người chết nơi sắc, danh thì phải đứng lên từ sắc, danh, kẻ chết nơi âm thinh, hương vị, sắc đẹp… thì phải từ đó mà thoát ra.
Nói về trồng hoa trên đá, chúng ta chưa nghe qua bao giờ. Vì hoa chỉ có thể trồng trên đất, chớ trồng trên đá làm sao sống được. Thế nhưng thiền sư bảo gặp sắc gặp thinh như trồng hoa trên đá. Hoa cắm vào đá thì không thể dính rồi. Cũng thế, khi mắt thấy sắc, ta không dính nghĩa là không khởi yêu thích chạy theo hay ghét bỏ ruồng rẫy. Do không khởi nên không dao động, không tạo nghiệp, không khổ. Con mắt là một cơ quan, chức năng của nó là để chúng ta nhìn thấy. Có người nhìn thấy sanh chuyện, có người nhìn thấy không sanh chuyện, khác nhau ở chỗ tâm phan duyên. Cũng một cành hoa, cũng một chiếc vòng vàng mà có người nhìn nó, tâm không yên. Như bên nam thấy xe cộ máy móc thì kẹt ở đó, bên nữ thấy vòng vàng hay rau cải, thóc lúa thì kẹt ở đó. Như vậy tùy theo nghiệp của chúng sanh mà vướng mắc vào các duyên trần. Do vướng mắc nên bị nó xiết chân và hơn thế nữa là xiết luôn cả cái tâm.
Tâm là tiếng Tàu, dịch qua tiếng Việt là tim. Vì là tim nên nó quyết định mạng sống của mình. Chỉ cần tim ngừng đập là chúng ta chết. Thế nên chúng ta rất kinh nghiệm trong việc đứng tim khi chạy theo tài, sắc, danh, thực, thùy. Càng theo đuổi nó càng trắng tay, càng mệt mỏi. Dù được hay không được, cuối cùng cũng mất hết mà thôi, bởi vì bản chất của nó vô thường. Nắm được ngũ dục trong tay cũng chưa chắc là có hạnh phúc đâu. Đôi khi còn khổ hơn chưa nắm. Thử tưởng tượng ta nắm một cục nước đá trong tay, khi nó còn mình lạnh buốt, khi nó tan mình trở lại trắng tay. Thế thôi. Có gì để thích thú? Hợp tan là luật của duyên sinh vô thường, không phải là chuyện cho ta nắm giữ đeo mang.
 Thế nhưng con người vẫn mong muốn còn mãi cái mà nhất định phải mất. Mất mát của cải, danh vọng, người thân… là luật. Chúng ta thấy có ai không mất cha mẹ, anh chị em… đâu? Mỗi lần mất như vậy là đau khổ. Đâu chỉ có khổ mất nhau vì chết, mà còn có cả nỗi khổ mất nhau khi đang sống. Thương càng nhiều khổ càng lắm. Nếu mình thương nhiều người nữa thì nỗi khổ được nhân lên nhiều lần. Như vậy thế gian được để mà khổ, chớ không phải được để mà vui. Mỗi lần được cái gì thì chắc chắn sẽ có mất. Hiểu điều này rồi chúng ta đừng ham muốn được nữa thì hết khổ.
Nói thì nói vậy, chớ ai cũng muốn làm sao có tiền, quý vị trẻ thì muốn có công danh sự nghiệp với đời, muốn có gia đình hạnh phúc… Tất cả đều nuôi dưỡng mong muốn. Mong muốn mà được thì phải có mất. Một lần được là một lần mất, khi mất đau hơn khi được, được vui có một mà mất đau tới mười. Tại sao? Tại được rồi thì nắm giữ, nuôi dưỡng, chấp thủ của mình. Thời gian nắm giữ càng lâu chấp thủ càng lớn, nên lúc mất đi thật là đau. Có nhiều vị than khóc “Con không nghĩ tới giờ này con khổ như vậy?”. Nhất là những vị có gia đình, “không ngờ ở với nhau bao nhiêu năm mà bây giờ lại đổ vỡ?”, bắt đầu ngồi đó mà nhớ. Lẽ ra mất rồi khỏi giữ khỏe quá, nhưng ngược lại đau gấp mấy lần?
Phật nói cái đau này chỉ là ảo giác, không trường tồn, không thật có. May thay nó là ảo giác, nếu nó là cái đau thật sự, cửu trụ nơi đời thì chúng ta không thể sống nổi. Chỉ là ảo giác thôi mà nhân loại khổ ngất ngư, nếu nó cố định thì không cách nào chúng sanh tu được. Ngẫm mà xem, cái ảo mà mình đau mới thật cay đắng, thật vô lý. Chuyện còn mất theo duyên mà có, tâm là cái biết về sự còn mất ấy, chớ không phải là cái còn mất. Nhưng chúng ta đồng hóa mình với sự còn mất nên luôn khổ vui biến đổi. Người tu không như thế, còn thì biết và sống theo duyên còn, mất thì biết và sống theo duyên mất, không bận lòng nên không xao động bất an.
Thật ra các pháp tựu tán không làm cho chúng ta khổ, mà tâm tham ái chấp trước làm mình khổ. Tất cả các pháp trên thế gian là vô thường mà ta muốn nó còn hoài là ta đi ngược với luật vô thường. Chống lại một quy luật không thể chống là tự đưa mình vào con đường cùng, vào nỗi khổ lớn. Chúng ta biết thực tướng của các pháp, sự sinh khởi của nó, nắm vững quy luật nhân quả, bao nhiêu đó cũng đủ dứt trừ các thứ tập nghiệp nhiều đời.
Trong kinh Kim Cang, Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Nghĩa là không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia. Tôi tạm diễn nghĩa câu này gần gũi với đời sống của người Phật tử tu tại gia như sau: không nên trụ nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp, con ngoan, công danh, sự nghiệp mà sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm.
Nếu sống được như vậy là chúng ta đã trồng hoa trên đá. Thực tập chỗ này không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, nhưng đôi khi lại quá sức đối với chúng ta? Tại sao lạ vậy? Tại nghiệp lôi mạnh quá. Chúng sanh quen chạy theo những thứ ấy rồi, bây giờ bảo đừng chạy theo không phải chuyện dễ. Cần rất nhiều công phu, chịu khó sửa lại thói quen, dĩ nhiên là cực hơn chạy theo thói quen.
Không nên trụ tức là không nên kẹt. Không nên trụ sắc sanh tâm, là không nên mê thích sắc rồi sanh tâm muốn nó thuộc về mình. Người thế gian khi thấy sắc đẹp liền thích, muốn sắc đó thuộc về mình. Muốn không được thì đau khổ, thất vọng. Muốn được lại càng khổ hơn vì phải gìn giữ. Nếu nó mất đi nỗi khổ cứ thế nhân thêm lên. Đang thanh thản an nhiên, bỗng dưng chuốc khổ vào thân vì một chút sắc bên ngoài, rồi đổ thừa ngũ dục lôi. Hỏi kỹ lại, ta lôi ngũ dục hay ngũ dục lôi ta? Ta lôi ngũ dục. Vậy thì khổ do mình chuốc lấy, chớ đâu phải tại ngũ dục. Phật dạy nếu muốn hết khổ thì không nên trụ sắc, thanh, hương… sanh tâm.
Việc tu sửa thật ra không phải quá sức chúng ta, nhưng vì mình ít làm, hoặc không quyết tâm làm, thành ra thấy khó. Con người khi đã muốn rồi, không có việc gì làm không được. Chư Phật ra đời chỉ cho chúng sanh con đường thoát khổ, khả năng thoát khổ này nằm trong tầm tay của chúng ta. Bởi ta tự buộc nên ta phải tự mở. Mình thương ai mình biết, ghét ai mình biết, như vậy ta biết rất rõ mấu chốt nằm ở chỗ nào nên ta là người tháo gỡ gọn nhất.
 Trong vận mệnh này chúng ta toàn quyền quyết định, tự hạ lệnh cho mình và tự hành lệnh một cách nghiêm chỉnh. Nếu không nghiêm chỉnh thì tự nhận phạt bằng cách thọ khổ. Có thế thôi. Ngày nào chúng ta chưa hết khổ là ngày đó chưa hành chánh lệnh quyết liệt, không nên đổ thừa cho ai, cũng không nên kêu cứu ai, mà phải tự mình cứu mình.
Có một Phật tử hỏi tôi: “Thưa cô, con khổ quá chừng. Con bất hạnh trong đời sống gia đình, có chồng nhưng không hạnh phúc, tụi con đã chia tay. Bây giờ có người cũng gãy gánh như con, muốn cùng con xây dựng gia đình mới. Cô thấy có nên không?” Tôi thật vô cùng lấy làm lạ, đã khổ muốn chết rồi mà còn hỏi có nên không. Vã lại, với một nhà tu mà hỏi câu đó thì không cần phải tham khảo kinh điển nào, nhắm mắt cũng có thể nói “không”. Nhưng làm được hay không lại là chuyện của Phật tử. Thật ra khi hỏi câu đó, quí vị cũng muốn phiêu lưu một lần nữa, chứ nếu dứt khoát không thì chẳng cần phải hỏi ai cả. Tuy đã rất khổ về việc này, nhưng ái nghiệp không thắng nổi, nên đương sự mới lưỡng lự như vậy. Chuyện ân oán duyên nợ của chúng sanh thật không mối mang, con người cứ phải gặp gỡ để trả nợ cho nhau, nên cuộc đời là bể khổ. Chúng sanh khóc hết nước mắt vì sự bất hạnh này chồng chất lên bất hạnh khác, mà họ chưa đủ sức thoát ra. Vì vậy Phật mới dùng câu “thật đáng thương xót lắm thay!”
Về đời sống thế gian với những nỗi khổ trần ai, chúng tôi chỉ thấy nghe qua hoàn cảnh của người khác, còn bản thân mình không có những trải nghiệm ấy nên không biết rõ. Riêng về đời sống của một người xuất gia không có gia đình, tôi thấy ít khổ hơn, ít rắc rối hơn người đời. Chúng tôi tuy không có gia đình mà chưa bao giờ cảm thấy cô đơn, cảm thấy buồn vì không có những thú vui thế gian. Ngược lại còn thấy hạnh phúc, an lạc khi được sống một mình, sống yên tỉnh. Mỗi người có phước nghiệp riêng nên phù hợp với những cuộc sống riêng. Nhiều vị sợ đối mặt với chính mình, sợ sống trong chùa, sợ cảnh vắng vẻ yên tịnh, sợ thiếu vắng người thân bên cạnh… Với quí vị này nếu bắt tu, người ta sẽ không chịu, sẽ thấy khổ. Cũng có người muốn được sống cảnh nhàn tịnh nơi chùa chiền nhưng lỡ đeo mang gia duyên, muốn rứt rứt không được.
Có một cụ bà kể: “Con sống mấy mươi năm, từ ngày có chồng đến giờ, chưa có một ngày hạnh phúc, khổ lắm cô ơi. Con ráng chờ gả xong con Út rồi đi tu”.
Đã biết con đường ấy khổ, nhưng cũng ráng gả cho xong con Út. Thật là lối cũ vòng quanh, không thoát ra được. Nhiều vị con có chồng thì vui vẻ, con đi tu thì khóc hết nước mắt. Đi tu cũng xa, có chồng cũng xa, tại sao có chồng lại chịu, đi tu lại không chịu? Có lẽ họ nghĩ có chồng sẽ hạnh phúc, còn đi tu sống đời kham khổ. Nhưng cuối cùng đứa con nào sướng? Thực tế cho thấy đi tu sướng về tinh thần và sau này còn lo trả hiếu cho cha mẹ nhiều hơn người không tu. Nhưng với điều kiện người đi tu phải tu cho đàng hoàng, tu đúng chánh pháp.
Người đời mê khổ đã đành, còn Phật tử chúng ta học đạo, hiểu đạo, biết hết mọi lẽ đúng sai mà vẫn khổ mới lạ. Thế gian không biết con đường khổ nên đi theo, mình biết rất rõ tại sao lại không tránh, không nhắc nhở người thân cùng tránh. Mỗi lần ta phiền não là tạo nghiệp, gặp cảnh tham, sân, si là tạo nghiệp. Tạo nghiệp thì chuốc quả khổ, biết chắc chắn như vậy, tại sao không tự khắc phục mình, không tự ra lệnh cho mình đừng dính với cảnh. Nếu không dính thì mình không khổ, biết như vậy mà làm không được, mới tức mình. Chúng ta khổ là do vướng vào, gá tâm vào các duyên rồi chấp kẹt nơi đó. Bây giờ đừng gá nữa, hoặc lỡ gá thì gỡ từ từ, đằng này chúng ta không gỡ mà còn cố cột thêm. Như vậy biết bao giờ mới hết khổ.
Muốn càng nhiều thì khổ càng lắm. Bốn đại quay cuồng không điều hòa là khổ về thân. Tâm vọng tưởng lung tung, niệm niệm không dừng khiến ta luôn bất an là khổ về tâm. Năm ấm sắc, thọ, tưởng, hành và thức, lừng lẫy nhấp nhô như từng cơn sóng trào làm chúng sanh đảo điên, ăn không được ngủ không được, gọi là năm ấm xí thạnh khổ. Bây giờ chúng ta hiểu được nguyên nhân gây khổ từ sự mê lầm chấp chặt của mình, thì phải tháo gỡ, không nên trói cột nữa.
Hồi chưa học Phật, chưa là Phật tử, chúng ta khổ mười, bây giờ giảm bớt còn tám, sáu, năm, ba, hai, một, chứ không thể hồi trước khổ một bây giờ khổ hai ba. Như vậy không được, không phải là người Phật tử.
Việc tu không phải gắng sức như đưa gánh nặng ngàn cân lên vai hay bươn chải kiếm sống. Người tu cốt dùng trí tuệ và ý chí nghị lực bên trong.
Trí tuệ là căn bản, tại sao phải có thêm ý chí nghị lực?
Chúng ta học hiểu biết ứng dụng, nhưng việc thực hành không phải ba bữa là xong. Như mình biết sân là nghiệp xấu, là nhân đọa vào địa ngục, nên gặp điều bất như ý thay vì la toáng lên mình dằn bớt. Đó là tu sửa, tuy nhiên chuyện này không phải làm một thời gian ngắn là thành tựu mà phải tu sửa suốt đời. Không phải khi gặp chuyện mới tu, khi không gặp chuyện vẫn tự nhắc mình tỉnh.
Phải có thói quen tự nhắc mình tỉnh thức trong mọi sinh hoạt. Nhờ có độ tỉnh trước, nên khi gặp cảnh chúng ta đang ở tâm tỉnh, thành thử phiền não không đột nhập được. Tỉnh nghĩa là sáng. Sáng thì không si, không si nên cũng không tham, sân. Như vậy cách tu cụ thể là thường xuyên nhắc nhở mình tỉnh giác.
Tuy nhiên chỗ này hành giả phải khéo. Bởi ta đang sống tự nhiên mà nhắc “tỉnh, tỉnh” sẽ trở thành mất tự nhiên, dẫn đến tình trạng nặng nề, căng thẳng. Vì vậy khi khởi niệm nhắc, nhắc xong liền buông niệm nhắc. Thời gian tỉnh kéo dài bao lâu tùy mỗi người, sau đó sẽ quên. Quên ta lại nhắc, vừa nhắc liền buông. Cứ thế thực tập, khéo léo nhẹ nhàng, công phu miên mật nhưng không làm mình mệt mới đúng.
Ngược lại là sai. Chỗ cứu kính không lời và cũng không nhọc nhằn như vậy, nhưng trên bước thực tập bắt buộc phải thế thôi, không có cách nào khác. Bao giờ chúng ta quen, dụng công nhẹ mà tỉnh lực nhiều, tự nhiên không cần nhắc, ta vẫn tỉnh. Đó là công phu đã khá rồi.
Cho nên muốn tỉnh liên tục, bên cạnh trí tuệ đòi hỏi phải có ý chí. Như người nghiện rượu, muốn bỏ rượu đâu phải dùng trí tuệ không, mà còn dùng ý chí nữa. Có thể nói ý chí đóng vai trò quyết định.
Nhận ra được đúng sai là phần của trí tuệ, nhưng vấn đề chuyển đổi tập khí phải dùng tới ý chí. Đây là đi vào lãnh vực thực tập, chớ không phải vấn đề lý thuyết, cho nên phải nắm vững thủ thuật. Trên căn bản lấy trí tuệ làm sự nghiệp, trên công phu lấy ý chí làm chỗ tiến thủ để đi đến thành công.
Ngoài ra cũng cần đến yếu tố tinh tấn.
Có tinh tấn làm bạn đồng hành với ý chí, bền bĩ liên tục, nhất định sẽ thành tựu đạo nghiệp. Chúng ta tu thấy khó quá không phải vì thiếu trí tuệ mà là thiếu ý chí và sự bền bĩ liên tục. Khi gặp buồn khổ la trời, chừng đó mới nhớ tới Phật, mới tu. Bình thường hí hửng dạo phố, mặc tình thả lỏng sáu căn, khi gặp trở ngại khó khăn liền sanh phiền não. Phiền não quá chịu không nổi mới cầu cứu Phật, mới chịu tỉnh. Lúc không đụng chuyện, ta thấy như bình an, nhưng đó là sự bình an trong cái không tỉnh, bình an mà trôi theo cảnh. Vì vậy gặp việc cũng trôi luôn. Nếu bình thường không tỉnh, gặp duyên sân tới chúng ta sân, gặp duyên tham tới chúng ta tham. Tùy theo tập khí mỗi người tham nhiều hay sân nhiều mà tương ưng với ngoại duyên.
Ở đây Tổ dạy “Trồng hoa trên đá” là làm tất cả việc mà không dính, tức là làm trong tâm tỉnh giác. Muốn thế phải có đạo lực rất mạnh. Nếu tâm không tỉnh chúng ta sẽ tạo nghiệp, trước tiên là tạo nghiệp trên tư tưởng. Trong ba nghiệp, một khi ý đã dấy rồi mà không có sự tỉnh giác, thì sẽ dẫn tới cái miệng, miệng nói chưa đủ sẽ dẫn tới tay chân. Thế là tam giới mở ra, ba cõi sáu đường đồng hiện trước mắt. Chuyện này ai tạo? Mình tạo. Tại sao tạo? Tại bất giác. Nếu chúng ta tỉnh giác, an ổn trong cái thấy nghe của mình thì đâu có việc gì. Người đẹp đi ngang cứ đi, ta vẫn ngồi tịnh lặng thấy biết vậy thôi. Hay quá chừng! Tại sao đứng ngồi nhấp nhổm, động đậy con mắt, rọ rạy cái tâm, làm mất hết cái hay của mình. Thật đáng tiếc.
Người ta đẹp, mình ngồi yên nhìn, mình cũng đẹp. Nhưng nếu mình đứng dậy đi theo là hết đẹp, tự nhiên kỳ liền. Ai cũng muốn đẹp chớ đâu muốn xấu, nhưng ta quên khi tác ý rồi thì trở thành xấu, cho nên nhà Phật nói “tâm ư trung xuất hình ư ngoại”. Ý đã xấu thì hiện tướng cũng xấu theo.
Thế nên một người con Phật phải biết bảo dưỡng, nuôi nấng chủng tử Phật. Chủng tử Phật thì phải được nuôi bằng Phật chất, không thể nuôi bằng chúng sanh chất.
Chủng tử Phật là thanh tịnh thì không thể nào lấy ô nhiễm nuôi nó. Cho nên từng giờ từng phút từng giây chúng ta phải lấy Phật chất để trưởng dưỡng Phật tâm, như thế mới có thể thành Phật, mới sống thanh tịnh được.
Niềm vui chân thật rất sâu sắc, rất vắng lặng, không có gì thương tổn, xâm phạm được. Niềm vui này khiến cho mình sống rất đẹp rất hay. Nó nằm sẵn nơi chúng ta, chỉ cần mình nhớ và nhận lại là vui ngay. Ai cũng muốn sống vui thì tại sao chúng ta không chọn niềm vui vĩnh cửu, mà lại chọn niềm vui ngắn ngủi mong manh? Nhiều vị nghĩ ngồi yên sẽ buồn, không vui. Đó là vì chúng ta ngồi yên chưa đúng mức, chỉ ngồi chớ không phải yên. Ngồi mà tư tưởng không yên thì dĩ nhiên là buồn rồi, giống như ai cột trói mình vậy. Ngồi yên đúng mức sẽ rất thích, khi tâm lắng lặng mới thấy không có niệm lăng xăng nào sánh nổi với cái bất động. Bất động mà hằng sáng, năng lực chiếu soi của tâm là vô tận, không thể nói buồn hay vui ở đây được.
Phật tử còn vướng víu việc mưu sinh, đời sống gia đình nhiều bận rộn, không có điều kiện công phu như các thầy cô. Tuy nhiên khi chúng ta đã có tâm niệm tu hành, đã hướng về Phật pháp là trong lòng đã có khuynh hướng. Khuynh hướng này nhất định sẽ được thực hiện một cách triệt để tùy theo duyên của mỗi vị. Song không cần thiết phải đợi đến một thời gian nào, ta mới bắt đầu tu, mà có thể tập tu ngay trong hoàn cảnh riêng của mình.
Chúng ta tập buông bớt duyên, Phật tử biết được các pháp duyên sinh nên không phải khổ vì sự hợp tan của nó, đừng để nó làm chủ mình mà mình phải làm chủ nó.
Để cho duyên sai sử là ta bị lệ thuộc vào nó, lệ thuộc vào ngũ dục, lệ thuộc vào nghiệp. Phật tử muốn tu hành, không đợi già mới tu, tu như thế sẽ không kịp, mà ngay bây giờ tập từ từ. Tập buông việc bớt, đừng sợ. Buông sẽ tốt hơn chớ không xấu hơn đâu mà sợ. Tại vì quí vị già rồi, không có khả năng nắm việc như hồi còn trẻ. Đã không nắm được mà muốn nắm, nhất định sẽ tuột mất. Nếu sáng suốt giao cho con cái nắm, trước khi mình làm tuột mất, có phải hay hơn không? Trong nhà thiền có câu chuyện ăn trộm dạy con rất hay.
Một tên ăn trộm con nói với ăn trộm cha: “Tía à, tía già rồi mà không truyền nghề cho con, mai mốt tía không đi ăn trộm nổi, làm sao con ăn trộm được”. Ăn trộm cha nghe có lý nên quyết định truyền nghề cho con. Một hôm ông rủ thằng con “Bữa nay hai cha con mình sẽ đục vách nhà này”. Vì là ăn trộm chuyên gia nên ông đục vách rất thành công, chủ nhà không phát hiện được. Trộm cha khoét vách tới đâu, trộm con đứng nhìn tới đó. Các công đoạn đã được thực hiện gọn gàng, hai cha con chui vô tới kho mà chủ nhà vẫn không hay. Vào được kho, ông khoét rương đựng vàng. Rương này rất to, mở ra thấy vàng bạc loé mắt, trộm con mừng quá nhào vô hốt, không ngờ trộm cha đẩy một cái mạnh, trộm con lọt tỏm vào rương. Trộm cha nhanh tay đóng nấp khóa lại, rồi vừa chạy vừa tri hô lên có trộm. Bấy giờ người trong nhà xông ra, thấy vách tường bị khoét, họ dò dẫm khắp nơi và chạy vào trong kho. Trộm con điếng hồn, nằm chết cứng trong rương, lúc này nó chỉ tính đường thoát thân nên cũng không hơi sức đâu nghĩ đến chuyện tại sao cha nó lại làm như vậy?
Chủ nhà nhìn thấy mọi vật còn nguyên, kể cả cái rương cũng được khoá kín, nên an tâm là trộm chưa vào tới đây. Trộm con nghĩ, nếu người ta phát hiện mình nằm trong rương cũng chết, mà không phát hiện ra mình cũng chết. Trong lúc cái chết chỉ còn trong đường tơ kẻ tóc, trộm con bỗng nảy sinh ý tưởng, phải làm sao cho họ mở rương, may ra mình còn con đường sống. Thế là nó giả tiếng chuột kêu. Chủ nhà ngạc nhiên, cho mở nắp rương. Nắp rương vừa bật lên, nó cầm ngọc ngà châu báu ném vào mặt chủ nhà, rồi chạy thật nhanh. Dĩ nhiên người ta rượt theo. Nó chạy bán mạng, lúc đó không nghĩ gì hết ngoài cái mạng của mình thôi. Tiếng la hét rượt đuổi gấp ở phía sau, càng khiến nó chạy nhanh hơn. Đến gần một cái giếng, nó mừng quá ôm nguyên tảng đá liệng xuống cái rầm, rồi bò vô lùm cây trốn. Trong đêm tối, nghe tiếng đá rơi xuống giếng, mọi người không nhận dạng rõ nên tưởng tên trộm đã rơi xuống đó. Họ xúm quanh miệng giếng xỉ vả một hồi, ngó quanh ngó quẩn không thấy tên trộm đâu, mọi người đinh ninh thằng nhỏ đã tiêu đời, nên kéo nhau về. Nhờ thế nó thoát thân về nhà.
Chạy về tới nhà, người đầu tiên trộm con tìm chính là cha nó. Trận này định bụng dứt tình cha con luôn, nên nó đùng đùng tống cửa xông vô, thấy cha ngồi thư thả uống trà, còn nói: mừng con đã về. Nó tức lên ruột lên gan, chẳng còn lễ độ:
- Ông thấy hả dạ lắm sao?
Trộm cha đáp:
- Hả dạ lắm chứ.
Trộm con chưa kịp nói thêm câu nói, trộm cha chậm rãi từng lời:
- Chỉ có cách này con mới rành nghề nhanh nhất và tự tin ở khả năng ăn trộm của mình, còn hơn cả cha nữa.
Trộm con từ từ hiểu ra thủ thuật dạy con táo bạo và thần kỳ của trộm cha. Từ đó trộm cha trao hết tay nghề cho con, gác kiếm giang hồ, sống đời thảnh thơi.
Trong nhà thiền thường lấy câu chuyện này để dụ cho khả năng tự ngộ, tự tu, tự chứng của hành giả tham thiền. Mỗi người đều có một con đường riêng để xuất cách, để kinh nghiệm và để viên mãn công phu. Phương tiện truyền đạt chỉ có giá trị giới hạn, đi đến chỗ cứu cánh viên mãn phải là tự thân của chúng ta phát minh sáng tạo. Cái đó mới thật của mình.
Quý Phật tử không có cái gan nhả ra, vì sợ con hư, sợ sự nghiệp tiêu tan thì mãi mãi bị trói chặt trong đó. Đồng ý chúng ta có giáo dục, tinh thần trách nhiệm, nhưng đến lúc nghỉ là nghỉ, đừng nắm níu làm gì. Để cho con cái có cơ hội phát tiết tinh hoa chứ! Gò ép trong khuôn khổ của mình hoài, làm sao nó phát huy được cái riêng của nó. Không chừng thả con ra, lặng lẽ cố vấn cho nó, quí vị sẽ rất thú vị khi phát hiện ra con còn giỏi hơn mình. Quí vị lo quá thì không còn chỗ đâu cho con nó lo. Quí vị không thèm lo nữa, tự động nó biết lo. Con người có bản năng sinh tồn mà. Con hư thì đã hư trong tầm tay của quý vị rồi. Chúng ta thấy có nhiều đứa con hư từ lúc còn nhỏ, tuy cha mẹ cưng chiều, thương yêu vô cùng mà nó vẫn hư. Ngược lại, có những đứa bất hạnh, bỏ cù bơ cù bấc mà nó không hư, về sau lại rất hữu dụng cho đời.
Cho nên muốn tu thì chúng ta phải gan, sắp xếp cho gọn, để còn nhẹ tay nhẹ chân mà tu chứ.
Trong kinh Kim Cang, Tôn giả Tu Bồ Đề hỏi Phật: Làm sao hàng phục tâm và an trụ tâm? Phật dạy: Muốn hàng phục tâm thì ở trong không có vọng tưởng, tức là đưa tất cả chúng sanh vào tịch diệt mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ. Bên ngoài mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị đừng chạy theo, đừng mê đắm, đó là an trụ tâm.
Lục Tổ cũng dạy: Ở trong không loạn là định, ở ngoài không động là thiền, đây gọi là thiền định.
Sơ Tổ Trần Nhân Tông đi theo tông chỉ này, có làm bốn câu kệ:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền,
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Căn cảnh không dính nhau, đó là thiền, cũng là trồng hoa trên đá.
Việc này không chỉ dành riêng cho Tăng Ni, Phật tử tu thiền, mà dành cho tất cả mọi người có Phật tánh, sống trong cuộc đời này.
Hạnh Chiếu

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch